samedi 7 avril 2012

Mười tám nhà ly khai Việt Nam bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Tư 2012 

Mười tám nhà ly khai Việt Nam đã bị truy tố vì mưu toan lật đổ chính quyền. Những người này là thành viên « Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn », một nhóm nhỏ cho đến nay ít ai biết đến, nhưng theo khẳng định của cơ quan chức năng thì đã hoạt động từ năm 1975. Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn thông tin từ báo chí chính thức hôm nay 05/04/2012 cho biết như trên.

Những người kể trên hiện đang bị giam giữ tại tỉnh Phú Yên. Theo một tờ báo địa phương trên mạng, thì ban đầu họ bị bắt vì tội « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân » theo điều 258 Luật hình sự. Nhưng sau đó Viện Kiểm sát tỉnh Phú Yên đã phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh theo điều 79 Luật hình sự. Với tội danh đầu, mức án tối đa là bảy năm tù, nhưng theo tội danh mới, thì hình phạt tối đa dành cho người cầm đầu có thể là chung thân hoặc tử hình, và 15 năm tù cho đồng phạm.

Tờ báo này dẫn nguồn tin từ công an tỉnh Phú Yên cho biết, các bị cáo trong nhóm Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn «đã thú nhận tội âm mưu lật đổ chính quyền. Các chứng cứ và tài liệu tịch thu được cho thấy nhóm phản cách mạng này chuẩn bị lật đổ chính quyền nhân dân ». Những người ly khai trên đây bị bắt nhân một cuộc truy quét của công an hồi tháng Hai tại cơ sở hoạt động của họ.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền thường xuyên tố cáo tội danh « âm mưu lật đổ chính quyền » thường được sử dụng như công cụ để làm im tiếng những người bất đồng chính kiến.

AFP dẫn tin Thông tấn xã Việt Nam cho biết, nhóm « Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn » được thành lập từ năm 1975, sau khi Sài Gòn sụp đổ và trở thành Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm này tập hợp trên 300 thành viên từ nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.


tags: Chính trị - Dân chủ - Tư pháp - Việt Nam - Xã hội 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120405-muoi-tam-nha-ly-khai-viet-nam-bi-ket-toi-am-muu-lat-do-chinh-quyen

Cuộc sống ngư dân Việt tại Louisiana sau tai nạn dầu tràn ở vịnh Mêhicô

Thứ tư 28 Tháng Ba 2012 

Vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon của tập đoàn dầu khí BP vào ngày 20/04/2010, ở cách 80 km ngoài khơi Nouvelle-Orléans, miền nam Hoa Kỳ, đã làm cho 11 người chết và hàng trăm triệu lít dầu thô tràn ra vùng vịnh Mêhicô. Bốn tháng sau đó, BP mới thành công trong việc đóng lại giếng dầu này. Thành phố Nouvelle-Orléans thuộc bang Louisiana là nơi có nhiều người Việt sinh sống, đa số là ngư dân chuyên đánh tôm, cá trên biển. Sau tai nạn dầu tràn, cuộc sống của họ ra sao ? 

Đến đầu tháng 3/2012, tập đoàn BP đã thỏa thuận bồi thường 7,8 tỉ đô la cho các công ty tư nhân và ngư dân tại vùng vịnh Mêhicô bị ảnh hưởng bởi nạn thủy triều đen. Đây là một bước tiến quan trọng của tập đoàn này trong việc giải quyết một phần hậu quả của thảm họa tràn dầu.

Tuy hãy còn phải đối mặt với đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ và nhiều tiểu bang, nhưng như vậy BP đã đạt được thỏa thuận bước đầu bằng cách bồi thường thỏa đáng cho những người bị thiệt hại. Trước đó BP cũng đã bồi thường 20 tỉ đô la, trong đó có 6 tỉ để trả cho 220.000 người đồng ý nhận đền bù theo thủ tục khẩn cấp.

RFI đã trao đổi với nhà báo Vương Kỳ Sơn ở Nouvelle-Orléans về vấn đề đời sống của khoảng 20.000 ngư dân Việt Nam tại đây sau tai nạn thủy triều đen. Theo nhà báo Vương Kỳ Sơn, thì các chủ tàu nào được thuê đi vớt dầu thì có thu nhập khá, còn những ai không được thuê thì gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên họ cũng nhận được một số tiền đền bù và trợ cấp.

Nhà báo Vương Kỳ Sơn
28/03/2012


http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120328-cuoc-song-ngu-dan-viet-nam-tai-louisiana-sau-tai-nan-dau-tran-o-vinh-mehico

Nội bộ ASEAN bị chia rẽ về vấn đề Biển Đông

Bài đăng : Thứ tư 04 Tháng Tư 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 04 Tháng Tư 2012 
Thanh Phương / Thụy My
 
Trong khi đạt được đồng thuận về vấn đề Miến Điện, hội nghị thượng đỉnh ASEAN kỳ này lại bị chia rẽ trên hồ sơ Biển Đông, đặc biệt là do việc Cam Bốt bị cho là đã mời Trung Quốc tham gia đàm phán với ASEAN về Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Từ Phnom Penh, đặc phái viên RFI Thanh Phương tường trình:



Đặc phái viên Thanh Phương - Phnom Penh
04/04/2012
RFI: Trước hết, vấn đề Biển Đông đã được nêu lên như thế nào tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh?

Thanh Phương: Trong những ngày trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, đã có nhiều lời đồn đoán về việc vấn đề Biển Đông có sẽ được đưa vào chương trình nghị sự chính thức hay không. Thực tế là hồ sơ này đúng là không nằm trong chương trình chính thức, nhưng cuối cùng đây lại là một chủ đề đeo bám các lãnh đạo ASEAN cho tới cả bên ngoài phòng họp. Nhất là khi gặp Tổng thống Philippines Begnino Aquino, hầu như phóng viên nào cũng hỏi về lập trường của Manila trên vấn đề này, do tại các lãnh đạo Philippines lên tiếng mạnh mẽ nhất. 

Trong bản tuyên bố chung kết hội nghị thượng đỉnh, các lãnh đạo ASEAN đã cam kết sẽ tăng cường nỗ lực trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của Bản tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) được thông qua năm 2002, tức là cách đây 10 năm tại Phnom Penh. Nhưng trong bản tuyên bố của riêng Chủ tịch ASEAN, tức là Cam Bốt, thì vấn để Biển Đông không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Các nước ASEAN đã bất đồng như thế nào trên hồ sơ Biển Đông?

Bất đồng này xuất phát từ việc người ta nghi ngờ Bắc Kinh gây áp lực lên Cam Bốt, bởi vì Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã viếng thăm nước này ngay trước ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, và không ai nghĩ rằng đây là một sự trùng hợp về thời điểm. Do quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Phnom Penh với Bắc Kinh ( Trung Quốc đầu tư vào Cam Bốt đến 1,1 tỉ đôla trong năm 2011), nên một số người nghĩ rằng chính phủ Hun Sen không thật lòng khi nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. 

Hôm qua, tại thượng đỉnh Phnom Penh, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario xác nhận đã có” bất đồng lớn” trong việc mời Trung Quốc tham gia đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), có tính chất ràng buộc hơn để thay thế cho Bản tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Phía Trung Quốc trước đây đã từng tỏ ý muốn cùng với ASEAN soạn thảo Bộ quy tắc COC, nhưng ngay từ lúc đó Philippines, với sự ủng hộ của Việt Nam, dứt khoát không muốn điều đó.

Theo Ngoại trưởng Philippines, Cam Bốt nay muốn mời Trung Quốc tham gia cùng với ASEAN soạn bản dự thảo Bộ quy tắc ứng xử. Nhưng tại thượng đỉnh Phnom Penh, Philippines và Việt Nam ( có thêm sự đồng tình của Thái Lan ) vẫn yêu cầu là các nước ASEAN phải họp riêng với nhau và khi nào đạt được lập truờng chung, thì mới nói chuyện với Trung Quốc. Trả lời phóng viên sau cuộc họp thượng đỉnh hôm nay, Ngoại trưởng Thái cũng nhắc lại rằng ASEAN phải thoả thuận trong nội bộ rồi mới đàm phán với Trung Quốc. 

Trước những lời chỉ trích nói trên, Thủ tướng Hun Sen đã phản bác như thế nào?

Trong cuộc họp báo kết thúc hội nghị hôm nay, Thủ tướng Hun Sen, với tư cách chủ tịch ASEAN, đã phản bác những lời chỉ trích xung quanh vấn đề Biển Đông. Cũng xin nói thêm là những câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp báo này có vẻ là những câu hỏi có tính chất cò mồi, để ông Hun Sen có dịp phản bác những lời chỉ trích nhắm vào Cam Bốt, nhất là những lời chỉ trích từ đảng Sam Rainsy đối lập. Thành ra, phần lớn thời gian họp báo gần như là ông Hun Sen độc diễn, để biện minh cho thái độ của chính phủ Cam Bốt tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN lần này.

Ông khẳng định là Cam Bốt không hề cản trở việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự. Nhưng ông nhắc lại lập trường đã được nêu lên trong bản tuyên bố chung Cam Bốt - Trung Quốc sau khi kết thúc chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Đó là trước mắt các nước ASEAN và Trung Quốc nên thực hiện nghiêm túc và đầy đủ bản hướng dẫn Tuyên bố chung về ứng xử trên Biển Đông, và tiến tới kỷ niệm 10 năm bản tuyên bố này nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc vào tháng 11 tới tại Phnom Penh.Theo ông Hun Sen , đây là một tiến trình mà không ai có thể bỏ được. 

Ông rất giận dữ bác bỏ những lời cáo buộc là Cam Bốt đã chịu áp lực của Trung Quốc. Ông khẳng định rằng Cam Bốt là chủ tịch của ASEAN và với tư cách này Cam Bốt có quyền đề ra chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh, không ai xen vào.

Nhưng ai cũng thấy là ASEAN, dưới quyền chủ tịch của Cam Bốt, năm nay rất có thể sẽ không tiến nhanh trong việc soạn thảo một Bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc hơn so với Bản tuyên bố DOC và như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục khai thác tình hình này để lấn lướt hơn nữa trên Biển Đông. 

