.
Trong bài phân tích mang tựa đề “Hoa Kỳ - Trung Quốc: Trận đấu của thế kỷ 21”, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết, dư luận nhiều nơi trên thế giới cho rằng Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đại cường số một toàn thế giới.
Theo nhận định của bài báo, thì sau những năm ông Bush cầm quyền, Barack Obama đã đạt được việc tái lập phần nào hào quang của nước Mỹ trên trường quốc tế. Cho dù có những khó khăn trong nhiệm kỳ của ông, và nhiều lời hứa không được thực thi - chẳng hạn như việc tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột Israel và Palestine - nhưng nước Mỹ vẫn được dành cho nhiều cảm tình hơn so với nhiều cường quốc khác, theo như các cuộc thăm dò dư luận.
Tuy nhiên, dường như Hoa Kỳ đang mất dần vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới, sau khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt. Không chỉ do thất bại trong việc áp đặt những giá trị của mình tại Irak hay Afghanistan, nhưng đặc biệt là do cái thế đang lên của Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để thành siêu cường số một?
Trong một cuộc điều tra tiến hành tại 23 nước vào năm ngoái, tổ chức Pew Research Center kết luận, đối với đại đa số người trên thế giới, thì “Trung Quốc sẽ hoặc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành siêu cường của toàn cầu”. Ý kiến này thông dụng nhất tại châu Âu, đặc biệt là tại Pháp và Đức. Và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dẫn đến việc tái phân phối nguồn lực trên thế giới, đã không làm cho tình hình sáng sủa thêm, khiến cho nhiều nhà quan sát và chuyên gia tự hỏi, liệu có phải nước Mỹ đang bước vào thời kỳ suy tàn hay không. Tuy vậy, theo tác giả bài báo, thì điều này chỉ tương đối.
Trên tạp chí The New Republic, Robert Kagan, từng được xem là một trong những người đứng đầu phái tân bảo thủ Mỹ dưới thời George Bush mới đây đã tấn công vào quan điểm cho rằng nước Mỹ đang suy tàn. Cuộc tranh luận gay gắt cho đến nỗi Tổng thống Barack Obama, lúc mới nhậm chức đã cho rằng Hoa Kỳ là “cường quốc tương đối” trong một thế giới đa cực, đã phải thượng đài. Trong bài diễn văn mới nhất, ông tuyên bố: “Tất cả những ai khẳng định là nước Mỹ đang suy tàn, đều không biết là mình đang nói những gì”. Đây là một sự chuyển hướng đáng kể, nhưng theo Les Echos, thì có thể giải thích được.
Tại Libya, chính là hai cường quốc “trung bình” Pháp và Anh đã dẫn đầu các hoạt động quân sự chủ yếu nhằm góp phần vào việc lật đổ chế độ Kadhafi, còn Hoa Kỳ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Nước Mỹ cũng hầu như vắng bóng trong phong trào nổi dậy của thế giới Ả Rập. Còn tại Syria, nước Nga của ông Vladimir Putin tiếp tục nắm chiếc chìa khóa về sự ra đi của ông Assad, chứ không phải là Hoa Kỳ, đã và đang rút quân ra khỏi Irak và Afghanistan.
Trên mặt trận kinh tế, tăng trưởng của Trung Quốc khiến người ta nghĩ rằng chỉ vài năm nữa nước này sẽ vượt Hoa Kỳ về tổng sản phẩm nội địa tính trên đầu người, có thể là vào năm 2025 - 2027. Các nước đang trỗi dậy khác như Ấn Độ, Brazil cũng có thể trở thành các cường quốc kinh tế mới. Nhưng nếu xét thêm các tiêu chuẩn khác, thì Trung Quốc vẫn đứng rất xa phía sau Hoa Kỳ, và sự tăng trưởng của các quốc gia đang trỗi dậy cũng đang chậm lại.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng như Nga đang tăng lên, nhưng Hoa Kỳ vẫn đang là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, dẫn đầu với một khoảng cách rất xa. Trên tờ China Daily, Tổng thư ký Hiệp hội kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị của Trung Quốc khẳng định, phương Tây thổi phồng việc tăng ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh nhằm tạo ra cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. Trong bối cảnh đó, Robert Kagan nhấn mạnh: “Trung Quốc khó thể làm bá chủ khu vực, trong khi Đài Loan vẫn độc lập và duy trì mối quan hệ chiến lược với Mỹ, và các cường quốc khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc tiếp tục mở cửa cho căn cứ quân sự Mỹ”.
