dimanche 28 avril 2019

Ngô Nhân Dụng - Miền Nam còn giúp miền Bắc



Sài Gòn thanh bình, tự do, dân chủ và nhân quyền trước năm 1975. (Hình: Flickr manhhai)
(Người Việt 26/04/2019) Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, nhiều đồng bào miền Bắc thương họ hàng ruột thịt trong Nam đói khổ, đã đem cả thúng gạo cùng mấy cái bát, đĩa vào cứu giúp. Đến nơi mới thấy dân miền Nam, khá giả giàu có hơn mình nhiều. Có người, như nhà văn Dương Thu Hương, thì ngạc nhiên thấy đời sống trí thức ở miền Nam quá tự do. Trong tiệm bày bán cả những sách về chủ nghĩa Marx! Đó là chưa kể trong đại học Văn Khoa có những lớp dạy triết học cũng giảng tư tưởng của Karl Marx!

Từ năm 1975 đến nay, cuộc sống của đồng bào miền Nam và miền Bắc ảnh hưởng lẫn nhau nhiều hơn. Chế độ cai trị từ Hà Nội đè lên trên Sài Gòn hết cục cựa; nhưng quần áo, thức ăn, ca nhạc, cho đến cách cư xử của người miền Nam có cơ hội Bắc tiến.

Trên báo chí, lớp ký giả miền Bắc vào tràn ngập trong Nam đem theo những ngôn ngữ và lối viết của báo Nhân Dân, nhưng trong dân gian thì tiếng nói miền Nam cũng lan ra Bắc. Có người đã nhận xét dân miền Nam được học miền Bắc những tiếng như “thu phí,” “bao cấp,” “trấn lột;” còn người Bắc bây giờ cũng thích nói những tiếng đặc miền Nam như “hổng sao!” “hổng biết!” và “dễ thương!”

Nhưng đồng bào miền Bắc chỉ nhìn thấy đời sống của người miền Nam bây giờ, chớ không biết trước năm 1975 nó như thế nào.

Mạnh Kim - Di sản VNCH : Nền văn minh đã thắng « chế độ man rợ » !


Mô hình Sài Gòn của Jaume Torruella (từ trang “Modelismo BCN”)

Những ai sống ở miền Nam giai đoạn sau 30-4-1975 không thể nào quên những gì từng trải qua. Đó là những chuỗi ngày không chỉ khốn khổ về vật chất. Biết bao người không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hàng đống sách vở và băng đĩa nhạc bị đốt. Một cuộc thảm sát văn hóa đã xảy ra. Không chỉ sản phẩm văn hóa, con người của văn hóa cũng bị tận diệt. Nhà văn bị bỏ tù. Nhà báo bị “học tập cải tạo”. Nhà thơ đi đạp xích lô… Bất luận bị “tra tấn” và “truy diệt” tàn bạo như vậy, văn hóa VNCH vẫn không chết!

Trong "Hồi ký dang dở", cựu đại tá VNCH Dương Hiếu Nghĩa (từ trần ngày 14-4-2019) kể:

“Ngày mồng 3 tháng 5/1975. Không có chuyện gì làm, tôi lang thang tản bộ quanh khu chợ Sài Gòn, và đi lần về Thư Viện Quốc Gia, trong thâm tâm chỉ muốn gặp lại một người bạn của tôi là anh Hữu, quản thủ Thư viện Quốc Gia (ông Phan Văn Hữu – chú thích của MK). Có đến nơi mới thấy được cảnh mà cộng sản Bắc Việt gọi là bài trừ “văn hóa đồi trụy”: Sau ngày 30/4/75, một ủy ban gọi là “Ủy ban bài trừ văn hóa đồi trụy” ra đời. Thành phần gồm một cán bộ Đảng CSVN và sinh viên học sinh chít khăn đỏ trên tay (mà người dân Sài Gòn gọi là mấy con “cọp 30”)…

samedi 27 avril 2019

"Lênin" không sợ Trung Quốc !

