Tổng thống Mỹ Donald Trump "đốt cháy" diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York trong bài phát biểu ấn tượng ngày 19/09/2017. |
Bài diễn văn nảy lửa của tổng thống Mỹ Donald
Trump trong lần đầu tiên bước lên diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc
được tất cả các báo Pháp hôm nay chú ý. Câu tuyên bố của ông Trump được Libération chạy tựa trang nhất « Sẵn sàng hủy diệt toàn bộ Bắc Triều Tiên », tấm ảnh tổng thống Mỹ và câu nói này cũng xuất hiện ở trang bìa Le Figaro và Les Echos. Ở trang trong, Libération nhấn mạnh « Tại Liên Hiệp Quốc, Trump đe dọa tận thế », còn theo Le Figaro, « Trump chặt những kẻ thù ra từng mảnh nhỏ ». Les Echos ghi nhận « Trump đả kích dữ dội Bắc Triều Tiên, Iran và Venezuela ».
Chống lại các Nhà nước « côn đồ, suy thoái, sát nhân »…
Libération
nhận định, trong bài diễn văn đầu tiên rất được chờ đợi (và cũng rất
được e ngại) này, Bắc Triều Tiên và Iran bị ông Trump xếp vào loại « Nhà nước côn đồ », gợi nhớ đến « trục tội ác » của người tiền nhiệm George W.Bush trước đây. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh : «
Hoa Kỳ rất hùng mạnh và đã rất kiên nhẫn. Nhưng nếu chúng tôi buộc lòng
phải tự vệ, hoặc bảo vệ các đồng minh, chúng tôi không có chọn lựa nào
khác ngoài việc hủy diệt toàn bộ Bắc Triều Tiên ».
Trước các lãnh đạo 193 nước thành viên Liên Hiệp Quốc, ông Trump đã dành phần lớn bài diễn văn để tấn công chế độ « suy thoái »
Bình Nhưỡng. Tuy giọng điệu hiếu chiến là hiếm thấy trong môi trường
vốn lịch sự này, những hồi đầu tháng Tám Donald Trump cũng đã từng hứa
hẹn « lửa và cuồng nộ » nếu Bình Nhưỡng không ngưng khiêu khích.
Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc, 19/09/2017. |
Cựu đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Jean-Marc De La Sablière giải thích : «
Những lời này ngầm hướng đến Trung Quốc, để Bắc Kinh phải lo trừng phạt
và áp dụng trừng phạt nhiều hơn. Tuy nhiên từ cửa miệng một tổng thống
Mỹ, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, những phát biểu cứng rằn đầy đe dọa
này là đáng lo ngại ».
Trong
bài diễn văn dài 45 phút – quy định thời gian dành cho một nguyên thủ
là 15 phút, nhưng thường ít được tôn trọng – ông Trump cũng đả kích « Nhà nước côn đồ » Iran, « chế độ độc tài tham nhũng ẩn giấu sau chiếc mặt nạ dân chủ ». Ông nói :
« Chúng tôi không thể để cho một chế độ sát nhân tiếp tục các hành động
gây bất ổn (…) và không thể tôn trọng một hiệp định nếu nó nhắm vào
việc thiết lập một chương trình nguyên tử ».
Người chủ trương « Nước Mỹ trước hết »
không chỉ tấn công Bắc Triều Tiên của Kim Jong Un và Iran của các giáo
chủ Hồi giáo, mà còn không tha cả Cuba của Castro và Venezuela của
Maduro. Donald Trump tố cáo Cuba, « chế độ tham nhũng, gây bất ổn », và Venezuela, một ví dụ cho « chủ nghĩa xã hội được áp dụng một cách trung thành », nơi mà « kẻ trụy lạc » Nicolas Maduro « đã phá hoại một đất nước thịnh vượng ».
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Liên Hiệp Quốc ngày 19/09/2017. |
Mỹ-Pháp : Đơn phương và đa phương
Việc tôn trọng « chủ quyền », từ ngữ được phát biểu 21 lần, theo tổng thống Mỹ, là điều kiện cho hòa bình và hợp tác quốc tế. Ông nói : «
Chúng tôi không chờ đợi những quốc gia khác nhau chia sẻ văn hóa,
truyền thống và thậm chí hệ thống chính quyền của chúng tôi. Nhưng chúng
tôi mong rằng mỗi nước hoàn thành hai nghĩa vụ : tôn trọng lợi ích của
dân tộc mình và quyền của tất cả những quốc gia có chủ quyền khác ».
Đặc phái viên của Le Figaro
tại New York ghi nhận, quan điểm này được Đại hội đồng vỗ tay hoan
nghênh. Tổng cộng ông Trump được vỗ tay năm lần trong suốt bài diễn văn,
nhưng đa số thời gian cử tọa chỉ giữ im lặng một cách lịch sự. Bên cạnh
đó, bài nói chuyện của tổng thống Pháp Emmanuel Macron – cũng là lần
đầu tiên bước lên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hai tiếng đồng hồ sau tổng
thống Mỹ - cổ vũ chủ nghĩa đa phương, đã nhận được nhiều tràng pháo tay
kéo dài.
