mardi 17 janvier 2012

Nguy cơ thủy triều đen từ tai nạn tàu Ý Costa Concordia

Bài đăng : Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 
 
Sau vụ tàu du lịch khổng lồ Costa Concordia của Ý bị đắm tối thứ Sáu 13/1 làm cho 11 người chết và 24 người mất tích, nay người ta đang lo ngại nguy cơ tràn dầu từ chiếc tàu này. Paris đã đề nghị hỗ trợ cho Roma về chuyên môn và kỹ thuật, để tránh một thảm họa về mặt sinh thái.

Lượng nhiên liệu mà tàu Costa Concordia mang theo là 2.380 tấn dầu loại đặc và nặng. Chiều qua, người ta đã ghi nhận một vết dầu loang chạy dài cạnh thân tàu đắm. Tuy bộ trưởng Môi trường Ý cho đây không phải là dầu thoát ra từ chiếc tàu, nhưng chính phủ Ý đang chuẩn bị tuyên bố đây là thảm họa thiên nhiên, nhằm huy động tối đa nguồn lực tài chính cũng như nhân lực, để tránh làm ô nhiễm khu bảo tồn thiên nhiên quanh đảo Giglio. Còn người phụ trách hòn đảo này lo ngại vụ đắm tàu trên đây là một “quả bom sinh thái”.

Khoảng hai chục chuyên viên của công ty Hà Lan Smit&Salvage đã đến đảo Giglio với nhiệm vụ bơm lượng dầu còn trong tàu ra một cách an toàn. Công việc này mất ít nhất ba tuần lễ, và cũng có thể có nguy cơ tàu bị chìm xuống đáy sâu, hoặc là bể chứa dầu bị nứt vỡ.

Chính phủ Pháp hôm nay đã đề nghị hỗ trợ cho Ý về mặt chuyên môn kỹ thuật cũng như phương tiện. Trung tâm tư liệu, nghiên cứu và thực nghiệm về ô nhiễm do tai nạn sông biển (CEDRE) của Pháp có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Pháp cũng sẵn sàng gởi sang các trang thiết bị và vật liệu cần thiết bằng đường hàng không, trước tình hình khẩn cấp ở Ý.

Trách nhiệm của thuyền trưởng “Titanic hiện đại”

Đúng một trăm sau tai nạn tàu Titanic lịch sử, thuyền trưởng Francesco Schettino đang phải chịu trách nhiệm nặng nề trong vụ đắm tàu Costa Concordia, chiếc tàu sang trọng, hiện đại và lớn nhất của tập đoàn Costa Croisières. Ông này đã bị bắt giữ hôm thứ Bảy, bị công tố viện truy tố Grosseto với các tội danh sát hại nhiều người và rời bỏ tàu.

Băng ghi âm đã thu lại được đoạn đối thoại giữa thuyền trưởng Francesco Schettino và Cảng vụ cho thấy ông Schettino mới đầu vờ cho biết đang ở trên tàu tuy thật ra đã bỏ trốn, và sau đó từ chối quay lại chiếc tàu để tổ chức sơ tán hành khách.Ông cũng bị lên án là đã tự ý đổi hướng, cho tàu chạy sát đảo Giglio để chào một người bạn làm việc trên đảo này.

Chiếc tàu khổng lồ này đi từ Civitavecchia ở gần Roma tối thứ Sáu, đã đụng phải đá ngầm chỉ hai tiếng rưỡi đồng hồ sau khi xuất phát. Trên tàu có 4.229 người, gồm trên 3.200 du khách thuộc 60 quốc tịch, và thủy thủ đoàn trên 1.000 người thuộc 40 quốc tịch.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế (OMI) của Liên Hiệp Quốc cho rằng, cần rút ra bài học từ tai nạn trên đây, và nếu cần thiết thì phải rà soát lại các quy định về an toàn trên các con tàu lớn chở khách. Vụ chìm tàu Costa Concordia khiến OMI hôm qua đã phải quyết định hủy bỏ lễ kỷ niệm 100 năm tàu Titanic, bị đắm tháng 4/1912. Một điều mỉa mai là, bản thân thuyền trưởng Francesco Schettino khi trả lời một tờ báo vào năm 2010 đã tuyên bố:”Tôi không bao giờ muốn đóng vai thuyền trưởng chiếc Titanic”.

tags: Hàng hải - Quốc tế - Tai nạn - Theo dòng thời sự - Ý

http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120117-athl-pb-guhl-gevrh-qra-gh-gnv-ana-gnh-l-pbfgn-pbapbeqvn
 

Mức sống giữa hai nước Triều Tiên cách biệt đến 40 lần

Bài đăng : Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 17 Tháng Giêng 2012 
 
Hãng thông tấn AFP hôm nay (17/1) dẫn các thông số chính thức cho thấy, hố sâu cách biệt giữa mức sống của một nước Hàn Quốc tư bản và Bắc Triều Tiên cộng sản không ngừng tăng cao. Tổng thu nhập quốc dân của Hàn Quốc hiện cao gấp 40 lần so với người láng giềng phương bắc.

Cụ thể, theo cơ quan thống kê Hàn Quốc, tổng thu nhập quốc dân năm 2010 (GNI, còn theo tiếng Pháp là RNB) của Hàn Quốc là 1.100 tỉ đô la. Trong khi đó tổng thu nhập quốc dân của Bắc Triều Tiên chỉ có 26 tỉ đô la. Thu nhập quốc dân trên đầu người tại Bắc Triều Tiên 1.074 đô la, chỉ bằng 1/20 so với con số của Hàn Quốc là 20.758 đô la. Tỉ lệ chênh lệch nói trên vào năm 2009 chỉ là 1/18.

Trong năm 2010, nền kinh tế Hàn Quốc vốn đứng thứ tư châu Á, đã tăng 6,2%. Ngược lại kinh tế Bắc Triều Tiên lại sụt giảm mất 0,5%. Tuổi thọ trung bình của người dân Bắc Triều Tiên thấp hơn Hàn Quốc 10 năm, và sáu triệu người dân miền bắc, tức một phần tư dân số đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp.

Từ khi Liên Xô sụp đổ, và không còn việc trao đổi hàng hóa giữa các nước khối xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế kế hoạch hóa của Bắc Triều Tiên không ngừng xuống dốc. Bên cạnh việc bị quốc tế cấm vận vì chương trình nguyên tử, các lý do khác là sự bất tài của các nhà lãnh đạo và chi phí quân sự quá cao.

Xin nói thêm, tổng thu nhập quốc dân của một nước là tổng sản phẩm nội địa cộng với thu nhập của các hộ gia đình.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc - Kinh tế 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120117-zhp-fbat-tvhn-unv-ahbp-gevrh-gvra-pnpu-ovrg-qra-40-yna
 

Giới bảo vệ nhân quyền kêu gọi Trung Quốc chừng mực hơn trong vấn đề Tây Tạng

Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Giêng 2012 
 
Tổ chức International Campaign for Tibet (ICT) có trụ sở tại Washington hôm nay, 15/01/2012, kêu gọi Bắc Kinh cần có thái độ chừng mực hơn. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi hôm qua, công an đã nổ súng vào hàng trăm người dân đang cố cứu một người Tây Tạng tự thiêu, khiến cho một người có thể đã thiệt mạng.

Sự kiện trên xảy ra gần tu viện Kirti ở Tứ Xuyên, thuộc huyện A Bá, và là vụ tự thiêu thứ 16 của người Tây Tạng trong vòng chưa đầy một năm, để phản đối chính sách của Trung Quốc. Theo International Campaign for Tibet, thì có ít nhất hai người dân Tây Tạng bị trúng đạn, trong đó một người có thể đã bị chết, riêng người tự thiêu thì đã tử vong. Công an cũng sử dụng lựu đạn cay để giải tán đám đông đang cố gắng giành lại xác người tự thiêu từ tay các viên chức Trung Quốc.

International Campaign for Tibet bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về nguy cơ leo thang và hậu quả đối với người dân Tây Tạng trong khu vực. Trong thông cáo tối qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền này lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương gây áp lực đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Chính quyền Trung Quốc cho đến hôm nay vẫn giữ thái độ im lặng. Các viên chức địa phương ở Tứ Xuyên từ chối xác nhận sự việc, còn chính quyền huyện A Bá cũng từ chối đưa ra lời bình luận, kể cả viên chức phụ trách vấn đề thông tin.

Bắt đầu từ vụ tự thiêu của một nhà sư tại A Bá hồi tháng 3/2011, sau đó đã có 15 người Tây Tạng khác, hầu hết là các nhà sư trẻ ở lứa tuổi đôi mươi, đã sử dụng phương cách này để bày tỏ sự phản kháng. Bắc Kinh luôn quy tội cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đang sống lưu vong, là nguyên nhân gây rối. Chính quyền Trung Quốc luôn chối cãi là không hề đàn áp người Tây Tạng, nhưng theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, thì sau mỗi vụ tự thiêu, Bắc Kinh lại siết chặt các biện pháp an ninh một cách quá đáng.

tags: Châu Á - Nhân quyền - Tây Tạng - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120115-tvbv-onb-ir-auna-dhlra-xrh-tbv-gehat-dhbp-puhat-zhp-uba-gebat-ina-qr-gnl-gnat
 

Vụ tàu chìm ở Ý : Thuyền trưởng và thuyền phó bị câu lưu, vẫn còn 17 hành khách mất tích

Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 15 Tháng Giêng 2012 
 
Do rời tàu trước khi mọi hành khách được sơ tán, trái ngược với nguyên tắc hàng hải, hôm nay, 15/01/2012, thuyền trưởng và thuyền phó chiếc tàu du lịch Costa Concordia của Ý bị đắm tối qua đã bị câu lưu. Theo thống kê sơ bộ: 3 hành khách thiệt mạng, khoảng 70 người bị thương, 17 người mất tích.

