lundi 11 septembre 2017

Hiểm họa nguyên tử và dân tộc chủ nghĩa tại châu Á

Kim Jong Un trong buổi lễ mừng thành công của các nhà khoa học Bắc Triều Tiên về chế tạo bom H. Ảnh của KCNA ngày 10/09/2017.

Nhà chính trị học Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược khi trả lời phỏng vấn của Le Monde số ra ngày 11/09/2017, đã nhận định có hai khu vực trên thế giới phải đối phó với hiểm họa nguyên tử, đó là châu Âu và châu Á. Tuy nhiên tình hình tại châu Á là nguy hiểm nhất.
Thưa ông, có nên nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc nguyên tử hay không ? Như vậy đây sẽ là nước thứ 9 - sau năm nước đã được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) công nhận là Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc – cùng với Israel, Ấn Độ, Pakistan ?

Vụ thử nguyên tử lần thứ sáu hôm 3/9 và các hỏa tiễn được bắn đi trước đó, là những tiến bộ quan trọng của Bắc Triều Tiên, và nhìn chung, đây là một bước ngoặt. Bình Nhưỡng nay đã chế tạo được hỏa tiễn liên lục địa, và nắm được công nghệ nguyên tử - có thể là bom H cho dù chưa khẳng định được về vụ nổ có sức mạnh 150.000 tấn này. Dưới thời Kim Jong Un, các chương trình này đã được đẩy nhanh, tuy cần nhắc lại rằng đó là công nghệ của thập niên 50, và Bắc Triều Tiên đã mất nửa thế kỷ mới đạt được !

Câu hỏi đặt ra là thái độ của Bình Nhưỡng phía sau chương trình nguyên tử, có thể là họ đang say men chiến thắng. Một quân nhân Mỹ tại khu phi quân sự chia đôi hai nước Triều Tiên, từng nhận xét về những người lính phía bắc sau vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006: « Sáng nay, họ có vẻ oai vệ hơn… »

Trường hợp của Bình Nhưỡng chứng tỏ hai quy luật. Thứ nhất, một quốc gia cảm thấy bị đe dọa và không có được một sự bảo đảm an ninh chắc chắn, sẽ làm mọi cách để sở hữu vũ khí nguyên tử. Thứ hai, khi một quốc gia quyết tâm vượt qua một cái ngưỡng nào đó, thì rốt cuộc cũng sẽ vượt được. Chỉ có hai ngoại lệ : đó là thay đổi chế độ chính trị như trường hợp Nam Phi và Brazil, hay một hành động quân sự : Irak, nếu không có cuộc chiến năm 1991, chắc là sẽ có được bom nguyên tử vào cuối thập niên. Nhưng việc nhìn nhận năng lực nguyên tử không có nghĩa là công nhận.
Còn có thể chận đứng được Bình Nhưỡng hay không ?

Từ nhiều năm qua, chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên là không thể đảo ngược. Đây là vấn đề cốt tử của chế độ, hơn nữa đã được ghi vào Hiến pháp. Trước hết, đó là phương tiện để tự vệ, để bảo đảm sự tồn tại : đối với Bình Nhưỡng, « mối đe dọa » Mỹ được định nghĩa là đe dọa hạt nhân. 

Vũ khí nguyên tử cũng mang lại cho Bắc Triều Tiên vị thế về mặt chính trị. Bình Nhưỡng nay tự cho là đã đứng vào hàng ngũ hiếm hoi các Nhà nước nguyên tử, sánh vai với Washington. Chương trình này cũng mang lại niềm tự hào dân tộc, năng lực răn đe là ưu thế của một chế độ tự cho là bảo vệ nhân dân…Như vậy nếu tin rằng sẽ tiến đến hủy bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, thì chỉ là ảo tưởng. Nhưng niềm tin này cần được bênh vực, và đối với Seoul cũng như Tokyo, không thể đòi hỏi ít hơn.

Thế thì phải đáp trả như thế nào ?

