Đọc trong cuốn sách của Xuân Vũ, có chuyện nhà thơ Ngân Giang từ Hà Nội vào Sài Gòn năm 1938 khi mới 22 tuổi để viết cho nhật báo Điện Tín, báo Mai. Bà mở quán cà phê ở đây nhưng không khá và sớm ra Hà Nội. Nhắc đến bà là nhớ hai câu thơ:
Hôm nay ôn lại chuyện non sông
Nghe sóng nghìn xưa vỗ bến lòng…
Có lẽ đó là quán cà phê sớm nhất nhì của giới viết lách còn được ghi nhận.
Sở thích uống cà phê của các nhà văn nhà báo Sài Gòn cũ thể hiện tùy theo danh phận và túi tiền. Những quán cà phê được xem là hạng sang, bài trí đẹp, ở khu trung tâm như Brodard, Givral, La Pagode, Kim Sơn thỉnh thoảng được lưu lại dấu vết trong những bài viết của giới văn nghệ sĩ khi nhắc lại thời hoạt động văn nghệ trước kia, cho dù không đậm đà bằng ly bia chén rượu.
Nhà văn Tạ Tỵ thích ngồi ở cà phê Kim Sơn hay Thanh Thế để gặp bạn bè văn nghệ, đa số là bạn bè Bắc di cư như Thế Phong, nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh, ông Mỹ Tín… Sau năm 1975, ông mới ngồi cà phê quán cóc.
Ở những quán trung bình xa trung tâm, văn nghệ sĩ đến đông hơn vì đa số không dư giả gì và họ không câu nệ, không cần thể hiện đẳng cấp, chủ yếu là có bạn ý hợp tâm đầu và có thể lui tới hằng ngày. Trên thực tế, các quán loại này ở Đakao, Bàn Cờ, Chợ Quán, Phú Nhuận … có chất lượng cà phê không thua kém các quán kia.
Các quán cà phê bình dân dễ đi vào thơ. Đó là quán cà phê cóc ở bến sông Ông Lãnh có nhà văn Bính Nguyên Lộc tìm đến: “Quán bên hè uống cốc cà phê…” trong mưa mai lác đác. Là quán bên đường của nhà thơ Trường Anh dọc đường hành quân cô độc, ngồi vào quán và gọi: “- Cho cốc cà-phê, cô hàng xanh tóc!/ Tôi uống đắng cay, hay mắt em say?... Cho thêm nữa cà-phê, sao em khóc?/Ta hiểu rồi, lòng đã cảm thương vay/ Nhầu nát áo xanh mờ tràn bụi mốc/ Chung một thuyền, thơ tâm sự dâng ai/ Nước sông Vàm Cỏ nguồn xuôi, trong lọc/ Có chắc mang hoa về quán ngày mai?”.(Mưa đêm nay).
Cà Phê Năm Dưỡng nằm trên đường Nguyễn Thiện Thuật, ngay góc con hẻm nối ra đường Lý Thái Tổ. Là quán cà phê bình dân pha bằng vợt nhìn ra một góc Ngã Sáu Sài Gòn. Quán thu hút dân quanh vùng, trong đó có thầy và trò trường Petrus Ký trong nhiều năm, đã đóng cửa từ khoảng cuối thập niên 1980 hoặc sau đó một chút. Quán từng ghi dấu chân của ông Nguyễn Thế Truyền, một nhân vật nổi tiếng.
Theo nhà văn Thế Phong trong cuốn “Chiêu niệm bốn nhà văn Sài Gòn”. Lúc đó ông Nguyễn Thế Truyền ở nhờ nhà ông Phan Khắc Sửu gần đó. Ban ngày ông Truyền đi dạy tiếng Pháp cho một số học sinh. Nhà văn Thế Phong mời ông ra quán để nhờ cậy việc viết lời giới thiệu sách cho cuốn sách của nhà văn Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc. Ông Thế Phong kể: “Rất nhiều lần và bấy nhiêu lần, ông Nguyễn Thế Truyền, trước phò mã vua Bỉ, từng có huyền thoại tát tai Tổng đốc Vi Văn Định tại bến đò hồi còn Tây, thúc bách tôi viết giới thiệu, và cũng là bấy nhiêu lần ông trả tiền cà phê, mặc dù tôi cũng có tiền”.
Nhà văn Nguyễn Thụy Long có lẽ là người trong giới văn nghệ sĩ mê quán cà phê nhất hạng. Trong các hồi ký của ông thường nhắc đến những quán ông thường ngồi, nhất là ở thời gian sau năm 1975. Trong hồi ký “Trên gác bút” ông nhắc đến quán cà phê Chú Lì gần chùa Huê Nghiêm trên đường Nhiêu Tứ ở Phú Nhuận:
“Buổi sáng buông bút tôi ngồi nghe tiếng chim hót sau vườn chùa Huê Nghiêm, uống ly trà lạnh để qua đêm rồi tập tễnh vào xóm rủ bạn già đi uống cà phê Chú Lì. Nói ba điều bốn chuyện với bạn lối xóm. Cũng ở nơi này, những đứa con của tôi đã ra đời, tôi đã làm nên nhiều tác phẩm, những nhân vật của tôi hoặc còn sống hoặc đã chết… Tôi nhâm nhi uống cà phê, vân vê những sợi râu bạc suy nghĩ chuyện đời”.
