lundi 16 août 2021

Cù Mai Công - Giọt nước trong biển buồn Sài Gòn những ngày Covid

 

Sáng 16-8-2021, buổi sáng đầu tiên của tháng giãn cách Chỉ thị 16 ở TP.HCM. Đường phố có vẻ vẫn khá đông dù đâu đâu cũng rào chắn. Hẳn ai có việc “thiết yếu” thật sự mới ra đường chứ lúc này đường phố có gì để ra: hàng quán không, chợ búa không… Hầu hết là những shipper, người giao hàng… Dòng người đi lặng lẽ trong thời Covid, mệt mỏi và chịu đựng.

Người có nhà ở Sài Gòn còn thấy mệt mỏi, nói chi hàng vạn bà con nhập cư. Đa số mất việc mấy tháng. Tiền ăn, tiền trọ, tiền điện nước, tiền xà bông, bột giặt, tã lót cho con… Ngày 1-8 đã có một đợt cả vạn người đổ về quê. Xe khách, xe buýt, xe lửa không chạy thì đi xe máy, xe đạp, thậm chí đi bộ…; nước non ngàn dặm cũng đi.

Hôm qua 15-8, nhiều bà con ở trọ ráng bám trụ cũng hoảng hồn khi nghe TP.HCM cách ly một tháng nữa, lại đổ về quê. Bị ngăn lại ở Suối Tiên, động viên “trở về, địa phương sẽ lo”… Tiến thoái lưỡng nan, thập diện lo sợ. Đất Sài Gòn chưa bao giờ thắt ngặt với họ như vậy.

Nguyễn Thông - Những chị Dậu thời nay (1)

 

Sáng 15.8, coi hình ảnh từng đoàn hàng mấy trăm người cần lao, chủ yếu là bạn trẻ, gia đình vợ chồng trẻ cùng con nhỏ, đùm đúm trên chiếc xe máy, cả gia tài đem theo. Thậm chí con chó nhỏ cũng chất lên xe, nghĩa là tài sản sau nhiều năm mưu sinh chỉ có bấy nhiêu, không còn gì để lại, kéo nhau về quê để trốn dịch trốn đói, ai cũng phải động lòng thương xót.

Đã thế, nhà chức trách, công an, dân phòng, cán bộ tuyên truyền cầm gậy cầm loa ra chặn đường, dựng hàng rào, chăng dây ngăn, không cho họ tiếp tục chuyến hồi hương, thuyết phục họ quay trở lại. Đi cũng dở, ở không xong. Trở đi cách núi, trở lại cách sông. Tất cả đành lủi thủi về chỗ cũ, về nơi không còn chút hy vọng.

Nhìn sự đời tang thương ấy, tôi sực nhớ cái tâm trạng của chị Dậu, người đàn bà khổ điển hình, được cụ đầu xứ Tố tả trong truyện “Tắt đèn”. Không tiền nộp sưu cứu chồng, cả nhà nhịn đói triền miên, gia cảnh rách nát, địa chủ ức hiếp dồn đến chân tường, người đàn bà tên “chị Dậu” ấy buột than: “Về thì đâm đầu vào đâu?”. Sáng nay cũng vậy, cứ văng vẳng tiếng kêu tuyệt vọng “về thì đâm đầu vào đâu?”. Còn vẳng mãi nhiều ngày sau nữa.

Nguyễn Khắc Nhượng - Tiến thoái lưỡng nan

 

Thật "Tiến thoái lưỡng nan. Đi, về lận đận" đối với số lao động con em miền Trung đang lưu trú tại TP HCM.

Ở lại thì không còn tiền để ăn, để trả tiền thuê phòng trọ, để mua thuốc men chữa bệnh cùng đủ mọi thứ chi tiêu khác nhất là với các gia đình có con nhỏ. Chỉ còn mỗi một cách là đào thoát về lại quê nhà bằng xe máy, thậm chí chỉ bằng đôi chân, bất chấp nghiêm lệnh của Thủ tướng buộc mọi người "đang ở đâu thì ở yên đó không được rời đi".

Họ thừa biết cuộc đào thoát ấy dữ nhiều, lành ít, khó tìm sự giúp đỡ của đồng bào trên đường thiên lý, vì lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hầu như đang áp dụng tại mọi địa phương. Họ sẽ phải ăn ngủ vạ vật đầy sự may rủi ở vệ đường trong mưa nắng bất thường, chưa kể sự đối xử ghẻ lạnh tại quê nhà một khi họ về đến nơi do sợ lây nhiễm dịch. 