Người dân ở Puerto Ayora, Santa Cruz (Ecuador) phản đối tàu Trung Quốc đánh cá bất hợp pháp tại đảo Galapagos. Ảnh chụp ngày 25/08/2017.

Tổng thống Ecuador, ông Lenin Moreno đã ra lệnh gởi đi các chiến hạm và phi cơ chiến đấu, sau khi một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tiến gần vùng biển được bảo vệ sinh thái của hòn đảo Galapagos. Chính phủ nước này hôm 25/04/2019 loan báo như trên.

Bộ Thông tin Ecuador cho biết, tổng thống Lenin Moreno coi hành vi trộm cắp tài nguyên này là « không thể chấp nhận được. Thế nên ông đã ra lệnh cho quân đội huy động máy bay và tàu chiến để bảo vệ chủ quyền của Ecuador ».

Tổng thống Lenin Moreno còn yêu cầu ngoại trưởng José Valencia « triệu tập ngay lập tức » đại sứ Trung Quốc ở Quito, để trao kháng thư phản đối về mặt ngoại giao.

vendredi 26 avril 2019

Ngô Nhân Dụng - Tham vọng bành trướng qua ‘Một Vòng Đai, Một Con Đường’



Tập Cận Bình phát biển khai mạc "Một vành đai, Một con đường" lần hai tại Bắc Kinh.

(NgườiViệt 24/04/2019) Bắc Kinh đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh “Một Vòng Đai, Một Con Đường” lần hai, từ Thứ Năm tuần này, 25 Tháng Tư, 2019. Có 37 quốc gia gửi người cầm đầu tới dự, không có Mỹ, Ấn Độ và các cường quốc Âu Châu. Tập Cận Bình sẽ nhân dịp này nhắc lại rằng “Nhất Đới Nhất Lộ” chỉ là một kế hoạch phát triển kinh tế hòa bình. Nhưng ai cũng biết đây là một chương trình nhằm chinh phục thế giới.

Kể từ ngày Tập Cận Bình công bố chương trình tại Đại Học Nazarbayev ở thủ đô Kazakhstan, Tháng Chín, 2013, trang website chính thức bằng tiếng Anh luôn luôn gọi đây là một “sáng kiến” (initiative) và tuyệt đối không bao giờ dùng những chữ “strategy” (chiến lược), “programme” (chương trình), “project” (dự án), hay các chữ gợi ý là một kế hoạch.

Ba mươi năm trước, khi Trung Quốc mới ngoi lên khỏi vũng lầy lạc hậu thời Mao Trạch Đông, họ thấy nước Mỹ đã có mặt khắp nơi. Bây giờ khác. Trong lúc chính phủ Mỹ chăm chú vào những “điểm nóng” như Iran, Bắc Hàn, biên giới Mexico hay Venezuela, thì đã có 129 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế tham gia “Một Vòng Đai, Một Con Đường,” như Dương Thiết Trì, thành viên Bộ Chính Trị Trung Cộng mới khoe. Một người dân Trung Hoa bình thường cũng thấy nước họ phải vươn lên ngang hàng rồi vượt qua nước Mỹ.

“Nhất Đới Nhất Lộ” là chiến lược toàn cầu của Trung Cộng trong thế kỷ 21.

Nguyễn Quang Duy - “Những sự thật bên trong” Vụ Án Trịnh Vĩnh Bình


Ông Trịnh Vĩnh Bình trước Tòa án Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 04/05/2013. Ảnh báo Thanh Niên

Đài VOA vừa đưa tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện, Hà Nội phải bồi thường 37,5 triệu Mỹ Kim thiệt hại và 7,9 triệu án phí.

Ông Bình rời phiên tòa với khuôn mặt tươi cười hai tay giơ cao ra dấu chiến thắng (V=Victoria) nên không cần phải bàn tới. Lạ là Bộ Tư pháp Việt Nam ngay lập tức xác nhận thông tin, nhưng cho biết theo quy định Tòa “các bên có trách nhiệm phải giữ bí mật”.

Việc chi trả bồi thường “phải giữ bí mật” là Hà Nội chính thức xác nhận không theo tiêu chuẩn hạch toán ngân sách quốc tế và không muốn cho dân biết vụ việc.Tại sao Hà Nội phải che giấu kỹ vụ án này?

