dimanche 19 août 2012

Nhà đầu tư Trung Quốc bị Bắc Triều Tiên lừa đảo


Jang Sung Taek và Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh ngày 17/08/12.
(Le Monde 19/08/2012) Vụ tập đoàn mỏ Xiyang của Trung Quốc bị các đối tác Bắc Triều Tiên lừa đảo chắc chắn là không phải là kiểu quảng cáo mà ông Jang Sung Taek, nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng viếng thăm Bắc Kinh kể từ hôm thứ Hai 13/8 mong muốn nghe nói đến trong chuyến công du của mình.

Người đứng đầu Đảng Lao Động Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu 17/8 đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh. Được tờ nhật báo kinh tế Trung Quốc 21Century Business Herald đăng lên trước đó một hôm, tiết lộ về cách cư xử tồi tệ của “chủ nhà” Bắc Triều Tiên đối với các nhân viên Trung Quốc của tập đoàn trên, cũng như thái độ của chính quyền địa phương, đã gây tiếng vang rộng rãi trong giới blogger Trung Quốc.

Là dượng rể của Kim Jong Un, tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Jang Sung Taek trong hai ngày cuối đã đến thăm ba tỉnh Trung Quốc giáp ranh, trong đó có Liêu Ninh, nơi có trụ sở của Xiyang. Ông Jang đến Trung Quốc nhằm tiến hành giai đoạn ba của việc thương lượng hai dự án đặc khu kinh tế tại Bắc Triều Tiên : cảng Rason (hay Rajin-Sonbong), ở cực đông bắc bán đảo, gần biển Nhật Bản ; và một đặc khu hợp thành bởi hai cù lao Bắc Triều Tiên hiện không có người ở, trên dòng sông Áp Lục gần thành phố Đan Đông của Trung Quốc.

Cả hai địa phương Rason và Sinuiju - thành phố Bắc Triều Tiên có hai cù lao này – đều bị tai tiếng là một « Hồng Kông thất bại của Bắc Triều Tiên » . Việc thương lượng lần này nhằm mục đích thành lập những khu công nghiệp hay thương mại, trong đó công nhân Bắc Triều Tiên được đào tạo, giống như khu công nghiệp Kaesong nằm gần biên giới Hàn Quốc.

Nếu Trung Quốc muốn nước láng giềng cộng sản mở cửa kinh tế ở một mức độ nào đó – cái chết của Kim Jong Il đã làm sống lại hy vọng về vấn đề này – thì các nhà đầu tư Trung Quốc đã nhiều lần kể lại các khó khăn khi làm ăn với «đất nước anh em».

Các kinh nghiệm đắng cay của tập đoàn Xiyang cho thấy một số bẫy rập chờ đợi người Trung Quốc ở Bắc Triều Tiên. Tập đoàn tư nhân này rất mạnh với doanh số nhiều tỉ đô la, đã ký một hợp đồng năm 2007 với đối tác Bắc Triều Tiên để lập một công ty liên doanh sản xuất bột sắt Ongjin tại ở miền tây. Vốn đầu tư lên đến 240 triệu nhân dân tệ (30 triệu euro).

Liên doanh hoạt động sau nhiều năm chuẩn bị, phía Trung Quốc nắm 75% vốn. Năm 2011, vài tháng sau khi khởi động sản xuất, đối tác Bắc Triều Tiên hủy bỏ hợp đồng, lấy cớ là một công ty ngoại quốc không thể sở hữu trên 70% một công ty liên doanh. Dù phía Trung Quốc có văn bản phê duyệt, nhưng rốt cuộc đây là giấy tờ giả.

Phía Bắc Triều Tiên còn đưa ra một số yêu sách mới, dưới dạng thuế đánh vào doanh số bán và hàng loạt chi phí (điện, nước biển). Theo một nguồn tin từ Xiyang cho tờ 21 Century biết, cuối cùng khoảng 30.000 tấn bột sắt đã trích xuất bị đối tác phong tỏa, cấm xuất khẩu. Trước sự phản đối của nhà đầu tư Trung Quốc, không khí trở nên căng thẳng. Các nhân viên người Trung Quốc của liên doanh bị cúp điện, nước và điện thoại.

