mercredi 29 février 2012

Các nước vùng Vịnh tăng phúc lợi xã hội để tránh « Mùa xuân Ả Rập »

Bài đăng : Thứ ba 28 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 28 Tháng Hai 2012 

Các quốc gia vùng Vịnh gia tăng phúc lợi xã hội để tránh « Mùa xuân Ả Rập », đó là tựa đề một bài viết trên nhật báo Le Monde. Tờ báo cho biết, một năm sau khi phong trào « Mùa xuân Ả Rập » bắt đầu nổi dậy, các nước vùng Vịnh vẫn tỏ ra cảnh giác.

Không còn có việc vung tay quá trán những món tiền khổng lồ, có nguy cơ làm cho dân chúng nổi giận. Abu Dhabi nay ngần ngại trước việc mua về câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Manchester City. Dubai cũng do dự chưa muốn lao vào xây dựng những hòn đảo nhân tạo, còn Qatar thì chùn tay trước dự định đầu tư vào nhãn hiệu xe hơi sang trọng Porsche. Tất cả những quốc gia trên đây đều nỗ lực giảm bớt tình trạng bất bình đẳng, trong khi mắt dán chặt vào giá dầu thô trên thị trường, vì chi tiêu công bùng nổ.

Tại Ả Rập Xê Út, đất nước quan trọng trong khu vực với 27 triệu dân và sản lượng dầu kỷ lục, chính quyền đã hành động ngay từ đầu năm 2011, vì tình hình là khẩn cấp. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo rất rõ tại vương quốc này, và thiểu số người theo hệ phái Hồi giáo Shia vẫn là nguồn gây xung đột quan trọng. Ryad đã bổ sung thêm 130 tỉ đô la nữa cho giáo dục, y tế và các vấn đề xã hội, trong khi ngân sách ban đầu là 155 tỉ đô la.

Tăng lương 100%, cấp thực phẩm miễn phí cả năm …

Ả Rập Xê Út quyết định cho xây thêm nửa triệu nhà ở xã hội và cho tăng lương, tuyển thêm 60.000 công chức cho Bộ Nội vụ. Còn ngân sách cho năm 2012 thì đạt mức kỷ lục, trong đó giáo dục và y tế luôn được ưu tiên. Chính phủ trợ cấp cho những người thất nghiệp - tỉ lệ chính thức là 10%, nhưng đối với thanh niên thì lên đến từ 30 đến 40%, còn các công ty ngoại quốc buộc phải áp dụng quota tuyển dụng lao động trong nước.

Nếu Oman thành công trong việc tái lập yên bình với việc tăng lương và tuyển dụng thêm công chức, thì ở Bahrein lại khác. Một nhà kinh tế của Bank of America Merrill Lynch nhận định : « Cho dù đã tăng lương 30%, sự căng thẳng vẫn âm ỉ sau các cuộc nổi dậy đã bị dập tắt nhờ sự hỗ trợ của Ả Rập Xê Út. Không biết rồi sẽ ra sao ».

Tại các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (EAU), Qatar và Koweit, thì chủ yếu là các biện pháp dự phòng. Đây là những nước nhỏ có dân số ít, hiện chưa có vấn đề gì, nhưng các hoàng gia tại đây vẫn tỏ ra quan tâm đến chất lượng cuộc sống của các thần dân hơn.

Một nhà kinh tế của ngân hàng Société Générale cho biết : « Tại các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, lương công chức các ngành tư pháp, y tế và giáo dục năm ngoái đã tăng từ 35% đến 100%, còn lương hưu của quân nhân vừa được tăng 70%. Ngoài ra một kế hoạch ba năm trị giá 1,6 tỉ đô la vừa được đưa ra để giảm bớt bất bình đẳng xã hội nhất là ở miền bắc ». Còn tại Dubai, nơi có dân số đa dạng nhất trong bảy tiểu quốc này, một quỹ 2,7 tỉ đô la đã được thành lập để giúp những người thu nhập thấp.

