Tập Cận Bình và Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, 25/10/2017. |
Đại hội 19 Đảng
Cộng sản Trung Quốc đã kết thúc một cách thất vọng. Người ta đã háo hức chờ
đợi, vừa tò mò lo sợ, vừa hy vọng một sự thay đổi lịch sử, nhưng cuối cùng thì
chẳng có gì. Con tàu khổng lồ rầm rập đến, nhưng đi qua một cách lặng lẽ. Sự vĩ
đại của con tầu khiến người ta nghĩ tới một sự bí ẩn đang được che đậy.
Giấc mơ Trung Hoa
với mục tiêu trở thành «quốc gia hùng
cường và tươi đẹp» vào giữa thế kỷ XXI được xem như phương châm cai trị của
Tập. Nó là động lực quy tụ mọi sức mạnh của một quốc gia 1,3 tỉ dân và cung cấp
chính danh cho mọi thủ đoạn và kỹ thuật cai trị, từ tiêu trừ tham nhũng cho đến
các chính sách cải cách kinh tế xã hội. Tuy nhiên, giấc mơ này, dù hấp dẫn bằng
ý tưởng, có lẽ chưa được ông Tập cùng các cộng sự của ông giải phẫu chi tiết.
Tư tưởng lãnh tụ và khát vọng vĩ nhân
Lịch sử Trung Quốc luôn được đánh dấu gắn liền với
tên tuổi một nhân vật xuất chúng. Các triều đại vĩ đại đều gắn với tên
tuổi vị Hoàng đế. Vinh quang thuộc về cá nhân lãnh tụ là tập quán ý thức
hệ của người Trung Quốc. Công cuộc cách mạng phụ thuộc lãnh tụ. Tuân phục lãnh
tụ có quy tắc như luật của Hội kín. Lòng trung thành thể hiện bằng niềm tin bất
di bất dịch và hy sinh vô điều kiện cho lãnh tụ.
Tư tưởng của Tập một khi đã đạt đến cấp độ chi phối
mọi hoạt động, tự động trở thành kim chỉ nam và tiêu chuẩn thử thách và sàng
lọc bộ máy. Khác các tập đoàn lãnh đạo các quốc gia khác, ở Trung Quốc, việc
xây dựng một cá nhân thành một lãnh tụ là việc làm có ý thức. Nó trở thành một
thể thức trong các sách lược cai trị. Tập thể các nhà lãnh đạo Quốc gia luôn
tìm kiếm cá nhân xuất chúng để gây dựng thành lãnh tụ, vừa như để tạo dựng
xương sống của chế độ vừa là phương sách tìm kiếm vinh quang cho đất nước. Tập
đang trở thành một trong hai lãnh tụ vĩ đại nhất thời hiện đại, sau Mao Trạch
Đông, không chỉ do ước vọng cá nhân mà còn là quyết tâm của tập thể lãnh đạo,
trước hết là Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Giấc mơ Trung Hoa của Tập là giấc mơ quay trở lại thời
huy hoàng trong quá khứ. Nhắc lại con số chiếm giữ 58 % tổng thu nhập thế giới
của thời nhà Đường, thế kỷ thứ 7, Tập Cận Bình muốn ngầm ý, Trung Quốc thời đại
hiện nay sẽ quay trở lại là quốc gia lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới. Lãnh
thổ nhà Đường bao trùm phía bắc hết lãnh thổ Mông Cổ, phía Nam chiếm một phần
Việt Nam và phía Tây hầu hết khu vực Trung Á, tới giáp Kazakhstan. Với 80 triệu
dân, khi đó, Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất thế giới. Con đường tơ lụa ra
đời chính trong thời kỳ này là bằng chứng cho sự thịnh vượng và phát triển huy
hoàng của nền kinh tế và văn minh Trung Hoa.
