Đăng ngày:
Đà tiến như vũ bão của quân đội Ukraina, Hoàng gia Anh trong thời gian tang lễ của nữ hoàng Elizabeth II là hai chủ đề nổi bật nhất hôm nay. Le Figaro nói về « Cuộc phản công ngoạn mục của Ukraina ở miền đông bắc ». Tương tự với Les Echos và La Croix « Thất bại nặng nề của quân Nga tại đông bắc », « Ukraina khiến quân đội Nga nhận một loạt cú tát trái». Bài xã luận của La Croix mang tựa đề « Bất ngờ Ukraina », trang bìa Libération chạy tựa « Ukraina, sự đột phá » và dành trọn hồ sơ hôm nay cho chủ đề này.
Ukraina tiến quân thần tốc, bản đồ chiến sự thay đổi từng giờ
Thông tín viên Libération mở đầu bài tường thuật bằng nhận xét của tổng thống Ba Lan tại Yalta European Strategy (YES, một loại diễn đàn Davos thường niên ở Ukraina) « Đôi khi điều khó tưởng tượng lại trở thành sự thực ». Ông muốn nói về cuộc xâm lược của Nga bắt đầu hôm 24/02, và một ngày thứ Bảy đáng nhớ khi một loạt các thành phố ở Kharkiv được tái chiếm. Tổng thống Aleksander Kwasniewski dự báo « Giờ đây chúng ta tiến gần đến khả năng lạc quan - Ukraina chiến thắng ».
Từ nhiều tuần qua, mọi cái nhìn đều hướng về Kherson. Nhưng hôm thứ Năm, nhiều lữ đoàn Ukraina đã có đợt phản công chớp nhoáng vào Izium, ngã tư chiến lược giữa Kharkiv và Donbass. La Croix cho rằng yếu tố bất ngờ đạt được do Nga đã lọt vào bẫy khi tập trung quân về Kherson, để hở Kharkiv.
Theo Libération, các nhóm thám báo phối hợp với đoàn xe bọc thép, được pháo binh yểm trợ ồ ạt bằng Himars và đại bác M777 của Mỹ, đã xuyên thủng phòng tuyến Nga, giải phóng Balaklia. Tiếp đó là Volokhiv Yar, Chevchenkove...nhằm cắt con đường tiếp tế huyết mạch giữa Izium với Nga. Đến thứ Bảy, lá cờ hai màu xanh vàng đã phấp phới trên tòa thị chính Kupiansk – nơi tập trung nhiều tuyến đường sắt. « Hoan hô các chàng trai, cô gái ! Quân đội Ukraina tiến còn nhanh hơn mạng 4G của chúng tôi » - nhà mạng Kyivstar viết trên Twitter.
Bản đồ chiến sự của các chuyên gia quân sự phải cập nhật từng giờ, trên mạng tràn ngập hình ảnh người dân ôm chầm lấy các chiến sĩ tại những ngôi làng vừa được giải phóng, hàng đoàn xe quân sự Nga bị phá hủy và những tù binh. Giao tranh còn diễn ra ở Lyman (thuộc Donetsk), Vovchansk (nằm giữa Kharkiv và Nga), và quân Ukraina được cho là đã có mặt ở Svatove (thuộc Luhansk) ...
Thất bại nặng nề nhất của Nga sau trận Kiev
Matxcơva nói rằng đang « tái phối trí » lực lượng từ Balaklia và Izium về Donetsk. Cũng như việc rút khỏi miền đông bắc hồi tháng Tư là do « đã đạt được mục tiêu chiến dịch », triệt thoái khỏi đảo Rắn là « cử chỉ thiện chí ». Tuy nhiên Libération nêu ra số vũ khí, đạn dược rất lớn bị bỏ lại cho thấy đây là một sự tháo chạy trong hỗn loạn. Le Figaro dẫn lời nhà sử học quân sự Cédric Mas lưu ý « một phần vũ khí bị tịch thu có thể được Ukraina tái sử dụng, nhưng nhất là quân đội Nga không còn hỏa lực mạnh ». Tổng thống Volodymyr Zelensky trong video thường nhật tối thứ Bảy nhấn mạnh quân Nga « đã có chọn lựa tốt là chạy trốn ».
Không đơn giản chỉ đánh lạc hướng, mà đây là hai cuộc hành quân khác nhau. Tại Kherson, Ukraina dùng cách vây hãm bằng những trận pháo kích và những cuộc tấn công lẻ tẻ để cô lập quân Nga phía bắc sông Dniepr. Còn tại Kharkiv, Ukraina đã có sự đột phá, đánh thẳng vào trung tâm của kẻ địch khiến lính Nga chạy « vắt giò lên cổ » - từ ngữ của Le Figaro. Thủ lãnh « Cộng hòa Donetsk » nhìn nhận « tình thế khó khăn ». Theo Libération, trên thực tế đây là thảm họa cho Kremlin, là thất bại thê thảm nhất kể từ trận đánh Kiev hồi tháng Hai. Les Echos cũng khẳng định Nga đã « thảm bại » với những đơn vị đầu hàng toàn bộ, xe tăng bỏ lại ngổn ngang…và mặt trận chỉ còn cách biên giới Nga 50 kilomet.
