lundi 9 octobre 2017

Trần Trung Đạo - Tâm lý phản chiến



Một số nhân vật phản chiến biểu tình trước tòa đại sứ Mỹ ở Saigon ngày 25/01/1975. Ảnh AP

(FB Trần Trung Đạo 07/10/2017) Tôi không coi phim The Vietnam War của PBS. Vài người bạn rủ đi dự buổi chiếu giới thiệu ở một đài PBS địa phương, tôi suy nghĩ và cuối cùng không đi.

Nhưng điều đó không có nghĩa tôi chống lại việc coi phim Vietnam War. Thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến, nhất là các em ở trong nước có cơ hội nhìn vài góc cạnh mà đảng CS từng che giấu.

Dù không gian rất hẹp, thời lượng rất ngắn, hình ảnh thiếu khách quan cũng giúp cho các em suy nghĩ, nghi ngờ các khẩu hiệu tuyên truyền của đảng và tự mình tìm hiểu thêm. Đường còn dài, một bộ phim 18 giờ không nhất thời có thể làm thay đổi một nhận thức đã bị nhiều năm nhào nặn trong nền giáo dục một chiều nhưng đâu đó trong ý thức của các em sẽ vang lên một vài câu hỏi mà trước đó các em chưa từng nghĩ đến.

Một trong những khẩu hiệu quen thuộc mà các em thường nghe, cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến “chống Thực dân mới Đế quốc Mỹ”. Suốt hơn nửa thế kỷ, “Thực dân mới Đế quốc Mỹ” đồng nghĩa với tất cả xấu xa, tội ác trên đời, nhưng bao nhiêu em sinh viên, học sinh Việt Nam thật sự hiểu khẩu hiệu đó có nghĩa gì?

Tinh thần của Hiến chương Đại Tây Dương do TT Franklin Roosevelt soạn thảo kêu gọi tôn trọng quyền tự quyết dân tộc, sau Thế chiến Thứ Hai được thay bằng chủ thuyết Truman với các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS.

Nam Hàn, Nhật Bản, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Đức và hàng loạt các nước Châu Âu khác nằm trong ảnh hưởng của chủ thuyết Truman sau Thế chiến Thứ Hai và ngày nay chẳng những không bị “thực dân mới hóa” mà đều trở thành cường quốc kinh tế.

Có gì sai trong chủ trương của TT Truman nhằm ngăn chận Trung Cộng chiếm đoạt và đồng hóa cả Việt Nam?

Một người có nhận thức chính trị căn bản và biết căm phẫn khi một phần lãnh thổ chiến lược về kinh tế và quân sự của Việt Nam đang bị Trung Cộng chiếm đoạt đều hiểu chính sách của TT Harry Truman là cần thiết.

Tuổi trẻ Việt Nam đến tuổi biết đọc đều chỉ đọc những câu trả lời có sẵn, đây là lúc để các em đặt câu hỏi cho mình và sau đó đặt ra cho đảng CSVN.

Tôi không xem vì tôi tin mình đã đọc, hiểu và tiếp xúc đủ với cách nhìn về cuộc chiến Việt Nam qua lăng kính của Mỹ.

Các bình luận từ phía truyền thông Mỹ cũng như các phản ứng từ cộng đồng Việt Nam sau đó cho tôi thấy quyết định không xem phim của mình là đúng.

Tôi không muốn ám chỉ trực tiếp đến những người làm phim nhưng rõ ràng phần đông những người Mỹ hoạt động tích cực sau chiến tranh Việt Nam là những người trước đây cũng tích cực trong các phong trào phản chiến. Tương tự, những người Mỹ đã và đang nỗ lực để “hòa giải” với kẻ thù, “hàn gắn” những vết thương do chiến tranh gây ra cũng là những người trước đây hoạt động tích cực trong các phong trào phản chiến Mỹ.

Nhớ lại vào hai mùa hè năm 1999 và năm 2000, tôi được Tổ Chức Cộng Đồng Việt Nam Massachusetts đề cử cùng một số nhà văn khác ở hải ngoại tham dự các buổi hội luận về chiến tranh và hậu quả xã hội tại University of Massachusetts at Boston. Qua những buổi thảo luận đó tôi có cơ hội lắng nghe quan điểm của nhiều nhà văn, nhà thơ Mỹ. Phần đông trong số họ là những người có quan điểm phản chiến và đã từng sinh hoạt trong các phong trào phản chiến tại Mỹ trước năm 1975. Tâm lý phản chiến, vì thế, cũng phản ảnh sâu đậm trong thơ văn của họ.

Một đặc điểm của tâm lý phản chiến là chọn đứng về phía kẻ thù thay vì phía bạn. Những người phản chiến luôn ca ngợi hòa bình, tình nhân ái, lòng bao dung, tinh thần hòa giải nhưng thường dành cảm tình cho những kẻ gây ra tội ác hơn là cho phía nạn nhân.

