Trong vài ngày nữa thế giới sẽ biết ai là Tổng thống Mỹ cho bốn năm tới. Cho tới bây giờ, các cuộc thăm dò chưa cho thấy “mèo nào cắn mỉu nào”, nghĩa là chưa cho người ta biết được ai có xác suất thắng cử cao hơn, Trump hay Harris.
Chắc chắn người viết bài này có cảm tình hơn với một người, nhưng bài được viết trong tâm trạng bình thản đón nhận kết quả.
Là công dân quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của chính sách toàn cầu của Hoa Kỳ, tác giả hiểu rằng có thể có sự khác biệt chính sách ngoại giao và cách thực thi các chính sách đó giữa hai vị Trump hay Harris.
Cựu Tổng thống Trump chủ trương MAGA, MAGA mạnh mẽ trong lãnh vực kinh tế, nên sẽ đề nghị với đồng minh nâng cao mức độ đóng góp cho lực lượng quân sự Hoa Kỳ bảo vệ lãnh thổ các quốc gia ấy. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên 2016-2020, điều này gây không khí tranh cãi giữa Hoa Kỳ và các quốc gia chủ chốt trong khối NATO, G7... góp phần đẩy quan hệ đồng minh xuống mức độ thấp. Khi Tổng thống Biden chấp chính, mối quan hệ này mới nồng ấm trở lại hơn.
Việt Nam nằm sát bên Trung Quốc hùng mạnh và trong thời điểm hiện nay tương quan lực lượng kinh tế - quân sự rất bất lợi cho Việt Nam. Cho dù Hoa Kỳ còn nắm ưu thế so với Trung Quốc, nhưng chỉ Hoa Kỳ ở xa thì chưa chắc có thể cân bằng với Trung Quốc ở quá gần. Cho nên Việt Nam cần một thế giới phương Tây đoàn kết làm đối trọng với Trung Quốc.
Ông Trump khi làm Tổng thống sẵn sàng hủy bỏ các cam kết với đồng minh, với thế giới. Thí dụ ông bỏ hẳn kế hoạch của Tổng thống tiền nhiệm Obama xây dựng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement - viết tắt là TPP) mà vị Tổng thống này đã ký kết với các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Điều này khiến khiến uy tín của Hoa Kỳ trong việc giữ cam kết với đồng minh bị tổn hại. Các quốc gia này do dự hơn khi liên kết với Hoa Kỳ khiến uy thế của Trung Quốc mạnh hơn trong khu vực một cách tương ứng.
Nếu nhớ tới các động thái ngoại giao của Việt Nam nghiêng gần hơn phương Tây những năm đó, bài viết này thông cảm với sự ngập ngừng của Việt Nam sau đó... Việt Nam đã có những kinh nghiệm cay đắng với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu!
Chú ý rằng trong hoàn cảnh bất kỳ ai trong hai nhân vật Trump hay Harris làm Tổng thống, bài viết không hề cho rằng Hoa Kỳ “thương” Việt Nam, chỉ muốn nói trong hoàn cảnh hiện nay, quyền lợi và giá trị cốt lõi của Hoa Kỳ song hành với quyền lợi của quốc gia Việt Nam. Do đó, nếu khéo léo, Việt Nam có thể dùng sức của Hoa Kỳ và phương Tây nói chung để vươn lên trong mối quan hệ cạnh tranh của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chính sách ngoại giao cây tre, nếu được dùng cho mục đích giữ quốc gia hòa bình để phát triển, chính sách ấy nên được ủng hộ. Điều này đã được quyển sách chính trị nổi tiếng Chính Đề đề cập tới từ sáu mươi lăm năm trước.
Muốn làm được điều đó, Việt Nam phải có một nội lực kinh tế - quân sự mạnh hơn hiện nay. Việt Nam cần một chính quyền đại diện một cách chính đáng cho đa số dân chúng, do đó có thể tập hợp cao nhất sức lực toàn dân mà phát triển quốc gia. Tôi tin rằng nếu tập hợp được sức dân, Việt Nam sẽ tiến bộ vượt bậc, trong vòng mười năm sức mạnh kinh tế lớn gấp khoảng hai lần rưỡi tới ba lần hiện nay. Lúc đó, dù vẫn nằm trong mối liên kết nhân quả quốc tế phức tạp, Việt Nam có độ tự chủ cao hơn bây giờ nhiều lần!
LÊ HỌC LÃNH VÂN 05.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.