jeudi 9 août 2012

Trước họa xâm lăng Trung Quốc, không được xúc phạm khí phách Việt Nam!

Biểu tình chống TQ tại Hà Nội ngày 05/08/2012.
Bài đăng : Thứ năm 09 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 09 Tháng Tám 2012 
 
Như chúng tôi đã đưa tin hôm qua, ngày 06/08/2012, bảy mươi mốt nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước đã cùng ký tên trong một lá thư ngỏ bày tỏ ý kiến trước việc Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia Việt Nam, đồng thời đề nghị cải cách toàn diện về chính trị.

RFI Việt ngữ đã phỏng vấn giáo sư Tương Lai ở Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những trí thức đã tham gia ký tên về lá thư ngỏ trên đây.

RFI : Kính chào giáo sư Tương Lai. Thưa giáo sư, các nhân sĩ trí thức đã hai lần gởi kiến nghị lên Đảng và Nhà nước Việt Nam rồi, vì sao lại có thêm lá thư ngỏ lần này ?

Giáo sư Tương Lai : Như các bạn đã biết, ngày 10/7 năm ngoái chúng tôi đã có một kiến nghị gởi Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bản kiến nghị đó, chúng tôi nêu lên toàn diện các vấn đề đối nội, đối ngoại, mà trong đó đặc biệt làm nổi bật vấn đề gay gắt nhất là nguy cơ chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Trung Quốc nếu không đấu tranh quyết liệt để ngăn chận, thì họ sẽ thực hiện mưu đồ của họ.

Và thực tế sau một năm, càng ngày càng tỏ rõ những nhận định ấy là hoàn toàn chính xác. Các lực lượng hiếu chiến trong giới cầm quyền Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt và mưu toan xâm lược của họ. Rồi trong bản ý kiến của 14 trí thức ở nước ngoài cũng gởi Nhà nước Việt Nam ngày 8/9/2011 cũng đã trình bày toàn bộ nhận định của trí thức về bối cảnh quốc tế và những vấn đề đối nội, đối ngoại của Việt Nam. Những ý kiến của các trí thức ấy và kiến nghị của chúng tôi càng ngày càng được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, vì nói lên được tiếng nói thiết tha của người dân, và đặc biệt là ý chí chống xâm lược, kiên quyết đấu tranh không chịu khuất phục trước âm mưu của chủ nghĩa Đại Hán.

Trong bối cảnh sau một năm, những ngày tháng Bảy và tháng Tám vừa rồi, phải nói là những ngày nóng bỏng, khi mà Trung Quốc thực hiện những mưu toan rất trắng trợn. Họ thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, trong đó bao gồm cả vùng lãnh hải rộng lớn, và vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – những phần đất thuộc chủ quyền Việt Nam đã được pháp lý công nhận, quốc tế ủng hộ. Rồi họ định thành lập cái Bộ chỉ huy quân sự của cái gọi là thành phố Tam Sa đó. Họ dùng cái chiến thuật lấy thịt đè người, một lúc ào ạt xua 23 nghìn chiếc tàu đánh cá, trong đó chen lẫn vào những tàu hải giám và tàu quân sự nữa, tràn ngập Biển Đông. Cái món võ lấy thịt đè người xưa kia của họ, nay lại đang được thực hiện.

Chúng tôi biết Nhà nước Việt Nam cũng có những giải pháp, và cũng có một thái độ khác hơn trước, khác hơn so với năm ngoái. Nhưng mà như thế chưa đủ. Mà chưa đủ nhất là, không biết dựa vào lòng dân, không dựa vào thế mạnh của sức mạnh nhân dân, để đấu tranh chống lại âm mưu xâm lược của giới cầm quyền hiếu chiến Trung Quốc. Chưa có những tuyên bố mạnh mẽ, khiến cho quốc tế, những người có cảm tình với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam cũng lấy làm ngạc nhiên. Tại sao trước mưu toan quá trắng trợn và thế giới đều thấy như thế, thì thái độ của Việt Nam lại quá mềm mỏng đến thế ?

Thậm chí trong ngày kỷ niệm thành lập Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) 1/8 vừa rồi, thì những người lãnh đạo Việt Nam ở Bộ Quốc phòng lại ôm hôn vị đại biện lâm thời sứ quán Trung Quốc, và vẫn nói rằng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là tốt đẹp. Điều đó xúc phạm lòng tự tôn dân tộc, sự phẫn nộ của dân trước thế lực bành trướng và những hành động ngoại xâm rất rõ ràng. Việc nó chia lô gọi thầu quốc tế trên vùng biển, vùng thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam, khác nào là nó xông vào nhà mình, lấy cái sân nhà của mình nó chia lô bán ? Thế mà ta vẫn nói là quan hệ vẫn thắm thiết ! Thắm thiết cái nỗi gì ?

Trước vấn đề ứng xử như thế, chúng tôi - những người trí thức xót xa cho vận mệnh của dân tộc - chúng tôi thấy không thể ngồi yên. Cho nên một lần nữa chúng tôi nhắc lại những kiến nghị một năm trước đây của anh em trí thức nhân sĩ trong và ngoài nước, nhắc nhở những người lãnh đạo cần quan tâm đến ý kiến, nguyện vọng của dân. Dựa vào dân để biểu tỏ cái khí phách Việt Nam, trước thái độ hung hăng và ngông nghênh của giới cầm quyền hiếu chiến Trung Quốc. Trong khi mà thời cơ quốc tế có khác so với trước nhiều. Một nước nhỏ như Philippines mà họ cũng dám có thái độ đương đầu quyết liệt.

Chúng tôi nghĩ là Nhà nước cũng đang có những sự chuẩn bị, thì điều đó chúng tôi không biết. Nhưng mà những biểu hiện ra bên ngoài, trước mắt là một thái độ không thích đáng. Và cái thái độ ấy xúc phạm đến lòng tự trọng của nhân dân, nếu vẫn cho rằng cái tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn bền vững. Bền vững cái nỗi gì ? Mười sáu chữ vàng cái nỗi gì, khi miệng thì nói rất hay, nhưng việc làm của họ thì sờ sờ ra đấy !

Vậy thì trong khi chuẩn bị để đối phó, các vị làm gì chúng tôi không biết. Cái gì có thể được thì hãy công bố cho dân biết đi. Đương nhiên có những vấn đề bí mật quân sự thì làm sao mà công bố. Nhưng tất cả những gì đang hiển hiện trước mắt dân, thì dân thấy băn khoăn, cảm thấy lo lắng cho vận nước.

RFI : Nhất là khi trong lịch sử Trung Quốc cũng đã nhiều lần xâm lược Việt Nam ?

Trước đây ông cha ta trong tình thế địa chính trị rất phức tạp : ở bên cạnh một nước láng giềng khổng lồ, trứng chọi với đá, thường xuyên phải chống chọi với nạn ngoại xâm phương Bắc. Thế kỷ thứ 13, thứ 15, thứ 18, rồi thế kỷ 20 với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc do Đặng Tiểu Bình phát động. Như vậy là từ thời dựng nước đã phải chống chọi với quân Nam Hán, quân nhà Tống, rồi đến Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, vân vân và vân vân, ông cha ta có bao giờ chịu khuất phục đâu !

Thế kỷ 13 ba lần đánh tan quân Nguyên. Vì sao làm được như thế ? Vì cả nước quyết tâm dám khắc lên tay hai chữ Sát Thát. Thế kỷ 15 tại sao mười năm chiến tranh chống quân Minh, cuối cùng quét sạch mấy chục vạn quân Minh. Thế kỷ 18 quân Thanh, và thế kỷ 20, cuộc chiến tranh biên giới. Đây là một đòn rất hiểm của Đặng Tiểu Bình, khi thế lực hiếu chiến Trung Quốc vì lợi ích dân tộc hẹp hòi của mình, không muốn thấy một Việt Nam thống nhất vững mạnh, sẽ là một lực cản cho ý đồ bành trướng về phương Nam. Cho nên đã chọc ngang mảng sườn phía Nam, dùng thế lực Pôn Pốt nhưng đã bị thất bại. Việt Nam đánh tan bọn Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia ra khỏi họa diệt chủng. Điều này thì chính ông Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần ca ngợi.

Thất bại, Đặng Tiểu Bình quay sang tấn công phía Bắc, lúc mà Việt Nam sau ngần ấy năm chiến tranh, đất nước đang kiệt quệ, y nghĩ rằng có thể khuất phục được Việt Nam. Tuy nói rằng dạy cho Việt Nam một bài học, nhưng thực ra Trung Quốc thất bại một cách nặng nề trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Như vậy rõ ràng là trong lịch sử, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu cúi đầu khuất phục trước thế lực phương Bắc.

Nói rằng đấy là thời kỳ phong kiến phương Bắc, còn bây giờ là xã hội chủ nghĩa Trung Quốc ? Trong nhiều bài phân tích tôi đã nói rõ, cái gọi là chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc đó không thể là một mô hình để Việt Nam noi theo được. Và người ta cũng vạch rõ, thực chất đó là một cái chủ nghĩa tư bản man rợ mang màu sắc Trung Quốc mà thôi !