Hợp đồng liên doanh bị Bắc Triều Tiên tuyên bố vô hiệu vào tháng Hai. Ngày 2/3, một lực lượng công an đông đảo nửa đêm đột nhập vào nơi ở của các kỹ sư Trung Quốc, áp giải thô bạo họ đến biên giới.

« Khi chúng tôi bắt đầu sản xuất, các công nhân Bắc Triều Tiên hoàn toàn chưa biết gì cả, thậm chí sử dụng xe nâng hàng cũng không biết. Chúng tôi đã gởi đến các kỹ thuật viên giỏi nhất và dạy cho họ mọi thứ. Và do không có thiết bị sản xuất, họ đã giữ lại tất cả những gì chúng tôi đã lắp đặt ». Một đại diện của Xiyang muốn giấu tên đã giải thích như thế qua điện thoại với Le Monde. Tính cả giai đoạn chuẩn bị cho dự án, ước tính tập đoàn đã thiệt hại 30 triệu euro.

Xiyang cố gắng đi tìm công lý. « Một công ty khác trong cùng lãnh vực là Qinghua đã bị mất 50 triệu nhân dân tệ. Nhưng đó là công ty quốc doanh, họ có thể bỏ qua, còn chúng tôi thì không thể. Chúng tôi là tư nhân, việc sản xuất của chúng tôi đã bị ảnh hưởng, phải ngưng mọi hoạt động tại một số cơ sở ở Trung Quốc ». Theo Xiyang thì ban đầu phía Bắc Triều Tiên đề nghị bồi thường 30 triệu đô la, nhưng những lời hứa miệng đó đã không được giữ. 

Theo Zhang Liangui, chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Trường Đảng trung ương Trung Quốc, thì « Vụ Xiyang rất tiêu biểu. Các công ty phải thận trọng, không chi tiền bừa bãi. Chuyện này không phải xảy ra lần đầu, và không chỉ với Trung Quốc, vì vậy mà có rất ít quốc gia đầu tư vào Bắc Triều Tiên ». 

Vị giáo sư trên vốn từng theo học tại Bắc Triều Tiên, là một trong những chuyên gia chỉ trích nhiều nhất. « Khi một công ty nước ngoài bị truất hữu và chiếm đoạt tất cả những gì họ có một cách thô bạo nhất, thì đó không phải là lỗi của một viên chức tham nhũng hay một trường hợp cá biệt. Đó là cái cách mà họ làm ».

Tập đoàn Xiyang vào đầu tháng Tám đã quyết định tiết lộ trên một blog (bài viết đã bị kiểm duyệt xóa mất nhưng vẫn được lưu truyền trên mạng) chuyện tham nhũng của đối tác. Xiyang đã phải chi hối lộ 800.000 đô la, trong đó có 30.000 đô la để thành lập liên doanh, 80.000 đô để mua một xe địa hình Hummer sang trọng cho Ri Seong Kyu, một doanh nhân Bắc Triều Tiên đứng đầu liên doanh, và 100.000 đô để đóng góp vào các công trình công cộng của địa phương. 

Mỗi lần ông Ri và phái đoàn của ông sang làm việc, thì phía Trung Quốc bị đòi hỏi phải tặng cho mỗi khách mời Bắc Triều Tiên một bộ com-lê trị  giá hơn 1.000 euro, máy tính, điện thoại di động, rất nhiều rượu và gái, còn riêng ông Ri thì «10.000 euro». 

Ngược lại, những người Trung Quốc phải bỏ tiền túi ra thanh toán tất cả các khoản mỗi lần sang Bắc Triều Tiên. Được mời đến chỗ ông Ri, tổng giám đốc tập đoàn Xiyang là Zhou Furen đã được trao cho một hóa đơn 2.000 đô la.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.