Bầu cử Tổng thống Pháp là chủ đề chính của các báo Paris hôm nay. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến việc : « Sarkozy lên án Hollande là chối bỏ cuộc khủng hoảng », còn tờ báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh: « Sarkozy dùng lá bài khắc khổ trước Hollande ». Le Monde phân tích thành phần « Các cử tri quay sang bầu cho Nicolas Sarkozy » mà theo điều tra của Ipsop thì từ phe cực hữu và cánh trung. Nhật báo cộng sản L’Humanité tiếp tục cổ vũ cho ứng cử viên Mặt trận Cánh tả, tờ báo tỏ ra hào hứng trước màu cờ đỏ tràn ngập thành phố Toulouse, với 70.000 người đến dự buổi nói chuyện của ông Jean-Luc Mélenchon. Tờ báo công giáo La Croix phỏng vấn ứng viên cánh trung François Bayrou, bên cạnh đó cũng chú ý đến cuộc « Hành hương hòa bình tại Irak » nhân dịp thứ Sáu tuần thánh. Riêng nhật báo cánh tả Libération quan tâm đến vấn đề môi trường : « Thủy triều đen : Total trắng án ? »
Ngày 12/12/1999, chiếc tàu chở dầu Erika treo cờ Malta , chở thuê 31.000 tấn dầu nặng cho tập đoàn Total đang trên đường đi đến Ý, phải đối đầu với những đợt sóng cao đến 6 m và gió mạnh cấp 8. Chiếc tàu bị vỡ làm đôi, 20.000 tấn dầu tràn ra đại dương và duyên hải nước Pháp. Khoảng 400 km bờ biển Pháp bị ô nhiễm vì thủy triều đen. Nhờ có các tình nguyện viên giúp sức để thu nhặt những mảng dầu, đến năm 2001 đã gom được trên 230.000 tấn rác có dầu ma-zút. Nhưng thủy triều đen từ Erika đã giết hại từ 80 đến 150.000 con chim biển.
Phiên tòa tại Paris đầu tiên kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6/2007. Đến đầu năm 2008 thì Total, công ty đăng kiểm Rina, công ty vận tải biển và đơn vị quản lý bị Tòa hình sự buộc phải nộp phạt ở mức tối đa vì tội làm ô nhiễm biển. Tháng 3/2010, Tòa phúc thẩm công nhận bản án của Tòa sơ thẩm, và đến tháng 10/2011 Rina bắt đầu chi trả bồi thường cho các nguyên đơn. Đến ngày 24/05/2012 tới, vụ việc sẽ được đưa ra trước Tòa phá án.
Mười hai năm sau vụ đắm tàu dầu Erika, và hai phiên tòa kết án tập đoàn dầu khí Total, Tòa phá án vẫn có thể hủy vụ kiện này. Theo Libération, đây là một sự kiện bất ngờ về mặt luật pháp, kinh tế, chính trị và đương nhiên là về sinh thái. Nếu Tòa phá án thuận theo đề nghị của công tố cũng như báo cáo viên, thì tất cả các nhân tố trong ngành vận tải biển và nhất là các tập đoàn dầu khí khổng lồ, có thể xoa tay phủi trách nhiệm.
Hai thắng lợi chủ yếu đã đạt được trong các phiên tòa năm 2007 và 2009 là việc nhìn nhận trách nhiệm của đơn vị thuê tàu, và hậu quả sinh thái, có nguy cơ bị chối bỏ. Theo Libération, đành rằng Tòa phá án là nơi các chuyên gia tranh luận với các lý lẽ thuần luật pháp. Nhưng đè nặng lên vụ này, là nghi vấn Nhà nước hậu thuẫn cho Total trong việc gây áp lực lên các địa phương, khiến họ phải chấp nhận bồi thường qua điều đình, thay vì theo bản án chính thức của tư pháp.
Nhật báo cánh tả cho rằng, kịch bản được Total mơ ước là vụ này không trở thành án lệ trong trường hợp lại xảy ra các thảm họa mới. Nếu giấc mơ này trở thành hiện thực, thì Nhà nước là đồng lõa, hoặc ít nhất là dối trá trong ý hướng quy trách nhiệm cho các công ty dầu khí, điều tiết một lãnh vực kinh tế đang phát đạt của ngành vận tải biển quốc tế, và mục tiêu bảo vệ môi trường sẽ bị hy sinh.
Buôn lậu sừng tê giác gia tăng do nhu cầu từ châu Á
Nhìn sang châu Á, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Theo dấu vết của bọn mafia buôn sừng tê giác ».
Tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam, sừng tê giác được bán với giá đắt như vàng, đắt hơn cả ma túy. Cho dù việc buôn bán sừng tê giác, cũng như các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng đều bị cấm theo công ước Cites, nhưng nhu cầu đang tăng rất cao. Nhất là từ năm 2009, sau khi một chính khách Việt Nam kể lại trên mạng là nhờ nước sắc từ sừng tê giác mà đã khỏi được bệnh ung thư di căn.
Bọn trộm sừng tê giác tung hoành tại Pháp, Đức, Anh, Áo, Cộng hòa Sec, Mỹ…Cho đến nay, Europol, cơ quan cảnh sát châu Âu đã ghi nhận được 58 vụ. Các viện bảo tàng, địa điểm bán đấu giá, cơ sở nhồi rơm thú rừng, các bộ sưu tập tư nhân…đều được bọn đạo chích viếng thăm, thậm chí kể cả sở thú.
Hôm 23/2, chiến dịch « Crash » được tiến hành đồng loạt tại nhiều thành phố ở Hoa Kỳ với sự tham gia của nhiều nhân viên an ninh liên bang. Bảy tên buôn lậu đã bị bắt, và tại nhà các nghi can, cảnh sát Mỹ tìm thấy nhiều chiếc sừng tê giác đen và một triệu đô la tiền mặt, nhiều thỏi vàng và đồng hồ sang trọng.