Những học giả có lương tri của Trung Quốc đã từng nói rất rõ điều này. Thế mà bây giờ dựa vào chuyện đó, vẫn cứ nói về tình hữu nghị mà không quyết liệt lên án chính sách bành trướng Đại Hán, thì đấy là sự xúc phạm đến tinh thần của dân tộc. Thứ hai là những người biểu tình, những thanh niên có ý thức đối với đất nước, thì lại đàn áp, bắt bớ. Đó là chuyện không thể chấp nhận được !

RFI : Tức là phải tỏ rõ thái độ trước Trung Quốc, và bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân, đặc biệt là quyền bày tỏ thái độ thông qua việc biểu tình phải không ạ ?

Đúng như vậy. Bởi vì khi họ làm như thế, chính là họ kế tục truyền thống thế kỷ 13 khắc hai chữ Sát Thát lên cánh tay, truyền thống thế kỷ 15 cả nước một lòng đánh tan quân Minh. Bây giờ những di tích vẫn còn đó, ngay tại thủ đô. Cánh đồng mồ, ở đấy năm vạn quân nhà Minh đã phơi thây, và Lê Thái Tổ đã ra lệnh chôn những thây ma đó, dựng bia để nói lên lòng khoan dung của Việt Nam. Gò Đống Đa thế kỷ 18 chôn mấy chục vạn quân Thanh còn ở đấy.

Cái bài học cứu nước đó, cái khí phách anh hùng đó, người Việt Nam luôn luôn ghi nhớ. Cho nên động đến lòng yêu nước, động đến tinh thần dân tộc là động đến một cái gì nhạy cảm, có sức lan tỏa rất mạnh mẽ. Vậy thì tại sao các nhà lãnh đạo không biết khơi dậy sức mạnh đó của dân, mà lại sợ những lực lượng nào là Việt Tân nọ kia lợi dụng những cuộc biểu tình, đẩy tới những mưu toan.

Đó là thần hồn nát thần tính mà thôi, chứ những người yêu nước đủ sức dập tan tất cả những ý đồ xấu. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì lòng yêu nước lại trỗi dậy, kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi khó khăn hiểm nghèo, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Tại sao bây giờ các vị lại sợ những chuyện đó nhỉ ?

Sợ là sợ có bọn xấu chui vào để lũng đoạn, biến cuộc biểu tình này thành cuộc lật đổ. Nếu như vậy là mất tự tin quá lắm rồi ! Khi chúng ta có một lực lượng công an, quân đội hùng hậu như vậy, thì việc gì mà phải sợ một cái nhóm những anh là Việt Tân hay gì đó, để mà cấm nhân dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Đó là một việc làm trái khoáy. Tại sao thế kỷ 13 vua Trần có thể tổ chức được hội nghị Diên Hồng khi sơn hà nguy biến, mà bây giờ các vị không dám làm chuyện đó ?

Vừa rồi 42 nhân sĩ trí thức, trong đó có tôi, ký tên gởi cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đứng ra tổ chức biểu tình. Chúng tôi sẽ đăng ký ngày biểu tình hẳn hoi, và đề nghị công an giúp chúng tôi tổ chức biểu tình chống xâm lược Trung Quốc. Nếu có những lực lượng nào định lợi dụng cuộc biểu tình đó để mà phá rối trật tự trị an, thì giúp chúng tôi tóm cổ họ lại, trị họ đi ! Nếu thật sự tin vào dân thì không việc gì phải sợ một nhúm người lợi dụng. Mà thực ra nói cho cùng, có khi đấy chính là sợ dân chăng ?

Các anh mất chính nghĩa, các anh không trong sáng nên các anh sợ dân chăng ? Vậy thì để chứng minh rằng, không, chúng tôi không sợ dân, Nhà nước này là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thì hãy đứng ra tổ chức biểu tình đi ! Để cho dân biểu tình phản đối thế lực xâm lược Trung Quốc. Để nói với bọn hiếu chiến Trung Quốc rằng, cái ngài chớ hòng khuất phục một dân tộc đã từng ba lần đánh tan tác quân Nguyên, nhiều lần đánh tan quân Thanh, quân Minh, quân Đặng Tiểu Bình. Thế thì tại sao không dám làm điều đó ?

Vì vậy kỳ này trong thư ngỏ, đương nhiên chúng tôi nói một cách mềm mỏng, có lý có tình, tự kiềm chế để nói cho các vị có thể nghe được, có thể chấp nhận được. Nhưng mà trong đó toát lên tấm lòng yêu nước thiết tha, và sự phẫn nộ trước bè lũ xâm lược, trước những hành động tiếp tay cho bọn xâm lược, ngăn cản nhân dân không được biểu thị lòng yêu nước. Đó chính là tinh thần của thư ngỏ.

RFI : Thưa, giáo sư có nghĩ là thư ngỏ lần này cũng sẽ bị rơi vào im lặng như những lần trước không ?

Chuyện này tôi không thể nói được vì chúng tôi không phải là các nhà lãnh đạo. Nhưng tôi nghĩ với tất cả sự kiềm chế, tất cả sự thiết tha bày tỏ ý kiến, chúng tôi đã có một thư ngỏ nói lên ý chí, nguyện vọng của chúng tôi, những người trí thức ; và chúng tôi nghĩ là đã nói lên tiếng nói của nhân dân. Bằng con đường chính thức, hợp pháp, chúng tôi gởi đến Quốc hội, Chủ tịch nước, tức là đại diện cao nhất cho một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chúng tôi gởi đến chính phủ, tức là cơ quan hành pháp, thực thi mọi đường lối, sách lược. Và chúng tôi gởi đến Bộ Chính trị, là cơ quan đầu não đưa ra những quyết sách.

Nếu các vị lãnh đạo thực sự có thiện chí, chứng tỏ mình là đại diện chân chính của dân, thì các vị chắc phải trả lời, dưới hình thức này hay hình thức khác. Còn nếu không trả lời, thì tự các vị đã xác lập cho mình một chỗ đứng là - không, chúng tôi chỉ nghe ý kiến của tôi thôi ! Còn ý kiến của các anh, chúng tôi không chấp nhận.

Thì cái gì phải đến sẽ đến. Cái giá phải trả cho việc quay lưng lại với nhân dân, nó đắt lắm ! Và tôi chắc rằng các vị lãnh đạo đủ thông minh để hiểu được rằng phải lựa chọn - trả một cái giá đắt thì không ai muốn ! Cho nên tôi tin rằng, với tất cả những thiện chí của chúng tôi, với tất cả sự kiềm chế của chúng tôi, thì các vị sẽ có hồi âm. Còn cách hồi âm như thế nào có lẽ còn tùy tình thế.

Nhưng chúng tôi thì vẫn thiết tha chờ đợi. Chúng tôi đầy thiện chí, nói lên tình cảm, ý chí và nguyện vọng của dân, không làm một cái gì thiếu minh bạch, thiếu công khai cả. Tất cả mọi vấn đề đặt ra rõ như ban ngày. Vậy thì các vị hãy trả lời cho chúng tôi những điều đã rõ ra như ban ngày đó.

RFI : Xin rất cảm ơn giáo sư Tương Lai ở Thành phố Hồ Chí Minh.

tags: Biển Đông - Biểu tình - Cải cách - Phỏng vấn - Trung Quốc - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120809-truoc-hoa-xam-lang-cua-trung-quoc-nha-nuoc-can-dua-vao-suc-manh-cua-dan-khong-duoc 
 

mercredi 8 août 2012

Nguyễn Chí Vịnh, nhà ngoại giao phải hòa giải Hà Nội và Bắc Kinh


Thứ trưởng Quốc phòng VN Nguyễn Chí Vịnh
Việt Nam đang ở tâm điểm một khu vực mà các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đang tăng cao. Chính ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam đang đảm nhận nhiệm vụ khó khăn là đòi hỏi quyền lợi cho đất nước mình, trong khi vẫn thu xếp giữ quan hệ với Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Sau đây là phác họa chân dung một tướng lãnh đã trở thành một chính khách mưu lược - theo tác giả Greg Torode. ( LND: Bài viết này do Courrier International 06/08/2012 online dịch từ South China Morning Post, TM chỉ làm công việc chuyển ngữ).

Trong số những người thân cận với ông Nguyễn Chí Vịnh, một số xem ông là một chiến lược gia khôn khéo nhất. Điều này không phải đơn giản, trong một Việt Nam vốn không thiếu các nhà chiến lược khôn ngoan. Dù sao thì chính ở lãnh vực quan hệ quốc tế mà tướng Vịnh tiến hành các cuộc chiến: ông phải đối đầu với các lực lượng luôn thay đổi, tại một khu vực phải thường xuyên thích ứng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Tướng Vịnh ra khỏi bóng tối sau nhiều năm làm việc trong ngành tình báo quân đội, nơi ông đã phát triển một chính sách ngoại giao quân sự - một điều mới mẻ ở một định chế có truyền thống bí mật. Mục tiêu này có nghĩa, trong khi vẫn duy trì các yêu sách về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông – nơi mà xung đột sẽ còn trầm trọng hơn (nhiều nước trong khu vực cùng tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giàu tiềm năng dầu khí) – Hà Nội phải cố gắng cải thiện các mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như các cường quốc khác. Ông Vịnh bền bỉ tiếp xúc với hàng chục nhân vật lãnh đạo quân sự trong khu vực và các nhà ngoại giao nước ngoài.