Ngược với ông Trump, tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp
phản đối mọi ý định leo thang, cho rằng nên đưa Bắc Triều Tiên ngồi vào
bàn đàm phán. Về cuộc chiến Syria, ông Macron coi đây là « một thất bại tập thể », « chỉ có giải pháp chính trị » thông qua việc thành lập một nhóm tiếp xúc mới có hy vọng kết thúc, tất nhiên là không thể vượt qua lằn ranh đỏ vũ khí hóa học.
Nhưng trung tâm của bài diễn văn là cuộc đấu tranh chống khủng bố, « một cuộc chiến quân sự nhưng cũng về chính trị, giáo dục, văn hóa, đạo đức ». Tờ
báo cánh hữu cũng nhận thấy lời kêu gọi của Pháp không được báo chí Mỹ
quan tâm lắm : không có kênh truyền hình lớn nào truyền trực tiếp phát
biểu của ông Emmanuel Macron, mà dành thì giờ cho các vấn đề nội bộ.
Truyền thống tự kềm chế của các cường quốc nguyên tử bị phá vỡ
Trong bài xã luận mang tên « Chừng mực », nhật báo thiên tả Libération cho rằng nhân dân Mỹ có nguy cơ sẽ nhanh chóng hối hận khi đưa một « người khùng, hoặc khùng phân nửa »,
theo tờ báo, vào Nhà Trắng. Các tuyên bố của tổng thống Donald Trump
trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc cho thấy ngành ngoại giao thế giới đang
trong một tình thế lố bịch.
Libération nhắc nhở : hôm
11/04/1951 tổng thống Harry Truman đã cho ngưng chức tổng tham mưu
trưởng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc đối với tướng Douglas MacArthur, người
hùng trong Đệ nhị Thế chiến, vì sợ những chỉ thị của mình được thực hiện
quá trớn, và nghi ngờ vị tướng nổi tiếng sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân tấn
công quân Bắc Triều Tiên. Mà tổng thống Truman chính là người đã từng
ra lệnh thả hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki ! Ông nhận
định rằng không thể tái diễn việc này, trước viễn cảnh diệt chủng vì vũ
khí nguyên tử. Ngày nay, Donald Trump lại nêu ra ngọn lửa hạt nhân
trước Bắc Triều Tiên.
Đã hẳn là Hoa Kỳ chỉ dự kiến trả đũa trong
trường hợp lợi ích sống còn của Mỹ hoặc các đồng minh bị đe dọa, nhưng
truyền thống xưa nay là thận trọng. Các quốc gia có vũ khí nguyên tử
luôn chọn lựa từ ngữ, tránh leo thang nguy hiểm. Cũng nhờ cân nhắc kỹ
lời lẽ, mà John Kennedy đã giải tỏa được cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Trong khi Donald Trump, chỉ với một câu nói vang như sấm, đã quẳng xuống
sông xuống biển tất cả truyền thống kềm chế về chiến lược lẫn khẩu
chiến.
Không dằn được cơn nóng, Krouchtchev rút giày đập ngay trước Đại hội đồng năm 1960. |
Những bài diễn văn ấn tượng trước Liên Hiệp Quốc
Trang web của Le Figaro
cũng điểm qua những bài diễn văn ấn tượng trước đây tại Đại hội đồng
Liên Hiệp Quốc. Chẳng hạn như Fidel Castro hôm 26/09/1960 đã phát biểu
suốt 4 giờ 29 phút « để nói lên sự thật ». Đây là bài diễn văn dài nhất trong lịch sử Liên Hiệp Quốc. Lãnh tụ Cuba kịch liệt đả kích chính phủ Mỹ và tư bản, ông nói : « Tư bản tài chính của đế quốc là một cô gái điếm không thể quyến rũ nổi chúng tôi ».
Vài
ngày sau, đến lượt ông Nikita Krouchtchev làm diễn đàn bốc lửa, trong
bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh. Lần đầu tiên tham dự Đại hội đồng Liên
Hiệp Quốc, lãnh tụ Liên Xô chỉ trích đế quốc Mỹ và ủng hộ các nước châu
Phi vừa giành độc lập. Bị đại diện Philippines chất vấn về âm mưu khống
chế các nước Đông Âu, tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô đã nổi khùng,
rút giày đập mạnh vào bục giảng, khiến chủ tịch Đại hội đồng phải cho
cúp micro.
Mười năm sau đó, ngày 13/11/1974, được mời tham dự lần
đầu tiên theo đòi hỏi của Phong trào không liên kết, chủ tịch
Palestine, ông Yasser Arafat gởi đến Israel một thông điệp lịch sử với
ẩn ý đe dọa. Ông nói : « Tôi đến đây, mang theo một nhành ô liu và một khẩu súng cách mạng, xin đừng để nhành ô liu rơi khỏi tay tôi ».
Lính Liban mừng chiến thắng. Cuộc chiến Syria nay mang tầm quốc tế. |
Xung đột trên thế giới đã vượt tầm khu vực
Nhìn rộng hơn, khi trả lời phỏng vấn của Libération,
nhà ngoại giao Jean-Marie Guéhenno nhận định, từ năm năm qua, các cuộc
xung đột đã trở nên nguy hiểm vì vượt quá tầm những nhân tố trong khu
vực.