Chỉ năm ngày nữa là đến hạn chót do Vladimir Putin đề ra để chiếm trọn vùng Donbass, quân Nga lại bị sụp đổ trên toàn mặt trận đông bắc. Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận thấy lực lượng Ukraina tiến sâu được 70 kilomet ở một số nơi, từ 06/09 giành lại được trên 3.000 cây số vuông lãnh thổ, nhiều hơn số đất mà quân Nga chiếm được từ tháng Tư. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina, Oleksiy Reznikov tuyên bố không thể đàm phán trước khi tái lập chủ quyền trên toàn bộ đường biên giới cũ, kể cả Donbass và Crimée; Nga phải trả giá cho việc phá hoại và chịu trách nhiệm về những tội ác.
« Lễ hội thời dịch hạch » trong nỗi hoang mang
Trong khi quân Nga phải chạy trối chết, tối thứ Bảy Vladimir Putin khai mạc « vòng đu quay lớn nhất châu Âu » cao 140 mét, thủ đô nước Nga rực sáng pháo bông mừng kỷ niệm 875 năm - một cảnh được tác giả bài viết mượn tạm tựa một vở kịch của Pushkin để mô tả : « Lễ hội thời dịch hạch ». Âm nhạc tưng bừng, đám đông vô tư trong cái nóng mùa hè...
Nhưng từ nhiều ngày qua, chính quyền thử thăm dò khả năng tổng động viên, trên mạng xã hội phe cứng rắn tỏ ra sốt ruột. Theo Les Echos, sở dĩ có những lời đả kích dữ dội, rất nhiều khả năng là đã được một số phe nhóm ngành an ninh (siloviki) bật đèn xanh. Còn cơ quan tuyên truyền bối rối chẳng biết nói gì. Trong những tháng qua họ liên tục ca ngợi những bước tiến của « quân giải phóng » Nga, nay chỉ biết lặp đi lặp lại « đừng hoang mang » - cho thấy bắt đầu hoảng sợ. Một dấu hiệu khác : việc tổ chức « trưng cầu dân ý » bị hoãn lại vô thời hạn. Nhận thấy gió đã xoay chiều, Margarita Simonian, giám đốc Russia Today lâu nay đòi hủy diệt toàn bộ Ukraina và tiêu diệt phát-xít, dịu giọng kêu gọi hòa hợp hòa giải.
Đối với nhà sử học quân sự Michel Goya, khi tiến hành cùng lúc hai chiến dịch quy mô, quân đội Ukraina thực sự tỏ ra hiệu quả. Sau sáu tháng, họ đã tích tụ được kinh nghiệm cộng với quyết tâm bảo vệ đất nước. Vũ khí phương Tây (giàn phóng rốc-kết Himars, đại bác PzH-2000, đại pháo Caesar…) cũng đóng vai trò rất đáng kể trong việc tiêu hủy các kho đạn của địch. Đa số nhà phân tích không hề hình dung ra một sự đảo ngược tình thế như vậy ở giai đoạn này của cuộc chiến.
Bước ngoặt của cuộc chiến
Nhưng quan trọng là khả năng của Kiev huấn luyện được hàng mấy chục ngàn chiến sĩ và củng cố các đơn vị tác chiến đã mệt mỏi, còn Nga không làm được. Chiến thắng của Ukraina cho thấy những điểm yếu to lớn của quân đội Nga. Những đội quân tinh nhuệ đã kiệt lực, được thay bằng tân binh chiến đấu kém hơn, không có khả năng tổ chức những đợt tấn công lớn như vậy. Và tình báo thì quá tệ, Nga không hay biết gì trong khi Ukraina tập trung 5 đến 6 lữ đoàn (từ 10.000 đến 15.000 quân) và nhiều phương tiện quân sự trong vùng.
Cuộc phản công diễn ra trong lúc Nga và các đồng minh (Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Syria…) tập trận lớn ở Viễn Đông, huy động nhiều sĩ quan cao cấp và vũ khí. Ông Goya không chắc các sĩ quan này và nhất là Vladimir Putin ý thức được sự yếu kém của quân đội mình. Quân Nga và ly khai không thể có quyết tâm bằng những chiến binh vệ quốc Ukraina. Nếu có khả năng tổ chức những cuộc tấn công như vậy trong dài hạn, chiến thắng sẽ trong tầm tay Kiev. Theo ông Goya, đa số các nhà quan sát đã đánh giá quá cao sức mạnh của Nga và coi thường khả năng của Ukraina.