Cũng có nghĩa là Tập Cận Bình có ý đặt mình vào vị
trí tương tự Đường Thái Tông Lý Thế Dân, vị Hoàng đế vĩ đại nhất trong số các
Đại Đế vĩ đại nhất của lịch sử Trung Quốc, gồm Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ,
Đường Tông và Tống Tổ.
Đây chính là linh hồn, là xương sống của tư tưởng Tập
Cận Bình: Cai trị bằng khát vọng vinh quang và khát vọng giầu có. Là sản phẩm
của Tập, nhưng có thể đã trở thành tư tưởng của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc,
thậm chí của cả giới tinh hoa Trung Hoa.
Tập luôn nhấn mạnh con đường tới vinh quang là chắc
chắn nhưng là con đường không ngắn và không dễ dàng. Nhưng Tập lại không chỉ
định người kế cận vào đầu nhiệm kỳ thứ hai như thông lệ, trong khi tất cả 5 vị
trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đều quá tuổi ứng viên Tổng bí thư khi vào
nhiệm kỳ 20. Đây có thể là ý đồ của riêng Tập Cận Bình, nhằm tập trung quyền
lực, vì khi chỉ định người kế cận, lực hút quyền lực sẽ có hướng thoát khỏi
Tập. Sự nhất quán có vẻ dễ dàng trong việc bầu ra Ban Thường vụ quá tuổi, trong
khi trước đó dư luận cho rằng Tập sẽ giải tán và hủy bỏ cơ chế Thường vụ, cho
thấy việc dọn đường để Tập có cơ hội thực thi tới cùng kế hoạch của Tập. Không
phải chỉ là ý đồ của riêng Tập, mà có thể là tư tưởng của cả Bộ Chính trị đảng
Cộng sản Trung Quốc. Ngoài những gì có thể công khai, người ta biết chắc Tập đã
báo cáo các nhân vật quan trọng nhất những kế hoạch tuyệt mật, và sự thuyết
phục chính nằm ở những điều tuyệt mật đó.
Với lối tư duy triều đại, một khi đã xác lập, Tập Cận
Bình sẽ không bị quy tắc nhiệm kỳ cản trở. Đặng Tiểu Bình chỉ là nhà cải cách,
nhưng ở đỉnh quyền lực 20 năm cho đến năm 1989, lúc 85 tuổi, do nhu cầu của
công cuộc cải cách. Mao Trạch Đông trị vì nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho
đến lúc chết, vì là chủ nhân ông triều đại. Nếu làm được như Đường Thái Tông Lý
Thế Dân, thì Tập còn vĩ đại hơn cả Mao, đứng cùng hàng với Tứ Đại Hoàng Đế
Trung Hoa.
Nhưng sự vĩ đại mà Tập đang dụng tâm lôi kéo 1,3 tỉ
dân Trung Quốc, cùng ước vọng làm kinh ngạc thế giới không thấy được ông mô tả
ở đâu. Đại Dự án «Một vành đai một con
đường» tức «Con đường tơ lụa trên
biển » lấy cảm hứng từ con đường tơ lụa thời nhà Đường vừa biểu lộ sự thèm
khát vinh quang của quá khứ, vừa phản ánh lối tư duy lạc hậu của Tập và lãnh
đạo Trung Quốc. Ở thời đại mà cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ tư đang diễn ra
từng ngày, kinh tế tri thức đang đang chiếm ngôi hoàng đế các ngành công
nghiệp, một cá nhân có thể kinh doanh toàn cầu từ một căn phòng, tư duy khuếch trương
lãnh thổ và chinh phục thế giới bằng những con đường vận chuyển hàng hoá, là
loại tư duy trung cổ. Tập và Trung Quốc sẽ thất bại, hoặc ít nhất, tiền của của
Trung Quốc sẽ trở nên vộ dụng.