Các nước ASEAN đã đề ra mục tiêu trở thành một cộng đồng hợp nhất vào năm 2015, nhưng với sự chia rẽ nội bộ do vấn đề Biển Đông, xem chừng khối Đông Nam Á khó mà đạt được mục tiêu này. 

Nhưng dầu sao thì chúng ta cũng phải nói về mục tiêu 2015 của ASEAN. Cụ thể, hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã cam kết những gì để thực hiện mục tiêu này?

Tại cuộc họp thượng đỉnh ở Phnom Penh kỳ này, các lãnh đạo ASEAN đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình hội nhập khu vực, nhất là cố rút ngắn sự cách biệt giữa các nước thành viên. Và cũng trong chiều hướng trở thành một cộng đồng hợp nhất, các lãnh đạo Đông Nam Á cũng sẽ cố gắng thực kế hoạch gọi là “ Kết nối ASEAN”, tức là phát triển hệ thống thông tin và viễn thông giữa các nước thành viên. Các nước Đông Nam Á sẽ cố gắng tận dụng Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN để thu ngắn khoảng cách về phát triển cơ sở hạ tầng giữa các nước trong khối này. 

Cũng nhằm cho ASEAN thật sự là một khối thống nhất, hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh còn cam kết sẽ thực hiện chế độ miễn visa toàn diện cho công dân ASEAN, cũng như lập ra một visa ASEAN chung, dành cho những người không phải là công dân ASEAN xin nhập cảnh vào các nước Đông Nam Á. 

Về mặt chính trị, các lãnh đạo ASEAN cam kết sẽ thúc đẩy dân chủ, Nhà nước pháp quyền cũng như bảo vệ nhân quyền và công bằng xã hội. Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Cam Bốt cho biết là Ủy ban liên chính phủ về nhân quyền đã bắt đầu soạn thảo Bản tuyên ngôn nhân quyền ASEAN, mà theo dự kiến sẽ được thông qua tại cuộc họp thưọng đỉnh vào tháng 11 năm nay. 

Đối với quốc tế, một trong những cam kết của các lãnh đạo ASEAN tại Phnom Penh là sẽ bảo đảm cho ASEAN thành một vùng không có vũ khí hạt nhân, cũng như những vũ khí hủy diệt hàng loạt.

tags: ASEAN - Biển Đông - Lãnh hải - Phỏng vấn 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120404-noi-bo-asean-bi-chia-re-ve-van-de-bien-dong

Một thẩm phán mới cho Tòa án xét xử Khmer Đỏ

Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon sẽ chỉ định một thẩm phán mới thay thế cho thẩm phán người Thụy Sĩ đã từ chức, không tham gia Tòa án quốc tế xét xử Khmer Đỏ, vì bất đồng với chính quyền Cam Bốt. Nguồn tin từ Liên Hiệp Quốc ngày 31/03/2012 cho biết như trên.

Thẩm phán Laurent Kasper-Ansermet hôm 19/03/2012/3 đã thông báo từ chức kể từ ngày 04/05/2012 do không thể « tự do » thực hiện nhiệm vụ của mình trong hai hồ sơ ông phụ trách. Ông tố cáo việc phá rối của các đồng nhiệm người Cam Bốt.

Hồi tháng 10/2011 thẩm phán Laurent Kasper-Ansermet đã được chỉ định thay thế thẩm phán Đức Siegfried Blunk, cũng đã từ chức và tố cáo chính quyền Cam Bốt làm áp lực về hai hồ sơ trên. Nhưng Phnom Penh từ chối công nhận vị thẩm phán mới người Thụy Sĩ.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon quyết định tiến hành chọn lựa một thẩm phán quốc tế mới, và một thẩm phán dự bị. Ông kêu gọi chính phủ Cam Bốt hợp tác tích cực với các tân thẩm phán.

Thủ tướng Hun Sen vốn là cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, đã nhiều lần tuyên bố công khai là sẽ không để xới lên hai hồ sơ gây tranh cãi, liên quan đến năm cán bộ Khmer Đỏ đã tham gia vào cuộc diệt chủng làm cho hai triệu người chết từ năm 1975 đến 1979. Ba viên chức cao cấp nhất của chế độ Khmer Đỏ vẫn còn sống hiện đang bị xét xử. Theo các nhà quan sát, những người này sẽ là những bị cáo cuối cùng, sau khi tòa phúc thẩm vào tháng trước đã tuyên án chung thân cho tên Douch, trưởng trại tù nổi tiếng ở Phnom Penh.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Liên Hiệp Quốc - Theo dòng thời sự 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120331-mot-tham-phan-moi-cho-toa-an-xet-xu-khmer-do

Mỹ sẵn sàng tăng cường trừng phạt Iran về dầu lửa

Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 
Ngày 30/03/2012 Tổng thống Barack Obama tăng cường áp lực lên chương trình nguyên tử của Iran. Hoa Kỳ khẳng định trữ lượng dầu lửa thế giới đủ để các nước ngưng nhập khẩu dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo này, và áp dụng các biện pháp trừng phạt kể từ tháng 6/2012. Thổ Nhĩ Kỳ loan báo giảm 20% lượng dầu nhập của Iran.

Theo Tổng thống Obama : « Trong trạng huống kinh tế hiện nay, một số nước đã tăng sản xuất dầu, bên cạnh đó còn có lượng dầu dự trữ chiến lược và một số nhân tố khác. Sản lượng dầu và sản phẩm từ dầu hỏa của các quốc gia khác có thể làm giảm đáng kể nhu cầu mua dầu của Iran ».

Chính quyền Mỹ cho biết có thể tăng cường trừng phạt các nước nào tiếp tục mua dầu lửa của Teheran. Ông Obama tuyên bố sẽ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng thị trường có thể bù đắp lại lượng cung từ Iran.

Một đạo luật được thông qua từ tháng 12/2011 buộc Tổng thống Mỹ vào ngày 30/03/2012 và sau đó sáu tháng mọt lần, phải quyết định có tiếp tục trừng phạt Iran hay không, trong khi vẫn đảm bảo giá cả và trữ lượng dầu đáp ứng được nhu cầu của người tiêu thụ Mỹ. Đạo luật này cũng cho phép từ sau ngày 28/06/2012, trừng phạt các ngân hàng ngoại quốc nào tiếp tục giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran về các mặt hàng liên quan đến dầu hỏa, và khai trừ khỏi hệ thống tài chính Hoa Kỳ.

Thông báo trên đây của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh giá dầu thô thế giới đang tăng do tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Giá xăng dầu tại Hoa Kỳ đang tiến dần đến mức lịch sử, có thể là một mối đe dọa cho sự phục hồi kinh tế cũng như cho việc tranh cử tiếp một nhiệm kỳ của ông Obama.

Cũng ngày 30/03/2012, Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đồng minh chủ yếu của Washington nhưng có chung đường biên giới trên bộ với Iran, loan báo sẽ giảm 20% lượng dầu thô mua từ Teheran.

Tuần trước Hoa Kỳ đã đe dọa sẽ trừng phạt các khách hàng mua dầu của Iran nếu không giảm đáng kể đơn đặt hàng. Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nhà nhập khẩu dầu từ Iran đứng hàng thứ 5, lâu nay vẫn từ chối tẩy chay Teheran với lý do quá lệ thuộc vào dầu hỏa của nước láng giềng. Nhưng rốt cuộc Ankara đã nhượng bộ trước sức ép của Washington.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, xuất khẩu dầu lửa của Iran có thể bị giảm xuống phân nửa, sau khi lệnh cấm vận của châu Âu có hiệu lực, cùng với việc các khách hàng lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc giảm lượng mua. Trung Quốc nay là khách hàng quan trọng cuối cùng không hề cam kết giảm nhập khẩu dầu từ Teheran.

tags: Dầu khí - Hoa Kỳ (Mỹ) - Iran 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120331-my-san-sang-tang-cuong-trung-phat-iran-ve-dau-lua

Báo chí Miến Điện đưa tin về bầu cử bằng mọi giá

Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 

Để đưa tin về cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung sẽ diễn ra ngày 01/04/2012, các nhà báo Miến Điện bằng mọi giá tránh né các hạn chế do chính phủ áp đặt, đặc biệt là nhờ Facebook và Twitter. Pháp, Mỹ kêu gọi bầu cử "công bằng và tự do".

Cách đây nửa thế kỷ, tập đoàn quân sự cầm quyền đã quốc hữu hóa tất cả các nhật báo và ngày nay báo chí tư nhân đều là tuần báo. Open News, một trong các báo tư nhân xin được giấy phép đặc biệt của chính quyền để ra một ấn bản ngay sau hôm bầu cử, cho biết tất cả các báo đều muốn ra số ngày thứ Hai.

Các tờ báo khác thông báo cho độc giả theo dõi tin tức trên Facebook và Twitter. Tờ 7Day News, một tuần báo lớn với 1,5 triệu độc giả, nhấn mạnh sẽ cập nhật liên tục từng giờ, kể từ lúc các phòng phiếu mở cửa.
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi mới cách đây một năm vẫn vắng bóng trên báo chí Miến Điện, nay ảnh của bà chiếm trang nhất của nhiều tờ báo. Nhiều đề tài trước nay vẫn là cấm kỵ, đang dần dần được báo chí đề cập đến, như các trận đánh giữa quân đội và một số quân nổi dậy người thiểu số.

Chính quyền đã hứa sẽ bãi bỏ chế độ kiểm duyệt, nhưng đối với các tuần báo thì bài vở vẫn phải đem trình duyệt trước. Ngày càng có nhiều tuần báo gánh lấy rủi ro là không đem duyệt một số bài, còn trên Facebook và Twitter thì họ cứ đăng mà không hề đưa kiểm duyệt.

Nhưng nếu các viên chức kiểm duyệt không thể ngăn trở việc đưa tin bài về bầu cử trên internet, thì các nhà báo lại lo ngại vấn đề trục trặc kỹ thuật, vốn thường xảy ra tại Miến Điện trong các thời điểm nhạy cảm, nhất là đường truyền internet chậm chạp. Tờ Eleven Media dự kiến thông báo cho khách hàng bằng tin nhắn SMS hôm bầu cử, nghĩa là sử dụng mọi phương tiện có thể. Tổng biên tập tờ báo trên cho rằng, dưới sự quan sát của quốc tế, cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này là một thử nghiệm cho tự do báo chí tại Miến Điện.

