lundi 4 février 2019

Ngày cuối năm cập nhật tình hình Venezuela 04.02.2019



Người dân biểu tình tại Caracas ngày 02/02/2019 phản đối chính quyền Maduro.
Các quốc gia chính thức công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời Venezuela : 

Mười chín nước châu Âu: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Litva, Estonia, Latvia, Luxembourg, Cộng hòa Sec, Ba Lan, Croatia, Bỉ, Hungary (hôm nay 04/02/2019).

Nghị viện Châu Âu đã đi trước một bước (hôm 31/1), và kêu gọi tất cả các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu có động thái tương tự.

Hoa Kỳ (ngay từ ngày 24/1, sau khi ông Juan Guaido tự xưng tổng thống lâm thời). Hôm qua Chủ nhật, tổng thống Donald Trump tái khẳng định giải pháp quân sự là « một trong những khả năng ». Hôm nay thứ Hai, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hoan nghênh các nước châu Âu đã công nhận ông Juan Guaido.

Nhiều nước châu Âu công nhận Juan Guaido là tổng thống lâm thời Venezuela



Thủ lãnh đối lập Juan Guaido trong cuộc biểu tình chống Nicolas Maduro tại Caracas ngày 02/02/2019.
(AFP, Le Monde 04/02/2019) Sáng nay 04/02/2019 Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển đã chính thức công nhận thủ lãnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời Venezuela.

Tối hậu thư 8 ngày do bảy nước châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Áo) đưa ra đã bị tổng thống Venezuela hiện tại là Nicolas Maduro bác bỏ. Trong cuộc nói chuyện với kênh truyền hình Tây Ban Nha La Sexta tối Chủ nhật 3/2, ông Maduro khẳng định « sẽ không hèn nhát trước áp lực » để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sáng thứ Hai 4/2 tuyên bố : « Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, với tư cách là nguyên thủ lâm thời, có quyền chính đáng để tổ chức bầu cử tổng thống ». Ngay sau đó trên Twitter tổng thống Emmanuel Macron xác nhận quan điểm của Pháp, công nhận ông Juan Guaido « là tổng thống chịu trách nhiệm tiến trình bầu cử ».

dimanche 3 février 2019

Venezuela, « vùng đất ân sủng » bị hiến sinh trên bàn thờ xã hội chủ nghĩa


Người dân ngoại ô Caracas bới rác kiếm sống. Ảnh chụp ngày 30/01/2019.

(Luc De Barochez, Le Point 31/01/2019) Sự phá sản của Venezuela là sự phá sản của chủ nghĩa dân túy Nhà nước. Đất nước châu Mỹ la-tinh này rất giàu tài nguyên. Venezuela chiếm đến một phần năm trữ lượng dầu lửa toàn cầu, nhiều hơn cả Ả Rập Xê Út ! Chưa kể đến vàng, bauxite, sắt, nickel…

Khi Christophe Colomb cập bến ở vịnh Maracaibo năm 1498, ông đã đặt tên cho vùng đất giàu có này là « miền đất ân sủng ». Huyền thoại thiên đường hạ giới ra đời từ đó. Chỉ mới cách đây khoảng hơn một thế hệ, nền kinh tế Venezuela mỗi năm vẫn còn sản sinh ra nguồn lực ngang bằng với Pháp.

Đất nước được Thượng đế ban hồng ân nay đã bị mục rỗng tận xương tủy. Nạn lạm phát còn kinh hoàng hơn cả nước Đức những năm 1920. Tỉ lệ lạm phát năm 2018 là 1,7 triệu %, và năm 2019 Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo lên đến 10 triệu phần trăm. Tổng sản phẩm nội địa rớt xuống còn phân nửa, thất nghiệp bùng nổ, chiếm đến một phần ba dân số. Các bệnh viện không còn phương tiện để chữa trị cho bệnh nhân, các siêu thị trống rỗng, Caracas trở thành thủ đô thế giới về các vụ giết người.

