(Libération) Một trí thức Hàn Quốc, ông Oh Kil Nam bị Bắc Triều Tiên chiêu dụ đưa gia đình sang sinh sống vào năm 1985. Một năm sau, ông đào thoát được, nhưng vợ con ông đến nay vẫn bị chế độ Bình Nhưỡng cầm tù.
Một chút hy vọng mong manh lại lóe lên với Oh Kil Nam sau cái chết của Kim Jong Il. Nhà kinh tế học Hàn Quốc 69 tuổi hy vọng nhân cơ hội Bình Nhưỡng có lãnh đạo mới để mong gióng lên được tiếng chuông báo động về số phận của những người mất tích và bị Bắc Triều Tiên (BTT) bắt cóc. Từ 26 năm qua, người đàn ông này cật lực tìm cách thu hút sự chú ý về tình trạng của vợ và hai con gái ông, bị BTT cầm tù từ năm 1986.
Hồi tháng Chín, sau mười năm trời không có tin tức gì về vợ là bà Shin Suk Ja, năm nay 69 tuổi, và hai con gái Gyuwon (32 tuổi), Hyewon (35 tuổi), ông được tin là họ vẫn còn sống. Choi Sung Yong, chủ tịch Hiệp hội các gia đình có thân nhân bị mất tích tại BTT cho nhật báo Chosun Ilbo biết, là ba phụ nữ trên đã được chuyển từ Yodok, một trong những trại tập trung tù chính trị khắc nghiệt nhất, sang một nhà tù ở ngoại ô Bình Nhưỡng.
|
Ông Oh Kil Nam trước cuộc mít tinh đòi trả tự do cho vợ con ông. |
Thông tin chưa được kiểm chứng này đã làm chao đảo Oh Kil Nam, vẫn đi đi về về giữa Đức và Seoul, tạm ngụ ở căn hộ chật hẹp của người cháu gái ở đông nam thủ đô Hàn Quốc. Thú nhận rằng « mệt mỏi sau nhiều năm tranh đấu và thường cố uống rượu để quên », Oh Kil Nam chưa bao giờ tự tha thứ cho mình về việc đã bỏ rơi gia đình ở BTT.
Câu chuyện của ông minh họa cho số phận của 517 người Hàn Quốc bị bắt cóc từ năm 1953, đặc biệt là việc chế độ Bình Nhưỡng rù quến các trí thức cánh tả trong thập niên 70 – 80 ; trước khi chiếc bẫy đóng sập lại những ảo tưởng của họ.
Trong những năm tháng ấy, Oh Kil Nam là một giảng viên đại học Hàn Quốc, có bằng cấp về văn chương Đức và kinh tế học. Là đối lập cánh tả trước chế độ Park Chung Hee và Chun Doo Hwan (1961 -1988), ông được các đặc tình của BTT tại Đức chú ý. Lúc đó ông đang làm luận án tiến sĩ về kinh tế, và có giao du với các thành viên của SPD, đảng Dân chủ Xã hội Đức.
Bẫy rập
Các nhân viên tình báo BTT đề nghị đưa ông và gia đình sang Bình Nhưỡng sinh sống. Oh Kil Nam nhớ lại : « Họ nói với tôi rằng vợ tôi - là y tá và bị bệnh viêm gan - sẽ được chữa trị miễn phí. Còn tôi thì họ hứa hẹn sẽ giao cho một chức vụ kha khá của nhà nước để, theo họ, đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc mở cửa kinh tế của phía Bắc ».
Những người Hàn Quốc khác là cảm tình viên của BTT tị nạn ở Đức hoàn chỉnh thêm cho bức tranh về một tương lai hạnh phúc tại miền Bắc, nhưng bản thân họ không đi. Oh Kil Nam bị thuyết phục, và bỏ ngoài tai lời can gián của vợ - bà không muốn sống ở BTT.
