Bìa số đúp của Charlies Hebdo ra thứ Sáu 08/01/2016. |
Một năm sau vụ khủng bố ở tòa soạn Charlie Hebdo,
tuần báo châm biếm này vào thứ Tư 06/01/2016 sẽ xuất bản số báo kỷ niệm
vụ thảm sát. Trang bìa là hình vẽ một Thượng đế mang bộ râu quai nón,
mang khẩu súng kalachnikov, quần áo dính máu, với dòng chữ « Một năm sau, kẻ sát nhân vẫn nhởn nhơ ».
Số
báo ra đời trùng với kỷ niệm một năm vụ thảm sát làm 17 người thiệt
mạng, được in một triệu bản trong đó có vài chục ngàn bản gởi ra nước
ngoài. Trong tuần này cũng diễn ra một loạt các hoạt động tưởng niệm,
được kết thúc bằng một cuộc mít-tinh lớn ở quảng trường République tại
Paris, với sự hiện diện của Tổng thống François Hollande.
Ngày 07/01/2015, hai kẻ khủng bố là anh em ruột, Said và Chérif Kouachi, đã bất ngờ xông vào tòa soạn Charlie Hebdo ở
Paris, xả những tràng kalachnikov vào ban biên tập đang họp. Toàn thế
giới sững sờ trước cuộc tấn công vào báo chí tự do, trụ cột của nền dân
chủ. Tờ báo uy tín Le Monde chạy tựa : « Ngày 11 tháng Chín của nước Pháp ».
Hai tên sát thủ hô to : « Đã báo thù cho nhà tiên tri ! Chúng ta đã giết chết Charlie Hebdo ! ».
Tám thành viên ban biên tập, trong đó có năm họa sĩ, là kẻ thù của Hồi
giáo cực đoan từ khi đăng tranh biếm họa nhà tiên tri Mahomet năm 2011,
đã bị chết. Bốn người khác cũng thiệt mạng trong vụ này.
Hôm sau,
một kẻ Hồi giáo cực đoan khác là Amédy Coulibaly, sát hại một nữ cảnh
sát ở Montrouge, gần Paris. Hôm sau nữa, ngày 09/01, tên này tấn công
vào một siêu thị Do Thái, giết chết bốn người, trước khi bị cảnh sát bắn
hạ. Hai anh em Kouachi thì bị tiêu diệt sau đó trong một xưởng in ở
đông bắc Paris.
Vết rạn nứt xã hội
Gần
bốn triệu người dân Pháp đã xuống đường phản đối, một sự kiện chưa từng
thấy kể từ khi Paris được giải phóng khỏi quân phát-xít năm1944. Từ
Luân Đôn sang Madrid hay Washington diễn ra nhiều cuộc tuần hành, người
biểu tình hát quốc ca Pháp và hô vang khẩu hiệu « Tôi là Charlie ».
Nhưng
làn sóng ủng hộ này vẫn không hàn gắn được sự chia rẽ trong xã hội
Pháp. Tuy tố cáo bạo lực, nhưng một bộ phận người Hồi giáo vẫn không
đồng tình với cung cách châm biếm của Charlie Hebdo. Giáo viên
nhiều khi không bắt được học sinh giành một phút mặc niệm các nạn nhân,
những kẻ sát nhân đôi khi được ca ngợi trên internet.
Nước Pháp
đặt dấu hỏi về mô hình hội nhập của mình. Làm thế nào những thanh niên
sinh ra và lớn lên tại Pháp lại có thể trở thành kẻ khủng bố ? Phe cực
hữu kiếm thêm được rất nhiều phiếu trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố
hồi tháng 03/2015 (25% trong vòng đầu) và bầu cử cấp vùng tháng 12/2015
(gần 28%).
Một tuần sau vụ thảm sát, Charlie Hebdo lại
được bày bán trên các quầy báo, với trang nhất là hình vẽ nhà tiên tri
Mohamed đang nhỏ lệ. Từ Niger đến Tchetchenia, những cuộc biểu tình bạo
động nổ ra trong thế giới Hồi giáo.
« Nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh »
Sau số báo Charlie Hebdo
do những người sống sót thực hiện in 8 triệu bản vẫn không đủ bán,
ê-kíp còn lại quay về với công việc bình thường nhưng họ vẫn khó vượt
qua những chấn thương. Một số rời khỏi tờ báo.
Cuộc sống trở lại
như thường lệ, trong sự giám sát : việc tuần tiễu tại các địa điểm nhạy
cảm trở nên thường xuyên. Dù vậy, những người Do Thái tại Pháp vẫn lo
ngại, nhiều người di cư sang Israel.
Và rồi khủng bố lại tái diễn.
Nếu một số vụ tấn công đã bị phá vỡ (như âm mưu đánh vào một giáo đường
ở Villejuif, ngoại ô Paris hồi tháng Tư) hay hạn chế được thiệt hại
(trong chuyến tàu Thalys hồi tháng Tám), quân thánh chiến đã vượt qua
một nấc mới vào ngày 13/11.
Tối hôm ấy, khoảng 12 tên khủng bố hầu
hết từng ở Syria, đã phối hợp tấn công gần như đồng loạt vào sân vận
động Stade de France, các nhà hàng và quán bar, rồi nhà hát Bataclan.
Tổng cộng có đến 130 người bị giết hại trong các vụ tấn công đẫm máu
nhất từ trước đến nay tại nước Pháp.
Lần này, làn gió « tinh thần ngày 11 tháng Giêng » không
còn thổi nữa, nước Pháp được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Các cuộc
biểu tình bị cấm, những vụ khám xét diễn ra ở nhiều nơi. Những cuộc
không kích vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo - đã nhận trách nhiệm vụ khủng
bố Paris - ngày càng dồn dập hơn tại Syria và Irak.
Tổng thống François Hollande nhấn mạnh : « Nước Pháp đang trong tình trạng chiến tranh ». Một người dân ở khu vực phía đông Paris, nơi xảy ra các vụ thảm sát, nhận định : «
Đó là tội ác hàng loạt. Không chỉ là các nhà báo, người Do Thái hay
cảnh sát, mục tiêu bây giờ là tôi, là anh, trong quán bar, trong các nhà
hát, nơi chúng ta đưa con cái đến thưởng thức ».
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.