dimanche 19 septembre 2021

Thái Bình Dương : Liên minh Mỹ-Anh-Úc làm thay đổi tương quan trước Trung Quốc


Đăng ngày:


Chỉ vài từ được thốt ra một cách nhẹ nhàng trong cuộc họp video ở Nhà Trắng, là đủ để hợp đồng 56 tỉ euro tan thành mây khói, và xóa lại bàn cờ địa chính trị ở vùng biển châu Á đang sôi sục. Cùng với hai thủ tướng Boris Johnson (Anh) và Scott Morrison (Úc), Joe Bie khởi động liên minh quân sự ba bên được đặt tên là AUKUS (Autralia-United Kingdom- United States) để chống lại tham vọng của Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

Nhiệm vụ đầu tiên là cung cấp cho Canberra một đội tàu ngầm nguyên tử với công nghệ Mỹ-Anh. Quyết định này khiến hợp đồng đặt mua 12 tàu ngầm ký với Pháp năm 2019 bị hủy bỏ thô bạo.


Bắc Kinh hung hăng khiến Úc chọn đứng về phía Mỹ

Đây là một cảnh báo mạnh mẽ cho Trung Quốc, do sự hung hăng trên Biển Đông và áp lực lên Đài Loan khiến Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực lo ngại. Được loan báo 15 ngày sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, mà Joe Biden biện minh rằng cần tập trung sức lực cho đối thủ chính, động thái này có vẻ hợp lý. Jeff Hawkins, cựu đại sứ Mỹ nay là nhà nghiên cứu của IRIS nói : « Đối tác chiến lược này là giai đoạn thứ hai của việc tái phối trí lực lượng Mỹ để đối phó với Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc này đã được đề cập từ nhiều tháng qua và bây giờ mới tiến hành ».

Washington chọn lựa Úc do vị trí chiến lược của quốc gia này, và mối quan hệ tin cậy giữa hai Nhà nước, vốn đã là đồng minh trong Đệ nhất Thế chiến. Chính trước Quốc hội Úc mà ông Barack Obama đã nhấn mạnh đến « xoay trục » sang châu Á, trước khi loan báo đưa quân Mỹ sang trú đóng ở căn cứ Darwin. Sau vài năm tìm cách giữ thăng bằng giữa Hoa Kỳ và đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc, rốt cuộc thủ tướng Úc đã chọn phe. Thái độ hiếu chiến của Bắc Kinh gần đây, với những tuyên bố trịch thượng của các « chiến lang », và biện pháp trừng phạt, đã làm cán cân nghiêng sang một bên. Rõ ràng là nếu nổ ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Úc sẽ đứng về phía Mỹ.

Việc hình thành liên minh mới này phù hợp với lịch sử lâu dài : cơ quan tình báo của ba nước đều là thành viên Five Eyes. Đây còn là chiến thắng ngoại giao của Boris Johnson, hồi tháng Ba đã khẳng định hướng sang Ấn Độ-Thái Bình Dương, và như vậy khái niệm « Global Britain » từng bị chế giễu nay tỏ ra hiện thực.


AUKUS sẽ thay đổi tương quan lực lượng ở Châu Á-Thái Bình Dương

Tất nhiên là Bắc Kinh kịch liệt phản đối, tố cáo thương vụ Mỹ bán tàu ngầm cho Úc là « hết sức vô trách nhiệm », một liên minh « làm phương hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định khu vực ». Thật dễ hiểu : AUKUS sẽ tác động đến tương quan lực lượng ở Châu Á-Thái Bình Dương, trong lúc đội tàu Trung Quốc đã vượt qua Hải quân Hoa Kỳ về số lượng. Việc triển khai tàu ngầm nguyên tử tấn công là mối đe dọa thực sự cho các hoạt động của hải quân Trung Quốc. Ông Mathieu Duchâtel, Viện Montaigne nhấn mạnh, dù đã có nhiều tiến bộ về chống tàu ngầm, đây vẫn là một trong những điểm yếu chính của Trung Quốc.

Khi chuyển giao một công nghệ mà cho đến nay chỉ mới chia sẻ với Anh, Hoa Kỳ muốn chặn ngang sức mạnh quân sự đang lên của Bắc Kinh. Cũng theo chuyên gia Duchâtel, mục tiêu là tăng cường khả năng răn đe trong trường hợp Trung Quốc đơn phương tấn công Đài Loan hay trên Biển Đông.