Tuy Trung Quốc và Việt Nam đều quan tâm đến việc tăng cường hợp tác, một cuộc chiến ngôn từ dữ dội đã diễn ra, liên quan đến lợi ích trái ngược của hai nước tại Biển Đông. Chủ nghĩa quốc tế của Việt Nam tỏ ra ngày càng phức tạp. Ông Vịnh đối mặt với hiện tượng này một cách tinh tế. Chuyến viếng thăm hồi đầu tháng Sáu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta bắt đầu bằng việc thăm lại vịnh Cam Ranh, là một chuyến đi mang tính lịch sử. Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa ở miền Trung, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, từng có căn cứ quân sự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Dưới mắt ông Vịnh, chuyến công du của ông Panetta nằm trong chính sách cải thiện quan hệ giữa hai kẻ cựu thù, tiến từng bước một cách thận trọng. Hai nước đã ký kết một hiệp định hợp tác quân sự vào năm 2011.

Cho dù có nhiều căng thẳng trong những năm gần đây, nhưng vị Thứ trưởng Quốc phòng có vẻ nghiêng về phía siết chặt quan hệ quân sự Việt – Trung. Ông thổ lộ : « Hai nước đều ý thức là việc củng cố quan hệ quốc phòng giúp tránh đối đầu và xung đột ». Tuy vậy sau đó ông tái khẳng định « ý chí kiên quyết » bảo vệ chủ quyền Việt Nam, trong mục đích thiết lập một mối « quan hệ bình đẳng ». Trong những dịp khác, ông Vịnh tỏ vẻ chống đối hơn : cách đây hai năm, ông đã tuyên bố rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tự vệ. Nhân một hội nghị ở Singapore năm 2011, ông đã cảnh báo trong trường hợp một trong số các đối tác leo thang thì Việt Nam « sẽ không khoanh tay đứng nhìn ».

Một vẻ ngoài trầm tĩnh

Đương nhiên là các nhà ngoại giao trong khu vực và nhà phân tích quân sự quan sát kỹ lưỡng các hành động của ông Vịnh nhằm xác định xem ông đứng về phe nào. Ông nghiêng về phía Trung Quốc nhiều hơn là Hoa Kỳ ? Khuôn mặt ông không biểu lộ gì cả. Cái nhìn chăm chú, cách diễn tả hơi đượm buồn, ông phát biểu một cách cụ thể và cẩn thận trong ngôn từ. Ông khéo léo trả lời tất cả các câu hỏi gai góc bằng sự im lặng và những cái gật, lắc nhẹ. Những điếu thuốc đốt liên tục khiến cho có thể đoán được sự căng thẳng ẩn giấu đằng sau cái vẻ trầm tĩnh bề ngoài ấy. Người ta cũng biết được rằng ông Vịnh thích các cuộc nói chuyện kéo dài xung quanh ly rượu whisky để thư giãn.

Theo một nhà ngoại giao nước ngoài, thì ông Vịnh có vẻ là một nhà tư tưởng lớn, hơn là một lãnh đạo cộng sản khó chịu. Ông sẵn sàng lật lại vấn đề trước các ý kiến nhận được, thích tính lô-gic hơn là giáo điều. Là người mưu lược, ông có thể tỏ ra thông minh, khôn khéo và biết thích ứng, trong khi vẫn không nhượng bộ bao nhiêu. Nhà ngoại giao trên ghi nhận : « Ông ta tạo ấn tượng là một người quyết đoán và chuyên nghiệp, luôn tìm cách thúc đẩy bảo vệ quyền lợi của Việt Nam ».

Màn bí mật bao trùm quanh ông Vịnh, một phần là từ Lịch sử. Năm nay 55 tuổi, ông vẫn được xem là thành phần cố cựu nhờ người cha là đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã quá cố. Đây là vị tướng đứng thứ hai ở Việt Nam, sau nhà chỉ huy quân sự đã thành lập quân đội Việt Nam là đại tướng Võ Nguyên Giáp (người chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ năm 1954, đánh dấu sự thất bại của Pháp). Là người đứng đầu lực lượng cộng sản - tại miền Nam Việt Nam được Mỹ hỗ trợ - tướng Thanh không ngừng tranh đấu cho một cuộc chiến tranh chống Mỹ tổng lực.

Những đồn đoán về tướng Vịnh chủ yếu dựa trên những năm ông làm việc trong ngành tình báo quân đội, đặc biệt là tại Tổng cục 2. Cơ quan đáng gờm này là xuất xứ của nhiều cuộc đấu tranh tương tàn trong một bộ máy chính trị khép kín (đặc biệt khiến người ta nói đến nhiều vào cuối thập niên 90, khi một nhân vật cao cấp trong Đảng Cộng sản, từng phụ trách đảng ủy quân đội đã sử dụng để chống lại các lãnh đạo khác). Tuy ông Vịnh không còn là Tổng cục trưởng, nhưng điều làm cho một số người đặt ra câu hỏi về vai vế của ông hiện nay, là việc ông đường đường trở thành ủy viên trung ương vào năm ngoái. Sự thăng tiến này có vẻ đã chính thức hóa ảnh hưởng của ông Vịnh, và mở ra cánh cửa cho những chức vụ quan trọng hơn. Một nhà ngoại giao nước ngoài khẳng định : « Ông ấy ra khỏi bóng tối để đóng một vai trò trong đời sống chính trị. Việc ông mong muốn có những chức vụ cao hơn là điều quan trọng, về lâu dài có thể làm giảm bớt những lo ngại của những người không ưa ông ta ».

Nhân sĩ trí thức Việt Nam lại kiến nghị về Biển Đông và dân chủ

Bài đăng : Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 
 
Trong lá thư ngỏ đề ngày 06/08/2012, các nhân sĩ trí thức năm ngoái đã hai lần gởi kiến nghị lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam về tình hình đất nước, nay lại bày tỏ ý kiến trước việc Trung Quốc xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia Việt Nam, đồng thời đề nghị cải cách toàn diện về chính trị.

Bảy mươi mốt người ký tên trong thư ngỏ là các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng trong và ngoài nước như : giáo sư Tương Lai, các tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyễn Quang A, luật gia Lê Hiếu Đằng, chuyên gia Vũ Quang Việt ở Hoa Kỳ… Các nhà trí thức này đã từng gởi kiến nghị ngày 10/07/2011 về « Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay », và ngày 08/09/2011 về việc « Cải cách toàn diện để phát triển đất nước ».

Hai bản kiến nghị trước đều có chung nhận định là Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ bá quyền, làm Việt Nam phải khuất phục. Thư ngỏ lần này nhận xét rằng trong một năm qua Trung Quốc đã tiến thêm những bước mới xâm phạm trắng trợn chủ quyền quốc gia Việt Nam. Từ việc ngang nhiên lập đơn vị hành chính có quân đồn trú tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mời thầu tại 9 lô dầu khí thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cho đến việc ồ ạt đưa hàng đoàn tàu đánh cá và tàu bán quân sự xâm phạm Trường Sa, kể cả đe dọa gây chiến.

Các nhân sĩ hoan nghênh Luật Biển vừa được Quốc hội thông qua, và đề nghị Nhà nước công bố trước dư luận trong nước và thế giới thực trạng quan hệ Việt – Trung. Nhân dịp này Nhà nước cần giải thích về thực chất của công hàm Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông để dư luận biết rõ sự thật, bên cạnh đó tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu lịch sử và pháp lý về chủ quyền biển đảo. Trước các thủ đoạn bành trướng của Trung Quốc, cần tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế và sáng suốt lựa chọn các đối tác chiến lược.

Phần thứ hai trong thư ngỏ đề nghị Nhà nước cải cách sâu sắc, toàn diện về chính trị, đặc biệt là việc sửa đổi Hiến pháp. Trong việc bảo đảm các quyền hiến định về tự do, dân chủ, các nhà trí thức đã nhấn mạnh đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền lập hội, quyền tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa. Thư ngỏ đề nghị chấm dứt các hành động trấn áp người dân biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.

Cuối cùng các nhân sĩ ký tên trong thư bày tỏ mong mỏi các nhà lãnh đạo đất nước đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, trong tình thế hiểm nghèo hiện nay.

Trả lời RFI Việt ngữ, giáo sư Tương Lai, một trong số những trí thức ký tên vào thư ngỏ đã nhấn mạnh :


Giáo sư Tương Lai - Việt Nam
 
08/08/2012
by Thụy My
 
 
« Ở trong vị thế địa chiến lược « trứng chọi với đá » - Việt Nam ở bên cạnh một nước láng giềng quá lớn, mà giới cầm quyền của nước láng giềng ấy luôn nuôi dưỡng cái mộng bành trướng về phương Nam. Ông cha ta biết rất rõ điều đó, nên luôn luôn có kế sách mềm dẻo ngoại giao để có quan hệ hữu nghị, tránh những cuộc chiến tranh xâm lược. 

