lundi 11 janvier 2016

Vũ khí nguyên tử, chiến lược lợi hại của Bắc Triều Tiên

Người dân Bình Nhưỡng vui mừng nhảy múa tại quảng trường Kim Il Sung trước tin thử thành công bom khinh khí, 08/01/2016.

Le Monde hôm nay 11/01/2016 dành đến hai trang báo khổ lớn cho Bắc Triều Tiên, với hàng tựa « Nguyên tử, Chén Thánh của dòng họ Kim ». Khởi đầu do Liên Xô dẫn dắt và được nuôi dưỡng bởi những sai lầm của chính sách Mỹ, Bắc Triều Tiên rốt cuộc sở hữu được vũ khí hạt nhân, mặc cho cộng đồng quốc tế phản đối. Đối với Bình Nhưỡng đang bị cô lập, nguyên tử chính là bảo đảm cho sự sống sót của chế độ.
Quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô trong thập niên 50, Bắc Triều Tiên đã tự hoàn chỉnh được kỹ thuật nguyên tử, lén lút trang bị được kỹ năng và các thiết bị cần thiết trong thập niên 60 và 70, trước khi thiết lập được chương trình hạt nhân quân sự trong thập niên 80 và 90 kế tiếp. Trở nên quốc gia tự chiết xuất được plutonium, Bình Nhưỡng đã tiến hành vụ thử nguyên tử đầu tiên vào năm 2006.


Ngay từ năm 1952, trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, Viện hàn lâm Khoa học Bắc Triều Tiên đã lao vào nghiên cứu việc khai thác các mỏ uranium mà đất nước này khá giàu có, cùng với vật lý nguyên tử. Ba năm sau, Bình Nhưỡng thành lập Viện nghiên cứu Nguyên tử.

Năm 1956, Matxcơva ký kết với Bình Nhưỡng một hiệp định hỗ trợ và ba năm sau đó là thỏa thuận hợp tác kỹ thuật, xây dựng một trung tâm nguyên tử thử nghiệm ở Bắc Triều Tiên. Đang xung đột với Bắc Kinh, điện Kremli hy vọng sẽ lôi kéo được Bình Nhưỡng về phe mình. Công việc xây dựng được khởi đầu tại Yongbyon, cách Bình Nhưỡng 90 km về phía bắc, năm 1962, năm mà Hoa Kỳ trang bị cho Hàn Quốc và Việt Nam Cộng Hòa các lò phản ứng thử nghiệm.

Lò phản ứng do Liên Xô xây giúp ở Yongbyon đi vào hoạt động từ năm 1965, và mỗi đợt nhiên liệu được giao đều đi kèm với lời hứa của Bình Nhưỡng không sử dụng vào mục đích quân sự. Nhưng các tài liệu lưu trữ của Liên Xô và các nước Đông Âu cho thấy ngay từ thời kỳ đó, Bình Nhưỡng đã rất quan tâm đến vũ khí nguyên tử, liên tục hỏi xin các thông tin kỹ thuật, nhưng Matxcơva tỏ ra cảnh giác với Kim Il Sung, ít trung thành và khó kiểm soát.

Kremli đã nhượng bộ khi xảy ra « cuộc khủng hoảng hỏa tiễn » ở Cuba năm 1962, việc Hoa Kỳ triển khai vũ khí nguyên tử tại Hàn Quốc từ năm 1958 và vụ đảo chính của tướng Park Chung Hee năm 1961. Liên Xô muốn Bắc Triều Tiên trở thành một « pháo đài bất khả xâm phạm » qua việc quân sự hóa tối đa. Còn Kim Il Sung bí mật tự tiến hành chương trình nguyên tử quân sự, và kể từ đầu thập niên 70, các chuyên gia nguyên tử Liên Xô không còn được Bắc Triều Tiên mời đến.

Chương trình nguyên tử trong suốt một thời gian dài đã trở thành lá bài quan trọng trong chính sách ngoại giao của Bắc Triều Tiên để đạt được những nhượng bộ. Chuyên gia Claude Helper cho rằng trước sau gì cũng phải nhìn nhận trên thực tế Bắc Triều Tiên đã là một Nhà nước nguyên tử. Hậu quả là việc đặt ra điều kiện tiên quyết để ngồi vào bàn thương lượng là phải từ bỏ vũ khí nguyên tử, đã trở thành siêu thực. Mục tiêu thực tế nhất chỉ có thể là giảm thiểu nguy cơ chuyển giao công nghệ hay thiết bị cho Bình Nhưỡng.

Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh không biết gì về việc Bình Nhưỡng thử bom H.
Trung Quốc ở thế lưỡng nan

« Thế lưỡng nan của Trung Quốc trước thử thách vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên », đó là tựa đề bài phân tích của thông tín viên Le Figaro tại Thượng Hải. Như thường lệ, sau mỗi vụ khiêu khích của Bình Nhưỡng, các chiến lược gia ở Washington chờ đợi Bắc Kinh cuối cùng sẽ ra tay để cắt đứt nguồn tiếp tế cho nước láng giềng khó trị.

Với vụ thử bom hạt nhân lần thứ tư, « Lãnh tụ tối cao » của nước Bắc Triều Tiên nhỏ bé đã phá vỡ đà tiến tích cực từ hiệp định lịch sử với Iran, thắng lợi chính yếu của vị Tổng thống Mỹ vốn đã hứa hẹn « một thế giới không vũ khí nguyên tử ». Việc các chuyên gia nghi ngờ đây không phải là một quả bom khinh khí không quan trọng mấy, vấn đề là « cái ác » đã xảy ra. Không còn cách nào khác, Washington phải quay sang trách móc Bắc Kinh.

Theo tờ báo, Trung Quốc đã bị mất mặt hơn bao giờ hết với cú thử bom nguyên tử này, khi bất lực trước đàn em cứng đầu. Vào lúc Bắc Kinh đang dấn tới trên Biển Đông, Bình Nhưỡng tặng cho Washington một cái cớ bằng vàng để tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á. Tuy nhiên khó có khả năng Bắc Kinh ra tay can thiệp, vì sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn, với nguy cơ làn sóng người tị nạn sẽ tràn sang và sự hiện diện của quân đội Mỹ ngay sát biên giới.

Châu Âu sẽ coi Trung Quốc là nền kinh tế thị trường ?

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết « Châu Âu đang nghĩ đến việc hạ thấp các rào cản thương mại cho hàng Trung Quốc ». Ủy ban Châu Âu thứ Tư tới sẽ thảo luận việc coi Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường.

Phía sau tên gọi « nền kinh tế thị trường », là thử thách quan trọng cho các nhà sản xuất châu Âu. Năm 2001, sau khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc được cho thời hạn 15 năm để trở thành một nền kinh tế thị trường.

Do chưa được công nhận, mức thuế quan bổ sung của châu Âu đánh vào hàng hóa Trung Quốc khá cao. Một khi tình trạng này thay đổi, phương pháp tính toán về phá giá cũng sẽ thay đổi theo, và như vậy, sẽ rất khó kiện các nhà sản xuất Trung Quốc ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trong khi đó Bruxelles dường như có xu hướng sẽ chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh. Một nghiên cứu được đặt hàng gần đây cũng giảm thiểu số lượng công ăn việc làm sẽ bị mất đi nếu Trung Quốc được coi là nền kinh tế thị trường, dù các nhà kỹ nghệ châu Âu ước tính sẽ có đến 3,5 triệu người tại châu Âu bị mất việc.

Viễn cảnh này làm cho họ lo sợ, và hiệp hội AEGIS tập hợp 25 lãnh vực công nghiệp đã gởi thư cho Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker để cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng sắp tới. Theo nhà tư vấn Mogens Peter Carl, Bắc Kinh vẫn chưa thực hiện những cải cách đã hứa hẹn hồi năm 2001 như hủy bỏ tài trợ quy mô cho công nghiệp trong nước, nên châu Âu không thể xử sự như những người lịch sự ngây thơ.

Biểu tình chống nhập cư tại Köln ngày 09/01/2016.
Đức : Người nhập cư tấn công tình dục phụ nữ gây phẫn nộ

Ở châu Âu, xì-căng đan tấn công tình dục tại Đức đang làm dấy động dư luận đối với người nhập cư từ các nước Hồi giáo. « Tại Cologne, chỉ trong vòng 200 mét, họ đã sờ soạng tôi đến 100 lần », theo lời kể của một phụ nữ Đức, được Libération dùng làm tựa đề cho bài phóng sự của đặc phái viên tờ báo tại bang Köln (gọi theo tiếng Pháp là Cologne).

Clara, một cô gái tóc vàng 28 tuổi kể lại, lực lượng an ninh đêm giao thừa hôm ấy đã bất lực không bảo vệ được các phụ nữ nạn nhân. Cô vừa bước xuống sân ga ở Köln, đi chưa được bao xa thì đã bị những bàn tay đàn ông thô bạo sờ nắn mông và ngực cả trăm lần. Một hiện tượng chưa từng xảy ra tại Đức ! Kể các cô đi với bạn trai cũng bị tấn công.