AUKUS bổ sung cho Quad tức Bộ Tứ - diễn đàn khu vực gồm Mỹ, Úc, Ấn, Nhật nhằm đối chọi với Trung Quốc - mà ông Joe Biden sẽ tham gia trong một tuần nữa. Không rõ hai liên minh hợp tác chiến lược này có kết hợp với nhau hay không, nhưng theo ông Jeff Hawkins, dù sao đi nữa sự bành trướng của Trung Quốc ảnh hưởng đến Nhật Bản cũng như Úc, và Nhật càng muốn tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.


Đòn nặng cho Pháp và châu Âu

Nhưng đây là một cái tát cho Pháp, bị đẩy xuống hàng cường quốc trung bình, và cho tổng thống Emmanuel Macron, vốn đã đầu tư rất nhiều trong vai trò của Paris tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, hợp đồng lớn với Úc là cột trụ của chiến lược này. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cay đắng tố cáo vụ « đâm sau lưng » của Mỹ.

Theo Le Monde cuối tuần, tổng thống Macron chỉ được báo rằng thủ tướng Úc muốn nói chuyện với ông, vài tiếng đồng hồ trước khi Nhà Trắng loan báo liên minh mới với Luân Đôn và Canberra. Một thất bại của ngoại giao Pháp, và cho « lực lượng thứ ba » mà Paris muốn đóng vai, trong một thế giới ngày càng phân cực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đây cũng là đòn nặng nề cho châu Âu, bị đặt trước việc đã rồi, như trong vụ rút quân khỏi Afghanistan.

Trả lời phỏng vấn của Le Point trước khi sự kiện này xảy ra, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định « Châu Âu bắt đầu không còn ngây thơ nữa ». Khái niệm « chủ quyền châu Âu » mới cách đây ba, bốn năm bị cho là khó thể chấp nhận, nay được đề cập đến nhiều hơn. Châu Âu là một thị trường 447 triệu người, nếu một nước muốn thâm nhập thì phải tôn trọng các quy định, giá trị, trả một các giá đúng đắn, nhất là Trung Quốc.


Hậu quả của việc Pháp không chú trọng Châu Á-Thái Bình Dương

Việc Hoa Kỳ tập trung cho các lợi ích căn bản của Mỹ thì đã có từ lúc Barack Obama nuốt lời, không trừng phạt chế độ Syria năm 2013. Theo ông Le Drian, Donald Trump và Joe Biden chỉ tiếp tục hướng này, cho dù tính cách của hai tổng thống có khác nhau. Le Figaro mỉa mai, tại Liên Hiệp Quốc tuần tới, Biden sẽ vẫn nhấn mạnh đến hợp tác quốc tế và sự quan trọng của các liên minh. Tuy nhiên nếu ít có sự khác biệt giữa lời nói và hành động của ông Trump, vốn ít giấu diếm các ý định, Biden thực hiện chính sách khác hẳn với những gì ông mô tả trong các bài diễn văn.

Về phía Bắc Kinh không bỏ lỡ cơ hội khai thác sự tức giận của Pháp và châu Âu, nhấn mạnh không thể tin nơi Mỹ. Trong lúc một thế giới lưỡng cực đang hình thành ngày càng rõ nét, với hai đại cường gầm ghè nhau trên vùng biển châu Á, nỗi thất vọng này chỉ khiến tổng thống Pháp càng muốn có một chính sách quốc phòng chung cho châu lục.

Pháp phải làm gì sau khi mất trắng hợp đồng thế kỷ này ? Tác giả Edouard Tetreau trên Le Figaro cuối tuần cho rằng cần phải gia tăng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh Thái Bình Dương đang nhanh chóng vũ trang, thay vì chỉ tập trung cho kinh tế và phúc lợi của một xã hội quen ỷ lại. Tương tự, dân biểu Jean-Louis Thiérot nhận định đây là hậu quả của việc Pháp không nỗ lực nhiều tại Châu Á-Thái Bình Dương. Với các chiến hạm cũ kỹ và lục quân thường thiếu trang bị, Pháp không có trọng lượng trước các đe dọa xung đột. Để có được tiếng nói tại khu vực này, Paris cần hiện diện thường xuyên với lực lượng hải quân hiện đại.