Khi nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam họ chỉ dựa trên hai quan điểm, quan điểm của người Mỹ và quan điểm của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Trong khi đó, gần như hoàn toàn bỏ quên quan điểm thứ ba, cũng không kém phần quan trọng, đó là quan điểm từ phía Việt Nam Cộng Hòa. Thái độ đó phản ảnh mặc cảm bại trận, thiếu khách quan về điều kiện chính trị xã hội tại Việt Nam và thiếu đạo đức đối với những người đã một thời cùng chiến đấu với họ.

Khi mời các nhà thơ, nhà văn mang được nhà cầm quyền Cộng Sản chỉ định hay cho phép sang tham dự hàng năm, họ không biết rằng, những ngưòi họ thật sự cần hòa giải là những thương phế binh đang vá xe nuôi một bầy con ở góc đường Hà Nội, là những "cô gái Trường Sơn" ngồi khóc tuổi thanh xuân không bao giờ trở lại trong căn nhà tập thể chật hẹp ở Thanh Hóa, Hải Phòng.

Khi chọn đứng về phía những người bên kia chiến tuyến, họ hoàn toàn không quan tâm đến những người đã từng nằm chung trong một căn hầm, dựa lưng nhau trên từng bao cát, cõng họ vượt qua vùng lửa đạn, sớt chia họ họ từng giọt nước. Có bao giờ họ hỏi những người đó bây giờ ở đâu, còn sống hay đã chết? Gác qua một bên các mục tiêu chính trị, ai đúng ai sai, nếu không có những người lính VNCH đó, liệu họ còn sống để lên máy bay về với gia đình chăng?

Buổi chiều mùa hè năm 1999 tại Boston, những người phản chiến Mỹ ngạc nhiêu khi tôi giới thiệu những người đang ngồi trước mặt họ trong căn phòng ở đại học UMASS-Boston là những người đã nhiều năm bị đày đọa trong những nhà tù CS, và cũng là những người từng sát cánh bên họ trong những đoạn đường sinh tử.

Khi nghiên cứu một cuộc chiến cũng giống như những bồi thẩm đoàn đang tìm hiểu một tội ác, tiếng nói quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định của bồi thẩm đoàn, ảnh hưởng đến phán xét của bồi thẩm đoàn, không phải là tiếng nói của bị can, cũng không phải do lời kết tội hùng hồn của biện lý mà là từ nỗi đau, sự thiệt hại và bằng chứng từ phía nạn nhân. Nạn nhân của chiến tranh Việt Nam là ai nếu không phải chính nhân dân Việt Nam, nhất là nhân dân miền Nam Việt Nam bởi vì nơi đó là trận địa.

Phong trào phản chiến ở Mỹ trước 1975 cũng lan rộng sang các nước Châu Âu. Lãnh tụ các phong trào phản chiến Châu Âu ca ngợi Cộng Sản Việt Nam bằng giọng điệu gần như rập khuôn theo bộ máy tuyên truyền CS. Một nhà thơ Châu Âu nào đó từng mơ ước sáng mai thức dậy trở thành người Việt Nam và câu nói đó đã được phát tới phát lui mỗi sáng trên loa đầu phố.

Hành động nhân đạo bao giờ cũng cần được khuyến khích nhưng hành động đó phải phát xuất từ tình người chân thật thay vì từ mặc cảm cá nhân hay ganh tị quốc gia như các phong trào phản chiến châu Âu đối với chính quyền Mỹ.

Thái độ của những người phản chiến Châu Âu đối với chiến tranh tại Việt Nam trước đây không khác gì đối với chiến tranh tại Iraq mới đây.

Chính những phong trào được mệnh danh hòa bình này đã vận động người sang Iraq làm thành những vòng chắn người (Human shields) để bảo vệ cho chế độ Saddam Hussein khi liên quân Anh Mỹ chuẩn bị dội bom Baghdad. Các lãnh tụ hòa bình, phản chiến đó ở đâu khi tên đồ tể Saddam Hussein và tập đoàn tàn sát hàng trăm ngàn người dân Kurds, kể cả trẻ em vừa mới ra đời, bằng những phương tiện vô cùng phi nhân như hơi ngạt và vũ khí vi khuẩn.

Chiến tranh tại Việt Nam là một cuộc chiến đầy ngộ nhận và được nhìn từ những lăng kính khác nhau. Bộ phim Vietnam War của PBS cũng thế. Bộ phim lần này có thể khác với bộ phim ba chục năm trước nhờ kỹ thuật và tiếp cận với các nguồn thông tin, nhưng về quan điểm, vẫn còn quá sớm để giới sử học Mỹ có cái nhìn sâu xa, khách quan và toàn diện về cuộc chiến. Ai cũng có thể viết, có thể nhìn về một cuộc chiến tranh nhưng lịch sử đích thực của một dân tộc, trong trường hợp này là Việt Nam, cuối cùng, vẫn phải do chính dân tộc Việt Nam viết.

TRẦN TRUNG ĐẠO

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.