Hoa Kỳ và Pháp kêu gọi Miến Điện bầu cử công bằng và tự do 

Ngày 30/03/2012 Hoa Kỳ đã kêu gọi bầu cử công bằng và tự do tại Miến Điện, nhấn mạnh là việc này sẽ có tác động lên quan hệ song phương trong tương lai. Về phần mình, nước Pháp cho biết đang chờ đợi chính quyền Miến Điện đảm bảo một cuộc bầu cử « dân chủ và minh bạch ».

Ông Mark Toner, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi muốn thấy cuộc bầu cử tự do và công bằng vào Chủ nhật này, điều đó chắc chắn sẽ mang lại sức bật cho quan hệ đôi bên. Tuy nhiên chúng tôi cũng ghi nhận có một số bất hợp lệ trước khi bước vào cuộc bầu cử ».

Ngày 28/03/2012 Hoa Kỳ loan báo việc gởi đến Miến Điện hai quan sát viên xuất thân từ các hiệp hội xúc tiến dân chủ. Ông Mark Toner cũng chia sẻ mối lo âu của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi, ngày 30/032012 bà đã cho biết ghi nhận được « rất nhiều trường hợp bị đe dọa ».

Về phía Paris, ông Bernard Valero, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đang tập trung chú ý đến một cuộc bầu cử « dân chủ và minh bạch » tại Miến Điện ngày mai. Một nhà ngoại giao tại đại sứ quán Pháp ở Miến Điện sẽ tham gia phái đoàn quan sát của Liên Hiệp Châu Âu.

Chế độ Naypyidaw đã cho phép các quan sát viên các nước ASEAN, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đến tham gia giám sát bầu cử. Cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này nhằm chọn ra 45 đại biểu, giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi tham gia ứng cử tại một đơn vị bầu cử ở nông thôn, gần Rangoon. Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ tố cáo nhiều trường hợp bất hợp lệ trong việc lập danh sách cử tri, cũng như hăm dọa và phá hoại.

tags: Bầu cử - Châu Á - Miến Điện
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120331-cac-nha-bao-mien-dien-xoay-so-de-dua-tin-ve-bau-cu-bang-moi-gia 

Châu Âu nâng quỹ đối phó khủng hoảng tài chánh lên 800 tỉ euro

Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 31 Tháng Ba 2012 
Sau nhiều cuộc thương lượng gay go, tại Copenhagen ngày 30/03/2012, khối euro đồng ý nâng quỹ cứu trợ tài chính lên mức 800 tỉ euro, tương đương 1.000 tỉ đô la. Mục tiêu nhằm giúp các thành viên đối phó với nguy cơ khủng hoảng nợ công. Eurozone đáp ứng đòi hỏi của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tuy ở mức tối thiểu.

Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Olli Rehn nhận định, cuối cùng Eurozone đã đưa ra một quyết định quan trọng về dài hạn. Ông Jörg Asmussen, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) cho rằng các nước khu vực đồng euro đã « làm tròn nhiệm vụ », và sẽ có vị thế tốt trong đối thoại với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ họp lại vào tháng Tư.

Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đều lên tiếng hoan nghênh quyết định trên đây. Định chế tài chính quốc tế này đã đặt điều kiện cho khu vực đồng euro phải tăng cường công cụ cứu trợ tài chính trước khi được IMF hỗ trợ.

Tuy vậy, số 800 tỉ euro nói trên là giải pháp tối thiểu, vì trong đó gồm cả 300 tỉ euro đã cấp hoặc đã hứa hỗ trợ cho ba nước Hy Lạp, Ai Len và Bồ Đào Nha. Trên thực tế, châu Âu không thể cho vay quá 500 tỉ euro.
Cho đến phút cuối, các nước khu vực đồng euro vẫn chia rẽ giữa hai phe : một bên muốn tăng cường tối đa quỹ cứu trợ tài chính để trấn an thị trường, bên kia muốn giới hạn ở mức thấp nhất để tiết kiệm chi phí.

Đức và Phần Lan từ chối việc nâng khả năng cho vay toàn bộ lên 940 tỉ euro, bằng cách tính vào cả Cơ chế Ổn định châu Âu (MES) và Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (FESF). Giải pháp được chọn lựa là gộp 500 tỉ của cơ chế ổn định dài hạn với 200 tỉ euro đã cam kết dành cho quỹ hỗ trợ ngắn hạn, thêm vào khoảng 100 tỉ euro các khoản cho vay cũ, để đạt đến tổng số 800 tỉ euro.

Hãng tin AFP nhận định, số tiền này hãy còn khiêm tốn để có thể cứu trợ một nước như Tây Ban Nha hiện đang bị thâm hụt ngân sách nặng nề. Tuy vậy thỏa thuận trên sẽ giúp các quốc gia khu vực đồng euro có thể hy vọng nhận được sự giúp đỡ của các định chế quốc tế.

tags: Châu Âu - Euro - Kinh tế - Tài chính 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120331-chau-au-nang-quy-cuu-tro-khung-hoang-len-800-ti-euro

mardi 3 avril 2012

Tháng Chạp năm 1997 : Cái chết ở tuổi mười một

(Chương mở đầu tác phẩm hồi ký « Bắc Triều Tiên, 9 năm để thoát khỏi địa ngục » - Eunsun Kim & Sébastien Falletti)

Từ gần một tuần qua, tôi đơn độc trong căn hộ lạnh lẽo tại Eundeok, ngôi làng nhỏ nơi tôi sinh ra ở Bắc Triều Tiên. Cha mẹ tôi đã bán hết tất cả đồ đạc trong nhà, chỉ trừ một chiếc bàn thấp và một tủ ngăn vách, để mua thức ăn. Gạch lót sàn cũng đã bị bán đi, tôi ngủ ngay trên nền xi-măng, trong một túi ngủ tạm bợ làm bằng quần áo cũ. 

Trên các vách tường trơ trụi, chỉ còn lại mấy khung ảnh đặt cạnh nhau - chân dung « Chủ tịch vĩnh cửu » Kim Il Sung và tướng quân Kim Jong Il. Cả hai nhìn thẳng vào tôi. Nhưng đem bán các ảnh chân dung này sẽ bị xem là báng bổ, có nguy cơ bị tử hình.

Trời tối sẫm, dù vậy tôi vẫn đọc được những gì mình viết ra. Điện đóm không có, vả lại các bóng đèn đã biến mất từ lâu. Đêm nhẹ xuống sau buổi chiều tháng Chạp. Không còn lò sưởi nữa, nhưng tôi không thấy lạnh mấy, vì đã sức tàn lực kiệt. Tôi không có gì ăn từ nhiều ngày qua, tôi sẽ chết đói. Vì vậy mà tôi cố viết lại bản di chúc của mình. Tôi mười một tuổi.

vendredi 30 mars 2012

Cam Bốt liệu có trung lập về vấn đề Biển Đông, trước sự ve vãn của Trung Quốc?

Bài đăng : Thứ sáu 30 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 30 Tháng Ba 2012 
 
Hôm nay 30/03/2012 Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức Cam Bốt, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh ASEAN sắp diễn ra tại thủ đô Phnom Penh. Cam Bốt hiện đang là chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Phải chăng Trung Quốc đang cố gây sức ép để nước chủ nhà gạt bỏ hồ sơ Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự?

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với thông tín viên Phạm Phan ở Phnom Penh.

RFI: Xin chào thông tín viên Phạm Phan. Chuyến viếng thăm của ông Hồ Cẩm Đào là một sự kiện quan trọng đối với chính phủ Phnom Penh phải không thưa anh?

Phạm Phan: Theo thông tin chính thức của Tân Hoa Xã và viên đại sứ Pan Guangxue (Phan Quảng Học) của Trung Quốc tại Phnom Penh, thì chuyến viếng thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đến Phnom Penh kéo dài bốn ngày là một sự kiện quan trọng nhất từ 12 năm qua.

Phát biểu của Đại Sứ Trung Quốc ở Phnom Penh trong một cuộc họp báo như sau: “Chuyến viếng thăm sẽ củng cố sâu rộng trên mọi phương diện trong quan hệ song phương như kinh tế, thương mại, văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị. Mối quan hệ Trung Quốc – Cam Bốt là mối quan hệ của những người anh em tốt, đối tác tốt, láng giềng tốt, và là người bạn tốt”.

Trong thời gian lưu lại Phnom Penh, khi Thượng đỉnh ASEAN diễn ra, ông Hồ Cẩm Đào sẽ có cuộc diện kiến với Quốc vương Sihamoni. Theo nhận xét của Tân Hoa Xã, thì đây là sự kiện rất quan trọng trong tiến trình đắp xây quan hệ Bắc Kinh – Phnom Penh.

Trong chương trình nghị sự, ngoài các cuộc gặp mặt những nhân vật lãnh đạo xứ Chùa Tháp, một số hợp đồng sẽ được ký kết, phần lớn là Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ đô la vào cho Phnom Penh. Giai đoạn hiện nay được đánh dấu như một thời kỳ phát triển tốt đẹp giữa Bắc Kinh – Phnom Penh vốn đã được thiết lập từ thập niên 1950.

Nhân vật quyền uy tột đỉnh của Trung Quốc cũng sẽ bay đi Siêm Riệp để viếng đền Angkor. Tại đây, ông đến thăm công trình trùng tu đền Ta Keo mà các chuyên gia khảo cổ học người Trung Quốc đang cùng các chuyên viên Cam Bốt làm việc với sự tài trợ của Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh cho biết Bắc Kinh cám ơn Cam Bốt về sự giúp đỡ chung thủy cho Trung Quốc, về các vấn đề liên hệ đến quyền lợi thiết yếu, và cam kết tiếp tục phụ giúp cho Phnom Penh trong nhiều lĩnh vực kinh tế trong tương lai như cơ cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực, phòng chống thiên tai..