Ba bài học từ liên minh AUKUS

Le Monde cuối tuần rút ra ba bài học từ liên minh Úc-Anh-Mỹ. Trước hết là quan hệ Âu-Mỹ : chính quyền Biden không khác chính quyền Trump. « America First », chỉ có nước Mỹ trước hết trong các lợi ích chiến lược, kinh tế, tài chính, y tế. Những ai tin vào chính sách đa phương của Joe Biden và văn hóa Pháp của ngoại trưởng Antony Blinken nay phải nhìn ra sự thực.

Bài học thứ hai liên quan đến Luân Đôn. Thỏa thuận này là giai đoạn quan trọng hậu Brexit, đặt nước Anh vào chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mà nếu chỉ có một mình, Anh không thể làm được. Tâm trạng cay cú trong vụ rút quân khỏi Afghanistan chưa đầy một tháng sau đã được xóa đi nhờ AUKUS.

Bài học thứ ba, quan trọng và phức tạp hơn, dành cho châu Âu, đặt lại vai trò của châu lục trên thế giới. Châu Âu sẽ đứng ở đâu trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung ? Liệu có thể hành động như một sức mạnh độc lập, hay mạnh ai nấy làm, không thể tạo được ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình ? Sự tình cờ mỉa mai là loan báo thành lập AUKUS diễn ra một ngày trước khi đại diện Liên Hiệp Châu Âu trình bày chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương ở Bruxelles. Châu Âu thiếu đoàn kết trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc, chủ yếu do Berlin, nay phải trả giá đắt.


Trung Quốc khép kín với ý thức hệ cộng sản

Liên quan đến Trung Quốc, tác giả Nicolas Baverez trên Le Point nhận định sau nhiều thập niên mở cửa, Bắc Kinh nay muốn thu mình lại, tách biệt với phương Tây. Sau khi tái lập quyền lực mãn đời và tôn sùng lãnh tụ, bành trướng lãnh thổ khắp nơi, ông Tập siết chặt gọng kềm tại Hoa lục. Sự quay lại với giáo điều cộng sản của Tập Cận Bình là cơ hội duy nhất cho các nền dân chủ, để thiết lập ra được chiến lược hiệu quả, làm thất bại ý định tiêu diệt tự do, thống trị thế giới vào năm 2049 của Bắc Kinh.

Covid đã thay đổi thế giới với việc lập lại các biên giới - tưởng chừng đã hoàn toàn biến mất sau khi bức tường Berlin sụp đổ, tiền ngân sách phải tuôn như thác, và kinh tế đình đốn. Chính tại Trung Quốc, nơi 100 triệu trẻ em nay phải học tư tưởng Tập Cận Bình, mà những thay đổi này rõ nét nhất.  Trước hết, biên giới Trung Quốc tiếp tục đóng đến 2022, để không làm ảnh hưởng đến việc « tái đắc cử » của ông Tập vào mùa thu, trong khi vac-xin Trung Quốc tỏ ra kém hiệu quả trước các biến thể mới của con virus. Tiếp theo là việc siết lại lãnh vực công nghệ, các quyết định duy ý chí áp đặt lên giáo dục, văn hóa, kỹ nghệ giải trí. Cuối cùng, cũng lại Hoa lục mà tình trạng đình trệ thấy rõ nhất. Tháng Tám, giá thành sản xuất tăng đến 9%, thất nghiệp nơi người trẻ có bằng cấp lên đến 15%.

