Làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến
Thụy, thành phố Hải Phòng) quê tôi bé tí mà cũng có những hai bãi tha ma. Bây
giờ gọi tuốt là nghĩa trang, nghĩa địa, chứ ngày xưa chỉ nôm na bằng bãi tha
ma.
Thậm chí còn đơn giản hơn, là mả. Một cái
có tên Mả Đò ở xóm ngoài, còn cái kia tên Mả Vối xóm trong. Dân làng chết, ai gần
chỗ nào thì chôn chỗ ấy. Tại sao tên Mả Đò? Nguyên do cái bãi tha ma này nằm kế
ngay bến đò đi qua một nhánh rộng của sông Văn Úc, đò nối từ làng Trà sang làng
Tú Đôi thuộc tổng Ngũ Phúc.
Nghe các cụ kể chỗ này từ thời nhà Lý là
nơi định cư của những tù binh xứ Chiêm Thành, bị vua Lý bắt về đày ở đó để mở
mang khai phá đất đai vùng duyên hải. Mả Đò lúc đầu chỉ chôn cất những kẻ bại
trận tha hương, sau dân sở tại cũng chôn đó luôn, thành cái bãi tha ma ngay bến
đò. Các bậc tiên tổ, tiền nhân họ hàng nhà tôi cũng chôn ở Mả Đò, mỗi ngôi mộ một
nấm cỏ xanh, gia tộc khi sống thì quần tụ với nhau từng khu sau lũy tre làng,
chết lại về Mả Đò sum họp nơi âm phủ.