1. Diễn biến các mặt trận
Bản tin chính thức cấp Nhà nước Ukraine viết:
• Nhờ các hành động thành công của lực lượng Phòng vệ, địch tiếp tục bị tổn thất về nhân lực và trang thiết bị. Đặc biệt, kết quả của các cuộc tấn công vào khu vực tập trung nhân lực và thiết bị quân sự của địch vào ngày 19 tháng Chín năm nay, đã được xác nhận:
- Thiệt hại cho khu vực tập trung quân nhân ở quận Polohy, với số lượng hơn 20 người; tại quận Melitopol – một kho đạn dược, 5 đơn vị quân trang và hơn 20 quân nhân;
- Trong khu vực định cư Kamianka – 10 đơn vị thiết bị quân sự và hơn 10 quân nhân thuộc các đơn vị của lực lượng chiếm đóng.
- Việc phá hủy văn phòng chỉ huy ở thành phố Svatove, vùng Luhansk, nơi địch tổ chức sở chỉ huy và kho đạn dược, cũng được xác nhận.
Bình loạn : Những gì chúng ta đã bàn hôm qua hôm nay vẫn tiếp tục… diễn biến: quá trình ngăn chặn vẫn diễn ra và không chỉ ở Kherson mà còn ở Zaporizhzhia và Donbas.
Trên hướng Bakhmut, quân Nga vẫn tấn công nhưng số mũi tấn công giảm đi nhiều. Bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết:
• Trong ngày qua, các đơn vị bộ đội của chúng ta đã đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương tại các khu vực định cư Zaitseve, Odradivka và Novomykhailivka.
Nếu như so sánh với hôm trước (20/09) thì số khu vực tấn công của Nga xung quanh Bakhmut nhiều hơn hẳn, bản tin viết:
• Trong ngày, quân đội Ukraine đã đẩy lùi một số cuộc tấn công của kẻ thù trong các khu vực định cư của Vesele, Kurdyumivka, Mykolaivka Druha, Bakhmuts’ke, Zaitseve, Mayorsk, Pervomais’ke, Maryinka và Novomykhailivk
Có một điểm xin các bác chú ý giùm là hôm kia, số thiệt mạng của quân Nga và ly khai là 300 thì hôm qua lại vọt lên 400, trong đó có những con số báo cáo thiệt hại nhân mạng sau các cuộc pháo kích chính xác của Ukraine. Riêng vụ tiêu diệt trụ sở chỉ huy Svatove đã được xác nhận cả số lượng lính bị thương vong và vũ khí khí tài.
2. Chuyện Nga tổng động viên
Ngày hôm qua chuyện Nga tổng động viên được nói đến nhiều nhất. Về vấn đề này tui đã từng trình bày đôi chút. Hôm nay xin nói rõ hơn một số khía cạnh của vấn đề. Hôm qua theo dõi nhiều status của các bác, thấy có bác nói thực chất đây là “Tổng động viên,” vậy trong trường hợp cụ thể của Liên bang Nga thì nó có phải là tổng động viên hay không?
“Tổng động viên” phải là kết quả của việc BAN BỐ TÌNH TRẠNG CHIẾN TRANH, vốn là quyền của Quốc hội và Nguyên thủ Quốc gia chỉ làm cái việc công bố nó ra, nôm na là một việc thuần túy kỹ thuật. Tất nhiên trong trường hợp của nước Nga Putox sẽ rất khác: tất cả theo ý thích của tay cuồng sát này cả, nên quốc hội cũng chỉ làm vì thôi.
Như vậy việc ban bố tình trạng chiến tranh sẽ đặt đất nước vào thời chiến, trong đó có các hành động bắt buộc phải thực hiện:
(1) Lệnh tổng động viên. Tất cả nam giới từ đủ 18 đến dưới 60 sẽ phải nhập ngũ. Theo con số báo cáo chính thức, nước Nga có 60% dân số trong độ tuổi này, như vậy nếu tính nam giới sẽ dưới 30% một chút và như vậy con số sẽ tương đương 30 triệu dân Nga nằm trong diện bị gọi nhập ngũ.