L’Express đặt câu hỏi : « Phải chăng đảng cộng sản Trung Quốc thực sự ngả sang (cực) tả ? ». Tập Cận Bình gợi lên giấc mơ « thịnh vượng chung », nhưng hiện giờ các biện pháp chỉ mang tính tượng trưng. Đặng Tiểu Bình năm 1992 từng tuyên bố « để cho một số người làm giàu trước », và nay số tỉ phú của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, chỉ 1% người giàu sở hữu 30,6% tài sản cả nước (năm 2000 là 20,9%). Giờ đây đảng đòi hỏi các tập đoàn công nghệ phải tỏ ra hào hiệp hơn, Alibaba và Tencent đã ngoan ngoãn tặng 15,5 tỉ đô la.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu Richard McGregor, Viện Lowy (Úc) cảnh báo « con đường còn dài và khó khăn trước khi gánh nặng của giai cấp trung lưu được giảm nhẹ », cần có những cải cách hết sức rộng lớn. Theo Le Point, giảm bớt bất bình đẳng xã hội không thể bằng việc buộc các tỉ phú phải san sẻ cho các công trình của đảng, mà qua chế độ thuế lũy tiến, và phổ quát hóa phúc lợi xã hội.


Giã từ Merkel

L’Express tuần này đề cập đến những tranh cãi mới về di sản của Pháp, trong khi Le Point nêu ra những vấn đề gây bối rối cho chính phủ như nợ công, hưu bổng… Ngược lại, Courrier International đặt câu hỏi « Phải chăng Pháp đang đi trên một con đường đúng đắn ? ». Chính sách tiêm chủng, ngoại giao, kinh tế…báo chí các nước bắt đầu nhận ra những điểm sáng nơi mô hình Pháp. L’Obs dành trang bìa cho nữ thủ tướng Đức, với dòng tựa « Merkel và chúng ta ».

L’Obs nhận định về di sản mà bà Angela Merkel để lại : một đất nước là cột trụ của Liên Hiệp Châu Âu và là khu vực ổn định của phương Tây.  Sau bốn nhiệm kỳ liên tiếp, 16 năm đứng đầu cường quốc thứ tư thế giới, thủ tướng Đức chuẩn bị rời quyền lực một cách thanh thản, như lúc bà đương chức. Các đối thủ cũ, từng bất ngờ trước một kình địch là phụ nữ và lại xuất thân từ Đông Đức, nay vô cùng tôn trọng bà. Lãnh đạo giỏi rõ ràng không phải ở hình thức bên ngoài. Merkel luôn mặc đồ may sẵn cùng một kiểu, chỉ thay đổi màu sắc, các nhà thiết kế như Karl Lagerfeld « không có cửa » ; bà tự mình đi chợ ở siêu thị.

Tất nhiên bà Merkel cũng bị chỉ trích nhiều : cứng nhắc về ngân sách, quá chú trọng đến lợi ích riêng của Đức hơn là sự tương trợ trong châu Âu, và sức mạnh kinh tế của đất nước chủ yếu nhờ những cải cách của người tiền nhiệm Gerhard Schröider chứ không phải bà. Về khí hậu, khó thể chấp nhận một quốc gia tiên tiến như Đức lại chỉ dự kiến từ bỏ điện than kể từ 2038.

Tất cả đều đúng, nhưng không thể làm mờ đi vầng hào quang của Angela Merkel : năm 2020, bà được Pew Research Center đánh giá là nhà lãnh đạo được tin cậy nhất thế giới, chủ yếu ở khả năng quản trị qua thỏa hiệp. Lãnh đạo bảo thủ của một Nhà nước liên bang đã củng cố được liên minh với phe Dân chủ Xã hội trong 3/4 nhiệm kỳ. Bà cũng có những quyết định lịch sử như tiếp nhận cả triệu người tị nạn Syria, từ bỏ điện nguyên tử sau thảm họa Fukushima, chấp nhận kế hoạch tái thúc đẩy châu Âu dưới áp lực Covid. Ai sẽ lên thay bà sau cuộc bầu cử ngày 26/09 tới ? Nhiều người Đức mong muốn người kế nhiệm vẫn theo hướng của bà.

Le Point ghi nhận trong bài phóng sự « Thế hệ Merkel », tuổi trẻ Đức chuẩn bị bước vào một thế giới không có« Mutti » (Mẹ), biệt danh được thân ái đặt cho Angela Merkel - người phụ nữ không con. Những thanh niên đang ở năm cuối trung học hay năm đầu đại học ấy chỉ biết có khuôn mặt của bà trong chương trình thời sự buổi tối lúc 20 giờ ; và theo tờ báo, nếu vào phút chót Merkel quyết định tranh cử, sẽ có nhiều lá phiếu của lớp trẻ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.