Lý do đưa
là vì blogger này đã « lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung
cấp thông tin gây phương hại đến trật tự an toàn xã hội ». Theo quyết
định trên thì tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bị buộc phải nộp phạt bảy triệu
rưỡi đồng Việt Nam trong thời hạn 10 ngày, nếu không sẽ bị cưỡng chế.
Trên mạng, nhiều người đã bày tỏ bức xúc và kêu gọi đóng góp giúp tiến
sĩ Diện nộp phạt.
Trả lời RFI Việt ngữ qua điện thoại viễn liên, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã cho biết rõ hơn về sự kiện này.
RFI : Thưa tiến sĩ, ông đã từng bị cơ quan chức năng mời làm việc vì các bài viết trên blog ?
TS Nguyễn Xuân Diện : Quyết định xử phạt là họ dựa
theo biên bản vi phạm hành chính số 169, căn cứ vào biên bản làm việc số
168. Trong ngày 12/7 đoàn thanh tra đã đưa ra ba bài viết trên trang
blog cá nhân của tôi.
Bài viết thứ nhất là của tác giả Lê Hiếu Đằng :
« Bầu cử chưa dân
chủ, đại biểu Quốc hội không đủ trình độ » đăng ngày 21/11/2011 trên
blog cá nhân của tôi. Bài này tôi lấy lại từ trang của đài RFI. Thứ hai
là bài
« Biểu tình là ý thức tự nhiên trước đồng loại », đăng trên blog
cá nhân của tôi ngày 24/11/2011. Tác giả của bài này là Nguyễn Sĩ
Phương, tôi lấy lại từ báo Sài Gòn Tiếp Thị điện tử. Bài thứ ba là bài
về cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 27/11/2011, đăng tải trên blog của tôi
ngày 24/11/2011.
Ngoài hai bài của các tác giả Lê Hiếu Đằng và Nguyễn Sĩ Phương, thì
bài về cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 27/11/2011 là tôi tập hợp các tin
trên các trang thông tin điện tử để đưa ra thông báo là có một cuộc biểu
tình ngày 27/11. Cuộc biểu tình này nhằm mục đích ủng hộ Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng đề xuất với Quốc hội soạn thảo và ban hành Luật Biểu
tình.
Bài này đăng ngày 24/11. Nhưng đến ngày thứ Bảy 26/11, lúc ấy khoảng
ba giờ chiều, tôi đang dự một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng
Con người tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thì cơ quan công an Hà Nội
đã cho người ra bắt và áp giải tôi, đưa về trụ sở số 6 phố Quang Trung
quận Hà Đông để thẩm vấn. Và cuối buổi làm việc thì phó thủ trưởng của
cơ quan an ninh điều tra là ông Ban đã đề nghị với tôi là gỡ bỏ bài đó
ra khỏi blog. Tôi cũng vui vẻ chấp nhận và đã gỡ bài ra khỏi trang blog
cá nhân của tôi trước khi sự kiện đó diễn ra.
Sở Thông tin Truyền thông, mà ở đây là đoàn thanh tra đã lấy lý do là
bài về cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 27/11 này để quy chụp cho tôi việc «
lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp thông tin gây
phương hại đến trật tự an toàn xã hội ». Thế nhưng trong các buổi làm
việc với đoàn thanh tra, thì họ không xuất trình được bất cứ một tài
liệu gì hoặc chứng cứ gì để chứng minh rằng tôi đã lợi dụng trang thông
tin điện tử, và việc « lợi dụng » đó đã gây phương hại đến trật tự an
toàn xã hội.
Thế nên tôi kết luận là cái biên bản xử phạt cũng như quyết định xử phạt là một văn bản vu khống, và quy chụp cho tôi.
RFI : Như vậy ông có ý định hoặc khiếu nại, hoặc khởi kiện cái quyết định mà ông cho là bất hợp lý này không ạ ?
Chắc chắn là tôi sẽ sử dụng quyền khiếu nại hoặc khởi kiện của tôi
đối với quyết định xử phạt hành chính này. Và khiếu nại hay khởi kiện
thì chúng tôi sẽ tham vấn ý kiến của luật sư chúng tôi. Thế nhưng có lẽ
là chúng tôi sẽ chọn hình thức khiếu nại, bởi vì chúng tôi đã hiểu rất
rõ về việc thực thi pháp luật, và hoạt động của tòa án, các cơ quan bảo
vệ pháp luật ở Việt Nam rồi. Cho nên việc khởi kiện thì chúng tôi nghĩ
tất nhiên các cơ quan nhà nước này sẽ bênh vực cho nhau.
Năm ngoái chúng tôi đã kiện Đài truyền hình Hà Nội về việc vu khống
các nhân sĩ trí thức về việc đi biểu tình, nói rằng đây là các thế lực
thù địch, phản động. Thế nhưng quả bóng đá từ sân nọ sang sân kia, từ
chân người nọ đến chân người kia, cuối cùng thì vụ kiện đó cũng chẳng đi
đến đâu cả.
