vendredi 22 juillet 2011

Euro : Không có quyền thất bại !


Trong cuộc họp thượng đỉnh các nước khu vực đồng euro lần này, không chỉ có vấn đề mua lại trái phiếu của chính phủ Hy Lạp, mà ở đây các giá trị châu Âu được xây dựng từ 60 năm qua đang bị thách thức. Và chính châu Âu đang đứng chênh vênh bên bờ vực thẳm.

Cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro với hai nguyên thủ quốc gia Pháp và Đức đang tìm cách cứu vãn, là đề tài chiếm trang nhất hầu hết các nhật báo xuất bản tại Paris hôm nay. Le Monde chạy tựa « Sarkozy – Merkel : Cuộc hẹn của đồng euro ». Nhật báo công giáo La Croix đặt vấn đề: « Làm thế nào đưa được châu Âu ra khỏi khủng hoảng ? ». Câu hỏi này được đưa ra cho nhiều nhân vật tên tuổi, để nghe giải pháp mà họ đề nghị. Tờ báo cánh tả Libération cảm thấy là « Châu Âu phẫn nộ » : dưới mắt các công dân của châu lục này, châu Âu đã trở thành biểu tượng của sự khắc khổ. Nhật báo cộng sản L’Humanité mỉa mai « Hoảng sợ trong hội nghị thượng đỉnh châu Âu », và cho rằng « Thắt lưng buộc bụng là kim chỉ nam dẫn đường, trong khi thị trường chứng khoán tiếp tục xuống dốc ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos khẳng định « Euro : Không có quyền thất bại ! ».

Trong bài xã luận mang tựa đề « Bên bờ vực thẳm », Les Echos ray rứt với câu hỏi « Liệu châu Âu có còn là mục tiêu cần đạt đến hay không ? ». 

Theo tác giả, trong cuộc họp thượng đỉnh lần này, không chỉ có vấn đề mua lại trái phiếu của chính phủ Hy Lạp, mà ở đây các giá trị châu Âu được xây dựng từ 60 năm qua đang bị thách thức. Và chính châu Âu đang đứng bên bờ vực thẳm. Bài viết nhìn nhận là vấn đề tài chánh thực sự là khổng lồ, tuy nhiên nhấn mạnh là, sự trường tồn của châu Âu hiện đang gặp nguy khốn, và cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay khiến châu Âu bị đe dọa lâm vào tình trạng suy thoái lịch sử.

Tác giả viết : « Chúng ta hãy nhớ lại đi, lục địa này đã nhiều lần rung chuyển trong những đêm dài của thế kỷ qua, nhưng lại tái thiết trước lịch sử đầy bi kịch. Hãy nhớ lại rằng châu Âu đã trỗi dậy được từ số không, và hòa giải với nhau được, nhờ có những người con xuất sắc ở Pháp, Đức, Ý, mà đối với họ thì việc các dân tộc châu Âu phải sát cánh với nhau để xây dựng là chuyện đương nhiên, vượt ra khỏi việc tranh đua giữa các quốc gia. Di sản này đã buộc chúng ta phải làm điều đó. Thế mà chúng ta đã lãng phí, khi để cho cuộc khủng hoảng kéo dài ». 

Cú sốc thế hệ 

Bài báo cho rằng phía sau các cuộc biểu tình mang tính ích kỷ dân tộc, những gì đang diễn ra cho thấy có vẻ như là lịch sử mang tầm vóc lớn lao của việc hình thành nên châu Âu, của quá trình hòa giải do các cha đẻ của Liên hiệp châu Âu xây dựng nên kể từ tuyên bố Schuman năm 1950, đã bị đứt đoạn với các thế hệ tiếp nối. Giống như là châu Âu đã bị khựng lại từ một thế hệ qua.