Thuyền trưởng Francesco Schettino đang bị điều tra về tội « sát hại nhiều người, làm đắm tàu và rời bỏ con tàu ». Công tố viên Francesco Verusio hôm nay cho biết như trên, và khẳng định là thuyền trưởng « đã rời tàu trước khi tất cả các hành khách được sơ tán ». Cơ quan chức năng cũng sẽ điều tra về việc quản lý, điều hành con tàu.

Theo người chỉ huy lực lượng cứu hộ thành phố Grossetto, người khách cuối cùng được cứu khỏi tàu vào lúc khoảng 6 giờ sáng thứ Bảy 14/1. Trong khi đó, báo chí Ý cho biết thuyền trưởng đã có mặt ở bờ biển vào lúc gần nửa đêm tối thứ Sáu.

Nhiều hành khách sống sót nói rằng tình trạng hỗn loạn đã diễn ra ngay khi tàu bị nghiêng vì đụng phải đá ngầm, nước ồ ạt tràn vào. Tất cả 4.229 hành khách và thủy thủ đoàn đã mạnh ai nấy tự tìm cách thoát thân. Hơn 36 tiếng đồng hồ sau vụ chìm tàu được ví với Titanic này, lực lượng cứu hộ vẫn luôn tìm kiếm những người sống sót. Vào trưa nay, một thủy thủ người Ý bị kẹt lại trong tàu đã được phát hiện và sơ tán bằng trực thăng. Một cặp vợ chồng mới cưới người Hàn Quốc bị kẹt trong ca-bin cũng đã được cứu thoát sáng nay. Công việc cứu hộ hết sức phức tạp, vì phải dọn bớt vô số mảnh vỡ đủ loại trên chiếc tàu đang bị nghiêng 80 độ.

Chiếc tàu du lịch khổng lồ Costa Concordia có trọng tải 114.500 tấn, dài 290 mét, được xuất xưởng vào năm 2006, được xem là có đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất về hàng hải và an ninh. Một trong số những hành khách sống sót, trong số 3.200 khách du lịch thuộc 60 quốc tịch cho biết thuyền trưởng còn khoe là radar của tàu hữu hiệu trong bán kính 170 km.

Theo thuyền trưởng, thì bãi đá ngầm mà tàu đụng phải không có trong bản đồ hàng hải. Tuy nhiên phát ngôn viên lực lượng tuần duyên cho biết, chiếc tàu đã tiếp cận bãi đá này một cách nguy hiểm, có thể đây là nguyên nhân gây tai nạn. Chiếc hộp đen của tàu đã được tìm thấy, và nộp cho bên tư pháp để phục vụ điều tra.

tags: Quốc tế - Theo dòng thời sự - Xã hội - Ý 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120115-ih-gnh-puvz-b-l-guhlra-gehbat-in-guhlra-cub-ov-pnh-yhh-ina-pba-17-unau-xunpu-zng-gv
 

Chính quyền Syria ra lệnh ân xá cho những người tham gia nổi dậy

Bài đăng : Chủ nhật 15 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 16 Tháng Giêng 2012 
 
Dưới áp lực quốc tế ngày càng tăng, Tổng thống Bachar Al Assad hôm nay (15/1) đã ban hành lệnh tổng ân xá cho những người có tham gia phong trào phản kháng đã làm rung chuyển Syria từ 10 tháng qua. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng yêu cầu ông Assad chấm dứt sát hại người dân Syria.

Hãng thông tấn chính thức Sana của Syria cho biết, lệnh ân xá này liên quan đến những tội phạm trong phong trào nổi dậy từ 15/03/2011 đến 15/01/2012, chủ yếu là vi phạm các luật về biểu tình ôn hòa, mang vũ khí hay đào ngũ. Trước đó chế độ Damas đã hai lần ân xá cho những người biểu tình vào ngày 31/5 và 21/6.
Người đứng đầu Tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (ODSH) tố cáo, tuy luật đã được ban hành nhưng không được áp dụng và nói thêm, nhiều người đã được khoan hồng vẫn đang còn ở trong nhà giam. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo trong một thông cáo cũng cho rằng quyết định ân xá trên đây là « không đáng tin cậy và cũng không nghiêm chỉnh », chỉ nhằm tạo ảo tưởng là chính phủ muốn hòa giải và đối thoại. Theo Huynh đệ Hồi giáo, thì có khoảng 60.000 người đã bị bắt kể từ khi khởi đầu làn sóng phản đối cho đến nay.

Chính quyền Syria luôn phủ nhận tầm cỡ của phong trào phản kháng, tố cáo « các băng nhóm vũ trang » gây rối. Trong những tuần lễ gần đây Damas đã trả tự do cho hàng ngàn người bị bắt vì tham gia các cuộc nổi dậy. Việc trả tự do cho tù nhân nằm trong khuôn khổ kế hoạch giải quyết khủng hoảng của Liên đoàn Ả Rập : chấm dứt bạo lực, rút lực lượng quân đội khỏi các thành phố, cho báo chí và các quan sát viên Ả Rập được tự do di chuyển. Các quan sát viên này đã đến Syria từ ngày 26/12, tuy vậy bạo lực vẫn tiếp diễn : trong vòng hai tuần sau đó đã có thêm 400 người bị giết chết. Thủ lĩnh Liên đoàn Ả Rập cho biết sẽ xem xét lại nhiệm vụ của phái đoàn trong cuộc họp vào ngày 21/1 tới tại Ai Cập.

Phe đối lập Syria yêu cầu Liên đoàn Ả Rập chuyển giao hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc. Tiểu vương Qatar, Hamad Ben Khalifa Al Thani hôm qua đã tuyên bố ủng hộ việc gởi quân Ả Rập đến Syria.
Hôm nay, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã lên tiếng yêu cầu tổng thống Bachar Al Assad « chấm dứt việc sát hại » người dân Syria, nhấn mạnh là tất cả các nhà lãnh đạo sử dụng đến vũ lực đều thất bại.

Trong hội nghị của Liên Hiệp Quốc về quá trình chuyển đổi dân chủ tại các nước Ả Rập tổ chức tại Beyrouth, Liban, ông Ban Ki Moon khẳng định : « Hôm nay tôi lại phải nói với tổng thống Syria : Thưa ông Assad, hãy chấm dứt bạo lực, ngừng sát hại các đồng bào của ông, việc đàn áp chỉ dẫn đến ngõ cụt ». Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc dẫn lời nhà hiền triết Ả Rập thế kỷ thứ, Ibn Khaldoun : « Những ai nắm quyền bằng cách sử dụng bạo lực hoặc cưỡng chế sẽ bị thất bại, một ngày nào đó nhân dân sẽ rời bỏ họ ». Ông tuyên bố : « Chúng ta cần phải xóa bỏ cái ý tưởng nguy hiểm là an ninh quan trọng hơn nhân quyền ».

Trong chuyến viếng thăm Liban ba ngày, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, hôm qua, khẳng định cuộc khủng hoảng Syria đã « bước sang giai đoạn hiểm nguy», trước chủ trương đàn áp đã làm cho trên 5.000 người thiệt mạng kể từ khi khởi đầu phong trào nổi dậy vào ngày 15/3 năm ngoái.

Về phía Hoa Kỳ, Washington lên án Teheran cung cấp vũ khí cho Damas để đàn áp đối lập, đồng thời bày tỏ sự quan ngại trước việc một tàu Nga chở 60 tấn vũ khí và thiết bị quân sự đến Syria trong tuần này.

tags: Biểu tình - Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự - Trung Cận Đông
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120115-puvau-dhlra-flevn-en-yrau-na-kn-pub-auhat-athbv-gunz-tvn-abv-qnl 
 

vendredi 13 janvier 2012

Đầu bếp người Nhật của Kim Jong Il tiết lộ chuyện riêng nhà họ Kim

Từng là đầu bếp được Kim Jong Il ưa thích nhất, ông Kenji Fujimoto, người Nhật Bản, là một trong số những người hiếm hoi biết được những chuyện riêng tư trong gia tộc họ Kim. Ông đã thổ lộ với tờ Mainichi Shimbun, được Le Courrier International số ra tuần này lược dịch sang tiếng Pháp.

Thật ra cái tên Kenji Fujimoto cũng chỉ là bút danh, còn khi được Kim Jong Il phát hiện và yêu cầu trở thành đầu bếp riêng của nhà độc tài, ông được đặt cho một cái tên Triều Tiên là « Pak Chol ». Sau mười ba năm phục vụ cho gia đình họ Kim, ông bị nghi ngờ là gián điệp và bị quản thúc tại gia. Năm 2001, ông bỏ trốn, để lại vợ và hai con ở Bình Nhưỡng. Từ khi trở về được Nhật Bản, Kenji Fujimoto đã xuất bản bốn cuốn sách, tất cả đều nói về « triều đại » đang trị vì Bắc Triều Tiên.

Ông Kenji Fujimoto, đầu bếp cũ người Nhật của Kim Jong Il.
Kenji Fujimoto được tiếng là chưa bao giờ rời bỏ cặp kính mát trên mặt. Nhưng khi biết tin nhân vật số một Bắc Triều Tiên là Kim Jong Il qua đời vào tháng 12 vừa qua, ông Fujimoto đã không thể ngăn được cơn xúc động.

