Các doanh nhân dự hội thảo trong Diễn đàn đầu tư Trung Quốc - Phi Châu tại Marrakech, Maroc ngày 27-28/11/2017. |
Các cơ hội từ « Con đường tơ lụa mới » và
chính sách chuyển dịch sản xuất công nghiệp của Bắc Kinh, cùng với viễn
cảnh đầu tư đã mang lại giấc mộng phát triển cho Châu Phi, nhân diễn
đàn Trung Quốc – Châu Phi tổ chức tại Marrakech bắt đầu từ hôm qua
27/11/2017.
Hội
nghị chiến lược về các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc –
Châu Phi quy tụ trên 400 doanh nhân trong đó có 150 người từ Hoa lục
đến. Hãng tin Pháp AFP cho biết trong ngày khai mạc, ông Vương Dũng
(Wang Yong), phó giám đốc Quỹ Phát triển Trung Quốc – Châu Phi, đã khẳng
định ý hướng « đẩy nhanh việc hợp tác trong lãnh vực đầu tư ». Ông cho biết Đại hội Đảng Trung Quốc 19 họp hồi tháng 10 « đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng và mạnh mẽ : Trung Quốc phải tăng tốc chương trình Con đường tơ lụa mới ».
Trong
không đầy 20 năm, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế số một của
Châu Phi. Trao đổi thương mại đạt 190 tỉ đô la năm 2016, lớn hơn cả
doanh số của Châu Phi với Ấn Độ, Pháp và Hoa Kỳ cộng lại – theo như số
liệu được đưa ra trong diễn đàn.
Sau Kenya, Ethiopia, Ai Cập và Djibouti, đến lượt Maroc tham gia dự án « Con đường tơ lụa mới », dự kiến xây dựng cầu, đường bộ, đường xe lửa và khu công nghiệp tại 65 nước, với trên 1.000 tỉ đô la.
Với tên gọi tại Trung Quốc là « Một vành đai, Một con đường »
(One Belt, One Road – OBOR), chương trình này gồm một vành đai đường bộ
nối liền Trung Quốc với Đông Âu thông qua Trung Á và Nga, và một tuyến
đường biển để đến được Châu Phi và Châu Âu, từ Biển Đông và Ấn Độ Dương.
Sáng kiến này « hiện đã liên quan đến Đông Phi và chúng tôi mong sẽ mở rộng sang các nước Tây Phi » - ông Jean-Claude Brou, bộ trưởng Kinh tế Côte d’Ivoire nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Maroc Lý Lập (Li Li) nhấn mạnh : «
Thế giới đang thay đổi một cách sâu sắc và phức tạp, với một cuộc
chuyển dịch kỹ nghệ mới (…) và Châu Phi sở hữu nguồn lợi thiên nhiên
cũng như nhân lực dồi dào ».
Đối với ông Brou, việc chuyển dịch sản xuất là « một cơ hội lớn »
cho Châu Phi. Với giá nhân công tăng, để duy trì tính cạnh tranh, Trung
Quốc phải quay sang các nước có giá thành sản xuất rẻ, như vậy Châu Phi
chiếm lợi thế về giá lao động.
Năm 2016,
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Châu Phi với 36,1 tỉ đô la. Tính
đến cuối năm ngoái, các công ty Trung Quốc đã tham gia xây dựng khoảng
100 khu công nghiệp, hàng ngàn tuyến đường sắt và xa lộ, nhiều sân bay
và nhà máy điện.
AFP dẫn lời bộ trưởng Công nghiệp Maroc Moulay Hafid Elalamy : «
Trung Quốc và Châu Phi đều đang tìm kiếm tăng trưởng, và sáng kiến Con
đường tơ lụa mới sẽ làm thay đổi bản đồ thương mại thế giới ». Ông Elalamy nhấn mạnh : «
Chúng ta chưa bao giờ hình dung nổi việc Trung Quốc ngày nay lại đầu tư
vào ngành dệt may tại Maroc. Tất cả đã thay đổi, với ý hướng tạo ra một
tầng lớp trung lưu tại Hoa lục, nơi mà giá nhân công tăng đã làm giảm
đi tính cạnh tranh ».
Ông Tony Dong, chủ tịch Liên đoàn doanh nhân Trung Quốc-Châu Âu, đến Marrakech để « tìm kiếm cơ hội đầu tư », nhận xét : « Trung Quốc cần Châu Phi và ngược lại Châu Phi cũng cần Trung Quốc, chúng ta phải siết chặt thêm quan hệ ».
Tuy
nhiên, theo giáo sư Pierre Dagbo, trường đại học Félix-Houphouet-Boigny
ở Abidjan, Châu Âu tuy thụt lùi tại Châu Phi nhưng dấu ấn ngôn ngữ, văn
hóa, hợp tác đại học, quân sự vẫn đậm nét. Đặc biệt là viện trợ nhân
đạo dành cho Châu Phi lên đến 21 tỉ đô la trong năm 2015, bỏ xa Hoa Kỳ
và Trung Quốc.
AFP cho biết « Con đường tơ lụa mới » hiện
đang gặp nhiều trắc trở : dự án tàu cao tốc tại Indonesia hầu như nằm
im từ hai năm qua, khu công nghiệp bỏ trống phân nửa tại Kazakhstan…Tại
Lào, đồng minh thân thiết của Trung Quốc, dư luận phản đối tuyến đường
sắt dài 415 km tốn đến 5 tỉ đô la, chiếm phân nửa GDP của Lào. Còn tại
Pakistan, quân nổi dậy đã đặt chất nổ phá các đường ống dẫn khí đốt và
các xe lửa ở tỉnh Balochistan, tấn công các kỹ sư Trung Quốc, khiến dự
án trị giá 46 tỉ đô la đứng trước rủi ro lớn.
Bên
cạnh đó là tai tiếng lâu nay tại Châu Phi : bóc lột tài nguyên theo
kiểu « thực dân mới ». Nhà báo Julien Wagner, tác giả cuốn « Trung Quốc – Châu Phi, sự cướp bóc »
nêu ra thực tế : Bắc Kinh thường ưu tiên cho các nước giàu tài nguyên,
các công ty nhà nước tham nhũng, hiếm khi chuyển giao công nghệ, và đưa
hàng loạt lao động Trung Quốc sang. Theo ông Wagner, hợp tác chỉ có lợi
khi các lãnh đạo Châu Phi biết đặt lợi ích của đất nước lên trên quyền
lợi cá nhân, và liên kết với nhau trong việc thương lượng với Trung
Quốc.
Với các điều kiện trên, dường như giấc mộng của Châu Phi, bám theo « Giấc mơ Trung Hoa » của ông Tập Cận Bình, hãy còn xa mới thành hiện thực.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.