Nhưng mềm dẻo được là vì có ý chí mãnh liệt làm hậu thuẫn. Không có cái ý chí mãnh liệt đó thì không có ngoại giao mềm dẻo. Đối với kẻ thù, không có một chút mơ hồ ảo tưởng nào cả, và chính nhờ không mơ hồ mà ông cha ta mới giữ được nước cho đến bây giờ. 

Và thời kỳ ông cha ta giữ nước đó thì làm gì có bối cảnh quốc tế hỗ trợ như Việt Nam hiện nay. Bối cảnh hiện giờ thuận lợi gấp vạn lần. Việt Nam phải biết tranh thủ thuận lợi đó. Phải lôi kéo về mình những lực lượng có thể giúp mình chống lại Trung Quốc, để thoát ra khỏi cái vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Cho nên trong thư ngỏ chúng tôi nói là « sáng suốt lựa chọn các đối tác chiến lược, vì lợi ích của dân tộc và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ». Vì dân tộc này ở trong cái thế trứng chọi đá, thì phải có khí phách. Khí phách có cứng mới đứng đầu gió !

Bây giờ sự hỗ trợ của quốc tế là rất rõ ràng, thì vấn đề làm làm sao biết tranh thủ lấy nó. Vượt qua cái lợi ích phe nhóm, vượt qua cái lợi ích cá nhân, muốn đổ bê-tông cho chiếc ghế của mình. Làm được chuyện đó, đặt được lợi ích của Tổ quốc lên trước lợi ích của cá nhân mình thì sẽ tìm ra đối sách, sẽ tìm ra được sức mạnh ». 

tags: Biển Đông - Cải cách - Chính trị - Dân chủ - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120808-nhan-si-tri-thuc-viet-nam-lai-kien-nghi-ve-bien-dong-va-dan-chu 
 

Bắc Triều Tiên thiếu ăn, nhưng đệ nhất phu nhân xài hàng hiệu

Đệ nhất phu nhân BTT với chiếc ví được cho là hiệu Dior.
Bài đăng : Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 
 
AFP hôm nay 08/08/2012 cho biết, các phương tiện truyền thông nhà nước Bắc Triều Tiên đã công bố hình ảnh vợ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un với chiếc ví cầm tay có nhãn hiệu Christian Dior. Đệ nhất phu nhân xài hàng hiệu sang trọng trong lúc đất nước đang thiếu lương thực trầm trọng. 
 
Trên tấm ảnh không đề ngày này, bà Ri Sol Ju, mặc áo khoác ngắn màu đen bên ngoài chiếc váy trắng, ngồi bên cạnh chồng trong dịp Kim Jong Un đi thị sát một đơn vị quân đội, phía sau là các sĩ quan cao cấp.
 
Chiếc túi xách tay màu đen đặt cạnh bà trên ghế, rõ ràng là mang kiểu dáng hiệu Christian Dior nổi tiếng của Pháp. Không biết đây là hàng chính gốc hay hàng nhái, nhưng chiếc ví bằng da may chần xinh đẹp có chiếc khóa bạc với chữ D quen thuộc của hiệu Dior.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên vốn nghèo hơn người anh em tư bản Hàn Quốc gấp 20 lần, hiện đang thiếu thốn mọi thứ. Kinh tế và nông nghiệp Bắc Triều Tiên đang kiệt quệ sau nhiều thập kỷ quản lý tồi tệ và dành mọi nguồn lực cho chương trình nguyên tử, và từ giữa cuối thập niên 90 đã bị nạn đói nghiêm trọng. Theo các tổ chức phi chính phủ, hàng triệu người đã bị chết đói.

Liên Hiệp Quốc vào cuối năm ngoái đã ước lượng có khoảng 3 trên 24 triệu người dân Bắc Triều Tiên cần được cứu trợ lương thực trong năm nay, và nạn hạn hán đang làm cho tình thế thêm trầm trọng. Vừa rồi nhân chuyến công du Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Kim Yong Nam, Hà Nội loan báo sẽ viện trợ 5 ngàn tấn gạo cho Bình Nhưỡng.

Xin nhắc lại, hồi cuối tháng Bảy Bình Nhưỡng đã xác nhận người phụ nữ bí ẩn xuất hiện bên cạnh Kim Jong Un là vợ của lãnh tụ trẻ tuổi. Đây là một điều lạ vì xưa nay Bắc Triều Tiên luôn giữ bí mật mọi thứ, đặc biệt là đời tư của các lãnh đạo.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120808-bac-trieu-tien-thieu-an-nhung-de-nhat-phu-nhan-xai-tui-xach-hieu-dior 
 

Hàn Quốc nắng nóng : Hơn 830.000 gia cầm chết

Bài đăng : Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 
 
Đợt nắng nóng kéo dài tại Hàn Quốc đã gây thiệt hại cho người cũng như vật nuôi, với hơn 830.000 gia cầm bị chết. Hãng tin AFP hôm nay 08/08/2012 trích báo cáo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết như trên.

Theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, có trên 787 ngàn con gà, gần 41 ngàn con vịt, 3 ngàn chim cút, 336 con heo và năm con bò đã bị chết vì nắng nóng kể từ ngày 20/7, khi thời tiết bắt đầu lên đến trên 33°C trên hầu hết các khu vực.

Tiết trời nóng bức cũng đã làm cho bảy người chết trong tháng Sáu và tháng Bảy, đa số là người lớn tuổi phải làm việc ngoài đồng hay trong các nhà kính trồng cây.

Nhiệt độ ở mức trên 35°C trong suốt 12 ngày trên hầu như toàn quốc khiến cho các loài hoa nở rộ, các loại tảo sinh sôi mạnh trên sông ngòi. Số lượng quạt máy và máy lạnh bán ra tăng vọt. Hôm thứ Hai 6/8 công ty điện lực nhà nước đã cảnh báo là nguồn điện dự trữ hiện đã xuống đến mức báo động, lượng tiêu thụ đạt kỷ lục và kêu gọi người dân tắt bớt các thiết bị điện.

Cơ quan khí tượng cho biết, bắt đầu từ thứ Sáu tới nắng nóng sẽ giảm bớt, nhiệt độ vào buổi trưa sẽ xuống còn khoảng 30°C như thường lệ trong tháng Tám.

tags: Châu Á - Hàn Quốc - Theo dòng thời sự - Thiên tai
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120808-nang-nong-tai-han-quoc-hon-830-ngan-gia-cam-chet
 

Chính quyền Syria khẳng định kiểm soát được khu vực nổi dậy ở Alep

Một đường phố hoang vắng ở Salaheddine sau các cuộc đụng độ hôm nay 08/08/12.
Bài đăng : Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 
 
Hôm nay 08/08/2012 quân chính phủ Syria khẳng định đã kiếm soát toàn bộ khu phố nổi dậy Salaheddine ở Alep sau một trận đánh quy mô, tuy nhiên phe nổi dậy cho biết họ vẫn hiện diện tại đây. Tổng thống Bachar Al Assad tuyên bố quyết tâm « quét sạch bọn khủng bố » trên đất nước Syria.

Hãng tin chính thức Syria khẳng định quân chính phủ đã « kiểm soát được toàn bộ khu Salaheddine, gây thiệt hại nặng nề cho các nhóm khủng bố với số lượng chết và bị thương rất lớn ». Ngược lại, một đại tá bỏ ngũ theo phe nổi dậy nói « có sự tấn công thô bạo vào khu này, những nói rằng chế độ kiểm soát hoàn toàn Salaheddine là sai ». 

Một nguồn tin an ninh ở Damas cho AFP biết đến đầu giờ chiều nay, quân chính phủ đã kiểm soát được hai phần ba Salaheddine, nắm giữ các trục chính. Từ sáng sớm, quân đội với nhiều xe bọc sắt đã tiến vào đây, bắt đầu mở ra cuộc chiến Alep, thành phố lớn thứ hai của Syria. Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH) nhận định đây là một trong những trận đánh khốc liệt nhất từ trước đến nay.

Chế độ Damas đã điều động 20.000 quân cho trận đánh quyết định tại Alep. Amnesty International tố cáo các cuộc pháo kích thô bạo trong những ngày gần đây, thông qua các ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy trên 600 hố pháo do đạn đại bác bắn vào Alep và thành phố Anadane kế cận. Hôm nay có ít nhất 16 người đã thiệt mạng tại Alep, còn chỉ riêng hôm qua đã có 225 người bị chết ở Syria.

Cuộc phản công của quân chính phủ Syria tiến hành sau khi Tổng thống Bachar Al Assad hứa hẹn sẽ « quét sạch bọn khủng bố ». Ông Assad tuyên bố như trên trong lần đầu tiên xuất hiện trở lại trên truyền hình Syria kể từ ngày 22/7, nhân dịp đón tiếp phái viên Said Jalili của giáo chủ Iran, Ali Khamenei. Phái viên Jalili khẳng định « Iran không bao giờ cho phép phá hủy trục kháng cự trong đó Syria là cột trụ chính ».