Trung Quốc sẽ đứng ở đâu khi trở thành “hùng cường và tươi đẹp”
Giấc mơ Trung Hoa được Tập Cận Bình diễn giải bằng
một báo cáo 32.000 từ, dài nhất trong lịch sử các Báo cáo chính trị Đại hội
Đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước tới nay, gấp đôi báo cáo cũng đã dài nhất
trước đó của Hồ Cẩm Đào. Bản báo cáo đề cập tất cả, không bỏ sót một
lĩnh vực nào, cho thấy Tập cố thể hiện mình như một chủ nhân ông, một tác gia
của chế độ. “Chủ nghĩa xã hội mang đặc
sắc Trung Quốc bước vào Thời đại mới và sẽ trở thành một quốc gia hùng cường và
tươi đẹp vào giữa thế kỷ XXI”. Tuy vậy, hình hài của quốc gia hùng cường và
tươi đẹp đó không thấy được xác định bằng các chỉ tiêu cụ thể.
Báo cáo của ông viết: « Thời kỳ nhà Đường (618-907) là giai đoạn thịnh trị của Trung Quốc.
GDP của Trung Quốc thời kỳ này có thời điểm chiếm tới 58% tổng GDP của thế
giới, vượt xa Ấn Độ, Anh hay Pháp. Nhưng vài thế kỷ sau, Trung Quốc đã
không theo kịp các nước phương Tây và cả Nhật Bản trong quá trình hiện đại hóa,
điển hình là từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở Anh.”
Ông Tập nhắc tới 58% Tổng thu nhập thế giới từ thời
nhà Đường, và một con số khác được ông chỉ ra là thu nhập đầu người Trung Quốc
đạt khoảng 30.000 USD vào năm 2035, ngang với Ý, quốc gia công nghiệp đứng thứ
7 trong nghóm G7 hiện nay. Đây có lẽ là bằng chứng định hình giấc mơ của ông
Tập. Thử xem Trung Hoa đã có hình thù như thế nào trong đầu ông.
Theo công thức
tính tăng trưởng: An = Ao(1+i)^n
Trong đó:
Ao = Thu nhập đầu
người/năm khởi tính
i = tỉ lệ tăng
trưởng kinh tế hàng năm
n= số năm tính từ
năm khởi tính.
1- Với mức thu nhập
hiện tại 8.800 USD/người/năm(theo Statista), nếu ông Tập muốn Trung Quốc có một
thu nhập 30,000 USD/ đầu người/năm vào năm 2035, thì bắt buộc trong suốt 18 năm
tới, Trung Quốc phải duy trì một tốc độ tăng trưởng bình quân tối thiểu bằng
7,1%. Đây là một khả năng không thể thực hiện, từ năm 2014, suy giảm tăng
trưởng là xu thế không thể đảo ngược, trong khi tài nguyên đã cạn kiệt, môi trường
đã bị ô nhiễm ở mức tối đa. Tỉ trọng thu nhập vẫn chủ yếu từ sản xuất công
nghiệp trong khi không còn lao động giá rẻ, và thị trường xuất khẩu co lại cùng
với mọi loại rào cản bảo hộ trên toàn cầu. Trung Quốc đang buộc phải thay đổi
lại cơ cấu nền kinh tế, dựa chủ yếu vào thị trường nội địa và kinh tế dịch vụ
thay cho sản xuất công nghiệp và tăng trưởng bằng tăng cường vốn đầu tư. Ngân
hàng Thế giới dự báo nền kinh tế Trung Quốc giảm dần từ 6% xuống dưới mức 4%.
Mục tiêu 30.000 USD/đầu người/năm vào năm 2035 là một mục tiêu không có khả
năng hiện thực.
