Ngày 22/08, tờ Washington Post có bài phân tích về bản chất cuộc xâm lược Nga vào Ukraina là để xâm chiếm tài nguyên.
Tất nhiên Mỹ và EU đứng bên đối diện ngăn cản Nga cũng không hẳn để chiếm tài nguyên đó cho riêng mình, mà vì giữ lại cho Ukraina thì họ cũng sẽ hưởng lợi: thay vì mua khí đốt từ Nga với giá cao thì mua từ Ukraina với giá rẻ hơn (tất nhiên đó là tương lai 3-4 năm sau với điều kiện Ukraina giữ được chủ quyền).
Dĩ nhiên sẽ chẳng bao giờ Nga công nhận điều này, mà mục đích của họ theo công bố chỉ đơn giản là diệt phát xít ở Ukraina và bảo vệ tiếng Nga ở Ukraina - một nước có chủ quyền khác: tức là vì một điều tưởng tượng và một điều dư thừa.
Với những ai yêu Nga điên cuồng bất chấp những hành vi hư hỏng của họ thì sẽ không công nhận điều gì tương tự, bởi Nga luôn là tốt bụng (hình như là nhất thế giới). Cái gì Mỹ & phương Tây nói có lợi cho Nga thì mới đúng, còn nói khác ý Nga thì dĩ nhiên sai bét!
Nhưng thôi! Theo yêu cầu hóc búa của lão Phúc Lai gạ mình viết về vệ tinh Nga khi nào rảnh, hôm nay liều viết. Nhưng xin nói trước: các bạn đừng hy vọng sẽ có chuyện gì ghê gớm ở đây về bí mật vệ tinh quân sự Nga, bởi chúng luôn là bí mật mà dân thường không thể biết và có biết cũng không được nói, vì có nói cũng sẽ không ai tin.
Ở đây sẽ chỉ dùng các khái niệm và tin tức hết sức thông thường và cơ bản. Ví dụ: Ta chẳng cần biết cái vệ tinh phóng lên thì đang mang tính năng và thiết bị gì về quân sự, nhưng nếu là không có vệ tinh nào phóng lên - dù là dân sự - thì tất nhiên cũng không có vệ tinh quân sự hay bí mật ghê gớm nào. Điều này hiển nhiên như khẳng định kỳ quay số này bạn không thể trúng số cả nhiều 1.000 %, bởi đơn giản bạn đã không mua vé số!
Thật ra, vẫn có thể từ những tin tức công khai chính thống, thậm chí tô hồng và cường điệu của chính Nga mà đoán ra bí mật, bởi chỉ cần xâu chuỗi logic của chúng lại là thấy được. Ngoài ra để khái niệm về những bí mật này thì cũng có thể dựa trên các hiện tượng thông thường mà đoán ra: ví dụ tại sao Liên Xô hay Nga nhiều năm ưa dùng người trên trạm không gian, còn Mỹ và EU gần đây lại hợp tác với Nga về trạm ISS chẳng hạn? Rồi cái lợi và cái hại của Nga trong chuyện hợp tác ra sao? Vì sao gần đây Nga giận dỗi đòi rút khỏi ISS…?
Thôi quay về lại với cuộc chiến Nga-Ukraina, ta dễ dàng công nhận với nhau – dù yêu Nga hay ghét Nga vì chuyện xâm lược – thì phải nói vai trò của trinh sát luôn đứng hàng đầu trong yếu tố giành thắng lợi của mỗi cuộc chiến tranh. Trinh sát ở đây là nắm rõ hiện trang quân sự của đối phương, qua đó đoán biết ý đồ (kết hợp tình báo các loại khác nữa).
Chúng ta từng mê mẩn với những chuyện trinh sát-thám báo trong chiến tranh, thậm chí Nga vẫn đang khai thác đề tài này khi dựng phim về các chiến sĩ trinh sát-thám báo thời 41-45. Nhưng lịch sử thất bại của trinh sát Liên Xô lại chẳng ai dựng phim.