Liệu sự hiện diện của ông Hồ Cẩm Đào có là sức ép để Cam Bốt gạt chủ đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự?

Các dữ kiện do Hội đồng Phát triển Cam Bốt trưng ra cho thấy, tính đến cuối năm 2011, Trung Quốc đã có 317 dự án đang được thực hiện tại Cam Bốt với tổng số tiền là 8, 9 tỷ Mỹ kim. Con số này đã nâng Trung Quốc lên vị trí nhà đầu tư lớn nhất ở xứ chùa Tháp. Về thương mại song phương đạt đến 2,5 tỷ Mỹ kim, cao gấp 11 lần so với năm 2000. Mối quan hệ song phương Bắc Kinh – Phnom Penh được đưa lên tầm hợp tác chiến lược toàn diện sau chuyến đi Bắc Kinh của Thủ tướng Hun Sen vào tháng 12/2010.

Mỹ và các quốc gia Châu Âu luôn kèm viện trợ phát triển với điều kiện phải tôn trọng nhân quyền, một chương trình viện trợ không hào phóng và có thể gây khó chịu cho những người đang cai trị ở Phnom Penh. Về mặt ngoại giao thì Bắc Kinh luôn miệng phát biểu chỉ viện trợ cho Cam Bốt mà không áp đặt bất kỳ điều kiện nào. Điều này có nghĩa là chuyện của Cam Bốt, Trung Quốc không can thiệp vào, dù có vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Nhưng trong thực tế, liệu Trung Quốc chỉ bỏ tiền ra mà không cần điều kiện gì hết?

Chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào diễn ra trước Thượng đỉnh ASEAN có hai ngày, trông có vẻ gấp rút, và không có bất kỳ chuyến viếng thăm của vị nguyên thủ trên thế giới nào diễn ra trong một thời điểm quan trọng như thế.

Vì sao? Vài thành viên trong khối ASEAN đang có vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, trong khi đó, Trung Quốc là nước duy nhất tự cho rằng: hầu hết lãnh hải ở Biển Đông là của họ.

Đây chính là một điều mà Trung Quốc rất cần ở Cam Bốt, một nước nhỏ nhưng năm nay làm chủ tịch luân phiên ASEAN, và điều quan trọng hơn là Cam Bốt có vị trí địa lý sát cạnh phía Tây của Việt Nam, cũng là một đồng minh chiến lược của Phnom Penh.

Thưa anh, Cam Bốt với vai trò chủ tịch ASEAN 2012 và đang ngấp nghé một chiếc ghế Hội đồng Bảo an, liệu có thể né tránh vấn đề Biển Đông?

Tại một hội nghị cách nay một tuần bao gồm 26 viên đại sứ và tổng lãnh sự của nhiều ngoại giao đoàn, Thủ tướng Hun Sen nói, năm nay Cam Bốt trong vai trò chủ tịch luân phiên khối ASEAN và đang nỗ lực kiếm một ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cho nên trong các xung đột tiềm tàng tại khu vực như tranh chấp Biển Đông, nước chủ nhà Cam Bốt chỉ làm công việc điều phối ở vị thế trung lập, không đứng về bên này hay bên kia trong cuộc tranh chấp.
Theo nhận xét của ông Ou Virak, nhà hoạt động nhân quyền ở Cam Bốt, nếu Cam Bốt đứng trung lập thì tốt, nhưng điều này khiến một số thành viên ASEAN sẽ không hài lòng.

Ông Arata Mahapatra, một nhà phân tích, đang làm việc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược có trụ sở tại Ấn Độ, trong cuộc phỏng vấn với ban tiếng Cam Bốt của đài VOA cho rằng, một khi Cam Bốt đứng ở vị thế trung lập sẽ làm tăng uy tín Cam Bốt trên trường quốc tế. Nhưng trong khi phân nửa thành viên khối ASEAN đang có vấn đề tranh chấp về Biển Đông, tất nhiên họ không vui về quan điểm trung lập này.

Trong cuộc họp báo trước khi ông Hồ Cẩm Đào đến Phnom Penh, tòa đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh cho biết: “ Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề Biển Đông với những nước đòi hỏi chủ quyền trong khuôn khổ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông gọi tắt là DOC, và Trung Quốc có ý định hợp tác với các bên liên hệ nhằm giải quyết sự khác biệt để tìm kiếm công cuộc phát triển chung. Tuy nhiên, Trung Quốc mạnh mẽ phản đối ý định quốc tế hóa sự tranh chấp ở Biển Đông, và không cho phép các lực lượng bên ngoài can thiệp vào cuộc tranh chấp này”.

Trong tình hình hiện nay, liệu rằng Cam Bốt có giữ được vị thế trung lập giữa lúc Hà Nội, một đồng minh lâu đời của Phnom Penh, đang có tranh chấp về lãnh hải với Bắc Kinh?

Người ta cũng đặt một câu hỏi rằng, trong khi Biển Đông là một vùng biển liên hệ đến nhiều nước và là một tuyến hải hành tự do từ trước đến nay, và khi cộng đồng quốc tế, với Trung Quốc là một thành viên trong đó, đã có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on Law of the Sea - UNCLOS), vậy tại sao Bắc Kinh không cho phép các nước liên hệ quốc tế hóa hồ sơ này?

RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh, đã cho biết thêm chi tiết về chuyến viếng thăm Cam Bốt của ông Hồ Cẩm Đào.

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh
 
30/03/2012
 
 
tags: ASEAN - Biển Đông - Cam Bốt - Châu Á - Phỏng vấn - Trung Quốc 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120330-cam-bot-lieu-co-trung-lap-ve-van-de-bien-dong-truoc-su-ve-van-cua-trung-quoc
 

Thượng đỉnh Ả Rập không đòi Assad ra đi, cũng như vũ trang cho phe nổi dậy

Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 
 
Các nhà lãnh đạo Ả Rập họp thượng đỉnh hôm 29/03/2012 tại Bagdad nhằm thảo ra một nghị quyết kêu gọi chính quyền và đối lập tiến hành đối thoại. Tuy nhiên dự thảo nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập không yêu cầu Tổng thống Bachar Al Assad phải ra đi, cũng như không đòi hỏi phải vũ trang cho quân nổi dậy Syria.

Có 10/21 nguyên thủ quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập tham gia hội nghị, thành viên thứ 22 của Liên đoàn là Syria đã bị khai trừ do đàn áp đối lập. Các nước còn lại được đại diện bởi các Ngoại trưởng hay đại sứ. Riêng Ả Rập Xê Út và Qatar chỉ gởi các đại diện hạng hai để bày tỏ sự phản kháng, vì hai nước này ủng hộ việc trang bị cho quân nổi dậy.

Hội nghị thượng đỉnh lần này đánh dấu sự chính thức quay lại khối Ả Rập của Irak, với sự hiện diện lịch sử của Quốc vương Koweit, hơn 20 năm sau khi đất nước này bị quân đội của Saddam Hussein xâm lăng. Bài diễn văn khai mạc do Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya (CNT) Moustapha Abdeljalil đọc. Libya hiện là chủ tịch luân phiên của Liên đoàn Ả Rập, sự hiện diện của ông Abdeljalil là thành quả của làn sóng nổi dậy trong thế giới Ả Rập.

Chính quyền Irak đã huy động đến trên 100.000 quân nhân và cảnh sát để bảo đảm an ninh cho hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập. Đa số mạng điện thoại di động không hoạt động được trong suốt ngày hôm qua, nhưng không có thông báo chính thức nào. Tuy vậy một quả đạn súng cối đã nổ ngay cạnh địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh, không gây thiệt hại nhân mạng.

Bản « Tuyên bố Bagdad » ủng hộ « khát vọng chính đáng về tự do dân chủ của nhân dân Syria muốn chọn lựa tương lai của mình », và « một sự chuyển đổi chính quyền trong hòa bình ». Các nước Ả Rập « tố cáo bạo lực, tàn sát đẫm máu, ủng hộ một giải pháp chính trị thông qua đối thoại quốc gia, từ chối một sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc khủng hoảng Syria ».

Dự thảo nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập nhấn mạnh đến vai trò của ông Kofi Annan trong việc xúc tác thương lượng giữa chính quyền Syria và đối lập, trên cơ sở các sáng kiến đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập thông qua. Kế hoạch hòa bình gồm sáu điểm của ông Annan dự kiến việc chấm dứt các hành động bạo lực từ tất cả các bên, cung cấp viện trợ nhân đạo, trả tự do cho những người bị bắt bớ một cách tùy tiện.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tham dự hội nghị, đã kêu gọi Damas áp dụng « ngay lập tức » kế hoạch của ông Kofi Annan. Chính quyền Syria, tuy theo Liên Hiệp Quốc thì đã chấp nhận kế hoạch hòa bình này, nhưng lại cảnh báo là sẽ bác bỏ tất cả các đề nghị do hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ở Bagdad đưa ra.

Trong khi đó, quân đội chính phủ Syria tăng cường tấn công phe nổi dậy trên khắp nước. Chỉ trong ngày hôm nay đã có ít nhất 14 thường dân Syria thiệt mạng, tám lính chính phủ và một quân nổi dậy tử thương tại Idleb, Homs, Deraa, Alep và Hamas. Theo Hoa Kỳ, thì điều này là vi phạm kế hoạch hòa bình của đặc sứ Kofi Annan.

Bà Navi Pillay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc phụ trách về nhân quyền cảnh báo Tổng thống Bachar Al Assad là « đã khá đầy đủ bằng cớ » để truy tố về tội ác chống nhân loại. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định, rõ ràng là ông Assad đã không « áp dụng những biện pháp cần thiết » để áp dụng kế hoạch hòa bình, kêu gọi « duy trì áp lực » lên chế độ Damas. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cùng với bốn thượng nghị sĩ khác đã soạn thảo một dự thảo nghị quyết kêu gọi các nhà lãnh đạo khối Ả Rập vũ trang cho quân nổi dậy Syria.