2- Năm 2015, thu
nhập đầu người của Trung Quốc chỉ mới đạt 8.800 USD/năm(World Bank Group), tới năm
2050, tức trong khoảng 33 năm nữa, Trung Quốc với mức tăng trưởng giả định là
4,0%, thu nhập đầu người khi đó sẽ là: 32.000USD/năm. Trong khi Mỹ, nếu tăng
trưởng bình quân đạt 3,0%, vào năm 2050, thu nhập đầu người sẽ là 154.000
USD/năm. Châu Âu, với bình quân tăng trưởng 2,0%, thì năm 2050, sẽ đạt thu nhập
đầu người 57.000/năm, Malaysia với chỉ 3,0 %
cũng đạt 62.000 USD/người /năm. Như vậy TQ vẫn chỉ là quốc gia có thu nhập vào
hạng trung bình thấp. (Việt Nam, nếu duy trì được
mức 6,5%, sẽ có thu nhập : 24.000 USD/người/năm).
Nhìn vào thu nhập
đầu người, năm 2050, Trung Quốc chưa phải là nước giầu, mức sống của dân Trung
Quốc chỉ vào loại trung bình thế giới, vì vậy chưa thể gọi là một quốc gia “sung túc và tươi đẹp” xét về mức sống
chung hay sức mua của người dân trong tương quan với thế giới.
Tuy nhiên, nhiều
khả năng Trung Quốc sẽ không dân chủ hóa theo mô hình chung của các nước phát
triển trên thế giới mà tiếp tục đường lối độc đảng kiểm soát nền cai trị quốc
gia, chênh lệch giầu nghèo sẽ không có khả năng thu hẹp. Nếu giả định khoảng ¼
dân số chiếm đoạt ¾ tổng tài sản quốc gia, số dân này sẽ có mức sống cao vượt
hẳn số còn lại. Khi đó, khoảng 400 triệu người Trung Quốc sẽ có thu nhập đầu
người bình quân vào khoảng : (1,5 tỉ x 51.000)x3/4)/400triệu =143.340 USD, đứng
thứ hai sau Mỹ.
3- Thu nhập toàn
cầu năm 2013= 86.500 tỉ USD. Cũng theo Statista, năm 2013, tổng thu nhập GDP
của Trung Quốc là 11.200 tỉ Mỹ kim= 13%, trong khi Mỹ là: 18.558 tỉ USD =21%
tổng thu nhập toàn cầu.
Tỉ lệ tăng trưởng
toàn cầu năm 2016= 3,154%, nếu bình quân 3%,(ước tính của Ngân hàng Thế giới)
thì đến năm 2050, Tổng thu nhập toàn cầu sẽ là: 86.500( 1,0354)^37= 313.341 tỉ
UDS. Trung Quốc, với 76.500 tỉ USD sẽ chiếm khoảng 76500/313341= 24% và Mỹ (416
triệu dân năm 2050), có Tổng thu nhập bằng 154000x 416 triệu= 64.064 tỉ USD
chiếm 20%. Trung Quốc đứng đầu thế giới về quy mô nền kinh tế, nhưng chỉ chiếm
24%.
Theo ước mơ của
Tập Cận Bình, vào năm 2050, Trung Quốc sẽ lập lại kỷ lục của Đại Đường chiếm 58%
tổng tài sản toàn cầu, thì khi đó, Tổng GDP của Trung Quốc phải là 181.737 tỉ
USD. Muốn đạt được thu nhập này, tỉ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm bắt buộc
phải đạt 7,3% trong suốt 37 năm. Đó là điều không tưởng. Như phân tích ở trên,
kể từ sau năm 2030, tăng trưởng bình quân của nền kinh tế Trung Quốc chỉ khoảng
3-4%.
Nói tóm lại, cả về
thu nhập đầu người lẫn quy mô nền kinh tế, vào giữa thế kỷ XXI, lúc mà Tập cho
rằng Trung Quốc hoàn thành giấc mộng Trung Hoa, dù lớn nhất thế giới, Trung
Quốc chỉ chiếm 24% tổng thu nhập toàn cầu, cách xa con số 58% của nhà Đường.
Thu nhập đầu người chỉ đạt 32.000 USD/năm, trong khi Mỹ là 154.000 USD đầu
người /năm, Malaysia 62.000 USD/năm. Dân Trung Quốc không nghèo nhưng cũng
không giầu.
