mardi 2 octobre 2012

Báo chí Cuba trước thử thách "phi xô-viết hóa"

Granma, tờ báo chính thức của ĐCS Cuba
Bài đăng : Thứ hai 01 Tháng Mười 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 01 Tháng Mười 2012 
Báo chí Cuba đang hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Nhà nước, hiện đang được kêu gọi đổi mới, trước thời điểm sắp diễn ra đại hội Đảng vào tháng 7 năm 2013. Báo chí đảo quốc này đang đứng trước triển vọng một sự mở cửa, thoát ra hoàn toàn tình trạng xơ cứng, ảnh hưởng của ý thức hệ Liên Xô cũ.

Hiệp hội Nhà báo Cuba (Upec), một tổ chức chính thức của Nhà nước đã kêu gọi các thành viên của mình suy nghĩ về « một nền báo chí cách mạng mà chủ nghĩa xã hội Cuba hiện đang cần đến, từ những thay đổi lớn lao đang diễn ra trong xã hội chúng ta », trước đại hội Đảng lần thứ 9 vào năm tới.
Bị các nhà ly khai tố cáo, bị chính Chủ tịch Raul Castro chỉ trích, và bị dân chúng ngờ vực vì các thông tin rỗng tuếch, tách biệt với thực tế hàng ngày, báo chí Cuba buộc lòng phải đổi mới.

Bản thân đảng Cộng sản hồi tháng Giêng cũng đã đòi hỏi « báo chí phải thông tin một cách đúng lúc, khách quan, có hệ thống và minh bạch về những vấn đề, những khó khăn, thiếu sót và những nghịch cảnh mà chúng ta phải đối phó ». Trong một hội nghị bất thường, đảng Cộng sản Cuba đề nghị báo chí « cần phải từ bỏ những tin tức vô vị và thói quen bí mật thông tin ».

Hiện nay làng báo Cuba có tổng cộng hai tờ nhật báo, một tờ tuần báo, mười tờ báo địa phương, hai hãng thông tấn, năm kênh truyền hình, khoảng hơn một chục nguyệt san, và chừng năm chục đài phát thanh trung ương lẫn địa phương. Tất cả những báo đài này thường đưa cùng một loại thông tin như nhau, thường là rập khuôn theo tờ báo chính thức do Trung ương Đảng quản lý là tờ Granma.

Jorge Gomez Barata, một cựu viên chức cao cấp của Ban Tuyên huấn Đảng Cộng sản Cuba, nay là cây bút bình luận cho nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, khẳng định : « Các nhà báo không chịu trách nhiệm về tình trạng này ». Trên blog www.cubano1erplano.com ông nhận xét : « Vấn đề là từ cơ chế chứ không phải trong cách làm việc ». Trước năm 1975, chế độ Fidel Castro « không tìm cách kiểm soát báo chí », nhưng sau đó đã « nhập khẩu kinh nghiệm xô-viết ».

Theo Jorge Gomez Barata, thì « Việc tập trung chỉ đạo và nạn quan liêu áp dụng trong nền kinh tế đã được áp đặt vào lãnh vực tư tưởng, văn hóa và chính trị, đặc biệt là đối với báo chí ». Hai mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, « không có một ý tưởng cải cách nào được đưa ra, không có sáng kiến nào để khắc phục những thiếu sót ».

Ông đề nghị nên để cho các báo có thể « Tự chọn các lãnh đạo, được giải phóng khỏi các thủ tục hành chính phiền phức, không còn lệ thuộc vào các tổ chức chính quyền và không còn xem là báo chí chính thức của Nhà nước ».

Còn Manuel David Orrio, nhà báo đồng thời là nhân viên an ninh gần đây đã tố cáo « một tâm trạng chung của người dân không thỏa mãn trước việc không được cung cấp những thông tin thời sự ». Là người trong những năm 2000 từng thâm nhập vào giới các nhà báo độc lập, ngày nay ông đòi hỏi cần có một đạo luật báo chí mới để « xác định rõ ràng các quyền và nghĩa vụ của tất cả những người có liên quan » trong quy trình hoạt động báo chí.

Trên blog www.estebanmoralesdomiguez.blogspot.com, giảng viên đại học Esteban Morales đã kêu gọi Hiệp hội Nhà báo Cuba chủ động chuyển đổi báo chí thành « một công cụ hiệu quả cho việc phê bình, giúp cho hình mẫu kinh tế hoàn hảo hơn, và thay đổi cách nghĩ ».

Chuyên gia vừa bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Cuba vào năm 2011 cảnh báo : « Nếu không làm như thế, chúng ta vẫn luôn là một đội ngũ thiếu vắng nhiệt tình, bị trói chân bởi sự hoài nghi, tính giáo điều và chủ nghĩa cục bộ của những người muốn tỏ ra rằng họ là những người canh cửa cho cách mạng ».

tags: Báo chí - Cuba - Theo dòng thời sự - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20121001-bao-chi-cuba-truoc-thu-thach-doi-moi 

dimanche 30 septembre 2012

Mao Trạch Đông và hàng ngàn thê thiếp (2)

Ảnh chân dung mới của Mao Trạch Đông được treo lên Thiên An Môn ngày 28/09/2012.

Nếu làm tình là thú tiêu khiển hàng đầu đối với Mao, thì ngược lại ông ta không yêu mến ai cả. Mao không có khả năng yêu thương lẫn cảm tình. Cũng có thể do ông ta đã chứng kiến quá nhiều thảm kịch và cái chết trong đời. Người vợ thứ hai, Dương Khai Tuệ bị Quốc dân đảng xử bắn, cũng như hai người em trai của ông. Nhiều người con của Mao đã chết trong cuộc Trường Chinh. Tất cả những bi kịch này làm Mao Trạch Đông trở nên sắt đá.

Trong thâm tâm, Mao hài lòng đã sống sót được qua nhiều nghịch cảnh, mà theo ông ta đó là dấu hiệu cho thấy mình sẽ trường thọ. Ông đã chứng tỏ trái tim sắt thép qua tất cả những hành động trong đời sống thường ngày, theo gương những hoàng đế Trung Hoa tồi tệ nhất. Chẳng hạn như Trụ vương đời nhà Thương, vị hôn quân thích trưng bày cái xác bị tùng xẻo của các nạn nhân, đổ đầy rượu vào hồ bơi, có hàng ngàn nàng hầu vây quanh. Hoặc Tùy Dạng Đế (Sui Yangdi), một trong những bạo chúa tệ hại nhất trong lịch sử Trung Hoa, đã bắt những cô gái trẻ đẹp phải kéo thuyền rồng đi ngược gió bằng những dải lụa.

Một bằng chứng cho sự tàn bạo của Mao Trạch Đông, lịch sử đặc biệt ghi nhận câu trả lời của ông ta trước Nehru :

- Chúng tôi chẳng việc gì phải sợ bom nguyên tử cả. Nếu ai tấn công tôi bằng bom nguyên tử, thì tôi có thể trả đũa tương tự. Mười triệu hay hai chục triệu người chết cũng chẳng ăn nhằm gì đối với chúng tôi !

Nehru không phải từ bi hỉ xả gì, nhưng cũng phải dựng tóc gáy khi nghe câu nói của Mao coi mạng người như ngóe.

Không một điều gì có thể làm Mao xúc động. Trong chiến dịch Đại nhảy vọt, nhiều triệu người dân nông thôn đã chết đói, nhưng ông ta vẫn ăn ngon ngủ yên. Ngay cả đối với người thân trong gia đình cũng thế. Chỉ cần kể ra đây thái độ đối với chính người con trai lớn của Mao. 

Mao Ngạn Anh (Mao An Ying) tử nạn ngày 25/11/1950, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên đã làm cho khoảng 400 ngàn người Trung Quốc thiệt mạng. Ngạn Anh đã lấy vợ trước đó một năm và vợ anh, Lưu Tư Tề (Liu Xi Qi), từ vài năm qua vẫn được xem như là con gái nuôi của Mao Trạch Đông. Ông ta thích cô đến nỗi tỏ ra vô cùng giận dữ khi nghe tin Ngạn Anh và Tư Tề đính hôn. Sự thực đằng sau cơn thịnh nộ này là: Lưu Tư Tề hết sức xinh đẹp, và Mao ghen với người con trai sẽ được ngủ với cô. Ông ta cản trở việc tổ chức đám cưới với những cái cớ kỳ lạ, chẳng hạn như phải chờ đến lúc tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ngày 01/10/1949…Khi nghe tin con trai mình tử thương, Mao phát biểu câu này thay cho lời ai điếu :

- Đã là chiến tranh làm sao không có người chết cho được ?

Ông ta không tỏ ra buồn phiền một chút nào, không hề nhỏ một giọt nước mắt. Tư Tề suốt một thời gian dài vẫn không hay biết về cái chết của chồng, và cuối cùng khi cô chất vấn Mao Trạch Đông về vấn đề này, ông ta trả lời là Ngạn Anh đã chết. Lưu Tư Tề kề cận cha chồng gần như hàng ngày trong suốt hai năm rưỡi trời, nhưng chưa bao giờ thấy Mao tỏ vẻ u sầu. Thậm chí ông ta còn nói đùa với cô về Ngạn Anh, như là con trai vẫn còn sống…

Lưu Tư Tề và Mao Ngạn Anh
Kể từ năm 1958, trong cơn say Đại nhảy vọt, Mao trở nên ít kín đáo hơn trong cuộc sống riêng tư. Cho đến nỗi nhiều người đều biết về cách sống xa hoa, phóng đãng của ông ta, về những tòa biệt thự nằm rải rác khắp đất nước Trung Quốc, và về việc cung cấp gái đẹp mà chính Mao gọi là « tuyển lựa cung phi ». Các nữ nghệ sĩ trẻ của các đội văn công tham gia các buổi dạ vũ, cạnh tranh với nhau để làm đẹp lòng Mao, và kết thúc bằng việc qua đêm với ông ta. Các cô ganh tị lẫn nhau, cô nào được Mao nắm tay dẫn vào phòng ngủ trở thành mục tiêu bị các cô khác thù ghét. 

