Ý chính : Tự chủ Đại học rất có lợi cho việc phát triển quốc gia. Xây dựng Tự chủ Đại học cho Việt Nam khó nhưng khả thi. Vấn đề là: Việt Nam có quyết tâm xây dựng nền Tự chủ Đại học như thế giới không?
Từ Tự Chủ Đại Học gần đây được báo chí nhắc tới như cái đích mà các trường đại học Việt Nam hướng tới. Khái niệm này trước năm 1975 được Miền Nam gọi là Tự trị Đại học và được áp dụng một cách nghiêm túc. Bài viết về vấn đề chuyên môn này dài, xin lược lại.
A- Khái niệm tự chủ đại học qua những thế kỷ (Lịch sử và triết lý Tự chủ Đại học)
Tự chủ đại học gắn liền với các khái niệm Tự Chủ và Tự Do. Đây là những khái niệm biến chuyển qua nhiều thế kỷ diễn tiến của xã hội về hướng văn minh.
Khái niệm Tự Chủ bao hàm tư tưởng triết học liên quan tới đạo đức và chính trị để nói về trạng thái tự mình quản lý mình, tự mình hướng dẫn cuộc sống của chính mình theo các lý lẽ, giá trị hay mong ước có ý nghĩa cho riêng mình mà không chịu ảnh hưởng bởi bên ngoài như áp lực quyền thế, pháp luật, tôn giáo, quan niệm xã hội, những điều cam kết hay áp lực bên trong như ham muốn nội tại (1).
Từ Tự Do trong tiếng Việt dùng để dịch từ Liberty, có nghĩa là sự Tự Do trong mối liên hệ với con người, xã hội, phù hợp với luật pháp, đạo đức, phong tục tập quán, nghĩa là sự Tự Do được xã hội nhìn nhận tính hợp lý. Các trường đại học Đức rất tôn trọng tính tự chủ như nguyên tắc của tự do học thuật nhắm bảo vệ tính tin cậy của nghiên cứu. Các đại học Hoa Kỳ tiếp nối truyền thống này, xem là nguyên tắc chính của tự do học thuật bảo đảm cho các học giả làm việc không chịu áp lực hay thiên kiến nào ngoài những nguyên tắc và phương pháp khoa học (2).
B- Các tiêu chí của tự chủ đại học
Khái niệm và cách thực hiện Tự Chủ Đại Học có khác nhau theo vùng trên thế giới, và bài viết tìm thấy những điểm chung nhất về khái niệm này trên trang web về Tự Chủ Đại Học (3). Trang này trình bày các tiêu chí đo lường mức độ tự chủ đại học của các quốc gia châu Âu, từ đó người đọc có thể rút ra ý niệm Tự Chủ Đại Học là gì trong thực tiễn và sự triển khai thực hiện nên như thế nào.
Một cách thực tiễn, mức độ tự chủ đại học của một trường đại học có thể được đánh giá theo bốn tiêu chí sau:
Tự chủ Tổ chức (Organisational autonomy) – Tự chủ tài chánh (Financial autonomy) – Tự chủ tuyển người (Staffing autonomy) – Tự chủ học thuật (academic autonomy)
Để các quyền Tự chủ trên được thực thi, trường cần thành lập Hội đồng trường (university governing bodies) là nơi quyết định các vấn đề chiến lược cho trường. Nếu cần một hay vài thành viên từ bên ngoài, sự chấp nhận thành viên đó phải có sự đồng ý của trường. Viện trưởng (president) do hội đồng trường bầu ra với số phiếu tuyệt đối cao nhất. Không cần điều kiện quốc tịch. Kết quả bầu đương nhiên có giá trị, không cần bất kỳ cơ quan ngoài trường nào duyệt!
Hiệp Hội Các Trường Đại Học Châu Âu (EUA) tin rằng Sứ Mạng của các trường đại học tại châu Âu là thúc đẩy hoạt động phù hợp với giá trị nền tảng: xem Tự Chủ Đại Học là nguyên tắc cốt lõi cho quản trị đại học, là căn bản quan trọng nhất để cho việc nghiên cứu và giảng dạy đại học có ý nghĩa.
C- Tự chủ đại học cho Việt Nam
Sau trình bày ngắn gọn như trên, bài viết xin đặt ba câu hỏi:
1) Việt Nam có chấp nhận nền Tự Chủ Đại Học gắn liền với các khái niệm về Tự Chủ và Tự Do như trình bày trong mục (A) không?
2) Tự Chủ Đại Học của Việt Nam có cùng tiêu chí định tính và đo lường như châu Âu không? Có đồng quan điểm thành lập Hội đồng trường và bầu chọn Viện trưởng như được được trình bày trong mục (B) không?
3) Tự chủ Đại học nhằm Tự do Học thuật. Việt Nam có xiển dương Tự do Học thuật không?
Nếu Việt Nam trả lời Không cho ba câu hỏi trên thì tôi nghĩ Việt Nam khó mà áp dụng kinh nghiệm của mấy trăm năm Tự chủ Đại học của phương Tây. Bởi vì ý muốn thực của hai bên khác nhau quá xa! Có thảo luận hàng chục năm e cũng chỉ lay hoay mà thôi!
Nếu Việt Nam trả lời Có thì việc xây dựng nền Tự chủ Đại học là khả thi. Trong việc này, cần cơ chế, chính sách, nói chung là cách quản trị xã hội thích hợp khuyến khích Tự chủ Đại học. Có điều kiện cơ chế, chính sách rồi, Việt Nam sẽ có đủ người có năng lực xây dựng Tự chủ Đại học. Đó là các chuyên gia trong nước, Việt kiều, hay chuyên gia từ các quốc gia khác.
LÊ HỌC LÃNH VÂN 04.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.