Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam vừa tái đắc cử tại Đại hội 12, ông Nguyễn Phú Trọng. Ảnh chụp ngày 28/01/2016. |
Nhà báo Phạm Chí Dũng: "Chính trị VN trong
những năm tới sẽ biến động khôn lường, số phận chính khách cũng đầy mong
manh. Chỉ có chính khách nào trở về với nhân dân, giữ chữ Nhân, Nghĩa
và Tín với dân thì mới tồn tại lâu dài".
Đại
hội lần thứ 12 của đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc vào ngày
28/01/2016, với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư ; cả
ba lãnh đạo khác trong « bộ tứ quyền lực » là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
chủ tịch nước Trương Tấn Sang và chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đều
rút lui.
Sau những sóng gió trong Hội trường Ba Đình khép kín
cũng như trên mạng xã hội, những vấn đề gì đang đặt ra trước mặt người
chiến thắng ? RFI Việt ngữ đã trao đổi về vấn đề này với nhà bình luận
Phạm Chí Dũng ở Saigon.
RFI : Thân
chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Trước hội nghị trung ương 14, trong
bài trả lời phỏng vấn của đài RFI vào ngày 31/12/2015, anh đã dự đoán
ông Trần Đại Quang sẽ là tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.
Nhưng tổng bí thư không phải là ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Trần Đại
Quang, mà là ông Nguyễn Phú Trọng, và lần này có vẻ thực sự là người nắm
quyền lực cao nhất tại Việt Nam…
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Tôi đã sai, vì ông Quang chỉ là « số hai », trong khi ông Nguyễn Phú Trọng mới là « số một ».
Tại
Đại hội 12, cuộc chiến khốc liệt giữa phe đảng và phe chính phủ ở Việt
Nam, kéo dài từ những năm 2010-2011 cho đến nay, đã chính thức kết
thúc. Điều có vẻ kỳ lạ là người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đã chiến
thắng.
Có thể cho rằng giờ đây đã không còn khái niệm phe đảng và
phe chính phủ. Cũng không còn những cái tên thủ lĩnh cá nhân của từng
phe như Nguyễn Tấn Dũng, Trương Tấn Sang hay Nguyễn Phú Trọng.
Giờ đây, chỉ còn duy nhất cái tên Nguyễn Phú Trọng.
Loại
được Nguyễn Tấn Dũng là một thành công quá lớn của cá nhân ông Trọng,
cho dù vì thế mà các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Tô Huy Rứa
đều phải kéo nhau nghỉ. Tất cả quyền lực giờ đây hầu như tập trung vào
Nguyễn Phú Trọng.
Có lẽ lần đầu tiên nhiều người mới nhận ra: sau
vẻ nho nhã, hiền lành của một ông giáo làng và tính nhẫn nhịn có phần
thái quá của một lãnh đạo hàng đầu chế độ, ông Trọng ánh lên vẻ đắc
thắng.
Số lượng ủy viên Bộ Chính trị tăng lên tới 19 nhân vật, gần
bằng Bộ Chính trị của Trung Quốc, cho dù lãnh thổ Việt Nam chỉ bằng
1/30 lần và dân số bằng 1/15 Trung Hoa. Mặc dù quân số được tăng cường,
nhưng không có bất cứ một khuôn mặt nào trong Bộ Chính trị khả dĩ mới
hơn, và đặc biệt, không có gương mặt nào sáng tạo hơn.
Đó cũng là
lý do khiến cho nhiều người, cho dù không thể đồng thuận với một Nguyễn
Tấn Dũng quá nhiều tai tiếng, nhưng sau này lại dồn tình cảm cho ông ta.
Đơn giản là người ta đã quá chán Nguyễn Phú Trọng, cho dù tổng bí thư
được tái cử nằm trong số hiếm hoi ủy viên trung ương được xem là « trong sạch ».
RFI : Thưa
anh, nhưng sự liêm khiết liệu có đủ cho cương vị một nguyên thủ quốc
gia, đặc biệt là một đất nước đang ngổn ngang nhiều vấn đề, từ tình hình
kinh tế cho đến nguy cơ ngoại xâm ?
Đạo đức cá nhân không đủ
để làm nên chính trị, nhất là trong một nền chính trị mà quan niệm về
đạo đức cá nhân chỉ còn là thứ đồ cúng trên bàn thờ.
Tổng bí thư
Trọng đang phải đối diện với sự thật quá sức trần trụi và rất dễ bị hất
đổ ấy. Ông là một cá thể bị đến hai lớp rào cản vây bọc: một từ số đông
đồng chí « ăn của dân không chừa thứ gì »; và từ chính não trạng khó bề đổi khác của ông.
