Sau 1975, nhà văn – nhà thơ Hoàng Hải Thủy nổi tiếng viết bài thơ khá nhiều người biết “Áo vàng hoa”. Cuối bài thơ, ông ghi: “Tháng 7, 1977 - Nhà 259/29A Phạm Hồng Thái, Cư xá Tự Do, Ngã ba Ông Tạ, Sài Gòn”.
Cư xá này trên đường Lê Văn Duyệt nối dài/Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám), đoạn gần ngã tư Bảy Hiền - khu vực cuối của xã Tân Sơn Hòa, cách ngã ba – trung tâm Ông Tạ khoảng nửa cây số.
“Ngã ba Ông Tạ” ở đây hàm nghĩa khái niệm “vùng/phạm vi (thuộc) Ông Tạ”. Vậy nên, không chỉ nhà văn - nhà thơ Hoàng Hải Thủy, nhiều cây bút ở miền Nam trước đây cũng xác định cư xá Tự Do cách ngã ba Ông Tạ hơn nửa cây số thuộc vùng Ông Tạ.
Như nhà văn Lê Văn Sơn ở nước ngoài, trong hồi ký “Cuộc hành trình dài nửa thế kỷ thơ” viết nhà văn Hà Thúc Sinh ở cư xá Tự Do là dân ngã ba Ông Tạ: “…Ghé qua cầu chữ Y hàn huyên tâm sự với Ngô Nguyên Nghiễm, Nguyễn Thành Xuân; đường Nguyễn Tiểu La với Nguyễn Lê La Sơn, Thụy Miên; Ngã Ba Ông Tạ với Hà Thúc Sinh”.
Ra vô cư xá này bằng hai cổng: cổng số 1, cổng chính của cư xá này nay là hẻm 1025 Cách Mạng Tháng Tám); cổng số 2 sát bên khu vực trại tiểu đoàn dù Phạm Công Quân, giờ là bệnh viện Thống Nhất, nay là hẻm 1073 Cách Mạng Tháng Tám.
Cư xá này xưa có ba khu vực. Dãy nhà phía ngoài là khu Villa - biệt thự, khu nhà giàu mà chủ nhân thường là sĩ quan, chính khách. Vừa qua dãy này, nhìn bên phải là thấy bảo sanh viện Hiền Mẫu xưa do đệ nhất phu nhân nền Đệ nhất Cộng hòa Trần Lệ Xuân khởi xướng xây dựng và cắt băng khánh thành năm 1961. Đó là một dãy nhà trệt hiện vẫn còn, là khoa Răng hàm mặt Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.
Qua dãy này, đi tiếp là khu Bình dân với nhiều dãy nhà mang tên A, B, C, D… của sĩ quan, lính Nhảy dù và bà con bình dân. Bên hông hai khu này, sát phía trại dù Phạm Công Quân là khu/xóm “Nhà lá”; thường đi cổng số 2. Nhà văn Đoàn Thạch Biền “Tôi thương mà em đâu có hay”, “Tôi hay mà em đâu có thương”, chủ biên tập san Áo Trắng ở đây. Hồi đầu những năm 2000, thỉnh thoảng tôi ghé nhà anh chơi.
Ngay cổng 1 ra vô cư xá trước 1975 có nhà của nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu. Ông sĩ quan đa tài (nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, dịch giả) Hà Thúc Sinh, Bắc 54 Thanh Hóa cũng ở đây. Ở ngôi nhà này, Hà Thúc Sinh đã giúp Hoàng Đình Huy Quan tục bản tập san Sóng, giúp Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn "Căn nhà xưa", "Em còn yêu anh", "Quê hương thu nhỏ"... còn là nhà văn, nhà thơ cũng ở đây. Tác phẩm "Áo mơ phai" của ông đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973.