Một hôm – và đây là lần duy nhất trong đời – Giang Thanh đã làm ầm ĩ lên với Mao. Ông ta phản ứng bằng cách cấp tốc ra khỏi phòng. Giang Thanh nhanh chóng hối hận vì cơn nóng giận này, và gởi đến Mao lời xin lỗi. Ông ta chỉ nhún vai. Có nghĩa lý gì, vài cô hầu thiếp dành cho con người quyền lực nhất, nhà sáng lập nước Trung Hoa cộng sản ?

Từ đó Mao hoàn toàn yên ổn, không hề bị bà vợ chua ngoa chỉ trích. Ông ta cũng không còn giấu diếm việc đi lại thường xuyên với các cô gần như là gái gọi hạng sang. Thỉnh thoảng lại có một trong số những cô gái này, nhờ quyến rũ hơn, đã được nâng cấp : thay vì là người tình một đêm, được ân sủng trở thành quý phi. 

Người đầu tiên giành được vị trí ưu tiên này là một nữ nhân viên trẻ của Cơ mật viện - một cô gái tuyệt đẹp có làn da trắng như tuyết, đôi mắt sáng và cặp chân mày xinh như vẽ. Cô ta không thèm giấu diếm gì với Giang Thanh, và còn tìm cách làm thân với bà. Giang Thanh, được nịnh hót và vẫn còn áy náy vì mới đây đã nổi nóng với Mao, vui vẻ chấp nhận sự hiện diện của cô ta. Bà tự hứa với chính mình là sẽ không gây sự với chồng vì chuyện các cô bồ của ông ta nữa.

Mao Trạch Đông và Giang Thanh, năm 1949
Những người thân tín của Mao luôn tìm cách làm vui lòng ông ta. Ban đầu mỗi tuần chỉ có một đêm dạ vũ, nhưng sau đó họ nhanh chóng thấy rằng để chiều lòng chủ tịch thì như thế chưa đủ. Thế là từ một buổi dạ vũ trở thành hai buổi mỗi tuần, có nghĩa là số cung phi dành cho Mao phải tăng gấp đôi. Tất cả các đoàn văn công đều phải đóng góp vào. Sự chăm sóc này không phải là quá đáng, vì chủ tịch càng cao tuổi thì ham muốn tình dục lại tăng lên. Năm đó Mao đã 67 tuổi.

Khi phải nhận lãnh những ngón đòn chính trị và bực tức trước những lãnh đạo cao cấp khác của Đảng, Mao nằm lì suốt nhiều ngày và chỉ ra khỏi giường để dự dạ vũ. Ông ta thường xuyên nhảy nhót cho đến hai giờ sáng, rồi sang phòng bên cạnh « nghỉ ngơi » với các « đối tác ». Không một tiếng động nào lọt ra khỏi căn phòng có cánh cửa bọc vải dày. Những cô gái được chọn lựa không hề phàn nàn, mà hoàn toàn ngược lại. 

Chưa bao giờ, ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất, các cô có thể tưởng tượng ra có ngày lại được phục vụ cho thú vui nhục cảm của vị thượng đế được hàng trăm triệu người tôn sùng. Rất ít người từ chối đề nghị của chúa tể Trung Quốc. Có thể chỉ có vài cô y tá hay phụ nữ hơi cứng tuổi. Cô y tá nào từ chối thì đó là vì đạo đức nghề nghiệp không cho phép lẫn lộn vai trò, còn phụ nữ lớn tuổi thì do mắc cỡ khi phải gia nhập hậu cung gồm toàn các thiếu nữ tuổi xuân hơ hớ. Còn tất cả những cô gái khác đều phát cuồng vì Mao, và sẵn sàng thỏa mãn những đòi hỏi dù có quá quắt của ông ta.

Hầu hết là những cô gái rất nghèo khó. Chẳng hạn cô Lưu từng đi ăn xin trên đường phố cùng với mẹ, cô Chu là trẻ mồ côi. Thường thì cha mẹ các cô này, đã qua đời, được xem là « liệt sĩ cách mạng ». Nhiều cô không được học hành gì cả, và trở thành diễn viên múa nhờ có Đảng. Các đoàn văn công đầy dẫy những thiếu nữ loại này, được tuyển mộ nhờ ngoại hình chuẩn, để giúp người của các cán bộ cao cấp trong Đảng giải trí. 

Các cô được lên giường với Mao là « hàng tuyển trong số hàng tuyển », cho dù chỉ vài tiếng đồng hồ. Điều này chỉ có thể hiểu được nếu chúng ta nhớ lại nạn thần thánh hóa Mao Trạch Đông. Sự xuất hiện của Mao trong những dịp lễ lạc trang trọng, oai vệ như một bức tượng đại đế tại quảng trường Thiên An Môn, là một kỷ niệm không thể quên đối với mỗi người tham dự. Chưa nói đến những người được đặc ân có một không hai là bắt tay với Mao, họ không rửa ráy trong nhiều tuần lễ để giữ trên người loại « nước thánh ». Có thể nói, Mao gần như một huyền thoại, và còn được yêu mến và kính trọng hơn cả các đại đế Trung Hoa. 

Làm thế nào trong điều kiện đó, các cô gái trẻ dốt nát lại không cảm thấy hãnh diện khi được vinh dự ngủ vài tiếng đồng hồ bên cạnh vị thánh sống ? Việc này cũng như một lễ hiến tế tối thượng, và các cô sẵn sàng làm tất cả để xứng đáng với niềm vinh hạnh lớn lao như thế. Tất cả những cô gái này đều chưa chồng, vừa mới tròn hai mươi, hai mươi hai tuổi, và một khi đã bị Mao chán chê thì cũng phải đợi đến khi chủ tịch cho phép mới được lập gia đình.

Mời đọc lại:
Mao Trạch Đông và hàng ngàn thê thiếp (1)

samedi 29 septembre 2012

Trung Quốc : Nhà báo tố cáo tham nhũng bị truy lùng

Bài đăng : Thứ sáu 28 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 29 Tháng Chín 2012 
 
Trong bài viết mang tựa đề « Trung Quốc : Nhà báo bị săn lùng », thông tín viên của nhật báo cánh tả Libération tại Bắc Kinh cho biết, nhà báo tự do Zhou Xiaoyun đang bị công an truy lùng suốt sáu tuần qua vì đã tố cáo các viên chức tham nhũng.

Bài báo nhận xét, các nhà báo làm phóng sự luôn gặp nhiều nguy hiểm khi điều tra về các vụ tham nhũng. Hôm 9/8, bài viết của nhà báo Zhou Xiaoyun đăng trên tờ Nam Phương tiết lộ việc 61 cán bộ của huyện Phụ Trữ (Funing) tỉnh Giang Tô được xem là « vô kỷ luật » vì đã bỏ túi nhiều bổng lộc, lại được nghiễm nhiên quay lại với chức vụ cũ. Phẫn nộ trước sự lạm dụng quyền lực này, hàng ngàn cư dân mạng đã hoan nghênh lòng can đảm của nhà báo. Nhưng ngược lại, các lãnh đạo huyện vẫn khẳng định các cán bộ tham nhũng trên đã hành động hợp pháp.

Sáu công an viên được gởi đến Quảng Đông cách đó 1.500 km, nơi nhà báo tự do này cư ngụ. Không tìm ra Zhou Xiaoyun, công an đã hăm dọa thông qua các đồng nghiệp của ông. Tác giả bài báo đang ở một nơi trú ẩn an toàn, qua thư điện tử đã cho biết thậm chí một thiếu nữ có lẽ được công an thuê, còn tìm cách gài bẫy ông. Một người bạn ông nghi ngờ công an muốn bắt cóc nhà báo đem về Phụ Trữ để nhốt vào trại cải tạo. Trước khi bị truy lùng, Zhou đã trả lời phỏng vấn trên Kdnet, một trang mạng ở Quảng Đông. Trong đoạn video này, ông đã cẩn thận dùng khẩu trang y tế che mặt, đeo kính để không thể nhận diện.

Trong khi đó, chính quyền trung ương vẫn làm ngơ. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh đã dành cho công an địa phương và trung ương đặc quyền đứng ngoài pháp luật. Gây áp lực lên gia đình, hăm dọa, bắt giữ vô cớ, nghe lén điện thoại, bắt đi cải tạo… công an tha hồ chọn lựa biện pháp để làm im tiếng các nhà ly khai hay những người mà họ cho là gây phiền hà.

Trong một hệ thống mà ai cũng phải tham nhũng…

Bắc Kinh nhìn nhận những thiệt hại do tệ nạn tham nhũng gây ra, thậm chí báo chí chính thức cũng khẳng định đấu tranh chống tham nhũng là « vấn đề sống còn ». Mỗi năm có trên 150.000 cán bộ bị điều tra về tham nhũng. Nhưng theo giáo sư He Jiahong, thì trên thực tế « Tham nhũng là một phần của hệ thống, trong lãnh vực Nhà nước cũng như tư nhân. Hội đồng Nhà nước đã thông qua một đạo luật năm 1995 đòi tất cả các viên chức đến cấp nào đó phải kê khai tài sản. Nhưng các bản kê này lại không được công khai…Chính quyền thường sử dụng để thanh toán ai đó vì lý do chính trị ».