Người đầu bếp bậc thầy về món sushi đã đến Bắc Triều Tiên năm 1982, và trong suốt mười ba năm, ông là « đầu bếp của tướng quân » - một vị trí giúp ông có thể biết được những chuyện riêng tư của gia đình họ Kim. Năm 2001, chấp nhận rủi ro đến tính mạng, ông đã thành công trong việc trở về được Nhật Bản, và từ đó ông có thể kể lại những chuyện ít ai biết về Kim Jong Il. Kenji Fujimoto cho biết : « Điều mà người ta sợ nhất là tai biến mạch máu não, vì đă từng xảy ra một lần vào tháng 8/2008. Khi tôi còn ở bên cạnh Kim Jong Il, ông ấy phải dùng đến sáu loại thuốc khác nhau ».

Trong cuốn sách mang tựa đề « Kita no Kokeisha, Kim Jong Un » (Kim Jong Un, người thừa kế của Bắc Triều Tiên) xuất bản vào năm 2010, người đầu bếp cũ đã nêu ra vấn đề sức khỏe của lãnh tụ Kim Jong Il : « Từ hơn mười năm, tướng quân phải chịu đựng nhiều loại bệnh tật, nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu sức khỏe của ông đột ngột sa sút. Trước đó thì ông khỏe mạnh, nhưng trong những tấm ảnh gần đây ông đã gầy đi cho đến nỗi tôi không dám nhìn vào nữa. Sự năng động trước đây của ông đã biến mất ».

Kim Jong Il rất sành ăn. Ảnh chụp ngày 15/06/2010.
Kim Jong Il vốn nổi tiếng là thích ăn ngon. Theo ông Fujimoto, ông Kim đã cho nhập về đủ thứ của ngon vật lạ từ khắp nơi trên thế giới. Ưa thích những món nhiều chất béo, Kim Jong Il rất mê món sushi do người đầu bếp Nhật thực hiện. Ông Fujimoto còn nhớ rất rõ cái cách mà lãnh tụ họ Kim ngồi tại quầy ra lệnh cho ông : « Toro, one more ! » (Cho thêm một phần sushi cá ngừ ! »). Tuy thích thú vì được Kim Jong Il khen ngợi « Món sushi của Fujimoto là ngon nhất nước Nhật, và như vậy cũng ngon nhất thế giới », nhưng Fujimoto không thể không tự đặt ra câu hỏi về hố sâu ngăn cách giữa mức sống của người dân Bắc Triều Tiên với « triều đại họ Kim ».

Người đầu bếp cũ cũng thường xuyên tiếp xúc với Kim Jong Un, nay là « chỉ huy tối cao » của quân đội, và là người thừa kế chính thức của Kim Jong Il. Ông nhớ lại : « Cậu ấy rất giống cha, từ ngoại hình cho đến tính cách. Chính tướng quân cũng thường nhận xét như thế với vẻ hài lòng ». Kim trẻ cũng rất thích món sushi. « Một hôm, cậu ấy hỏi tôi một cách thiếu kiên nhẫn : Chừng nào ông mới dọn cho chúng tôi ? Tôi trả lời : Bất cứ lúc nào quý vị muốn. Tôi có thể chuẩn bị món này cho cậu ngay ngày mai, nếu cậu muốn. Kim Jong Un đáp ngay, hai tay xua xua như một đứa trẻ : Không, cái này thì phải do cha tôi quyết định cơ ! ».

Sushi, món ăn ưa thích của cha con Kim Jong Il.
Một chuyện khó quên nữa diễn ra vào tháng 8/2010, khi chàng thanh niên Kim Jong Un đang du học ở Thụy Sĩ, trở về Bắc Triều Tiên nghỉ hè. Fujimoto đang ở trên đoàn tàu đặc biệt đưa gia đình ông Kim từ Wonsan - thành phố nằm gần biển Nhật Bản, nơi Kim Jong Il có một dinh thự - về thủ đô Bình Nhưỡng. « Ngay trước lúc tàu khởi hành vào 11 giờ tối, Kim Jong Un đột ngột xuất hiện trong ca-bin nơi tôi đang nằm nghỉ. Thấy cậu có vẻ buồn bã, tôi hỏi, cậu có muốn nói chuyện với tôi không ? Chúng tôi bèn đi đến toa phục vụ ăn uống, và bắt đầu cùng uống vói nhau… ».

Cuộc đối thoại trước hết liên quan đến chính sách đối ngoại của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đối với cộng đồng quốc tế, rồi đến sự chậm trễ của nền công nghiệp nước này so với các quốc gia láng giềng châu Á. Hai người cũng đề cập đến các chủ đề nhạy cảm như tình trạng thiếu điện trầm trọng, và sự thiếu thốn các loại hàng hóa thiết yếu tại Bắc Triều Tiên.

Ông Fujimoto bình phẩm : « Từ khi còn nhỏ, Kim Jong Un đã đi thăm rất nhiều nước châu Âu, vì vậy mà tầm mắt của cậu ấy đã được mở rộng. Khi chính mắt trông thấy sự thịnh vượng của các nước phát triển, cậu đã ý thức được những hạn chế của đất nước mình ». Sau đó chàng thanh niên Kim Jong Un đã nói về nước Nhật. « Cái cách mà đất nước ông đã vươn dậy sau khi bại trận trước Hoa Kỳ thật là tuyệt vời…Các cửa hàng tràn ngập hàng hóa ! Trong khi ở chỗ chúng tôi thì… »

Một đất nước đói nghèo, gánh nặng cho thế hệ tương lai.
Cậu ta không còn là một đứa trẻ như ngày xưa nữa. Trong cuộc « trao đổi » kéo dài đến tận bốn giờ sáng hôm ấy, ông Fujimoto cảm thấy trong ánh mắt nhìn của Kim Jong Un sự băn khoăn và nỗi âu lo của một « tướng quân trẻ » được lựa chọn để điều hành đất nước.

Cách đây chừng hai năm, Kim Jong Il trước tình hình sức khỏe đáng  lo ngại, đã chính thức chỉ định người con út kế nghiệp cho mình. Ông ta muốn kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình – Kim Il Sung – và ngày thành lập « một đất nước hùng cường và thịnh vượng » cùng một lúc, nhưng rồi ông đã qua đời mà không thực hiện được ý nguyện. Fujimoto nhớ về ông Kim Jong Il vào thời kỳ mà cha ông ta vừa mất, tháng 7/1994. Lúc đó Kim Jong Il 52 tuổi, và đang giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. « Kim Jong Il có vẻ đau khổ lắm. Ông ấy đóng cửa ở trong phòng suốt nhiều tiếng đồng hồ. Một hôm, vợ ông bắt gặp ông đang cầm một thứ vũ khí trong tay. Bà kêu lên, ôi trời, ông làm gì thế, và trách móc ông ấy ». Ông Fujimoto đã viết như trên trong cuốn sách đầu tiên mang tựa đề « Kim Jong Il no Ryorinin » (Người đầu bếp của Kim Jong Il).

Cái chết của Kim Jong Il được toàn thế giới chú ý, tất nhiên kể cả ở VN.
Tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm của người kế tục Kim Jong Il đã gây nghi ngại về năng lực điều hành đất nước, và cộng đồng quốc tế đều hướng nhìn về Bắc Triều Tiên. Kịch bản đáng lo nhất là chế độ Bình Nhưỡng rốt cuộc sẽ vượt qua ranh giới, sử dụng đến sức mạnh quân sự với nước ngoài, hoặc là quân đội bị tan rã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ. Cũng có thể trong lúc này Kim Jong Un lúc này đang hiểu được nỗi lo lắng mà Kim Jong Il đã có, lúc cha ông ta mất.

Kenji Fujimoto nhận định : « Tướng quân Kim Jong Il đã để lại một gánh nặng vô cùng lớn cho người con trai. Có đủ mọi vấn đề cần phải giải quyết, như các vụ bắt cóc chẳng hạn (các điệp viên Bắc Triều Tiên trong thập niên 70 và 80 đã bắt cóc khoảng hai chục người ngoại quốc, chủ yếu là người Nhật, để buộc họ phải dạy ngoại ngữ cho các nhân viên tình báo của Bình Nhưỡng) ».

Hình ảnh Kim Jong Un trên truyền hình nhà nước BTT.
Nhưng theo Fujimoto, thì kịch bản tệ hại nhất sẽ không xảy ra. « Người giám hộ của Kim Jong Un là Jang Song Taek, chồng của bà Kim Kyong Hui - em gái Kim Jong Il - là nhân vật số hai của chế độ và là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Nhà nước. Bản thân bà Kyong Hui cũng sẽ tham gia giám sát. Vì quá trẻ, Kim Jong Un còn phải chờ đợi năm, mười năm nữa trước khi có thể nắm quyền thực sự. Trong lúc này, sự hỗ trợ của Jang Song Taek là cần thiết. Và chính sách đối ngoại có lẽ sẽ được giao phó cho các chuyên gia ».

Điều quan ngại nhất của cộng đồng quốc tế là hồ sơ nguyên tử. Liệu Bình Nhưỡng sẽ ngưng chương trình làm giàu uranium, theo đòi hỏi của Tokyo, Washington và Seoul hay không ? Theo như ông Fujimoto thì « Bắc Triều Tiên sẽ không nhượng bộ, dù với bất kỳ điều kiện nào. Nếu lùi bước thì chế độ sẽ sụp đổ, vì chính là nhờ sức mạnh răn đe của vũ khí nguyên tử mà triều đại này còn tại vị được ».

Ông Kenji Fujimoto và tác phẩm "Kita no Kokeisha, Kim Jong Un".
Trong cuốn « Kim Jong Un, người thừa kế của Bắc Triều Tiên », Kenji Fujimoto đã khuyên « người bạn » Kim Jong Un mà đôi khi ông vẫn xem như con trai mình, như sau : « Khi nào đến lúc được cầm quyền, cậu nên có chủ trương kiên quyết. Nếu Bắc Triều Tiên thay đổi những gì cần phải đổi thay, thì sẽ được các quốc gia khác nhìn nhận. Hãy hòa nhập vào cộng đồng quốc tế càng sớm càng tốt, để có thể hợp tác với các nước khác trên thế giới ».

