Vụ nổ thử bom H đầu tiên, "Ivy Mike", ngày 01/11/1952, gần đảo Bikini, giữa Thái Bình Dương. |
Bom H hay bom khinh khí, bom nhiệt hạch mà Bắc
Triều Tiên khẳng định đã thử thành công hôm qua 06/01/2016, là loại bom
có sức công phá mãnh liệt hơn nhiều so với hai quả bom A đã thả xuống
Hiroshima và Nagasaki năm 1945.
Bom
A giải thoát ra năng lượng nhờ kỹ thuật phân hạch các nhân nguyên tử
uranium hay plutonium. Còn bom H sử dụng trước hết là kỹ thuật phân
hạch, rồi đến kỹ thuật hợp hạch theo phản ứng dây chuyền. Cho đến nay,
chưa có quả bom H nào được dùng đến trong chiến tranh, mà chỉ cho nổ thử
nghiệm.
Cụ thể hơn, bom H hay bom khinh khí, dựa trên nguyên tắc
hợp nhất các nhân nguyên tử, giải thoát ra khối năng lượng còn lớn hơn
cả nhiệt độ và áp suất ở trung tâm Mặt Trời. Khi một quả bom H nổ tung,
thì các vụ nổ hóa học, nguyên tử và nhiệt hạch liên tục diễn ra trong
một thời gian cực ngắn. Một quả bom phân hạch đầu tiên làm cho nhiệt độ
tăng lên vô cùng cao, gây ra quá trình hợp hạch tiếp theo.
Ngày 01
tháng 11 năm 1952, Hoa Kỳ đã bí mật cho nổ loại bom mới này tại quần
đảo Marshall ở giữa Thái Bình Dương. Một năm sau đó, đến lượt Liên Xô
loan báo thử bom nhiệt hạch. Sức mạnh của quả bom H lớn nhất từ trước
đến nay của Nga, mang tên « Tsar Bomba » được thử nghiệm vào
ngày 30 tháng 10 năm 1961 ở trên bầu trời Bắc cực, là 57 mégatonne tức
57 triệu tấn. Về mặt lý thuyết, quả bom H này mạnh gấp 4.000 lần quả bom
A thả xuống Hiroshima.
Còn bom A, được gọi chung là bom nguyên
tử, sử dụng nguyên tắc phân rã các nhân nguyên tử. Có hai dạng, một là
bom nguyên tử dùng uranium được làm giàu, dạng thứ hai dùng
plutonium. Vụ nổ thử quả bom A đầu tiên diễn ra vào tháng Bảy năm 1945
tại vùng sa mạc New Mexico của Hoa Kỳ, cho thấy sức mạnh hủy diệt của
bom nguyên tử.
Năng lực của quả bom uranium thả xuống Hiroshima là
15 kilotonne, tức 15 ngàn tấn. Còn quả bom ở Nagasaki dùng plutonium,
có sức mạnh gần tương đương là 17 kilotonne, tức ngang với 17 ngàn tấn
thuốc nổ TNT. Bốn năm sau, Liên Xô cho nổ quả bom Á đầu tiên của mình
vào ngày 29 tháng Tám năm 1949 tại sa mạc vùng Kazachstan.
Kỹ
thuật thu nhỏ quả bom là giai đoạn quyết định, vì giúp gắn đầu đạn
nguyên tử vào hỏa tiễn. Theo Bình Nhưỡng, quả bom H cho nổ hôm qua đã
được « thu nhỏ ». Hồi tháng 05/2015, Bắc Triều Tiên cũng đã
khẳng định có khả năng bắn ra các đầu đạn nguyên tử từ các hỏa tiễn tầm
xa có độ chính xác cao. Nhưng Nhà Trắng cho là không mấy tin Bình Nhưỡng
có thể thu nhỏ vũ khí hạt nhân.
Hiện nay trên thế giới có ít nhất
9 nước sở hữu vũ khí nguyên tử. Năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo
An Liên Hiệp Quốc được chính thức coi là các cường quốc nguyên tử : Hoa
Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. Theo các chuyên gia, tất cả năm quốc
gia này đều sở hữu bom khinh khí.
Theo nhà phân tích Hans
Kristensen của Federation of American Scientists (FAS), thì kho vũ khí
của Mỹ, Anh và Pháp hiện nay hầu hết là vũ khí nhiệt hạch. Nga cũng có
bom H, nhưng vẫn còn loại bom A. Ấn Độ (1974) và Pakistan (1998) đã gia
nhập nhóm các cường quốc nguyên tử, cũng như Israel, nhưng chưa bao giờ
được nhìn nhận. Cả ba nước này chỉ có các bom A, theo các chuyên gia.
Bắc
Triều Tiên hôm qua loan báo thử nghiệm quả bom H đầu tiên, đã ba lần
thử bom A vào các năm 2006, 2009, 2013, dẫn đến việc bị Liên Hiệp Quốc
ra nhiều nghị quyết trừng phạt. Cuối cùng, Iran hồi tháng 07/2015 đã ký
kết với các cường quốc (Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) một
thỏa thuận hạt nhân quy định hạn chế chương trình nguyên tử Iran, để đổi
lấy việc dỡ bỏ một phần các trừng phạt của nguyên tử, và việc dỡ bỏ này
vẫn có thể xem xét lại.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.