Ba người ở bìa trái theo thứ tự là các anh Thoa, Thống và Đông, từng bị Trung Quốc giam cầm. Ảnh Đỗ Hùng |
(FB Đỗ Hùng) Cuộc giằng co và xả súng xảy ra vào buổi sáng 14
tháng 3, lúc bấy giờ trung sĩ Nguyễn Văn Thống, tiểu đội trưởng thuộc đơn vị
công binh E83, đang ở trên boong tàu HQ 604. Từ chỗ đứng của mình, anh thấy rõ
các đồng đội đang cầm cự với lính Trung Quốc, rồi đối phương cho thuyền nhỏ
chạy vòng vòng xả súng lên tàu.
Pháo lớn bắt đầu nã vào chiếc HQ 604. Lực lượng
Việt Nam trên tàu liền dồn vào cabin rất đông, đạn địch vẫn không ngớt lia tới
những con người hầu như không được vũ trang. Sau một vài loạt đạn, Thống gục
xuống. Trong cơn mê man, anh vẫn cảm nhận được thân tàu chao đảo và chìm xuống
rất nhanh, nhưng do mất máu nhiều, anh đã không đủ sức để thoát ra ngoài. Thế
rồi, luồng nước mạnh tràn vào khoang tàu đã đẩy trung sĩ Thống cùng nhiều chiến
sĩ khác, còn sống hoặc đã hy sinh, ra ngoài.
Khi hồi tỉnh trở
lại vào buổi trưa, Thống thấy mình đang ôm một mảnh gỗ mặc cho nước cuốn đi.
Bủa vây anh lúc này là những mảnh vỡ từ con tàu HQ 604 đã bị đánh chìm, thi thể
các đồng đội hy sinh và màu nước biển vốn thẳm xanh giờ chuyển sang đỏ hồng vì
máu. Một vài đồng đội bị thương đang gắng gượng bám vào vật trôi nổi. Nhiều
người rên rỉ vì đau. Thống bị thương ở mặt, đạn phạt một phát ngay dưới mắt
trái và một mảnh khác ở bàn tay phải. Máu chảy mỗi lúc một nhiều, nước biển
thấm vào đau tận xương tủy, đến mức tê dại. Phía xa, tàu lớn Trung Quốc vẫn lởn
vởn, trong khi xuồng nhỏ của đối phương vẫn chạy vòng vòng, đạn vẫn bắn càn
xuống vùng biển có những con người chới với. Trên vùng bãi cạn chỗ nổi chỗ
chìm, nhiều đồng đội của Thống bị thương nặng không bơi được, trở thành mục
tiêu cho đạn chì.
Lênh đênh trên
biển tới tầm giữa buổi chiều, trung sĩ Thống thầm nhủ mình cầm chắc hy sinh,
điều lo lắng của anh lúc này là không biết làm thế nào để nhắn gửi về cho gia
đình. Tấm gỗ trôi mãi, không biết sau bao lâu thì anh bắt gặp Lê Văn Đông, cùng
quê Quảng Bình, đang bơi ngược chiều. Thống liền gọi lại, hỏi bạn có sao không,
rồi anh nhắn tên mình, quê quán, người thân để lỡ mình có chết mà bạn sống sót
thì về nói với gia đình mình. Nhắn xong như vậy anh thấy yên tâm phần nào, đã
sẵn sàng đối mặt với cái chết. Rồi đây, thân xác anh sẽ hòa vào biển và mãi mãi
ở lại nơi này. Quê hương có rất nhiều mộ gió từ những cuộc chiến trong quá khứ,
giờ sẽ thêm những phần mộ gió của anh và đồng đội, sau cuộc đau thương giữa
biển Trường Sa.
Bơi được khoảng
hơn một tiếng nữa thì trung sĩ Thống thấy tàu Trung Quốc xuất hiện trước mặt,
vứt dây câu xuống và kéo cả Thống lẫn Đông lên. Thống bị thương rất nặng, các
cơn đau dồn dập quật anh tưởng như chết đi được. Đông cũng bị vài mảnh đạn cắm
vào lưng, máu không ngừng túa ra.
Tưởng niệm các tử sĩ Gạc Ma. Ảnh Nguyễn Tú |
Những con người
trẻ tuổi hôm nào ra đi không hề mảy may một dự cảm thiên tai, chợt nhiên thấy
mình bị bủa vây bởi làn đạn thù, và rồi khi cuộc chiến kết thúc, họ bị đẩy vào
ngục tù.
“Về tới Trung Quốc, chúng đòi cưa tay cưa chân tôi để
cứu sống. Tôi quyết không chịu, tôi thà chết chứ không để cho chúng nó cưa tay
cưa chân”, nhiều năm sau, cựu chiến
binh Nguyễn Văn Thống hồi tưởng.
Cuốn sách đến nay
vẫn chưa được phép ra đời. Mình trích một đoạn rất ngắn ở đây như một tưởng
niệm.
Nhiều năm đã trôi
qua kể từ ngày đau thương ấy, tiếng đạn thù và những ngày ngục tù đã lùi xa
nhưng trong lòng những người lính năm xưa vẫn còn bao day dứt. Một ngày đầu năm
2016, cựu binh Nguyễn Văn Thống nhắn tin cho mình:
“Trời lại trở gió, các vết thương tôi lại đau, tôi ngóng nhìn ra biển cả lại càng nhớ thương những người bạn thân cùng vui buồn một thời quân ngũ giờ chỉ còn lại ký ức của những thương đau mà quân thù đã tàn sát vào sáng 14 tháng 3 năm 1988 vào tàu HQ 604 ở Gạc Ma. Tôi thật chán ghét chiến tranh, mong sao đất nước mãi bình yên tươi đẹp để vong linh của những người bạn và đồng đội nơi biển khơi được trở về đất mẹ. Đồng đội ơi, mình và Tổ quốc mãi nhớ đồng đội!”.
Đỗ Hùng
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.