Theo Libération, do việc thanh trừng ý thức hệ không còn hợp thời, nên những người nắm quyền thường sử dụng đến tội danh tham nhũng. Đây là một phương tiện trấn áp hữu hiệu của Đảng, vì đa số cán bộ đều có khuyết điểm. Ông Bào Đồng, một cựu cán bộ cao cấp mới đây đã nhìn nhận : « Trong một hệ thống như thế, người ta đành phải tham nhũng thôi. Tôi cũng vậy, vì tôi không thể làm khác ».

Những kẻ tham nhũng bị tố cáo bị điều tra nội bộ hoàn toàn bí mật theo thủ tục do Ủy ban Kỷ luật của Đảng ấn định. Họ bị thẩm vấn một cách thô bạo, đôi khi kéo dài nhiều tháng. Vị giáo sư trên tiết lộ: « Trong thập niên 90, các cuộc thẩm vấn diễn ra trong những phòng khách sạn, nhưng nay Ủy ban đã cho xây dựng những địa điểm đặc biệt ». Thường nằm ở ngoại ô và bề ngoài có vẻ bình thường, những gian phòng thẩm vấn được đặt tại tầng trệt để tránh việc bị cáo nhảy qua cửa sổ. Cũng có thể tại một trong những nhà ngục như thế mà ông Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ Chính trị, đang chờ đợi bản án trừng phạt.

Bài báo kết luận, nạn dịch tham nhũng cộng với sự tương đối dung thứ cho loại tội phạm này, bí mật chọn lựa ra người nào phải truy tố, người nào để yên…khiến một số chuyên gia nghi ngờ trò chơi hai mặt của chính quyền. Nhà báo đang lẩn trốn Zhou Xiaoyun nhấn mạnh : « Phương cách hữu hiệu nhất để chống tham nhũng chỉ đơn giản là minh bạch và tự do báo chí ».

Sản xuất côn trùng làm thực phẩm cho người Trung Quốc

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Le Monde có bài « Các nhà máy sản xuất côn trùng nuôi người Trung Quốc » nói về một ngành công nghiệp mới nảy sinh, đó là ngành nuôi côn trùng để cung cấp nguồn thực phẩm giá rẻ và giàu protein cho người Trung Quốc.

Đặc phái viên của tờ báo đã đến một xưởng sản xuất côn trùng tại một địa phương thuộc tỉnh Hồ Nam, nơi chủ nhân đã đăng ký 7 bằng sáng chế và đầu tư 250.000 euro vào đây. Đủ loại côn trùng, ấu trùng được nuôi và chế biến thành thực phẩm cho người và gia súc. Đây là một loại thực phẩm thay thế cho thịt, cá đối với người, và cũng là thức ăn rẻ tiền dành cho gia súc, đặc biệt là trong ngành nuôi thủy sản.

Trong côn trùng có nhiều chất dinh dưỡng như protein, chất khoáng…và hiệu suất cũng cao hơn nhiều so với gia súc, cần ít nước và diện tích mặt đất hơn. Hiện có khoảng 200 loài côn trùng có thể nuôi và chế biến thành thực phẩm. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào thuyết phục được người tiêu dùng vượt qua được lực cản tâm lý để đưa côn trùng lên đĩa thức ăn của mình.

Áp lực Bắc Kinh càng làm cánh hữu Nhật thêm cứng rắn

« Cánh hữu Nhật trở nên cứng rắn hơn trước cơn thịnh nộ của Trung Quốc », đó là tựa đề bài viết của thông tín viên Le Monde tại Tokyo. Tác giả nhận định, việc ông Shinzo Abe được bầu làm chủ tịch đảng Tự do Dân chủ (PLD) hôm thứ Tư 26/9, cho thấy, đảng đối lập lớn nhất nước Nhật đang hữu khuynh hơn. Điều này cũng có nghĩa, khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa chống Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy tại Nhật Bản.

Trong khi đảng Dân chủ cầm quyền có nguy cơ mất đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn sẽ diễn ra trước cuối năm nay, và tình hình căng thẳng trước Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, khuynh hướng cứng rắn hơn của PLD có thể tạo ảnh hưởng lên chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Đồng thời cũng khiến cho số cử tri đã mất niềm tin nơi đảng Dân chủ, nhưng không ủng hộ dân tộc chủ nghĩa, không thể quay sang coi PLD là chỗ dựa.

Theo Le Monde, thì trong một nước Nhật mà lòng tin vào giới chính trị từ lâu đã bị lung lay, và đang phải đối mặt với hậu quả của nạn động đẩt và sóng thần, thảm họa Fukushima, bất bình đẳng xã hội và kinh tế đình trệ, những sa lầy về chính trị càng làm viễn cảnh tương lai thêm u ám.

Tờ báo nói thêm, cả ba ứng cử viên cho chức chủ tịch đảng PLD đều có truyền thống hữu khuynh. Người vừa đắc cử, ông Shinzo Abe là cháu của ông Nobusuke Kishi, từng bị bắt vì là tội phạm chiến tranh năm 1945 và sau đó được người Mỹ thả ra. Ông Kishi chối bỏ trách nhiệm của quân Nhật trong vụ buộc phụ nữ phục vụ nhu cầu tình dục trong thời chiến, ủng hộ việc viếng thăm đền Yasukuni và sửa lại Hiến pháp Nhật.

Có nên cho người được phỏng vấn đọc lại trước khi đăng báo ?

Liên quan đến nghề báo, với bài « Phỏng vấn: Báo chí đối mặt với việc đòi đọc lại bài », nhật báo Libération đề cập đến việc tờ New York Times quyết định không để cho người được phỏng vấn đọc lại bài viết trước khi đăng. Tờ báo Mỹ nói rõ : « Các phóng viên phải từ chối phỏng vấn nếu bị đặt điều kiện tiên quyết là phải đưa cho người được phỏng vấn xem lại, thông qua hay sửa đổi ». 

Theo Libération, thì hiện nay việc này rất phổ biến tại Pháp. Không chỉ các ông chủ công ty, chính khách, viên chức, chuyên gia…mà nay hầu như tất cả những người được phỏng vấn đều đòi được đọc lại trước khi đăng báo. Tại tờ Le Monde, quy định về đạo đức nghề nghiệp buộc không cho phép người được phỏng vấn « duyệt » lại trước, còn dự thảo quy định của Le Parisien đề nghị phải « ghi rõ là bài phỏng vấn đã được đương sự đọc lại ». Đây cũng là điều là Le Monde đã làm cách đây vài năm, nhưng nay đã chấm dứt vì sẽ khiến cho độc giả không tin vào bài báo.

Các phóng viên đứng trước một sự chọn lựa khó khăn : Không cho đọc lại thì sẽ bị từ chối trả lời phỏng vấn, và người này có thể trả lời một tờ báo khác chấp nhận cho duyệt lại. Thế nên chỉ có thể có tác dụng nếu tất cả các báo đều có cùng quan điểm. Ngay cả tờ New York Times cũng cho biết có thể có những trường hợp đặc biệt.

Một đài phát thanh tiếng Nga phải im tiếng 

«Lời cầu nguyện cho Radio Svoboda»: Kể từ ngày 10/11 tới, đài phát thanh tiếng Nga đặt tại Matxcơva trực thuộc Radio Free Europe (tức Đài Châu Âu Tự Do RFE-RL) sẽ ngưng phát sóng. Thực ra hồi kết này đã được biết trước từ khi có một tu chính án mới vào năm 2011, quy định một đài phát thanh không thể có hơn 48% vốn nước ngoài, trong khi đó Radio Svoboda có 100% vốn của Mỹ.

Le Monde cho rằng không chỉ là một đài phát thanh, mà cả một tượng đài lịch sử sẽ phải biến mất. Radio Svoboda ( Svoboda tiếng Nga có nghĩa là « Tự Do » phát sóng lần đầu vào ngày 01/03/1953, ngày mà Stalin bị tai biến mạch máu não và qua đời bốn hôm sau đó). Trong khi xung quanh toàn ngôn ngữ tuyên truyền, tiếng nói của Radio Svoboda khiến hàng triệu người Xô viết thích thú theo dõi cho dù Nhà nước có phá sóng.

Với chính sách đổi mới trong thập niên 80, ông Boris Eltsine cho ngưng phá sóng đài này. Nhưng khi Vladimir Putin lên nắm quyền, Radio Svoboda thường xuyên tố cáo những hành động tàn bạo tại Tchetchenia, với các phóng sự hàng đêm của thông tín viên Andrei Babitski. Nhà báo này mất tích vào ngày 16/01/2000, sau khi được thả ra, anh cho biết đã bị tình báo Nga bắt cóc và giam giữ chứ không phải là nạn nhân của các « băng đảng Tchetchenia » như chính quyền tuyên bố. Mười một năm sau đó, Radio Svoboda lại « tái phạm » khi tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình chống Putin ngay từ khi phong trào mới nhen nhúm vào cuối năm ngoái, nên cũng dễ hiểu khi Kremlin muốn đài này phải im lặng.

tags: Châu Á - Tham nhũng - Trung Quốc - Xã hội - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120928-trung-quoc-nha-bao-to-cao-tham-nhung-bi-truy-lung 
 

jeudi 27 septembre 2012

Bắc Kinh cắt viện trợ để phạt Manila về tội tiếp cận với Nhật


Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 
 
Từ khi quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Manila bắt đầu tìm cách thu hút đầu tư Nhật. Hôm qua 26/09/2012, Philippines đã tuyên bố sẽ ưu đãi về thuế cho các công ty Nhật chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Philippines.

