Một xí nghiệp may ở Bắc Giang |
Phạm Chí Dũng : Ngay trước Ðại
hội 12 và vào lúc Hội nghị Trung ương 14 dành riêng cho « tứ trụ »
đang dập dồn xô tới, hãy nhìn thẳng vào sự thật: Bản chất của kinh tế Việt Nam
vào cuối năm 2015 là gì?
Giả dối bất tận
« Sóng biển bất tận thì tham nhũng cũng bất tận » - một tờ báo nhà nước mới đây đã phải nêu lên hình ảnh ẩn
dụ này để ám chỉ việc giới quan lại chỉ ăn mà không làm.
Bệnh trạng giả dối cũng bất tận không kém.
Những ngày cuối năm 2015, trong một não trạng xơ vữa, Tổng
cục Thống kê Việt Nam lại công bố: « Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm
nay ước tính tăng 6.68% so với năm 2014, cao hơn 0.48% so với mục tiêu Quốc hội
đề ra là 6.2%. Đây là mức tăng cao nhất 5 năm qua », và « GDP
là chỉ số ấn tượng nhất cho thấy nền kinh tế phục hồi rất rõ nét. »
Đến đầu năm mới 2016, cũng với một não trạng như thế nhưng
còn xơ vữa hơn nhiều, cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam lại tung ra
một tựa đề hoành tráng « bắt đầu một chu kỳ thịnh vượng mới »
cùng « năm 2015, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song Việt
Nam đã đạt được thành quả to lớn, thành công trên hai mặt kinh tế và bảo đảm an
ninh trật tự xã hội ».
« Thịnh vượng »
nào khi dân ngày càng nghèo hóa, các nhóm lợi ích tung hoành khắp chốn, còn
quan chức tham nhũng bụng « chửa » vượt mặt?
Sự thật đột nhiên lộ diện: Vào những năm trước, những kết
quả « ấn tượng » của Tổng cục Thống kê vẫn khó bị kiểm chứng
bởi thực tế quá thiếu minh bạch của nền ngân sách quốc gia. Tuy nhiên nghịch lý
kinh khủng là vào năm 2015, các số liệu kinh tế vẫn thuần túy được tuyên truyền
theo lối tuyên giáo trong bối cảnh vừa bùng nổ một trần trụi vào thời điểm cuối
năm: Ngân sách Trung ương chỉ còn 45.000 tỉ đồng mà « không biết phân
bổ cho cái gì » - được tiết lộ do chính ông Bùi Quang Vinh, Ủy viên
Trung ương Đảng và là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, cũng là một trong số hiếm
quan chức cuối cùng được coi là lịch lãm ở Hà Nội.
Ít sòng phẳng hơn, nhưng vào năm 2014, ông Vương Đình Huệ -
Trưởng ban Kinh tế Trung ương - cũng phải mát mẻ rằng « GDP có chân ».
Hình ảnh hài hước này phản ánh phần lớn trong 63 tỉnh thành ở Việt Nam đều báo
cáo « GDP địa phương » lên đến 10-15%, nhưng đến khi tổng kết lại thì
GDP quốc gia chỉ vào khoảng 5-6%. Như vậy số còn lại « biến » đi đâu?
Trong khi đó, Trung Quốc - dù bị coi là một quốc gia có rất
nhiều tuyên truyền dối trá, nhưng từ năm 2013 cũng bắt đầu phải nói ra một phần
sự thật về GDP của nước này. Một quan chức phụ trách thống kê của Trung Quốc -
khi về hưu đã phải cho biết GDP thực chất của Trung Quốc chỉ bằng phân nửa so
với con số báo cáo. Mới đây, một tổ chức nghiên cứu phương Tây cho biết GDP
thực của Trung Quốc chỉ vào khoảng hơn 2%, so với con số « nghị quyết »
là hơn 7%.
Trung Quốc và Việt Nam lại song hành « môi răng ».
Như người đời thường nói « cái khôn chẳng học, đi học cái dại ».
« Học cái dại »
Thực tế, tính « nghị quyết » về tăng trưởng kinh
tế ở Việt Nam còn điêu ngoa và tồi tệ hơn cả Trung Quốc. Bất chấp nền kinh tế
đã suy thoái đến tám năm liên tiếp và vô số khó khăn trầm kha từ nợ công, nợ
xấu, ngân sách cùng những tiền đề lộ diện về khủng hoảng ngân hàng, các báo cáo
của chính phủ vẫn thậm duy ý chí và định hướng khoa trương chính trị để « lập
thành tích chào mừng Đại hội Đảng 12 ».