Hôm nay Bỉ loan báo việc đóng cửa đại sứ quán nước này tại Damas vì lý do an ninh, và để phản đối tình trạng đàn áp tại Syria. Trước đó, các nước Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và các vương quốc vùng Vịnh cũng đã đóng cửa đại sứ quán tại Syria.

tags: Chính trị - Liên Đoàn Ả Rập - Quân sự - Quốc tế - Syria 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120329-thuong-dinh-a-rap-khong-doi-hoi-su-ra-di-cua-ong-assad-lan-vu-trang-cho-phe-noi-day
 

Một nhà sư Tây Tạng tự thiêu tại Tứ Xuyên

Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 
 
Một nhà sư Tây Tạng 20 tuổi đã tự thiêu hôm qua 28/03/12 tại huyện A Bá, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet có trụ sở tại Luân Đôn hôm nay cho biết như trên.

Nhà sư này tên là Sherah, trước đó đã ở lại vài ngày tại tu viện Kirti, nơi có phong trào phản kháng Trung Quốc mạnh mẽ. Các tu sĩ lưu vong tại Ấn Độ đã xác nhận tin tức về vụ tự thiêu trên, trong khi chính quyền địa phương né tránh trả lời hãng thông tấn AFP.

Kể từ tháng 3/2011 đến nay, đã có khoảng 30 người Tây Tạng tự thiêu tại các khu vực người Tây Tạng ở Trung Quốc, đại đa số là các tu sĩ Phật giáo. Họ phản đối việc Bắc Kinh đàn áp tôn giáo, tìm cách triệt tiêu nền văn hóa dân tộc Tây Tạng, và sự thống trị của người Hán tộc.

Xin nhắc lại, tháng Ba là thời điểm nhạy cảm đối với người Tây Tạng. Lãnh tụ tinh thần Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 3/1959 đã phải vượt qua dãy núi Himalaya trốn sang Ấn Độ sống lưu vong, sau thất bại của cuộc nổi dậy chống lại Trung Quốc. Đến tháng 3/2008, các cuộc biểu tình của các nhà sư Tây Tạng tại thủ phủ Lhassa nhân kỷ niệm 49 năm sự kiện nói trên, đã biến thành bạo động, lan ra các tỉnh kế cận có đông người Tây Tạng sinh sống, và đã bị thẳng tay đàn áp.

Còn hôm qua tại Ấn Độ, một thanh niên Tây Tạng 27 tuổi tên là Jamphel Yeshi đã qua đời, sau khi bị phỏng nặng vì tự thiêu trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhân dịp ông Hồ Cẩm Đào đến New Delhi tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước đang trỗi dậy BRICS. Anh đã trở thành người Tây Tạng đầu tiên ngoài Trung Quốc tử vong vì tự thiêu phản đối Bắc Kinh.

Phong trào phản kháng Trung Quốc của người Tây Tạng là mảng tối phủ lên hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này, với áp lực từ cộng đồng 80.000 người Tây Tạng lưu vong hiện đang sinh sống tại Ấn Độ. Cảnh sát New Delhi đã bắt giữ hàng trăm người biểu tình.

Chính phủ Ấn Độ muốn tránh rắc rối trong thời điểm diễn ra cuộc viếng thăm hiếm hoi của Chủ tịch Trung Quốc, mà chuyến công du gần nhất là vào năm 2008. Quan hệ Ấn – Trung vẫn khá căng thẳng, cho dù thương mại đôi bên có tăng trưởng.
tags: Châu Á - Nhân quyền - Tây Tạng - Trung Quốc 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120329-mot-nha-su-tay-tang-tu-thieu-tai-tu-xuyen
 

Ông Putin bị tố cáo tham nhũng, khi còn làm việc tại St-Pétersbourg

Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 

Nhiều tài liệu của một ủy viên hội đồng thành phố Saint-Pétersbourg, vừa qua đời vì bệnh tim, đã được công bố trên Facebook, tố cáo Tổng thống Nga tương lai Vladimir Putin liên can đến một vụ tham nhũng lớn, trong thời kỳ ông này làm việc tại Tòa Thị chính Saint-Pétersbourg vào thập niên 90.

Từ Matxcơva, thông tín viên Anastasia Becchio cho biết thêm chi tiết :

« Khoảng 250 ảnh chụp tư liệu từ kho lưu trữ riêng của Marina Salié đã xuất hiện trên trang Facebook của người quá cố. Các tài liệu này liên quan đến các sự kiện xảy ra từ thập niên 90.

Saint-Pétersbourg vào thời đó bị thiếu thốn hàng hóa nghiêm trọng : các kệ hàng đều trống rỗng, và các loại tem phiếu lại được tái lập. Vì vậy mà Tòa Thị chính đã lập ra một kế hoạch đổi nguyên vật liệu lấy thực phẩm.
Các giấy phép xuất khẩu được Vladimir Putin, lúc đó là người phụ trách ủy ban quan hệ kinh tế đối ngoại của Tòa Thị chính, phân phát một cách vô tội vạ. Nhưng nếu dầu hỏa, gỗ, quặng mỏ hiếm được xuất khẩu ra nước ngoài với tổng giá trị khoảng 100 triệu euro, thì thực phẩm lại chưa bao giờ được trao lại.

Ủy viên hội đồng thành phố Marina Salié bèn đặt vấn đề, và lập ra một ủy ban để điều tra về các hoạt động này. Ủy ban do bà đứng đầu đã đưa ra ánh sáng những vi phạm tài chính nghiêm trọng và các thủ đoạn tham nhũng. Trong số các tài liệu được công bố trên trang Facebook của Marina Salié, có lá thư của một người có trách nhiệm thuộc Phủ Tổng thống đề nghị Bộ trưởng Kinh tế Đối ngoại cách chức Vladimir Putin.

Yêu cầu trên đây chưa bao giờ được đoái hoài đến. Việc công bố các tài liệu này trên internet đã được Dimitri Peskov, phát ngôn viên của Thủ tướng bình luận là không thấy thông tin nào bất lợi, còn về các sự kiện bị tố cáo thì, theo ông Peskov, những điều này đã nhiều lần được cải chính. »

tags: Nga - Quốc tế - Tham nhũng - Tư pháp - Xã hội
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120329-vladimir-putin-bi-to-cao-tham-nhung-luc-lam-viec-tai-st-petersbourg-trong-thap-nien 

Tổng đình công và biểu tình tại Tây Ban Nha chống kế hoạch khắc khổ

Bài đăng : Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 29 Tháng Ba 2012 

Hôm 29/03/2012 là ngày tổng đình công chống việc cải cách chính sách lao động và kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ cánh hữu Tây Ban Nha, với các cuộc biểu tình tại nhiều nơi. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Tây Ban Nha lại rơi vào suy thoái, thâm hụt ngân sách ngày càng cao, mặc dù đã cắt giảm nhiều khoản.

Ngay trước khi đoàn biểu tình tập hợp lại, nhiều nhóm người đi biểu tình tại trung tâm Madrid đã bị lực lượng an ninh phân tán từ sáng sớm. Vài ngàn người đã phong tỏa một đại lộ chính, trong khi cảnh sát được triển khai tại quảng trường Puerta del Sol, vốn là trung tâm thương mại và du lịch. Những tốp đình công xung kích bám trụ trước các nhà máy, các ngôi chợ bán sỉ ở Madrid và Barcelona, các ngân hàng và trạm vận chuyển công cộng.


Các nghiệp đoàn nhanh chóng loan báo cuộc tổng đình công là một « thành công rực rỡ », trong khi Bộ Nội vụ cho rằng rất ít người tham gia. Trước đó, sự đối mặt giữa người đình công và cảnh sát tối qua đôi khi khá căng thẳng. Có 58 người đã bị câu lưu, sáu cảnh sát bị thương nhẹ.

Các nghiệp đoàn Comisiones Obretas (CCOO) và UGT đã kêu gọi người Tây Ban Nha biểu tình tại hàng trăm thành phố, tố cáo kế hoạch cải cách thị trường lao động được thông qua vào ngày 11/2 chỉ làm nạn thất nghiệp thêm trầm trọng. Tỉ lệ này hiện nay là trên 22%, riêng đối với giới trẻ thì lên đến gần 40%.

Một trăm ngày sau khi chính phủ cánh hữu lên nắm quyền, tình hình vẫn không được cải thiện. Tổng thống Mariano Rajoy biện minh : « Không có chính phủ nào trong vòng 100 ngày đã làm được nhiều điều như thế, có lẽ vì vậy mà chúng tôi phải đối mặt với cuộc tổng đình công ».

Cuộc đình công này diễn ra vào thời điểm rất bất lợi cho chính phủ Mariano Rajoy, khi các đối tác châu Âu đang lo ngại về tình hình tài chính công của Tây Ban Nha. Ngày mai, Hội đồng Bộ trưởng sẽ biểu quyết thông qua ngân sách 2012, đã bị cắt giảm nặng nề. Mục tiêu là giảm thâm hụt ngân quỹ xuống còn 5,3% tổng sản phẩm nội địa, sau khi đã bị tăng lên 8,5% trong năm 2011.

Tuy vậy, tác động của cuộc tổng đình công cũng chỉ giới hạn, nhờ vào thỏa thuận giữa các nghiệp đoàn và chính phủ, nhằm duy trì dịch vụ vận chuyển công cộng ở mức tối thiểu trong thời gian đình công. Thêm vào đó, không ít người lao động Tây Ban Nha cũng không muốn mất đi một ngày lương trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Tây Ban Nha - Xã hội 
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120329-tong-dinh-cong-va-bieu-tinh-tai-tay-ban-nha-chong-ke-hoach-khac-kho

Sự chuyển đổi đầy rủi ro ở Bắc Kinh

Bài đăng : Thứ ba 27 Tháng Ba 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 27 Tháng Ba 2012 
 
Trung Quốc, hiện là nước có thu nhập trung bình, muốn trở thành quốc gia thu nhập cao từ nay cho đến năm 2030. Như vậy cần phải có những cải cách sâu sắc. Những cải cách này có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, nhất là các chính quyền địa phương và các công ty quốc doanh. Có thể đây là một trong các nguyên nhân khiến ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách chính trị, một thử thách lâu dài của Trung Quốc.

