mardi 12 septembre 2017

Hồi kết của siêu cường Mỹ


(Renaud Girard, Le Figaro 12/09/2017) Trong suốt cả thập niên sau khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã, Hoa Kỳ đã trở thành quyền lực độc tôn – từ đạo đức, văn hóa, ngoại giao cho đến tài chính, quân sự - có thể áp đặt luật lệ cho toàn thế giới. Cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đã sáng tạo ra từ « siêu cường » để chỉ Hoa Kỳ.

Siêu quyền lực này đã được chứng tỏ, trong cuộc xung đột Kosovo năm 1999 chẳng hạn. Khi lãnh đạo chiến dịch quân sự của NATO chống lại Serbia (mà không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bật đèn xanh), người Mỹ đã thành công trong việc tách được một tỉnh cũ của Serbia, biến nó thành một Nhà nước để rồi tuyên bố độc lập sau đó, mà không có nước nào dám công khai phản đối.

Tình hình này không còn tồn tại nữa. Ví dụ về Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ điều đó. Trong hồ sơ phát triển vũ khí hạt nhân trầm trọng này, Hoa Kỳ không còn có thể áp đặt luật lệ. Ngày thứ Hai 11/09/2017 sẽ đi vào biên niên sử, đánh dấu sự suy tàn thấy rõ của ảnh hưởng Mỹ tại Viễn Đông.

Khi lên nắm quyền vào tháng Giêng năm 2017, tổng thống Donald Trump đã nói rằng nước Mỹ sẽ không cho phép chế độ độc tài Bình Nhưỡng sở hữu hỏa tiễn liên lục địa mang đầu đạn nguyên tử có thể chạm đến lãnh thổ của mình. Tuy vậy với những vụ thử nguyên tử và đạn đạo, vụ sau mãnh liệt hơn vụ trước, Bắc Triều Tiên vẫn theo đuổi con đường cũ.

Hôm 03/09/2017, Bình Nhưỡng cho thử một quả bom có sức mạnh trên 100.000 tấn (gấp năm lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima). Những lời đe dọa tấn công của tổng thống Mỹ trở thành những lời khoác lác, và Washington chỉ còn có một chọn lựa là trừng phạt quốc tế để cố làm chùn tay nhà độc tài trẻ Kim Jong Un.

TRUMP: Bom của tao nè, đây là quả bom bự nhất! UN: Dóc tổ! Bom của tao mới  bự hơn!

Người Mỹ hôm 11/9 muốn trình bày với Hội đồng Bảo an một dự thảo nghị quyết hết sức cứng rắn, dự kiến các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc chưa từng thấy : cấm vận dầu lửa, ngưng xuất khẩu hàng dệt may, ngưng cho chuyển tiền để trả lương cho 60.000 lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên, phong tỏa các tài sản của Kim Jong Un ở nước ngoài và hạn chế cho ông ta nhập cảnh.

Nhưng do sợ bị Nga và Trung Quốc phủ quyểt, phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đành nhượng bộ, chấp nhận một văn bản nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cấm vận dầu lửa không còn được nhắc đến, thay vào đó là một mức trần, giảm số năng lượng nhập khẩu của Bắc Triều Tiên (tất cả đều qua ngõ Trung Quốc). Bắc Kinh muốn chứng tỏ rằng không tán thành cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng, nhưng cũng không muốn bóp nghẹt nước láng giềng mà nếu sụp đổ sẽ khiến hàng triệu người chạy sang lãnh thổ nước mình tị nạn.

Sự bất lực của Hoa Kỳ trong việc buộc chế độ Bắc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí nguyên tử không phải là một ngoại lệ, mà nằm trong một chuỗi dài những thất bại về địa chính trị, làm lung lay vị trí siêu cường của nước Mỹ.

Lần cuối cùng Mỹ đơn phương áp đặt luật chơi cho thế giới là vào năm 2003, khi dùng vũ lực lật đổ chế độ của nhà độc tài Irak Saddam Hussein. Đó là một phản ứng thiếu suy nghĩ và phi lý, từ tác động của các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín, tuy chính quyền Bagdad không nhúng tay vào. Về mặt địa chính trị, hành động một cách vô lý sẽ làm mất đi sự tín nhiệm, dẫn đến mất luôn năng lực răn đe.

TRUMP (Twitter): Chơi xấu nhá, hết giờ rồi!

Trước khi thụt lùi trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ cũng đã từng lùi bước ba lần : tại Trung Á, các nước thuộc Liên Xô cũ và Trung Đông. Khi tham chiến tại Afghanistan tháng 10/2001, người Mỹ đã cảnh cáo những nước không đứng về phía mình sẽ bị coi như kẻ thù. Thông điệp trên đây trước hết hướng về Pakistan. Nước này bèn đóng vai đồng minh của Mỹ, nhưng sau đó ngầm dành lãnh địa cho phe Taliban. Ngày nay Taliban quay lại hoành hành ở thôn quê Afghanistan, chưa thấy ai có thể đánh đuổi được.

Tại các nước thuộc Liên Xô cũ, Mỹ đã ủng hộ các « cuộc cách mạng màu cam »  ở Gruzia và Ukraina, nhưng không đoán trước được phản ứng của « Sa hoàng » Putin.

Ở Syria, Washington vạch ra lằn ranh đỏ và đòi hỏi Bachar Al Assad phải ra đi, nhưng Assad lại tìm được những đồng minh và rốt cuộc vẫn giữ được quyền lực.

Những cuộc chơi lớn trên thế giới dựa trên tương quan lực lượng. Trong một ván cờ mà yếu tố tâm lý quan trọng hơn tất cả, không có gì tệ hại hơn thái độ « cọp giấy », của một hiến binh không ngớt lời đe dọa mà chẳng bao giờ trừng phạt được ai. Trong địa chính trị, tốt nhất là giấu kín những ý đồ, nói ít, hứa hẹn càng ít càng tốt, nhưng hành động nhanh chóng, đặt đối thủ trước việc đã rồi.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.