Ví dụ một chuyện có thật rằng các nữ trinh sát Liên Xô có một dạo hồi 41-42 tung vào hậu phương đều bị Đức phát hiện ra bắt sạch. Về sau nhờ một tù binh Đức mới hiểu ra: các nữ trinh sát thường hóa trang làm dân nông thôn trong vùng tạm chiếm, nhưng một lần tình cờ bị bắt lẫn trong dân thứ thiệt lại lộ ra quần lót của họ làm bằng một loại vải quân nhu phổ biến sản xuất tại vùng Ural, điều mà dân thường không thể có. Từ đó khi Đức bắt được phụ nữ, thậm chí chỉ cần kiểm tra khi qua trạm gác thì cứ đơn giản vạch ra xem quần lót.
Điều này trong tuyên truyền là sự dâm ô của quân Đức xâm lược, nhưng hiện tượng và bản chất lại chẳng mấy khi đi kèm nhau là thế. Thậm chí ngày nay thì các thám báo Nga tung vào Ukraina tìm Himars cũng đã dễ bị phát hiện một phần nhờ những điều đơn giản không ngờ khác (tất nhiên không dính dáng đến quần lót nữ nhưng cũng đại loại), còn dạng gián điệp hay tình báo nằm vùng thì bị phát hiện kiểu khác nữa, tất nhiên càng không phải do quần lót…
Không chỉ Liên Xô, ngay Mỹ thời đó cũng trinh sát bằng người. Thời mình mới làm việc trong Nam đã ngạc nhiên thán phục với các bản đồ quân sự mà Mỹ để lại. Đây là các bản đồ loại 3 màu: các tông xanh xám đen và trắng, xem rất rõ với các đường kẻ vuông hệ tọa độ UTM. Tất nhiên bản đồ thời thế chiến 2 chủ yếu trắng-đen nhưng độ chính xác luôn là cao nhất.
Các nhóm trinh sát- thám báo nhất thiết phải mang chúng theo, khi phát hiện ví dụ cứ điểm hay xe pháo đối phương thì đầu tiên phải xác định vị trí chính mình và địch trên bản đồ này. Sau đó báo về bằng điện đàm hay gì đó các tọa độ đo được trên bản đồ, rồi pháo binh sẽ căn cứ tính năng đạn đạo mà xác định góc bắn của pháo.
Nếu trinh sát có lá gan 50 kg như của PH thì sẽ dùng cao điểm nào đó để quan sát chỉnh pháo, thậm chí nếu bị lộ thì cho pháo bắn ngay tọa độ chính mình. Tất nhiên họ không phải luôn anh dũng hy sinh bởi hồi xưa chủ yếu là đạn ngu, đôi khi nó thông minh đột xuất tránh hết quân ta mà chỉ diệt quân địch quanh tọa độ đó…Tóm lại trinh sát cổ truyền luôn phải biết đọc và đo bản đồ in, loại chính xác nhất dùng trong quân sự!
Dùng bản đồ như vậy bởi thời thế chiến 2, loại pháo phản lực Cachiusa cũng chỉ có tầm bắn đến gần 10 km, và ở khoảng cách này địa hình có thể coi như mặt phẳng.
Thời chiến tranh Việt Nam, ta biết rằng pháo Vua chiến trường của Mỹ có tầm xa gấp 3-4 lần sau 20 năm, đạt đến 3-40 km. Ngày nay sau 40 năm chúng kéo dài tầm xa thêm 3 lần nữa, tất nhiên phải là phản lực vì chả có thứ gì ném một phát lại đi nổi tới mấy km hết. Đơn giản vì chúng bị giới hạn bởi vận tốc ban đầu, còn nếu vận tốc vượt âm thanh thì lại đòi hỏi vật liệu khác chắc chắn hơn nhưng lại nhẹ đi và không còn đủ động năng!