Les Echos nhận định, còn một lãnh vực khác trong đó Mỹ tiếp tục thống trị, đó là “soft power” tức quyền lực mềm - khả năng gây ảnh hưởng đến nước khác khi vẫn đóng vai trò đồng minh. Nhà chính trị học Joseph Nye ghi nhận một sự thay đổi song hành trên thế giới. Một bên là sự chuyển dịch quyền lực từ các Nhà nước phương Tây sang phương Đông, còn bên kia là sự khuếch tán quyền lực sang phía các định chế ngoài Nhà nước, nhờ cuộc cách mạng thông tin.
Vị giáo sư đã triển khai quan niệm “quyền lực mềm” trong thập niên 90 cho rằng, sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày nay không giống như giữa Anh và Đức trong thế kỷ 20, nhằm tranh quyền thống lĩnh châu Âu. Bắc Kinh quan tâm trước hết đến phát triển kinh tế, chứ không nhằm thống trị thế giới. Một nghiên cứu mới đây của CSIS (Center for Strategic and International Studies) cũng nhận định: “Trung Quốc không tìm cách thay thế hay hất cẳng Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh tại Trung Đông, Đông Nam Á hay châu Mỹ la-tinh”. Nhất là “quyền lực mềm” của Bắc Kinh hầu như là do số tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và thương mại, hơn là việc lập ra nhiều Viện Khổng tử và truyền bá văn hóa.
Trong phần kết, Les Echos nhắc lại câu nói của một nhà văn, nhà lý luận Tây Ban Nha với phe cực hữu nước này hồi năm 1936: “Các ông thắng nhờ nắm được sức mạnh thô bạo cần thiết, nhưng các ông không thuyết phục được, vì muốn thuyết phục thì cần phải có lý lẽ”. Về mặt niềm tin, thì Hoa Kỳ đang có ưu thế, nhưng tờ báo băn khoăn, là thế mạnh này sẽ còn kéo dài được bao lâu ?
Việt Nam: Điện nguyên tử và nỗi lo an toàn
Liên quan đến Việt Nam, phụ trang của Le Figaro dịch lại một bài báo trên tờ The New York Times: “Việt Nam lao vào điện nguyên tử”. Tác giả bài viết cho biết, các chuyên gia lo ngại vấn đề thiếu vắng ý thức về an toàn tại đây.
Theo bài báo, trong khi Việt Nam muốn tiến hành một trong những chương trình nguyên tử thuộc loại tham vọng nhất trên thế giới, thì lại chưa tập hợp được một đội ngũ chuyên gia cần thiết cho việc khai thác, điều chỉnh, mà phải bắt đầu từ số không. Chính phủ đã đưa chương trình đào tạo kỹ sư nguyên tử lực vào các trường đại học, và gởi nhiều kỹ thuật viên trẻ ra nước ngoài đào tạo. Việt Nam khẳng định sẽ có đủ các chuyên gia có trình độ để quản lý một cách an toàn một lãnh vực sẽ từ một lò phản ứng trong năm 2020 lên đến mười lò vào năm 2030.
Tuy nhiên nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài nước cho rằng thời hạn này là quá ngắn để có thể tạo lập một tổ chức quản lý khả tín, đặc biệt là trong một đất nước có tiếng là tham nhũng, các tiêu chuẩn an toàn chưa đầy đủ và thiếu vắng sự minh bạch; có nguy cơ để xảy ra một kịch bản giống như ở Fukushima.
Tác giả nhắc lại lời của ông Phạm Duy Hiển, chuyên gia nổi tiếng về nguyên tử của Việt Nam, nêu ra số lượng tai nạn giao thông do thiếu vắng một nền văn hóa về an toàn, vốn hiện diện trên tất cả các lãnh vực hoạt động. Còn theo ông Trần Đại Phúc, cố vấn của Bộ Khoa học Kỹ thuật Công nghệ, thì Việt Nam cần có hàng trăm chuyên gia thật kinh nghiệm để quản lý kỹ nghệ nguyên tử, nhưng hiện nay chỉ có khoảng ba chục người có khả năng phân tích các bản báo cáo về an toàn, với sự trợ giúp của các nhà chuyên môn.