Theo thông tín viên Gabriel Kahn tại Manila, hành động của Philippines đã làm cho Bắc Kinh cay cú :

« Trong bối cảnh xung đột tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, Trung Quốc đã quyết định cắt một phần viện trợ phát triển cho Philippines, và đòi Manila phải trả món nợ 593 triệu đô la cho vay để xây dựng một tuyến đường xe lửa. Tuyến tàu cao tốc này sẽ nối liền thủ đô Manila với Clark, nơi có sân bay lớn thứ hai ở Philippines, cách đó khoảng năm chục cây số.

Trong khuôn khổ chương trình viện trợ phát triển, Trung Quốc đã chấp nhận tài trợ cho dự án này khoảng 600 triệu đô la. Nhưng cuộc xung đột về chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và Philippines tại quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough đã thổi bùng lên sự căng thẳng trong quan hệ đôi bên.

Sau khi gặp gỡ Phó chủ tịch Trung Quốc vào tuần rồi, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Thông tin Philippines đã loan báo, kế hoạch tín dụng trên đây đã bị hủy, và phải hoàn trả trong vòng hai năm tới.

Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế chủ yếu của Philippines, và đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh sử dụng « cây gậy và củ cà rốt » để gây ảnh hưởng lên ngoại giao. Trong những tháng gần đây, có lúc Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu chuối và khuyến cáo các công ty du lịch Trung Quốc không tổ chức tour đi Philippines. Đây là một biện pháp rất hiệu quả.

Bộ trưởng Thông tin Philippines nhấn mạnh, việc trả nợ đi kèm với sự thiếu minh bạch trong thủ tục gọi thầu, đòi hỏi phải tăng cường đối thoại với Trung Quốc ».

tags: Châu Á - Philippines - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120927-trung-quoc-danh-vao-kinh-te-de-ngan-can-philippines-tiep-can-voi-nhat 
 

Quốc tế sẵn sàng cho Miến Điện vay đến một tỉ đô la

Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 
 
Theo một tờ báo Nhật, thì các định chế quốc tế sẵn sàng cho Miến Điện vay đến một tỉ đô la. Số tiền này sẽ được bàn bạc bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới tại Tokyo vào đầu tháng Mười.

Thông tin này được đưa ra cùng lúc với việc Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton loan báo với Tổng thống Miến Điện Thein Sein là sắp tới Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận nhập khẩu hàng Miến Điện. Đây là một trong những giai đoạn cuối cùng trước khi bình thường hóa quan hệ hai nước.

Nhật báo kinh tế Nikkei cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu (DAB) đang chuẩn bị việc tái cấp tín dụng quy mô cho Miến Điện, quốc gia liên tục có những cải cách dân chủ từ 18 tháng qua. Ba định chế quốc tế trên sẽ cho vay tổng cộng 900 triệu đô la để hỗ trợ phát triển kinh tế cho một đất nước từ lâu vẫn bị tẩy chay trên trường quốc tế.

Về phần Ngân hàng hợp tác quốc tế của Nhật Bản và một số ngân hàng Nhật khác, sẽ đề nghị các món tín dụng mới để giúp Miến Điện thanh toán những món nợ cũ. Như vậy theo tờ Nikkei, tổng cộng khoảng một tỉ đô la tín dụng sẽ được dành cho Miến Điện.

Cũng theo tờ báo này, thì Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Á châu muốn cấp viện trợ không hoàn lại cho chính quyền Miến Điện, nhưng các đại diện Mỹ trong Hội đồng quản trị của hai ngân hàng trên phản đối.

Còn tờ Mainichi cho biết Nhật Bản, nước chủ nợ chính của Miến Điện, muốn kêu gọi hai định chế quốc tế trên cũng như các chủ nợ khác xóa một phần nợ cho Miến Điện. Tokyo đã xóa 300 tỉ yen (tương đương 3 tỉ euro) trên tổng số nợ 500 tỉ yen cho nước này, theo một hiệp định được ký kết hồi tháng Tư.

Cũng giống như Hoa Kỳ và Trung Quốc, Nhật Bản muốn khuyến khích đầu tư vào Miến Điện, đặc biệt là trong lãnh vực dầu khí rất ít được khai thác trong thời gian tập đoàn quân sự cầm quyền trước đây.

Từ khi chính quyền quân sự cũ giải thể vào tháng 3/2011, bộ mặt của Miến Điện đã hoàn toàn thay đổi dưới chính quyền « dân sự » mới gồm các cựu tướng lãnh chủ trương cải cách. Tổng thống Thein Sein đã trả tự do cho hàng trăm tù nhân chính trị, ký kết ngưng bắn với nhiều nhóm nổi dậy người thiểu số. Nhà đối lập Aung San Suu Kyi không còn bị quản thúc, được tham gia tranh cử và đã trở thành đại biểu Quốc hội vào tháng Tư.

tags: Châu Á - Kinh tế - Miến Điện - Quốc tế
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120927-quoc-te-san-sang-cho-mien-dien-vay-den-mot-ti-do-la 
 

Hạng sang và giá rẻ cùng chiếm lĩnh hội chợ xe hơi thế giới 2012

Kiểu xe Ferrari F12 Berlinetta
Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 

Hội chợ xe hơi thế giới (Mondial de l’automobile) khai mạc tại Paris hôm nay 27/09/2012 trong bối cảnh đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.Các nhà sản xuất dự kiến năm 2013 sẽ còn u ám hơn năm nay, và cho rằng cần có chính sách linh hoạt hơn lãnh vực này. Các kiểu xe giá rẻ và xe hạng sang mới nhất được chú ý nhiều nhất trong hội chợ.

Hội chợ phản ánh tình trạng ngành công nghiệp xe hơi tạm thời vẫn khá tốt đẹp : tiêu thụ tại Mỹ bắt đầu tăng lại, nhu cầu ở các nước mới nổi ổn định. Riêng tại châu Âu, thì doanh số bán năm nay được ước lượng giảm đi từ 6 đến 7%, thậm chí từ 10 đến 11% tại Pháp. Tập đoàn PSA Peugeot Citröen buộc phải tái cấu trúc một cách rộng rãi với việc sa thải 8.000 công nhân, Renault giảm bớt tiến độ sản xuất tại nhiều nhà máy, còn Fiat cho đóng băng các dự án đầu tư ở châu Âu.

Trước tình hình đó, các kiểu xe nhắm đến thị trường toàn cầu được giới thiệu rất nhiều tại hội chợ năm nay. Dacia, nhãn hiệu giá rẻ của hãng Renault đưa ra các kiểu xe Logan mới và Sandero hiện đại hơn, với động cơ tân tiến nhất của hãng. Tập đoàn PSA trình diện với báo chí kiểu Peugeot 301 và Citroën dành riêng cho thị trường Đông Âu và vùng Địa Trung Hải với cái giá dưới 3.000 và 4.000 euro. Volkswagen có kiểu Skoda Rapid, Chevrolet có kiểu Spark loại nhỏ, Mitsubishi có kiểu Mirage kích thước nhỏ.

Bên cạnh đó, hội chợ vẫn tiếp tục tìm cách thu hút người mua với các kiểu xe sang trọng. Sản phẩm mới nhất của hãng Renault là chiếc Clio 4, do Laurens Van Den Acker vẽ kiểu. Peugeot giới thiệu kiểu 208 GTi, và loại xe địa hình dành cho thành phố 2008, còn Citroën đưa ra kiểu DS3 mui trần rất được chờ đợi. Trong số những kiểu xe mơ ước, Aston Martin trình làng chiếc DB9 mới, và Porsche giới thiệu Panamera kiểu break. Cùng loại này còn có Mazda6 break, và kiểu Auris break của Toyota.

Hội chợ sẽ chính thức mở cửa cho công chúng vào thứ Bảy 29/9 tới. Được tổ chức hai năm một lần, Mondial Automobile là hội chợ xe hơi quy mô nhất của châu Âu, tập hợp nhiều nhà sản xuất trên thế giới đến trưng bày các sản phẩm đắc ý nhất của mình, trên một diện tích 96.000 mét vuông. Kỳ hội chợ năm 2010 trước đây đã thu hút 1,46 triệu khách tham quan.

Các nhà sản xuất xe hơi Pháp đòi hỏi cần có chính sách linh động hơn để giảm bớt chi phí. Chính phủ Pháp vẫn tin tưởng vào tương lai của ngành kỹ nghệ thu dụng 1/10 nhân công tại Pháp, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp, và Tổng thống François Hollande sẽ đến thăm hội chợ ngày mai.

tags: Công nghiệp - Hội chợ - Kinh tế - Pháp - Triển lãm - Xe hơi
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120927-xe-hoi-gia-re-va-hang-sang-cung-chiem-linh-hoi-cho-xe-hoi-the-gioi-2012 

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi khẩn cấp chống sốt rét kháng thuốc

Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 
 
Các chính phủ khu vực sông Mêkông phải hành động khẩn cấp để phòng chống sự lan tràn của bệnh sốt rét kháng thuốc có thể xuất hiện tại Việt Nam và Miến Điện. Trên đây là tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (OMS) hôm nay 27/09/2012 trong cuộc họp khu vực tại Hà Nội.

Thông cáo của OMS cho biết, có những yếu tố ngày càng thuyết phục cho thấy ký sinh trùng sốt rét kháng lại artémisinine - loại thuốc chiết xuất từ cây thanh hao để trị bệnh sốt rét - hiện diện ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, cũng như tại đông nam Miến Điện.

Ổ bệnh kháng thuộc xuất hiện cách đây tám năm tại biên giới giữa Cam Bốt và Thái Lan, và một ổ bệnh khác mới được xác định tại biên giới Thái Lan và Miến Điện.