Xa đến 30 km thì độ cong bề mặt đất phải tính đến, vì thế bản đồ giấy gì đó đều không thể đáp ứng nên phải dùng bản đồ điện tử. Nôm na là bản đồ 3D, tức bản đồ nổi: nó ngoài sức tính toán của con người và thuộc về phạm vi xử lý của phần mềm máy tính.
Khi dùng bản đồ điện tử thì vẫn phải lấy cơ sở từ ảnh chụp rồi số hóa. Thời đầu, hồi 5x-6x thì dùng mắt người xem ảnh luôn. Có 2 thứ ảnh phối hợp để có bản đồ thời gian thực đủ độ chính xác: ảnh vệ tinh và ảnh hàng không, chúng ghép lại sẽ cho hình động.
Thời đầu của công nghiệp vũ trụ thì Liên Xô là tân tiến hơn trong cuộc đua: các trạm quỹ đạo quay suốt ngày đêm cùng các nhà du hành sống hàng tháng trên đó, xài máy ảnh Leica mà chụp trái đất. Công nghệ quang học Đông Đức là nổi danh nhất thời đó mà, hồi ấy Liên Xô chẳng cần thằng tư bản nào vẫn chạy đua vũ trụ với Mẽo ngon lành. Thậm chí trong lần tình cờ, các nhà du hành Liên Xô phát hiện có những góc chụp lộ ra luôn cả tàu ngầm dưới biển hoặc mây phủ mặt đất coi như biến mất.
Nhiều khám phá tương tự chỉ có được nhờ quan sát trên quỹ đạo liên tục dài ngày, và những phát minh đó được giới khoa học say mê, nhưng biến chúng thành hiện thực nhanh nhất lại luôn là nơi khoa học phải không bị chính trị định hướng: đó là nơi giãy chết! Mỹ và phương Tây cũng nhận ra lợi thế của trạm quỹ đạo nên hợp tác với Liên Xô và Nga sau này. Nga có thế mạnh về động cơ tên lửa đẩy, còn lại bên tư bản bao thầu công nghệ khác.
Ảnh vệ tinh chụp phổ (đâu như 7 phổ hoặc hơn) được phương Tây rao bán trên web từ hơn chục năm trước: đủ tiền mua thì tha hồ ngắm đáy biển. Ảnh dân dụng bán ra hầu hết đã xóa đi các vật thể tạm trên mặt đất rồi, nhưng bên quân sự tất nhiên vẫn dùng. Ống kính quang học ngày nay thì Đức không còn là kẻ thống trị duy nhất!
Nga vẫn có công nghệ dẫn đường cho pháo & tên lửa bằng vệ tinh. Nhưng vệ tinh quân sự phải luôn được trang bị mới bằng cách phóng các vệ tinh mới, bởi thiết bị trên vệ tinh không thể thay thế bằng các tàu Liên hợp hay trạm quỹ đạo được. Nga và Liên Xô xưa hay dùng cách nói dối mỗi khi phóng vệ tinh: cứ phóng là thông báo khoe sự tiến bộ, vệ tinh quân sự thì cứ khoe là dân sự hay thời tiết thì chết thằng tây nào đâu, có khi tây nó vẫn ngây thơ tin là thế, không tin thì cũng là hỏa mù. Các thiết bị và chi tiết công nghệ mới thì Nga đã phụ thuộc nhiều vào bên giãy chết từ lâu, nên các cấm vận từ sự kiện Crimea năm 2014 đã khiến họ gần như ngừng phóng vệ tinh mới bởi đơn giản nó cần thiết bị mới, chứ chả ai phóng vệ tinh mang thiết bị cũ cả…
Trở lại cuộc chiến Nga-Ukraina, ai yêu hay ghét đều biết hiện nay UAV đang nổi đình đám ra sao. Nhưng cần nhớ không ai có nổi mạng lưới UAV suốt ngày đêm mà phải nhờ “mắt thần” vệ tinh trực chiến liên tục mới được. Những vệ tinh chụp đủ phổ sáng mới giá trị, chứ chụp ảnh kiểu seo phì thì vô nghĩa bởi ban đêm là mù hẳn.
