Dân làng Ô Khảm đang lắng nghe phát biểu vận động tranh cử của một ứng cử viên, ngày 29/02/2012. |
(Phóng sự của L’Express) Sau cuộc nổi dậy chống tham nhũng vào mùa thu năm ngoái, người dân thành phố cảng nhỏ bé ở miền đông nam Trung Quốc đã đạt được quyền tự do chọn lựa những người đại diện cho mình. Đây là một sự kiện chưa có tiền lệ, được Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ. Đảng hy vọng thuyết phục được nông dân là, trong tương lai, đảng sẽ biết trừng phạt bọn quan tham.
Tại ngã tư đường dẫn vào Ô Khảm, một thành phố duyên hải có 12.000 dân ở miền đông nam Trung Quốc, một dòng chữ màu đen nguệch ngoạc đe dọa : « Các quan chức sẽ bị trừng phạt vì đã bán mất đất canh tác của chúng tôi ! ».
Đây là một lời hứa hẹn có khả năng trở thành hiện thực. Bởi vì dân cư của thành phố cảng nhỏ bé thuộc tỉnh Quảng Đông đang chuẩn bị tiến hành một cuộc thử nghiệm chưa từng có : phổ thông đầu phiếu. Để đạt được điều này, họ đã phải chiến đấu dữ dội với chính quyền địa phương. Ngày 21/9 năm ngoái, Ô Khảm đã vùng dậy để tố cáo nạn tham nhũng của các cán bộ đã bán đất đai trong làng cho các dự án địa ốc, mà lợi lộc sẽ không hề đến được tay dân đen.
Sau khi đã kiến nghị suốt hai năm trời lên chính quyền trung ương theo hệ thống khiếu kiện lâu nay, nhưng không được lắng nghe, cư dân Ô Khảm đã xuống đường phản đối. Sau nhiều tuần lễ, phong trào dần lan rộng. Ngày 9/12, sau một ngày trời biểu tình, năm người cầm đầu đã bị bắt giam « bởi các công an viên mặc thường phục kiên quyết từ chối xuất trình thẻ ngành » - Hong Ruichao, một trong số các thủ lãnh này nhớ lại. Ba ngày sau đó, chính quyền loan báo một trong số năm người bị giam là ông Tiết Kim Ba đã chết. Hong nói : « Hoàn toàn không có ai tin vào lý do chính thức được đưa ra là ông Tiết Kim Ba bị lên cơn đau tim cả ».
Công an phong tỏa đường vào làng Ô Khảm, tháng 12/2011 (Ảnh từ mạng Vi Bác). |
Trong khi dân làng dọa rằng sẽ biểu tình tuần hành đến xã gần nhất, công an đã phong tỏa lối vào làng : cuộc vây hãm Ô Khảm bắt đầu. Đồ ăn thức uống chỉ đưa vào làng được qua những ngõ ngách quanh co. Dân chúng hô hào phản đối và giương cao các biểu ngữ ngày càng dài ra thêm và đầy thách thức hơn. Đối mặt với công an vũ trang, sự căng thẳng càng tăng thêm. Những người nổi dậy đưa ra một tối hậu thư, một khi quá hạn họ sẽ tuần hành đến tận trụ sở của ủy ban huyện.
Đến lúc này ông Uông Dương bắt đầu can thiệp. Vị bí thư tỉnh ủy của tỉnh Quảng Đông trù phú với 110 triệu dân, vốn nổi tiếng là có khuynh hướng cấp tiến. Thay vì đàn áp cuộc khởi nghĩa của nông dân như thông lệ, ông đã gởi nhân vật số hai của tỉnh đến đàm phán với dân chúng. Thật đáng ngạc nhiên ! Viên chức này công nhận yêu sách của dân làng là chính đáng, và đồng ý cho họ được tổ chức bầu cử tự do.
Một cuộc tuyển cử dân chủ tại Trung Quốc ? Đã có những cuộc bầu cử địa phương được tổ chức trước đó, nhằm bầu ra các thành viên ủy ban nhân dân và trên lý thuyết, thì mọi người đều được tự do ứng cử. Nhưng tất nhiên trên thực tế các cuộc bầu cử này đều do đảng cộng sản điều khiển. Năm 2011, các ứng cử viên độc lập đã mở chiến dịch tranh cử trên mạng Vi Bác đều bị cản trở ngay.
Hai ứng cử viên đang nhẩm lại diễn văn tranh cử trước khi đăng đàn. |
Trong những ngày này, toàn Ô Khảm đều tham gia bài tập thực hành về chính trị, sẽ kết thúc vào ngày 4/3 tới. Xun Wenliang, một trong số khoảng hai chục ứng cử viên nói : « Tôi sẽ tính xem trước hôm bầu cử tôi sẽ phát biểu những gì ». Còn về chương trình hành động, ông chỉ hứa là sẽ bổ nhiệm những người nào lương thiện nhất, có năng lực nhất vào các vị trí quyết định trong tuơng lai. « Như vậy ở đây đã là điều mới mẻ rồi ».