Ở Koweit, năm ngoái các công dân nhận được món tiền thưởng 3.600 đô la/người, và được cấp thực phẩm miễn phí trong suốt một năm. Tại Qatar, lương công chức được tăng 60%, và quân nhân được ưu ái đặc biệt với lương bổng tăng đến 120%. Nếu Qatar không đợi đến « Mùa xuân Ả Rập » để phát triển cơ sở hạ tầng và khí đốt, thì nay lại đưa ra một kế hoạch 100 tỉ đô la đầu tư vào mọi lãnh vực nhất là giáo dục, với tham vọng trở thành trung tâm đại học của khu vực.

Le Monde đặt câu hỏi, liệu các quốc gia vùng Vịnh có khả năng gia tăng chi ngân sách nhiều đến thế hay không ? Tờ báo cho rằng đối với các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Qatar và Koweit thì không thành vấn đề nhờ có nguồn dầu hỏa dồi dào và ít dân. Nhưng ngược lại, Ả Rập Xê Út có khó khăn hơn, nhất là lại đang tài trợ cho nhiều nước Ả Rập như Ai Cập và Jordanie. Đó là lý do khiến mới đây Bộ trưởng Dầu hỏa nước này tỏ ý mong muốn giá dầu thô được giữ ở mức 100 đô la/thùng.

Nhưng kinh tế thế giới đang trì trệ, nhu cầu của Mỹ và châu Âu đang giảm đi, thậm chí Trung Quốc và Ấn Độ sắp tới cũng có thể giảm. Le Monde dẫn lời một chuyên gia về các nước Ả Rập cho rằng hiện thời Ryad có thể chịu đựng được, nhưng trong trung hạn thì khó trụ được dài lâu.

Thông tin về vụ mưu sát Putin nhằm mục đích chính trị ?

Liên quan đến vụ mưu sát ông Putin, thông tín viên nhật báo Le Figaro tại Matxcơva nhận định, trong thời điểm chỉ còn mấy ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Nga, việc loan báo phá vỡ âm mưu ám sát Putin do người Tchetchnia tiến hành khiến người ta phải đặt ra nghi vấn.

Bài báo cho biết, phóng sự dài 4 phút được phát trên đài truyền hình nhà nước Piervyi Kanal của Nga rất giàu hình ảnh nhưng không có ngày tháng cụ thể, do FSU tức cơ quan an ninh Ukraina quay. Nghi phạm người Tchetchnia, Adam Osmaev xuất hiện với khuôn mặt đầy những vết cắt, đôi bàn tay bị thương tích, và lời khai cũng không rõ ràng.

Phát ngôn viên của ông Putin xác nhận thông tin, nhưng không cho biết thêm chi tiết. Cơ quan an ninh Ukraina khẳng định đây là âm mưu nhắm vào Putin, còn an ninh liên bang Nga FSB thì hoàn toàn im lặng. Theo nhà báo Irina Borogan, đồng tác giả cuốn sách « Những người thừa kế của KGB » thì đây là lần đầu tiên một thông tin như thế được đưa lên một đài truyền hình chuyên tuyên truyền cho nhà nước. Trong khi bình thường thì phải thông qua các kênh thông tin chính thức của FSB hoặc FSO, cơ quan bảo vệ các yếu nhân Nga. Như vậy, ở đây có một quyết định chính trị nhằm khai thác sự kiện này trong thời điểm tranh cử.

Le Figaro cho biết thêm, từ năm 2000 đến nay cơ quan tình báo Nga cho biết đã phát hiện bảy vụ mưu toan ám sát ông Putin, nhưng không có vụ nào được đưa ra xét xử công khai cả.

Xe hơi Hồng Kỳ của Mao Trạch Đông được tái sinh

Nhìn sang Trung Quốc, nhại lại một câu nói được cho là của Napoléon đệ nhất « Quand la Chine s'éveillera, le monde tremblera  - tạm dịch : Khi Trung Hoa tỉnh giấc, thế giới sẽ rung chuyển », phụ trang kinh tế của Le Figaro có bài viết mang tựa :« Tại Trung Quốc, khi chiếc xe hơi của ông Mao tỉnh giấc, thế giới của Audi rung chuyển ». Tờ báo cho biết, hiệu xe sang trọng của Đức sẽ phải cạnh tranh với một nhãn hiệu vừa hồi sinh: xe Hồng Kỳ thời Mao Trạch Đông trước đây.