Cho nên có lẽ là tôi không khởi kiện. Và nếu không khởi kiện, không
phải là tôi không sử dụng hết quyền của mình, mà để bày tỏ một thái độ
dứt khoát là tôi không còn tin tưởng gì nơi các cơ quan thực thi pháp
luật ở Việt Nam, cũng như của Hà Nội này nữa.
RFI : Hôm 5/6 ông đã gởi đơn khiếu nại cách làm việc của
chính đoàn thanh tra Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, nhưng cơ quan này
có trả lời chưa ?
Vâng, họ đã trả lời. Bởi vì người trả lời là ông Phó giám đốc của Sở
Thông tin Truyền thông – ông Dương Kỳ Lân – và văn bản đó lại được soạn
bởi ông chánh thanh tra Nguyễn Văn Minh. Ông Nguyễn Văn Minh ký nháy vào
bản trả lời đó. Tất nhiên họ nói là họ làm đúng !
Như vậy thì chúng ta quá hiểu rõ về việc thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền ở Hà Nội.
RFI : Thưa tiến sĩ, trong quyết định xử phạt mới đây có ghi
là ông có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện, nhưng phải đóng phạt cái đã,
thì ông định thế nào ?
Cái này chúng tôi cũng sẽ xin ý kiến của luật sư, hoặc tham vấn ý
kiến của những người khác. Tôi đang cân nhắc về vấn đề đó. Thế nhưng từ
hôm qua, khi trang thông tin điện tử Ba Sàm đăng cái quyết định xử phạt
đối với tôi, thì đã nhận được một sự bức xúc lớn của cư dân mạng ở Việt
Nam trong và ngoài nước. Người ta muốn tổ chức một cuộc biểu tình ở trụ
sở của Sở Thông tin Truyền thông, số 185 Giảng Võ, Hà Nội ; và muốn kêu
gọi giúp đỡ cho tôi có chi phí để có thể nộp phạt bảy triệu rưỡi theo
cái quyết định đó. Hiện nay chúng tôi vẫn đang trong quá trình xử lý
thông tin và cân nhắc.
RFI : Hành động này mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn phải không ạ ?
Chúng tôi cho rằng nó mang ý nghĩa tinh thần rất lớn. Bởi vì như
chúng ta đã biết, việc viết blog cũng như hoạt động của blogger ở Việt
Nam rất là bất trắc, nhiều rủi ro. Và đã có biết bao những vụ như thế.
Ngay như ba blogger ở Sài Gòn hiện nay cũng đang chuẩn bị phải ra tòa,
mặc dù thời gian giam hãm đã vượt quá quy định rồi.
Chúng tôi muốn nói rằng là, giới blogger đã phản ánh những gì mà báo
chí nhà nước chưa phản ánh hết được. Nhiều câu chuyện, vấn đề, sự kiện
và nhiều trăn trở về những gì xảy ra trong lòng xã hội Việt Nam, báo chí
chính thống chưa mô tả hết được, chưa phản ánh hết được, thì giới
blogger sẽ làm cái việc bù đắp cho những thiếu vắng đó về mặt thông
tin.
Tất nhiên khi đã nói động đến những sự thật, thì không phải sự thật
nào cũng là ngọt ngào, mà có những sự thật chua chát, và không phải ai
cũng thích nghe sự thật cả. Vì vậy cho nên họ có rất nhiều rủi ro và hơn
lúc nào hết, cộng đồng blogger ở Việt Nam cũng nên có một sự tương thân
tương ái lẫn nhau. Để làm sao các blog cá nhân, tức là những trang nhật
ký cá nhân của mình có thể đến được với bạn đọc, đến được và chia sẻ
được với mọi người.
RFI : Như vậy ông chấp nhận những nguy hiểm khi viết blog ?
Nói chung tôi là một blogger có một blog rất chừng mực, phải chăng,
có tiếng nói trung thực, nhanh nhạy và ôn hòa. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ
có hai vấn đề trong blog. Một là thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam
trước họa ngoại xâm, ở đây là giặc phương Bắc, tức Trung Quốc. Thứ hai
là nói lên sự thật, bênh vực những người dân nghèo khổ, để sao cho tiếng
nói, tâm tư nguyện vọng của họ đến được với nhiều người. Thế thôi.
Chứ chúng tôi hoàn toàn không có mục đích gì khác ảnh hưởng đến giới
lãnh đạo, cũng như đến các chính sách của nhà nước, của chính phủ. Blog
của tôi chỉ chừng mực như vậy thôi, đã tự giới hạn trong mức độ nhất
định như vậy. Thế mà mức độ thấp nhất như thế mà giới lãnh đạo, giới cầm
quyền của Hà Nội vẫn không chấp nhận được, thì tôi cho rằng là việc cất
lên tiếng nói của sự thật, tiếng nói cá nhân của mình sẽ gặp khó khăn.
Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Hà Nội đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.