Thời điểm lên ngôi đã đến sớm hơn dự kiến đối với vị tướng quân trẻ tuổi. Liệu anh có thể chứng tỏ được bản lĩnh ? Như « mùa xuân Ả Rập » đã chứng minh, các nhà độc tài thường có một kết cục bi thảm. Và đây không phải là điều mà cộng đồng quốc tế mong muốn.

Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam vay gần 1 tỉ đô la để phát triển hạ tầng

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm nay 13/01/2012, Ngân hàng Thế giới đã ký kết với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các khoản tín dụng có tổng trị giá 973,5 triệu đô la, nhằm xây dựng một xa lộ ở miền Trung Việt Nam, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại ba thành phố và hỗ trợ cải cách hành chính.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trị giá 613,5 triệu đô la sẽ nối kết từ quốc lộ 1A tới khu vực phía Nam Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Ngãi, nhằm tăng cường an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho việc phát triển thương mại trong nước và quốc tế.

Bà Victoria Kwakwa, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức này cấp tín dụng cho việc phát triển đường cao tốc ở Việt Nam, để hỗ trợ cho một quốc gia có thu nhập trung bình thấp đối mặt với những thách thức mới.

Dự án phát triển thành phố hạng trung với tổng vốn 210 triệu đô la, dự kiến cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn cho 520.000 dân ở các thành phố Lào Cai (gần biên giới Trung Quốc), Phủ Lý (ở gần Hà Nội) và Vinh (thuộc Bắc Trung bộ). Việc tập trung cho các thành phố trung bình phản ánh ý hướng phát triển cân bằng và bình đẳng trong cả nước, mà chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới muốn đảm bảo. Nguồn nước và vấn đề vệ sinh, hệ thống giao thông ở ba thành phố trên sẽ được cải thiện, đồng thời với quy hoạch đô thị toàn diện và bền vững.

Bên cạnh đó là khoản tín dụng giảm nghèo 150 triệu đô la nhằm tạo điều kiện cho việc hòa nhập xã hội, tăng trưởng bền vững, và cải thiện quản trị, với mục đích hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam thành quốc gia có thu nhập trung bình. Đây là khoản tín dụng cuối cùng trong chuỗi 10 món tín dụng dành cho Việt Nam để giúp xóa đói giảm nghèo và cải cách hành chính.

tags: Kinh tế - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120113-atna-unat-gur-tvbv-pub-ivrg-anz-inl-tna-1-gv-qb-yn-qr-cung-gevra-un-gnat
 

Việt Nam : Giáo sư Phạm Minh Hoàng ra tù

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012

Hãng tin AFP loan báo, ông Phạm Minh Hoàng, 56 tuổi một blogger mang hai quốc tịch Việt – Pháp bị kết án 17 tháng tù vì tội "mưu toan lật đổ chính phủ", đã mãn hạn tù giam. Ông đã được trả tự do hôm nay 13/1/2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Minh Hoàng, sau gần ba mươi năm ở Pháp, đã về Việt Nam từ năm 2000, giảng dạy môn toán ở trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh. Nhà đấu tranh cho nhân quyền này đã bị kết án ba năm tù, kèm theo ba năm quản chế ; sau đó tòa phúc thẩm đã giảm xuống còn 17 tháng tù nhưng vẫn giữ nguyên hình phạt quản chế.

Trả lời hãng tin Pháp, bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Phạm Minh Hoàng cho biết mỗi lần muốn rời khỏi khu vực quận 10 nơi ông cư ngụ, thì sẽ phải xin phép chính quyền. Bà nói thêm là sức khỏe ông Phạm Minh Hoàng vẫn tốt, hiện ông chưa biết sẽ làm gì trong tương lai, nhưng trước hết ông phải chăm lo cho người cha đã cao tuổi và bệnh hoạn.

Luật sư của ông hồi tháng 11 cho biết việc ông được giảm án có liên quan đến hoàn cảnh gia đình, và việc ông « cam kết khi ra tù sẽ không vi phạm luật pháp và không chống đối Nhà nước Việt Nam ».

Trong phiên tòa sơ thẩm, ông Phạm Minh Hoàng cho biết ông không hề muốn lật đổ ai cả, mà « chỉ tố cáo những sự việc tiêu cực trong xã hội ». Ông cũng bày tỏ sự « hối tiếc » và xin tòa khoan hồng.

AFP nhận định, tội danh mưu toan lật đổ chính quyền có khung hình phạt lên đến 15 năm tù, thường được áp dụng đối với các nhà ly khai, trong một đất nước mà các tranh luận chính trị bị cấm đoán. Tòa lên án ông đã viết 33 bài mà đa số « làm xấu đi hình ảnh đất nước », dưới bút danh Phan Kiến Quốc, đặc biệt là ông đã chống đối lại dự án khai thác quặng bauxite ở Tây nguyên. Mặt khác ông cũng nhìn nhận là thành viên của đảng Việt Tân. Tổ chức này có trụ sở ở Mỹ, bị Hà Nội xem là một tổ chức khủng bố, nhưng về phần mình Việt Tân khẳng định chủ trương xúc tiến dân chủ với phương pháp hòa bình.

Hãng tin Pháp nhắc lại rằng theo Amnesty International, hàng chục nhà bất đồng chính kiến ôn hòa Việt Nam đã bị lãnh những bản án nặng nề, từ khi có chiến dịch trấn áp tự do ngôn luận từ năm 2009.

tags: Nhân quyền - Việt Nam
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120113-bat-cunz-zvau-ubnat-qhbp-gen-gh-qb 

Người Tây Tạng bị sát hại : dân Cam Túc biểu tình

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 

Theo AFP hôm nay (13/1/2012), cái chết của một người Tây Tạng mà theo các tổ chức nhân quyền là do bị công an Trung Quốc sát hại, đã gây ra một cuộc biểu tình tại một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Cam Túc. Theo Tân Hoa Xã, nạn nhân là nghi can trong vụ mất cắp lều bạt ở một công trường, bị tử thương khi toan giật khẩu súng của một công an sau khi bị bắt.

Còn theo tổ chức International Campaign for Tibet (ICT), thì anh Gurgo Tseting, một người Tây Tạng khoảng ba mươi tuổi, hôm thứ Hai đã bị công an bắn chết từ cửa kính một ngôi nhà. Tổ chức này cho biết, công an đã bắt giữ một người khác bị nghi ngờ là đã tham gia vụ trộm, đang ở cùng nhà ; và nói thêm là không có gì chứng tỏ là cả hai người này có liên quan đến vụ mất cắp.

Tân Hoa Xã cho biết, cái chết của anh Gurgo Tseting đã tạo ra một cuộc biểu tình phản đối của người dân tại trấn A Mộc Khứ Hồ, thuộc huyện Hạ Hà, tỉnh Cam Túc, nơi xảy ra sự kiện. Theo Radio Free Asia, những người dân Tây Tạng đã tấn công vào đồn công an địa phương, và lực lượng an ninh đã sử dụng lựu đạn cay làm bị thương nhiều người, và bắt giữ nhiều người khác. Chính quyền thị trấn A Mộc Khứ Hồ và huyện Hạ Hà đều từ chối trả lời điện thoại của hãng tin Pháp.

International Campaign for Tibet cho biết, việc xây dựng một phi trường tại thị trấn này, gần một ngọn núi thiêng của người Tây Tạng, đã làm tình hình trong vùng thêm căng thẳng. Vào tháng trước, một người Tây Tạng khác cũng là cư dân của thị trấn này cũng đã bị công an giết chết, khi đang chạy xe gắn máy tại Hạ Hà. Các sự kiện này xảy ra trong bối cảnh đang có hàng loạt các vụ tự thiêu của người Tây Tạng phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp tôn giáo.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120113-gehat-dhbp-ovrh-gvau-gnv-pnz-ghp-cuna-qbv-pbat-na-fng-unv-zbg-athbv-gnl-gnat

Chính quyền Quảng Đông đền bù lương cho công nhân để tránh nổi loạn

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 
 
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một viên chức địa phương có trách nhiệm ở Quảng Đông, Trung Quốc hôm nay (13/1/2012) cho biết, chính quyền đã bồi thường cho hàng ngàn công nhân một món tiền tương đương với hai tháng lương do nhà máy của họ đột ngột đóng cửa, để tránh việc công nhân nổi loạn.

Công nhân của nhà máy Chuang Ying Toy Factory, đặt tại Hoành Lịch thuộc thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông đã bày tỏ sự phẫn nộ khi nhà máy bỗng dưng bị ngưng hoạt động. Theo công nhân, thì các người chủ công ty chuyên sản xuất đồ chơi, có trụ sở tại Hồng Kông, đã bỏ trốn.

Nhằm tránh các vụ bạo loạn có thể lôi kéo sự chú ý của trung ương, chính quyền địa phương đã quyết định chi trả 8 triệu nhân dân tệ, tương đương 1,3 triệu đô la cho công nhân của nhà máy trên.

Ngành công nghiệp đồ chơi ở miền đông nam Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề trước việc xuất khẩu bị sụt giảm. Năm 2011 đã có hàng ngàn nhà máy phải đóng cửa, và một phần mười số công nhân trong lãnh vực này bị mất việc.

tags: Châu Á - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120113-gehat-dhbp-puvau-dhlra-zbg-qvn-cuhbat-b-dhnat-qbat-qra-oh-yhbat-pub-unat-atna-pbat-a
 

Thủ tướng Nhật cải tổ nội các trước khi tăng thuế

Bài đăng : Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 13 Tháng Giêng 2012 
 
Vừa nhậm chức được bốn tháng, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda hôm nay (13/1/2012) đã cách chức năm Bộ trưởng, đồng thời lập ra chức Phó thủ tướng. Việc cải tổ nội các này là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của phe đối lập trong dự án cải cách thuế khóa chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất bình. 
 