Giám đốc khu vực của OMS, ông Shin Young Soo nhấn mạnh, các chính phủ phải « quan tâm đến vấn đề này trước khi gây nguy hiểm không chỉ cho những thành tựu mong manh đạt được trong cuộc đấu tranh chống bệnh sốt rét, nhưng cả cho mục tiêu một khu vực Thái Bình Dương phương Tây không có bệnh sốt rét ».

Theo ông, các nước khu vực sông Mêkông cần phải « tăng cường và mở rộng » các hoạt động chặn đứng và diệt trừ sốt rét kháng thuốc. Các biện pháp ngăn chận tổng quát là phân phối mùng, các loại thuốc hiệu quả, tẩy trùng và phổ biến các xét nghiệm chẩn đoán.

Tại Việt Nam, theo cơ quan y tế, sốt rét kháng thuốc chủ yếu tại ba tỉnh ở miền Trung và miền Nam, trong đó có nhiều yếu tố khiến khó thể chận đứng được căn bệnh. Dân chúng các tỉnh này rất nghèo, thường xuyên di chuyển, ít khi sử dụng các loại mùng đã tẩm thuốc diệt muỗi, và bệnh nhân thường không theo chỉ định điều trị của bác sĩ đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên hiện tượng ký sinh trùng sốt rét kháng lại thuốc artémisinine không ngăn trở được việc điều trị cho bệnh nhân. Loại thuốc này cần được phối hợp với các thuốc khác, và việc kháng thuốc chỉ làm kéo dài thêm hai, ba ngày so với thời gian khỏi bệnh thông thường là 24 tiếng đồng hồ.

Bệnh sốt rét do ký sinh trùng gây ra qua trung gian của loài muỗi, đã giết hại khoảng 655.000 người trong năm 2010, đặc biệt là trẻ em châu Phi, cho dù tỉ lệ tử vong có giảm mạnh trong những năm gần đây.
 
tags: Khoa học - Mêkông - Sốt rét - Theo dòng thời sự - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120927-to-chuc-y-te-quoc-te-keu-goi-khan-cap-chong-sot-ret-khang-thuoc 
 

Bạo động tiếp diễn tại Syria : Một ngày hơn 300 người chết

Bài đăng : Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 27 Tháng Chín 2012 
 
Quân chính phủ hôm nay 27/09/2012 đã không kích nhiều cứ điểm của quân nổi dậy, và một đường ống dẫn dầu đã bị phá hoại tại đông bắc Syria. Số nạn nhân ngày càng tăng cao. Chỉ trong hôm qua đã có ít nhất 305 người thiệt mạng, đây là ngày đẫm máu nhất của cuộc xung đột đã kéo dài từ 18 tháng qua.

Trong khi chưa có một giải pháp nào để chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, bạo động tiếp tục gia tăng khiến mỗi ngày lại có thêm nhiều người chết, người tị nạn, và cộng đồng quốc tế vẫn tỏ ra bất lực.

Bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ kêu gọi Hội đồng Bảo an một lần nữa cố gắng tìm ra một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến đẫm máu ở Syria. Các nước phương Tây và nhiều nước Ả Rập đòi hỏi sự ra đi của ông Bachar Al Assad, trong khi Nga và Trung Quốc từ chối mọi can dự vào chuyện nội bộ của đồng minh Syria.

Tại chỗ, quân chính phủ không kích và bắn pháo vào nhiều cứ điểm của phe nổi dậy tại nhiều thành phố như Homs, Hama, Alep, Idleb, Lattaquié, Deir Ezzor. Chỉ trong hôm qua đã có ít nhất 305 người chết, trong đó có 199 thường dân, theo số liệu của Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (OSDH) vốn có mạng lưới nhiều cảm tình viên tại chỗ và các y bác sĩ. Đây là ngày đẫm máu nhất kể từ khi phong trào phản kháng bắt đầu vào tháng 3/2011, trước đó ngày có số tử vong cao nhất (302 người) là 19/7 vừa qua.

Tại Hassaka hôm nay, một đường ống dẫn dầu đã bị đặt chất nổ, giám đốc trạm bơm dầu bị bắt cóc, chưa rõ do nhóm nào thực hiện. Còn hôm qua đã xảy ra liên tiếp hai vụ tấn công tự sát nhắm vào trụ sở Bộ Tổng tham mưu quân đội ở ngay trung tâm Damas, làm bốn lính gác tử thương ; một nhóm thánh chiến đã tự nhận là tác giả.

Liên Hiệp Quốc ước tính cho đến cuối năm sẽ có trên 700.000 người Syria phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) cho biết, đã có trên nửa triệu người Syria trốn khỏi đất nước, trong đó 75% là phụ nữ và trẻ em. Cuộc chiến kéo dài 18 tháng qua đã làm trên 30.000 người chết, và hai triệu người Syria đang thiếu thốn thực phẩm và các vật dụng tối cần thiết.

Trước tình hình bế tắc hiện nay, Tunisia mong muốn có được « một lực lượng Ả Rập giữ gìn hòa bình » tại Syria, còn Qatar đã kêu gọi một cuộc can thiệp quân sự vào Syria do các nước Ả Rập tiến hành. Nhưng theo các chuyên gia thì điều này không thể thực hiện được, vì chưa đủ năng lực quân sự cũng như một bộ chỉ huy thống nhất.

tags: Bạo động - Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20120927-mot-ngay-hon-ba-tram-nguoi-chet-bao-dong-tiep-dien-tai-syria 
 

mercredi 26 septembre 2012

Pháp: Tịch thu lượng cần sa kỷ lục, ba người Việt bị câu lưu

Bài đăng : Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 

Hai vườn trồng cần sa với trên 3.000 cây, số lượng thuộc loại kỷ lục từ trước đến nay ở Pháp, đã bị cảnh sát phát hiện hôm qua 25/09/2012 tại vùng Aube. Ba người Việt cư ngụ tại vùng ngoại ô Paris bị câu lưu.

Trước đây vào tháng 2/2011, cảnh sát Pháp đã từng phát hiện 700 cây cần sa tại một nhà kho cũng của người Việt ở La Courneuve, thuộc vùng Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris. Hai vườn cần sa được tìm ra lần này, một vườn tại một nhà kho ở Essoyes, vườn kia tại một tiệm bánh mì bị bỏ phế tại Virey-sous-Bar, hai địa phương chỉ cách nhau vài cây số.

Các điều tra viên vùng Hauts-de-Seine đã bắt giữ ba người Việt Nam tại một bãi đậu xe ở Ivry-sur-Seine, vùng Val-de-Marne ; một người tuổi khoảng sáu mươi còn hai người kia khoảng năm mươi. Một nghi can nhanh chóng được trả tự do sau đó, hai người bị câu lưu và chuyển giao cho vùng Aube. Trong xe hơi của một nghi can, cảnh sát tìm thấy 8 kg cần sa và 14.000 euro tiền mặt.

Đây là kết quả điều tra công phu của cảnh sát Hauts-de-Seine, một trong các nghi can trên đã bị theo dõi từ nhiều tháng qua. Tại Essoyes, một làng nhỏ có 700 dân, ngôi nhà nơi trồng cần sa đã bị niêm phong. Người dân tại đây cho biết chủ nhà là một người rất kín tiếng, một năm chỉ đến lấy thư hai, ba lần. Còn tại vườn cần sa ở Virey-sous-Bar, không ai biết gì về chủ nhân.

Trả lời AFP, chuyên gia Michel Gandihon thuộc cơ quan phụ trách vấn đề ma túy và người nghiện của chính phủ Pháp cho biết thêm, trong vụ ở Courneuve tháng 2/2011, chủ vườn cần sa cũng là người Việt Nam. Cây cần sa được trồng trong nhà, vườn này có thể sản xuất được trên 100 kg/năm, chủ nhân có thể đạt được doanh số trên 400.000 euro mỗi năm, thu lợi nhuận rất lớn nhờ giá lao động rẻ.

Những nhân công làm việc ở đây là những người Việt nhập cư lậu, phải trả chi phí cho chuyến đi sang châu Âu bằng nhiều tháng làm việc trong những điều kiện tệ hại như nô lệ thời hiện đại. Còn ở Anh, người Việt Nam cũng thống lĩnh việc buôn bán cần sa.

Trong những tháng gần đây, nhiều vườn cần sa đã liên tục bị khám phá tại Pháp. Cách đây 10 ngày, một « khu rừng cần sa » với trên 500 cây, trong đó có những cây cao hơn ba mét, đã được phát hiện tại Isère. Trước đó vài tháng, một mạng lưới các nhà sản xuất sở hữu ba địa điểm trồng cần sa tại Bouches-du-Rhône và Var đã bị cảnh sát câu lưu. Nhiều vụ bắt giữ liên quan đến việc trồng cần sa đã diễn ra tại Cộng hòa Sec vào tháng Sáu và Roma (Ý) vào tháng Tám.

tags: Ma túy - Pháp - Pháp luật - Việt Nam - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120926-phap-tich-thu-luong-can-sa-ky-luc-ba-nguoi-viet-bi-cau-luu 

Trung Quốc phạt trên 12.000 euro nếu công bố bản đồ thiếu một phần lãnh thổ tranh chấp


Bài đăng : Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 
Theo một dự án luật được Tân Hoa Xã tiết lộ hôm qua 25/09/2012, thì khi công bố một bản đồ tại Trung Quốc mà nếu thiếu đi một phần lãnh thổ được Bắc Kinh tranh chấp, sẽ bị phạt rất nặng.