Còn tại Pháp, hải quan phát hiện một số trường hợp sừng tê giác được giấu trong tượng đồng, ngụy trang trong xe…Theo Europol, thì chắc chắn đây là tội phạm có tổ chức, có mạng lưới trên khắp châu Âu. Từ việc chọn lựa địa điểm và cách thức hành động, tồn trữ và vận chuyển đến tận châu Á, bọn tội phạm đa quốc gia làm việc theo đơn đặt hàng. Khách châu Á có thể trả một chiếc sừng tê giác từ 25.000 đến 200.000 euro, tùy theo mức độ quý hiếm.
Theo nhận định của các nhà điều tra, thì có hiện tượng bọn mafia từ các hoạt động cổ điển như trấn lột, buôn bán ma túy, cướp giựt…chuyển sang tội phạm về môi trường. Thay vì đi cướp ngân hàng, nếu buôn các loài động vật bị cấm thì lợi nhuận cũng tương tự, nhưng nếu bị bắt thì hình phạt lại nhẹ hơn. Trộm cắp sừng tê giác được xếp vào tội nhẹ, còn mua bán ma túy là tội phạm hình sự có khung hình phạt cao.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đối đầu ở Miến Điện
Phụ trang của Le Figaro dịch lại các bài báo nổi bật từ The New York Times, có bài nói về sự tranh giành ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Miến Điện.
Bài báo mở đầu bằng cảnh những chiếc xe ủi đất Trung Quốc đang đào xới ở miền Bắc Miến Điện, để xây dựng đường ống dẫn dầu khí. Tập đoàn khổng lồ China National Petroleum Corporation (CNPC) đã chi tiền mặt mua đứt những mảnh đất, cây cối nằm trên tuyến đường ống dẫn dầu tương lai, và cũng cho xây dựng trường học, bệnh viện tại vùng đất nghèo nàn này.
Sự bồi thường nhanh chóng của CNPC là do Bắc Kinh đã rút ra bài học từ vụ một dự án đập thủy điện bị ngưng hồi năm ngoái. Trung Quốc không thể để thua cuộc trong trận chiến tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ, khi Miến Điện đang bắt đầu mở cửa, sợ rằng sẽ bị mất đi một đối tác chiến lược. Miến Điện là cửa ngõ để Bắc Kinh tiến vào Ấn Độ Dương, một con đường tắt để vận chuyển dầu hỏa từ Trung Đông về.
Một chuyên gia ngoại giao Trung Quốc nhận định : « Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu thế giới, nên việc duy trì quan hệ với Miến Điện là điều dễ hiểu. Nhưng Trung Quốc đang ở thế độc tôn, giờ đây phải chia sẻ với người khác thì thật là khó nuốt, vì vậy mà chúng tôi rất bực tức ».
Bắc Kinh đã đầu tư nhiều tỉ đô la vào Miến Điện, và nếu Washington vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế thì sẽ khó kìm hãm được ảnh hưởng của Trung Quốc. Tác giả bài báo cho biết, còn hiện nay, Bắc Kinh vẫn chưa hết giận dữ trước việc đập thủy điện Irrawaddy bị ngưng. Gần 90% lượng điện sản xuất sẽ được xuất sang Trung Quốc, trong khi theo Ngân hàng Thế giới, hiện chưa đến 20% hộ gia đình Miến Điện có được điện thắp sáng.
Nhiều tiểu bang Mỹ cho phép dùng vũ khí sát thương để tự vệ
Liên quan đến Hoa Kỳ, Le Monde nói về « Đất nước của những vụ sát nhân có thể biện minh ». Theo tờ báo, chính nhờ đạo luật mang tên « Hãy bảo vệ lãnh địa của mình », mà người đã giết chết một thanh niên da đen ở bang Florida vừa qua không phải trả lời trước công lý. Tại Mỹ, các đạo luật cho phép tự vệ vũ trang ngày càng nhiều, dưới ảnh hưởng vận động hành lang.
Vụ việc trên đây khiến người ta nhớ lại, Florida với 6 triệu người dân sở hữu vũ khí, trên tổng số 19 triệu dân, vốn là một trong các tiểu bang mà việc mang vũ khí rất phổ biến. Từ khi luật Stand Your Ground được ban hành vào năm 2005, số người đã sát nhân với lý do tự vệ nên không bị truy tố, hàng năm vẫn tăng lên tại Florida. Từ một vụ xung đột giữa hàng xóm, cãi nhau trong quán bar… đều có thể trở thành một vụ giết người, thậm chí có trường hợp do uống rượu say nên nhầm cửa nhà khi trở về cũng bị bắn. Một nghị sĩ Dân chủ đã bức xúc tuyên bố : « Chúng ta không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước số sinh mạng mà đạo luật này đã cướp đi ».
Nhưng không chỉ có Florida, mà phân nửa trong tổng số năm chục tiểu bang của Hoa Kỳ, đều áp dụng các luật lệ tương tự trong những năm gần đây. Từ sau vụ anh thanh niên da đen Trayyon Martin bị bắn chết hôm 26/2, dư luận mới chĩa mũi dùi vào một hiệp hội tuy rất thế lực nhưng lại kín tiếng, đó là American Legislative Exchange Council (ALEC). Tiếng là hành động phi chính trị, nhưng các dự luật do ALEC soạn thảo cho nghị viện của các tiểu bang thường được thông qua. Nhiều đạo luật dành lợi ích cho các tập đoàn lớn, vốn đã đóng góp đến 98% ngân sách của ALEC.
http://www.viet.rfi.fr/phap/20120406-thuy-trieu-den-total-trang-an