Le Monde quan tâm đến « Sự chuyển đổi đầy rủi ro ở Bắc Kinh », qua bài viết của cây bút chuyên về kinh tế Martin Worf. Theo tác giả, thì tăng trưởng và đô thị hóa nhanh chóng trong lúc tỉ lệ sinh sản giảm đi, là các nguyên nhân khiến cho giá lao động ở Trung Quốc tăng lên.
Trung Quốc bắt đầu một quá trình chuyển đổi khó khăn, vừa phải giảm tăng trưởng, vừa phải thay đổi cách vận hành. Đó là kết luận mà tác giả rút ra từ Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, tổ chức vào ngày 18/3 tại Bắc Kinh. Chuyển đổi về chính trị cần phải song hành với chuyển đổi trong kinh tế, và hai quá trình này có quan hệ tương tác với nhau theo những dạng thức phức tạp.

Tình hình kinh tế tốt đẹp cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, không đảm bảo được là kết quả trong tương lai cũng tích cực như thế. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đã tuyên bố hôm 14/3 : « Công cuộc cải cách ở Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn quyết định. Nếu không tiến hành cải cách cơ cấu chính trị, thì không thể hoàn thành trọn vẹn cải cách cơ cấu kinh tế. Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được có thể bị mất mát, các vấn đề nổi lên trong xã hội Trung Quốc không thể được giải quyết đến nơi đến chốn, và một bi kịch lịch sử tương tự như cuộc Cách mạng văn hóa lại có thể xảy ra ».

Theo tác giả, các vấn đề chính trị là rất quan trọng, nhưng bản thân quá trình chuyển đổi kinh tế cũng hết sức khó khăn. Trung Quốc đã đạt đến cuối thời kỳ mà các nhà kinh tế gọi là « tăng trưởng căng thẳng », với nguồn cung lao động và vốn gia tăng ; và nay phải hướng về « tăng trưởng mạnh mẽ » dựa trên việc cải thiện kỹ năng, kỹ thuật. Điều này dẫn đến việc tăng trưởng sẽ giảm hẳn so với tỉ lệ khoảng 10% hàng năm trong suốt ba thập kỷ qua. Các yếu tố gây phức tạp cho quá trình chuyển đổi là đầu tư quá cao và sự lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư.

Về mô hình phát triển, dựa theo định nghĩa của giải Nobel kinh tế Arthur Lewis, thì Trung Quốc dần dà không còn là một đất nước dư thừa lao động. Thu nhập ở mức chỉ đủ ăn của lao động nông thôn đóng góp vào việc duy trì lương bổng trong các ngành tân tiến ở mức thấp, giúp các ngành này thu được rất nhiều lợi nhuận. Khi các món lợi tức này được tái đầu tư, thì tỉ lệ tăng trưởng trong các ngành hiện đại và cho nền kinh tế nói chung lên rất cao. Nhưng đến một lúc nào đó, lao động nông nghiệp trở nên hiếm hoi, khiến giá thành trong các lãnh vực hiện đại tăng lên. Kết quả là kinh tế chín muồi hơn thì lợi tức càng giảm đi, tiết kiệm và đầu tư cũng giảm.

Le Monde nhận định, ba mươi lăm năm trước, Trung Quốc là đất nước dư thừa lao động. Nhưng nay thì đã khác : nền kinh tế bành trướng gấp 20 lần, hơn phân nửa dân số sống ở đô thị, và tỉ lệ sinh sản thấp. Ông Thái Phưởng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhấn mạnh : « Tình trạng thiếu hụt lao động được nhận thấy trước tiên tại vùng duyên hải năm 2004, đã lan rộng trên toàn quốc. Năm 2011, các công ty sản xuất gặp khó khăn chưa từng thấy trong việc tuyển dụng », khiến lương tăng và lợi nhuận giảm.
Theo tác giả bài báo, thì nay Trung Quốc đã tiến đến ngã rẽ mà Lewis đã báo trước. Một trong các hậu quả là tỉ lệ vốn đầu tư/ lao động tăng nhanh, còn lợi nhuận từ đồng vốn giảm. Trong khi đó tăng trưởng bền vững cần phải dựa trên việc gia tăng tổng hiệu suất, chứ không phải là tăng tỉ lệ vốn/ lao động.

Khó khăn trong việc chuyển sang tăng trưởng dựa trên tiến bộ kỹ thuật, là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước đã bị lọt vào « bẫy thu nhập trung bình ». Trung Quốc, hiện là nước có thu nhập trung bình, muốn trở thành quốc gia thu nhập cao từ nay cho đến năm 2030. Như vậy cần phải có những cải cách sâu sắc, đã được nêu ra trong bản báo cáo chung của Ngân hàng Thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc.

Những cải cách này có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân, nhất là các chính quyền địa phương và các công ty quốc doanh. Có thể đây là một trong các nguyên nhân khiến ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách chính trị, một thử thách lâu dài của Trung Quốc. Khi đi theo hướng này, kinh tế Trung Quốc có thể bị giảm sút nặng nề. Bắc Kinh đã ấn định mục tiêu tăng trưởng năm nay là 7,5% và 7% cho cả kế hoạch năm năm. Tăng trưởng chậm lại, thì tỉ lệ đầu tư cũng giảm.

Tuy nhiên, nếu muốn tỉ lệ đầu tư từ 50% so với tổng sản phẩm nội địa xuống còn 35% mà không gây ra xáo trộn, thì tiêu dùng phải tăng. Trong khi Trung Quốc không có phương tiện nào dễ dàng kích thích tiêu dùng, điều này giải thích vì sao câu trả lời cho khủng hoảng của Bắc Kinh chỉ là tăng thêm đầu tư. Trung Quốc đang lệ thuộc rất nhiều vào đầu tư trong lĩnh vực xây dựng : trong 13 năm gần đây, đầu tư vào nhà ở tăng mỗi năm 26%. Theo tác giả, thì không thể tiếp tục một tỉ lệ tăng nhanh như thế.

Bài báo nhận định, Trung Quốc có khả năng đạt được thành công trong việc chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng kinh tế khác, mà nhiều nước có thu nhập trung bình không làm được. Qua những thành tựu trong quá khứ, khó thể nói khác đi, nhưng với điều kiện là các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không tự thỏa mãn với chính mình.

Mua hàng nội địa : Không dễ dàng, trừ phi ở Trung Quốc

Cũng trên lãnh vực kinh tế, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Mua được sản phẩm « made in France » là cả một nghệ thuật ». Bài báo nhận xét, tại Pháp, Đức, Mỹ, muốn chứng tỏ lòng yêu nước bằng cách mua sản phẩm hoàn toàn sản xuất trong nội địa không hề dễ dàng. Ngược lại ở Trung Quốc thì không có việc gì dễ hơn thế.

Ngày nay, cứ ba người Pháp thì có hai người cho biết sẵn sàng bỏ tiền nhiều hơn để mua hàng Pháp, so với năm năm trước tỉ lệ này không đến phân nửa, nhưng với điều kiện là không phải trả đắt hơn quá 5%. Nhưng việc nhận ra được các món hàng « made in France » không phải dễ dàng, vì hiện chưa có tiêu chuẩn thống nhất, trừ các loại phó mát và rượu vang có giấy chứng nhận xuất xứ.

Đối với hàng nội thất vốn nhập khẩu đến 2/3, muốn mua hàng Pháp chỉ có cách hoặc mua hàng giá rẻ, được bán trong các đại siêu thị để về tự lắp ráp, hoặc mua hàng thật cao cấp. Hàng điện tử gia dụng hãy còn nhiều nhãn hiệu có nhà máy tại Pháp và phân nửa giá trị tăng thêm là từ trong nước. Nhưng nếu muốn mặc quần áo « made in France » thì người tiêu dùng có nguy cơ gần như phải khỏa thân, vì 95% quần áo bày bán tại Pháp được sản xuất tại nước ngoài. Không thể nào tìm được một chiếc quần jean hoặc bộ đồ vét nam sản xuất tại Pháp. Thiết bị điện thì không có sự chọn lựa nào khác ngoài hàng từ châu Á.

Về xe cộ, chỉ có xe gắn máy hiệu Peugeot còn lắp ráp trong nước, xe hơi thì phải mua những kiểu xe nhỏ của Peugeot, Citroën, Renault, các loại xe lớn đều được ráp ở Trung Âu hay Thổ Nhĩ Kỳ, vì giá thành sản xuất chênh đến 1.300 euro. Tuy nhiên điều an ủi là động cơ, hộp số, bộ truyền động đều là hàng Pháp.

Tại Đức, tiêu chí để được xem là hàng Đức là « giai đoạn chuyển đổi quan trọng nhất » được thực hiện tại đây, có nghĩa là một sản phẩm sản xuất 90% tại nước ngoài vẫn có thể được xem là Made in Germany. Hiện có một số trang web giúp người tiêu dùng nhận ra các nhãn hiệu giữ ít nhất phân nửa sản xuất tại Đức.
Về trang phục, các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Puma, Hugo Boss đều đã dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài từ lâu. Giày dép thì còn vài hiệu làm tại Đức nhưng đa số dành cho người trên 50 tuổi. Về thực phẩm, hoặc là mua thịt giá rẻ hoặc phải mua loại bio rất đắt tiền. Hàng điện tử gia dụng có hiệu Miele nhưng giá đắt gấp đôi. Xe hơi nổi tiếng Porsche Cayenne thì tuy động cơ sản xuất tại Leipzig nhưng lắp ráp tại Slovakia.

Tại Hoa Kỳ, các nhãn hiệu nổi tiếng nhất thường được sản xuất tại nước ngoài. Quần jean Levis may tại Pakistan, giày Converse sản xuất tại Việt Nam, áo thun trường đại học New York bày bán trong cửa hàng chính thức có xuất xứ từ Cộng hòa Dominica. Không thể nào gian dối, vì theo luật thì quần áo phải « hoàn toàn hay hầu như toàn bộ sản xuất tại Mỹ mới được trưng nhãn hiệu « made in USA ». Tuy vậy, tập đoàn Nike tuy làm việc với 900 nhà sản xuất tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, nhưng vẫn thu dụng 23.000 lao động tại Mỹ cho hiệu « Nike air » dành cho trẻ em. Chỉ có lãnh vực xe hơi là lạc quan: kiểu xe Chevrolet Sonic từ nay được sản xuất tại Mỹ thay vì Hàn Quốc, góp phần giúp công nghiệp Hoa Kỳ tăng trưởng.