Xì-căng-đan này ngày càng gây xúc động mạnh tại Đức khi đã có trên 500 phụ nữ đưa đơn kiện tại Köln, trong đó 40% vì bị quấy nhiễu tình dục. Tất cả đã bị « bao vây bởi những nhóm đàn ông Ả Rập hay Bắc Phi » khi ra khỏi các chuyến tàu từ nửa đêm đến bốn giờ sáng. Theo tờ Die Welt, đa số những người bị kiểm tra hôm 31/12/2015 tại Köln là người Syria. Không chỉ tại Köln, hiện tượng này còn xảy ra tại Hambourg, Stuttgart, Frankfurt, thậm chí ở Zurich (Thụy Sĩ), Salzbourg (Áo), Phần Lan.

Ảnh một thanh niên ở Madaya chỉ còn da bọc xương ghi nhận được trên mạng xã hội.
Syria : Bị bao vây, dân Madaya đang phải ăn cỏ và thịt chó mèo

Nhìn sang Syria, cụ thể là tại Madaya, thành phố 40.000 dân đang bị quân chính phủ Assad vây hãm từ sáu tháng qua, Libération kêu gọi để phá vòng vây, cứu người dân tại đây khỏi chết đói, phương Tây nên thả dù lương thực cho họ.

Theo tờ báo, nạn đói đang trở thành vũ khí tại Syria, trước hết là của chế độ Damas để hạn chế thiệt hại từ phe nổi dậy tại những vùng chiến lược. Tại Madaya, dân cư sống sót bằng cách nấu chín cây cỏ, hay bằng thịt của những con mèo, con chó đi lạc còn sót lại. Họ đang chết đói dần mòn trước sự dửng dưng của thế giới. Bi kịch này diễn ra chỉ cách biên giới Liban hơn một chục cây số, tức chỉ một phút bay của các phi cơ Hercules để thả dù thực phẩm.

Việc thả dù lương thực đã được thực hiện vào mùa hè 2014 trên đỉnh núi Sinjar ở miền bắc Irak, nơi hàng chục ngàn người tị nạn Yezidi chạy trốn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bị kẹt lại. Nhưng nay vấn đề này hiện không nằm trong kế hoạch của Mỹ hay Pháp, Anh, những nước tích cực nhất trong chiến dịch không kích đánh vào IS.

Tưởng niệm các nạn nhân khủng bố tại quảng trường République, Paris ngày 10/01/2016.
Việc làm, bầu cử sơ bộ, chống khủng bố : Tựa chính báo Pháp

Thời sự nước Pháp chiếm lĩnh trang nhất các báo Paris hôm nay. Le Monde đặt câu hỏi : « Bà Christiane Taubira sẽ dấn lên đến đâu ? », khi bà Bộ trưởng Tư pháp lại khẳng định phản đối biện pháp tước quốc tịch đối với những kẻ khủng bố song tịch, tuy chính bà phải làm nhiệm vụ bảo vệ dự luật này trước Quốc hội.

Trang bìa của tờ báo thiên tả Libération được dành cho lời kêu gọi tổ chức bầu cử sơ bộ để chọn lựa ứng cử viên tổng thống cho cánh tả Pháp, được nhiều trí thức đưa ra. Còn tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa : « Bầu cử sơ bộ cánh hữu : Ông Alain Juppé vượt lên hẳn » : Thị trưởng Bordeaux được đến 38% người ủng hộ, qua mặt cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, bị giảm còn 29%.

La Croix đăng ảnh bức tượng Marianne tượng trưng cho nước Pháp chìm trong bóng đêm với hàng tựa « Không để lãng quên ». Nhắc đến sự kiện lễ tưởng niệm những nạn nhân của các vụ khủng bố tại nước Pháp trong năm 2015 tại quảng trường République hôm qua, tờ báo đặt câu hỏi, tinh thần hôm 11 tháng Giêng còn lại gì, giữa ý muốn tương trợ và yêu cầu an ninh ? Tương tự, L’Humanité nhấn mạnh trên trang bìa « Tự do, Bình đẳng, Bác ái ».

Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến vấn đề « Việc làm : Tổng thống Hollande và Thủ tướng Valls đặt cược vào đây ». Kế hoạch đào tạo thêm nửa triệu người thất nghiệp đang gây tranh cãi, và hôm nay đại diện giới chủ và các nghiệp đoàn được chính phủ tiếp để nghe những đề nghị liên quan.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.