Mỗi phổ lại cần thiết bị mới, vì thế hệ thống vệ tinh thường được phóng bổ sung hoặc thay thế-bảo hành sau khoảng 5 năm do công nghệ phát triển rất nhanh. Đặc biệt, mỗi cuộc chiến xưa đều phải tung thám báo-trinh sát mới vào phía địch thì vệ tinh cũng phải được thay mới trên không gian, tức là chỉ để quan sát chuyên biệt các khu vực chứ không phải du lịch các cảnh đẹp trái đất thông thường nữa.
Chuyện phóng vệ tinh thì Mỹ& phương Tây nay đã giao phó cho các công ty tư nhân như Maxar, mỗi khi phóng chẳng ai khoe mẽ nữa, còn Nga thì vẫn quen khoe rùm beng dù là thời tiết.
Dựa vào các tin tức công khai, chúng ta có thể thấy Nga không có vệ tinh quân sự mới riêng cho cuộc chiến này:
- Nga ít phóng vệ tinh lên vũ trụ hơn Mỹ từ 2014 do cấm vận.
- Hệ thống cảnh báo sớm về tấn công tên lửa dự định xây tại Sevastopol nhưng đang dở dang.
- Đầu tháng Tám mới có vệ tinh giám sát vệ tinh Mỹ, nhưng im lìm như hiện nay thì chắc là còn thiếu con chip Đài Loan gì đó.
- Cuối năm ngoái thì vệ tinh do thám Kosmos-2551 đã hỏng và rơi, hệ thống do thám bị hổng chưa bù đắp được.
- Vệ tinh mới thì chưa phóng.
Trích thông tin công khai nhưng quan trọng:
“Điều làm cho vệ tinh Resurs-PM (sẽ thay thế vệ tinh Resurs-P thế hệ trước) trở nên độc đáo là chúng có khả năng chụp ảnh trong phạm vi nhìn thấy và phạm vi hồng ngoại. Chúng được thiết kế để tạo ra và cập nhật bản đồ địa hình, kiểm soát ô nhiễm môi trường, giám sát các trường hợp khẩn cấp tự nhiên, giám sát môi trường và tìm kiếm dầu mỏ, khí đốt và các mỏ khoáng sản khác". (Huhu-bây giờ mới định có vệ tinh chụp phổ!)
Trong nhóm quỹ đạo của vệ tinh viễn thám Trái Đất dân sự của Nga, chỉ có một chiếc Resurs-P hiện đang hoạt động đúng mục đích của nó ở vị trí số 1. Vệ tinh này được phóng vào năm 2013 và có thời hạn bảo hành là 5 năm.
Resurs-P số 2, được phóng lên quỹ đạo năm 2014, đã ngừng hoạt động trước thời hạn. Resource-P số 3, phóng năm 2016, không hoạt động như dự định và đang được nhà thiết kế chính nghiên cứu. Trong năm 2022, Nga có kế hoạch phóng vệ tinh Resurs-P số 4 và số 5.”
(Tất nhiên hai vệ tinh này cũng chưa kịp phóng vì chiến dịch xảy ra sớm quá!).
Như vậy, có thể thấy Nga đang bị tụt hậu so với vũ khí Mỹ & phương Tây trong việc trang bị “mắt thần” vệ tinh. Mạng UAV dù dày đặc nhưng chỉ hiệu quả tốt nếu có vệ tinh kết hợp, nôm na là cả tầm xa và tầm gần đều có thì mới có được độ chính xác của “bắn tỉa”.