Vậy Nguyễn Phú Trọng sẽ phải làm gì để « đập chuột » mà chẳng « vỡ bình » nhưng vẫn làm cho nhân dân quên rằng đảng Cộng sản đã phản bội những người đã sinh ra nó?
Và ông Trọng sẽ làm gì để chuyển biến tình thế nguy cấp hiện thời? Hay vẫn ôm chặt pho kinh viện Mác-Lê của ông cùng « nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa »?
Có
một chút an ủi là vài việc ông đã làm vào năm 2015 như chuyến công du
đặc biệt đến Mỹ và còn đặc biệt hơn là chấp nhận định chế Công đoàn độc
lập, sự đổi thay của ông có vẻ rõ hơn so với nhiều nhân vật khác hầu như
đã rõ là chưa làm gì cả.
Nếu Nguyễn Phú Trọng nhận được gần 100% phiếu thuận của ban chấp hành trung ương mới - như sự tự hào không giấu diếm « tôi không ngờ » của
chính ông, thì điều không ngờ đáng tự hào hơn nhiều của một đời chính
khách là họ có thể bất ngờ tạo ra được một thành tích ấn tượng nào đó về
cuối đời, dù rằng khoảng thời gian trước đó của họ là hoàn toàn vô tích
sự.
Có nghĩa là Tổng bí thư Trọng phải hành động. Hành động thực
tâm và không được bỏ quên món nợ của cá nhân ông lẫn đảng của ông về dân
chủ và nhân quyền cho nhân dân.
RFI : Theo anh thì ông Nguyễn Phú Trọng phải có những hành động gì ?
Cá nhân tôi đề nghị Tổng bí thư Trọng những việc cấp bách:
- Chống tham nhũng triệt để, thu hồi tài sản tham nhũng ở mức cao nhất có thể để bù đắp ngân sách thiếu hụt vì chi xài lãng phí và tham nhũng.
- Giảm và bỏ thuế cho dân, đặc biệt là cho nông dân.
- Sửa Hiến pháp năm 2013 về sở hữu đất đai, tôn trọng các quyền sở hữu đất đai của tư nhân.
- Tôn trọng tự do tôn giáo, tự do biểu tình, tự do lập hội, tự do báo chí, trả tự do cho tù chính trị, công nhận xã hội dân sự.
- Cải cách điều 4 Hiến pháp theo hướng dần chấp nhận đảng đối lập ôn hòa.
- Cải cách nhằm nâng cao vai trò độc lập của Quốc hội theo hướng của dân và vì dân.
- Cải cách hệ thống tư pháp theo hướng tam quyền phân lập.
- Hạn chế tình trạng công an hóa bộ máy hành chính và ngăn ngừa nguy cơ « nhà nước cảnh sát ».
- Giãn Trung về kinh tế và chính trị.
- Gần gũi hơn với Mỹ và Tây Âu.
Theo tôi, chính trị VN trong những
năm tới sẽ biến động khôn lường, số phận chính khách cũng đầy mong
manh. Chỉ có chính khách nào trở về với nhân dân, giữ chữ Nhân, Nghĩa và
Tín với dân thì mới tồn tại lâu dài.
RFI : Bản
thân ông Nguyễn Phú Trọng ngay sau Đại hội 12 cũng đã xác định là «
trách nhiệm lớn lắm, nhiều việc phải làm lắm », cho biết sẽ « gần dân,
trọng dân, vì dân ». Dù ông có thực sự muốn thay đổi đi nữa, liệu có khả
thi với bộ máy hiện nay ? Và những mục tiêu trên có quá tham lam, nhất
là có quá khác biệt với những gì ông Trọng thể hiện lâu nay ?
Đó
là chuyện của Tổng bí thư Trọng chứ không phải của nhân dân. Ông Trọng
đã phí hoài hết cả nhiệm kỳ trước của ông ấy rồi, giờ này không còn thời
gian để ông ấy so đo tính toán nữa. Hoặc thay đổi hoặc « chết ». Mà
muốn cải cách và đạt được ít nhất vài mục tiêu đề ra, ông ấy phải tự
thay đổi bộ máy nếu có đủ bản lĩnh để làm chuyện này. Còn với bộ máy
nguyên trạng hiện nay, tôi e rằng ông Trọng sẽ chỉ thất bại mà không thể
cải cách được gì. Khi đó, thể chế của ông ấy sẽ càng sụp đổ nhanh.
RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ hôm nay.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.