Teheran, đồng minh trung thành của Damas tổ chức một cuộc gặp gỡ với khoảng hơn chục nước « có quan điểm thực tế » về Syria vào ngày mai. Nhưng nước láng giềng Liban cũng như ông Kofi Annan, đặc sứ của Liên Hiệp Quốc về Syria đã từ nhiệm, cho biết không có ý định tham gia. Riêng về số 48 người Iran bị phe nổi dậy bắt vào thứ Bảy 4/8 bị cáo buộc là Vệ binh Cách mạng, lực lượng tinh nhuệ của Iran, thì Teheran nói đó chỉ là những người đi hành hương, tuy nhìn nhận một số là « Vệ binh Cộng hòa đã về hưu ».

Chiều nay phe nổi dậy cho biết đã tái chiếm được một phần các vị trí đã mất, sau khi được 700 chiến binh từ các mặt trận khác đến tăng cường.

tags: Bạo động - Quốc tế - Syria
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120808-quan-chinh-phu-syria-khang-dinh-dang-kiem-soat-khu-vuc-noi-day-o-alep 
 

Quân nhân thứ 88 của Pháp tử trận tại Afghanistan

Một xe buýt bị trúng bom khủng bố ở Kaboul.
Bài đăng : Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 08 Tháng Tám 2012 
 
Hôm qua 07/08/2012 một hạ sĩ quan Pháp đã tử trận và một quân nhân Pháp khác bị thương tại Afghanistan, trong lúc Paris đang chuẩn bị rút toàn bộ lực lượng khỏi nước này. Như vậy, đã có tất cả 88 quân nhân Pháp thiệt mạng kể từ khi bắt đầu tham gia lực lượng NATO can thiệp vào Afghanistan cuối năm 2001, tức là cách đây hơn 10 năm.

Thượng sĩ Franck Bouzet, 45 tuổi, đã hy sinh tại tỉnh Kapisa, nơi mà Pháp đã chính thức giao lại trách nhiệm cho chính quyền Afghanistan từ đầu tháng Bảy, nhưng quân Pháp vẫn còn đóng tại đây. Còn y tá Olivier de Vergnette de Lamotte thuộc đơn vị quân y bị thương nặng.

Tổng thống François Hollande và Thủ tướng Jean-Marc Ayrault đã bày tỏ sự xúc động mạnh mẽ trước cái chết của người hạ sĩ quan Pháp. Điện Elysée cho biết quân nhân bị thiệt mạng « thuộc ê-kíp tư vấn cho các đơn vị Afghanistan », và nhấn mạnh « sự kiện bi thảm này không ảnh hưởng đến lực lượng Pháp tham gia vào công cuộc bảo vệ tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Afghanistan ».

Cũng trong hôm qua đã xảy ra hai vụ tấn công khủng bố khác nhắm vào một căn cứ của NATO gần Kaboul, làm 8 thường dân chết và khoảng 15 người khác bị thương.

Ông François Hollande đã đề ra lịch trình rút lực lượng chiến đấu của Pháp gồm khoảng 2.000 quân khỏi Afghanistan trước thời hạn dự kiến. Trong số gần 4.000 quân nhân hiện diện tại đây từ giữa năm 2011, sẽ chỉ còn khoảng 1.400 người ở lại trong năm 2013 để chuyển giao trang thiết bị và huấn luyện cho quân đội Afghanistan.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120808-quan-nhan-thu-88-cua-phap-tu-tran-tai-afghanistan
 

lundi 6 août 2012

Sri Lanka bắt hai tàu cá Trung Quốc, giữ 37 ngư dân

Đảo Batticaloa của Sri Lanka
Bài đăng : Thứ hai 06 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 06 Tháng Tám 2012 
 
Hãng tin Pháp AFP cho biết Hải quân Sri Lanka hôm nay 06/08/2012 đã bắt giữ hai tàu đánh cá Trung Quốc và 39 thuyền viên trên chiếc tàu này, vì đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển của Sri Lanka. Còn Reuters dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã nói rằng, Bắc Kinh hôm nay lên tiếng yêu cầu trả tự do cho các ngư dân Trung Quốc bị bắt.

AFP trích phát biểu của phát ngôn viên Hải quân Sri Lanka, ông Kosala Warnakulasuriya cho biết hai tàu đánh cá trên với 37 ngư dân Trung Quốc và hai thủy thủ người Sri Lanka, đã bị áp tải về cảng Trincomalee. Những người này sẽ được giao cho cảnh sát địa phương để điều tra thêm.

Hãng tin Reuters nói thêm, các ngư dân này bị bắt vì đã đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Sri Lanka. Hai chiếc tàu cá này đã bị Hải quân Sri Lanka phát hiện ngoài khơi đảo Batticaloa, ở bờ đông của đảo này vào tối Chủ nhật 5/8 và đã tiến hành khám xét.

Phát ngôn viên Hải quân Sri Lanka nói rằng hai tàu cá Trung Quốc hoạt động rất gần bờ biển, trong khi họ chỉ được phép đánh cá ở vùng nước sâu, theo như một hợp đồng ký với Ủy ban Hợp tác Đầu tư Sri Lanka.

Ủy ban này đã duyệt cho nhiều công ty nước ngoài đánh cá tại vùng biển sâu của Sri Lanka, làm tăng căng thẳng với ngư dân địa phương vốn thường xuyên tố cáo các tàu nước ngoài xâm lấn ngư trường. Hồi tháng 3/2003, lực lượng ly khai Hổ Tamil đã nổ súng vào hai tàu đánh cá Trung Quốc, giết chết ít nhất 14 ngư dân và làm bị thương 9 thuyền viên khác. Lực lượng nổi dậy lên án tàu Trung Quốc đánh bắt trộm hải sản.

Trung Quốc đã cho chính phủ Sri Lanka vay nhiều trăm triệu đô la để xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên điều này không ngăn trở Hải quân Sri Lanka bắt giữ tàu cá Trung Quốc khi xâm lấn vùng biển nước mình.

tags: Châu Á - Lãnh hải - Sri Lanka - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120806-sri-lanka-bat-hai-tau-ca-trung-quoc-giu-37-ngu-dan 
 

Quốc hội Philippines sẽ biểu quyết luật kế hoạch hóa gia đình

Các nữ tu Philippines quan sát thái độ của các dân biểu về dự luật.
Bài đăng : Thứ hai 06 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 06 Tháng Tám 2012 
 
Các nhà lập pháp Philippines hôm nay 06/08/2012 cho biết sẽ chấm dứt các tranh luận căng thẳng xung quanh dự luật kế hoạch hóa gia đình, sau khi Tổng thống Benigno Aquino thúc giục cần nhanh chóng thông qua.

Dân biểu Edcel Lagman, người đã đề xuất dự luật nói rằng Tổng thống Aquino đã gặp các nhân vật chủ chốt của Hạ viện, bày tỏ mong muốn dự luật trên sẽ được ủng hộ. Tổng thống tin rằng đại đa số trong 285 dân biểu sẽ đồng ý chấm dứt các cuộc tranh cãi gây chia rẽ, trong quốc gia 100 triệu dân mà người công giáo chiếm đa số. Phát ngôn viên Tổng thống, Edwin Lacierda đã xác nhận thông tin trên.

Dự luật kế hoạch hóa gia đình buộc chính phủ phải cung cấp miễn phí các phương tiện tránh thai và đưa giáo dục giới tính vào nhà trường. Giáo hội công giáo vốn có ảnh hưởng chính trị rất lớn tại Philippines, đã bài bác dự luật này.

Dân biểu Lagman cho AFP biết, Hạ viện đã đồng ý chấm dứt thảo luận vào tối nay, và đây là bước quan trọng để tiến hành biểu quyết về đạo luật. Thủ tục kế tiếp là bàn về các sửa đổi cần thiết để có thể thông qua dự luật. Để luật có hiệu lực, cần phải được Thượng viện phê chuẩn, nhưng một số nghị sĩ tiếng nói quan trọng đã thẳng thừng cho biết là sẽ bác bỏ.

Hôm thứ Bảy 4/8, hàng ngàn người dưới ảnh hưởng của Giáo hội đã xuống đường kêu gọi Hạ viện bác dự luật. Ngược lại hôm nay trên 100 nhà hoạt động ủng hộ luật kế hoạch hóa gia đình đã tuần hành một cách hòa bình bên ngoài Hạ viện, đề nghị nhanh chóng thông qua.

Trong quá khứ, những người phản đối đã từng dùng các biện pháp tranh cãi và phát biểu dài dòng để trì hoãn dự luật. Các nhóm hoạt động phụ nữ cũng như Liên Hiệp Quốc đã thúc giục thông qua đạo luật, cho rằng luật này sẽ giúp giảm tỉ lệ sản phụ tử vong tại Philippines, hiện thuộc loại cao nhất trong khu vực.

tags: Châu Á - Pháp luật - Philippines - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120806-quoc-hoi-philippines-se-nhanh-chong-bieu-quyet-luat-ke-hoach-hoa-gia-dinh 
 

dimanche 5 août 2012

Syria : Khi phát thanh viên đài nhà nước trở thành nhà ly khai

Những hình ảnh này dĩ nhiên không bao giờ thấy trên truyền hình nhà nước Syria.