“Những sự thật bên trong”

Trên Facebook, ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết từng cung cấp “những sự thật bên trong” cho bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình để phát biểu tại Quốc hội: “…Bắt nguồn từ việc một cán bộ an ninh kinh tế có tên Ngô Chí Đan ở Vũng Tàu. Ngô Chí Đan là em rể của Phương Vicarent. Họ cùng nhau áp lực với Trịnh Vĩnh Bình để đòi chia chác. Những người này có thế lực rất mạnh ở địa phương và cả một số cán bộ then chốt ở Trung ương.”

Một chủ nhà xuất bản sách Hồng Kông sang Đài Loan tị nạn

Chủ hiệu sách, ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing Kee) phát biểu trong một cuộc biểu tình ở Hồng Kông, ngày 31/03/2019.

Một trong năm chủ nhà xuất bản sách Hồng Kông chuyên về chuyện hậu trường chính trị Trung Quốc, hôm nay 26/04/2019 cho biết đã trốn sang Đài Loan, do Hồng Kông chuẩn bị thông qua luật dẫn độ.

Ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing Kee), 64 tuổi, nằm trong số năm chủ nhà sách bỗng nhiên bị « mất tích » vào cuối năm 2015, rồi sau đó xuất hiện tại Hoa lục, lên truyền hình « thú tội ». Ông được cho phép quay lại Hồng Kông vào tháng 6/2016, với điều kiện phải lấy một đĩa cứng có danh sách các khách hàng, rồi sang Trung Quốc giao nộp.

Bão tố nổi lên trong chính phủ Anh vì Hoa Vi


Chính quyền Anh hôm nay 26/04/2019 xáo động, vì dự định cho phép tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc tham gia mạng lưới 5G một cách hạn chế, nhưng thông tin này đã bị rò rỉ trên báo chí. Một tối hậu thư đã được đưa ra cho các bộ trưởng, để tìm cho được thủ phạm.

Tối thứ Ba 23/4, nhật báo The Telegraph đăng tin thủ tướng Theresa May quyết định cho phép Hoa Vi (Huawei) tham gia việc triển khai mạng 5G tại Anh, mặc dù Hoa Kỳ đã cảnh báo nguy cơ tập đoàn viễn thông này làm gián điệp cho Bắc Kinh. Bà đã bật đèn xanh trong cuộc họp cùng ngày của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) gồm các bộ trưởng và viên chức cao cấp về an ninh. Theo « Official Secrets Act » (luật an ninh), các thành viên tham dự phải giữ bí mật.

Kim Jong Un về nước sau cuộc gặp « hữu nghị » với Putin

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (Áo đen) đi duyệt hàng quân danh dự Nga trước khi lên đường về nước, tại nhà ga xe lửa Vladivostok, ngày 26/04/2019.

Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay 26/04/2019 rời Vladivostok sau cuộc họp thượng đỉnh lần đầu với tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc gặp gỡ « hữu nghị » này, ông Kim cáo buộc Hoa Kỳ « thiếu thiện chí » trong hồ sơ nguyên tử.

Đoàn tàu bọc thép đặc biệt của ông Kim rời nhà ga vào 5 giờ 30 GMT sáng nay, mất khoảng 12 tiếng đồng hồ để trở về Bình Nhưỡng. 

Hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hoan nghênh cuộc trao đổi « cởi mở và thân thiện » giữa hai nhà lãnh đạo, kéo dài đến năm tiếng đồng hồ. Đôi bên bàn bạc về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chính sách trừng phạt của Mỹ. 

Tổng thống Pháp cố đáp ứng yêu sách Áo Vàng, nhưng tiếp tục cải cách

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại điện Elysée, Paris, ngày 25/04/2019.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 25/04/2019 cố gắng mang lại câu trả lời cho « những yêu sách đúng đắn » từ phong trào Áo Vàng, và nhìn nhận trách nhiệm của mình. Tuy nhiên trước báo chí ông cho biết vẫn duy trì mục tiêu cải cách, đồng thời hứa hẹn « một phương cách mới để giải tỏa những hiểu lầm ».