Venezuela : Pháp yêu cầu Maduro loan báo bầu cử tổng thống « từ giờ cho đến tối »



Thủ lãnh đối lập Juan Guaido trong vòng vây ngơời ủng hộ ở Caracas ngày 02/02/2019.
(Le Monde, AFP, Reuters 03/02/2119) Tối hậu thư của nhiều nước châu Âu sắp hết hạn, trong lúc căng thẳng đang tăng lên giữa những người ủng hộ và chống đối chế độ tại Caracas.

Áp lực ngoại giao lên tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro tăng lên, trong lúc đối lập có thêm những ủng hộ quan trọng từ bên ngoài, trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Chủ nhật 03/02/2019, nước Pháp thông qua bộ trưởng phụ trách châu Âu Nathalie Loiseau, lại yêu cầu ông Maduro loan báo trong cùng ngày việc tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống mới.

Nếu tổng thống Venezuela - tái đắc cử năm 2018 trong các điều kiện được đối lập cho là gian lận - không đáp ứng lời kêu gọi đưa ra hôm 26/1, Paris sẽ công nhận ông Juan Guaido, chủ tịch Quốc hội và là lãnh tụ đối lập đã tự xưng tổng thống lâm thời. Quan điểm của Pháp được Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh cùng chia sẻ, cả sáu nước đã gởi một tối hậu thư chung cho ông Maduro.

samedi 2 février 2019

Hoàng Linh - Hoa xuân bên thềm cũ



Tôi mang mấy tờ báo Xuân Tuổi Trẻ và vài phong bao lì xì đến thăm mấy cô chú bên Thủ Thiêm là người quen hơn 30 năm trước nổi tiếng về nghề huê kiểng.

Trời đất, quận 2 vắng lặng lạ thường không có chút không khí Tết nào, hoa đào hoa mai cũng chẳng thấy.

Ông chú cố cựu nói, ước gì ông còn sống đến ngày chính quyền giải quyết ổn thỏa vấn đề nhà đất, ông sẽ về lại cuộc đất cũ, dựng lại căn nhà đơn sơ như cũ. Để chậu bông mai ở bậc thềm, cặp vạn thọ ở hàng ba và nhìn ra trời đất, như thế chết cũng mãn nguyện lắm rồi.

Đây có lẽ cũng là mơ ước của chú Tám, cô Bẩy, dì Sáu và hàng ngàn người dân cố cựu ở Thủ Thiêm.Con đường từ khu tạm cư, từ những căn phòng trọ về nền đất cũ không xa nhưng đi mãi không đến được. Hai mươi năm rồi, những cuộc khiếu kiện triền miên và không có hồi kết.

Giọt nước mắt cuối năm của cụ Hoàng Nhỏ



Cha của liệt sĩ Gạc Ma Hoàng Văn Túy, cụ Hoàng Nhỏ, bật khóc khi thấy chúng tôi. Nhà vẫn chưa có dấu hiệu nào của Tết. Cụ nằm lắc võng nhè nhẹ. Người con trai, em anh Túy, đi đánh cá thuê, vừa từ Ninh Thuận về, tay không. Năm nay thất mùa. 

Cụ Hoàng Nhỏ - các báo trước đây nhầm gọi là Hoàng Dỏ - đã ngoài 90, hàng năm vẫn làm giỗ chung cho 64 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma, trong đó có con trai mình. Năm 2017, một nữ doanh nhân từ Sài Gòn ra thăm và từ đó - thông qua Nhịp Cầu Hoàng Sa - gửi tặng cụ mỗi tháng một khoản tiền. 

vendredi 1 février 2019

Lưu Trọng Văn - Nhớn nhác...



Nhìn hình các đồng chí ấy chúc Tết nhau sao cứ nhớn nhác?

Chỉ lác đác vài báo đưa tin chuyến thăm chúc Tết các lãnh đạo chính phủ và nhà nước ở Saigon và Bình Dương của ngài Mai Tiến Dũng.

Và trong số đó chỉ Dân Việt của Hội Nông dân Việt Nam là rút cái tít dành cho đồng chí X trang trọng thế này, trong khi ngài bộ trưởng thăm cả nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết.

Hoàng Nguyên Vũ - Một mức án bất nhân ngu xuẩn và một sự sỉ nhục đối với xã hội loài người!