Bóng ma của người cầm lái vĩ đại sắp tới sẽ quay lại trên các đường phố Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc vừa làm sống dậy chiếc xe loại limousine mang tên Hồng Kỳ được sản xuất lần đầu tiên năm 1958 dành riêng cho Mao chủ tịch. Bắc Kinh đã quyết định cho sản xuất 30.000 chiếc xe Hồng Kỳ C131 ngay từ năm tới, và đây sẽ là xe công vụ dành cho các bộ trưởng, nhằm chứng tỏ sự độc lập và sức mạnh của ngành công nghiệp xe hơi Trung Quốc.

Việc hiệu xe Hồng Kỳ « tái xuất giang hồ » sẽ thúc đẩy nhiều viên chức cao cấp từ bỏ chiếc Audi công vụ, để chứng tỏ sự trung thành với chế độ và để không bị ảnh hưởng tới đường công danh. Cuộc « cách mạng văn hóa » này sẽ khiến nhà sản xuất xe Audi của Đức, hiện đang chiếm 30% thị trường xe công vụ tại Trung Quốc, được ước tính khoảng 16 tỉ đô la.

"The Artist" mang lại vinh quang cho điện ảnh Pháp

Thắng lợi vang dội của bộ phim Pháp The Artist với năm giải Oscar giành được, đã khiến các nhật báo phát hành tại Paris hôm nay dành nhiều trang báo để đề cập đến sự kiện này.

Le Monde đưa tựa trên trang nhất « Pháp ca khúc khải hoàn tại Hollywood » với tấm ảnh diễn viên Jean Dujardin giơ cao tượng vàng Oscar. Nhật báo cánh hữu Le Figaro dành hẳn bốn trang báo và bài xã luận, tờ báo chạy tựa « The Artist, các lý do làm nên thắng lợi tại Hollywood ». Libération chơi chữ « The Artist, cocoricoscars », ngụ ý gà trống Pháp gáy vang trong giải Oscar. Cũng đưa tấm ảnh Jean Dujardin đang vui mừng với bức tượng Oscar lên trang đầu, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa « Hoan hô Artist ». Tờ báo cộng sản L’Humanité quan tâm đến « Các vòng nguyệt quế dành cho Jean Dujardin ». Nhật báo kinh tế Les Echos thì chú ý đến khía cạnh « Các giải Oscar mở ra cho The Artist một cuộc sống thứ hai huy hoàng hơn ». 

Bài xã luận của Le Figaro mang tựa đề « Nước Pháp của Dujardin » cho rằng người diễn viên vừa đoạt giải nam tài tử xuất sắc nhất, cũng là biểu tượng cho sức sống vừa tìm lại được của điện ảnh Pháp.

Trong năm ngoái, các bộ phim « made in France » đã thu hút đến 215 triệu lượt người xem, đây là một con số chưa từng thấy kể từ năm 1967 cho đến nay. Một số người cho rằng sở dĩ The Artist được người Mỹ trao giải là nhờ đã vinh danh cho chính nền điện ảnh Mỹ, và do là phim câm …Nhưng theo Le Figaro, nhận định như thế là đánh giá thấp hoạt động lobby của nhà phân phối Mỹ, vốn đã biết khai thác các ưu điểm của Jean Dujardin : sáng tạo, chân thật và giản đơn, cái duyên tự nhiên của anh đã thu hút được khán giả Hoa Kỳ.
Thông tín viên của nhật báo La Croix tại California đã thử phân tích chiến thuật đã đưa đến thành công cho bộ phim này, cho rằng nhà sản xuất Harvey Weinstein đã thành công trước thử thách.

Đầy kinh nghiệm với lịch sử 260 lần đề cử và 86 giải Oscar cho các bộ phim được lăng-xê từ trước đến nay, ông Weinstein khi mua lại quyền khai thác phim The Artist tại Cannes hồi tháng Năm, đã có ý định đưa bộ phim đi xa, rất xa. Kinh nghiệm « chinh chiến » của ông đã giúp một bộ phim Gô-loa gần như là một vật thể lạ ngoài hành tinh đến với cơn mưa giải Oscar danh giá.