Bông Lau - Thảm kịch

 

Đoạn phim ghi lại hình ảnh người dân Afghanistan tuyệt vọng tràn vào phi trường quốc tế Kabul để tìm phương tiện rời bỏ đất nước này.

Máy bay vận tải C-17 của Không Quân Hoa Kỳ được gởi đến để di tản công dân Mỹ, và khi máy bay chuẩn bị cất cánh thì những người dân Afghanistan chạy theo, bám vào các ụ bánh đáp vì không muốn bị bỏ lại.

Phi cơ vận tải C-17 rất lớn và nặng nề. Khi cất cánh động cơ sẽ tạo ra sức đẩy khủng khiếp để nâng máy bay rời mặt đất. Không con người nào có đủ sức mạnh để bám bên ngoài máy bay.

Nguyễn Hồng Vũ - Biến chủng Delta bị tiêu diệt nhanh hơn trong cơ thể người đã chích vaccin

 

Chủng Delta của virus SARS-CoV-2 gần đây đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho mọi người trên thế giới khi tốc độ lan rộng của chúng quá nhanh, và khả năng chọc thủng (breakthrough) hàng rào miễn dịch được tạo ra bởi các vaccin hiện tại.

Các câu hỏi gần đây xoay quanh các vấn đề như: vaccin hiện tại có còn hiệu lực bảo vệ người được chích hay không? Sự khác nhau như thế nào giữa người được chích vaccin và người không chích vaccin khi bị nhiễm chủng này? Chúng ta có cần liều bổ trợ thứ 3 hay không? v.v…

Một nghiên cứu gần đây của một nhóm các nhà khoa học ở Singapore được đăng trên website MedRxiv giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vấn đề này. Trong nghiên cứu này họ thực hiện trên 2 nhóm:

Phạm Xuân Nguyên - Sao không công bố

 

Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành dữ dội trên khắp thế giới. Việt Nam đang trải qua thời kỳ căng thẳng nhất, như một số nước đã trải qua khi bệnh dịch lên đến đỉnh điểm. Với số ca nhiễm mỗi ngày tăng, tổng số ca nhiễm cao và số người bị tử vong vì dịch cũng tăng lên mỗi ngày.

Tại TPHCM thực tế là đã có nhiều người chết vì Covid, việc hỏa táng và mai táng gặp nhiều khó khăn. Đến mức chính Bí thư Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo cho lực lượng quốc phòng thành phố đứng ra đảm nhiệm tiếp nhận tro cốt của người bệnh bị mất và chuyển về cho các thân nhân họ.

Thậm chí ông Nên đã phát biểu và được các phương tiện truyền thông đưa lên là sẽ đề nghị Trung ương cho tổ chức Quốc tang các nạn nhân của đại dịch Covid.

Hà Phan - Hy vọng nào cho Sài Gòn?

 

Đến giờ hy vọng lớn nhất của tôi vẫn là vaccin phủ rộng để bà con Sài Gòn lỡ có nhiễm cũng không nặng, mọi người dần bình an và thành phố chúng mình nhanh lành bệnh!

Với những con số này thì tôi tin hy vọng của mình không chỉ là giấc mơ : Đến nay, đã có trên 4,6 triệu liều được tiêm cho người dân Sài Gòn. Trong đó có khoảng gần 150.000 người đã được tiêm 2 mũi, khoảng 500.000 người trên 65 tuổi có bệnh nền đã được tiêm, phủ gần kín nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Hiện đã có 4 quận huyện Cần Giờ, Phú Nhuận, quận 5 và quận 11 cơ bản phủ kín vaccin cho người trên 18 tuổi, và đã tạm dừng tiêm mũi 1. Những ngày tới, các quận huyện trên sẽ tiếp tục rà soát những người chưa được tiêm mũi thứ nhất, đồng thời chuẩn bị cho đợt tiêm mũi 2.

Đặng Đình Mạnh - Ai ly nông, ai ngược dòng ?

 

Miền Nam, thế kỷ trước, hai thập kỷ chiến tranh, loạn lạc và nhu cầu cải thiện kinh tế đã gây nên làn sóng ly nông, ly hương từ các vùng nông thôn về các đô thị miền Nam. Chúng làm tăng nhanh dân số cơ học đô thị và gây phát sinh nhiều vấn đề mà đô thị phải đối mặt. Tình trạng này kéo dài cho đến tận trước cơn đại dịch cúm Tàu bùng phát lần thứ tư vào rước mùa hè năm 2021.

