vendredi 22 juillet 2011

Cùng ngư dân gắn bó với Biển Đông


Đã có nhiều trường hợp những ngư dân bị Trung Quốc phá hoại hoặc cướp tàu, bỗng chốc trở thành trắng tay. Trong khi chính sự hiện diện của họ trên ngư trường truyền thống từ nhiều đời tại Biển Đông cũng đã là một sự khẳng định xuyên suốt chủ quyền của Việt Nam tại đây.

Như chúng ta đã biết, trong thời gian gần đây, ngư dân Việt Nam liên tục bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu, bắt bớ, ngang ngược cướp tàu cùng tài sản, đòi tiền chuộc, đánh đập…cho dù ngư dân Việt đang hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đã có nhiều trường hợp những ngư dân bị Trung Quốc phá hoại hoặc cướp tàu, bỗng chốc trở thành trắng tay. Trong khi chính sự hiện diện của họ trên ngư trường truyền thống từ nhiều đời tại Biển Đông cũng đã là một sự khẳng định xuyên suốt chủ quyền của Việt Nam tại đây.

Vừa qua báo Sài Gòn Tiếp Thị đã đưa ra chương trình « Cùng ngư dân bám biển ». Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, nhà báo Tâm Chánh, phụ trách chương trình trên của báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, đây là một cuộc vận động dài hạn trong cộng đồng các doanh nghiệp cũng như mọi thành phần xã hội, nhằm hỗ trợ cho ngư dân Việt. Không chỉ trợ giúp về mặt tài chính để trang bị phương tiện đi biển, tài trợ mua bảo hiểm, chương trình còn cấp học bổng cho con em ngư dân, hỗ trợ khả năng ứng cứu trên biển, kiến thức pháp lý cho ngư dân…

Xin chào nhà báo Tâm Chánh, rất cám ơn anh đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ. Trước hết xin anh vui lòng giới thiệu sơ qua chương trình « Cùng ngư dân bám biển » ?

 
 


Báo Sài Gòn Tiếp Thị cho ra đời chương trình « Cùng ngư dân bám biển » xuất phát từ ý tưởng của các doanh nghiệp. Trong quá trình đi tiếp cận thị trường thì họ bức xúc trước tình cảnh của các ngư dân mình, vì sinh kế khó khăn ở trên biển, rồi lại gặp những trở ngại do thiên tai, do nhiều thế lực khác trên biển gây khó khăn cho họ…Cho nên các doanh nghiệp đề xuất chương trình cùng nhau chăm lo cho bà con ngư dân, làm sao để nâng cao sinh kế của họ, chăm lo cho phụ nữ và trẻ con ở trên bờ, để gia đình ngư dân có thể sống được và tiếp tục đeo bám, giữ biển của đất nước.

Chương trình ra đời cũng gần đây thôi, nhất là từ sau khi có những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, mà ngư dân mình bị tai nạn rất là nhiều. Đến nay chương trình đang triển khai ở bốn tỉnh : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, là những vùng biển mà khai thác trực tiếp ngư trường lớn ở Hoàng Sa và Trường Sa, là những ngư trường của Biển Đông. 

Thưa anh, cụ thể thì ngư dân ở những vùng này được hỗ trợ những gì ?

Chương trình được thiết kế trên cơ sở vận động các ngân hàng cho họ vay với lãi suất ưu đãi để có thể đóng mới tàu thuyền. Nhất là đối với những đối tượng bị tai nạn, cũng như bị Trung Quốc phá tàu, làm hư hỏng tàu. Đồng thời cũng giúp cho phụ nữ bằng chương trình tín dụng vi mô để cho họ có thể làm nghề ở trên bờ, và giải quyết công ăn việc làm, với điều kiện là họ phải cam kết không để con họ bỏ học. Bên cạnh đó còn cấp học bổng cho con em của ngư dân các vùng biển để học nghề, đặc biệt là những nghề khai thác biển – học nghề và học đại học.

Chương trình này đến nay đã được hưởng ứng như thế nào ?

Chương trình được phát động khoảng một tháng nay, thì cũng đã tiếp nhận được nhiều đóng góp của bạn đọc, và đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay chúng tôi đã nhận được khoảng 22 tỉ, và bắt đầu trực tiếp hỗ trợ cho ngư dân các vùng này. Các ngân hàng cũng đang tích cực xây dựng các chương trình để cùng tham gia với chúng tôi.

Thưa anh, đã có những trường hợp các ngư dân nào được giúp đỡ ?

Hiện nay các tình nguyện viên đang đi khảo sát những trường hợp cụ thể ở các địa phương đó. Hiện đã hỗ trợ cho ngư dân Mai Phụng Lưu, được mệnh danh là « Sói biển » ở Lý Sơn. Ông được cho vay 300 triệu để đóng mới tàu, với lãi suất hỗ trợ chỉ có 10% thôi. Rồi cũng giúp cho các gia đình ngư dân ở huyện Lý Sơn của Quảng Ngãi, huyện Núi Thành của Quảng Nam và huyện Phù Mỹ của Bình Định, cùng với làng câu cá ngừ ở Phú Yên.

Về chương trình tín dụng vi mô và các học bổng, chúng tôi đang tích cực triển khai. Ngay ngày 16/7 sẽ có một đoàn ra khảo sát và cấp học bổng, cấp hai phòng học vi tính cho hai trường trung học ở huyện đảo Lý Sơn, vì ở đó có giáo viên nhưng mà không có máy tính để cho trẻ con có thể học được những chương trình tin học.

Thưa anh, ông Mai Phụng Lưu mà anh vừa nhắc có phải là ngư dân từng bị Trung Quốc tịch thu tàu nhiều lần phải không ?

