mercredi 28 septembre 2022

Hữu Phú - Tình người trong giông bão

 

Cả đêm hôm qua, tôi gần như mất ngủ, vì sợ cơn bão Noru đổ bộ vào Việt Nam. Dù cơn bão này về mặt lý thuyết thì chẳng hề ảnh hưởng gì tới tôi, bởi tôi ở Sài Gòn từ xưa tới nay, vùng đất lành đối với cả những thiên tai.

Đến sáng, đọc tin tức thấy bão Noru đã giảm cường độ, không thấy liệt kê thiệt hại về nhân mạng, tôi mừng thầm!

Từ bé, tôi đã chú ý đến tin tức về bão lụt miền Trung qua các bản tin trên TV. Ban đầu, là do giai điệu buồn thê thiết của bài nhạc Do Thái “This Land is Mine” lồng trong bản tin, sau đó là nghe giọng đọc trang trọng của xướng ngôn viên, rồi đến những hình ảnh tang thương, lam lũ, rách nát, ngập trong biển nước của những ngôi nhà, con người đau đáu trông chờ cứu trợ…

Cứ thế, từ sâu trong tiềm thức, đối với tôi, thì bão lụt miền Trung là thảm họa, là bi thương, là nỗi đau xé lòng của người dân cả nước. Trong giông bão, tình người Việt Nam thể hiện rõ nhất tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Bầu ơi thương lấy Bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Vậy mà, giờ tôi mới thấy có những người nhân lũ lụt miền Trung để đăng đàn kể lể công trạng với giọng điệu ráo hoảnh, mà lại là biên tập viên đài truyền hình, chuyên tường thuật, thông tin về bão, lũ. Rồi còn có cả những người định “thừa nước đục thả câu”, kêu gọi cứu trợ miền Trung từ khi bão chưa ập vào đất liền, những nghệ sĩ giả vờ “thương vay khóc mướn” với giọng điệu không thể giả dối hơn.

Về mặt tác nghiệp báo chí, thiên tai, địch họa là thời điểm các phóng viên, biên tập viên làm việc căng nhất, phải liên tục cập nhập tin tức theo từng diễn biến trên thực tế… Có lẽ, cô biên tập viên đài truyền hình Việt Nam chỉ muốn khoe khoang chút thành tích, chút công lao, thể hiện mình trong công việc… Nhưng, cái cách viết của cô đã vô hình trung thể hiện bản chất thật con người của cô ấy: Vô cảm, dốt nát.

Vô cảm ở chỗ cô không hề có chút cảm xúc nào trước thảm họa cận kề của những đồng bào mình. Dốt nát ở chỗ cô không hề biết cách lựa chọn từ ngữ để thể hiện cho chính xác một nội dung muốn thể hiện. Cứ như kiểu nghĩ sao viết vậy. Thế nhưng, cô ấy vẫn là một thành viên nằm trong đội ngũ của những người chuyên viết cho người khác đọc, nghe, xem trong một cơ quan truyền thông Nhà nước!

Vẫn biết hành động cứu trợ nhân đạo, nhất là bão lụt miền Trung, là hoạt động dễ nhập nhèm về tiền bạc nhất ở Việt Nam. Vì khi ấy người ta sử dụng những đồng tiền được cho đi một cách không tính toán của mọi người, và thực chất những người đã cho tiền chẳng ai muốn truy cứu, làm rành mạch, chi li ra làm gì. 

Nếu khôn ngoan, khéo léo, lọc lõi một chút, người đứng ra huy động tiền cứu trợ và đi thực hiện hành vi này có thể thu về một món lợi lớn đến không ngờ cho cá nhân. Đến mức có thể xem đây là một cơ hội “làm ăn lớn” của những kẻ chuyên hành nghề làm từ thiện… Và, ở Việt Nam thì nhiều người vẫn đang tận dụng cơ hội ấy như một phi vụ vừa để thu lợi nhuận, vừa để đánh bóng hình ảnh cá nhân. Chỉ có điều, những kẻ trông thấy bão lụt miền trung là một cơ hội để thể hiện bản thân và thu lợi… lộ liễu quá, vội vã quá, hân hoan quá, khiến người ta không khỏi đau lòng trước thực trạng khốn nạn đó!

Nhà tan, cửa mất, sinh mạng bị đe dọa, tán gia, bại sản… của hàng triệu đồng bào, lại là cơ hội cho một số người thể hiện bản thân và tận dụng kiếm chác? Những kẻ xem thiên tai như một cơ hội là những con người - đồng bào của chúng ta - hay chỉ là bầy kền kền đang đảo cánh chực chờ đáp xuống trên những xác người?

Đâu rồi “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”? Đâu rồi lương tri con người trước những thảm cảnh? Chúng ta đã tạo ra những con người vô tình, vô cảm đến thế sao?

Đạo đức chính là cốt lõi để hình thành nhân cách, những con người không có đạo đức quần tụ với nhau sẽ chỉ tạo ra một xã hội suy đồi!

HỮU PHÚ 28.09.2022

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.