mercredi 15 mars 2017

THAAD ngáng chân được Bình Nhưỡng, nhưng khiến Bắc Kinh chạy đua vũ trang ?

Hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ được đưa đến căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc ngày 07/03/2017.

Việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense, tức Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) tại Hàn Quốc, được bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ loan báo hôm 06/03/2017, đã làm tăng khả năng răn đe của Mỹ đối với các cuộc tấn công từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên theo tác giả Eric Gomez trên The Diplomat, sự kiện này có thể ảnh hưởng đáng kể đến ổn định chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ và nhà quan sát về Trung Quốc nhanh chóng làm giảm nhẹ những quan ngại của Bắc Kinh qua việc nhấn mạnh tính phòng vệ của THAAD, khẳng định Bắc Triều Tiên là mục tiêu chủ yếu. The Diplomat cho rằng, tuy mối đe dọa Bắc Triều Tiên là mối nguy hiểm thực sự phải quan tâm, nhưng giải quyết theo cách này về lâu về dài có thể gây ra các vấn đề tệ hại hơn cho Đông Á.


Cái giá mà Mỹ phải trả cho quyết định triển khai các hệ thống lá chắn chống hỏa tiễn đạn đạo (BMD) tại vùng Đông Á có thể thấy được qua phản ứng của Bắc Kinh. Triển khai THAAD, cùng với khả năng đáng kể của vũ khí quy ước và hạt nhân Mỹ nhắm vào lực lượng nguyên tử của Trung Quốc, là động cơ để Bắc Kinh xem xét lại lực lượng và chủ thuyết của mình về vũ khí nguyên tử. Khi làm việc này, Trung Quốc có thể cải thiện được khả năng răn đe hạt nhân để tồn tại, nhưng sẽ gây mất ổn định về mặt chiến lược.

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Trung Quốc chỉ sở hữu lực lượng vũ khí nguyên tử nhỏ bé, trái hẳn với sức mạnh của Hoa Kỳ và Liên Xô. Mao Trạch Đông coi vũ khí hạt nhân là « cọp giấy » vô dụng trên chiến trường, thế nên không có lợi ích gì khi tham gia chạy đua vũ trang với hai siêu cường trên. Lực lượng hạt nhân hiện nay của Trung Quốc đã được phát triển, nhưng vẫn rất nhỏ yếu nếu so sánh với Hoa Kỳ, và vẫn còn gắn bó với nguyên tắc « no first use » - không bao giờ là người đầu tiên sử dụng vũ khí nguyên tử, được tuyên bố lần đầu năm 1964.

Lực lượng vũ khí hạt nhân nhỏ bé của Trung Quốc là dấu hiệu tốt cho sự ổn định về mặt chiến lược, vì đã yếu kém thì không nên sử dụng trước trong các cuộc xung đột. Lực lượng này không thể đọ sức với một đối thủ hùng mạnh hơn như Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh vẫn có thể ra tay tấn công đầu tiên và trở nên tự tin hơn về khả năng trả đũa. Chi phí cao cho việc đáp trả khiến Hoa Kỳ không muốn tấn công nguyên tử trước, còn Trung Quốc không dùng đến vũ khí hạt nhân vì không thể nào giải giáp được Hoa Kỳ.

THAAD và các loại hệ thống lá chắn tên lửa khác làm đảo lộn sự cân bằng chiến lược này, qua việc nâng cấp tầm mức trả đũa của Hoa Kỳ. Mỹ có thể cảm thấy tự tin hơn trong việc tấn công dằn mặt lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, nếu các lực lượng này bị lá chắn tên lửa đánh bại. Việc cải thiện hệ thống viễn thám của Mỹ, năng lực cụ thể của vũ khí quy ước và nguyên tử sẽ làm tăng khả năng hóa giải các đòn tấn công phủ đầu của địch ; trong khi những tiến bộ của các hệ thống lá chắn tên lửa sẽ khiến vũ khí hạt nhân của Trung Quốc bị phá hủy khi chưa chạm được đến mục tiêu.

Nếu sự sống còn đối với lực lượng hạt nhân tương đối nhỏ của Trung Quốc bị đe dọa, Bắc Kinh có thể điều chỉnh lại chủ trương cũng như công nghệ vũ khí để tăng khả năng tồn tại và đáp trả. Việc thay đổi chủ trương « no first use » là một thay đổi quan trọng, có thể vấp phải những trở ngại ngay trong nước.

Tuy nhiên, các công bố về quân sự gần đây của Trung Quốc dự báo cải thiện năng lực cảnh báo sớm và đặt lực lượng nguyên tử ở mức báo động cao hơn, để có thể phóng đi trước khi Mỹ tấn công. Việc chỉnh đốn công nghệ vũ khí cũng làm tăng khả năng sống sót. Gắn thêm nhiều đầu đạn nguyên tử vào các hỏa tiễn có thể giúp chống chọi mạnh hơn, và các phi cơ siêu âm có thể gây khó khăn cho các lá chắn hạt nhân trong việc bắn chặn các tên lửa.

Tất cả những khả năng trên có thể tác động tiêu cực lên sự ổn định chiến lược, vì khuyến khích « tiên hạ thủ vi cường ». Trung Quốc đối mặt với câu hỏi « hoặc sử dụng, hoặc bị mất đi » vũ khí hạt nhân, trong khi Hoa Kỳ có cơ hội phá hủy lực lượng nguyên tử của Trung Quốc càng sớm càng tốt trong một cuộc xung đột. Nguy cơ một cuộc khủng hoảng, hoặc cuộc xung đột quy ước leo thang thành xung đột hạt nhân, trở nên gay gắt hơn.

The Diplomat cho rằng tất nhiên không thể nói một cách chắc chắn là kịch bản u ám này sẽ diễn ra. Có những ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể thay đổi lực lượng hạt nhân và chủ thuyết theo hướng đáng ngại, nhưng vẫn chưa có chủ trương chính thức nào được loan báo. Bắc Kinh cũng có thể kết luận do không ngăn trở được Bình Nhưỡng, nên mới có việc triển khai THAAD ; và điều chỉnh lại chính sách, làm thế nào giảm bớt được mối đe dọa Bắc Triều Tiên, như vậy sẽ làm giảm nhu cầu bố trí THAAD. Cần lưu ý rằng THAAD không thể bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng có thể hỗ trợ các hệ thống lá chắn tên lửa khác theo dõi và tấn công các hỏa tiễn này.

Trong khi lời đáp của Bắc Kinh cho đến nay vẫn chưa được biết đến, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách hạt nhân và công nghệ vũ khí, làm hại đến sự ổn định chiến lược. THAAD giúp Hoa Kỳ chiếm ưu thế, ngăn cản khả năng hỏa tiễn Bình Nhưỡng tấn công vào những nơi mà Mỹ có thể sử dụng trong một cuộc xung đột. Tuy nhiên theo The Diplomat, nếu việc triển khai THAAD làm giảm thiểu việc leo thang hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, thì lại có thể làm tăng khả năng chạy đua vũ khí nguyên tử với Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170313-thaad-ngang-chan-duoc-binh-nhuong-nhung-khien-bac-kinh-chay-dua-vu-trang


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.