Lệnh tổng động viên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh bao giờ cũng đi kèm với việc Quốc hội ban hành một quyết định cho “đóng băng” tạm thời điều khoản cấm quân đội nước này đưa binh lính nghĩa vụ ra cầm súng đánh trận, mà chỉ có những binh lính tình nguyện theo hợp đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc đã bị gọi là phải đi, nếu đã đi là không phân biệt, ai cũng có thể phải ra tuyến đầu cầm súng hết.
(2) Tất cả nền kinh tế chỉ phục vụ thời chiến, kể cả nhu yếu phẩm cũng theo kế hoạch sản xuất thời chiến.
Điều này trong bài dẫn link trên đây tui đã trình bày, lúc đó không phân biệt thành phần kinh tế nào hết, tư nhân hay Nhà nước thì cũng phải sản xuất theo kế hoạch của Chính phủ phục vụ cho chiến tranh. Việc này với một nước xã hội chủ nghĩa trước đây có nền kinh tế tập trung cao độ theo mệnh lệnh thì dễ, bây giờ với một nước đã tư nhân hóa đến cùng cực thì hơi khó.
(3) Tuyên chiến với một quốc gia khác. Tình thế này bắt buộc phải xác định ranh giới địch ta với hầu hết câc quốc gia và hầu hết các quốc gia cũng phải như vậy, tuyên bố ủng hộ hoặc phản đối, khó có chuyện quan ngại, vì có khả năng đối mặt với trừng phạt chết lây.
Ngày hôm qua, trùng hợp với phiên họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên hiệp quốc và Ngày Hòa bình thế giới (Pro-Putox lại được dịp ca ngợi cho “hành động kiến tạo hòa bình” của con quỷ này đây – đúng là yêu quá hóa rồ) thì Putox làm cái trò khỉ này.
Không rõ Putox chơi trò ma dại này với mục đích gì, nhưng rõ ràng là nó đã đặt cả những nguyên thủ còn đang hy vọng cho một giải pháp hòa bình vào bất cứ thời điểm nào của cuộc chiến, có thái độ khác hẳn. Tổng thống Cộng hòa Pháp Macron khẳng định: “Những gì mà chúng ta thấy được từ hôm 24/02, chính là sự trở lại của chủ nghĩa thực dân thuộc địa.” Còn Thủ tướng Đức ông Olaf Scholz đã nói: “Cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine là chủ nghĩa đế quốc thuần túy và gây ra mối nguy hiểm không chỉ cho châu Âu mà còn cho hòa bình ở mọi nơi trên thế giới.” Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng chỉ trích Nga về chủ nghĩa đế quốc. Theo Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Mátxcơva đã đe dọa uy tín của Liên hợp quốc và an ninh toàn cầu.
Ngày hôm qua tui viết câu này trong chat room với một người bạn: “Tình thế này bắt buộc phải xác định ranh giới địch ta với hầu hết câc quốc gia và hầu hết các quốc gia cũng phải như vậy, tuyên bố ủng hộ hoặc phản đối, khó có chuyện quan ngại…” là trước khi đọc tin tổng thống Pháp phát biểu. Ngoài câu nhận định trên ông còn nói:
“Các nước giả vờ đấu tranh theo kiểu các nước không kiên kết, từ chối không biểu lộ rõ ràng, họ đã nhầm và phải chịu một trách nhiệm có tính lịch sử. Các nước im lặng ngày hôm nay, dù họ không muốn, hoặc muốn một cách ngấm ngầm, họ dang phục vụ cho sự nghiệp của chủ nghĩa thực dân mới, phục vụ cho việc phá hoại những nền tảng đạo đức thông thường. Các bạn ủng hộ hay chống luật của kẻ mạnh, ủng hộ hay chống sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các nước, ủng hộ hay chống kẻ muốn làm gì cũng được?”
Đến đây chúng ta đã hiểu rất rõ hậu quả của việc Nga tổng động viên, mà cái gốc của nó phải là việc ban bố tình trạng chiến tranh, thường người ta làm khi đất nước bị xâm lược để có thể huy động được mọi nguồn lực quốc gia cho một cuộc chiến tranh vệ quốc. Nếu Putox làm việc đó lúc này vẫn có thể huy động được nguồn lực quốc gia trong một giai đoạn nhất thời, nhưng nếu có chiến tranh xâm lược thực sự, họ sẽ không còn làm như vậy được nữa với rất nhiều người dân Nga. Đó gọi là hội chứng mất lòng tin đối với chính quyền.