Cần nhìn nhận thực tế ấy trong chính sách răn đe, bắt đầu là với Hoa Kỳ. Đối với người Mỹ, bảo vệ cũng là một cách đáp trả, ví dụ hệ thống lá chắn ở California và Alaska. Tiếp theo, cần phải duy trì, áp dụng toàn diện các biện pháp trừng phạt - nhất là phía Trung Quốc. Lợi ích của chúng là khiến cuộc sống ở Bắc Triều Tiên thêm khó khăn, vì nước này chưa thể tự cung tự cấp hoàn toàn, đồng thời chứng tỏ hậu quả của việc phổ biến vũ khí hạt nhân bất hợp pháp. Nếu không trừng phạt, Bắc Triều Tiên sẽ còn đẩy nhanh hơn để đạt được mục tiêu. 

Bên cạnh đó là đánh trả. Mỹ có những chương trình phá hoại, kể cả bằng tin học, để chống lại Bình Nhưỡng, cho dù đến nay chưa có kết quả.

Và việc thương lượng nữa, sẽ giúp tranh thủ được thời gian, mà thời gian thì rất quý giá. Đó là những gì đã thực hiện qua hiệp định nguyên tử Iran 2015: cho đóng băng khoảng hơn một chục năm, với hy vọng từ đây đến lúc đó chế độ sẽ có những thay đổi. Có thể đề nghị Bình Nhưỡng chậm bớt một số hoạt động nguyên tử hay đạn đạo, đổi lấy việc Mỹ giới hạn các hoạt động quân sự. Ý tưởng này được ủng hộ nhiều, cho dù cũng không ổn lắm khi đánh đồng một chương trình hạt nhân bất hợp pháp với các hoạt động quân sự hợp pháp.

Can thiệp quân sự phải chăng là phương án ít rủi ro nhất - như đồng nghiệp Valérie Niquet đã đề nghị - nếu Seoul và Tokyo coi việc thương lượng là biểu hiện cho sự thiếu quyết đoán của đồng minh Mỹ ?

Không, rủi ro rất lớn, hơn nữa những nước bị ảnh hưởng đầu tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phản đối. Dưới thời Barack Obama, Mỹ đã tăng cường bảo đảm an ninh cho hai nước này. Còn Donald Trump đã gây ngạc nhiên lớn khi nhanh chóng trấn an người Nhật trong chuyến thăm Washington của ông Shinzo Abe hồi tháng Hai. Tôi không nhìn thấy sự quan ngại nơi Nhật, mà ngược lại, một cuộc tranh luận : sự bảo đảm của Mỹ sẽ phải tiến triển như thế nào ? Cần có thêm nhiều lá chắn tên lửa, hay nên bố trí vũ khí nguyên tử tại Hàn Quốc ?
Bình Nhưỡng cũng đe dọa cả châu Âu ?

Tất cả chúng ta nay đều liên quan không khác gì người Mỹ, với những hỏa tiễn liên lục địa mà tầm bắn đã vượt quá 10.000 km. Đó không phải là mối đe dọa trực tiếp, nhưng nếu có xung đột tại bán đảo Triều Tiên thì chúng ta vẫn liên quan, vì Pháp là một trong những nước đứng ra bảo đảm việc ngưng bắn năm 1953. Với năng lực răn đe của Pháp, đó là vấn đề chiến lược thứ ba cần phải tính đến, ngoài Nga và Trung Quốc. 

Cũng có thể nghĩ tới hệ thống phòng vệ tên lửa. Nhưng tôi không cho rằng đây là lời đáp hữu hiệu của châu Âu hay NATO trước những hỏa tiễn liên lục địa từ châu Á : phí tổn sẽ rất khủng khiếp, còn hiệu quả thì không chắc chắn.

Ông cho rằng có nguy cơ chạy đua vũ khí nguyên tử không ?

Cần phải giám sát mọi mưu toan phát triển công nghệ hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Việc kiểm soát đã hiệu quả hơn so với cách đây 15 năm, nhưng đừng quên năm 2007 người ta đã phát hiện một lò phản ứng nguyên tử Bắc Triều Tiên tại Syria, sau đó Israel đã phá hủy lò này…

Có nghĩa là, trừ trường hợp bất ngờ, tôi cho rằng việc phổ biến hạt nhân ngày nay không còn là vấn đề chính. Với Bắc Triều Tiên, bây giờ là khả năng răn đe. Chương trình của Iran thì đã đóng băng, và tôi không biết Nhà nước nào vừa có ý định lẫn khả năng vượt qua ngưỡng cửa nguyên tử. Đây là sự thực, chừng nào mà Iran vẫn còn trong vòng kiểm soát và Seoul, Tokyo hay Riyad vẫn tin tưởng vào việc bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.