Có quá nhiều nghi ngờ về cách tính GDP ở Việt Nam. Một trong
những thành phần liên đới mật thiết với GDP là nợ công quốc gia.
Cho tới nay, Việt Nam vẫn không chịu đưa yếu tố nợ doanh
nghiệp nhà nước vay nước ngoài vào cấu trúc nợ công, cùng lúc cố ép tỉ lệ nợ
công/GDP dưới 65%, tức dưới ngưỡng nguy hiểm. Trong khi đó, nếu tính đủ cả nợ
doanh nghiệp nhà nước, tỉ lệ nợ công phải lên đến ít nhất 98% GDP.
Theo một số chuyên gia, sự chênh lệch rất lớn trên về tỉ lệ
nợ công cho thấy GDP thực ở Việt Nam chỉ vào khoảng 1-2% chứ không thể là trên
6% như báo cáo của giới quan chức chính phủ.
Trong khi thông tin về thành tựu GDP tăng vọt, cũng chính
Tổng cục Thống kê lại cho biết số doanh nghiệp giải thể hoặc gặp khó khăn buộc
phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2015 lên tới 80,858, tăng đến 19% so với năm
2014. Riêng tháng Mười Hai, 2015, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,1%,
trong khi số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động tăng tới
80,6%.
Năm 2015, tình trạng nhập siêu tái hiện cùng việc quỹ dự trữ
ngoại hối sụt giảm chỉ còn bảo đảm 2,1 tháng nhập khẩu đang cho thấy 2016 sẽ là
một năm cực kỳ căng thẳng về ngân sách và nguồn chi ngoại tệ. Hiện tượng doanh
nghiệp phá sản tăng vọt trong tháng cuối cùng của năm 2015 lại tiếp thêm một
bằng chứng nữa về « triển vọng cất cánh » của nền kinh tế Việt
Nam mà báo cáo chính phủ luôn hồng hào.
« Cất cánh »
hay « hóa rồng » thực ra chỉ tồn tại như những khái niệm mang
tính cổ vũ mà vài học giả phương Tây thúc giục Việt Nam mở cửa cách đây hai
chục năm, sau đó được giới học giả phản biện trung thành của nhà nước « nhân
điển hình tiên tiến ».
Còn giờ đây, nền kinh tế đã chính thức bị giới quan lại « ăn
của dân không chừa thứ gì » biến thành một chủng loại bò sát đúng
nghĩa.
Bò sát
Tất cả lại đang hiện thực hóa không thể sống sượng hơn ngay
trước « thềm » Hội nghị Trung ương 14 và Đại hội 12 của đảng cầm
quyền.
Kể từ giai đoạn « giá - lương - tiền » năm
1985, chưa bao giờ chân đứng chế độ phải chịu nổi đe dọa khủng khiếp bởi mục
ruỗng kinh tế như hiện thời. Nhưng hơn 400 loại phí và lệ phí vẫn tiếp tục đè
đầu dân chúng để bù chi ngân sách và càng khiến phản kháng mang sắc màu bạo
động sinh đẻ khắp nơi.
Khi cửa miệng giới quan chức vẫn tuôn ra từ « cất
cánh », các lớp dân nghèo đã bị biến thành loại bò sát đến tận mạt.
Tất cả các dòng sông đều đang tràn ra biển cả khủng hoảng
kinh tế và đủ thứ bệnh xã hội. Học càng cao càng dễ thất nghiệp là một trong
những bằng chứng chói lọi. Bất chấp hành vi của Bộ Lao động, Thương binh và Xã
hội công bố đều đặn hàng năm về tỉ lệ thất nghiệp chỉ từ 2-2.5%, con số thực -
như một quan chức có trách nhiệm của Quốc Hội nói lẫy vào năm 2014 – « thêm
vào số 0 vẫn đúng ».
Và cả cơn khủng hoảng lấy đâu ra tiền để trả đủ lương cho
giới quan chức và lực lượng vũ trang - có thể ứng vào năm 2017...
Không thể bóp nặn quỹ dự trữ ngoại hối được nữa.
« Cái nào không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng
rất nhiều tiền ».
In tiền? In tiền thật nhiều?
Bất kể cuộc tranh giành quyền lực ra
sao, cũng bất kể tổng bí thư cùng « tứ trụ» tại Đại hội 12 là những ai, một
trong những việc đầu tiên mà Bộ Chính trị mới phải làm là căng óc để tìm phương
cách trả nợ nước ngoài.
Bởi nếu không thể trả nợ thì đừng
bao giờ nói đến « ổn định chính trị », nhưng lại tràn trề ý niệm về « tồn vong chế độ».
Phạm Chí Dũng (Bài đăng trên Người Việt)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.