mercredi 22 novembre 2017

Trung Quốc đã bỏ rơi Robert Mugabe ?



Tập Cận Bình và Robert Mugabe trong chuyến thăm Zimbabwe cuối năm 2015.

(Sébastien Le Belzic, Le Monde 20/11/2017) Trung Quốc đã đóng vai trò gì trong cuộc đảo chính ở Zimbabwe ? Thông tín viên Le Monde ở Bắc Kinh đặt câu hỏi, sau chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng tham mưu trưởng quân đội Zimbabwe.

Tướng Constantino Chiwenga đã đến Bắc Kinh chỉ 48 tiếng đồng hồ trước vụ đảo chính. Tổng tham mưu trưởng quân đội Zimbabwe đã gặp gỡ các tướng lãnh Trung Quốc, trong đó có hai tướng cao cấp nhất và bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan).

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng biện minh : « Một chuyến thăm trong khuôn khổ các cuộc trao đổi bình thường ». Nhưng chuyến đi này đặt ra những nghi vấn. Người chủ trì cuộc đảo chính đến tìm kiếm dấu hiệu bật đèn xanh từ Trung Quốc, đối tác kinh tế hàng đầu của Zimbabwe, trước khi lật đổ Robert Mugabe ? Ông ta chỉ đến để báo trước ý định cho Bắc Kinh, hay là để nhận lệnh trực tiếp ?

Một báo cáo của bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng) đã nêu ra mối quan hệ vững chắc giữa hai nước. Tướng Lý là một người thân tín của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tướng Chiwenga cũng nêu lên « việc hợp tác quân sự sâu sắc hơn ». Những trao đổi này là bình thường, nếu không xảy ra ngay trước vụ đảo chính ông Robert Mugabe. Khó thể hình dung việc phó tổng thống Emmerson Mnangagwa bị cách chức bất ngờ lại không được đôi bên đề cập tới. Nhất là theo lời đồn đãi, thì ông Emmerson Mnangagwa đã có thời gian tị nạn ngắn ngủi ở Trung Quốc, trước khi quay về nước tuần trước.

Tướng Constantino Chiwenga và tổng thống Mugabe năm 2008.
Đầu tư lớn của Trung Quốc

Từ thời đấu tranh chống thực dân trong thập niên 60, Trung Quốc luôn ủng hộ « con sư tử già » Mugabe. Nhưng từ vài tháng qua, Bắc Kinh rất bực bội trước thái độ quá đáng của cặp vợ chồng này, và nhất là lo ngại cho những đầu tư của mình. Nếu chế độ sụp đổ bất thần, thì có thể những người Trung Quốc bị coi là tích cực ủng hộ đảng Zanu-PF có thể bị đuổi đi.

Bắc Kinh là đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của Harare. Một đất nước bị phương Tây cô lập, nhưng Trung Quốc lại ve vãn, chủ yếu là do nguồn kim cương và thuốc lá của nước này. Nhưng năm gần đây Bắc Kinh hoặc các công ty quốc doanh Trung Quốc tài trợ nhiều dự án, đặc biệt là trường đại học quốc phòng Zimbabwe với 100 triệu đô la, trung tâm thương mại Longcheng Plaza ở Harare 200 triệu đô la, hay trong năm 2016 đồng tài trợ 46 triệu đô la cho trụ sở mới của Quốc hội ở phía bắc thủ đô, có 650 chỗ.

Đầu tư Trung Quốc cũng được dự trù trong kỹ nghệ. R&F hồi đầu năm loan báo muốn đầu tư đến 2 tỉ đô la để mua lại Zisco, nhà sản xuất sắt thép lớn nhất Zimbabwe.

Khoảng 100 công ty Trung Quốc làm ăn tại Zimbabwe. Đầu tư Trung Quốc vào nước này đã tăng 5.000% kể từ năm 2009, theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Quốc tế Nam Phi (SAIIA). Hơn phân nửa đầu tư ngoại quốc vào Zimbabwe là của Trung Quốc, chiếm 450 triệu đô la vào năm 2015. Một nguồn lợi lớn cho đất nước đang bị bóp nghẹt về kinh tế, có đến 90% dân số thất nghiệp.

Do chính quyền từ chối bình luận, luôn luôn nhờ báo chí chính thức mà người ta có thể đánh giá sự thay đổi thái độ. Hôm 16/11 trên Hoàn cầu Thời báo - tờ báo được coi là phát ngôn viên không chính thức của đảng Cộng sản, nhà nghiên cứu Vương Hồng Nhất (Wang Hongyi) cho biết Trung Quốc lo ngại cho tương lai của các món đầu tư ở Zimbabwe. Ông viết : « Trung Quốc bị thiệt thòi vì sự quản lý của tổng thống Mugabe, và nhiều dự án đã phải xếp lại hoặc chuyển sang các nước khác, gây nhiều thiệt hại lớn. Sự hợp tác song phương không đạt được tiềm năng đúng mức, dưới sự lãnh đạo của Mugabe », và giải thích rằng « một sự thay đổi chính phủ sẽ có lợi » cho cả hai nước.