Theo ông, quán cà phê là nơi dễ có cảm hứng viết lách và để lấy chất liệu từ cuộc sống nữa: “Nhà văn Vũ Bằng đã mất nhiều năm ngồi cà phê chợ trời ghi ghi chép chép. Nay ông đã mất”. Trong một tập hồi ký của ông, một trong những đoạn hay là đoạn viết về Cà phê Bằng ở khu nhà mười căn bên cạnh cư xá Chu Mạnh Trinh, đầu ngã tư Phú Nhuận. Trong khu cư xá đó, nhiều văn nghệ sĩ đã có danh cư ngụ. Cà phê Bằng có căn nhà dưới và trên lầu.
Ông viết: “Tôi thích ngồi trên lầu nhìn ra cái cửa sổ rộng, nhìn cái cột điện có những ống sứ mắc dây chằng chịt. Không biết sao tôi lại nghĩ cái cột điện ấy trông thật cô đơn. Những chiều mưa, dây điện đọng nước võng xuống nhỏ từng giọt, những dòng nước khác tiếp tục chạy đến làm thành những giọt khác, những giọt liên tiếp nhau nối thành chuỗi...”. Ở đó, bạn bè có lúc nghe nhà văn Viên Linh vừa uống cà phê vừa đọc một bài thơ mới làm.
Nhà văn giang hồ này trong những dòng hồi ký luôn giữ được chút gì đó lãng mạn là điều quý giá còn sót lại những năm sau 1975 khó khăn và bầm dập: “Đêm hôm đó trăng sáng vằng vặc, khu Bình Thới, giáp ranh với đường Lạc Long Quân là một vườn hoa nhài, người miền Nam gọi là hoa lài, thơm ngát. Sau một chầu cà phê ở quán Con Nhạn, trong khu vườn lài, chúng tôi ra ruộng hoa lài ngồi chơi, ngắm trăng... Tiếng thổi tiêu tài hoa của Trần Dạ Từ cất lên vi vút, tôi nhớ tiếng sáo này khi mới quen anh ở quán cà phê Gió Bắc ở đường Phan Đình Phùng, hòa với tiếng ở cái đĩa hát đã mòn hát bài Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ”.
Đến lúc nào đó, đời sống quá khó khăn, ông cũng bắt chước mọi người khác kiếm sống, mở một quán cà phê nhỏ ở lề đường, dưới một gốc cây nhìn ra hồ Con Rùa, phía trước Viện Đại Học Sài Gòn. Tuy ông có thể ngồi nhà, trên căn gác bút mà gặm nhấm kỷ niệm nhưng ông cảm thấy nhớ nhung thời làm báo của mình “Muốn ngồi quán cà phê lúc trời tảng sáng, muốn ngửi mùi giấy thơm mực in của những tờ báo mới được nhả ra từ máy in, cái không khí âm âm của tòa soạn, tiếng máy đánh chữ lách tách. Hoặc được phóng chạy như một phóng viên đi nhặt tin giờ chót, làm phóng sự: vẫn còn một cột tin giờ chót để cho anh đấy trước khi báo lên máy. Lời anh tổng thư ký tòa soạn như còn vẳng bên tai tôi”.
Thật ra, nhớ thời làm báo tức là nhớ thời thanh xuân của mình. Trong đó luôn có thấp thoáng hình ảnh những quán cà phê, luôn có ở gần các toà soạn báo để các ký giả và nhà văn kích thích các tế bào thần kinh đi vào công việc. Ông nhận ra có lúc mình bỗng “dừng lại ở đầu đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) và đường Nguyễn Trung Trực. Tại nơi này nhìn qua thư viện Quốc Gia, đại học Văn Khoa hồi xưa, có một kiosque bán cà phê, nhìn sang bên kia đường là tòa báo Đại Dân Tộc, phía góc đường Thủ Khoa Huân, Gia Long là báo Sống. Nói tóm lại có rất nhiều tòa báo trên quãng đường ấy. Ký giả, phóng viên, nhà văn sáng sáng ngồi đầy các quán cà phê lề đường, tất cả đều quen nhau, thân thiết đến độ xộc thẳng vào đời tư của nhau, nên tình nghĩa bạn bè cũng rộn rã”.
Ông vẫn còn thấy nhà văn Lê Xuyên làm cho tờ này ngồi ở quán cà phê đó vào những buổi sáng kế tiếp sau ngày tờ báo đóng cửa sau 1975 mà “mắt nhìn lên tòa soạn xưa buồn rười rượi, y nguyên như ngồi uống cà phê chờ anh chef typo xuống báo cáo đã đủ khuôn, xin lệnh chạy máy, hay cần lấp một lỗ hổng. Bây giờ không còn gì nữa…”.
Cà phê với các nhà văn như là thước đo hạnh phúc. Nhà văn Duyên Anh khi chưa thành danh từng mơ viết văn được trả nhuận bút uống cà phê như người bạn văn là Đỗ Tiến Đức. Nghệ sĩ Huỳnh Thanh Trà phát hiện một điều lý thú và viết trong bản thảo hồi ký của mình mà tôi có dịp đọc: “Khi rủ nhau “ngậm đắng nuốt cay” là hiểu ngay chớ không cần nói ra lộ liễu. Ngậm đắng là cà phê. Nuốt cay là rượu. Ôi! Thật không còn mỹ từ nào văn hoa ý nghĩa cho bằng!”.
PHẠM CÔNG LUẬN 01.08.2024
(Tranh Phạm Công Tâm vẽ một chủ quán cà phê trong chợ Thiếc quận 11, nay quán đã nghỉ bán).
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.