Hôm qua, khi đọc dòng tin Lương bị kết án 42 tháng tù giam, tôi như tê cứng người lại. Ừ, thì người dưng nước lã thôi, nhưng cùng sống với em ấy trong một xã hội, tôi cảm thấy mình như bị bóp nghẹt tim lại, khi môi trường công lý đang bị rắc một thứ khí độc, vô hình và khó tả.

Tự dưng tôi nhớ đến cậu bé đói ăn cắp chiếc bánh mì bị phạt tiền, mà xã hội ta đã biến cậu bé ấy thành Giăng Van Giăng của Những người khốn khổ. Tôi nhớ đến những án oan dậy sóng dư luận, nhức nhối nhân tâm thời gian qua.

Và tự dưng tôi ớn gáy khi nghĩ về mức án của hai ông tướng trong vụ Vũ Nhôm, để mà thấy rằng, công lý thực sự đang dành cho thế lực nào. Thật khôi hài, và không ít mỉa mai, phận nghèo phận khổ trong xã hội này, bị chà đạp ngay chính cái nơi công đường, cái nơi cuối cùng xét về mặt giấy tờ là nơi phải trả lại sự công bằng cơ mà! 

Huy Đức - Vắng bóng công lý



Bác sĩ Hoàng Công Lương bị tuyên án 42 tháng tù. Ảnh Soha

Cả hai bản án đưa ra ngày cuối năm đều làm công chúng thất vọng dù được chờ đợi với thái độ rất khác nhau. Bản án 30 và 36 tháng tù cho hai "chén tướng" như để cho xong và mở đường cho một phúc thẩm án treo. Trong khi, bản án 42 tháng tù cho bác sĩ Hoàng Công Lương lại được tuyên như một lời thách thức. 

Đằng sau vụ 9 bệnh nhân tử vong ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình là các hợp đồng kinh tế. Đó là một sự cấu kết quy mô giữa các quan chức trong ngành y tế với các nhà cung cấp thiết bị, chứ không phải là hình ảnh nhỏ bé mà ta thấy của bác sĩ Hoàng Công Lương. Thay vì phanh phui những liên minh ma quỷ đằng sau, các cơ quan tố tụng lại chỉ nhắm vào những người làm chuyên môn lương thiện. Dù bác sĩ Lương có phải chịu một phần trách nhiệm, rõ ràng cũng không thể như vị trí của anh được đặt ở phiên tòa. 

Mỹ nêu cụ thể yêu sách với Bắc Triều Tiên trước thượng đỉnh Trump-Kim


Hoa Kỳ ngày 31/01/2019 nêu chi tiết những đòi hỏi trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Đó là một danh sách toàn bộ kho vũ khí của Bình Nhưỡng, và một lộ trình giải trừ hạt nhân.

Đổi lại, Washington sẵn sàng ký kết chấm dứt chiến tranh, tái lập quan hệ ngoại giao và tạo điều kiện phát triển kinh tế cho đất nước đang bị quốc tế trừng phạt, một khi tất cả đều ổn thỏa.

Hai bên đang hối hả chuẩn bị cho cuộc họp dự kiến vào cuối tháng Hai, tại địa điểm mà tổng thống Mỹ hứa sẽ tiết lộ « vào đầu tuần tới ». Ông Donald Trump nói : « Tôi nghĩ rằng đa số quý vị đều biết ở đâu ». 

Đến lượt Liên hiệp Châu Âu áp đặt quota cho thép nhập khẩu

Công nhân làm việc tại nhà máy thép ThyssenKrupp AG của Đức. Ảnh chụp ngày 28/01/2019.
Phát thanh ngày 01.02.2019

Liên hiệp Châu Âu (EU) kể từ ngày mai 02/02/2019 sẽ áp đặt quota lên thép nhập khẩu, nhằm tránh nguy cơ thị trường bị tràn ngập mặt hàng này do Hoa Kỳ ngưng nhập.

Reuters dẫn Công báo Liên hiệp Châu Âu cho biết, tất cả thép nhập khẩu đều phải chịu hạn ngạch được ấn định cho đến cuối tháng 6/2021. Quyết định này nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép châu Âu, vốn đang lo sợ sản phẩm luyện kim từ các nước không xuất được sang Hoa Kỳ, sẽ tràn sang thị trường EU.