Đối với những trường hợp ỡm ờ nhờ nhờ nước hến, nếu Nga tuyên chiến với Ukraine một cách chính thức, thì ngay cả một nước ở Tây Phi vốn dẫn đầu trong phong trào quan ngại, cũng không còn được phép ấm ớ được nữa. Có một điều thể hiện rất rõ là ở thời hiện nay, những giá trị mang tính son phấn tung hô mãi cũng không làm đầy được nồi cơm, và Bê-i-đê-Tây-Phi, một ngân hàng có hạng của Tây Phi cũng từ chối phương thức thanh toán MIR của Nga, vì sợ… Mỹ cấm vận.
Nghiêm trọng hơn, cụ Bai-đân tổng thống Hoa Kỳ nói đơn giản: “Nga vi phạm Hiến chương Liên hiệp quốc 1945.” Người Mỹ nói ít hiểu nhiều, với ai chứ với tui đây là một lời đe dọa không hề đùa. Nếu đọc Hiến chương Liên hiệp quốc thì chúng ta thấy Nga vi phạm những nguyên tắc cơ bản ngay từ chương đầu tiên.
Lần đầu tiên trong lịch sử của Liên hiệp quốc, một quốc gia lại là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an vi phạm nghiêm trọng từ những nguyên tắc cơ bản cho đến những điều khoản chi tiết. Điều này đặt ra cho Tổ chức lớn nhất thế giới này những thách thức nghiêm trọng và đòi hỏi nó phải có những hành động cụ thể hơn.
Trong 3 cựu sinh viên luật, thì đến nay sinh viên V. Zelensky tỏ ra xuất sắc hơn hẳn, còn hai sinh viên V. Putox và D. Mevedev (cha này còn là giáo sư luật) thì tỏ ra tầm thường thậm chí cứ túng quẫn là nói dốt và hành động dốt. Trong bài phát biểu hôm qua của Zelensky (bằng video gửi đến) ông nói rõ: cần xem xét lại tư cách thành viên Hội đồng Bảo an của Nga.
Câu
chuyện không hề tầm phào chút nào, gì chứ đội ngũ luật sư sừng sỏ để xử lý vấn
đề này Mỹ và Ukraine chuẩn bị được, thì so với họ Nga tuổi tôm. Tất nhiên đây
là một việc rất khó nhưng nếu chiến sự tiếp tục leo thang, thì việc đưa vấn đề
ra Đại hội đồng là một việc hoàn toàn có thể. Hậu quả pháp lý của một cuộc bỏ
phiếu loại Nga khỏi ghế ủy viên thường trực (thậm chí còn lâu mới được bầu làm
ủy viên không thường trực) là hoàn toàn có thể. Trong trường hợp không chấp
hành thì chỉ có thể là tự khai trừ mình ra khỏi tổ chức, việc không ai dại mà
làm.
Tui xem hành động này của Putox là trò lách luật khi động viên một phần. Để xem xét hành động này chúng ta cần đưa ra vài cách tiếp cận:
- Thứ nhất, Nga Putox thực sự muốn leo thang chiến tranh, trong đó với các mục tiêu của nó là (1) Chiếm toàn bộ vùng Donbas, mà như kết quả của chiến sự vừa qua phải chiếm lại được làng Bilohorivka của Luhansk, Bakhmut và một đống làng của Donetsk và cuối cùng là hai thành phố Kramatorsk và Slovyansk. Ngoài ra các mục tiêu phụ là phải thủ chắc ở hai tỉnh Zaporizhzhia và Kherson không để quân Ukraine vây ép đánh lấn “ngăn chặn” dẫn đến phải rút lui và mất đất.
Tại sao lại cần nhiều quân như vậy? Vì Nga không thể thắng được nếu không có sự vượt trội về lực lượng: quân số và hỏa lực. Theo lý thuyết như vậy để chiến thắng, quân đội Xô-viết cần quân số gấp 3 đến 4 lần quân địch khi tấn công. Câu hỏi đặt ra là trong 300.000 quân đó liệu bao nhiêu % cầm súng bắn nhau trực tiếp? Nếu là 200.000 thì 100.000 kia chạy gạo để nuôi lại chết đói cả lũ với nhau. 300.000 quân cần ít nhất 30.000 cái xe tải, thứ mà với Nga bây giờ sẽ vẫn lại là bài toán rất khó.