Các nhân vật chính trong ê-kíp đã cam kết luôn sẵn sàng trong giai đoạn quảng bá bộ phim, cho đến tận hôm trao giải. Ban đầu chỉ được chiếu tại 4 rạp, cuối cùng bộ phim được trình chiếu tại cả ngàn rạp trên toàn nước Mỹ. Báo chí Mỹ dành cảm tình cho các diễn viên dễ mến như Jean Dujardin, và nhất là diễn viên bốn chân là chú chó Uggie - một con chó bị chủ ruồng bỏ, rốt cuộc được một người dạy thú đem về nuôi rồi trở thành diễn viên - một mô-típ được người Mỹ yêu thích.

Còn các điểm mạnh khác theo Le Figaro, tuy bộ phim rất « Tây » nhưng lại được diễn đạt bằng một ngôn ngữ toàn cầu, đó là ngôn ngữ của im lặng. Ngay cả cái tựa của bộ phim cũng là bằng tiếng Anh - The Artist thay vì L’Artiste, một câu chuyện kể về thời vàng son của Hollywood, được quay ngay tại một phim trường lịch sử là Red, với các nghệ sĩ và kỹ thuật viên Mỹ.

Các tựa chính khác của báo Pháp 

Về chính trị nước Pháp, tờ báo cánh hữu Le Figaro lý giải « Việc Tổng thống Sarkozy tuyên bố tái tranh cử đã thay đổi những gì ». Theo tờ báo, thì sự kiện này đã làm tăng tỉ lệ được lòng dân của ông Sarkozy lên, và phân định rõ lưỡng cực tả hữu. Nhật báo cộng sản L’Humanité nhận định « Nông dân buộc phải bầu cho cánh hữu » theo như truyền thống, thế nhưng ở trang trong tờ báo cho là « Việc bầu phiếu của giới nông dân cắm rễ ở cánh hữu, nhưng đang gieo mầm bên cánh tả ». 

Nhật báo thiên tả Libération đặt vấn đề « Sau vụ DSK, cần minh bạch đến đâu ? ». Tờ báo giới thiệu cuốn sách « Tình dục, dối trá và truyền thông » mà tác giả là phóng viên Jean Quatremer của Libération, đã khơi lại cuộc tranh luận về cuộc sống riêng tư của các chính khách. Về kinh tế xã hội, nhật báo công giáo La Croix băn khoăn « Có nên chấm dứt chính sách tuần làm việc 35 giờ ? ». Còn tờ báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Giá dầu lại tăng, làm cho cả hành tinh lo ngại ».

tags: Ả Rập - Các vấn đề xã hội - Cách mạng - Quốc tế - Điểm báo 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120228-pnp-ahbp-ihat-ivau-gnat-cuhp-ybv-kn-ubv-qr-genau-=25P2=25NO-zhn-khna-n-enc-=25P2=25OO

Lễ hội Hai Bà Trưng của cựu nữ sinh Trưng Vương ở Nam Cali

Thứ tư 29 Tháng Hai 2012

Tại Nam California, một trong những sinh hoạt văn hóa được xem là bền bỉ và trang trọng nhất là lễ hội Hai Bà Trưng, được Hội Cựu nữ sinh Trưng Vương Nam Cali tổ chức vào mỗi tháng Ba hàng năm, đã gần ba chục năm qua.

Trường nữ trung học Trưng Vương là một hai trường công lập nổi tiếng ở Sài Gòn trước đây dành riêng cho nữ sinh, nằm gần Sở Thú và trường nam trung học Võ Trường Toản. Theo lời kể của các cựu học sinh, thì ngày trước lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng là một ngày hội lớn, được nhiều đoàn thể và trường học cùng phối hợp tổ chức. Các nữ sinh được chọn đóng vai Trưng Trắc và Trưng Nhị phải là những cô gái vừa xinh đẹp vừa đức hạnh, vì đây là một vinh dự lớn. Hai Bà Trưng uy nghi ngự trên voi thật, được rước kiệu trên các đại lộ trước đông đảo người xem.