Thêm vào sự thiếu nhiệt tình này, còn là sự chia rẽ ngày càng rõ rệt giữa các thế hệ. Nếu thế hệ baby-boom trước đây được nuông chiều, muốn tiếp tục thụ hưởng sự hào phóng của một Nhà nước phúc lợi, thì thế hệ kế tiếp chỉ thấy thừa hưởng được nợ nần. Nếu ngay trong nội tình một quốc gia, các thế hệ đã không thông cảm được cho nhau, thì làm sao có thể mơ tới việc các nước này tương trợ cho quốc gia láng giềng đang gặp khó khăn ? Theo tác giả, thì châu Âu đang phải chịu một cú sốc lớn lao hậu chiến tranh lạnh, đó là cú sốc thế hệ.

Les Echos kết luận, nếu việc thoát ra khỏi chiếc bẫy nợ nần là cấp bách, thì các kế hoạch của châu Âu không thể chỉ đơn thuần là một kế hoạch chỉnh đốn tài chánh, và các thế hệ châu Âu tương lai chỉ thấy viễn cảnh oằn trên vai gánh nặng nợ nần do những người đi trước để lại. Châu Âu có khả năng vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính này, nhưng nếu không tái xây dựng lại tham vọng chính trị, thì cựu lục địa sẽ đứng chênh vênh bên bờ vực thẳm.

Tham nhũng : Vấn nạn của Trung Quốc

Nhìn sang châu Á, nhật báo công giáo La Croix nhận định : «Nạn tham nhũng lan tràn khắp xã hội Trung Quốc ». Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang là ưu tiên hàng đầu của chế độ Bắc Kinh, nhưng theo tờ báo, thì ung nhọt này đã bắt rễ quá sâu.

Nhắc lại việc hôm thứ Ba 19/7, hai Phó chủ tịch các thành phố Hàng Châu và Hoài Bắc đã bị xử tử vì tội tham nhũng, tờ báo cho rằng Bắc Kinh một lần nữa muốn xử nặng để răn đe. Viên Phó chủ tịch của thành phố Hàng Châu giàu có, vốn được mệnh danh là « Thiên đường trên trái đất » nhờ lạm dụng quyền lực đã kiếm chác được đến gần 200 triệu nhân dân tệ, tương đương 22 triệu euro. Còn ông Phó chủ tịch Hoài Bắc, địa phương thường được gọi là « Venise của Trung Quốc », thì nhận được khoảng 12 triệu euro hoa hồng từ các hợp đồng địa ốc.

Tuy chính quyền Bắc Kinh không ngừng có các biện pháp chống tham nhũng từ sau cải cách kinh tế cách đây 30 năm, nhưng đã hoài công vì nạn dịch này đã cắm rễ trong toàn xã hội Trung Quốc. Từ những người buôn bán nhỏ cho đến giám đốc các công ty lớn quốc doanh cũng như tư nhân, từ giáo viên, bác sĩ đến nhân viên văn phòng, ai cũng sẵn sàng tham nhũng, hối lộ. Cho đến nỗi trong dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phải nhìn nhận rằng nạn dịch này là một « vấn đề sinh tử của Đảng ». 

Trước đó, một công trình nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, chỉ riêng các cán bộ chính phủ hoặc công ty quốc doanh, trong vòng chưa đến 20 năm qua đã tham nhũng đến 87 tỉ euro. Tờ Quốc tế Tiên khu Đạo báo nhận xét, trong một xã hội kẻ nào mạnh thì thắng, việc làm giàu bằng mọi giá hiện là mục tiêu chung của toàn dân. Tờ tuần báo này cho rằng, đây là một sự mất mát giá trị đạo đức, khi mà mọi người đều trở thành những kẻ phá hoại vì ngu dốt.

Tân Cương : Ngọn lửa xung đột chưa hề tắt

Liên quan đến vụ nổi dậy mới đây tại Tân Cương, Trung Quốc, nhật báo cánh tả Libération nhận xét : « Tại Tân Cương, một cuộc nối dậy làm sống lại các vết thương của người Duy Ngô Nhĩ ». Còn thông tín viên của nhật báo cánh hữu Le Figaro tại Bắc Kinh khi viết về làn sóng bạo động mới tại đây đã nhấn mạnh đến tình trạng nền văn hóa của dân tộc này đang bị bóp nghẹt.