Đó là chưa kể đến hàng nghìn hàng vạn đầu mục hàng hóa từ nhu yếu phẩm đến đạn dược, đến chi tiết của súng trường tấn công, nòng pháo, gioăng phớt, vòng bi… Nếu Nga tung vào chiến trường 70.000 quân ở Donbas và 30.000 quân ở mặt trận nam thôi, thì quân số để phục vụ chúng cũng lên tới ít nhất từ 100.000 đến 150.000 người. Để chuẩn bị cho một chiến dịch 1 triệu quân, Liên Xô ngày xưa mất khoảng 2 tuần với khối lượng công việc khổng lồ nhưng với điều kiện là cả nền sản xuất thời chiến đang chạy vo vo rồi, chứ không phải như bây giờ là cả một cỗ máy nằm phủ bụi và không biết bộ phận nào hỏng, bộ phận nào còn tốt.
- Thứ hai, trong hoàn cảnh không thể ban bố tình trạng chiến tranh, thì số quân đó không phải ai cũng sẵn sàng ký hợp đồng để cầm súng, vì làm như vậy vi hiến. Như thế, Nga sẽ phải ban hành thêm một số luật bổ sung có tính chất “ị vào hiến pháp.” Nếu trong thời gian tới Putox ký thêm vài luật tương tự vậy, khả năng này (bắt buộc số quân dự bị này phải tham gia chiến đấu) sẽ là rất cao. Nếu không, thì quân số này sẽ được dùng để bổ sung cho số lính kỹ thuật mà hiện nay chắc chắn quân đội nước này đã bị tổn thất rất lớn, dẫn đến tình trạng bần cùng về kỹ thuật của quân đội. Những cá nhân sẵn sàng ký hợp đồng chiến đấu để nhận mức thu nhập cao hơn, có thể sẽ được sử dụng đào tạo thêm để đảm nhận những vai trò từ tiểu đội trưởng (hạ sĩ quan) và cao hơn (sĩ quan sơ cấp).
- Thứ ba, cũng liên quan đến cái “thứ hai” trên đây là Nga Putox trong suốt gần 7 tháng vừa qua đã rút rỗng các hướng phòng thủ chiến lược, chúng ta có thể điểm mặt đâu cũng phải cử các đơn vị tham gia: Quân khu miền Tây, Quân khu miền Đông, Quân khu miền Nam, Quân khu Kavkaz, Quân khu Zabaikan và Quân khu trung tâm… Hải quân có đủ mặt các Hạm đội đều phải cử các đơn vị Thủy quân lục chiến tham gia: Hạm đội Baltic, Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Thái Bình Dương và đặc biệt là Hạm đội Hắc Hải.
Số quân dự bị này có thể phần nào không phải ra trận mà để bổ sung các hướng phòng thủ đó, mặc dù thực tế lúc này chắc là không có ai mang quân đi xâm lược họ đâu. Tuy nhiên để rỗng các hướng như thế nó hoàn toàn sai với lý thuyết phòng thủ quốc gia, vì vậy bắt buộc không sớm thì muộn, cũng phải bổ sung.
Theo tui hiểu thì gần như chắc chắn là 300.000 đàn ông kia của Nga, không phải ai cũng bị gọi đi ngay, nghĩa là sẽ bị gọi từng phần. Việc anh em nhà Putox – Shoigu tuyên bố và ký lệnh là để “đặt bộ phận quân dự bị đó vào tình trạng sẵn sàng bị tái động viên.” Hành động dạng này có một số ý nghĩa, ví dụ như kích động tinh thần dân chúng và thậm chí thử thách cái tinh thần này, thử xem mức độ bất mãn của dân chúng đã có chưa và nếu có, nó lên đến đâu rồi…
Về kỹ thuật, có thể họ sẽ lôi một phần con số đó đi, nhất là những người sẵn sàng ký hợp đồng chiến đấu để bổ sung cho mặt trận (nhưng chắc chắn không bao giờ đạt con số 300.000 người đi đánh nhau cả, 200.000 người còn khó, 100.000 thì còn phải chờ xem). Nghĩa là chúng ta hãy cùng hình dung, việc tái động viên này có thể là một kế hoạch hỗn hợp vừa bổ sung các đơn vị cũ, hình thành đơn vị mới và cả quẳng vào lò lửa chiến tranh.