Dự luật đang được soạn thảo này quy định, nếu thiếu mất một phần lãnh thổ trên bản đồ Trung Quốc được công bố, thì sẽ bị phạt đến 100.000 nhân dân tệ (tương đương 12.243 euro). Trong khi đó, mức phạt vạ hiện nay chỉ từ 300 đến 10.000 nhân dân tệ.

Cũng theo Tân Hoa Xã, bản dự thảo trên cũng tăng cường kiểm soát các bản đồ được đưa lên internet, vì « các đơn vị làm bản đồ bất hợp pháp đôi khi làm rò rỉ các thông tin bí mật về địa lý, và gây ra những sai lầm khi vẽ các đường biên giới của đất nước ».

Hôm qua Bắc Kinh đã công bố sách trắng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhằm chứng minh rằng quần đảo này thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Minh (1368-1644). Việc chính quyền Nhật Bản mua lại từ một gia đình Nhật, ba trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã gây căng thẳng cao độ giữa hai cường quốc châu Á.

tags: Châu Á - Lãnh thổ - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Địa lý
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120926-trung-quoc-phat-den-tren-12000-euro-neu-cong-bo-ban-do-thieu-mot-phan-lanh-tho-tranh 

Philippines mời chào các công ty Nhật muốn rút khỏi Trung Quốc

Bài đăng : Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 
Hôm nay 26/09/2012 Philippines đã hứa hẹn sẽ ưu đãi về thuế cho các công ty Nhật Bản muốn dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang, trước tình hình quan hệ Nhật – Trung đang căng thẳng. Trong bối cảnh này, hai tập đoàn Toyota và Nissan hôm nay đã công bố quyết định giảm sản xuất tại Trung Quốc.

Để thu hút các nhà sản xuất Nhật, Manila đề nghị các ưu đãi về thuế khóa, và nhấn mạnh các ưu điểm như chất lượng tay nghề công nhân Philippines, sự ổn định về kinh tế và những nỗ lực chống tham nhũng của Tổng thống Benigno Aquino.

Thứ trưởng Thương mại Philippines, Cristino Panlilio cho báo chí biết, chính phủ nước này đang tìm cách kéo khoảng 15 công ty Nhật đến Philippines. Ông nói: « Không phải chúng tôi muốn thủ lợi trên sự không may của người khác, nhưng chỉ muốn thực tế hơn và hỗ trợ cho người Nhật. Các tùy viên thương mại Philippines đã được chỉ thị phải tiếp cận các công ty Nhật này vừa tại Trung Quốc vừa ở Nhật ».

Bên cạnh căng thẳng về ngoại giao, ông Obanliliola nhấn mạnh, giá lao động Trung Quốc tăng cao khiến Philippines trở nên thu hút hơn, sau khi bùng nổ công nghiệp tại Trung Quốc đã cản trở sự phát triển của Philippines trong những thập kỷ gần đây. Lãnh vực sản xuất Philippines chiếm tỉ lệ 17% nền kinh tế trong năm 2011, trong khi tỉ lệ này vào năm 1980 là 26%.

Hoạt động của nhiều công ty Nhật đã bị ngưng trệ trong những ngày gần đây vì những cuộc biểu tình chống Nhật liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tập đoàn Toyota đang dẫn đầu các nhà sản xuất xe hơi toàn cầu trong quý I/2012 đã phải đóng các dây chuyền sản xuất tại hầu hết các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc. Còn tập đoàn Nissan thì sẽ cho ngưng sản xuất tại một số nhà máy, từ ngày mai 27/9 cho đến cuối tuần. Mazda Motor quyết định ngưng hoạt động hai ngày, còn Suzuki tạm ngưng một trong số hai ê-kíp.

Hãng Toyota có ba nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc, sản xuất 800.000 chiếc xe hơi mỗi năm, và có mạng lưới 860 đại lý. Nissan cũng có ba nhà máy lắp ráp, liên doanh với một công ty địa phương, năm ngoái đã xuất xưởng gần 1,2 triệu chiếc xe hơi.

Theo nhà phân tích Koji Endo của Advanced Research Japan, thì lượng xe hơi Nhật bán ra tại Trung Quốc sẽ bị sút giảm từ 20 đến 30%, và tác động lần này sẽ quan trọng hơn nhiều so với đợt biểu tình chống Nhật vào năm 2010.

tags: Châu Á - Kinh tế - Nhật Bản - Philippines - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120926-philippines-moi-chao-cac-cong-ty-nhat-sau-khi-toyota-va-nissan-giam-san-xuat-tai-tru 

Cuộc gặp ảm đạm của Ngoại trưởng Nhật – Trung tại New York


Bài đăng : Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 
Hai Ngoại trưởng Nhật Bản và Trung Quốc tối qua 25/09/2012 đã gặp gỡ bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York để trao đổi về cuộc khủng hoảng trên biển Hoa Đông đang làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai nước, nhưng không mang lại kết quả nào.

Một viên chức Nhật cho AFP biết, hai Ngoại trưởng đã gặp nhau trong vòng một tiếng đồng hồ. Trong cuộc gặp này, hai ông Koichiro Gemba và Dương Khiết Trì đã tái khẳng định yêu sách của nước mình tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo Tân Hoa Xã, thì ông Gemba nhấn mạnh ý chí quốc hữu hóa ba hòn đảo của quần đảo trên, trong khi người đồng nhiệm Trung Quốc tái khẳng định, điều này là một sự « vi phạm trắng trợn toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc ».

Còn theo hãng tin Nhật Kyodo, Ngoại trưởng Nhật Bản đã yêu cầu Trung Quốc phải chứng tỏ sự kìm chế. Ông Koichiro Gemba cũng cho báo chí biết, không khí của cuộc gặp rất « ảm đạm ». Cuộc gặp này tiếp theo các cuộc hội đàm cấp bộ tại Bắc Kinh hôm qua, vẫn chưa cho thấy bất cứ tiến triển nào.

Áp lực tại biển Hoa Đông đã tăng cao hôm qua, với việc 8 tàu tuần duyên Đài Loan và hàng chục tàu đánh cá tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc và Đài Loan gọi là Điếu Ngư.

Quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh bỗng trở nên căng thẳng vào đầu tháng Chín, khi chính phủ Nhật Bản mua lại ba trong số năm hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, từ một chủ tư nhân người Nhật. Bắc Kinh lập tức gởi các tàu công vụ đến quần đảo này, và trong tuần đã diễn ra một loạt những cuộc biểu tình chống Nhật, nhiều khi có kèm theo bạo động, trên khắp nước Trung Quốc.

tags: Châu Á - Ngoại giao - Nhật Bản - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120926-cuoc-gap-am-dam-cua-ngoai-truong-nhat-%E2%80%93-trung-tai-new-york 

Pháp điều tra sự cố trên Facebook làm lộ thông tin cá nhân


Bài đăng : Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 26 Tháng Chín 2012 
Tối qua 25/09/2012 Ủy ban Quốc gia về Tin học và Tự do (CNIL) của Pháp loan báo tiếp tục điều tra về nghi vấn có sự cố trên mạng xã hội Facebook, khiến các tin nhắn riêng trở thành công khai, mà nhiều người sử dụng Facebook tại Pháp đang phàn nàn.

Tối thứ Hai, Facebook France đã cải chính là không hề có lỗ hổng nào về an toàn dữ liệu, khiến các tin nhắn, đối thoại cũ bỗng hiện ra trên tường của người sử dụng khiến mọi người đều đọc được. Theo tờ Métro, thì đã có sự cố bất ngờ trên mạng xã hội này.

Thông cáo của CNIL cho biết đã gặp gỡ những người có trách nhiệm của Facebook tại Pháp « để làm rõ những điều kiện phổ biến các tin nhắn từ trước năm 2009 trên tài khoản Facebook của những người sử dụng Pháp, và tầm quan trọng của việc này ».

Ủy ban CNIL nói thêm : « Tại thời điểm này cần có những điều tra bổ sung để xác định xem những trao đổi riêng tư có thực sự bị công khai hay không », và cho biết đã liên hệ với những người chịu trách nhiệm của Facebook ở nước ngoài.

Arnaud Montebourg, Bộ trưởng Bộ Phục hồi Sản xuất và Fleur Pellerin, Bộ trưởng đặc trách Sáng tạo và Kinh tế kỹ thuật số đã yêu cầu ban giám đốc Facebook tại Pháp phải giải trình trước CNIL hôm qua về nghi vấn sự cố trên.

Thông cáo của CNIL cũng nêu ra khả năng có thể người sử dụng nhầm lẫn giữa chức năng mới « Timeline », nhật ký trên Facebook, giúp có thể dễ dàng tham khảo các thông điệp cũ.

Một phát ngôn viên Facebook France giải thích : « Một thiểu số người dùng lo ngại khi thấy các tin nhắn mà họ nghĩ là riêng tư hiện ra trên Timeline. Các kỹ sư của Facebook đã phân tích và khẳng định đó là các thông tin cũ, chứ không có lỗ hổng nào trong an toàn dữ liệu của người sử dụng ».

tags: Internet - Pháp - Theo dòng thời sự - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120926-phap-dieu-tra-nghi-van-ve-su-co-tren-facebook-khien-thong-tin-ca-nhan-bi-tiet-lo 

Hoa Kỳ và Châu Âu kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ba blogger

Bài đăng : Thứ ba 25 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 25 Tháng Chín 2012 
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hôm qua 24/09/2012, đã ra thông cáo cho biết Washington « quan ngại sâu sắc » về việc ba blogger Việt Nam bị kết án từ 4 đến 12 năm tù vì tội tuyên truyền chống Nhà nước, đòi phải trả tự do cho họ. Cũng trong hôm qua, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố « vô cùng lấy làm tiếc » về bản án trên, còn Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu đòi trả tự do ngay lập tức cho ba blogger.