Tập không có gì
phi thường, và giấc mơ của ông vẫn chỉ là giấc mơ, chưa kể, hàng nghìn tỉ đô có
thể theo ông ta chìm xuống biển cùng với các con đường tơ lụa rải ra trên toàn
cầu.
Chủ quyền và Biển
Đông
Tập Cận Bình tuyên
bố « Trung Quốc trở thành hùng cường
không đe dọa bất kỳ quốc gia nào», nhưng «Trung Quốc là một nước lớn», Trung Quốc «phải tập để có một tư duy thích ứng, đảm bảo quốc tế phải biết đến ý
muốn của Trung Quốc». Và «đừng có ai
tin rằng Trung Quốc sẽ bỏ qua một tấc đất chủ quyền của mình, chúng ta sẽ không
dung thứ cho bất cứ ai, bằng cách nào, vào thời điểm nào, muốn tách một tấc đất
ra khỏi Trung Quốc"». Biển Hoa Đông, đảo Senkaku tranh chấp với Nhật.
Hàng ngàn km biên giới Tây Nam với Ấn Độ, Biển Đông với đường lưỡi bò vi phạm
chủ quyền của Việt Nam và các nước ASEAN. Với những tuyên bố này, kể cả vào
giữa thế kỷ XXI, nếu các nước không chịu khuất phục, các vấn đề tranh chấp và
nguy cơ chiến tranh sẽ vẫn còn nguyên. Có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ không có
bình yên và đem lại một cảm giác bất an cho láng giềng và hòa bình thế giới.
Hình ảnh một Trung Quốc tham lam, nham hiểm và bần tiện sẽ không thể bị xóa với
bất cứ một lãnh tụ tiếp tục lối tư duy như vậy.
Một Trung Quốc vẫn
phi dân chủ chứa đựng những hiểm họa muôn thưở. Các quốc gia lớn có trách nhiệm
với thế giới không thể không tìm kiếm cách che chắn tự vệ. Đó là phản ứng tự
nhiên, là sản phẩm tất yếu. Tứ giác kim cương gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia sẽ là một chiến
lược lá chắn mà Trung Quốc không thể một mình đối phó. Con đường vượt qua lưới
bao vây đó chỉ có thể là giải pháp đồng nhất hóa lợi ích với thế giới, đồng
nhất hóa hệ thống giá trị tổng quát, nghĩa là từ bỏ Đặc sắc Trung Hoa, không
tìm kiếm giá trị riêng cho riêng người Trung Hoa.
Còn chuyên chế,
còn độc đảng, Trung Quốc còn chứa đựng nguy cơ chiến tranh. Chỉ bằng con dường
dân chủ hóa, Trung Quốc mới thoát được vòng vây cảnh giác và thù địch của thế
giới.
Có một giải pháp
được che đậy?
Người Trung Quốc
không bao giờ đi một nước cờ chỉ nhằm tới một mục đích. Tập quyền và lãnh tụ
hóa hệ thống cai trị, vừa có mục tiêu nhằm hiệu quả hóa hiệu lực lãnh đạo,
nhưng đồng thời cũng nhằm vô hiệu hóa mọi phản kháng trong trường hợp một cải
cách có ý nghĩa cách mạng ngược chiều.
Ngoài Tập và Thủ
tướng Lý Khắc Cường, 5 vị trong Ban Thường vụ đều qúa tuổi vào nhiệm kỳ tới,
trong khi hai nhân vật được dư luận xem là triển vọng kế vị là Trần Mẫn Nhi và
Hồ Xuân Hoa vẫn bị bỏ ngỏ. Nếu hai vị này vào được Ban Thường vụ vào nhiệm kỳ
tới thì để được bầu vào chức Tổng bí thư cũng phải chờ tới nhiệm kỳ 21, có
nghĩa là Tập phải còn đứng đấy ít nhất 15 năm nữa. Việc này để lộ ý đồ dọn
đường cho một triiều đại 25 năm. Cần một thể chế tập quyền có một chiều dài bấy
nhiêu năm, có phải chỉ để tận diệt tham nhũng của phe cánh khác và tự biến
thành tham nhũng nếu tiếp tục cùng một con đường?