Nghị viện châu Âu tăng tính minh bạch… thông qua bỏ phiếu kín

Một phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu, tại Strasbourg, Pháp, ngày 13/11/2018.

Các dân biểu châu Âu ngày 31/01/2019 khi sửa đổi nội quy hoạt động, đã thông qua một văn bản nhằm tăng tính minh bạch. Theo đó, các báo cáo viên hay chủ tịch ủy ban phải công khai trên mạng những cuộc hẹn gặp với các nhà vận động hành lang, liên quan đến hồ sơ đệ trình.

Nội quy hoạt động sửa đổi được thông qua trong phiên họp toàn thể tại Bruxelles với 496 phiếu thuận, 114 phiếu chống và 33 vắng mặt. Transparency International và WWF cho rằng quy định mới là « bước đầu cụ thể để bảo đảm tranh luận công bằng ». AFP cho biết hai tổ chức phi chính phủ (NGO) trên hoan nghênh biện pháp « giúp biết được tác động của vận động hành lang trên một dự luật », nhưng tiếc rằng không được bỏ phiếu công khai. 

Tin vắn 01.02.2019



(AP & Reuters & AFP) – Uganda bắt 2 người Việt buôn lậu ngà voi và vảy tê tê 

Chính quyền Uganda hôm nay 01/02/2019 thông báo đã tịch thu 750 ngà voi và hàng ngàn vảy tê tê từ Nam Sudan đưa sang. Hai người Việt bị bắt trong vụ buôn lậu thú quý lớn nhất từ trước đến nay tại Uganda, trị giá ước tính 8 triệu đô la.

Hải quan nước này cho biết ngà voi và vảy tê tê được giấu trong các thân cây bị đục rỗng sau đó hàn lại bằng sáp, chất trong ba container, có thể xuất xứ từ hai nước đang trong tình trạng hỗn loạn là Cộng hòa Dân chủ Congo và Trung Phi.

jeudi 31 janvier 2019

Việt Nam : Những người nông dân đứng lên giữ đất

Một chỉ huy cảnh sát cảm ơn dân làng Đồng Tâm đã thả các con tin ngày 22/04/2017.

Mong muốn tăng trưởng, Việt Nam dựa vào đà tiến của kỹ nghệ với việc sử dụng nhiều nhân công và phát triển địa ốc, nhưng không quan tâm mấy đến hậu quả cho môi trường và đất nông nghiệp. Điều này gây phẫn nộ cho giới nông dân.
Cưỡng chế đất : Nguồn gốc gây căng thẳng trong xã hội Việt Nam 

Tác giả Pierre Daum trên Le Monde Diplomatique dẫn ra một trường hợp độc đáo tại làng Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội hồi tháng 4/2017. Hàng trăm người dân biểu tình từ nhiều tháng chống lại việc lấy đất cho một dự án địa ốc. Họ đã dám bắt giữ 38 cảnh sát cơ động được điều đến để cưỡng chế. Thay vì dùng đến vũ lực, chính quyền Việt Nam đã gởi chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến thương lượng với những người bắt con tin. Cuối cùng dân làng đã thả các « tù nhân », đổi lấy lời hứa bồi thường thỏa đáng.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Tại Nam Ô ở miền trung vốn nổi tiếng về nước mắm, nhiều gia đình hiện đang từ chối rời bỏ nhà cửa để nhường chỗ cho dự án xây dựng một khu du lịch rất lớn. Khu vực này nuốt trọn diện tích bờ biển, khiến ngư dân không thể ra biển đánh cá cơm, nguyên liệu thiết yếu để làm món nước chấm truyền thống.

mercredi 30 janvier 2019

Cấm vận dầu lửa Venezuela : Vũ khí hạng nặng của Mỹ

Các thiết bị khoan dầu ở Cabimas, Venezuela. Ảnh chụp ngày 29/01/2019.