Hiện tượng ly nông, ly hương đã là di sản chung của cả hai chế độ, chế độ Sài Gòn cũ và chế độ hiện nay.

Những hạn chế phổ biến của đô thị như ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn; kẹt xe kinh niên; vật giá cho nhu cầu ăn, ở, đi lại đều mắc mỏ; phân hóa giàu nghèo sâu sắc; tệ nạn xã hội, tội phạm ... vẫn không khiến cho người ly nông, ly hương ngán ngại. Vì nếu cần phải so sánh, họ vẫn có thể nêu ra hàng loạt ưu điểm của một đô thị “đáng sống” như thế nào trong sự đánh giá của họ so với nông thôn : Hưởng thụ nền giáo dục vượt trội; chăm sóc y tế tốt, kịp thời; nếp sinh hoạt văn minh, hiện đại. Và điều mang tính quyết định : Cơ hội việc làm nhiều hơn, tốt hơn, thu nhập cao hơn...

Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày phong tỏa thứ 39


Hôm nay dù cái gọi là "di biến động dân cư" không còn được thi hành nữa vì đã gây ùn ứ xe cộ trên các giao lộ có chốt chặn. Tuy nhiên, sáng nay, nhiều con đường vẫn kín xe ùn tắc vì kiểm tra giấy đi đường.

Nguyên nhân là siết chặt thời hạn giấy đi đường khiến nhiều người dân buộc phải quay đầu xe. Lực lượng chức năng giải thích cho người dân giấy ra đường chỉ có hiệu lực trong 7 ngày gây bất ngờ cho mọi người, vì hầu hết người dân cho rằng chưa được thông báo là giấy ra đường có hiệu lực chỉ trong 7 ngày nên không thể chủ động.

Điều đó cho thấy rằng, trong các đợt giãn cách, không biết bao nhiêu là thông báo, bao nhiêu là chỉ thị, bao nhiêu là yêu cầu khiến cho dân cứ rối tinh lên, chẳng biết đường nào mà chuẩn bị. Không phải ai cũng có điều kiện theo dõi, ai cũng có phương tiện để nắm rõ những thay đổi xoành xoạch của các ban bệ nhà nước. Hết Ủy ban đến công an, hết y tế đến công thương, hết tiêm chích, xét nghiệm đến thông báo đi siêu thị, mỗi bộ phận một kiểu, chẳng thống nhất lại nhiều khi tréo ngoe với nhau.

Chương trình phát thanh RFI ngày 16.08.2021

dimanche 15 août 2021

Bông Lau - Khi người Mỹ cuốn gói ra đi

 

Tình hình ở Afghanistan hiện nay giống Nam Việt Nam ở những tháng sau cùng trước khi sụp đổ. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở thủ đô Kabul có 4.000 nhân viên, trong đó có khoảng 1.400 nhân viên Hoa Kỳ được lịnh phá hủy máy computer của mình và đốt hồ sơ mật.

Hôm nay chính quyền Joe Biden ra lịnh gởi 5.000 lính Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến đến Kabul để yểm trợ cuộc di tản nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cùng với tất cả các công dân Mỹ sống và làm việc nơi ấy. Các tiểu đoàn tác chiến này được trang bị súng nặng để phòng thủ phi trường quốc tế Kabul và Tòa Đại Sứ.

Nhìn vào bản đồ thì thấy tổ chức di tản người Mỹ khỏi Afghanistan không dễ như khi người Mỹ cuốn gói ra đi ở Sài Gòn năm 1975, vì Kabul không gần biển như Sài Gòn. Muốn thoát khỏi Afghanistan thì phải bay nhiều giờ qua nhiều vùng đất không an toàn đối với máy bay trực thăng. Vì vậy bảo vệ phi trường quốc tế để thiết lập cầu không vận cho máy bay phản lực vận tải rất quan trọng.

Đặng Sơn Duân - Tình hình Kabul

 

Thụy My cập nhật (23h47 ngày 15/08/2021, giờ Paris): Tổng thống Afghanistan đã chạy sang Tadjikistan và nhìn nhận Taliban đã thắng. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi Taliban kềm chế. Mỹ gởi thêm 1.000 quân sang Kabul để giúp di tản, nhân viên đại sứ quán Mỹ đã được đưa khẩn cấp đến phi trường Kabul. Tối 16/08 tổng thống Emmanuel Macron sẽ phát biểu trên truyền hình về Afghanistan.