Các báo Pháp hôm nay đều coi trận đánh Kharkiv là một bước ngoặt. Le Figaro ghi nhận, người ta không ngớt ngạc nhiên về những diễn biến của cuộc chiến. Thủ đô Ukraina được cho là sẽ nhanh chóng thất thủ, nhưng Volodymyr Zelensky đã chống chọi được, đoàn quân đông đảo của Putin đã phải triệt thoái khỏi Kiev và Kharkiv. Donbass tưởng như mất hẳn sau khi Severodonetsk bị chiếm, nhưng rồi Ukraina đã phản công…Nếu kể thêm việc tái chiếm đảo Rắn, đánh chìm soái hạm Moskva xuống đáy biển, bắn hỏa tiễn sang Crimée thì « chiến dịch quân sự đặc biệt » của Vladimir Putin đã biến thành cơn ác mộng.
Ukraina có thể chiếm lại được tất cả những lãnh thổ đã mất
Trong bài xã luận, Libération nhận định « tất cả đều có thể ». Trái với hy vọng của Putin, vũ khí phương Tây tiếp tục được đưa đến. Mới tuần trước, Hoa Kỳ loan báo một đợt viện trợ mới trong đó có việc chuyển giao ngay một số khí tài. Thời điểm là rất quan trọng : Ukraina cần giành được thêm nhiều chiến thắng trước mùa đông lạnh giá. Về tâm lý, không ít lính Nga có lẽ cũng băn khoăn trước viễn cảnh phải trải qua một mùa đông thứ hai dưới hỏa lực Ukraina, trong khi được hứa hẹn chỉ là một chiến dịch chớp nhoáng.
Xã luận của La Croix nhấn mạnh, làm thế nào lại không ủng hộ một quốc gia, một nền dân chủ đã chiến đấu dũng cảm như thế chống lại một chế độ như Putin, đã kéo quân sang xâm lược bất chấp luật pháp quốc tế ? Sự can dự ngày càng nhiều của Hoa Kỳ làm thay đổi hẳn thế trận, chính phủ Pháp cũng viện trợ vũ khí và hỗ trợ Kiev theo nhiều dạng thức. Nhưng bên cạnh đó còn ảnh hưởng của dư luận, khi giá khí đốt tăng vào mùa đông tới cộng thêm lạm phát, nên càng cần phải đứng vững bên cạnh người Ukraina. Bài xã luận của Le Figaro cũng cho rằng cùng với chiến dịch phản công của Kiev, cần có một đợt huy động mới từ phương Tây – lực lượng của Volodymyr Zelensky xứng đáng với lòng tin ấy.
Nhưng nếu thua đau, Vladimir Putin sẽ phản ứng như thế nào ? Libération lo ngại ông ta có thể điên cuồng trả thù, và như vậy cần phải thật nhanh chóng hỗ trợ Kiev, để tất cả những hy sinh lâu nay không phải là vô ích. Chuyên gia Michel Goya cũng cho rằng Ukraina có khả năng tái chiếm toàn bộ những lãnh thổ đã mất, nhưng câu hỏi lớn là thái độ của Nga. Putin rất khó chấp nhận việc bại trận. Matxcơva có thể ra lệnh tổng động viên dù phức tạp về cả phương tiện lẫn chính trị. Cuộc chiến này, hoặc có thể dẫn đến việc thay đổi chế độ, hoặc biến thành chiến tranh tổng lực với một Nhà nước hung hăng hơn.
Merci Madame, nữ hoàng trọn đời phục vụ nước Anh
Nhìn sang Anh quốc, tất cả các báo đều dành rất nhiều trang cho những bài viết về cuộc đời nữ hoàng Elizabeth II, tang lễ của nhân vật được thần dân yêu mến nhất trong hoàng gia, vai trò của tân vương Charles III, các nhân vật hoàng tộc, những đảo lộn và thách thức sắp tới…
Bài « Merci, Madame » trên Les Echos nhắc đến cuốn sách kinh điển của nhà sử học Mỹ Barbara Tuchman về Đệ nhất Thế chiến, mang tựa đề « The Guns of August » (Những khẩu đại bác tháng Tám). Tác phẩm này mở đầu bằng một chương mô tả cụ thể chi tiết tang lễ vô cùng long trọng của quốc vương Edouard VII ở Luân Đôn năm 1910. Toàn bộ vua chúa, nguyên thủ châu Âu cũng như thế giới đều có mặt để tiễn đưa người con của nữ hoàng Victoria. Thời đó, châu Âu là trung tâm thế giới, và Anh quốc là trung tâm châu Âu.
Năm 2022, châu Âu không còn là trái tim của thế giới và nước Anh từ bảy thập niên năm qua là một quốc gia trên đà đi xuống - một cường quốc bậc trung đã đánh mất tư cách đế quốc, vẫn đang tìm kiếm một vai trò. Elizabeth đệ nhị trong 70 năm trị vì không thể kìm hãm được đà này, nhưng bà đã hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo với phẩm cách, sự duyên dáng, khiêm nhường, đồng cảm, và ý thức trách nhiệm cao độ. Người ta chỉ có thể làm tốt khi yêu công việc, và Elizabeth II đã đóng trọn vai trò nữ hoàng, một hòn đá tảng, một ngọn đèn pha vững chắc của đất nước. Thank you Ma'am.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.