Kiểu UAV như TB2 đã phát huy tác dụng cho pháo khu vực vì nó có thể xác định tọa độ độc lập, nhưng tầm bay và thời gian bay của nó giới hạn. Xa mấy chục đến hàng trăm km như Himars mới thì UAV phải kết hợp lấy tọa độ vệ tinh, bởi không cần tọa độ của gốc bắn là Himars nữa. Nga bí quá nhiều khi lại phải tung thám báo truyền thống vào chơi lén Ukraina một vài vụ bất ngờ nhưng dễ bị tóm vì khó rời xa kịp !
Đôi điều nói thêm về sự thèm khát của Nga đến tài nguyên Ukraina, nhất là ở Biển Đen: sau 2014 thì Nga hớn hở đưa ngay mấy giàn khoan dầu vào Black Sea. Hồi đầu cuộc chiến thậm chí các giàn còn dùng làm nơi trung chuyển vũ khí cho tàu (đảo Rắn chính là điểm kiểm soát), thế nên Ukraina mới chơi chìm Matxcova, bắn hư một giàn khác khiến Nga phải ngưng sử dụng. Ukraina tất nhiên muốn giữ chúng lại cho ngày tiếp quản, trừ khi lúc đó Nga phá bỏ luôn thì mới phải chịu thôi. Một số ảnh kèm bài này cho thấy Nga đang trùng hợp bảo vệ tiếng Nga và diệt phát xít chỉ tại những vùng tập trung khoáng sản mới tài chứ! Trên bản đồ này là khoáng sản biết từ lâu, còn dầu khí dưới Black Sea thì chưa cập nhật!
Ngay cái nhà máy điện nguyên tử hiện đang là lợi thế hù dọa “chết chùm” của Nga, đoàn thanh sát IAEA đang phải tìm cớ ở lại để ngăn Nga cuồng chết khi đường cùng. Hoặc ít ra cũng tại chỗ chứng kiến để kẻ coi thường tính mạng người khác hết đường nói dối.
Bài cũng đã hơi dài, định chia ra vài kỳ vì còn nhiều chi tiết, nhưng thôi đến đây thì các bạn tưởng tượng tiếp là được. Chỉ cần đọc từ báo ta - tức báo Nga là cũng thấy kha khá chuyện cần biết! Bởi báo chí Nga-ta lộ tin cũng dễ lắm, phóng viên Nga còn làm lộ bí mật chết người nhiều hơn vì khoe khoang phóng sự trong vụ trụ sở lính dù đó thôi!
Gần 10 năm trước khi truyền thông Nga còn chưa bị định hướng chặt như hiện nay, có một sê-ri phóng sự của mạng Nga về công nghệ hàng không & vũ trụ. Còn nhớ nhất gần cuối là ông giám đốc trung tâm vũ trụ Nga nói khá dài, rằng tài năng trẻ của Nga còn nhiều và rất giỏi. Rằng cần có cơ chế để họ nghiên cứu và cống hiến chứ nếu không Nga sẽ không còn bay nổi đến hành tinh khác nữa, thậm chí ngay mặt trăng cũng sẽ xa vời. Ông còn kêu gọi nên cần có khuyến khích và kiểm tra các giả thuyết về động cơ lượng tử để ứng dụng vào quân sự và vũ trụ… Tất nhiên dựa vào tình hình hiện nay thì có lẽ các nhân tài Nga mà ông nhắc đến đã bỏ sang phương Tây hầu hết rồi chăng!
Động cơ lượng tử, nghe rất đơn giản cả về lý thuyết, nhưng tạo dựng thí nghiệm và bản mẫu lại đắt tiền không theo bình thường, vì thế đến nay nó vẫn giống như chuyện nói dối mà thôi. Nếu có động cơ này, chỉ cần lắp nó lên vài cái UAV thuần Nga, có khi cũng đã thay đổi thắng bại của cuộc chiến từ mấy tháng nay rồi!
LÊ HỒNG ANH 04.09.2022
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.