Nhưng dù thế nào chăng nữa, tui cũng chia sẻ sự đồng ý kiến với rất nhiều bác, đặc biệt là của một số nhân vật của thế giới như bà thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ. Hành động này là sự thừa nhận chắc chắn cho thất bại của Putox trong cuộc chiến tranh với người Ukraine. Thêm nữa, dù có quẳng thêm bao nhiêu quân vào nhưng tất cả những gì quân đội Nga thể hiện trong suốt cuộc chiến, cho thấy có thêm quân cũng chẳng ý nghĩa gì, mà chỉ tổ chết thêm nhiều người mà thôi. Thua, chắc chắn là thua, 100% là thua.
3. Về vấn đề trưng cầu dân ý của 4 vùng Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson
Chuyện này mới buồn cười, nếu bác nào đọc Lee Yutong sẽ thấy lão ta chém là việc sáp nhập 4 vùng này vào Liên bang Nga sẽ “danh chính ngôn thuận” là Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga và từ đó cho Nga căn cứ để tấn công lại bằng những đòn khủng khiếp, “lôm la” là dùng vũ khí hạt nhân. Có thể lão ta vồ lấy và nhai lại tuyên bố hoặc nhận xét của một nhân vật phương tây và vội vàng ôm chặt để làm luận điểm: “Đấy nhé, tây còn nói như thế!”
Thực tế thì bất chấp nhiều lần con nghiện vodka D. Medvedev dọa dẫm nếu người Ukraine đụng và Crimea, thì Nga sẽ đáp trả, cũng lại dọa vũ khí hạt nhân. Ấy thế mà bị quại mấy đòn đau hơn hoạn, từ Tuần dương hạm Moskva đến căn cứ không quân hải quân Saki, đến trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol và cả kho đạn dược to vật ở Dzhankoi… thế vũ khí hạt nhân của các ông đâu?
Ngược lại, rất nhiều nguyên thủ các nước tuyên bố nếu trưng cầu dân ý, thì đó là giả mạo. Hơn thế nữa, cụ Bai-đân cũng nhắn nhủ Putox luôn về vũ khí hạt nhân và chị Liz Truss cũng không ngoài cuộc.
Tui rất muốn hỏi lão Lee Yutong này một câu thôi, là lão đã tính đến hậu quả của vụ trưng cầu dân ý hay chưa?
Thứ nhất, nếu trưng cầu dân ý để sáp nhập những vùng đó vào Nga trong hoàn cảnh cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putox đã chạy được hơn nửa năm, thì hóa ra nó chẳng phải là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” với những mục tiêu phi quân sự hóa chính quyền Ukraine, phi phát-xít hóa xã hội Ukraine… nữa, mà là một cuộc chiến tranh xâm lược đúng nghĩa. Trường hợp này có thể dẫn đến những hành động pháp lý mạnh hơn nữa của Ukraine, ví dụ đệ đơn yêu cầu Liên hiệp quốc chính thức tuyên bố “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là chiến tranh xâm lược đối với một quốc gia có chủ quyền. Các hậu quả cụ thể hơn nữa tui đã viết ở phần trên.
Thứ hai, khi mà các vùng tạm chiếm này đã được sáp nhập, thì xung đột quân sự hiện nay chính thức là một cuộc chiến tranh đối với nước Nga, nghĩa là Nga bị tấn công vào lãnh thổ của mình. Điều đó sẽ đặt Nga vào tình thế bắt buộc phải tuyên chiến và đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh, dù không muốn. Xin các bác hiểu giúp là hiện nay Putox mới đặt nền kinh tế đất nước vào phục vụ chiến tranh, chứ chưa phải đặt toàn bộ đất nước nhé – điều đó có thể thực tế không khác nhau nhiều nhưng về khái niệm thì rất, rất khác đó ạ. Dẫn chứng Crimea bị tấn công trên đây mà Nga đã cố lờ đi, hoặc giải thích do… hút thuốc, nấu mì… cho thấy muốn đánh được người không hề đơn giản. Tình thế lúc này đủ thấy “chưa đánh được người mặt đỏ như vang” còn bây giờ thì đúng là vàng như nghệ rồi nhé.