Fukushima, một năm nhìn lại
Cũng về hồ sơ nguyên tử, các báo Pháp hôm nay dành nhiều bài viết nhân kỷ niệm một năm thảm họa Fukushima. Nhật báo cánh tả Libération chạy tựa trên trang nhất : « Nhật Bản, vết thẹo », với tấm ảnh Fukushima hoang tàn sau trận sóng thần, và ảnh bên dưới là thành phố này đang được tái thiết. Ảnh trang nhất của nhật báo công giáo La Croix cho thấy « rào cản 20 km » chắn lối vào Minamisoma, đánh dấu vùng cấm địa xung quanh nhà máy điện nguyên tử bị tai nạn, và chạy tít : « Chung quanh Fukushima là khoảng trống ».
Theo Libération, một năm sau trận động đất và sóng thần dẫn đến thảm họa nguyên tử, người dân Nhật vẫn trong tình trạng bị choáng. Sáu trang báo khổ lớn đặt ra nhiều vấn đề, từ làm thế nào để có thể trở lại cuộc sống bình thường, những tranh luận về số người chết và mất tích, cho đến những khiếm khuyết trong hệ thống cảnh báo.
Còn đặc phái viên của La Croix đến tận vùng cấm địa gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima, gặp gỡ những người dân vẫn đang trụ lại tại đây. La Croix cho biết, tất cả những ai vượt qua rào cản có nguy cơ bị phạt 1.000 euro và bị truy tố. Nhưng vùng cấm này đã trở thành nơi chốn để bọn trộm cắp hoành hành. Những người già vẫn tiếp tục sinh sống tại đây nói rằng, dù sao thì họ cũng không còn sống được bao lâu nữa nên không muốn đi sơ tán, nhưng đáng buồn là con cháu họ sẽ không bao giờ quay lại với làng quê của cha ông.
Trong bài xã luận, nhật báo Libération nhận định, mỗi thiên tai đều là dịp để phát hiện ra những vấn đề của xã hội. Chẳng hạn trận lụt tại Nouvelle-Orléans cho thấy một xã hội kém hiệu quả tuy giàu có và làm chủ được kỹ thuật cao. Thảm họa Fukushima khiến thế giới cảm phục ý chí và lòng can đảm, tình đoàn kết của cư dân Nhật. Tuy vậy một năm sau thiên tai khủng khiếp này, Nhật Bản cũng biểu lộ những khuyết điểm và sự yếu kém, nhưng hệ thống chính trị thiếu minh bạch, câu kết với tư bản công nghiệp, tầm mức nhiễm xạ đến nay vẫn chưa được biết rõ. Lòng tin của người dân với giới lãnh đạo không còn, và theo tờ báo, thì đây là một cơn sóng thần khác.
Nữ quyền tại các nước Ả Rập
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa trôi qua, nhưng nhiều tờ báo vẫn đề cập đến vai trò người phụ nữ trong xã hội. Le Monde dành hồ sơ đặc biệt “Những phụ nữ của Mùa xuân Ả Rập”, đăng “lời kêu gọi cho phẩm giá và sự bình đẳng”. Tờ báo cho biết, việc các đảng Hồi giáo lên nắm quyền gây lo ngại cho các phong trào phụ nữ. Trong phong trào Mùa xuân Ả Rập, phụ nữ đã tham gia đông đảo để đòi hỏi những quyền phổ quát, không liên quan đến giới tính; nhưng sự chuyển đổi chính trị đã làm thay đổi thế cờ.
Tờ báo điểm qua một số thủ đô Ả Rập, “Từ Tunis cho đến Rabat, nỗi lo về một sự thụt lùi”, khi lần đầu tiên các đảng Hồi giáo đã quay lại nắm quyền ở Tunisia và Maroc, và nam giới chiếm đại đa số trong chính phủ. Tại Maroc, nay chỉ có mỗi một phụ nữ trong nội các, trong khi chính phủ trước đó có năm Bộ trưởng và hai Quốc vụ khanh là nữ. Còn tại Tunisia, nước tiến bộ nhất trong thế giới Ả Rập về quyền lợi cho nữ giới, tình hình cũng đang xấu đi thấy rõ.
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/qvrz-onb/20120309-ubn-xl-gehat-dhbp-gena-qnh-phn-gur-xl-21