Các nhân vật bị thay thế là Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Tiêu thụ và Công an, Giáo dục, Tư pháp và Cải cách Hành chính, trong đó hai vị Bộ trưởng Quốc phòng và Tiêu thụ & Công an bị phe đối lập chỉ trích nhiều nhất. Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles phân tích :
 
« Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda sẵn sàng thực hiện một vụ harakiri chính trị để tăng thuế đánh vào tiêu thụ, một loại thuế trị giá gia tăng của Nhật Bản. Thuế này sẽ tăng làm hai lần, từ 5 đến 10%, từ nay cho đến năm 2015. Thủ tướng Nhật Bản tin rằng thị trường sẽ không ngần ngại tấn công vào khối nợ công của Nhật, vốn vượt quá 200% tổng sản phẩm nội địa, một khi cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu chấm dứt.

Nước Nhật vẫn còn đủ khả năng tài chánh để trả nợ công, nhưng với tình trạng dân số bị lão hóa ngày càng nhanh, từ nay cho đến hai, ba năm nữa thì tình hình sẽ khác. Người đứng đầu Nhật Bản đã giao phó cho một Phó thủ tướng phụ trách về phúc lợi xã hội và cải cách thuế khóa cũng như hành chánh, ông Katsuya Okada, một nhân vật chủ trương khắc khổ, để trình lên Quốc hội dự luật đánh thuế tiêu thụ gấp đôi này. 

Vấn đề là không một ai ủng hộ, cả phe đối lập lẫn một bộ phận của phe đa số cầm quyền. Cần có một phép lạ để Thủ tướng Noda, hiện đang có tỉ lệ tín nhiệm thấp nhất trong các cuộc thăm dò dư luận, có thể đạt đến thành công trong việc cải cách thuế tiêu thụ này. Nếu thất bại, ông có nguy cơ bị mất chức : các cuộc bầu cử trước thời hạn có thể được tiến hành vào tháng Sáu tới. Và các tổ chức thẩm định tài chính có thể hạ điểm tín nhiệm về nợ công Nhật Bản xuống thêm một bậc nữa. »

tags: Châu Á - Kinh tế - Nhật Bản - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120113-guh-ghbat-aung-pnv-gb-abv-pnp-gehbp-xuv-gnat-guhr-gvrh-guh
 

jeudi 12 janvier 2012

Từ Ô Khảm nghĩ về Tiên Lãng

Dân làng Ô Khảm đang lắng nghe đại diện thành phố nói chuyện, ngày 21/12/2011.

(LND) Bài viết « Ô Khảm, biểu tượng mới của phản kháng tại Trung Quốc » của đặc phái viên báo Le Figaro, nhận định về tầm cỡ ảnh hưởng của cuộc nổi dậy Ô Khảm, Quảng Đông. Bị tịch thu đất đai, người dân đã đồng lòng nổi dậy chống lại các cán bộ địa phương tham nhũng.

Ô Khảm, biểu tượng mới của phản kháng tại Trung Quốc

« Cách đây vài hôm, khi các cựu quân nhân trong cuộc chiến tranh với Việt Nam năm 1979 phản đối lại số tiền trợ cấp quá tệ hại, họ đã kêu gọi đến « tinh thần Ô Khảm ». Khắp nơi trên mạng internet Trung Quốc, cho dù bị kiểm duyệt, tên của ngôi làng phản kháng nhỏ bé này lại được nêu ra, mỗi khi có đấu tranh chống lại bất công, hoặc để bảo vệ quyền lợi.

Tình hình đã trở nên hòa dịu tại Ô Khảm. Nhưng từ nay, ngôi làng nhỏ ở Quảng Đông đã trở thành biểu tượng đấu tranh của những người dân thấp cổ bé miệng chống lại áp bức. Dân làng nổi dậy chống đối việc chính quyền địa phương tịch thu đất đai bừa bãi và chỉ đền bù một cách chiếu lệ. Sự việc đã bùng nổ sau cái chết của một người biểu tình vào giữa tháng 12 - ông Tiết Kim Ba - lúc đang bị giam tại trụ sở công an, với lý do chính thức là « đau tim ». Dân chúng lên án công an đã đánh đập nạn nhân đến chết.

mercredi 11 janvier 2012

Tàu Hàn Quốc cháy ở Nam Cực : ba thủy thủ Việt Nam có thể đã tử nạn

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 
 
Lực lượng cứu hộ của New Zealand hôm nay (11/1/2012) thông báo, ba thủy thủ Việt Nam làm việc trên một chiếc tàu Hàn Quốc có thể đã thiệt mạng trong vụ cháy tàu Jeong Woo 2 ở ngoài khơi Nam Cực. Bảy thủy thủ khác bị thương, trong đó có sáu người Hàn Quốc.

Bà Sharon Cuzens, phát ngôn viên Trung tâm Điều phối Cứu hộ New Zealand (RCCNZ) nói rằng : « Ba thủy thủ mất tích có lẽ là đã chết cháy trong ca-bin tàu ». Tương tự, hãng thông tấn Yonhap trích lời các viên chức có trách nhiệm của Hàn Quốc cho biết, ba thủy thủ Việt Nam bị mất tích « có lẽ đã thiệt mạng, vì họ đang ngủ trong ca-bin, lúc ngọn lửa bùng lên ». 

Chiếc tàu đánh cá Hàn Quốc Jeong Woo 2, dài 51 m, đang ở biển Ross thuộc Nam Băng Dương, cách miền nam New Zealand khoảng 3.700 km, và cách căn cứ McMurdo tại Nam Cực 600 km, khi đánh đi tín hiệu cầu cứu trong đêm. Trung tâm Điều phối Cứu hộ New Zealand (RCCNZ) cho biết, hai tàu Hàn Quốc khác đã chạy đến cứu hộ thủy thủ đoàn gồm 40 người. Hãng tin Yonhap nói thêm, các thủy thủ trên tàu mang quốc tịch Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga.

Các thủy thủ bị thương, trong đó có hai người bị phỏng nặng, dự kiến sẽ được chuyển sang một chiếc tàu nghiên cứu khoa học của Mỹ, tàu Nathaniel B.Palmer. Tàu này có đầy đủ các trang bị y tế cần thiết, đang chuyển hướng về phương bắc để tiếp cận các tàu Hàn Quốc, đưa các nạn nhân đến căn cứ McMurdo ở Nam Cực, cho dù đang bị băng hà và sương mù cản trở.

Cũng theo Trung tâm Điều phối Cứu hộ New Zealand, tàu Jeong Woo 2 vẫn đang tiếp tục bốc cháy và có lẽ sắp bị chìm. Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn chưa được rõ.

Tàu Jeong Woo 2 thuộc sở hữu của tập đoàn Sunwoo, xuất xưởng ở Nhật năm 1985, chuyên đánh bắt loài cá vược Patagoni quý hiếm, cá đuối, cua và các loại cá sống ở đáy biển. Đây là chiếc tàu thứ hai gặp nạn ở Nam Cực, sau khi chiếc tàu Sparta của Nga bị kẹt hai tuần lễ vì đụng phải băng sơn vào tháng 12/2011. Trước đó, một tàu đánh cá Hàn Quốc khác là chiếc Insung 1 cũng đã bị đắm bất ngờ vào tháng 12/2010 mà không kịp phát tín hiệu cấp cứu, có lẽ do băng sơn, khiến 22 thủy thủ thiệt mạng.

tags: Hàn Quốc - Nam Cực - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120111-on-guhl-guh-ivrg-anz-pb-gur-qn-gh-ana-gebat-ih-punl-gnh-una-dhbp-b-anz-php
 

Tây Tạng: Bắc Kinh cảnh cáo Mỹ không nên can thiệp vào chuyện nội bộ

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm nay 11/1/2012, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của nước này, sau khi Washington vào hôm qua đã bày tỏ quan ngại trước làn sóng các tăng ni Tây Tạng tự thiêu. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc : Bắc Kinh phản đối việc can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Ông Lưu Vi Dân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : « Chính phủ coi trọng và đảm bảo các quyền căn bản của các nhóm thiểu số, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng. Chúng tôi kiên quyết phản đối việc lợi dụng tôn giáo để can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc ». 

Xin nhắc lại, hôm thứ Hai 9/1/2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland cho biết Hoa Kỳ « Rất lo ngại về thông tin có thêm ba người Tây Tạng tự thiêu trong những ngày gần đây ». Bà Nuland tuyên bố : « Các hành động trên rõ ràng đã minh chứng cho tình trạng bất bình và tuyệt vọng vô biên, trước việc nhân quyền bị hạn chế trầm trọng, trong đó có tự do tín ngưỡng ». 