Ông Tưởng Kiến
Quốc, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nói rằng Đại hội Đảng lần thứ 19 "sẽ không chỉ đặt ra nhiệm vụ cho 5 năm tới mà cả hai đến ba thập niên
tới". Hai, ba thập niên tới không rõ người kế tục, có nghĩa
rằng quyền lực vào một chỗ sẽ còn kéo dài.
Có một công thức:
độc tài kết hợp với kinh tế tư bản sẽ sinh ra dân chủ: Đài Loan, Singapore, Nam
Hàn, có thể giống như Ý, Đức Hít-le và Nhật Bản. Độc tài cộng với tự do kinh tế
cho phép một tốc độ khác thường của Kinh tế, nhưng sự khác thường của thành quả
kinh tế đem lại nhu cầu cân bằng nhân phẩm, và sự giác ngộ về hệ thống giá trị
căn bản.
Lịch sử hiện đại
cũng cho thấy, cách mạng dân chủ chỉ có thể thành công bằng chính tập đoàn cầm
quyền, và tập đoàn cầm quyền chỉ có thể thực hành cải cách khi tuyệt đối tập
quyền, tức là ở vị thế của nhà độc tài.
Trong một đất nước
rộng lớn, đông dân, nhiều sắc tộc, nhiều bè cánh, với tập quán tư duy «thiên hạ cứ tan lâu lại hợp, hợp lâu khắc
tan», chia cắt cát cứ và sứ quân như một tất yếu, việc tập quyền tuyệt đối
có thể là cần thiết. Nhưng Tập Quyền phản lại chủ trương mở cửa rộng rãi ra bên
ngoài và cùng với nó là mở rộng quyền công dân là dân chủ hóa sinh hoạt xã hội.
Nếu không tập trung quyền lực đủ mạnh, bất kỳ một cuộc thay đổi cách mạng nào
cũng có thể tạo ra tan vỡ và sụp đổ quốc gia.
Một nhân vật được
coi là trí tuệ số một của một dân tộc 1,3 tỉ người, ông ta không thể không hiểu
Trung Quốc đứng ở đâu, nhân loại sẽ có hình dạng thế nào, quan hệ giữa các quốc
gia sẽ ra sao, văn minh thế giới về đâu vào giữa thế kỷ này.
Trong một hội nghị
quốc tế tại Singapore cuối năm 2015, có sự tham dự của Tập Cận Bình, bộ trưởng
Ngoại giao Úc đã phát biểu: Trung Quốc không thể dẫn dắt khu vực, vì Trung Quốc
không phải là quốc gia dân chủ. Lời phát biểu của vị bộ trưởng này đã làm Tập
Cận Bình bối rối. Là một người tham vọng vĩ nhân, ông Tập không thể không suy
nghĩ về lời phát biểu giản dị nhưng đúng hoàn toàn đó. Trung Quốc có thể trở
thành khổng lồ, ở trung tâm của thế giới, nếu tiếp tục là một trong bốn quốc
gia phi dân chủ còn lại trên trái đất?
Học
giả Ngô Tộ Lai, một cán bộ cũ của Viện Nghệ thuật Trung Quốc đã chia sẻ: “Nếu ông ta tiếp
tục theo con đường này, có nghĩa sẽ trở thành nhà chính trị thất bại”, “Nếu như
dám làm cuộc cách mạng thay đổi thể chế, ông Tập Cận Bình sẽ trở thành vĩ nhân
lưu danh sử sách. Hiện nay ông Tập đang đối diện cuộc chiến trong nội bộ nên
chưa thay đổi được hệ thống Tư pháp hủ bại, cục diện kinh tế thì khó khăn.