Venezuela, Hoa Vi, đó là hai hồ sơ chính của các báo Pháp hôm nay 30/01/2019, bên cạnh đó là việc đánh thuế GAFA. Le Figaro nhận định « Washington tìm cách bóp nghẹt Caracas » : Venezuela không còn có thể xuất khẩu dầu lửa qua khách hàng chính yếu và hầu như duy nhất, đó là Mỹ.

Cấm vận dầu lửa Venezuela : Mỹ đã tung đại pháo

Washington đã quyết định tung ra vũ khí hạng nặng để chống lại chế độ Nicolas Maduro. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin loan báo sẽ phong tỏa tất cả tài sản của tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA, và mọi khoản tiền chi trả mua dầu từ nay sẽ chuyển vào một tài khoản được đóng băng. Số tiền mua dầu trong năm nay là khoảng 11 tỉ đô la, và tài sản của PDVSA tại Hoa Kỳ khoảng 7 tỉ đô la.

Tổng thống Maduro giận dữ tuyên bố quyết định của Mỹ là « bất hợp pháp, đơn phương, vô đạo đức, đáng lên án », « lời kêu gọi thẳng thừng làm đảo chính ». Về phía ông Juan Guaido loan báo sẽ bổ nhiệm một ban giám đốc mới cho tập đoàn dầu khí để « thu hồi một ngành kỹ nghệ đang trong tình trạng thê thảm. Mục đích là nhằm tránh một khi rời quyền lực, những kẻ đã vơ vét mọi thứ ở Venezuela có thể đánh cắp những đồng bạc cuối cùng ». 

Nguyễn Quang Duy - Quyền Bày Tỏ Chính Kiến Của Trẻ Em tại Úc



Diễu hành mừng Quốc khánh Úc. Ảnh Courrier Australien.

Đối với người Úc Quốc khánh, quốc kỳ và quốc ca chỉ là biểu tượng nên thường được mang ra tranh luận. Bởi thế ngay từ khi còn rất nhỏ trẻ em Úc đã được khuyến khích công khai bày tỏ chính kiến về ba biểu tượng kể trên. Nhân Quốc Khánh Úc 26/1/2019 xin được lấy vài dẫn chứng để thấy được việc giáo dục “chính trị” tại học đường Úc.

Kêu gọi đổi ngày Quốc khánh

Trước đây ít hôm, chương trình ABC Úc cho công bố một bức thư viết tay của 1 cô bé gởi cho chính giới Úc lời văn như sau:

“Chính giới kính mến,

“Tôi nghĩ rằng Quốc Khánh nên được tổ chức vào một ngày khác, vì ngày 26/1 là ngày chúng ta đánh cắp nước Úc từ tay những người thổ dân. Đó là một ngày người thổ dân cảm thấy rất buồn và tôi không nghĩ điều đó là đúng. Nó giống như chúng ta ăn mừng vì đã giết rất nhiều rất nhiều thổ dân."

lundi 28 janvier 2019

Venezuela và sự thức tỉnh của phương Tây


Thủ lãnh đối lập Juan Guaido và vợ trong vòng vây báo chí.

(Patrick Saint-Paul, Le Figaro 28/01/2019) Nay thì dường như không gì có thể chận lại cuộc chiến đấu cho tự do của người dân Venezuela. Sau nhiều năm chia rẽ trước một chế độ tham nhũng đã đưa đất nước đến bờ vực sụp đổ, đối lập rốt cuộc đã thành công trong việc tập hợp lại sau lưng một người, đó là thủ lãnh đối lập trẻ tuổi Juan Guaido.

Nhưng tại Venezuela còn một ván cờ nữa, vượt quá khát vọng chính đáng của một dân tộc : một thế giới bị chia làm hai khối.

Cuộc khủng hoảng đã đưa thế giới chúng ta vào sâu hơn trong một cuộc chiến tranh lạnh mới. Không còn là các nước dân chủ phương Tây chống lại các chế độ cộng sản, mà là hố sâu giữa mô hình tự do và các chế độ toàn trị do những nguyên thủ độc tài lãnh đạo.

