Khi Đà Lạt "lột xác"...
Sự phát triển nào cũng đòi hỏi hy sinh, nhưng hy sinh không có nghĩa là xóa sổ.
Đọc bài báo về quy hoạch lại khu trung tâm Đà Lạt bỗng ngậm ngùi.
Con phố cũ ở khu Hòa Bình ấy hẹp nhưng trên từng viên đá lót đường là trăm năm đi qua, là triệu bước chân lãng du in dấu.
Rạp chiếu phim Hòa Bình sẽ thay bằng một cơ ngơi to rộng gấp mấy chục lần, nhưng làm sao bôi xóa được cái khung hình của nó đã in vào nền trời Dalat và in vào ký ức triệu người đến và đi.
Một đô thị lẽ ra đẹp vào bậc nhất thế giới, sau mấy chục năm đã được "phá banh nóc".
Cũng như mấy chục năm qua, không có một ca khúc nào về Dalat cho ra hồn.
Post lại cái note cũ để nhớ thương, chứ thật ra trước sau gì người ta cũng phá !!!
Những đầu óc tăm tối thì có khi cố tình không biết tự sự của một đô thị, nói chi nâng niu hồn cốt và lịch sử khi các dự án đều tính chuyện "hoa hồng".
Hoa hồng ấy không phải là loài hoa hồng vẫn mọc dọc theo những con đường ở khung trời viễn mộng...
*******
ĐÀ LẠT- ĐÂU RỒI NHỮNG TÌNH CA SANG TRỌNG, U HOÀI VÀ LỘNG LẪY ?
Đêm qua, mở VTV9 để xem truyền hình trực tiếp đêm nhạc Lê Uyên Phương. Đúng là trên sân khấu thương Lê Uyên quá, chị lạc lõng và bơ vơ. Thời gian và tuổi tác không buông tha ai.
Nhưng cứ mở lại những bản tình ca của họ hơn 40 năm trước.
Hơn cả một cuộc tình, Đà Lạt cho họ tình yêu, và họ đã mang tình yêu đáp đền cho Đà Lạt. Không chỉ Lê Uyên và Phương.
Hồi Nguyễn Hàng Tình còn ở Tuổi Trẻ, anh em tòa soạn hay đùa nhau: “Hôm nay không biết Đà Lạt có chặt thêm cây thông nào không?” Bởi chỉ cần chặt một cây thông ở Đà Lạt là Tình đã vật vã đau đớn lắm và thế nào cũng có một bản tin về sự cố đốn thông gửi về tòa soạn!
Mấy chục năm qua, số gốc thông bị đốn ở Đà Lạt được tính phải lên hàng chục vạn, chỉ tính riêng cái đồi Cù bị biến thành sân Golf là đủ cho hàng ngàn cây thông nói lời vĩnh biệt với Đà Lạt rồi. Năm 1993, nhân 100 năm Đà Lạt, mình lên đây chơi với Minh Tự, lang thang gặp đủ giang hồ tứ xứ. Dịp đó cũng là lần đầu mình gặp Binh Nguyên, MPK, Lê Huy Cầm, anh Lộc…
Hôm họp báo trước kỷ niệm 100 năm Đà Lạt, nhiều anh chị nhà báo thế hệ trước, gắn bó với Đà Lạt, nhắc đến đồi Cù ký ức và cái sân golf bây giờ, có người ứa nước mắt! (Nhiều lần lên đây, mình chỉ ước đủ quyền lực để xóa cái hàng rào quanh sân golf đồi Cù, trả lại những ngọn đồi như thuở xưa cho tình nhân thênh thang rong ruổi.
Và rồi cứ thế, Đà Lạt mất bao nhiêu đồi thông? Mất bao nhiêu đồi dã quỳ? Mất bao nhiêu biệt thự đẹp? Không tính hết, chỉ cần nhìn khu Hòa Bình chen chúc bê tông hay khối trụ sở “liên cơ” đang xây với kiến trúc vô cùng xa lạ với xứ sở này đủ biết, từ 1975 đến nay, Đà Lạt đã mất quá nhiều. Cho dù Đà Lạt đường phố rộng hơn, nhiều cao ốc hơn, giàu có hơn đi chăng nữa.
Rừng thông, đồi dã quỳ, thác nước, biệt thự…là những mất mát có thể nhìn thấy. Nhưng còn một mất mát khác, vô hình nhưng không nghe ai nhắc tới!
Những tình khúc cho Đà Lạt của những thập niên trước 1975 dù có chút chán chường ủy mị thì vẫn vô cùng lộng lẫy. Và cho đến bây giờ, những giai điệu ấy vẫn len lỏi quyện vào nắng vào sương vào thông vào mưa ngàn gió núi để che chở cho những tình nhân một nơi chốn hẹn hò.
Khi Hoàng Nguyên (tên thật là Cao Cự Phúc - một nhạc sĩ gốc Quảng Trị) viết :
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi,
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ,
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ".
Hình như ông đã ám ảnh về sự mất mát khi bắt đầu “mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.”
Ngay cả những bản “sến” như “Thành phố nào vừa đi đã mỏi/ Đường quanh co quyện gốc thông già”, hay rất nhiều ca khúc của Từ Công Phụng dù không gọi đích danh địa danh nhưng chỉ nghe ca từ ta đã hiểu đó chỉ có thể là Đà Lạt như “Mùa xuân trên đỉnh bình yên”, như trong rất nhiều ca khúc của Ngô Thụy Miên. Còn Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và Đà Lạt thì…thôi khỏi nói
Chỉ một giai đoạn 1960 đến 1975 mà âm nhạc Việt Nam đã được Đà Lạt nuôi dưỡng sinh thành cả một kho tàng giàu có đến vậy.
Và rồi 40 năm qua, có ai đếm được ca khúc nào về Đà Lạt nghe cho “được lỗ tai” không?
“Mimosa từ đâu em tới đất này?”
Huhu,
Tui cũng muốn hỏi rứa, từ đâu mi tới đất này và tan tác những thông những quỳ những yêu những dấu.
Và đâu rồi những tình ca sang trọng, u hoài mà lộng lẫy.
Như xưa?
LÊ ĐỨC DỤC 01.09.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.