Do vậy, cái trò mèo gọi là “trưng cầu dân ý” này chỉ đầu tiên, thỏa mãn tâm lý hiếu chiến bệnh hoạn của tất cả cái bọn Lee Yutong, Lee Shimuo và thậm chí cả ông Trạng Sư Trạm Biến Áp. Còn nếu Putox cho làm thật, thì chúng ta có thể nhận xét sự kiện này như thế nào?
Có thể, lão ta muốn chạy đua với thời gian, khi mà mọi thứ đang cho thấy quân Ukraine cũng dám tấn công nhanh và mạnh, trong khi đó đà tan rã của “liên quân Nga ly khai” là khó tránh khỏi. Trưng cầu dân ý rồi sáp nhập, lão ta sẽ có căn cứ để trước mắt khẩn trương tuyên bố một chiến thắng với dân chúng trong nước, nôm na là khó khăn về quân sự thì ta tìm chiến thắng chính trị trước đã, sau đó tính tiếp. Sau khi sáp nhập xong sẽ là kỹ thuật ấn hộ chiếu vào tay và nam giới còn loạng quạng ở những vùng đó, bị bắt lính cho bằng hết, và lập tức làm bia đỡ đạn luôn. Từ đó, lão ta sẽ cho chiến sự nhì nhằng ra thế nào thì ra, chứ cố thủ thắng tầm này chắc chắn là cũng hiểu đã khó khăn lắm rồi.
Hôm qua tui có đọc bác nào gửi, cậu nào ấy pro-Putox đưa ý kiến rằng Nga Pu sẽ lại cố chiếm Odesa bằng mũi tấn công mơ hồ nào đó lên phía bắc thành phố Mykolaiiv – tui nghĩ thằng này thần kinh à. Đi thẳng không xong lại còn đi đường vòng. Kinh nghiệm đi bộ 600 km trong trời tuyết, cháu phải gọi chú Trạng Sư Trạm Biến Áp bằng cụ cháu ạ.
4. Nhận xét và Đoán mò
Hôm qua có bác sau khi nghe tin rộ lên là Putox động viên một phần, gọi lũ quân dự bị ra chiến trường cảm thán một câu: “Chiến tranh còn kéo dài.” Tuy nhiên nhìn thái độ bỏ đi của dân Nga, cứ cho là chỉ chiếm 0,5% của con số 300.000 chú trong diện bị gọi, thì chẳng qua chú nào kẹt lại là không chạy được thôi. Tác động tâm lý xã hội của hành động đó là không hề đơn giản.
Thiển nghĩ ở đây tui không cần bình thêm mấy cái loạn là “đẩy đất nước đến chiến tranh kiệt quệ, tài đến thế là cùng” – chuyện đó để cho Lee Yutong, Lee Shimuo và ông Trạng Sư Trạm Biến Áp ca ngợi. Tui thì chỉ nghĩ, Putox có ngu mấy thì ngu, cũng đến lúc nhận ra cố đấm ăn xôi cũng vô nghĩa, nhất là cái hệ thống của lão ta đã vô tích sự. Bác nào có thể nói được rằng lão ta còn hy vọng vào cái gì, chứ tui thì chịu.
Chứng kiến cách mà họ (quân đội Nga) thể hiện từ đầu chiến tranh, thú thực là tui rất nản chí. So với quân đội Xô-viết, thậm chí cả quân đội Xô-viết thời Khankhin Gôn đánh nhau với Nhật Bản năm 1939 – 1940 quân Nga bây giờ còn thua xa:
• “Vạch ra kế hoạch đánh lừa địch về mặt chiến dịch và chiến thuật bao gồm những nội dung sau đây:
- Bí mật tiến hành điều động và tập kết quân tăng cường từ Liên Xô đến.
- Bí mật điều chỉnh lực lượng và phương tiện đang phòng ngự bên kia sông Khan-khin Gôn.
- Tiến hành trinh sát thực địa những khu vực, những đoạn xuất phát và hướng tác chiến của bộ đội.
- Đặc biệt bí mật soạn thảo nhiệm vụ của mọi bình chủng tham gia trong chiến dịch.