Tân Hoa Xã ngày 9/1 cho biết một nhà sư đã tự thiêu tại Thanh Hải. Đây là vụ tự thiêu thứ 15 xảy ra trong vòng chưa đến một năm tại các vùng có người Tây Tạng sinh sống. Hãng tin chính thức của Trung Quốc hôm Chủ nhật cũng đã xác nhận một cựu nhà sư Tây Tạng tự thiêu ngày 6/1 ở gần tu viện Kirti tại Tứ Xuyên đã tử vong, một nhà sư khác bị thương khi tự thiêu trong cùng ngày tại đây.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Quốc tế - Tây Tạng - Trung Quốc
 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120111-gh-fv-gnl-gnat-gh-guvrh-onp-xvau-pnau-pnb-zl-xubat-ara-pna-guvrc-inb-puhlra-abv-ob 

Dân biểu Mỹ đầu tiên đến Miến Điện từ 12 năm qua

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 
 
Ông Joe Crowley, đại biểu đảng Dân Chủ tại New York, vốn ủng hộ việc trừng phạt Miến Điện để gây áp lực, sẽ đến thăm nước này vào ngày mai (12/1/2012) để đánh giá về tình hình cải cách chính trị tại đây. Ông Crowley là dân biểu Mỹ đầu tiên đến Miến Điện kể từ 12 năm qua, một tháng sau chuyến viếng thăm lịch sử của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Trong chuyến viếng thăm kéo dài hai ngày, dân biểu Joe Crowley sẽ tiếp xúc các viên chức chính phủ Miến Điện, gặp gỡ lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và lãnh đạo các nhóm thiểu số. Ông tuyên bố : « Tôi đến để đánh giá tình hình tại chỗ, đồng thời khuyến khích chính phủ Miến Điện tiếp tục con đường cải cách. Naypyidaw đã có một số bước tiến theo hướng này, bây giờ chỉ còn có việc thực hiện mà thôi ». 

Hạ viện Mỹ là định chế duy nhất có thể bãi bỏ các biện pháp cấm vận mà Washington đã áp đặt lên chế độ Miến Điện, trước việc trấn áp đối lập tại nước này. Trong chuyến viếng thăm vào tháng trước, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng hãy còn quá sớm để bãi bỏ các biện pháp trừng phạt, và đòi hỏi Miến Điện cần phải nỗ lực hơn trên con đường dân chủ hóa.

Dân biểu Joe Crowley là một trong những nhân vật chủ chốt của đạo luật trừng phạt Miến Điện năm 2003. Các biện pháp chủ yếu được đưa ra là việc cấm nhập khẩu vào Hoa Kỳ các sản phẩm của Miến Điện – trong đó có đá quý, nguồn thu lớn của quốc gia này - và hạn chế số lượng visa cấp cho các thành viên chính phủ Miến Điện.

Hãng tin AFP nhận định, nếu giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi đưa ra những nhận xét tích cực, thì rất có hy vọng Hoa Kỳ sẽ xem xét bãi bỏ các biện pháp trừng phạt.

Tổng thống Thein Sein đã gây ngạc nhiên cho giới quan sát khi tiến hành đối thoại với bà Aung San Suu Kyi, ngưng một dự án xây đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ, và thương lượng ngưng bắn với các nhóm thiểu số nổi dậy. Tuy nhiên chính quyền Miến Điện vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của phương Tây và phe đối lập về việc trả tự do cho các tù nhân chính trị.

Hai nhà ngoại giao Mỹ là Derek Mitchell và Luis CdeBaca trong tuần này cũng quay lại Miến Điện để tiếp tục thương thảo. Trước đó sau chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Clinton, Ngoại trưởng của hai nước đã từng đô hộ Miến Điện là Anh quốc và Nhật Bản cũng đã lần lượt đến thăm Naypyidaw.

tags: Châu Á - Hoa Kỳ - Miến Điện - Quốc tế 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120111-qna-ovrh-zl-qnh-gvra-qra-gunz-zvra-qvra-xr-gh-12-anz-dhn
 

Mitt Romney vẫn thắng thế trong cuộc bầu cử sơ bộ Mỹ

Bài đăng : Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 11 Tháng Giêng 2012 
 
Ứng viên Mitt Romney đã chiến thắng tại cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Hòa tại bang New Hampshire hôm qua (10/1/2012) với gần 40% số phiếu. Đây là giai đoạn quan trọng trên con đường trở thành đối thủ đương đầu với Tổng thống mãn nhiệm Barack Obama trong cuộc bầu cử ngày 6/11 năm nay.

Sau khi kiểm đếm 94% số phiếu, kết quả cho thấy ông Mitt Romney giành được 39,4% tổng số phiếu, bỏ xa ứng viên chủ trương tự do là ông Ron Paul (22,8%) và đối thủ ôn hòa Jon Huntsman (16,8%). Hai ứng viên bảo thủ khác là Rick Santorum và Newt Gingrich chỉ được dưới 10%, còn Rich Perry không đạt đến 1%.

Với chiến thắng này, ông Romney sẽ dễ dàng hơn trong việc thuyết phục cử tri Cộng Hòa, ông là chọn lựa tốt nhất để đối đầu với ông Barack Obama. Một cuộc thăm dò do Reuters và Ipsos đồng tổ chức được công bố hôm qua cho thấy, ở mức độ toàn quốc, Mitt Romney là ứng cử viên được cử tri đảng Cộng Hòa tín nhiệm nhất, và khoảng cách giữa ông Romney và ông Obama cũng đang được rút ngắn.

Là cựu Thống đốc bang Massachusetts và là đồng sáng lập quỹ đầu tư Bain Capital, ông Mitt Romney, 64 tuổi, có chủ trương ôn hòa, tuy vậy cũng đang vấp phải sự ngờ vực của cánh bảo thủ. Phe này chỉ trích ông đã thay đổi quan điểm về vấn đề phá thai, cũng như chủ trương « cánh trung » khi ông điều hành bang Massachusetts. Bên cạnh đó, ông là người theo giáo phái Mormon, đây cũng là một trở ngại đối với cử tri Tin lành bảo thủ.

Chiến dịch tranh cử của ông Mitt Romney tập trung vào lãnh vực kinh tế, nhấn mạnh đến năng lực của ông về mặt kinh doanh. Các đối thủ đả kích việc ông đã sa thải nhiều nhân viên, nhưng lý lẽ này khó thuyết phục tại bang New Hampshire, nơi mà tỉ lệ thất nghiệp chỉ có 5,2% so với toàn quốc là 8,5%. Các cử tri ủng hộ ông hy vọng kinh nghiệm trong lãnh vực tư doanh của Mitt Romney sẽ giúp tái thúc đẩy nền kinh tế Mỹ đang trì trệ.

Ông Mitt Romney kêu gọi cử tri Cộng Hòa tại Nam Carolina tiếp tục dồn phiếu cho ông ngày 21/1 tới, để đương đầu với Tổng thống mãn nhiệm Obama « đang thiếu hụt ý tưởng », giúp cho « năm 2012 sẽ là năm kết thúc của ông Barack Obama ». Tuy vậy tại bang này ông sẽ gặp khó khăn, vì nạn thất nghiệp tại Nam Carolina cao hơn, và cử tri tại đây đa số có khuynh hướng bảo thủ.

Xin nhắc lại, trước đây trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa tuần trước, ông Mitt Romney chỉ hơn đối thủ về nhì Jon Huntsman có 8 phiếu.

tags: Bầu cử - Hoa Kỳ - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120111-zvgg-ebzarl-ina-gunat-gur-gebat-phbp-onh-ph-fb-ob-qnat-pbat-ubn
 

Phụ nữ Ả Rập Xê Út được quyền làm việc tại các cửa hàng đồ lót nữ

Bài đăng : Thứ hai 09 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 09 Tháng Giêng 2012 
 
Kể từ thứ Năm 05/01/2012, phụ nữ Ả Rập Xê Út có thể đi mua quần áo lót mà không ngại ngùng khi phải trao đổi với người bán hàng là nam giới như trước. Đó là nhờ Quốc vương Abdallah đã quyết định cho phép phụ nữ được làm nhân viên bán hàng trong các cửa hàng đồ lót.

Trong vương quốc siêu bảo thủ mà nam nữ hoàn toàn « thụ thụ bất thân », vị vua chủ trương cải cách một cách thận trọng hồi tháng Sáu đã ban hành một sắc lệnh. Theo đó, các cửa hàng bán quần áo lót phụ nữ trong vòng sáu tháng phải thay thế các nhân viên bán hàng nam, bằng các nhân viên nữ người Ả Rập Xê Út.

« Đây là một quyết định tích cực và can đảm. Cũng như nhiều phụ nữ khác, tôi rất ngại khi đi mua đồ lót, phải trả lời cho người đàn ông bán hàng kích thước các vòng của mình ». Sarah Mohammed, một nữ giáo viên 37 tuổi đã khẳng định như thế với AFP. Quyết định trên được Quốc vương đưa ra sau khi đã có cả một chiến dịch trên internet trong đó phụ nữ bày tỏ sự bất mãn của họ. Tuy vậy, phụ nữ Ả Rập vẫn không thể mặc thử đồ lót, vì các phòng thử quần áo dành cho nữ giới bị cấm ở vương quốc dầu lửa này.

Kết thúc những ngại ngần

Cách đây một năm, Rim Assaad cũng đã lăng-xê một chiến dịch trên internet kêu gọi tẩy chay các cửa hàng đồ lót nữ sử dụng các nhân viên nam « để chấm dứt sự ngượng ngùng của nữ giới khi phải hỏi người bán hàng là nam ». « Kết thúc những ngại ngần », Fatima Qaroub tuyên bố trên mạng như thế. Cô cũng đã tung ra chiến dịch đòi phải nữ hóa công ăn việc làm trong ngành trang phục lót phụ nữ. Cô nhấn mạnh : « Ban đầu các thương nhân không thích thú mấy với quyết định của chính quyền. Nhưng sau khi tuyển dụng các nữ nhân viên bán hàng người Ả rập Xê út, một số đã áp dụng cả cho các cửa hàng quần áo tổng hợp ».