Libération cho biết, ban đầu Tân Hoa Xã nói rằng đây là một vụ tấn công vào đồn công an, còn tổ chức lưu vong của người Duy Ngô Nhĩ cho biết cuộc nổi dậy này do đất đai của người dân bị tịch thu bất hợp pháp. Nhưng sau đó Tân Hoa Xã lại tuyên bố, một « nhóm khủng bố » đã tấn công bằng lựu đạn và bom xăng tự chế, rải truyền đơn và treo cờ - rõ ràng Bắc Kinh muốn quy rằng đây là « khủng bố Hồi giáo ». Còn phía người Duy Ngô Nhĩ thì nói là công an đã bắn vào những người đang biểu tình hòa bình.

Tờ báo nói thêm, khác với thủ đô Urumqi, nơi mà các cuộc nổi dậy năm 2009 đã làm cho 200 người chết, tại thành phố Hotan nơi xảy ra sự kiện vừa rồi, người Duy Ngô Nhĩ chiếm đến 95%, và cũng là địa phương thuộc loại nghèo nhất ở Tân Cương. Cuộc nổi dậy vừa qua cho thấy, ngọn lửa xung đột xã hội cũng như chính trị tại Tân Cương chưa hề tắt.

Pháp giúp tái tạo ngôi đền Baphuon của Angkor

Cũng về châu Á nhưng trên lãnh vực văn hóa, Le Figaro trong bài viết mang tựa đề « Đền Angkor tìm lại được tác phẩm bậc thầy của mình », đã đề cập đến việc một trong ba ngôi đền đẹp nhất của cụm di tích này – đền Baphuon – vừa được trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp phục hồi.

Ngôi đền có từ thế kỷ 11, dưới thời vua Udayadityava vốn là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ của Cam Bốt. Nhưng do một số tính toán sai lầm, tường và nền đã bị nứt theo với thời gian, bị nước mưa làm hư hại, và đến năm 1943 lũ bùn đã lấp đi đến một phần ba di tích.

Nhà Đông phương học danh tiếng người Pháp Bernard-Philippe Groslier đã đề nghị biện pháp triệt để : tháo dỡ toàn bộ để lắp lại ngôi đền. Suốt mười năm công nhân đã tháo được ba phần tư của của ngôi tháp cao ba tầng này. Nhưng sau đó Shihanouk bị Lon Nol lật đổ, rồi Khmer Đỏ tràn vào, khiến công trình bị dang dở suốt 24 năm.

Khi trường Viễn Đông Bác Cổ tái khởi công, hồ sơ lưu trữ đã biến mất. Họ phải lần mò tìm cách sắp xếp lại từng viên đá ở đúng vị trí nguyên thủy, như trong trò chơi puzzle, và sự kiên nhẫn cuối cùng đã được đền đáp. Chỉ huy công trường Dominique Thollon nhận xét : « Trong mỗi viên đá có một giá trị nội tại riêng, và người ta giữ mãi kỷ niệm về sự kỳ vĩ này ».

DSK : Công tố viên New York muốn nối kết với vụ Tristane Banon

Liên quan đến vụ xì-căng-đan cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn, Le Figaro cho rằng Công tố viên trưởng New York Cyrus Vance có nhiều lợi lộc khi tìm cách liên hệ với luật sư của cô Tristane Banon, nhà báo Pháp đang kiện ông DSK về tội mưu toan cưỡng hiếp.