Bà Victoria Nuland, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố : « Chúng tôi quan ngại sâu sắc về việc kết án ba blogger Việt Nam, mà chừng như họ không làm gì khác hơn là sử dụng quyền tự do ngôn luận ». Thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho ba blogger trên, và nhấn mạnh rằng « tự do báo chí là điều cốt yếu cho một xã hội cởi mở và công bằng ».

Người đứng đầu ngành ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton tố cáo bản án trên là « đặc biệt nặng nề », và nhắc nhở « quyền cơ bản của mọi con người về việc tự do bày tỏ quan điểm của mình một cách hòa bình ». Trong khi vẫn ca ngợi quan hệ tốt đẹp giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam, bà Ashton yêu cầu chính quyền Hà Nội nên tôn trọng những nghĩa vụ quốc tế và trả tự do « ngay lập tức » cho các blogger vừa bị án tù.

Về phía Pháp, thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp hôm qua cho biết Paris « vô cùng lấy làm tiếc » về bản án dành cho ba blogger, bị tù vì « các quan điểm mà họ tin rằng có thể tự do bày tỏ ». Nước Pháp nhắc lại sự gắn bó với quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng, kể cả trên internet, tại mọi nơi trên thế giới.

Xin nhắc lại, hôm qua trong một phiên xử diễn ra chỉ trong vài giờ, ba blogger Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải tức Anhbasg, đã bị kết án lần lượt 12, 10 và 4 năm tù, kèm theo từ 3 đến 5 năm quản chế. Họ phải ra tòa vì tội danh « tuyên truyền chống Nhà nước » và « âm mưu lật đổ chế độ », có khung hình phạt lên đến 20 năm tù, vì đã viết blog tố cáo tham nhũng, bất công và chính sách đối ngoại của Hà Nội.

Việt Nam hiện đứng thứ 172/179 về tự do báo chí, theo bảng xếp hạng của Phóng viên Không Biên giới. Tổ chức này, hôm qua, trên trang web của mình đã nêu rõ, blogger Nguyễn Văn Hải đã bị giám sát nghiêm ngặt sau khi phản đối rước đuốc Olympic đến Thành phố Hồ Chí Minh nhân Thế vận hội Bắc Kinh 2008, cũng như việc ông tham gia biểu tình chống chính sách xâm lược của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Còn blogger Phan Thanh Hải thì viết về tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, và chỉ trích việc khai thác mỏ bauxite ở Tây nguyên.

tags: Hoa Kỳ - Liên Hiệp Châu Âu - Nhân quyền - Quốc tế - Tư pháp - Việt Nam
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120925-hoa-ky-va-chau-au-doi-viet-nam-tra-tu-do-cho-ba-blogger 

Trung Quốc công bố sách trắng về Senkaku/Điếu Ngư

Bài đăng : Thứ ba 25 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 25 Tháng Chín 2012 

Hôm nay 25/09/2012 Trung Quốc đã đưa vào hoạt động chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên. Đồng thời Bắc Kinh cũng cho công bố sách trắng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong bối cảnh căng thẳng với Tokyo tại vùng biển tranh chấp.

Tân Hoa Xã cho biết Quốc vụ viện Trung Quốc hôm nay đã công bố sách trắng mang tên “Đảo Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”. Sách gồm có 7 chương, bằng ba thứ tiếng Trung Quốc, Anh và Nhật, khẳng định rằng đảo Điếu Ngư, mà phía Nhật Bản gọi là Senkaku, và các đảo xung quanh “là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc”.

Cũng trong hôm nay, một buổi lễ đã được tổ chức tại cảng Đại Liên ở miền đông bắc, với sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, để chính thức phiên chế chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên vào lực lượng Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt khẳng định, chiếc tàu sân bay này sẽ giúp Trung Quốc “nâng cao năng lực chiến đấu của hải quân nước nhà lên tầm hiện đại”.

Chiếc hàng không mẫu hạm dài 300 mét này được đặt tên là Liêu Ninh, tỉnh có cảng Đại Liên, là hiện thân cho tham vọng trên biển của Bắc Kinh. Chiếc tàu sân bay được cải tạo từ chiếc Varyag, một hàng không mẫu hạm 67.000 tấn thuộc lớp “Đô đốc Kouznetsov” dành cho hải quân Liên Xô, nhưng việc đóng tàu bị dang dở do Liên Xô sụp đổ năm 1991. Tàu được mua lại từ Ukraina năm 1998, sau đó được cải tạo trong nhiều năm tại xưởng đóng tàu Đại Liên.

Chiếc tàu sân bay trên đây đã được hạ thủy lần đầu vào tháng 8/2011, sau đó đã tiến hành hơn một chục chuyến đi thử nghiệm. Việc đưa vào hoạt động chiếc hàng không mẫu hạm mang tên Liêu Ninh diễn ra chỉ sáu ngày trước lễ Quốc khánh Trung Quốc, là dịp cho một loạt hoạt động đề cao lòng yêu nước, chào mừng sức mạnh vừa tìm lại được của một nước Trung Hoa cộng sản.

Sự kiện này diễn ra trong lúc Bắc Kinh đang giận dữ trước việc Tokyo mua lại các đảo trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm nay cảnh cáo người đồng nhiệm Nhật Bản Chikao Kawai, yêu cầu Tokyo “từ bỏ những ảo tưởng, nhìn nhận và sửa chữa những hành động sai lầm”.

Tình hình càng thêm căng thẳng với việc các tàu tuần duyên Nhật và Đài Loan đã bắn vòi rồng vào nhau tại biển Hoa Đông hôm nay.

tags: Biển Hoa Đông - Châu Á - Chủ quyền - Nhật Bản - Senkaku / Điếu Ngư - Trung Quốc
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120925-trung-quoc-cong-bo-sach-trang-senkakudieu-ngu 

Quốc hội Bắc Triều Tiên họp bất thường chuẩn bị cải cách


Bài đăng : Thứ ba 25 Tháng Chín 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 25 Tháng Chín 2012 
Quốc hội Bắc Triều Tiên họp phiên bất thường vào hôm nay 25/09/2012, mà theo tin đồn thì do tân lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un muốn tiến hành cải cách kinh tế tại đất nước cộng sản nghèo khó này.

Bắc Triều Tiên là đất nước có nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ nhất thế giới, và dân chúng sống bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng thường xuyên bị thiếu ăn, do nhiều thập kỷ quản lý tồi và cô lập, chưa kể đến việc bị quốc tế trừng phạt vì chương trình hạt nhân.

Hãng thông tấn chính thức KCNA trong một thông báo ngắn đã khẳng định việc khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội trong năm, với sự tham dự của lãnh tụ Kim Jong Un. Quốc hội Bắc Triều Tiên đã họp vào tháng Tư, và việc họp thêm một phiên thứ hai cùng trong năm là một sự kiện hiếm hoi.

Các nhà quan sát và báo chí Hàn Quốc cho rằng, Quốc hội vốn chỉ làm công việc thông qua các quyết định của giới lãnh đạo, kỳ họp này có thể hợp thức hóa giai đoạn đầu của chương trình cải cách mà Kim Jong Un mong muốn. Trong đó có thể có các biện pháp nhằm khuyến khích công nhân và nông dân tăng sản lượng, chẳng hạn như cho phép nông dân giữ lại một phần thu hoạch để bán riêng thay vì giao nộp toàn bộ cho Nhà nước.

Kim Jong Un, tuổi khoảng dưới ba mươi, sau khi lên thay cha là Kim Jong Il vào năm ngoái đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện cuộc sống người dân.

Yang Moo Jin, thuộc trường đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên tại Seoul nhận xét : “Việc cải cách luôn là một thử thách đầy rủi ro trong một đất nước khép kín và độc tài. Nhưng Kim Jong Un dường như có đủ tự tin về vị trí lãnh đạo ổn định của mình để thiết lập một hệ thống mới”.

Trước đây vào năm 2002, Bắc Triều Tiên đã có một số cải cách hạn chế nhằm vực dậy một nền kinh tế đang suy sụp trầm trọng, do không còn được viện trợ sau khi Liên Xô sụp đổ trong thập niên 90. Nhưng chính quyền Bình Nhưỡng sau đó đã e sợ, hủy bỏ hầu hết các biện pháp cải cách ba năm sau đó.

Theo giáo sư Andrei Iankov ở đại học Kookmin tại Seoul, Bình Nhưỡng có thể đi theo mô hình Trung Quốc, kết hợp cơ cấu chính trị chuyên chế với nền kinh tế thị trường.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Chính trị - Kinh tế - Theo dòng thời sự
http://www.blogger.com/blogger.g?blogID=2494819370082993744#editor/target=post;postID=9135082884056874349

lundi 24 septembre 2012

Phiên tòa bất công và bản án nặng nề cho ba blogger Việt Nam

Những người ủng hộ ba blogger bị xét xử. Ảnh: clbnbtd.info

(Tổng hợp) Báo chí Pháp đã đưa tin rộng rãi trên mạng về phiên tòa xử ba blogger Việt Nam tại Sài Gòn hôm nay 24/09/2012, từ các nhật báo lớn phát hành toàn quốc cho đến các tờ báo địa phương, các trang web của các đài phát thanh, truyền hình. Chỉ cần gõ từ khóa « vietnam bloggeur » lên Google là đã có được rất nhiều kết quả. Tuy với nhiều tựa đề khác nhau, nhưng nội dung hầu hết đều đưa lại bản tin của hãng thông tấn Pháp AFP. 