Bộ trưởng Lao động Adel Faqih cho biết có 7.300 cửa hàng có liên quan đến quyết định trên. Quyết định này sẽ tạo ra được 44.000 việc làm cho phụ nữ Ả Rập Xê Út. Và như vậy, các cửa hàng sẽ có số lượng nữ nhân viên tương đương nam nhân viên. Các nhân viên nam thừa ra, hầu hết là người nhập cư châu Á, sẽ bị sa thải. Theo Fahd al-Takhifi, một viên chức có trách nhiệm của bộ này, thì đã có 28.100 phụ nữ nộp đơn lên bộ xin làm việc trong các cửa hàng trang phục lót và mỹ phẩm trên toàn quốc, « Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả sẽ được tuyển dụng ». Bộ Lao động dự kiến huy động 400 thanh tra viên để kiểm tra việc áp dụng sắc lệnh của Quốc vương kể từ ngày 5/1, những nơi vi phạm sẽ bị phạt.

Mỹ phẩm : Phải đợi đến tháng Bảy

Trong giai đoạn hai, sắc lệnh trên sẽ được áp dụng cho các cửa hàng bán mỹ phẩm vào trước tháng 7/2012. Safa Salama rất hài lòng với chức vụ mới và nữ giám đốc một cửa hàng trang phục lót phụ nữ, trong một trung tâm thương mại ở Jeddah, thành phố cảng nằm phía tây. Cô nói : « Tôi đã làm thực tập sinh không lương trong một nhà bảo sanh, cho đến khi một bạn gái cho tôi biết các cửa hàng đồ lót đang tuyển nhân viên. Ban đầu tôi có hơi sợ, nhưng mọi việc sau đó đều tốt đẹp ».

Sắc lệnh của nhà vua bắt đầu có hiệu lực, cho dù giáo sĩ Abel Aziz Al Cheikh phản đối. Thủ lĩnh Hồi giáo trong bài giảng hôm thứ Sáu 6/1 cho rằng điều này làm cho các nữ nhân viên bán hàng « tiếp xúc trực tiếp » với các nam giám đốc. Hơn nữa, « các phụ nữ này sẽ bán hàng và đếm tiền », một điều « đi ngược lại với giáo luật ». Cách đây ba năm, một quyết định tương tự đã bị các giáo sĩ bảo thủ ngăn chặn, họ phản đối việc cho phụ nữ làm việc trong nhiều lãnh vực, để tránh việc tiếp xúc giữa nam và nữ. Năm 2010, một giáo sĩ cấp cao đã ra lệnh cấm phụ nữ làm nhân viên thu ngân trong siêu thị - một công việc được chính quyền cho phép – nhưng các nhà quản lý siêu thị đã không tuân theo quyết định mang tính tôn giáo này.

Ý thức rằng nguồn lợi từ dầu hỏa không phải là vĩnh viễn, Quốc vương Abdallah luôn khuyến khích nữ giới học lên cao và đi làm việc. Nhưng lại còn có một vấn đề khác: Ả Rập Xê Út hiện là quốc gia duy nhất trong thế giới Ả Rập cấm phụ nữ lái xe. Càng có nhiều phụ nữ Ả Rập Xê Út đi làm, thì việc họ đi đến nơi làm việc bằng phương tiện nào lại càng được đặt ra.

tags: Cuộc sống muôn màu 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/gbat-ubc/20120109-cuh-ah-n-enc-kr-hg-qhbp-dhlra-ynz-ivrp-gnv-pnp-phn-unat-qb-ybg-ah
 

mardi 10 janvier 2012

Cuba: Bước đầu tan rã của một Nhà nước toàn trị (1)

Một người đánh giày đang chờ khách trên vỉa hè.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết đặc sắc của nhà văn Cuba Jossé Manuel Prieto. Sau mười năm sống ở Mỹ, trở về thành phố quê hương La Habana, ông ngỡ ngàng nhận ra - qua những chi tiết của đời sống thường nhật - một nhà nước sau gần 70 năm toàn trị nay có vai trò ngày càng thu hẹp. Mô hình nào cho một  Cuba đang hấp hối, khi viện trợ Liên Xô từ lâu không còn, Venezuela nay cũng đang gặp khó khăn, còn Trung Quốc làm ngơ không muốn cứu giúp đảo quốc xa xôi này ? Cuba đang ở chân tường - đổi mới hay là chết !

Bài viết đăng trên tờ Letras Libres (Mehico), được Le Courrier International dịch ra tiếng Pháp.

Tại đại lý du lịch ở Queens, khi mua vé để đáp chuyến bay trực tiếp duy nhất nối liền New York – La Habana, tôi được trao bản danh sách các sản phẩm được phép mang đến Cuba : 10 ký lô dược phẩm và 20 ký thực phẩm miễn thuế hải quan. Cuba hiện vẫn đang bị Mỹ cấm vận thương mại, chính những người Cuba sống ở hải ngoại đảm trách việc duy trì cuộc sống bình thường cho đất nước.

dimanche 8 janvier 2012

Caritas : Hàng trăm ngàn người Bắc Triều Tiên đang phải ăn rễ cây

Kim Jong Un thăm một đơn vị thiết giáp tại Bình Nhưỡng. Thức ăn ê hề như trong ảnh là cảnh "không mơ thấy nổi" đối với người dân BTT.
Tổ chức từ thiện công giáo Caristas Internationalis (hiện diện tại 198 nước, có trụ sở tại Vatican) vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp viện trợ thực phẩm cho người dân Bắc Triều Tiên, đang bị nạn đói đe dọa trong mùa đông khắc nghiệt. Ông Michel Roy, Tổng thư ký Caritas Internationalis trả lời phỏng vấn nhật báo La Croix trong bài viết mang tựa đề : « Chúng ta biết gì về tình hình lương thực tại Bắc Triều Tiên ? »

Tình hình thực phẩm tại Bắc Triều Tiên hiện nay là đầy bi kịch, và càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn, từ khi Hoa Kỳ ngưng viện trợ lương thực, còn thực phẩm viện trợ từ Hàn Quốc cũng giảm mạnh. Tệ hại cho đến nỗi chính quyền Bình Nhưỡng phải đưa ra lời kêu gọi các tổ chức quốc tế giúp đỡ hồi tháng Bảy trước đây. Bằng cớ là bí thư thứ nhất của đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Roma đã đến gặp Caritas International, để tế nhị cho chúng tôi hiểu tình hình lương thực tại nước họ đã trầm trọng đến mức như thế nào, và để biết chắc rằng chúng tôi sẽ tiếp tục viện trợ hay không.

Tôi trở về sau một cuộc họp quan trọng do chúng tôi tổ chức vào giữa tháng 12 tại Seoul, chỉ vài ngày sau khi ông Kim Jong Il qua đời. Cuộc họp quy tụ nhiều nhà hoạt động trong lãnh vực viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, và bức tranh mà các chuyên gia này vẽ ra hết sức rõ ràng : đất nước này đang trong tình trạng đói ăn kinh niên. Hàng mấy trăm ngàn người Bắc Triều Tiên đang phải ăn rễ cây để có thể sống sót.

Cho dù các hình ảnh được truyền hình nhà nước chiếu đi trong buổi lễ tang ông Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng tạo ấn tượng là dân chúng sống ở thủ đô không đến nỗi thiếu dinh dưỡng, nhưng có đến một phần tư dân số Bắc Triều Tiên đang đói ăn. Tỉ lệ suy dinh dưỡng đã vượt quá 50% tại nhiều tỉnh ở miền Trung và miền Bắc. Nạn đói chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi và người già. Chưa thể nói đến trận đói như năm 1995, nhưng tình hình không còn xa nữa tại một số vùng ở Bắc Triều Tiên. Đó là vì ngay giữa mùa đông như lúc này, với nhiệt độ âm 40°C, không ai có thể sản xuất ra một thứ gì ăn được. Lương thực thường tích trữ trong mùa hè, nhưng năm nay do thời tiết xấu nên không tích lũy được gì.

Còn Trung Quốc thì cũng không chịu lấp đầy khoảng trống viện trợ thực phẩm mà cộng đồng quốc tế thường xuyên dành cho Bình Nhưỡng. Đối với Bắc Kinh, Bắc Triều Tiên phải mãi mãi là một quốc gia cộng sản và là chư hầu của Trung Quốc, là vùng đệm giữa Trung Quốc và Hàn Quốc. Viện trợ của Bắc Kinh cho Bình Nhưỡng chẳng phải là miễn phí !

Với Caritas Internationalis, điều khẩn cấp nhất là cần làm cho thế giới hiểu rằng, hàng triệu người đang phải gánh chịu nạn đói. Cần ra tay giúp đỡ cho những con người này.

Cam Bốt : Người từng đứng đầu cơ quan chống ma túy bị án chung thân vì buôn ma túy

Bài đăng : Chủ nhật 08 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 08 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm thứ Năm 5/1, tư pháp Cam Bốt đã tuyên hai bản án nặng nề đối với hai cựu quan chức cao cấp. Ông Moek Dara, nguyên Tổng thư ký Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia đã bị lãnh bản án chung thân vì tội buôn ma túy và tham nhũng, cùng với 32 tội danh khác. Trợ lý của ông này là Chea Leng cũng phải nhận bản án tương tự.

RFI : Xin chào thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh. Thưa anh, xin anh vui lòng cho biết thêm chi tiết về phiên tòa vừa rồi ?

Thông tín viên Phạm Phan - Phnom Penh
 
08/01/2012
 
 
Phạm Phan : Tòa án tỉnh Banteay Meanchey hôm thứ Năm tuyên án phạt đối với hai bị cáo từng là giới chức cấp cao trong chính quyền vì mang tội nhận hối lộ và mua bán ma túy. 