Những phát biểu và tường thuật cho đến lúc này cho thấy một quá trình chuyển giao hòa bình sẽ được xúc tiến. Một chính quyền lâm thời sẽ được thiết lập và sẽ không có giao tranh tại thủ đô của Kabul.

Sau khi bao vây Kabul, các đại diện của Taliban đưa ra một số cam kết chẳng hạn, sẽ không trả thù những người từng phục vụ quân đội và chính quyền cũ, cho phép người nước ngoài tùy nghi di tản, cam kết bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho người dân Kabul...

Lực lượng chính của Taliban cũng chưa tiến vào nội đô và việc kiểm soát an ninh nhiều khả năng vẫn nằm trong tay cảnh sát dưới quyền điều khiển của chính quyền lâm thời.

Lưu Trọng Văn – Chống dịch, ông Nên cần loại ngay những kẻ bất tài vô cảm !

 

Hãy xốc lại đội ngũ, loại ngay những kẻ bất tài vô cảm và đưa ngay những Chiến binh tài năng, tâm huyết thực sự vào cuộc, thưa tổng tư lệnh Nguyễn Văn Nên!

Cuộc di tản lần thứ hai diễn ra ở Sài Gòn với hàng ngàn người - những người kiên nhẫn ở lại Sài Gòn mà không di tản như bao đồng hương của họ vì còn niềm tin và hy vọng nào đó vào chính quyền sẽ sớm dập dịch.

Bây giờ họ không còn niềm tin và hy vọng nào nữa. Họ quyết định phải tự cứu mình.

Tại sao hàng trăm ngàn người lao động nhập cư phải sa vào tình cảnh khốn khó đến cùng cực này?

Nguyễn Viện - « Di biến động dân cư » : Các ngài khoa bảng chỉ tốn cơm

 

Với “di biến động dân cư” như người lao động thành phố phải tháo chạy đợt 2 hôm nay, cho thấy ban tư vấn do chủ tịch thành phố thành lập chỉ nuôi tốn cơm.

Tôi đã đọc bản đề xuất của ban tư vấn này trong việc chống dịch hiện nay và trong thời gian tới, chỉ thấy một tinh thần vuốt đuôi trốn trách nhiệm.

Nói thật, chỉ hơn tôi mỗi việc làm biểu đồ powerpoint. Nhưng cũng chưa chắc do các ngài khoa bảng này đích thân làm, mà do một ông họa sĩ thiết kế đồ họa nào đó thực hiện.

Nguyen Khan - Chết mẹ mấy nông dân già !

 

Tôi không biết trình độ tin học mấy người già ở các đô thị văn minh đến đâu, chứ nông dân già như tôi có một smartphone cùi bắp vào mạng lướt web là thuộc hàng dzách lầu.

Dám chắc hầu hết nhờ con cháu cài đặt Facebook quẹt quẹt cho lên đời, ai táy máy lắm cũng chỉ nhờ cài thêm một vài app tiện ích nào đó mà chưa chắc đã dùng đến. Và cũng không phải ai cũng có smartphone.

Đó là chưa kể những người nghèo chuyên vào mạng bằng wifi, thường là wifi cọp ở các quán, mấy ai sử dụng 3G, 4G... Dân cùi bắp mà. Cho nên nếu bạc phước bị công an chặn đường khai báo "di biến động dân cư" gì đó là chết chắc luôn. Bởi wifi cọp ở đâu giữa đường mà kết nối internet? Smartphone cùi bắp màn hình ba chớp ba nháng, nguồn pin thì vừa sạc vừa xem... Điện đâu giữa đường mà sạc, màn hình trời ơi đất hỡi làm gì thấy rõ giữa ánh sáng ban ngày?

Nguyen Khan - Những người khốn khổ

 

Việc những người lao động phải ly hương tìm đến những nơi có việc làm để mưu sinh không chỉ là sự đương nhiên mà còn là xu thế của thời đại (toàn cầu hóa). Song bất ngờ là đại dịch cúm Vũ Hán xuất hiện làm rối tung tất cả, đảo lộn tất cả việc ly hương kiếm sống của những người lao động.

Đầu năm 2019 thế giới đã chứng kiến dòng người lao động nông thôn Trung Cộng tại các khu công nghiệp trọng điểm Quảng Châu, Thâm Quyến...Gồng gánh rồng rắn quay về quê nhà vì mất việc do thương chiến Trung Mỹ, làm không ít người xót xa cho cuộc sống bấp bênh của những người lao động nông thôn.