Gần sáu tháng sau khi phong trào Áo Vàng nổi lên với những cuộc biểu tình mỗi ngày thứ Bảy tại các thành phố lớn nước Pháp, đặc biệt tại thủ đô Paris, lần đầu tiên tổng thống Macron tổ chức cuộc họp báo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, với 320 phóng viên tại điện Elysée. Mục tiêu là phác họa những nét chính cho giai đoạn hai của nhiệm kỳ, và chấm dứt được phong trào phản kháng.

Tin vắn 26.04.2019


Bức ảnh đầu tiên trên Instagram CIA là bàn làm việc của giám đốc Gina Haspel.

(AFP)CIA mở tài khoản trên Instagram

Cơ quan tình báo Mỹ hôm 25/04/2019 khai trương tài khoản chính thức trên mạng xã hội Instagram. Tất nhiên là không có ảnh của điệp viên nào, chỉ có một số hình ảnh chung chung. Tài khoản này nằm trong nỗ lực nhằm tuyển dụng các gián điệp và nhà phân tích trẻ tuổi.

jeudi 25 avril 2019

Chính trường Việt Nam sẽ ra sao nếu ông Nguyễn Phú Trọng bệnh nặng ?

Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tiếp quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Hà Nội ngày 27/03/2019.

Trên Asia Times, có bài viết mang tựa đề « Có phải nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đang hấp hối ? ». Tác giả David Hutt đặt vấn đề, nếu tin này được xác nhận thì có ý nghĩa như thế nào đối với một đất nước chia rẽ về chính trị, vốn thường giữ bí mật, trong khi sự kế thừa quyền lãnh đạo cho năm 2021 vẫn chưa được quyết định ?

Các mạng xã hội tại Việt Nam trong tuần lễ vừa qua sôi sục với thông tin tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã được đưa cấp tốc vào bệnh viện hôm 14/04/2019. Cho đến nay vẫn chưa thấy ông xuất hiện trước công chúng.

Cơn bão tin đồn

Một số bài đăng trên mạng cho biết nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam chỉ bị sốc nhiệt vì cảm nắng, số khác nói rằng ông bị xuất huyết não hay đột quỵ, và hiện đang hấp hối. 

Trong cơn bão tin đồn, một số còn cáo buộc những người ủng hộ địch thủ của ông Trọng là cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ám hại ông. Đó là do lúc ông Trọng đi công cán Kiên Giang, căn cứ địa của ông Dũng, thì ông mới ngã bệnh.

mercredi 24 avril 2019

Kim Jong Un đến Nga họp thượng đỉnh với tổng thống Putin

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được đón tiếp tại nhà ga Vladivostok, miền Viễn Đông Nga, ngày 24/04/2019.

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay 24/04/2019 đến vùng Viễn Đông của Nga để gặp gỡ tổng thống Vladimir Putin lần đầu tiên. Đang trong ngõ cụt ngoại giao với Washington, Bình Nhưỡng muốn xích lại gần đồng minh cũ Matxcơva.

Sau thất bại của thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội, đây là lần đầu tiên Kim Jong Un đi gặp một nguyên thủ nước khác. Chuyến tàu đặc biệt của lãnh tụ Bình Nhưỡng dừng lại trước nhà ga Vladivostok vào 8 giờ sáng nay (giờ GMT). Ông Kim được trải thảm đỏ đón tiếp, với các quan chức Nga và ban quân nhạc, những phụ nữ mặc trang phục dân tộc tặng bánh mì và muối theo truyền thống. Cờ Nga và Bắc Triều Tiên được treo đầy trên đảo Rousski đối diện với cảng Vladivostok, nơi diễn ra cuộc họp.

Theo hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA, ngoại trưởng Ri Yong Ho tháp tùng ông Kim khẳng định quan điểm của Bình Nhưỡng « không hề thay đổi » sau thượng đỉnh ở Hà Nội. Điện Kremlin cho biết sau khi hai nguyên thủ gặp gỡ, sẽ có một cuộc họp mở rộng, tuy nhiên dự kiện không có thông cáo chung hay một thỏa thuận nào được ký kết.