LND : Nhân xem clip của đài truyền hình Hà Nội ngày 5/8, thấy có đôi nét « quen quen » về từ ngữ chỉ phong trào biểu tình yêu nước - trong một bài báo của Le Monde nói về một nhà báo nữ của đài phát thanh nhà nước Syria bỏ sang phe đối lập, nên xin dịch tạm ở đây.

(Le Monde 05/08/2012) Olas Abbas đã quay mặt với cuộc sống cũ chỉ bằng một cú nhấp chuột. Khi clic nhẹ lên chuột máy tính, người nữ xướng ngôn viên đài phát thanh nhà nước Syria đã đứng sang hàng ngũ những người đối lập với Tổng thống Bachar Al Assad.

samedi 4 août 2012

Bốn mươi hai nhân sĩ Việt Nam thể hiện quyết tâm chống Trung Quốc xâm lược


Biểu tình phản đối TQ tại Hà Nội ngày 22/07/2012.
Bài đăng : Thứ bảy 04 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 04 Tháng Tám 2012 
 
Vừa qua, 42 công dân đã cùng ký tên trong một bức thư gởi Thành ủy, Ủy ban Nhân dân và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục gây hấn, mưu toan xâm chiếm vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.

Lá thư đề nghị trong trường hợp các đoàn thể chính thức không đứng ra tổ chức, thì các công dân của thành phố sẽ thực hiện quyền biểu tình đã có ghi trong Hiến pháp. Bốn mươi hai công dân này cho biết sẽ công khai ngày giờ, địa điểm biểu tình, và đề nghị bố trí lực lượng chức năng giữ trật tự an ninh cho đoàn tuần hành.

Những người ký tên trong lá thư là những trí thức tên tuổi, nhà văn nhà báo, nhất là những khuôn mặt trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975, từng giữ nhiều cương vị trong bộ máy nhà nước. Có thể kể giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, luật gia Lê Hiếu Đằng, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, nhà thơ Đỗ Trung Quân…

Chúng tôi đã liên lạc với luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu diễn tiến của sự việc.

RFI : Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng. Thưa ông, lá thư vừa rồi đã có được những phản hồi nào chưa ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng
 
04/08/2012
 
 
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Sau khi chúng tôi gởi cho Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban nhân dân, Hội đồng Nhân dân thư đề nghị tổ chức biểu tình để chống lại những hành động khiêu khích, xâm lấn, muốn độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thì về phía nhân dân cả nước và nhân sĩ trí thức đã ủng hộ rất nhiều. Trên trang mạng bauxite cũng như các trang mạng khác – anhbasam chẳng hạn, thì những comment ủng hộ chúng tôi rất nhiều. Chúng tôi rất cảm kích và trân trọng những ủng hộ đó.

Có những người đề nghị cho họ ký tên ủng hộ, nhưng do đây chỉ là văn bản đề nghị thôi, thành ra không nhất thiết phải nhiều người. Vì vậy mà chúng tôi đề nghị các tầng lớp nhân dân thành phố cũng như cả nước dành tất cả nghị lực và sức lực của mình cho những cuộc biểu tình nếu có trong thời gian tới.

Trong trường hợp Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố không có chủ trương này thì chúng tôi sẽ thông báo cho đồng bào rõ ngày giờ và địa điểm tổ chức cuộc biểu tình, để biểu thị ý chí của người dân thành phố đối với sự ngang ngược xâm lấn trắng trợn của Trung Quốc, gây thiệt hại rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam, người dân Việt Nam, cũng như đe dọa toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Và gần đây nhất lòng dân càng sôi sục khi Trung Quốc lại xua 23.000 tàu cá – không loại trừ là các tàu cá đó có vũ trang – xuống vùng biển Hoàng Sa và các vùng biển khác ở Biển Đông. Thì rõ ràng đấy là một hành động khiêu khích, gây hấn hết sức nghiêm trọng.

Chúng tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại đề nghị phải biểu tình ngay. Nhưng chúng tôi thấy rằng cũng phải tôn trọng thời gian luật định, để xem thử Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân có trả lời về vấn đề này hay không. Nếu quá thời gian luật định mà không trả lời thì chúng tôi sẽ thực hiện quyền công dân của mình, như trong văn bản đã nói, sẽ tổ chức cuộc biểu tình nói trên, để chống hành động bành trướng xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

RFI : Phản ứng của chính quyền TPHCM ra sao ?

Thay vì nghiên cứu văn bản đó một cách nghiêm túc, không hiểu vì lý do gì lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh lại chỉ đạo cho các cơ sở Đảng và chính quyền, công an đến gặp nhiều người trong số 42 công dân đã ký tên vào văn bản đó. Nội dung gặp có tính cách truy bức, có thể làm lo sợ.

Vấn đề thứ nhất họ đặt ra là ai đưa ký, thứ hai là ai soạn văn bản này, và thứ ba là đề nghị rút tên. Họ còn hỏi có phải chữ ký đó là của anh, chị không hay là giả mạo. Thì tất cả các anh chị được hỏi, tuy là không phối hợp với nhau, đều trả lời hết sức nhất quán.

Bởi vì đây toàn là những nhà trí thức, nhân sĩ, những người đã thông qua phong trào đấu tranh đô thị trước đây, rồi những người đã từng giữ cương vị trong bộ máy Đảng và Nhà nước, các nhà văn, nhà báo. Tức là những người có đủ trình độ để khi đặt bút ký xuống họ có suy nghĩ, chịu trách nhiệm về chữ ký của mình. Thành ra việc đặt câu hỏi đó là ngây thơ.

Buồn cười là những người được phân công đến gặp trực tiếp các vị ấy, thì chẳng nói được gì, chỉ hỏi vớ vẩn vậy thôi, nhưng bị những người đã ký tên có thể nói là tấn công dồn dập. Họ nói biểu tình chống Trung Quốc là yêu nước, nói rằng sai là không đúng, và không khi nào rút tên. Nếu nói biểu tình chống Trung Quốc là sai thì còn gì đất nước này nữa, trước đe dọa của Trung Quốc ! Thậm chí có nhiều đảng viên nói, nếu ký tên là vi phạm 19 điều cấm của Đảng, thì họ sẵn sàng ra khỏi Đảng.

Nếu họ bị khai trừ Đảng hoặc ra khỏi Đảng với lý do là chống Trung Quốc thì trước công luận, nhân dân sẽ nghĩ như thế nào về Đảng ? Chống một kẻ thù đang lăm le xâm lược đất nước mình, thực tế là đã bách hại ngư dân, đã làm cho nền kinh tế mình hết sức khó khăn thông qua việc cho đấu thầu các lô dầu khí – bởi vì ngành dầu khí Việt Nam là ngành kinh tế quốc dân rất là quan trọng. Rồi lại gần như là tràn ngập lãnh thổ Việt Nam, từ Lạng Sơn cho đến mũi Cà Mau ở đâu cũng có người Trung Quốc. Thì có thể nói là nguy cơ đe dọa toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là rất cao.

Thế thì nếu Đảng và Nhà nước không làm, không có thái độ cương quyết thì người dân thực hiện quyền công dân của mình. Chúng tôi cương quyết tổ chức biểu tình để biểu thị tình cảm yêu nước, ý chí chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc. Còn ai nói đó là việc làm sai thì để công luận sẽ đánh giá.

Quan niệm của chúng tôi là bây giờ mọi việc phải được công khai. Do đó một mặt gởi cho Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thì vài ngày sau chúng tôi đưa lên mạng - để báo cáo với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước là có 42 công dân ở thành phố này làm một việc rất công khai minh bạch và đúng luật, thực hiện quyền công dân của mình trước nguy cơ đất nước bị ngoại xâm.

Với truyền thống chống xâm lược của nhân dân thành phố cũng như cả nước, chúng tôi tin tưởng rằng không có thế lực nào ngăn cản được, và nhân dân sẽ hưởng ứng cuộc vận động này. Để đến thời gian thích hợp, khi tổ chức biểu tình, thì sẽ tham gia đông đảo. Chúng tôi công khai, không giấu diếm gì, và trước khi biểu tình chúng tôi sẽ thông báo địa điểm cũng như ngày giờ cho chính quyền biết. Trước hết là để giữ gìn an ninh trật tự, và thứ hai là để cho đồng bào thành phố biết, cùng tham gia.

RFI : Thưa như vậy có kỳ vọng quá nhiều nơi chính quyền không ?

Thì nếu Nhà nước thấy rằng khó khăn khi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng tổ chức biểu tình, thì cứ để cho người dân tổ chức, và nhiệm vụ của Nhà nước là bảo đảm an ninh trật tự, chứ không nên dẹp, chống lại, đàn áp bắt bớ như cuộc biểu tình ngày 1/7 vừa qua.

Vả lại chúng tôi nghĩ rằng tại sao Trung Quốc họ cứ ngang ngược lấn tới như vậy, mà Nhà nước Việt Nam cũng như hệ thống chính trị của Việt Nam lại im lặng ? Đây là một việc không thể chấp nhận được, nếu không nói đây là nỗi nhục nhã của cả một dân tộc vốn có truyền thống kiên cường chống ngoại xâm.

