mardi 12 novembre 2024

Nguyễn Thông - Đường cao tốc


Tôi muốn nói về tuyến đường sắt bắc nam mà chính quyền đang tính. Họ đã quyết rồi, có cản cũng chả được. Nhiều khi những điều họ làm, đúng hoặc sai phải vài chục năm sau mới được xác nhận, chứ lúc làm thì luôn luôn đúng.

Cải cách ruộng đất, chống nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, cơ chế bao cấp, hợp tác xã, ngăn sông cấm chợ, diệt tư sản..., nhiều lắm, là những ví dụ. Khi họ thực hiện, ai cãi, ai phản đối sẽ bị đi tù, nhẹ thì mất chức, sa thải.

Tôi xa quê đã gần nửa thế kỷ, cách quê gần 2 nghìn cây số, nên hằng mong sự đi lại xuyên Việt dễ dàng, thông thoáng, vừa túi tiền người nghèo, bình dân. Mong đợi suốt mấy chục năm cái ước mơ nhỏ nhoi bình dị ấy thành hiện thực nhưng tới nay vẫn chỉ là mơ, bởi họ quyết không làm.

Nhớ những lần chen nhau trong mớ dây thép gai bùng nhùng ở cảng Chùa Vẽ, trong dòng người ngơ ngác vô tận, tuyệt vọng, lo âu tại ga Hà Nội, ở bến xe ô tô, những toa tàu chật cứng, hoặc cảnh lê la trên boong tàu thủy Thống Nhất giữa biển khơi nhưng nóng chảy mỡ... mà rùng mình. Sao làm dân một nước độc lập thống nhất mà khổ thế không biết.

Nhớ bài hát ông Đỗ Nhuận viết năm 1976, "anh hỏi em có con đường nào là đường đẹp nhất/em nói rằng chỉ có con đường thống nhất hôm nay", nghe rất chi lý luận, chứ thực tế thì khác hẳn.

Vì vậy, tôi mong, và không mong, đường sắt xuyên Việt cao tốc, khác con đường xuyên Việt thấp tốc do người Pháp để lại vốn ra đời từ hơn trăm năm trước.

Mong có nó để về quê dễ hơn, nhanh hơn, chứ tiền đâu nuôi máy bay. Chỉ cầu giời khấn phật giá vé rẻ, chứ nó còn cao hơn vé bọn Vietjet, Bamboo thì cố hương vẫn xa vời, "quê nhà tôi ơi, xứ Phòng xa lắm". Tôi có ông anh vợ từ lâu lắm rồi chỉ ao ước đất nước đã thống nhất được ra ngoải cho biết thủ đô, nhưng đi lại khó khăn, vé giá cao, tiền bạc có hạn, cứ nấn ná lần khân mãi. Tới giờ công dân ấy đã U90 vẫn chưa biết mặt mũi thủ đô nó thế nào. Bi kịch. Hàng chục triệu người như vậy. Những nhà làm chính sách gần như không biết tới điều này. Họ đi máy bay như đi chợ, có ngân sách chi trả, họ chả cần biết.

Giờ họ muốn làm đường sắt tốc độ cao để sửa chữa sai lầm đã gây ra. Không biết đứa nào trong họ cứ bắt người ta phải gọi bằng được cái tên "đường sắt tốc độ cao", không được nói đường cao tốc. Mấy vị lãnh đạo xứ này chúa vẽ vời. Chẳng hiểu khác nhau chỗ nào.

Đi lại vào nam ra bắc là sự hành xác chứ không phải chỉ có tốn kém. Nhưng bớt được tốn kém là mục tiêu hàng đầu của dân nghèo. Đường sắt cao tốc mà tốn kém, chỉ cốt thu hồi vốn, giá vé còn cao hơn cả vé máy bay thì nó là của quan và nhà giàu chứ không phải của dân, do dân, vì dân như khẩu hiệu tuyên truyền.

Thú thực, tôi cũng chả mê, chả hy vọng gì vào đường sắt cao tốc bắc nam, lại càng không mảy may cái thú ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở Sài Gòn. Khổ, làm gì cũng chỉ tính tới ăn, kể cả làm lãnh đạo, chỉ thực dụng "dĩ thực vi tiên". Nếu có làm nó, tiến độ bình thường đã chửa ăn ai, nếu theo kiểu Cát Linh - Hà Đông lại càng mờ mịt. Tuổi to rồi, sống được mấy hồi, lăn quay ra, chứ ở đó mà chờ mà đợi. Còn tụi trẻ, biết đâu cũng như ông anh tôi sau ngày đất nước thống nhất.

NGUYỄN THÔNG 12.11.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.