Dù lúc ấy báo chí Trung Cộng lèo lái sang hướng tích cực là người lao động về quê khởi nghiệp, thì cũng không vì đó làm giảm bớt sự thê thảm của những người khốn khổ bán sức lao động nuôi thân ở những thành phố công nghiệp.

Nguyễn Đình Bổn - Tháo chạy khỏi thành phố lần thứ n!

 

Tôi đã nhìn thấy bạn bè mình từng hết lòng, bất chấp nguy hiểm để đem lương thực, thực phẩm cho những xóm trọ mà gần như 100% người dân không còn gì. Họ giờ cũng hết tiền, hết sức!

Sáng nay tôi nghe tiếng kêu cứu của một người trẻ tuổi tại Q.9 rằng em đói quá, em chỉ xin vài gói mì!

Sau nghị quyết 15.9 Sài Gòn phải hết dịch, là lệnh phong tỏa kéo dài thêm một tháng, như một đám cuồng phong thổi vào ánh sáng leo lét của ngọn nến hy vọng.

Nguyễn Ngọc Chu - Đề nghị chính phủ có biện pháp hỗ trợ khẩn cấp vô điều kiện

 

1. Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách thêm một tháng đã buộc hàng ngàn đồng bào phải tháo chạy vì không có miếng ăn.

Phải tiên lượng rằng giãn cách ở Thành phố Hồ Chí Minh còn có thể kéo dài. Không lương không việc làm thì lấy gì để sống?

2. Việc cứu trợ khẩn cấp đã đề nghị ngay từ đợt tháo chạy lần trước mà Thủ tướng phải ra lệnh chấm dứt từ ngày 01/8/2021. Nhưng từ đó, việc cứu trợ đã không được thực hiện một cách có hiệu quả. Khẩu hiệu “không để ai bị đói” của Chính phủ vẫn chưa được thực hiện.

Mai Quốc Ấn - "Thắt cổ chai"

 

Tôi đã viết về những dòng người rời khỏi Sài Gòn. Rằng đó là một cuộc "chảy máu" nguồn nhân lực đầy đau đớn.

Để ngăn chặn cuộc di tản ấy bằng các quyết định cơ học không khó. Đã thấy cửa ngõ thành phố đông nghẹt người và bị chặn lại. Chưa ai nghĩ đến đoàn người và xe đông nghịt (4 km) bị chặn bởi những khối bê-tông liệu có ca lây F0 nào chăng?

Vấn đề của thành phố trước hết là một chính sách lương thực đầy đủ và ngân sách an sinh để chủ nhà trọ có thể giảm tiền cho người thuê, để người thuê nhà ở lại. Gói ngân sách hỗ trợ người nghèo (1,5 triệu/người) mang màu sắc định giá nhà nước có lẽ chưa đủ tiền điện nước của 3,5 tháng bám trụ (từ tháng 5/2021).

Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày phong tỏa thứ 38

 

Ngày hôm qua, Sài Gòn có nhiều biến động. Trước hết là tình trạng ùn tắc diễn ra ở nhiều đường trong thành phố. Xuất phát từ việc Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội (C06, Bộ Công an) đã đưa vào thí điểm việc sử dụng ứng dụng khai báo y tế, quản lý di biến động công dân vùng dịch và quản lý tiêm vaccin trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Được gọi tên là DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ.

Theo chương trình này, người dân sẽ khai báo quá trình di chuyển của mình qua một hệ thống có mã code. Hệ thống sẽ lưu lại thông tin và tiến hành xác thực thông tin công dân qua kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hàng ngày, cán bộ công an được giao trách nhiệm thực hiện thống kê, báo cáo tình hình công dân ra/vào vùng dịch; truy vết đối với người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch trên cả nước, việc quản lý di biến động, khai báo y tế của người dân và quản lý tiêm chủng vaccin đặt ra rất cấp bách. Tuy nhiên khi thực hiện lại gặp nhiều trở ngại. Trước hết là gây ùn tắc ở các giao lộ và tình trạng đó đã diễn ra từ hôm qua và tiếp tục sáng hôm nay. Có cần phải thực hiện gấp rút việc này không khi con số tử vong còn cao vùn vụt, khi tình trạng lây nhiễm lúc nào cũng dính vào người, khi cái chết luẩn quẩn khắp nơi?