Biển Đông: Tư lệnh Hải Quân Trung Quốc đả kích tuần tra tự do hàng hải

Tàu đổ bộ Trung Quốc Nghi Mông Sơn (Yimeng Shan) tham gia cuộc diễu hành hải quân ngoài khơi Thanh Đảo (Trung Quốc) ngày 23/04/2019.

« Tự do hàng hải không thể được sử dụng để vi phạm quyền của các nước khác ». Đó là tuyên bố hôm 24/04/2019 của phó đề đốc Thẩm Kim Long (Shen Jinlong), tư lệnh Hải Quân Trung Quốc, chỉ trích việc Hoa Kỳ và các đồng minh gởi tàu tuần tra gần các đảo bị tranh chấp trên Biển Đông. 

Phát biểu tại một diễn đàn ở Thanh Đảo, sau cuộc biểu dương lực lượng kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc, ông Thẩm Kim Long cho rằng tất cả mọi người cần tuân theo các quy tắc, « bảo vệ tốt trật tự » trên biển. Ông tuyên bố : « Tự do hàng hải là nguyên tắc được cộng đồng quốc tế nhìn nhận rộng rãi. Tuy nhiên không thể được sử dụng làm cái cớ để vi phạm các quyền hợp pháp và lợi ích của các quốc gia ven biển ». 

Tư lệnh hải quân Trung Quốc không nêu đích danh Hoa Kỳ, trong khi các chiến hạm Mỹ thường xuyên đi gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp để xác quyết chủ quyền tại Biển Đông. Một số đồng minh của Mỹ trong đó có Anh Quốc cũng hành động tương tự. Trung Quốc, nước tự vẽ ra đường lưỡi bò, xây lên các cơ sở hạ tầng quân sự để độc chiếm vùng biển chiến lược, coi các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải là « khiêu khích ». 

Anh sắp cho phép Hoa Vi tham gia mạng 5G

Công nghệ 5G nổi bật tại hội nghị quốc tế về thiết bị di động Mobile World Congress tại Barcelona (Tây Ban Nha) tháng 02/2019.

Anh quốc chuẩn bị cho phép Hoa Vi (Huawei) tham gia một cách hạn chế vào mạng lưới 5G, một động thái được tập đoàn viễn thông Trung Quốc, đang bị Mỹ nghi ngờ làm gián điệp cho Bắc Kinh, nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh. Theo nhật báo Daily Telegraph hôm nay, 24/04/2019, thủ tướng Theresa May đã có quyết định như trên trong cuộc họp hôm qua của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC).

Cuộc họp tập hợp các bộ trưởng và viên chức cao cấp về an ninh. Tuy nhiên Hoa Vi không được can dự vào trung tâm mạng lưới, mà chỉ ở các thiết bị ít nhạy cảm như ăng-ten. 

Phủ thủ tướng từ chối bình luận về thông tin của Telegraph. Về phần quốc vụ khanh phụ trách kỹ thuật số Margot James, bà cho biết quyết định « cuối cùng » vẫn chưa được đưa ra. Tuy nhiên tập đoàn Hoa Vi ngay sau đó đã ra thông cáo hoan nghênh « quan điểm dựa trên thực tế » của chính phủ Anh. 

Thủ tướng Libya tố cáo Pháp ủng hộ "nhà độc tài" Haftar

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và thủ tướng Sarraj, tướng Haftar. Ảnh tư  liệu chụp ngày 25/07/2017.

Thủ tướng Libya được cộng đồng quốc tế công nhận, ông Fayez Al Sarraj hôm 23/04/2019 cáo buộc Pháp ủng hộ thống chế Khalifar Haftar, người mà ông gọi là « nhà độc tài », đã tung ra chiến dịch tấn công quân sự vào Tripoli hôm 04/04. 

