Cuộc sơ tán dân từ thành thị về
nông thôn cuối năm 1964 đầu năm 1965 đã làm thay đổi khá nhiều cuộc
sống nông thôn miền Bắc.
Điều được nhà thơ Tố Hữu gọi là "dập
dìu hợp tác", "sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn",
"nông thôn có máy làm trâu thay người" chỉ có trong thơ ca,
trong sự tưởng tượng của thi sĩ thôi. Chứ nông thôn miền Bắc từ ngày
giải phóng thật nghèo nàn buồn bã ảm đạm, sau chút náo nức ban
đầu.
Cứ tầm gà lên chuồng là tất cả
chìm vào yên ắng, màn đêm. Dầu hỏa là mặt hàng phân phối, mỗi hộ
chỉ được mua 1 lít/tháng, thậm chí cả bao diêm vài chục que cũng phân
phối nên thường có chuyện sang hàng xóm "xin lửa". Độ 9 - 10
giờ tối là tắt đèn để tiết kiệm dầu. Gần như người ta rút hết vào
nhà, đường làng vắng tanh, ít tiếng nói cười. Điều này tôi biết
chắc chắn và chính xác hơn các nhà thơ, hơn Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế
Lan Viên vốn chỉ "khép cửa phòng văn hì hục viết".