Ngược lại với các nước phát triển, ở Trung Quốc, hầu như tất cả các mặt hàng tiêu dùng đều made in China, kể cả các món hàng xa xỉ. Trên 30% hàng dệt may xuất khẩu trên thế giới là của Trung Quốc, thực phẩm thì hoàn toàn nội địa, đồ gỗ và điện tử gia dụng đa số là hàng trong nước. Các món hàng đắt tiền như iPhone của Apple tuy vẽ kiểu từ California nhưng lắp ráp ở Thâm Quyến, xe hơi Audi design tại Đức nhưng quy định của Bắc Kinh buộc phải liên doanh với một đối tác Trung Quốc, nên được lắp ráp tại Trường Xuân.

Pháp : Vũ khí và thư của tên sát thủ không đúng « chuẩn » Al Qaida

Quay lại với nước Pháp, nhật báo Le Figaro cho rằng các loại vũ khí tìm được trong căn hộ và chiếc xe hơi của tên sát nhân Mohamed Merad cho thấy rất tạp nhạp, không phù hợp với Hồi giáo cực đoan vốn thích súng trường và chất nổ. tuy hắn tự nhận là chiến binh thánh chiến.

Trong bảy khẩu súng được tịch thu, có ba khẩu Colt 45 bán tự động thường được bọn giết mướn sử dụng, bán lén lút với giá từ 3.000 đến 4.500 euro, gấp đôi, gấp ba giá chính thức. Một khẩu liên thanh Sten cũ kỹ, bên cạnh khẩu Uzi hiện đại, súng lục Colt Python đắt tiền, một khẩu súng trường thuộc loại « cổ đại ». Có thể đoán rằng Mohamed Merah đã mua tất cả cùng một lúc, từ một « nhà buôn sỉ ». Hoặc là hắn đã dần dần « lên đời », sau khi tiếp cận được giới anh chị trong nhà tù.

Còn về lá thư và đoạn video được gởi đến chi nhánh kênh truyền hình Al Jazeera tại Pháp, thì cũng không « chuẩn », vì thư không viết bằng tiếng Ả Rập và mang dấu ấn Al Qaida như truyền thống.

Bầu cử : Tựa chính báo Pháp

Trong mùa bầu cử, trang nhất các nhật báo Pháp chú trọng tình hình trong nước. Nhật báo cánh tả Libération đặt ra vấn đề, chính sách văn hóa sẽ như thế nào nếu ông François Hollande bước vào điện Elysée, và nhận định : « Văn hóa, vùng đất còn hoang khai cho cánh tả ». Nhật báo công giáo La Croix phân tích một trong những chủ đề tranh cãi trong các chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp năm nay, đó là « Có nên tăng thuế hay không ? ». Tờ báo cộng sản L’Humanité thì dành cho « Tiếng nói của các khu phố nghèo », với các bài phóng sự tại các khu ngoại ô bình dân, cho biết giới trẻ nơi đây luôn mơ ước một cuộc sống tươi sáng hơn. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chú trọng đến « Cuộc điều tra về kho vũ khí hạng nặng của Mohamed Merah », tên sát nhân ở Toulouse đã giết hại bảy người, làm chấn động cả nước Pháp tuần qua. Chỉ có Le Monde nhìn sang châu Phi: « Sénégal buộc ông Wade về hưu ». Tờ báo nhận định, lá phiếu của người dân Sénégal đã khiến vị Tổng thống 86 tuổi nhưng vẫn muốn tại vị thêm một nhiệm kỳ thứ ba đã phải lùi bước, nhường chỗ cho dân chủ.

tags: Cải cách - Châu Á - Kinh tế - Trung Quốc - Điểm báo 
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120327-su-chuyen-doi-day-rui-ro-o-bac-kinh
 

dimanche 25 mars 2012

Syria điêu tàn, Asma Al Assad im lặng


Asma Al Assad
(Paris Match) Người ta từng gọi bà là “Đóa hồng sa mạc”, khuôn mặt tân tiến của Syria đối với phương Tây. Sinh ở Luân Đôn, Asma nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Ả Rập khi gặp gỡ ông Bachar Al Assad. Năm 2000 khi nối gót cha lên nắm quyền, Bachar đã sang Anh để cưới bà, cho dù mẹ và chị không ưng ý. Năm 2007, ông Bachar đẩy bà Asma ra chính trường thế giới với vai trò người phụ trách các hoạt động nhân đạo, nhằm đánh bóng lại hình ảnh của Syria, và đã đạt được mục đích.

Asma thu hút được những người Syria cấp tiến, người ta hy vọng bà sẽ là nhân tố kích thích những thay đổi cho một “Mùa xuân Ả Rập” mới. Bà được cho là một người cởi mở, yêu thích nghệ thuật đương đại. Mùa xuân 2011, tạp chí Vogue của Mỹ đưa lên trang nhất hình ảnh của “đệ nhất phu nhân tươi mát và quyến rũ nhất”. Nhưng đồng thời, chồng bà lại lao vào một chính sách đàn áp khủng khiếp. Asma đứng về phía chế độ. 

Đó là một căn nhà hai tầng, phía trước là một khoảnh vườn nhỏ sau bức tường gạch đỏ, nằm ở Acton, ngoại ô phía tây Luân Đôn, nơi có trụ sở nhiều công ty và các trung tâm thương mại. Màn cửa khép kín. Một ăng-ten vệ tinh trên mái nhà. Không có chiếc xe nào hơi nào đậu trước cửa: ngôi nhà không có người cư ngụ. Chính trong ngôi nhà xinh xắn này Asma Al Assad, đệ nhất phu nhân Syria đã trải qua thời thơ ấu.

Đứng trước căn nhà mà mới đây cha mẹ bà Asma vẫn sinh sống, không thể nào không nghĩ đến những căn nhà khác. Đó là những căn hộ ở Homs bị tàn phá, bị xé toang, trong một thành phố mà hàng trăm người đàn ông, đàn bà và trẻ em đã bị sát hại. 

Vào cuối tuần này, những hình ảnh do phe đối lập truyền đi cho thấy những xác chết không toàn thây, bị cháy đen: 26 trẻ em và 21 phụ nữ đã bị giết chết tại khu phố Karm Al Zeitoun và Al Asdawwiyé, bị quân đội Syria tái chiếm cách đây vài ngày. Một vụ thảm sát mà cả hai bên quân chính phủ và phe nổi dậy đều đổ lỗi cho nhau. Gia đình Asma xuất thân từ địa ngục này.

Cha mẹ Asma đã lớn lên ở đó. Là bác sĩ chuyên khoa tim mạch của Cromwell Hospital và bệnh viện tư nổi tiếng Harley Street, người cha, ông Fawaz Al Akhras từ Homs đã đến Luân Đôn trong thập niên 50 để tiếp tục việc học. Vợ ông là bà Sahar Otri, đã trở thành bí thư thứ nhất của đại sứ quán Syria tại Luân Đôn. Theo trang web Express của Anh, Fawaz Al Akhras tuyên bố “kinh hãi trước sự đàn áp đẫm máu” do con rể tiến hành đối với phe đối lập, và lo sợ cho số phận của con gái là Asma.

Tại khách sạn Bristol, Paris.
Hình ảnh một vị đệ nhất phu nhân tươi cười, duyên dáng nay đã hoen ố. Một cư dân mạng Syria viết trên Facebook: “Bà có vẻ tử tế, nhưng tôi không hiểu vì sao bà có thể sống bên cạnh một kẻ sát nhân. Hãy nói cho chúng tôi biết, làm thế nào bà và chồng bà có thể ngủ ngon như chẳng có chuyện gì xảy ra, trong khi hàng ngàn người dân muốn các vị phải ra đi”.

Từ khi khởi đầu phong trào phản kháng cách đây một năm, Asma Al Assad rất hiếm khi xuất hiện, và có rất nhiều tin đồn đãi. Người ta nói tháng 5 năm ngoái bà có mặt ở Luân Đôn. Ngày 29/1, bà đi Nga với các con. Hai ngày sau đó, bà Asma xuất hiện bên cạnh chồng trong một đoạn video không thể biết được ngày tháng, cho thấy bà đứng cạnh giường bệnh một sinh viên bị thương hồi cuối tháng 12 trong một vụ tấn công vào trường đại học. 

Ngày 11/1, sau hôm ông Bachar Al Assad đọc bài diễn văn hứa hẹn sẽ “ca khúc khải hoàn trước các âm mưu bạo loạn”, ngày mà tại Homs có 16 thường dân thiệt mạng - trong đó có đồng nghiệp chúng tôi là nhà báo Pháp Gilles Jacquier - bà Asma cùng với các con tham gia cuộc biểu tình ủng hộ chế độ. Trong một email gởi cho tờ báo Anh The Times vào đầu tháng 2, bà khẳng định sự đồng tình với chồng, khuyến khích đối thoại và an ủi các gia đình có tang. Bà viết: “Tổng thống là Tổng thống của toàn bộ dân tộc Syria chứ không phải chỉ của một số người, và đệ nhất phu nhân ủng hộ phận sự của ông”.

Bỏ phiếu "trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới" ngày 26/02/2012.
Ngày 26/2, bà Asma xuất hiện cạnh ông Bachar để bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới – một trò hề dân chủ. Vào mùa thu, Asma muốn gặp gỡ những người hoạt động nhân đạo. Một người trong số họ cho biết: “Khi chúng tôi nêu lên các vụ lạm dụng của các quân nhân và lực lượng an ninh, bà ta không biểu cảm gì. Bà không có phản ứng, tuy vẫn biết những gì đã xảy ra. Tôi tự hỏi, có phải bà ta đang trong trạng huống muốn chối bỏ hiện thực, hay là bà tự dối mình”.