Nhưng châu Á vẫn đang chạy đua về nguyên tử ?

Lục địa này đã phát triển nguyên tử từ 20 năm qua. Có sáu nước ở châu lục sở hữu vũ khí hạt nhân : Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Nga, Hoa Kỳ. Hiện nay có hai lãnh địa nguyên tử lớn trên thế giới : châu Âu, vì thái độ khiêu khích của Nga; và châu Á, nơi mà số vũ khí đang tăng lên tối đa. Những nước sở hữu vũ khí nguyên tử lo mở rộng tầm bắn hỏa tiễn, đa dạng hóa cách thức phóng, và quan tâm đến năng lực tàu ngầm.

Cũng chính tại châu Á mà tình hình hiện nay nguy hiểm nhất. Nói một cách nào đó, Đệ nhị Thế chiến vẫn chưa kết thúc : số lãnh thổ tranh chấp từ thập niên 40 vẫn tồn tại. Ấn Độ và Pakistan, Trung Quốc và Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều không công nhận sự hiện diện hợp pháp của đối thủ. Chưa kể bất đồng giữa các láng giềng : Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…Chúng ta đang sống trong một thế giới của « chủ nghĩa dân tộc nguyên tử ». Vũ khí hạt nhân, hơn bao giờ hết là chìa khóa của tương quan lực lượng quốc tế.

Phải chăng đây là một đòn mới đánh vào Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân NPT ?

Không, vì Bắc Triều Tiên đã loan báo rút khỏi NPT từ năm 2003. Cú đòn thực sự đánh vào Hiệp ước này, là cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc hôm 7/7, về hiệp ước cấm toàn bộ vũ khí nguyên tử. Đó là sự chia rẽ : các tổ chức và quốc gia bực tức trước công cuộc giải trừ hạt nhân không có tiến triển gì đã đứng sang một phía khác, đòi hỏi giải trừ thông qua các công cụ mới. Tuy vậy, liệu có thể tin rằng một hiệp ước cấm đoán sẽ gây được tác động nào đó lên Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Nga ? Trên thực tế, những người chủ trương « hủy bỏ » vũ khí nguyên tử đã thua cuộc.

Năm quốc gia có vũ khí hạt nhân có thể có cùng một tiếng nói ? Tại sao lại không có được sự đồng thuận về Bắc Triều Tiên, như đối với Iran ?

Sự đồng thuận của năm nước này về vấn đề hạt nhân là khá mong manh. Đã có những nỗ lực thực sự trong thương lượng với Bắc Triều Tiên, tương tự như với Iran, nhưng hai tình huống rất khác nhau. Quyết tâm của Bình Nhưỡng có thể đã bị đánh giá thấp. Hơn nữa, giữa một nước có tham vọng hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, muốn trở thành nhân tố hàng đầu trong khu vực ; và một nước đóng cửa với bên ngoài, ít lệ thuộc với thế giới, thì đòn bẩy kinh tế rất khác nhau. Iran cũng luôn tuyên bố muốn ở trong khuôn khổ hợp pháp. Những ai ấp ủ hy vọng làm được những gì như với Iran chỉ là ảo mộng.

Phải chăng hiện nay nguy cơ sử dụng đến vũ khí nguyên tử đã cao hơn ?

Không. Tôi phản đối giả thiết thảm họa hạt nhân. Tất cả các Nhà nước nguyên tử đều nhằm răn đe chứ không phải « sử dụng », kể cả Nga, Pakistan hay…Bắc Triều Tiên. Đã hẳn là có nguy cơ một sự khiêu khích biến thành một cuộc khủng hoảng, và thực hiện răn đe trong thế kỷ 21 khó khăn hơn nhiều so với thế kỷ 20. Nhưng điều rất đáng chú ý là vũ khí nguyên tử chưa hề được sử dụng kể từ năm 1945 đến nay, ngược với dự đoán của nhiều nhà phân tích. Còn về khủng bố nguyên tử, đó là một nguy cơ bị thổi phồng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170911-hiem-hoa-nguyen-tu-va-dan-toc-chu-nghia-tai-chau-a

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.