Trả lời phỏng vấn báo Pháp Libération, thủ tướng Sarraj cho biết ông « ngạc nhiên khi Pháp không ủng hộ chính phủ dân chủ của chúng tôi, mà lại hỗ trợ một nhà độc tài ». Tuy nhiên ông Sarraj lờ đi những tuyên bố ủng hộ Haftar của tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng việc ngoại trưởng Mỹ yêu cầu ông Haftar ngưng tấn công mới là quan trọng.

Trên lãnh vực quân sự, lực lượng tự xưng là quân đội quốc gia Libya loan báo các đội quân từ căn cứ ở miền đông đang tiến vào để đẩy nhanh việc chiếm Tripoli. Thống chế Haftar muốn dựa vào các chiến binh ở các thành phố bao quanh thủ đô, và tranh thủ các địa phương này. Ý thức được mối nguy hiểm, những lãnh đạo thân chính phủ Tripoli cố gắng thuyết phục các thành phố láng giềng rút lui khỏi các cuộc đụng độ, chẳng hạn như trên tuyến đường chiến lược ở mặt trận đông nam.

Tin vắn 24.04.2019


Người dân Hồng Kông tham gia đốt nến ủng hộ các thủ lãnh Cách mạng Dù vàng vừa bị xử tù, 24/04/2019.

(AFP)Cách mạng Dù vàng Hồng Kông : Các thủ lãnh bị xử nặng

Bốn thủ lãnh của phong trào dân chủ Hồng Kông hôm nay 24/04/2019 đã bị kết án tù giam, vì vai trò trong các cuộc biểu tình quy mô làm tê liệt cựu thuộc địa hồi năm 2014.

Các ông Trần Kiện Dân (Chan Kim Man), 60 tuổi, giáo sư xã hội học và Đới Diệu Đình (Benny Tai), 54 tuổi, giáo sư luật ; hai trong số những người sáng lập phong trào « Chiếm lĩnh Trung Hoàn » bị 16 tháng tù giam. Hai nhà hoạt động Hoàng Hạo Minh (Raphael Wong) và Thiệu Gia Trăn (Shiu Ka Chung) bị kết án 8 tháng, bốn người khác lãnh án treo. Đây là bản án nặng nề nhất từ trước đến nay liên quan đến cuộc « Cách mạng Dù vàng ».

lundi 22 avril 2019

ICG: Vụ khủng bố chưa từng có trong 30 năm nội chiến Sri Lanka

Cảnh sát làm việc tại hiện trường vụ nổ nhà thờ Saint Sébastien ở Negombo, Sri Lanka. Ảnh chụp ngày 22/04/2019.

Hôm nay nghỉ lễ Phục Sinh, chỉ có tờ Le Figaro ra mắt và bắt kịp thời sự,chạy tựa « Lễ Phục Sinh đẫm máu ở Sri Lanka ». Le Monde ra từ hôm trước nhấn mạnh đến hiện tượng « Tự tử trong ngành cảnh sát : Tình trạng khẩn cấp ». Libération số cuối tuần đăng ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris với mái vòm và tháp nhọn được tô màu đỏ, chơi chữ « Một công trường ‘sacré’ » - vừa có nghĩa là thiêng liêng, vừa có nghĩa là gai góc.

Le Figaro dành 4 trang báo và bài xã luận cho vụ khủng bố ở Sri Lanka. Ông Alan Keenan, giám đốc dự án Sri Lanka của tổ chức phi chính phủ International Crisis Group (ICG) nhận xét đó là « Bạo lực chưa từng có trong suốt 30 năm nội chiến » của đất nước này.