Nga lo sợ thay đổi chế độ ở Venezuela



Hai tổng thống Venezuela và Nga tại Matxcơva ngày 05/12/2018. Ảnh Maxim Shemetov
(Pierre Avril, LeFigaro 28/01/2019) Matxcơva tố cáo sự can thiệp của phương Tây vào chuyện nội bộ của Caracas, đồng minh chiến lược quan trọng duy nhất của Nga tại Nam Mỹ để chống lại ảnh hưởng của Washington.

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng hôm 21/1, Matxcơva đã tập trung sức lực vào cuộc chiến chống lại mưu toan « đảo chính ở Caracas do Washington bảo trợ », theo quan điểm của điện Kremlin về cuộc so găng giữa người được bảo trợ là Nicolas Maduro và Juan Guaido, « một người bước ra từ đường phố » - như đánh giá của chủ tịch Quốc hội Nga Viatcheslav Volodine.

Cùng với đồng minh Trung Quốc, chính quyền Nga hôm thứ Bảy 25/1 cố gắng cản trở cuộc tranh luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tố cáo « sự can thiệp » của phương Tây vào « chuyện nội bộ của Venezuela ». Theo Reuters, có ít nhất mấy chục lính đánh thuê liên quan đến công ty Wagner thân cận với Bộ Quốc phòng, trong những ngày gần đây đã bay từ La Habana đến Caracas để bảo đảm an ninh cho tổng thống Maduro.

dimanche 27 janvier 2019

Lính đánh thuê Nga sang Venezuela bảo vệ Maduro?

Một thủ lĩnh bán quân sự chuyên tuyển mộ người Nga đi đánh thuê tại Syria, chấp nhận trả lời phỏng vấn đài France 24 ngày 23/02/2018. Ảnh chụp màn hình.

Theo bản tin Reuters ngày 25/1, một số lính đánh thuê Nga đã bay sang Caracas để bảo vệ an ninh cho ông Nicolas Maduro. Thông tin này được một cựu vệ sĩ nay là người đứng đầu một nhóm cô-dắc chuyên bảo vệ yếu nhân, xác nhận với Le Monde hôm qua 26/01/2019.

Ông Evgueni Chabaiev khẳng định đã được một thành viên trong nhóm « viễn chinh » này thông báo. Cựu lính đánh thuê nói với tờ báo Pháp : « Hôm 21/1 (tức là ba ngày trước khi nhà đối lập Juan Guaido tuyên bố tổng thống lâm thời), một nhóm chuyên bảo vệ các nhân vật quan trọng mà tôi quen biết vì đã từng trợ giúp pháp lý cho họ, vừa từ Gabon trở về, đã nhận được một đơn đặt hàng khẩn cấp thuê 400 người ».

Chabaiev cho biết thêm chi tiết : « Trong đêm 22 rạng 23/1, một chuyến bay đặc biệt đã đưa họ đến Cuba. Họ không biết địa điểm lẫn thời điểm làm nhiệm vụ, nhưng một người trong nhóm gọi điện từ La Habana cho thân nhân, nói rằng sẽ đi trên một chuyến bay thương mại đến Caracas ».

Venezuela : Được quốc tế ủng hộ, Guaido gia tăng áp lực

Lãnh tụ đối lập, chủ tịch Quốc hội Venezuela, Juan Guaido phát biểu với những người ủng hộ tại Caracas ngày 26/01/2019.

Được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều nước trên thế giới, tổng thống Venezuela tự phong Juan Guaido hôm nay 27/01/2019 kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường, đồng thời đề nghị ân xá cho tất cả các quân nhân quay lưng với chế độ Nicolas Maduro.

Từ hôm qua, ông Guaido đã khởi động các cuộc tham vấn nhân dân trên toàn quốc, nhằm phổ biến đường lối của đối lập trong khi toàn bộ báo chí đã bị chính quyền Nicolas Maduro khống chế. Thông tín viên RFI Benjamin Delille đã đến quảng trường Alfredo Sadell ở Caracas, nơi thủ lãnh đối lập thu thập ý kiến về luật ân xá, tường thuật :

Trong suốt buổi sáng, các dân biểu thay nhau lên diễn đàn để giải thích về nội dung luật ân xá. Đến trưa, luật này được công chúng bỏ phiếu tượng trưng.