Hai sự việc diễn ra gần trùng thời gian, cách nhau có mấy ngày, cho thấy rằng chính quyền nhất định phải nắm tóc được giới nghệ sĩ nói chung và ca sĩ nói riêng.
Mấy hôm trước thì ca sĩ Tuấn Hưng chấp nhận nộp phạt 12,5 triệu vì lỗi rất ngớ ngẩn mà thực ra không có trong luật lệ nào, đó là tự tiện biểu diễn không xin phép trong phạm vi tư gia. Chuyện này mình đã viết status, lỗi không ở Tuấn Hưng mà ở luật (nói chung để chỉ cả luật, nghị định, thông tư...) chưa được chặt chẽ với trường hợp này. Mình đã chỉ ra là áp luật đó vào đây là không đúng.
Thế nhưng chuyện hay ho hơn là ngay sau khi chịu đóng phạt, tức là ngoan, thì Tuấn Hưng được cho làm phó chủ tịch Hội nghệ sĩ trẻ Hà Nội mà không thấy nói tới việc bầu bán gì ! Nó giống như một món quà cho một nghệ sĩ biết nghe lời?
Không chỉ là món quà, đây còn là cái xích quàng vào cổ Tuấn Hưng. Vì kể từ đây, anh đã trở thành "người nhà nước", sẽ phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên và làm tấm gương sáng cho các anh chị em văn nghệ sĩ trẻ noi theo!
Ngay sau đó, Tuấn Hưng lại được cấp phép tổ chức show diễn tại ban công nhà mình. Báo chí nói là sau khi cấp phép thì an ninh trật tự sẽ tốt hơn và đặc biệt là có thể phòng chống dịch?
Nhưng nhìn ảnh là thấy, mấy chú cảnh sát cơ động đứng làm màu thôi chứ đâu thể kiểm soát nổi an ninh, chủ yếu là ý thức của khán giả thôi. Còn chuyện chống dịch thì thôi khỏi nói, nó đâu khác gì với không xin phép?
Việc cấp phép biểu diễn lại cũng là cách để khóa mồm các anh em trước đây bảo là Tuấn Hưng biểu diễn gây ồn, cần phải chấm dứt. Làm gì có chuyện cấp phép để được gây ồn!
Tóm lại chỉ là chính quyền muốn nắm tóc cậu ca sĩ này và muốn đưa ra một thông điệp là NGOAN THÌ SẼ CÓ QUÀ. Đó là tâm gương cho các nghệ sĩ khác.
Còn một chuyện khác vừa mới xảy ra, nó tương phản với việc Tuấn Hưng được ưu ái, là show diễn của ca sĩ Khánh Ly cùng vài ca sĩ hải ngoại khác. Tất nhiên những ca sĩ này ở tầm cao hơn Tuấn Hưng nhiều, và có xin cấp phép biểu diễn và được tổ chức chuyên nghiệp bởi công ty tổ chức sự kiện. Điểm biểu diễn cũng là thánh đường âm nhạc là Nhà hát lớn. Nhưng rất tiếc là đúng ngày biểu diễn thì bị cúp điện. EVN phải xem xét lại năng lực nha!
Không khó đoán lý do phía sau câu chuyện này, vì còn hai show diễn khác ở Huế và Hải Phòng cũng bị gây khó khăn. Không thể có sự trùng hợp như vậy được. Lý do chỉ có thể là ca sĩ này không ngoan!
Mà đúng là không ngoan thật. Khánh Ly vốn không ưa chế độ cộng sản, từ khi hát ở Thúy Nga bà đã có những ý kiến khá là nhạy cảm, cũng như hát nhiều bài có nội dung kiểu vậy. Hơn nữa, với một show nhỏ ở Đà Lạt, Khánh Ly cũng đã tự do hát thêm bài hát 'ngoài luồng" không nằm trong danh sách đăng ký. Rõ ràng là dưới con mắt của chính quyền thì bà rất không ngoan, nhất là với quá khứ chống cộng như vậy. Thế thì điện phải mất thôi, chắc bị trộm cắt cáp!
Mình tin là nếu Khánh Ly lên báo nói vài câu tỏ ra ngoan ngoãn, ca ngợi chế độ, thì điện sẽ có ngay, nhưng chắc bà sẽ không làm.
Việc người nghệ sĩ chọn lề nào, hay bất cứ ai chọn lề nào, là quyền tự do lựa chọn của họ, mình không đả kích ai cả. Tuấn Hưng có thể chọn cách ngoan, để còn làm ăn, Khánh Ly có thể chọn sự ngang tàng vì chẳng còn nhiều thời gian để mà quỵ lụy. YouTuber Dưa Leo có thể chọn cách kiện báo Nhân Dân, nhưng người đồng nghiệp streamer Milona chọn cách nộp phạt với một lỗi bị xử ép. Đó là quyền của họ.
Tiền và sự yên ổn làm ăn thì ai cũng quý. Nhưng không phải ai cũng định giá được sự tự do. Tuấn Hưng bán sự tự do với giá 12,5 triệu, được bo thêm chức phó chủ tịch Hội nghệ sĩ trẻ. Milona nộp 12,5 triệu để tiếp tục hành nghề với thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng. Khánh Ly có thể thiệt hại hàng tỉ khi mất show. Nhà hát lớn phải đối mặt với vụ kiện của công ty tổ chức biểu diễn vì họ bị thiệt hại hàng tỉ và cũng bị thiệt hại vì mất tiền cho thuê. EVN Hà Nội có thể phải đương đầu với dư luận vì làm ăn tắc trách để cá trê cắn cáp!
Vậy tự do đáng giá bao nhiêu?
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 25.09.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.