Trong thời kỳ quân chính phủ phải chống lại phe nổi dậy Hổ Tamoul (1983-2009) với bạo lực của cả hai phía, vẫn không có vụ tấn công nào làm cho nhiều người chết đến như thế. Cảnh sát đã bắt giữ một số nghi can, cho biết những kẻ khủng bố mang bom tự sát, và nếu như vậy thì có thể nghĩ đến một nhóm Hồi giáo cực đoan chưa được biết đến tại Sri Lanka, thay vì Phật giáo.

dimanche 21 avril 2019

Ngô Nhân Dụng - Vladimir ‘bin’ Putin


Một phụ tá của Dân Biểu Jerrold Nadler (Dân Chủ, New York), chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Mỹ, giữ một trang từ Bản Phúc Trình Mueller trong một cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 18 Tháng Tư, 2019, tại New York. (Hình: AP Photo/Mary Altaffer)

(NgườiViệt 19/04/2019) Bản Phúc Trình Mueller đã được công bố 90%. Trái với những ý kiến nghi ngờ có tính chất phe đảng, các chữ bị bôi đen, chiếm 10% văn bản, không nhằm che đậy các hành vi phạm pháp mà chỉ nhắm bảo vệ bí mật cho các kỹ thuật đã dùng để khám phá hành động của các gián điệp Nga. Cần giữ bí mật, vì các điệp viên của ông Vladimir Putin vẫn đang tiếp tục tấn công trong các mùa bầu cử sắp tới ở Mỹ.

Nếu từ năm 2014 đến 2016 Vladimir Putin chỉ gửi các tay khủng bố qua Mỹ cướp máy bay phá hoại một số tòa nhà thì cuộc điều tra đã giản dị hơn nhiều. Nhưng Putin có thế lực, quyền hành, và làm chủ những tài nguyên lớn hơn Osama bin Laden gấp bội. So với kế hoạch đầy tham vọng của ông tổng thống Nga, cựu sĩ quan KGB, thì âm mưu của lãnh tụ al Qaeda nhỏ, ngắn hạn và kỹ thuật sơ đẳng hơn nhiều.

Osama bin Laden định khủng bố tinh thần dân Mỹ, tuy giết được gần 3,000 người nhưng lại làm cho cả nước Mỹ đoàn kết với nhau, hãnh diện và tin tưởng hơn vào các định chế quốc gia của họ. Vladimir Putin tấn công vào chính các định chế đó.

Ấn Độ : Thẩm phán Tòa án Tối cao bị cáo buộc quấy rối tình dục

Thẩm phán Ranjan Gogoi lúc vừa nhậm chức tại Tòa án Tối cao Ấn Độ, New Delhi.

Cơ quan tư pháp cao nhất của Ấn Độ đang chao đảo kể từ hôm qua 20/04/2019. Thẩm phán chính của Tòa án Tối cáo bị một nữ trợ lý cũ tố cáo quấy rối tình dục ; nhưng ông này bác bỏ cáo buộc, tố cáo một âm mưu gây hại cho hệ thống tư pháp. Nguyên đơn đã yêu cầu mở điều tra với một ủy ban đặc biệt gồm các cựu thẩm phán của định chế.

Thông tín viên tại New Delhi, Antoine Guinard cho biết thêm chi tiết :

« Đó là một cuộc trả thù thực sự, đối với cả một gia đình – theo như người phụ nữ 35 tuổi đã tố cáo thẩm phán Ranjan Gogoi quấy rối tình dục. Trong một bản khai danh dự gởi đến Tòa án Tối cao, người trợ lý cũ của thẩm phán Gogoi khẳng định đã từ chối những cử chỉ tán tỉnh liên tục, quá lố của ông này từ tháng 10/2018. Hậu quả là hai tháng sau bà bị sa thải, nhưng câu chuyện chưa chấm dứt ở đây.

samedi 20 avril 2019

CIA khẳng định Hoa Vi được an ninh Trung Quốc tài trợ

Hoa Vi, tập đoàn Trung Quốc luôn trong tầm ngắm của tình báo Mỹ. Ảnh minh họa.

Cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA khẳng định tập đoàn Hoa Vi (Huawei) được cơ quan an ninh của Nhà nước Trung Quốc tài trợ. Báo Anh The Times hôm nay 20/04/2019 dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết như trên.

Tờ báo cho biết theo CIA, tập đoàn viễn thông Hoa Vi nhận được những khoản tiền từ Giải phóng quân Nhân dân tức quân đội Trung Quốc, từ Ủy ban An ninh Quốc gia và từ một nhánh thứ ba của mạng lưới tình báo Bắc Kinh.