Trong tình cảnh rối loạn này chúng ta chưa thể biết được ông ta muốn đi như thế
nào. Chỉ khi loại bỏ được đối thủ trong hệ thống xong, lúc đó chúng ta mới có
thể biết ông ấy muốn quay về xã hội truyền thống hay thực hiện chế độ văn minh
hiện đại”.
“Đài Loan nhờ có
Hiến pháp dân chủ cộng thêm sự kế thừa văn minh Trung Hoa nên đã hòa nhập vào
thế giới, đây là con đường cần phải đi, kế thừa văn hóa đa dạng của văn minh
Trung Hoa nhưng kết cấu chính trị phải theo chuẩn mực của văn minh thế giới”.
Tân Hoa Xã ngày
19/10 cho biết, trong 19 điều của bản báo cáo dài kỷ lục của Chủ tịch Tập Cận
Bình được dư luận Trung Quốc đánh giá là tâm đắc có ba điều úp mở tới một xã
hội dân chủ :
«9-Cánh cửa lớn mở
cửa của Trung Quốc sẽ không bao giờ khép lại, chỉ có mở rộng thêm.
10-Có việc dễ
thương lượng, sự việc của quần chúng để quần chúng thương lượng, để nhân dân
thực sự nói lên tiếng nói chân thành dân chủ.
11-Đặt lợi ích của nhân dân lên vị trí tối cao.»
Từ vài năm nay,
Trung Quốc lan truyền một câu chuyện vào năm 80 của thế kỷ trước, khi còn chưa
ai biết Giang Trạch Dân là ai. Một cao nhân trong chốn dân gian khi được hỏi
ĐCS Trung Quốc ở ngôi bao nhiêu lâu, đã trả lời: Giang, Hồ, Tập, Vô. Giang
Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, và Tập Cận Bình đã ứng nghiệm. Nhưng sau Tập, không có
người họ Vô. Vậy «vô» là không, không còn gì. Tập là triều đại cộng sản cuối
cùng.
Ở Trung Quốc, các
sự kiện chính trị lớn thường được chuẩn bị trước bằng các điềm báo bí ẩn, các
bài đồng dao, các chuyện thần thoại truyền khẩu. Ai là người phát tán câu
chuyện truyền khẩu này?
Hiện nay ở Trung
Quốc có nhiều người đề nghị chuyển sang “chế độ tổng thống”, cho rằng Tập Cận Bình sau khi đảm
nhiệm hai nhiệm kỳ Tổng bí thư, sẽ đề nghị soạn thảo Hiến pháp, để
đảm nhiệm chức tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên thêm 5 năm nữa.
Ông La Vũ, con
trai của cố đại tướng La Thụy Khanh, từng nói: “Tập Cận Bình có thể phá bỏ cái gọi là bố
cục truyền thống, không làm Đại hội 19, Đại hội 20 gì cả, cũng không
làm chủ tịch đảng gì đó, chủ tịch quân ủy gì đó, cũng không làm
cái này, làm cái kia, chính là bầu chọn tổng thống, ai trúng tuyển
thì người đó làm”.
Ngày 30/8, trong
chuyên mục của đài phát thanh VOA của Mỹ, ông Ngô Tộ Lai – học giả
Trung Quốc hiện đang cư trú ở Hoa Kỳ cho rằng, Tập Cận Bình có thể
cân nhắc sau khi đảm nhiệm thêm một hai khóa Tổng bí thư, rồi chuyển
sang đảm nhiệm Ủy viên trưởng của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn
quốc, đồng thời chuyển giao quân quyền sang Đại hội Đại biểu Nhân dân
Toàn quốc. Từ đó khiến cho quân đội và quốc gia đều thuộc về Đại
hội Đại biểu Nhân dân.