« Sư tử già » bị đẩy ra ngoài

Về chính trị, phương trình tỏ ra phức tạp hơn. Quan hệ giữa Trung Quốc với Zimbabwe, đất nước bị xa lãnh, thường bị các nền dân chủ phương Tây chỉ trích. Đây cũng là trường hợp của Soudan. Nhưng Bắc Kinh luôn bất chấp. Tháng 12/2015, chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Zimbabwe, một trong những chuyến viếng thăm chính thức hiếm hoi nước này của một nguyên thủ. Đây là một đòn ngoại giao đối với ông Robert Mugabe, trong cùng năm đã được trao giải Khổng Tử vì hòa bình, và ông loan báo việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền hoán đổi – lần đầu tiên ở châu Phi.

Còn những gì đã diễn ra trong các văn phòng khép kín của bộ Quốc phòng ? Trung Quốc đã lật sang trang sử mới của chính sách không can thiệp truyền thống, và đẩy « Sư tử già » ra khỏi cửa ?

Gió đã đổi chiều chăng ? John Everard, nhà Trung Quốc học và là cựu đại sứ Anh tại Bắc Triều Tiên khẳng định : « Đó là điều đương nhiên. Bắc Kinh có lẽ đã đóng vai trò của CIA trong thập niên 70, qua việc ủng hộ thậm chí tổ chức ra vụ đảo chính này ».

Chẳng biết có phải là một sự trùng hợp hay không, mà đại sứ Trung Quốc tại Zimbabwe không có mặt tại đây trong thời điểm đảo chính, và người ta biết rằng nhân vật số hai tạm thay quyền ở các đại sứ quán Trung Quốc chính là giám đốc tình báo. Nhân vật này lãnh đạo sứ quán vào lúc cuộc đảo chính diễn ra.

Một thử nghiệm của Bắc Kinh

Nếu điều này được khẳng định, thì đây sẽ là một sự thay đổi hoàn toàn về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Một sự thay đổi mà Bắc Kinh hy vọng sẽ diễn ra ôn hòa. Để đạt được, họ đặt cược vào sự trở lại của Emmerson Mnangagwa, được cho là rất thân thiết với Trung Quốc, nơi ông được huấn luyện quân sự từ năm 1963.

Dù sao đi nữa, một sự chuyển đổi êm thắm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, vì giúp duy trì tính liên tục trong các quan hệ Nhà nước, và Bắc Kinh chỉ lo nhất là sự ổn định. Chính quyền Trung Quốc quen làm việc với ông Emmerson Mnangagwa và những người thân cận ông, như vậy không có gì thay đổi về đầu tư và quan hệ chính trị cũng như quân sự giữa hai nước. Nền dân chủ không phải là một sự chọn lựa của Trung Quốc.

Sự chuyển đổi được giới ngoại giao và quân sự Trung Quốc theo dõi sát sao, họ hy vọng lợi dụng việc thay đổi người đứng đầu Nhà nước Zimbabwe để củng cố thêm vị trí của Trung Quốc tại châu Phi. Đây còn là một thử nghiệm cho khả năng kèm cặp những thay đổi chính trị ở châu lục này.
Bài báo viết về vụ bà Grace Mugabe tấn công phóng viên Anh.

Gia đình Mugabe ở Hồng Kông

Khi ông Robert Mugabe đến Bắc Kinh, bà vợ ông là Grace thích đến Hồng Kông hơn - thành phố với các trung tâm thương mại khổng lồ, các cửa hiệu sang trọng và ngôi biệt thự giá 5 triệu đô la nằm ở Tân Giới, thuộc khu Đại Phố (Tai Po).

Nhưng nguồn tiền để mua và ngay cả sở hữu chủ căn biệt thự từ ba năm qua là đối tượng của một cuộc chiến pháp lý ở Hồng Kông. Nếu Robert Mugabe khẳng định biệt thự này được chính phủ Zimbabwe mua bằng tiền mặt, giấy chủ quyền nhà lại ghi tên Hsieh Ping Sung. Còn có tên khác là Jack Ping, nhà tỉ phú Nam Phi gốc Đài Loan từ lâu rất thân thiết với gia đình Mugabe. Ông xác nhận đã mua ngôi biệt thự từ năm 2008 để cho chính phủ Zimbabwe thuê lại. Cả một đạo quân luật sư đang làm việc về vụ này.

Bone Mugabe, con gái tổng thống, từ lâu sống ở đây khi còn là sinh viên. Hồng Kông, vùng đất an lành cho gia đình Mugabe? Không hẳn thế. Nhà lãnh đạo Zimbabwe để lại một danh sách dài nợ nần. Lãnh sự quán Zimbabwe đã bị tòa án triệu tập vì chưa trả số tiền thuê 70.000 euro. Nhưng dấu ấn đậm nét là vào năm 2009, bà Grace Mugabe và cận vệ đã hành hung một phóng viên ảnh người Anh. Nếu gia đình Mugabe muốn trải qua những ngày tháng hưu trí êm ả ở Hồng Kông, thì tương lai chưa chi đã tỏ ra phức tạp.

(Ghi chú: Bài này được Le Monde đăng một ngày trước khi ông Robert Mugabe từ chức tổng thống).

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.