Bị cáo thứ nhất là ông Moek Dara, nguyên Tổng thư ký Cục Phòng chống Ma túy Quốc gia, ông bị kết án chung thân và phải nộp tiền phạt là 300.000 Mỹ kim. Tòa cũng tịch thu hai lô đất và số tiền lớn đang nằm trong trương mục ngân hàng của đương sự với tổng giá trị là 87.000 Mỹ kim. Moek Dara khét tiếng tại địa phương vì được coi là ông trùm chỉ đạo một băng nhóm tội phạm hình sự hỗ trợ cho hoạt động mua bán ma túy. Ông Phann Vanrath, Phó Công tố tòa án tỉnh Banteay Meanchey cho biết thêm, bị cáo Moek Dara còn tổ chức đánh cắp số ma túy bị tịch thu được cất giữ trong kho nhà nước. Moek Dara bị bắt hồi tháng Giêng năm 2011, một sự kiện khiến cho công luận và báo chí xôn xao. 

Trước khi đi vào con đường kinh doanh loại hàng hóa nguy hiểm cho xã hội nhưng nhanh chóng làm giàu này, thì Moek Dara đã nằm trong hàng ngũ cao cấp của Đảng Nhân dân Cam Bốt đương quyền, và y cũng từng làm việc nhiều năm tại Bộ Nội vụ, theo trích dẫn của báo mạng Washington Post ngày 05/01/2012. 

Bị cáo thứ hai là ông Chea Leng, nguyên Trưởng Cơ quan Phòng chống Ma túy thuộc Bộ Nội vụ. Chea Leng là đồng lõa, đồng thời làm phụ tá cho Moek Dara. Chea Leng bị kết án tù chung thân và phải nộp phạt cho nhà nước số tiền 21.000 Mỹ kim.

Kẻ tội phạm thứ ba là Morn Doeun còn đang trốn thoát lưới pháp luật, tên này bị kết án khiếm diện 25 năm tù giam và phải đóng số tiền phạt là 34.000 Mỹ kim. 

Theo luật hiện hành, Moek Dara có thời gian một tháng để làm đơn kháng án. Viên luật sư của đương sự là Ray Bunthoeun cho rằng bản án quá nghiêm khắc. Ray Bunthoeun nói tội phạm Khmer Đỏ là Duch giết đến 16 ngàn người mà chỉ bị có 19 năm tù giam, trong khi tòa bắt giam Moek Dara chỉ dựa trên lời chứng chứ không có tài liệu cụ thể.

Riêng các tổ chức nhân quyền địa phương thì hoan nghênh, họ coi đây là một thông điệp hữu ích gởi đến xã hội. 

RFI : Thưa anh, có sự cấu kết của các giới chức như vậy thì tệ nạn mua bán ma túy tại Cam Bốt khó thể bài trừ được?

Phạm Phan : Tại đảo quốc Singapore, bất cứ người nào, bất cứ quốc tịch gì, khi bị tìm thấy trong mình cất giấu hơn 15 gram heroine là sẽ bị kết tội treo cổ. Sở dĩ tệ trạng mua bán ma túy chưa bị bài trừ dứt điểm tại xứ Chùa Tháp là vì cơ quan pháp luật làm việc không nghiêm, trong đó không thể không nói đến việc nhúng tay làm ăn phi pháp của kẻ quyền thế hay một số giới chức trong chính quyền. 

Có thể kể ra đây trường hợp của hai viên chức nguyên là trưởng và phó cảnh sát tỉnh Banteay Meanchey, đó là ông Hun Hean và ông Chheang Son, cả hai đã bị kêu án 4 năm tù hồi tháng 11/2011 vì nhận tiền hối lộ hơn 100.000 Mỹ kim của bọn tội phạm mua bán ma túy đã bị bắt giữ. Tỉnh Banteay Meanchey nằm ở hướng Tây Bắc Phnom Penh và gần biên giới Thái. 

Kế nữa không thể bỏ qua một nhân vật mà nhiều người dân Phnom Penh biết đến vì giàu có và quan hệ thân cận của ông ta với các giới chức cấp cao trong chính quyền, đó là doanh gia Teng Bunma, người Khmer gốc Hoa. Có thể kể ra đây hai cơ sở trong hệ thống kinh doanh của tay triệu phú này, trước hết là khách sạn 5 sao mang tên Intercontinental, nằm trên đại lộ Mao Trạch Đông. Nơi đây vào tháng 11/2002, khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), nước chủ nhà Cam Bốt đã dùng khách sạn này để tiếp khách và khai diễn hội nghị.

Cơ sở kinh doanh thứ nhì là nhật báo “Rasmei Kampuchea” (Ánh Sáng Kampuchea) có số phát hành 18.000 tờ một ngày, đây là nhật báo lớn nhất ở Phnom Penh và cả Cam Bốt. Tất nhiên đây không phải là tờ báo đối lập. 

Từ nhiều năm nay, Teng Bunma bị Mỹ từ chối cấp visa vào đất Mỹ vì đương sự bị nghi ngờ có tên trong danh sách những kẻ mua bán ma túy. Vào tháng 6/1998 cảnh sát Thái đã phát lịnh truy bắt Teng Bunma vì tội lừa đảo. Tại Hồng Kông, cảnh sát cũng đề ra lịnh truy bắt Teng Bunma vì dùng giấy thông hành giả để đăng ký xin lập công ty “Thai Boon Roong”. Con trai của Teng Bunnma có phần hùn với Ieng Sary trong hoạt động kinh doanh casino quốc tế tại huyện Pailin, tỉnh Battambang, nơi đây phần nhiều có các cựu binh Khmer Đỏ sinh sống hay ẩn náu. 

Trong bài viết năm 1996 với tựa đề "Medellin on the Mekong" trên tuần báo (nay thành nguyệt san) Far Eastern Economic Review ở Hong Kong, nhà báo người Mỹ, ông Nate Thayer mô tả Teng Bunma là nhân vật quan trọng trong hoạt động kinh doanh ma túy tại Cam Bốt.

RFI : Bên cạnh đó, có lẽ còn có lý do Cam Bốt nằm bên cạnh “Khu tam giác vàng” và các đường trung chuyển ma túy ?

Phạm Phan : Địa phận xứ Chùa Tháp nằm sát cạnh Thái và Lào, hai trong ba quốc gia thuộc khu “Tam Giác Vàng”, nơi mà từ thập niên 1920 cho đến đầu thế kỷ 21 được coi là vùng trồng thuốc phiện bất hợp pháp lớn nhất ở Châu Á và của thế giới. Dù ngày nay, khu vực có tên “Trăng Lưỡi Liềm Vàng” bao gồm Afghanistan và Pakistan trở thành nơi cung cấp ma túy hàng đầu trên thế giới, nhưng năm 2009, Mỹ lên tiếng cảnh báo về nguy cơ hoạt động trở lại của “Tam Giác Vàng”. 

“Tam Giác Vàng” rộng 950.000 kilômét vuông bao gồm vùng rừng núi của ba quốc gia Đông Nam Á là Miến Điện, Lào và Thái Lan. Thuốc phiện được trồng ở Đông Bắc Miến Điện, sau đó được chuyển vận bằng ngựa, lừa đến biên giới Thái - Miến, tại đây có các cơ sở chế biến thành heroine (bạch phiến) và rồi được chuyên chở đến Bangkok và các tỉnh Bắc Thái, sau cùng phân phối ra thị trường tiêu thụ trên thế giới, đặc biệt là đến Hoa Kỳ. Trong quá khứ, một bộ phận người Thái gốc Hoa hoặc người Miến gốc Hoa tại Bangkok đóng vai trò chính trong hoạt động kinh doanh này. 

Vị trí Cam Bốt cũng quan trọng không kém trong hệ thống phân phối ngầm loại độc dược này. Ma túy từ Thái, hay Lào đến Cam Bốt không khó mấy vì tuyến đường bộ trên biên giới trải dài với rừng rậm khó kiểm soát, cạnh đó thì các trạm kiểm soát cũng không kiểm tra tuyệt đối vì lính canh cũng thích xài đô la. Ma túy đến Cam Bốt, một là cung ứng cho kẻ tiêu thụ, hai là được chuyển đến phân phối tại Việt Nam hay có thể từ Việt Nam đi đến thị trường thế giới như Mỹ để tiêu thụ. 

RFI : Như vậy là nạn buôn lậu ma túy ở Cam Bốt cũng ảnh hưởng đến Việt Nam ?

Phạm Phan : Các cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam nhiều lần báo động tình trạng gia tăng đáng lo ngại về tệ trạng buôn lậu ma túy từ Cam Bốt về Việt Nam. Vụ án mới nhất diễn ra ngày 30/12/2011, theo báo Pháp Luật online, tòa án ở Sài Gòn mở phiên xử hai bị cáo chính và 12 tòng phạm có can dự vào việc “vận chuyển – mua bán và tàng trữ trái phép” số lượng ma túy từ Cam Bốt về Việt Nam trong 10 năm qua. Băng nhóm này do Võ Anh Tuấn (40 tuổi, tức Tuấn “Nga”) và Nguyễn Xuân Dần (37 tuổi) cầm đầu. Kết quả sau phiên xử, tòa quyết định 5 án tử hình. 

Ngày 16/11/2011, Việt Nam, Lào, Cam Bốt mở phiên họp cấp bộ trưởng thứ 11 tại thủ đô Vientiane của Lào để lượng định lại công tác phòng chống ma túy xuyên quốc gia. Ba bên cam kết cố gắng hoàn thành mục tiêu trong năm 2015 là xây dựng một ASEAN không có ma túy. So với tình hình thực tế trong xã hội, khi tệ trạng buôn lậu và sử dụng ma túy cứ gia tăng thì mục tiêu năm 2015 e rằng khó mà thực hiện được. 

RFI : RFI Việt ngữ xin rất cảm ơn thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh.

tags: Cam Bốt - Châu Á - Pháp luật - Phỏng vấn 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120108-pnz-obg-athbv-ghat-qhat-qnh-pb-dhna-pubat-zn-ghl-ov-na-puhat-guna-iv-ohba-zn-ghl