Tuy báo chí quốc tế đều nêu lên « mô hình Ô Khảm », nhưng dân làng thì rất thực tế. Ứng viên Xun giải thích : « Tất cả những gì chúng tôi mong muốn là lấy lại được những gì mà họ đã cướp của chúng tôi thôi ». Nhưng điều này không đơn giản : số đất đai này đã bị nhượng lại hết. Ông nói tiếp : « Chính vì lý do đó mà chúng tôi đã quyết chiến đấu đến cùng. Vì vậy việc đó rất có thể thực hiện được! ».
Ông Lin Zuluan đang nói chuyện với dân làng. |
Nói năng lưu loát, khá tự nhiên, nghiêm túc nhưng gần gũi với người dân, Lin Zuluan là một trong số các ứng cử viên có nhiều hy vọng. Là đảng viên từ năm 1965, ông được cử làm chủ tịch ủy ban địa phương hôm 15/1, khi viên chức đã cai trị ngôi làng suốt 42 năm qua đã bị cách chức và bị điều tra vì tham nhũng. Chính ông Lin đã diễn thuyết trước đám đông trong thời gian ngôi làng bị vây hãm. Hong Ruichao thổ lộ : « Ông ấy có thể trở thành người thủ lãnh xứng đáng của chúng tôi. Ông cũng thường đi chợ y như mọi người ».
Nhà thông thái Lin đã dẫn ra một câu của Đặng Tiểu Bình : « Qua sông bằng cách dò đá sỏi ». Thủ tục bầu cử khá phức tạp, một ban quản lý và một chủ tịch sẽ được chọn ra sau ba vòng bỏ phiếu, bắt đầu từ đầu tháng Hai. Ông Lin nói thêm : « Điều quan trọng nhất là lấy lại được đất đai cho người dân. Và khó khăn nhất chính là làm được điều đó bằng một phương thức hoàn toàn dân chủ ».
Cuộc thử nghiệm đang tiến hành ở Ô Khảm được Bắc Kinh dõi theo rất sát. Tại thủ đô, đang có một cuộc đấu đá quyết liệt giữa các ứng viên muốn ngồi vào số chín chiếc ghế ủy viên thường trực Bộ Chính trị - trung tâm quyền lực của Đảng - sẽ được chuyển giao vào mùa thu tới.
Nếu không ai nghi ngờ rằng Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ trở thành Chủ tịch nước và Thủ tướng kể từ mùa xuân 2013, thì đang có một cuộc hỗn chiến để giành số ghế còn lại. Chủ nghĩa thực tiễn của Bí thư tỉnh Quảng Đông và cũng là một ứng viên, ông Uông Dương, có thể là một ưu thế quyết định. Willy Lam dự đoán : « Việc ông Uông Dương sẽ được thăng tiến hầu như là chắc chắn ».
Theo nhà chính trị học thuộc Quỹ Jamestown của Mỹ trên đây, Đảng Cộng sản hy vọng thuyết phục được nông dân là Đảng sẽ biết đóng vai trò trọng tài trong các cuộc xung đột ở nông thôn, và sẽ không ngần ngại trừng trị bọn tham nhũng. Willy Lam nhận định : « Mô hình của Quảng Đông ngay từ lúc này đã được cánh cấp tiến trong Đảng tán dương là một thử nghiệm thành công ». Tuy vậy phía những người bảo thủ nhất vẫn lo ngại là, qua các cuộc bầu cử dân chủ, ông Uông Dương sẽ « mở ra chiếc bình Pandore » - mang lại tất cả những điều rủi ro cho đất nước độc đảng này.
Công an canh gác bên ngoài một phòng học dùng làm nơi làm việc cho nhân viên tổ bầu cử. |
Trên một tấm áp-phích màu đỏ được dán trước mặt trụ sở công an Ô Khảm, những dòng chữ bay bướm kêu gọi « Hãy bầu ra một ủy ban đứng đắn hầu xúc tiến công cuộc phát triển và nền dân chủ ». Một áp-phích khác hứa hẹn việc gia nhập tầng lớp trung lưu cấp dưới. Tất cả đều nhằm cổ vũ số 7.688 công dân trong độ tuổi đi bầu của làng hãy đi bỏ phiếu. Một điều không phải là dễ dàng. Han Tianbin, thành viên ủy ban bầu cử nhận xét : « Đăng ký danh sách cho tất cả các cử tri mất rất nhiều thời gian, và người dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về việc đi bầu. Nhưng dù sao đại đa số vẫn cho là chúng tôi đang đi đúng đường ».
Sự kiện này làm cho Zhou Xiaojie, một giáo viên của trường trung học bên cạnh tỏ ra tò mò về nền dân chủ nói chung. Anh nhận định rằng, tuy vậy việc bầu cử chưa phải là phương thuốc để trị tất cả mọi chứng bệnh của xã hội. Anh nhấn mạnh : « Ở Đài Loan, việc tổ chức tuyển cử vẫn không ngăn trở được nạn tham nhũng, vì còn phải tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử. Còn ở nước các vị, thì ông Sarkozy là một chính khách tham nhũng hay là trong sạch ? »
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.