Cha ông chúng ta trước đây thật ra là đâu có thuận lợi như ngày nay mà vẫn chống được xâm lược phương Bắc. Thì nay với các thuận lợi rất lớn, một là lòng dân đang sôi sục nhất là sau khi nghe tin 23.000 tàu cá triển khai xuống Biển Đông như vậy. Thứ hai là tình hình quốc tế hiện nay, bạn bè trong khu vực cũng như trên thế giới người ta ủng hộ Việt Nam. Thì tại sao chúng ta lại không cương quyết, không cảnh báo nhà cầm quyền Trung Quốc là nếu anh làm như thế thì chúng tôi sẽ có biện pháp.

Chúng ta hết sức tránh chiến tranh, điều đó rõ ràng rồi. Nhưng không thể vì vậy mà chúng ta lại nhu nhược để cho Trung Quốc lấn tới. Mười sáu chữ vàng và bốn tốt có nghĩa lý gì khi chúng ta vẫn hô hào như thế nhưng trên Biển Đông Trung Quốc vẫn lấn tới, vẫn khiêu khích một cách trắng trợn như vậy. Thì mười sáu chữ vàng và bốn tốt cũng chỉ là con ngoái ộp, cái chiêu bài đưa ra để đánh lạc hướng nhân dân Việt Nam mà thôi.

Đây là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Còn nếu thấy trong điều kiện chưa thể làm được việc đó thì để cho dân làm. Và chúng tôi cũng suy đoán trước là có thể Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân sẽ không trả lời, không chấp nhận chương trình này. Bằng chứng là mới đăng tải trên các trang mạng một, hai ngày là họ đã triển khai lực lượng để tìm cách khống chế một số nhân vật trong 42 người đã ký tên.

Chúng tôi cho rằng việc làm đó là không ổn, là mờ ám, không phù hợp với tình hình hiện nay và không đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thành phố cũng như nhân dân cả nước. Nhân đây chúng tôi cũng xin thông báo cho đồng bào cả nước tình hình như vậy và cũng cam kết với nhân dân thành phố là chúng tôi không lùi ! Bốn mươi hai an hem chúng tôi sẽ không bao giờ lùi bước, cũng như các tầng lớp sinh viên học sinh, thanh niên thành phố sẽ không bao giờ lùi trước bất cứ áp lực nào trong cuộc đấu tranh chống lại ý đồ bành trướng xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc.

RFI : Thưa ông, có những chuyên gia cho rằng đây là dịp để đưa vấn đề Hoàng Sa ra trước quốc tế…

Đúng ! Nói thật, một trong những khẩu hiệu mà khi biểu tình chúng tôi sẽ sử dụng là « Phải trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam ! ». Bây giờ chúng ta phải đấu tranh để đòi trả Hoàng Sa lại cho Việt Nam

RFI : Chứ không chấp nhận chuyện đã rồi phải không ạ ?

Đúng rồi, bây giờ mình phải đấu tranh đòi trả để các thế hệ mai sau có thể tiếp tục. Và nếu đưa ra tòa án quốc tế, chúng ta đủ chứng cứ về sử liệu và pháp lý, để có những phán xét thuận lợi cho chúng ta.

RFI : Xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng.

tags: Biển Đông - Phỏng vấn - Trung Quốc - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120804-42-nhan-si-viet-nam-the-hien-quyet-tam-chong-trung-quoc-xam-luoc 
 

Thiếu điện, dân Bắc Triều Tiên không xem được Olympic

Bài đăng : Thứ sáu 03 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 03 Tháng Tám 2012 

Tuy chính quyền Bắc Triều Tiên đã cho mở rộng phát sóng các cuộc thi đấu Thế vận lên đến năm tiếng đồng hồ mỗi ngày so với trước đây chỉ có mười lăm phút, nhưng nhiều người vẫn không xem truyền hình được do thiếu điện trầm trọng. Một tờ báo mạng ở Seoul ngày 03/08/2012 cho biết như trên.

Người đứng đầu của đoàn truyền thông Bắc Triều Tiên tại Luân Đôn nói rằng, sau thành công bất ngờ của các vận động viên Bắc Triều Tiên tại Olympic lần này, Bình Nhưỡng đã cho tăng thời lượng phát sóng truyền hình.

Sau bảy ngày thi đấu, quốc gia nghèo khó với 24 triệu dân đã giành được bốn huy chương vàng – ba huy chương vàng cử tạ và một cho judo – cùng với một huy chương đồng, đứng thứ tám trong bảng tổng sắp về huy chương.

Thành công trên đây nhanh chóng gây ra sự vui mừng tột độ và cả một làn sóng những cuộc điện thoại chúc mừng đến Bộ Thể thao, theo như hãng thông tấn nhà nước Bắc Triều Tiên trong tuần này.

Thế nhưng nhiều người dân Bắc Triều Tiên bị lỡ dịp xem các cuộc thi đấu Thế vận do nguồn điện thất thường. Daily NK, một tờ báo mạng của những người Bắc Triều Tiên tị nạn điều hành tại Seoul cho biết, do Bắc Triều Tiên thiếu điện trầm trọng, nên « chỉ một tỉ lệ rất nhỏ cư dân có thể xem được Olympic ».

Từ nhiều năm qua, Bắc Triều Tiên vẫn luôn bị thiếu điện. Tuy nhiên một người nước ngoài sống tại thủ đô Bình Nhưỡng, nơi đầy đủ phương tiện nhất vì là bộ mặt để trưng ra với thế giới, nói với AFP là kể từ tháng Tư nguồn điện cung ứng nói chung rất tốt. Một số người dân địa phương cho biết họ đã xem được trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nữ Bắc Triều Tiên với đội Pháp, trong đó đội Bắc Triều Tiên thua 5-0.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Năng lượng - Olympic 2012 - Thể thao
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120803-dan-bac-trieu-tien-khong-xem-olympic-duoc-do-thieu-dien 

Trung Quốc và châu Âu tranh giành vùng đất hứa mới về đất hiếm

Bài đăng : Thứ sáu 03 Tháng Tám 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 03 Tháng Tám 201 

Groenland, một tỉnh của Đan Mạch có nhiều loại đất hiếm cần thiết cho ngành công nghệ kỹ thuật cao, đã trở thành vùng đất hứa mới, nhưng Trung Quốc đanh nhanh chân hơn so với châu Âu. Ủy viên châu Âu phụ trách về kỹ nghệ, ông Antonio Tajani ngày 03/08/2012 đã cảnh báo như trên.  

Từ năm 2009, Groenland được trao quyền tự quản lý tài nguyên, trong khi vùng đất này có đến 9 trong số 14 loại đất hiếm vốn là nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất ra các sản phẩm cao cấp, từ đèn LED, điện thoại di động cho đến máy phát điện bằng năng lượng gió.

Châu Âu phải nhập khẩu 100% nguyên liệu đất hiếm, và Ủy ban châu Âu theo dõi chặt chẽ hồ sơ này. Ông Tajani đã đến Groenland hôm 16/06/2012 để ký tắt một hợp đồng khai thác cho các công ty châu Âu. « Nhưng ngay hôm sau Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng đến đó » - ông Tajani nhấn mạnh trong một cuộc trao đổi với AFP. Ủy viên châu Âu cho biết : « Người Trung Quốc đã bắt tay vào việc, họ đã mua một công ty Anh và gởi đến 2.000 thợ mỏ Trung Quốc ».

Trong khi đó châu Âu vẫn đang trong giai đoạn thương lượng, hợp đồng đã ký tắt hồi tháng Sáu còn phải được các chính phủ châu Âu nghiên cứu vào tháng Chín. Châu Âu cam kết trả cho Groenland 35% thu nhập, và chỉ khai thác tại vùng ven biển.

Dân cư địa phương « rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, do đó họ thích cách làm việc của châu Âu ». Tuy nhiên Groenland đang « bị ảnh hưởng của khủng hoảng » và đang « cần tiền ». Những người trợ thủ cho ông Tajani nhìn nhận : « Chúng tôi đang chiến đấu với Trung Quốc trong vấn đề đất hiếm ». Các vướng mắc sẽ được nêu ra với chính quyền Bắc Kinh trong dịp hội nghị thượng đỉnh Châu Âu – Trung Quốc ngày 20/09/2012 tại Bruxelles.

Hiện nay Trung Quốc hầu như độc quyền với 35% trữ lượng đất hiếm có thể khai thác, và 97% thị trường đất hiếm thế giới, chẳng hạn như đối với cérium hay lithium. Trên thị trường cổ phiếu nguyên vật liệu Luân Đôn, chính Trung Quốc quyết định giá cả.

Cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản, châu Âu đã kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm bằng cách ấn định hạn ngạch của Bắc Kinh. Song song đó, châu Âu cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, ký hợp đồng với Liên hiệp châu Phi, Chilê, Achentina, Uruguay, và sắp tới sẽ ký với Mehico, Colombia.

