Trong ba ngày Tết, có thể nói - với tôi - không có thứ rượu
nào nồng hơn "Nhật Ký Nguyên Hồng". Cho dù đang là những ngày
còn nồng ấm với Cách mạng, 1948; hay bầm dập Nhân Văn, từ 1957... quan sát của
ông vẫn là quan sát của một nhà văn. Khả năng "đọc hiểu" những quần
chúng cốt cán cho đến các bậc đạo cao chức trọng trong làng văn nghệ đều thấu
tận tâm can cả.
Nhật Ký Nguyên Hồng là
một góc sử của thời đại có nhiều chính sách thực dân hậu thực dân. Thời mà
Nguyên Hồng - cũng như Hữu Loan, Phùng Quán - bỏ các vinh hoa phù phiếm nơi thị
thành để giữ mình, với câu nói nổi tiếng, "Ông éo chơi với chúng mày..."
Thời mà phải đọc chính những con chữ như rứt ruột, cắt máu để viết ra từng
đêm của ông chứ vài dòng giới thiệu ở đây là không thể nào chạm tới.
Tết này, cũng rất bất ngờ khi trên các kệ sách, bên cạnh
Nhật Ký của một nhà văn tài hoa từng phải về Nhã Nam đánh rơm, gánh thóc như
Nguyên Hồng, xuất hiện cuốn nhật ký của một người được chế độ trọng dụng như ủy
viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị. Nhưng, sự thật là một khối đa diện, 500
trang nhật ký "Nơi Ấy Là Chiến Trường" của chàng sinh viên
khoa sử được đưa đi B tháng 9-1970 cũng cung cấp nhiều tiết diện rất đáng trân
trọng.
Rất khác với Nguyên Hồng, Phạm Quang Nghị, sinh 1949, là một
sản phẩm của nền giáo dục XHCN, văn chương không tránh khỏi có những chỗ lên
gân. Nhưng, đọc ông, tôi khá ngạc nhiên vì không phải đọc những dòng sáo rỗng
[Trừ phần "Ghi chép ở Nam lộ 4"(tr 270-348) là sản phẩm tuyên
truyền tức thời]. Có lẽ khi một mình đối diện với "ngọn đèn, trang
giấy", và đặc biệt, trong những ngày bom đạn và sốt rét, đồng đội trút hơi
thở cuối cùng bên võng mình... con người tuyên huấn trong ông đã nhường chỗ cho
chàng trai trẻ theo ngành sử, đối diện với sên, vắt... đau đáu với mẹ, với quê
và phảng phất bóng hình của vài cô gái (L., Ph..)
Đối chiếu với những bản viết tay được in trong "Nơi
Ấy Là Chiến Trường", thấy ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã rất
tôn trọng người lính chiến trường Phạm Quang Nghị. Ông đã giữ nguyên những đoạn
văn xúc động, chân thực và cả những suy nghĩ, những tư liệu, những đánh giá khá
chủ quan ấu trĩ về miền Nam của thời trong R.
Đấy chính là thế mạnh như "thực lục" của thể loại
nhật ký. Khi viết cuốn Bên Thắng Cuộc, tới phần Tố Hữu phát biểu phê
phán "Đề Dẫn" của Nguyên Ngọc, dù đã hỏi chuyện khá nhiều
người trong cuộc, nhưng chỉ khi đối chiếu với đoạn tường thuật rất sống động
trong nhật ký Dĩ Vãng Phía Trước của Ngô Thảo, tôi mới tìm ra được cách
diễn đạt sao cho chân thực nhất.
Trong mười năm qua, tôi đã đọc hàng trăm cuốn hồi ký (xuất
bản và chưa xuất bản) của cả các văn nghệ sĩ, tướng lĩnh và chính khách; nhưng
giá trị tư liệu đáng tin cậy nhất, theo tôi, là nhật ký. Rất tiếc thể loại này
không nhiều. Chính vì thế mà thật may mắn khi Tết này được đọc cả Nguyên Hồng
và Phạm Quang Nghị.
HUY ĐỨC 07.02.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.