dimanche 19 septembre 2021

Nguyễn Tập - Sữa cho con

 

Gần trưa nắng khá gắt, đi ngang cầu Nguyễn Tri Phương thấy mấy đứa nhỏ đang chơi quanh một phụ nữ ngồi xe lăn nên tôi dừng lại hỏi thăm.

Người phụ nữ gầy nhom, giọng run run: “Em tên Phan Thị Ngọc Thủy, 40 tuổi, bị tai biến. Trước dịch mướn nhà ở gần Xóm Củi, hết tiền đóng trọ nên ra đây”. Ông chồng bại liệt tên Huân, 50 tuổi, ngồi cách đó không xa, thấy tôi hỏi chuyện cũng quặt quẹo đi tới.

Đứa lớn Bích Châu, 12 tuổi ngồi chơi bên thành cầu. Đứa giữa Gia Hân, 5 tuổi, đu sau xe lăn. Còn bé út Mỹ Huyền, 2 tuổi, thì khóc ằng ặc trong lòng mẹ. Nó ở truồng, chân ghẻ tùm lum vì “bị muỗi chích rồi lở ra”. Sao con bé khóc dữ vậy? “Nó đòi sữa đó anh. Hôm hổm người ta có cho mấy hộp sữa tươi, mà uống hết lâu rồi”.

Tôi hỏi chuyện họ khá lâu và thật sự cũng không chắc họ có phải là gia đình không (vì khi hỏi chéo có một số điều chưa rõ ràng) nhưng có lẽ bây giờ không phải lúc để nghi ngờ nữa. Dịch bệnh, đói khát, kiệt quệ là thật. Những đứa nhỏ ở truồng, chân trần ghẻ lở, phơi mình ngoài nắng là thật...

**

Lên huyện Bình Chánh cũng nhiều hoàn cảnh đáng thương.


Trần Kim Mai (31 tuổi, ấp 1, xã Tân Nhựt) có một bé 1 tuổi rưỡi và một bé 5 tuổi. Mai làm tạp vụ, giúp việc nhà, ai thuê gì làm đó và đã mất việc từ tháng Năm. Chồng chạy Grab cũng được thêm một thời gian ngắn rồi nằm nhà. Mai mất sữa, tiền tích lũy không có, hàng xóm cũng nghèo nên chỉ phụ chút rau gạo còn sữa thì...chịu. Mai than: “Có bữa bấn quá, em nấu nước cơm chắt nước rồi bỏ thêm chút đường cho con uống đỡ. Em cũng nhiều lần xin hỗ trợ sữa nhưng khu vực nhiều người cũng đói khổ như nhau nên không ai có khả năng”.

 

Hoặc như cô công nhân Ly, 31 tuổi có một bé 5 tháng, một bé 4 tuổi. Chồng đang bị cách ly trong nhà máy khu công nghiệp, một mình Ly ở ngoài này chăm con. Đang phong tỏa nên tiệm tạp hóa gần đó đóng hết, lại không có giấy đi đường nên không đi đâu mua sữa được. “Mà nói vậy thôi, chứ giờ có cho đi cũng không có tiền mua sữa. Mỗi ngày em phải tự cắt khẩu phần sữa của bé lại. Có bữa nửa đêm nó đói, gào khóc miết nghe thắt cả ruột nhưng sữa đâu mà cho nó uống. Mình là người lớn nhịn còn được, nó là con nít mà. Lúc đó em chỉ biết ôm nó mà khóc thôi...”

Bên xã Lê Minh Xuân còn có cặp vợ chồng “trẻ con”, chồng 18 tuổi, vợ 17 tuổi vừa sinh con được một tháng. Hai người làm công nhân, dịch tới, nghỉ việc. Ba má dưới quê làm thuê, cũng nghèo nên không giúp gì được.


Cả hai đang ở trong một khu trọ đang bị cách ly (120 hộ mà gần 40 hộ F0) nên chỉ có anh chồng mới lớn ra sợi dây giăng thông báo tình hình: “Nhà con còn 5 ký gạo, 8 trứng gà, nước mắm, dầu ăn. Vợ con mới sanh cũng không có sữa nên cô chú xung quanh cho sữa gì uống sữa đó. Có sữa bột thì uống sữa bột, không thì uống sữa ...ông thọ”. Vậy giờ còn sữa không? “Dạ, còn...nửa hộp”. Hết rồi tính sao? “Dạ, con cũng không biết sao nữa. Chắc cho nó uống nước cơm”.

Nhìn người bố “còn hôi sữa” tay vê vê áo, chân bấu chặt xuống dép, lúng búng trả lời như cậu học trò không thuộc bài tự nhiên thấy thương. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà bỗng chốc phải trở thành ông bố gánh vác gia đình, phải khốn đốn vì covid, phải bất lực nhìn đứa con khát sữa thì sao mà không thương cơ chứ...

**

Mấy ngày nay toàn đọc những chuyện buồn liên quan đến con trẻ, hơn 1.500 trẻ mồ côi cha mẹ chết vì covid; chuyện một người mẹ vào nhà sách ở Đà Nẵng mua sách giáo khoa và cặp cho con gái học lớp 4, khoảng 600 ngàn rồi...chạy, không trả tiền để Nhà sách phải thông báo đòi lại, nếu không sẽ đưa video và biển số xe để công an làm việc; rồi những đứa trẻ tôi gặp...

Vậy nên, tôi viết cái note này lại để...xin “sữa cho con”. Con của ai cũng được, miễn là tụi nó nghèo. Tôi không ảo tưởng rằng chúng ta có thể mang sữa đến với tất cả trẻ khó, điều đó là bất khả. Tôi chỉ mong mỗi người chúng ta góp một dòng sữa nhỏ giúp chúng có chút dưỡng chất để cầm cự qua giai đoạn khốc liệt này.

Thêm một người chung tay là bớt (ít nhất) một đứa trẻ khát sữa. Vậy chẳng phải là hạnh phúc lắm rồi sao?

NGUYỄN TẬP 19.09.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.