Sinh ngày 11/08/1975, đệ nhất phu nhân Syria giống như một người Anh chính thống, được giáo dục trong những ngôi trường tốt nhất, qua đó bà vẫn giữ giọng nói sang cả và quyền uy kín đáo. Ở nhà, bà nói tiếng Ả Rập, cũng như hai em trai là Fara và Eyad. Tại Queen’s College, nơi Christina Onassis (con gái tỉ phú Hy Lạp Onassis) từng theo học, cũng như bình luận viên truyền hình Anh Emma Freud và nhà báo kiêm người mẫu Peaches Geldof, Asma với tên tự đặt là “Emma”, đã tốt nghiệp ưu hạng về kinh tế, toán, vi tính và văn chương Pháp. Năm 1996, Asma lấy bằng cử nhân của King’s College về hai ngành vi tính và văn chương Pháp. 

Với bằng tốt nghiệp, Asma được ngân hàng Đức Deutsche Bank tuyển dụng làm nhà phân tích của bộ phận phụ trách các quỹ đầu cơ, lo về châu Âu và Viễn Đông. Hai năm sau, bà làm việc cho chi nhánh đầu tư của ngân hàng JPMorgan, chuyên về việc sáp nhập và mua lại các công ty dược phẩm cũng như kỹ thuật sinh học. Có thời gian ngắn Asma làm việc tại Paris và New York.

Đối với người phụ nữ của công việc này, Syria chỉ là một biểu tượng ngoại lai, một đất nước mà kỷ niệm về những mùa hè nơi quê cha là Homs đã trở nên xưa cũ. Sau các kỳ nghỉ, cô thiếu nữ Asma mang về mấy tấm hình chụp đầy ánh nắng mặt trời, tự hào khoe với các cô bạn vốn cho rằng đất nước ít được biết đến này là độc đáo. Asma kể với tạp chí Vogue hồi tháng 2/2011: “Tôi đã quen với việc người ta không coi Syria là một đất nước bình thường”.

Trong những chuyến du hành đó, Asma có nhiều dịp gặp anh thanh niên Bachar, con trai của Tổng thống Hafez Al Assad mà gia đình cô vốn thân thiết. Nhưng anh này lớn hơn cô đến mười tuổi, và cô chẳng có kỷ niệm gì đáng nhớ. Năm 1992, Bachar El Assad đến Luân Đôn học ngành nhãn khoa. Bachar không phải là người được dự kiến nối nghiệp cha lên làm Tổng thống, mà là ông anh Bassel. Nhưng Bassel qua đời vì tai nạn xe hơi năm 1994, khiến Bachar trở thành người kế vị của chế độ độc tài Syria.

Hai năm sau, Bachar và Asma thân cận với nhau hơn. Nữ chuyên viên tài chính vốn tận tụy với công việc bỗng thường xuyên đi nghỉ cuối tuần, biến mất không một lời giải thích. Cuối cùng Asma xin nghỉ việc khiến cho mọi người đều kinh ngạc, sau khi đã nhận được món tiền thưởng nhờ giúp ngân hàng ký được một hợp đồng béo bở.

Mối quan hệ được giữ kín cho đến khi đám cưới diễn ra vào tháng 12/2000, nhưng chỉ được chính thức loan báo vào tháng 1/2001. Lúc đó Bachar Al Assad đã là Tổng thống được sáu tháng. Không một tấm ảnh nào của Asma được đăng tải trên báo chí Syria. Người vợ trẻ muốn giữ bí mật suốt ba tháng trời. Sau đó Asma giải thích là để dành thời gian cho việc thăm viếng các làng mạc Syria, các nông trại, nhà máy, trường học, để hiểu được sâu sắc hiện tình đất nước. Nhờ cuộc hôn nhân này mà vị tân Tổng thống là người Alaouit thiểu số có thể trải rộng được ảnh hưởng đến đa số Sunnit, xuất thân của gia đình Asma.

“Tôi luôn cảm thấy mình là người Syria”, bà Asma đã nói với Paris Match như vậy vào tháng 12/2010, lúc đó tờ báo xem bà như “một tia sáng trong một đất nước đầy bóng tối”. Ba năm trước đó, bà thổ lộ với nhà văn Eyal Zisser: “Tôi vừa là người Anh vừa là người Ả Rập chứ không thuộc hẳn về một trong  hai quốc gia, tôi thuộc cả hai thế giới”.
 
Báo chí phương Tây tán tụng bà là biểu tượng của “hòa giải” giữa hai cực. Asma được mô tả là một phụ nữ “mảnh mai, lịch sự, duyên dáng và chừng mực”, với các bộ trang phục Chanel và những đôi giày hiệu Louboutin. Bà Asma trở thành một trong những biểu tượng quyến rũ và hiện đại của thế giới Ả Rập, thành nụ cười giả tạo của một chế độ mà ngày nay đã lộ rõ khuôn mặt tàn bạo và đẫm máu nhất. 

"Đóa hồng sa mạc"
Tạp chí Vogue gọi bà là “Đóa hồng sa mạc”, trang web thời sự Huffington Post ca ngợi một “sắc đẹp 100% tự nhiên”. Năm 2007, một công ty truyền thông Anh được chọn để quảng bá cho bà. Asma cần phải làm mềm dịu đi hình ảnh một chế độ mà ông George Bush hồi năm 2002 đã gọi là “thành viên trục tội ác”, làm cho bộ mặt chính quyền này trở nên thu hút, dễ coi.  

Tại Damas, cặp vợ chồng nguyên thủ sống trong một căn nhà ở khu phố Muhajirin, phía bắc thủ đô. Đó là một tòa nhà nhiều tầng, có dành một gian giải trí cho Hafez, 10 tuổi, Zein, 8 tuổi, và Karim, 7 tuổi, mà theo lời bà vào năm 2008 thì “tất cả đều dựa trên nguyên tắc dân chủ”. 

 “Asma có hai mặt” - Andrew Tabler, nhà báo chuyên về Syria, chuyên gia của Washington Institute nhận xét. Ông cũng là tác giả cuốn In the Lion’s Den (Trong hang ố sư tử), một cuốn sách đáng tham khảo về cách vận hành của chế độ Damas. Tác giả này viết: “Đó là một phụ nữ hiện đại, không giống các phu nhân Ả Rập khác (…) Nhưng đồng thời lại có ý hướng sống xa hoa, muốn trở thành một nàng công chúa”.  

Năm 2005, đệ nhất phu nhân sáng lập tổ chức phi chính phủ Massar, nhằm lập ra các cơ sở giáo dục thanh thiếu nhi từ 5 đến 21 tuổi theo “các phương pháp giáo dục không chính thống để giúp cho các em hiểu được chính mình và thế giới” – theo như lời bà nói với chúng tôi vào tháng 7/2008. Quỹ phát triển Syria được ra đời năm 2007, chuyên tài trợ cho các dự án vi tín dụng trong nông nghiệp hay giáo dục. Bà cũng muốn hợp tác với viện bảo tàng Louvre, nhưng ý định này còn trong giai đoạn phôi thai.  

Andrew Tabler viết: “Bà ta duyên dáng, can đảm, biết quan tâm, nhưng cũng ngây thơ, và có vẻ tin rằng mình có thể cải thiện được tình hình đất nước nhờ các hoạt động nhân đạo và các tổ chức phi chính phủ”. Một thiện chí không gây được tác động nào, trong cái Nhà nước mà tham nhũng hoành hành, quyền lực tập trung vào tay đảng Baas và phe cánh của gia đình chồng, vốn không ủng hộ các dự án của bà. 

Gia đình Assad là một phe đảng cũng giống như mafia. Nàng dâu Asma, một người xa lạ thuộc hệ phái Sunnit, khó lòng hòa nhập vào được. Anisah Makhlouf, bà mẹ chồng nổi tiếng là không ưa Asma, vẫn nắm giữ vị trí người đàn bà quyền lực nhất Syria trong nhiều năm dài, thậm chí ngay cả sau cái chết của ông chồng Hafez Al Assad. 

Bên cạnh bà trùm này, những người đàn ông quyền lực của chế độ là Maher Al Assad, em trai của Bachar, chỉ huy trưởng sư đoàn IV thiết giáp - đơn vị được trang bị tối tân nhất của quân đội Syria, có đến 12.000 quân. Các anh em họ khác là Fawaz và Moudher Al Assad, phụ trách tuyển mộ các « chabiha », tức dân quân, thường là bọn tội phạm hình sự và côn đồ. Người anh cột chèo của Bachar là Assef Shawkat, cựu giám đốc tình báo và Thứ trưởng Quốc phòng, lấy Bouchra, người chị của Bachar đồng thời là đối thủ của Asma. Một nhân vật nữa là Rami Makhloup, anh em cô cậu và là người tin cẩn của Tổng thống. 

Theo một chuyên gia, thì không có cơ hội nào khiến các thành viên của băng nhóm này để cho bà Asma được rời đất nước hoặc bày tỏ quan điểm. 

Theo Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria, khoảng 9.000 người đã bị sát hại kể từ đầu phong trào phản kháng mà nay đã trở thành một cuộc nội chiến. Sáng 12/03/2012 (thời điểm viết bài này), các xe tăng của chế độ đã đẩy mạnh tấn công vào Idlib ở tây bắc, và tiến về các thành phố tử đạo tương lai.

Năm 2009 trên đài CNN, Asma Al Assad kêu gọi “60% thanh niên Trung Đông dưới 25 tuổi, bất mãn vì thiếu cơ hội trong kinh tế”: “Chính quyền chúng ta phải cho phép các bạn tin tưởng vào tương lai mình”. Bà còn nói  về nỗi đau của các thiếu nhi Gaza nạn nhân của chiến dịch tấn công dải Gazacủa Israel: “Chúng ta đang sống trong thế kỷ 21. Trong phần đất nào của thế giới mà những chuyện như thế còn có thể xảy ra?”

Chỉ có sự im lặng mới còn bảo vệ được Asma, nếu không thể minh oan được. Một ngày nào đó, người phụ nữ này có thể sẽ bị xét xử bên cạnh ông chồng, vì tội ác chống nhân loại.

Kỳ tới : Asma Al Assad : Chồng giết chóc, vợ shopping