Từng là người chỉ huy các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên
Hiệp Quốc (2000-2008) và hiện đang lãnh đạo think tank International
Crisis Group, ông Jean-Marie Guéhenno điểm lại những cuộc xung đột trên
thế giới và vai trò bị tranh cãi của Liên Hiệp Quốc.
Trong suốt
một thời gian dài, chỉ có 5% khả năng xảy ra xung đột, nhưng nay các
chuyên gia ước lượng tỉ lệ này lên đến 25%. Không thể chắc chắn rằng Kim
Jong Un biết chính xác lúc nào nên tiến và lúc nào thì lùi, về phía
Washington thì bất định, hai yếu tố này pha trộn lại khiến tình hình trở
nên nguy hiểm.
Nước Mỹ của ông Trump biểu hiện cho một xu thế
đang lên tại nhiều nơi khác, đó là mối nghi ngờ về khả năng quản lý tập
thể các vấn đề của hành tinh. Hoa Kỳ đang co cụm lại, nhưng tại châu Âu,
dân tộc chủ nghĩa cũng lan rộng. Thế giới trở nên nguy hiểm hơn vì các
định chế quản lý khủng hoảng đã bị yếu đi.
Từ sau chiến tranh
lạnh, đa số những cuộc xung đột chỉ trong phạm vi từng nước, và hầu hết
đã được giải quyết. Nhưng trong 5 năm gần đây, xung đột tiếp diễn với
nhiều mức độ khác nhau. Chẳng hạn cuộc chiến Syria ở mức độ quốc gia
đồng thời cũng mang tầm khu vực, với sự đối đầu giữa Iran, Ả Rập Xê Út,
Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí quốc tế : giữa Nga và phương Tây. Những cuộc chiến
kết thúc thường không mang tính địa chính trị, như hiệp ước giải giáp
lực lượng FARC ở Colombia.
Bà Aung San Suu Kyi sau khi đọc diễn văn ngày 19/09/2017. |
Thần tượng dân chủ Aung San Suu Kyi gây thất vọng về hồ sơ Rohingya
Nhìn
sang châu Á, một bài diễn văn khác cũng được các báo Pháp chú ý, đó là
phát biểu của bà Aung San Suu Kyi, một thời là thần tượng dân chủ, về
vấn đề người Rohingya. Le Figaro nhận định « Aung San Suu Kyi tránh né thực trạng đàn áp người Rohingya đã khiến họ phải đi tị nạn ».
Trong bài nói chuyện bằng một thứ tiếng Anh hoàn hảo vì từng học ở Oxford, bà Suu Kyi khoe rằng « đại đa số người dân Arakan không di tản »,
trong khi các hình ảnh vệ tinh được Human Rights Watch phân tích cho
thấy trên 200 ngôi làng đã bị đốt cháy kể từ cuối tháng Tám đến nay.
Phát biểu suốt nửa giờ, bà chỉ nhắc đến từ « Rohingya » mỗi một lần, khi nói về nhóm nổi dậy « khủng bố » ARSA (Quân đội cứu rỗi người Rohingya ở Arakhan). Giáo sư Ashraful Azad, trường đại học Chittagong nhận định, « ARSA giúp cho chính quyền Miến Điện có được một cái cớ bằng vàng » cho các hoạt động « thanh lọc », nhân danh đấu tranh chống khủng bố.
Người Rohingya chen chúc xin thực phẩm cứu trợ ở trại tị nạn Cox'Bazar, Bangladesh ngày 20/09/2017. |
Le Figaro
ghi nhận tại các trại tị nạn, người Rohingya không để ý đến những lời
lẽ của giải Nobel hòa bình, mà điều quan tâm duy nhất của họ là sống
sót. Vấn đề « hồi hương » được bà Suu Kyi nêu ra cũng thế. Trong hàng dài những người chờ lãnh thực phẩm cứu trợ, một người tị nạn cho biết : « Ở đây, người ta giúp đỡ chúng tôi, còn ở bên kia biên giới chỉ có nạn đàn áp mà thôi ».
Đặc phái viên La Croix tại Răngun nói về « Sự dửng dưng trước thảm kịch của người Rohingya », ngay
cả đối với những người Hồi giáo Miến Điện. Theo Aung Ko Ko thuộc hiệp
hội Mosaic, nếu thảm họa nhân đạo này không gây xúc động cho những người
theo đạo Hồi ở Răngun, đó cũng là vì « báo chí địa phương xử lý thông tin dưới khía cạnh duy nhất là an ninh quốc gia và nhập cư bất hợp pháp ». Bà Suu Kyi nhấn mạnh cần phải trông cậy vào bà để kéo dài nỗ lực cần thiết cho quá trình chuyển đổi Miến Điện, nhưng Libération than thở : « Mặc cho những lời lẽ đáng nguyền rủa và sự chối cãi của Aung San Suu Kyi, chúng ta không có sự chọn lựa nào khác ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.