Bên cạnh đó, châu Âu còn tích cực phối hợp với Hoa Kỳ và Nhật Bản trong việc nghiên cứu tìm các nguyên liệu thay thế cho đất hiếm. Việc tái chế cũng là một hướng, và cuối cùng châu Âu vẫn có thể khai thác nguồn đất hiếm của chính châu lục này, được ước lượng khoảng 100 tỉ euro. Pháp có trữ lượng antimoine, beryllium và tungstène ; còn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cũng có những mỏ đất hiếm.

tags: Châu Âu - Kinh tế - Tài nguyên - Trung Quốc - Đất hiếm
http://www.viet.rfi.fr/kinh-te/20120803-groenland-vung-dat-hua-moi-ve-dat-hiem-duoc-trung-quoc-va-chau-au-tranh-gianh 

jeudi 2 août 2012

Trung Quốc : Khi bí thư thành ủy bị người biểu tình lột áo

Công an và người biểu tình đối đầu (Vui lòng bấm vào ảnh để phóng to)

Biển người tràn ngập trụ sở cơ quan hành chính, lật xe công an, quăng hồ sơ giấy tờ ra sân, lột áo bí thư thành ủy…Đó là sự kiện đã xảy ra hôm 28/07/2012 tại thành phố Khải Đông (Qidong) thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nguyên nhân ? Người dân biểu tình để phản đối một dự án xây dựng đường ống dẫn nước thải từ một nhà máy giấy, đổ ra cảng biển của họ (đọc tại đây).


Link video: http://www.youtube.com/watch?v=870xoyoViBk

Sân ủy ban đen nghịt người biểu tình
Phong trào Nimby (viết tắt của Not In My Back Yard, tạm dịch : Không ở cạnh tôi) gần đây được biết đến với những hoạt động của người dân nhằm phản đối các dự án được xem là có hại cho môi trường hoặc dân cư xung quanh. Đó thường là các dự án xây dựng những công trình lớn, nhà máy hóa chất, bãi xử lý rác thải, ăng-ten truyền tín hiệu điện thoại di động, nhà tù, căn cứ quân sự…hoặc các quy hoạch đường sắt, phi cảng lớn. 
Lực lượng an ninh đông đảo, nhưng người biểu tình còn đông hơn.

Xe công an bị người biểu tình lật ngửa
Nhưng các cuộc biểu tình Nimby tại Trung Quốc có khi mang tính bạo động, và có khả năng chiến thắng ! Đó cũng là trường hợp của Khải Đông, cho dù nhà máy giấy trên đây ở cách thành phố này hàng trăm cây số.

Bí thư thành ủy Tôn Kiến Hoa bị lột áo...
Con số người tham gia biểu tình khó thể xác định được : 20, 50 hay 100 ngàn người. Nhưng rõ ràng là một rừng người, và lực lượng an ninh chắc chắn trở thành thiểu số. Các hình ảnh trên mạng cho thấy bí thư thành ủy Tôn Kiến Hoa (Sun Jianhua) đã bị người biểu tình lột mất áo. Họ lôi ông ra đường, định mặc cho ông này một chiếc áo thun đã chuẩn bị sẵn cho chiến dịch, nhưng sau đó ông bí thư đã được công an giải cứu.

...mất cả oai phong!
Mặc cho sự hiện diện đông đảo của công an, những người biểu tình đã tràn ngập trụ sở ủy ban thành phố. Họ lật ngửa năm chiếc xe công vụ, quẳng giấy tờ, hồ sơ ra sân, trưng bày các « chiếc lợi phẩm » là những chai rượu đắt tiền, những cây thuốc lá…mà các cán bộ thường ăn hối lộ của dân. Thậm chí trong ngăn kéo bàn làm việc của các vị « đầy tớ nhân dân » này, người ta còn tìm thấy cả…bao cao su !

Một trong các bao cao su tìm thấy tại văn phòng ủy ban thành phố Khải Đông
Các hình ảnh của vụ biểu tình quy mô trên đây nhanh chóng tràn ngập các mạng xã hội Trung Quốc, cho dù từ khóa « Khải Đông » sau đó đã bị kiểm duyệt. 
Trước trụ sở ủy ban Khải Đông...
...và trên các balcon đều dày đặc người.

Truyền hình địa phương đã loan đi thông báo của Phó thị trưởng Trương Kiến Tân  (Zhang Jianxin), nhấn mạnh là dự án đã bị ngưng để xem xét lại tác động đối với môi trường, và sẽ không được thực hiện nếu người dân không tán thành. Thông điệp này cũng được chạy trên bảng điện tử lớn nằm ở khu trung tâm, để thuyết phục người dân giải tán. Sau đó, chính quyền thành phố loan báo, dự án đã bị xếp xó vĩnh viễn.
Nhân dân đã thắng!

Poster kêu gọi người dân hãy tỉnh thức
Những poster đã được chuẩn bị chu đáo cho thấy vấn đề môi trường đã trở thành mối quan tâm lớn của người dân Trung Quốc. Cho dù có thể hiện tượng khí hậu bị hâm nóng còn có vẻ xa vời, nhưng những vấn đề sát sườn như chất lượng không khí xuống cấp, thực phẩm ô nhiễm…nay đã trở nên cấp thiết.

Không môi trường, không có tương lai!
Sau đây là một số lời kêu gọi biểu tình :

Người dân các nước phát triển có quyền và có trách nhiệm bảo vệ môi trường và đại dương. Còn chúng ta, dân các nước đang phát triển cũng thế !
Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mao chủ tịch khuyên chúng ta hướng về phát triển công bằng, hiệu quả và bền vững. Đặng Tiểu Bình khuyên bám chặt vào phát triển lâu bền. Hồ Cẩm Đào khuyên nghiên cứu phát triển một cách khoa học. Nhưng còn các vị cán bộ địa phương, các vị chẳng học được gì từ những lời khuyên đó hay sao ?
Hãy phản kháng một cách văn minh, hợp lý. Hãy bảo vệ đại dương, bảo vệ gia đình chúng ta.

Một poster theo phong cách thủy mặc
Các nhà quan sát nhận định, những cuộc biểu tình như ở Khải Đông thường do giai cấp trung lưu mới nổi tiến hành. Những người dân Trung Quốc có mức sống được cải thiện nhiều trong thập kỷ vừa qua, không muốn các thành quả này bị phá hủy, không muốn sức khỏe con em mình bị đe dọa.

Lời bình : Trông người mà ngẫm đến ta. Biểu tình vì môi trường có vẻ… sang trọng quá, quý tộc quá, so với những người dân Việt bị mất đất, bị các công ty xả nước thải làm chết cá, chết cây trồng…mà không biết kêu vào đâu. Không có một lực lượng nào ngăn nổi đoàn biểu tình hừng hực khí thế « người đi như nước qua đê » trong thành phố Khải Đông, trong khi các « biểu tình viên » của ta có vẻ lẻ loi quá, cho dù vì một lý tưởng thiêng liêng : bảo vệ Tổ quốc trước nguy cơ xâm lược của ngoại bang. « Bạn » khuyên ta đừng Tây hóa, thế thì nếu ta theo gương phong trào Nimby của « bạn » liệu có nên không nhỉ.

Việt Nam : Điều tra về vụ tự thiêu của mẹ blogger Tạ Phong Tần

Ảnh chụp màn hình trang tin GG về mẹ blogger Tạ Phong Tần
(AFP) Hôm nay 02/08/2012 chính quyền Việt Nam cho biết sẽ tiến hành điều tra về vụ tự thiêu của mẹ một blogger nổi tiếng sẽ ra tòa vì tuyên truyền chống Nhà nước. Thông tin trên được đưa ra sau khi Hoa Kỳ tuyên bố « quan ngại sâu sắc » về vụ này.

Bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu ngày 30/7 và « qua đời trong lúc được chuyển đến bệnh viện ». Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị cho AFP biết như trên. Đây là lần đầu tiên thông tin được những người thân của gia đình đưa ra vào đầu tuần được chính thức công nhận. Ông Lương Thanh Nghị nói thêm : « Vụ việc này hiện đang được điều tra ».

lundi 30 juillet 2012

HRW: Mẹ blogger Tạ Phong Tần tự thiêu là bi kịch của cả nước


Bà Đặng Thị Kim Liêng

(AFP) Bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của Tạ Phong Tần - một blogger nổi tiếng ở Việt Nam sẽ ra tòa vào tuần tới vì “tuyên truyền chống Nhà nước” - đã qua đời vì tự thiêu. Linh mục Đinh Hữu Thoại, một người thân của gia đình hôm nay 30/07/2012 cho AFP biết, bà Liêng bị phỏng rất nặng và đã mất trên đường đến bệnh viện.

Blogger Tạ Phong Tần, 43 tuổi, trước đây là công an, đã bị giam từ tháng 9/2011. Bà Tần sẽ ra tòa ngày 7/8 tới cùng với hai blogger khác, bị kết tội là đã “bóp méo sự thật, nói xấu Đảng và Nhà nước” khi đưa hàng trăm bài viết lên trang web “Câu lạc bộ nhà báo tự do”, được thành lập từ tháng 9/2007.