Ông Trần Phá
Không, bình luận viên chính trị của Mỹ cũng bày tỏ quan điểm trong
quyển sách mới “Mưu kế của Tập Cận
Bình, cái chết của ĐCS Trung Quốc” tiên đoán một lộ trình dân chủ hóa Trung Quốc bắt đầu
từ nhiệm kỳ 19.
Không
ai biết được điều gì chắc chắn có thể xảy ra. Với người Trung Quốc thì càng
không thể đoán biết trước. Khói ở phía Đông, nhưng lửa sẽ bốc lên từ phía Tây.
Nếu lửa và khói xuất hiện ở cùng một chỗ, thì cái chỗ ấy dứt khoát không phải
đất Trung Quốc.
Có gì khác thường không
Đai hội với những bí ẩn chờ đợi được giải đáp đã kết
thúc chẳng gây một ấn tượng nào. Tư tưởng của Tập cuối cùng cũng được giải mã.
Chẳng có gì đặc sắc. Chẳng có gì khác thường. Điều mà thiên hạ biết về người
Trung Quốc và lối mòn tư duy nuối tiếc quá khứ vẫn là nét đặc trưng của tư duy
chính trị Trung Hoa. Chỉ khác nhau là ở chỗ này hay chỗ khác gắn với ít hay với
nhiều sự hằn học. Ở Mao người ta đã chứng kiến một thứ tình cảm lẫn lộn giữa
tiếc nuối và cay cú như một thứ hận, một thứ hận mà người Trung Quốc có bổn
phận phải trả. Ông ta đã từng nói «Các nước đế quốc sau khi đánh bại Trung Quốc, đã
chiếm các nước phụ thuộc của Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu
Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Hương Cảng, Pháp
chiếm An Nam…», «Tôi sẽ làm
chủ tịch của 500 triệu bần nông Trung Quốc đưa quân xuống Đông Nam châu Á».
Tập Cận Bình tự ý thức mình đứng ngang hàng với Mao,
thậm chí với Tứ Đại Hoàng Đế, Tập có bổn phận giành lại sự vĩ đại của dân tộc. «Hùng cường không đe doạ ai, nhưng không một
ai có thể làm cho Trung Quốc từ bỏ chủ quyền của mình». Xung đột sẽ tồn tại
mãi mãi như mồi lửa ủ sẵn cho cuộc chiến khi Trung Quốc sẵn sàng. Đó là một
Trung Quốc của quá khứ, trong hiện tại và sẽ còn lâu trong tương lai, nếu một
nền dân chủ đích thực không được xác lập để thay đổi não trạng và lối mòn tư
duy của giới tinh hoa Trung Quốc hết thế hệ này tới thế hệ khác.
Tập có vĩ đại không? Có thể có và có thể không. Lập
lại một Trung Hoa chiếm 58% tài sản thế giới, vạch ra những con đường trên bộ,
trên biển, và trên không để chia rẽ thế giới, lấn chiếm thế giới bằng thủ đoạn
và sức mạnh bạo lực, Tập sẽ chỉ là một tên đồ tể, ngay cả với lịch sử chân
chính của Trung Quốc.
Nhưng nếu Tập Cận Bình bằng cách tập trung tuyệt đối
quyền lực để chuẩn bị cho một cuộc cách mạng dân chủ đích thực và triệt để, thì
cùng với 1,35 tỉ dân, Tập sẽ đem lại cơ hội loài người thực sự là chủ nhân thực
thụ cho số phận của mình và quyết định vận mệnh của Hành Tinh. Đó là một công
trình vĩ đại vượt xa mọi đại hoàng đế Trung Hoa. Tập nếu thật sự vĩ đại, ông ta
không thể không biết tới điều đó. Đó mới thật là giấc mộng Trung Hoa, và nên
phải là giấc mơ của ông.
BÙI
QUANG VƠM 29/10/2017 (Tác giả gởi blog Thụy My)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.