- Dùng mọi binh chủng, quân chủng bí mật tiến hành trinh sát bổ sung.
- Hoang báo và đánh lừa địch làm chúng lầm lẫn ý định của ta.
Chúng tôi đã dùng những biện pháp trên nhằm gây cho địch có ấn tượng phía ta không có dấu hiệu gì tỏ ra đang chuẩn bị tấn công, mà chỉ thấy ta đang triển khai rộng rãi việc cấu trúc phòng ngự, và chỉ có phòng ngự mà thôi. Vì vậy đã quyết định mọi việc chuyển quân, tập trung quân và điều chỉnh bộ đội chỉ tiến hành vào ban đêm là lúc hoạt động của bay trinh sát và đài quan sát mặt đất của địch bị hạn chế đến mức tối đa.”
Trích “Nhớ lại và suy nghĩ” – G.K. Zhukov.
So với họ hồi đó, quân Nga bây giờ như lũ vừa mù, vừa điếc.
Vậy tại sao lão ta lại làm những cái trò trên đây, nào là “động viên,” nào là “trưng cầu dân ý?” – các bác có thấy báo chí nước Tây Phi rất hay giật tít “Cú đòn bất ngờ quyết đoán của Putox” không? Lão này cũng thích làm những trò giật gân, thích PR hình ảnh. Bây giờ mà tuyên bố thất bại thì chẳng mặt mũi nào, nhưng chắc chắn là phải tìm cách trèo xuống khỏi lưng con hổ mà làm thế nào nó không đợp cho một cái.
Do đó, tui ngờ rằng lão này đang tính toán một trò gì đó mà theo kỹ thuật người ta gọi là “Leo thang để xuống thang” – có thể sẽ cố đánh một trận thật điên cuồng, không tiếc máu xương của dân đen hai bên, rồi tính kế rút. Rất có thể quân Nga lúc rút còn nhanh hơn lúc tiến quân nhiều.
Tuy nhiên thực tế nhiều khi không chiều lòng người, và câu chuyện sẽ phụ thuộc vào cách tiếp cận của người Ukraine thế nào với những kế hoạch chiến tranh sắp tới. Như hôm kia tui đã viết sơ về tình hình mùa đông – chỉ cỡ tháng nữa là khá lạnh rồi, bây giờ bên đó đêm ngủ cũng đã lạnh. Lúc này đang là lúc người Ukraine chạy đua với thời gian để nhận quần áo và thiết bị sưởi cho quân sĩ. Vậy người Nga làm thế nào để kịp trang bị đồ ấm cho 300.000 quân, cũng là một câu hỏi.
Mùa đông đến cũng là mùa mà như trước đây, ông Trạng Sư Trạm Biến Áp (khối A) đã giải thích tại tuyết rơi nên xe tăng Nga mới sa lầy để bị bắt chứ nếu không thì còn lâu – vậy chúng lại sa lầy tiếp. Nhắc đến xe tăng, tui không quan tâm nhiều đến cái 300.000 quân kia, bọn đó ra được chiến trường với đầy đủ quân số, chất lượng chiến đấu cao… còn lâu. Nhưng 200 cái xe tăng T-90 mới moi trong kho dự trữ chiến lược, thì rất đáng quan tâm. Ukraine họ đốt cái số này mới là sướng.
Về kịch bản, ở Kharkiv vừa rồi như thế nào thì cũng sẽ lại như thế: người ta “ngăn chặn” cho đủ đói rồi đánh vài cú xẻ nách, là chạy ngay ấy mà.
Trong một diễn biến khác, có tin rằng Ukraine đã và sẽ nhận được rất nhiều pháo 105 mm và số lượng đạn pháo khổng lồ (có thể là đạn ngu!) Điều đó cho thấy có hiện tượng “clear stock” ở đâu đó và hiện tại đang phải tổ chức tiếp nhận cả… xe tải. Đồng thời nếu như vậy cũng sẽ lại ghi nhận cách sử dụng pháo binh hỗn hợp của người Ukraine: pháo chính xác điểm huyệt, pháo ngu bắn xung quanh…
Và chúng ta tiếp tục khẳng định với nhau, chắc chắn rồi đến ngày không còn quả đạn pháo nào để bắn. 30 vạn quân sẽ đi bằng đầu gối.
PHÚC LAI 22.09.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.