Trang web của Bộ Ngoại giao Pháp vào khoảng 13 giờ (giờ Paris) đăng thông cáo :

Nước Pháp vô cùng lấy làm tiếc về bản án được tuyên hôm nay, thứ Hai 24/09/2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh dành cho ba blogger Việt Nam : ông Nguyễn Văn Hải, bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải, bị phạt lần lượt là 12 năm, 10 năm và 4 năm tù giam vì các quan điểm mà họ tin rằng có thể tự do bày tỏ.

Nước Pháp xin nhắc lại, Pháp luôn gắn bó với sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, kể cả trên internet, tại mọi nơi trên thế giới.

Bản tin của AFP hôm nay, được hầu hết các báo đăng lại :

Ba blogger Việt Nam, trong đó có một người được Tổng thống Mỹ Barack Obama công khai ủng hộ, hôm nay đã bị tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án từ 4 đến 12 năm tù giam vì tội tuyên truyền chống Nhà nước.

Người nổi tiếng nhất là ông Nguyễn Văn Hải, đã bị kết án hai năm rưỡi tù giam hồi tháng 9/2008 vì tội trốn thuế, phải nhận bản án nặng nhất là 12 năm tù và 5 năm quản chế.

Bà Tạ Phong Tần, cựu công an mà người mẹ  đã tự thiêu vào tháng Bảy, đã bị kết án 10 năm tù và 3 năm quản chế. Ông Phan Thanh Hải, người duy nhất nhận tội trong phiên tòa chỉ kéo dài có vài giờ sáng nay, được bản án khoan hồng nhất là 4 năm tù và 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Văn Hải, bút danh Điếu Cày tự biện hộ : « Tôi chưa bao giờ chống lại Nhà nước, tôi chỉ bất bình trước những bất công, tham nhũng và độc tài của một số cá nhân không thể đại diện cho Nhà nước ». Ông tuyên bố : « Công dân có quyền tự do ngôn luận », trước khi âm thanh được truyền qua gian phòng kế cận dành cho các nhà báo và nhà ngoại giao bị cúp đi.

Thẩm phán Nguyễn Phi Long cho rằng các bị cáo đã « lợi dụng sự nổi tiếng trên internet để đưa lên những bài viết phá hoại, bôi đen lãnh đạo, chỉ trích Đảng (…) phá hủy niềm tin của nhân dân vào Nhà nước. Tội phạm của họ rất nặng nề, với ý định chống Nhà nước rất rõ, và phải bị trừng phạt nghiêm khắc ».

Tội danh tuyên truyền chống Nhà nước và mưu toan lật đổ chế độ thường được sử dụng để kết án các nhà ly khai, trong một đất nước mà đảng Cộng sản cấm đoán mọi tranh luận về chính trị.

Ba blogger trên với khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù, bị lên án là đã cho đăng các bài viết mang tính chính trị trên trang web bị cấm là « Câu lạc bộ nhà báo tự do », cũng như các bài trên blog riêng tố cáo nạn tham nhũng, bất công và chính sách ngoại giao của Hà Nội.

Theo một phóng viên của AFP, hàng trăm công an đã bao quanh khuôn viên tòa án. Không thấy những người ủng hộ ba blogger trên xuất hiện, tuy nhiên blog Dân Làm Báo khẳng định nhiều người đã bị lực lượng an ninh ngăn trở đến gần khu vực.

Blog nổi tiếng này vốn vừa bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tỏ ý muốn trừng phạt vì « vu khống », đã đăng những hình ảnh các nhà hoạt động mang những băng-rôn đòi trả tự do cho những người yêu nước. Trang này cũng cho biết có ít nhất 7 người đã bị bắt. Công an không muốn đưa ra lời bình luận.

Phiên tòa đã bị hoãn lại nhiều lần, đặc biệt vào tháng Tám sau khi mẹ của bà Tần tự thiêu trước một trụ sở cơ quan nhà nước để phản đối việc giam giữ con bà.

Tổng thống Mỹ hồi tháng Năm đã nêu ra trường hợp ông Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày. Ông tuyên bố : « Chúng ta không nên quên các nhà báo như blogger Điếu Cày, mà việc ông bị bắt năm 2008 trùng hợp với đợt trấn áp các nhà báo công dân ở Việt Nam ».

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch và Amnesty International đã nhiều lần đòi hỏi Hà Nội trả tự do cho ba blogger trên.

Reporters Sans Frontières (Phóng viên Không biên giới), bản tin đưa lên mạng khoảng 13g30 (giờ Paris) :

Phóng viên Không biên giới cực lực tố cáo các bản án nặng nề và bất công, từ một phiên tòa lố bịch và vội vã, trong đó quyền bào chữa không được tôn trọng.

Chính quyền muốn xử vụ này để làm gương, khiến người ta sợ hãi, phải tự kiểm duyệt. Điếu Cày và Tạ Phong Tần bị các bản án tù đặc biệt nặng nề so với các vụ án tương tự trong những tháng gần đây. Những bản án này biểu trưng cho sự bực tức của chính quyền Việt Nam, và việc tăng cường trấn áp trong bối cảnh chia rẽ trong nội bộ chế độ và các vụ tham nhũng có liên quan đến các cán bộ cao cấp, đặc biệt là Thủ tướng. Các vụ việc được các blogger và nhà báo công dân tiết lộ rõ ràng là quá phiền phức.

Một phiên tòa dưới áp lực, những người thân bị giám sát

RSF rất bất bình trước cung cách đối xử với các thân nhân bị cáo, nạn nhân của trấn áp và trả thù từ nhiều tháng qua, dẫn đến một số hành động mang tính tuyệt vọng. Mẹ của bà Tạ Phong Tần đã tự thiêu hôm 30/7 vì tuyệt vọng trước phiên tòa xử người con.

Sáng nay, vài giờ trước khi phiên tòa diễn ra, công an và lực lượng an ninh đã được huy động để ngăn trở một số người đến dự phiên xử, đặc biệt là các người thân của Điếu Cày. Con gái của ông không thể ra khỏi nhà. Vợ ông, bà Dương Thị Tân, bị triệu tập vào 7g30 sáng nay về một vụ gây rối trật tự công cộng ở Bạc Liêu hôm 16/9, mà bà đã bị bắt với người em gái của bà Tạ Phong Tần và linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, vì đã gây « tai nạn giao thông » trong lúc họ đi bộ. 

Do đã không đến trình diện theo yêu cầu, bà đã bị buộc phải lên xe thùng ngay trước tòa án, cùng với các thành viên trong gia đình bà Tạ Phong Tần là Tạ Khởi Phụng và Tạ Minh Tú cùng với nhiều blogger. Khi ra khỏi trụ sở công an vào 13g55 với con trai là Nguyễn Trí Dũng, những người mặc thường phục, có thể là nhân viên an ninh đã tấn công họ, kéo rách áo của người thanh niên. Rốt cuộc họ cũng đến được tòa án, nhưng cảnh sát không cho họ vào.

Sáng nay các cảm tình viên mang theo các biểu ngữ đã tập trung trước tòa án, hy vọng sẽ được tham dự phiên xử. Trong số này có linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và nhà thơ Bùi Chát. Công an đã kiểm tra nhiều người biểu tình, và ngăn cản họ đến gần tòa án.

Những tiếng nói ly khai trở nên nhiễu sự

Ba blogger bị truy tố theo điều 88 Luật Hình sự, với cáo trạng mới của Viện Kiểm sát đề ngày 19/07/2012, không khác mấy với cáo trạng trước, nhằm hợp pháp hóa thời hạn tạm giam trước khi đưa ra xử. Cáo buộc được dựa trên việc đăng các bài viết trên trang mạng « Câu lạc bộ nhà báo tự do » cũng như trên các blog riêng, tố cáo nạn tham nhũng, bất công, chỉ trích chính sách ngoại giao của chính phủ.

Bị bắt ngày 19/04/2008, Điếu Cày đã bị tòa án Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án hai năm rưỡi tù giam hôm 10/09/2008 vì tội « trốn thuế ». Trên thực tế, chính quyền Việt Nam tìm cách làm nhà ly khai này phải im tiếng, sau khi đã công khai tố cáo hành trình đuốc Olympic, đặc biệt là khi ngọn đuốc này được đưa đến Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008, nhân Thế vận hội Bắc Kinh.

Blogger Điếu Cày cũng bị giám sát nghiêm ngặt sau khi tham gia các cuộc biểu tình chống chính sách của Trung Quốc tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào đầu năm 2008. 

Sau khi thi hành xong án phạt vào tháng 10/2010, Điếu Cày vẫn tiếp tục bị giam giữ. Bản án mới này được tuyên sau khi phiên tòa xử ông đã bị liên tiếp hoãn lại.

Phan Thanh Hải bị câu lưu vào tháng 10/2010. Công an biện minh cho việc bắt ông là vì « loan truyền các thông tin sai lạc » trên blog của mình, trong đó chủ yếu ông viết về việc tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc, và việc khai thác mỏ bauxite. Ông cũng ủng hộ các nhà ly khai Việt Nam.

Tạ Phong Tần thì tố cáo trên blog của bà nạn tham nhũng và bất công ở Việt Nam. 

Việt Nam nằm trong danh sách các “Kẻ thù Internet” do Phóng viên Không biên giới lập ra. Có ít nhất 19 công dân mạng hiện đang bị giam cầm vì đã tự do phát biểu trên mạng, khiến quốc gia này trở thành nhà tù thứ hai trên thế giới dành cho các blogger và nhà ly khai trên mạng, sau Trung Quốc.