Trong đây cũng có nhà của nhà văn Hoàng Hải Thủy. Đó là một ngôi nhà trệt nhỏ gần cuối dãy A, bên phải mà hồi tiểu học, tôi học chung lớp Bốn, lớp Năm trường Mai Khôi (nay là trường Bành Văn Trân) hồi 1971 – 1973 và chơi thân với Hoàng Hải Triều, con trai út nhà văn. Hồi đó, tôi hay đến nhà nó mượn truyện tranh về đọc. Bạn của con, ông cũng coi như con mình, tôi ra vô thoải mái.
Nhà ông Hoàng Hải Thủy bên khu Bình Dân, nhưng đâu lưng với nhà của chuẩn tướng Nhảy dù Hồ Trung Hậu bên khu Villa – cách bảo sanh viện Hiền Mẫu vài căn. Con gái tướng Hậu là á hậu - diễn viên Kim Khánh (Hồ Kim Khánh) nổi tiếng thập niên 1990. Trước đó, Kim Khánh mở quán cà phê tên Các Hoàng Tử ngay nhà mình, dưới tàng cây xoài trái rất ngọt của ngôi nhà.
Kim Khánh không phải là ca sĩ duy nhất nơi đây. Trước cô có một ca sĩ, thậm chí còn là nhạc sĩ lừng lẫy miền Nam xưa: Duy Khánh. Ông có nhiều nhạc phẩm rung động lòng người miền Trung: "Ai ra xứ Huế", "Xin anh giữ trọn tình quê", "Thư về em gái Thành đô"...
Một nhạc sĩ khác là Bùi Thế Dũng, có thể không lừng lẫy như nhạc sĩ Duy Khánh nhưng là thầy, đào tạo nhiều danh thủ guitar cổ điển hàng đầu Việt Nam sau 1975 như: Nguyễn Trí Đoàn, Trần Phương Quang, Bùi Tuấn Anh....
Chính khách nổi tiếng, từng là đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Mỹ từ 1967 đến 1972 là Bùi Diễm cũng ở đây. Ông Bắc 54 Hà Nam, con nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ theo Việt Minh. Cô ruột của ông là vợ học giả Trần Trọng Kim, thủ tướng Đế quốc Việt Nam.
Hết hẻm 1025, đi thêm chút nữa, quẹo phải chừng 100 m, gần tường rào trại dù Phạm Công Quân có nhà riêng đại tướng Trần Thiện Khiêm. Ông này sinh ở Long An nhưng gốc Bắc Hải Dương, cha mẹ vào Nam từ đầu thế kỷ 20. Ông làm thủ tướng kiêm tổng trưởng Quốc phòng Việt Nam Cộng Hòa cho đến 5-4-1975. Vợ chồng ông rất thân với vợ chồng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hồi đầu thập niên 1960, hai bà vợ thường từ khu cư xá Trần Hưng Đạo xéo đầu đường/hương lộ 16 (sau đổi thành Thoại Ngọc Hầu nay Phạm Văn Hai) ngày ngày rủ nhau đi chợ Ông Tạ.
Vị giáo sư đầu ngành ung thư học Đại học Y khoa Sài Gòn, giám đốc bệnh viện Bình dân là GS Đào Đức Hoành cũng có một thời gian ở đây, trong một ngôi nhà ở hẻm nhánh. Sau đó dời về cư xá sĩ quan Chí Hòa cách đó một cây số - đều thuộc vùng Ông Tạ.
Trong cư xá sau 1975 cũng có một ngôi nhà có hai hộ gia đình ở chung. Người trong hai hộ ấy sau này là hai thứ trưởng. Tôi học chung khối cấp ba trường Nguyễn Thượng Hiền với người chị của vị thứ trưởng thứ hai, Nguyễn Trường Sơn, thỉnh thoảng cà phê cà pháo với vị này. Cả hai chúng tôi đều đi xe máy cùi, áo thun, dép lê, xăng đan… lang bang kiểu dân Ông Tạ với nhau và toàn nói chuyện Ông Tạ. Tôi hỏi: “Ở Ông Tạ 45 năm rồi không ngán sao?”. Vị này bảo: “Ở Ông Tạ vui anh ạ”…
CÙ MAI CÔNG 10.11.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.