Ngày 03/12/1985, chuyến bay đưa gia đình ông từ Matxcơva đáp xuống Bình Nhưỡng. Chiếc bẫy đã sập xuống. « Khi bước ra khỏi máy bay, vợ tôi trông thấy những bé gái gầy còm đứng đón chúng tôi, ăn mặc quần áo mùa hè phong phanh và chỉ mang vớ trong tiết trời giá lạnh. Bà ấy đã bật khóc nức nở, nói rằng : Đó là những gì đang chờ đợi các con gái của chúng ta đấy ».
|
Vợ và hai con gái ông Oh Kil Nam tại BTT. |
Vừa mới đến nơi, cả gia đình bị nhốt vào một trại lính tận trên núi trong suốt ba tháng trời. Những người BTT đã quên mất lời hứa chữa bệnh viêm gan miễn phí cho Shin Suk Ja và chức vụ trong mơ cho Oh Kil Nam. Đến tháng 4/1986, hai vợ chồng được cho vào làm trong ê-kíp một đài phát thanh chuyên phát các chương trình tuyên truyền sang phương Nam. Rồi sau đó cơ quan tuyên huấn đề nghị Oh Kil Nam trở qua Đức để tìm cách kết nạp thêm các sinh viên Hàn Quốc.
Nhà kinh tế kể lại rất chi tiết : « Vợ tôi đã tặng cho tôi một cái tát khi được biết nhiệm vụ của tôi. Bà ấy nói : Anh không thể tiếp tục đi gài bẫy người khác. Anh đã trở thành một con vẹt lặp đi lặp lại các bài bản của nhà cầm quyền. Vậy thì anh đi đi, và đừng bao giờ trở lại nữa ! Vợ tôi bảo, kể từ nay coi như tôi đã chết rồi».
|
Con gái lớn Hyewon sinh 1976 tại Đức. |
|
Con gái thứ Gyuwon sinh 1978 tại Đức. |
Oh Kil Nam lên máy bay. Ngày 25/06/1986, khi đến quầy kiểm soát chiếu khán nhập cảnh ở Copenhague, ông đã để cho hai công an đi kèm qua trước. Lúc đến lượt mình, ông nói rằng hộ chiếu của ông là giả mạo, và muốn xin tị nạn chính trị.
Oh Kil Nam không bao giờ quay lại BTT nữa. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho ông biết, vợ và hai con gái ông đã bị nhốt vào trại tập trung số 15, Yodok. Đây là một trong sáu trại tù chính trị được gọi là Kwanliso. Trong mạng lưới các trại tập trung được dựng lên tại những thung lũng miền núi, có khoảng 200.000 người phải chịu đựng tình trạng đói kém, bị tra tấn và cưỡng bức lao động.
Năm 1993, Oh Kil Nam viết một cuốn sách nhắn gởi đến lãnh tụ BTT Kim Jong Il : Hãy trả lại vợ con cho tôi. Không có lời đáp nào từ phương Bắc, và cũng không có sự ủng hộ nào của phương Nam.
Seoul thận trọng
|
Oh Kil Nam giới thiệu cuốn sách của ông trong buổi mít-tinh tại Tokyo tháng 8/2011. |
Khác với Nhật Bản, vốn đưa hồ sơ các công dân bị bắt cóc lên hàng đầu trong những xung đột với Bình Nhưỡng, dù có nguy cơ làm tê liệt mọi hoạt động ngoại giao, Seoul lại giữ thái độ dè dặt. Với chính sách Vầng thái dương từ 1998 đến 2008 đã giúp hâm nóng lại quan hệ giữa hai nước Triều Tiên, chính quyền thường tránh né các chủ đề làm phật ý người láng giềng phương Bắc.
Andrei Lankov, giáo sư trường đại học Kookmin ở Seoul cho biết: “ Miền Nam tin rằng miền Bắc sẽ không nhượng bộ bao nhiêu trên vấn đề này. Đặc biệt đây lại là một hồ sơ làm chia rẽ giới chính trị ở Hàn Quốc, trong đó một bộ phận trí thức cánh tả vẫn có cảm tình với BTT”.
Tuy vậy, Oh Kil Nam cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và hiệp hội bảo vệ nhân quyền tại Hàn Quốc và ở nước ngoài. Ông vui mừng, nhưng lo sợ: “Với tình trạng bệnh tật và bị giam cầm như thế, liệu vợ con tôi có còn sống sót hay không?”