Dạ, ông đó đã bốn lần bị phá hỏng tàu và hầu như là ở trong tình trạng tán gia bại sản ! Và bản thân ông cũng đã bị đánh đập nữa. Nhưng khi trao đổi với ông thì ông nói, vì ông bà tổ tiên mình đã ra đánh bắt ở cái ngư trường đó, hàng năm họ đều phải ra thắp hương để viếng ông bà, cho nên họ tiếp tục đeo đuổi việc ra biển, nhất là vùng biển Hoàng Sa. Cho nên tôi thấy không có lý do gì mà cộng đồng chúng ta không xúm nhau lại để cùng chăm lo, giúp sức với ông.

Nhưng mỗi con tàu đi biển thường rất mắc tiền, mỗi lần bị mất tàu như vậy là ngư dân phải mang thêm nợ. Lần này mình cho vay, tuy lãi suất thấp nhưng có lẽ họ cũng ngại phải mắc nợ thêm ?

Hiện nay nhà nước cũng đã triển khai một số chính sách hỗ trợ về bảo hiểm vỏ tàu thuyền, và bảo hiểm thuyền viên. Rồi cộng đồng của mình cũng giúp thêm trên cái mức đó của nhà nước, để họ có thể bảo hiểm được phương tiện của họ. Mặc dù đây là một sản phẩm còn rất mới đối với ngư dân, các anh chuyên gia tài chính cũng giúp sức để hướng dẫn cho bà con sử dụng sản phẩm này một cách thiết thực. Nhất là sau khi có nhiều tai nạn xảy ra thì ngư dân mình cũng bắt đầu có ý thức về việc mua các loại bảo hiểm để bảo đảm cho các tài sản của mình.

Tất nhiên hiện nay đời sống của họ rất là khó khăn, và việc trả được nợ hay không cũng là một bài toán rất là đau đầu đối với gia đình của họ. Nhưng mà bà con mình ở trên các vùng khai thác biển đều là những người lao động rất cần cù. Như gia đình của ông Lưu là những gia đình lao động rất chuyên cần và nề nếp. Cho nên ngoài việc hỗ trợ tiền, thì các tình nguyện viên cũng giúp động viên, cũng như hướng dẫn cho họ những kỹ thuật để có thể quản lý tài chính, tránh những thiếu hụt có thể xảy ra do quá trình không quản trị tốt.

Thưa anh, các anh đi khảo sát thì nhìn chung thấy đời sống bà con ngư dân ở những vùng sẽ được hỗ trợ hiện nay như thế nào ?

Có thể nói, bà con ngư dân mình sống một cái đời sống – tất nhiên bây giờ phương tiện có cải thiện hơn trước đây – nhưng mà đời sống, đặc biệt là đời sống văn hóa, rất là thấp. Ở các vùng này thì con em ngư dân phần đông học tới lớp 5, lớp 6. Còn bước vào cỡ tuổi cấp hai là bắt đầu đi biển và học nghề biển rồi. Có rất nhiều bà con chúng ta chưa từng biết sản phẩm tiết kiệm của ngân hàng như thế nào. Nói chung là họ có cuộc sống rất là kham khổ. Nhất là nếu quá trình đi biển không thuận lợi, bị tai nạn, bị chết chóc hoặc là bị phá hoại tàu thuyền. Đặc biệt là những trường hợp trước đây họ bị Trung Quốc tịch thu phương tiện, rồi đòi chuộc phương tiện…Đối với họ, đó là cả một nỗi khổ nhọc và đau đớn.

Cám ơn anh nhiều, mong là nhiều người sẽ biết đến chương trình này để cùng hỗ trợ cho bà con ngư dân trên biển.

Trong chương trình, cũng có nhiều người có sáng kiến là các doanh nghiệp sản xuất ra áo thun « Nói không với đường lưỡi bò » để bán. Mỗi người mua một cái áo thun đó là sẽ góp vào quỹ bốn chục ngàn để gây quỹ cho ngư dân. Thành ra là ở đây cũng đang triển khai tích cực việc đó, để một mặt vừa ủng hộ tích cực cho ngư dân, đồng thời cũng nêu được một cái thông điệp đối với những vấn đề về Biển Đông, mà ngư dân mình cũng như bà con mình đang rất là bức xúc. 

Như vậy chương trình này có bắt đầu chưa thưa anh ?

Dạ, đang bắt đầu. Đây là sáng kiến của các doanh nghiệp. Họ sản xuất ra những áo thun đó, do kiến trúc sư Võ Thành Lân, họa sĩ Lý Trực Dũng vẽ những biểu tượng « Nói không với đường lưỡi bò ». Rồi các doanh nghiệp phân phối cam kết với chương trình của chúng tôi là mỗi một cái áo như thế, họ sẽ đóng góp vào quỹ bốn mươi ngàn đồng. Thì chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền cho việc này để làm sao rộng rãi mọi người thông qua việc làm tích cực như thế có thể ủng hộ thêm cho quỹ. Vì phải nói là đã đi rồi thì thấy nhu cầu của ngư dân rất lớn, mà nguồn lực của mình không phải là nhiều lắm. Làm sao bằng nhiều cách khác nhau có thể góp sức để chia sẻ với ngư dân. Như tôi nói lúc nãy, mình chỉ mới làm ở 4 tỉnh, trong khi đó mình có đến 28 tỉnh có biển, và đời sống ngư dân ở những nơi đó còn khó khăn.

Xin cảm ơn nhà báo Tâm Chánh.

tags: Biển Đông - Châu Á - Phỏng vấn - Trung Quốc - Việt Nam
Article publié le : samedi 16 juillet 2011 - Dernière modification le : samedi 16 juillet 2011

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.