Le Figaro trích lời ông David Koubbi, luật sư của cô Banon cho biết, ông này đã từ chối đề nghị của ông Cyrus Vance muốn được tham khảo hồ sơ. Thông tín viên của tờ báo tại Washington nhận định, nếu ai đó cho rằng hồ sơ Dominique Strauss-Kahn sẽ được đóng lại trong những ngày tới, thì họ đã lầm. Công tố viên trưởng New York còn lâu mới chịu buông tay trong vụ này. Theo Alan Dershowitz, giáo sư dạy luật ở đại học Havard, thì « Lời chứng của cô Banon sẽ là một yếu tố quan trọng trong hồ sơ. Nhưng theo luật Mỹ, để lời yêu cầu cô Banon ra làm chứng được tòa chấp nhận, thì ông Vance phải chứng minh rằng có sự giống nhau trong thái độ cũng như trạng huống, rằng hai vụ này rất giống nhau, nhưng điều này rất khó ! Nếu đây là vụ tai tiếng với một phụ nữ dọn phòng tại Pháp thì khác ! ».

Chuyên gia trên nhận xét, áp lực của giới đấu tranh cho nữ quyền và cộng đồng người da đen rất mạnh. Ông Cyrus Vance không có gì để mất, ông phải dấn tới thôi, cho dù cuối cùng có thất bại đi nữa. Theo ông Dershowitz, nếu xét xử thì ông DSK sẽ được trắng án vì chứng cớ quá yếu. Nhưng một nhà báo Mỹ chuyên theo dõi các phiên tòa, lại cho rằng bồi thẩm đoàn New York thường gồm giới bình dân, do ác cảm với ông DSK – một người ngoại quốc giàu có, quyền thế, cao ngạo – có thể kết tội ông này.

Nạn đói đe dọa vùng Sừng châu Phi

Nhìn rộng ra thế giới, Le Monde báo động về nạn đói ở vùng Sừng châu Phi, đang đe dọa 12 triệu con người tại đây.

Nếu trước đây, chỉ mới là « tình trạng khẩn cấp », thì từ nay các cơ quan Liên Hiệp Quốc đã phải dùng từ chính thức là « nạn đói », trước tình hình lương thực đang thiếu thốn trầm trọng tại Somalie, Ethiopie, Kenya, Ouganda… nói chung là vùng Sừng châu Phi. Nạn hạn hán trầm trọng nhất từ 60 năm qua đã khiến mùa vụ bị thất bát. Nặng nề nhất là ở Somalie vốn đang bị nội chiến : giá thực phẩm đã tăng lên đến 270% khiến người nghèo không thể mua nổi. Đại diện tổ chức Hành động chống nạn đói cho biết, tại vùng Bakool, nơi bị hạn nặng nhất, có đến 80% trong số trẻ em được cha mẹ đưa đến xin thực phẩm cứu trợ là bị suy dinh dưỡng. Còn tại Dollo Ado thuộc Ethiopie, nơi mỗi ngày có hàng ngàn người Somalie đói khát kéo đến tị nạn, tỉ lệ tử vong hiện cao gấp 15 lần tỉ lệ bình thường, chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Le Monde đăng tấm ảnh một ông lão đang dùng một sợi dây thừng siết quanh bụng cho đỡ cảm thấy đói. Hành động « thắt lưng buộc bụng » theo nghĩa đen này đang phổ biến khắp vùng Makina ở Kenya. Trong phần tranh luận, bài viết của ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp đã cho rằng để xảy ra nạn đói là không thể chấp nhận được trong thời đại của chúng ta. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động khẩn cấp. Bên cạnh đó cần có một chiến lược phát triển nông nghiệp hợp lý cho các quốc gia nghèo nhất. Theo ông, Paris – hiện là chủ tịch G20 – đã có quan điểm đúng đắn, khi thúc giục toàn khối đưa ra các biện pháp tăng sản lượng nông phẩm, bảo đảm an ninh lương thực và chống đầu cơ.

tags: Cam Bốt - Châu Âu - Châu Phi - Kinh tế - Quốc tế - Tài chính - Tiền tệ - Điểm báo
Article publié le : jeudi 21 juillet 2011 - Dernière modification le : jeudi 21 juillet 2011

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.