Các thế hệ cùng lên sân khấu.
Tạp chí cộng đồng hôm nay có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Mộng Tâm, Hội trưởng Hội Cựu nữ sinh Trưng Vương Nam Cali, nghệ sĩ Thúy Lan Lani Nguyễn phụ trách phần văn nghệ, bà Lý Nguyễn Huy Thu Vân, Tổng thư ký hội, và võ sư Võ Văn Thành, Trung tâm Vovinam Nguyễn Bá Học ở California, Hoa Kỳ.

 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120229-yr-ubv-unv-on-gehat-phn-phh-ah-fvau-gehat-ihbat-b-anz-pnyv 

mardi 28 février 2012

Ít nhất 12 người chết trong vụ nổi dậy ở Tân Cương


Cảnh sát chống bạo động TQ được triển khai ở Khách Thập, Tân Cương ngày 02/08/2011.
(AFP) Theo tin Tân Hoa Xã được AFP đưa lại thì có ít nhất 12 người bị thiệt mạng trong các vụ nổi dậy ngày thứ Ba 28/02/2012 ở gần Khách Thập, thuộc khu tự trị Tân Cương. Đây là vùng thường xảy ra các vụ xung đột giữa người thiểu số Duy Ngô Nhĩ và người Hán tộc.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc nói rằng những “kẻ nổi loạn” đã tấn công bằng dao và giết chết ít nhất 10 người tại thành phố Diệp Thành. Công an đã tiêu diệt « ít nhất hai tên phản loạn » và truy lùng số còn lại.

Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương vốn là nơi thường xảy ra các vụ đụng độ, do căng thẳng giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Với dân số gần chín triệu, người Duy Ngô Nhĩ thường xuyên tố cáo bị đàn áp về văn hóa và tôn giáo, cũng như việc người Hán tộc di cư đến hàng loạt tại vùng đất nghèo nàn nhưng lại rất giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Đặc biệt vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2011 khi có các vụ lộn xộn, Bắc Kinh đã gởi một đạo quân tinh nhuệ của đơn vị cảnh sát chống khủng bố đến Tân Cương. Theo thông tin chính thức của nhà nước thì đó là do người Duy Ngô Nhĩ tấn công, và công an đã đáp trả làm cho hơn 20 người bị thiệt mạng.

Còn trong các cuộc bạo động xảy ra vào tháng 7/2009, đã có trên 1.600 người bị thương, và 200 người chết tại thủ phủ Urumqi (Địch Hóa) của Tân Cương. Đa số nạn nhân là người Hán, và trong những ngày sau đó họ đã tiến hành những hoạt động trả thù người Duy Ngô Nhĩ.

Đây là các vụ nổi dậy đẫm máu nhất tại Trung Quốc kể từ nhiều thập kỷ qua. Chính quyền Bắc Kinh sau đó đã đàn áp không thương tiếc người Duy Ngô Nhĩ, với hàng chục vụ hành hình, rất nhiều người mất tích hoặc bị bắt, càng làm tăng thêm lòng oán hận giữa cộng đồng người thiểu số này đối với nhà cầm quyền.

Hồi cuối năm ngoái, công an đã bắn hạ bảy người bắt cóc con tin thuộc một « nhóm khủng bố » tại trấn Bì San, giải thoát hai con tin – theo lời chính quyền địa phương. Còn vào cuối tháng Giêng vừa qua, chính quyền Tân Cương loan báo tuyển mộ thêm 8.000 công an để tăng cường lực lượng an ninh ở thôn quê.

samedi 25 février 2012

Tàu chiến Trung Quốc tấn công tàu đánh cá Việt Nam

Bài đăng : Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 
 
Hôm qua 24/02/2012 một tàu đánh cá Việt Nam đã trở về được cảng Sa Kỳ, Quảng Ngãi, sau khi bị tàu chiến Trung Quốc tấn công và tước đoạt toàn bộ tài sản, ngư cụ trước đó hai ngày, khi đang đánh cá tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tàu cá QNg-90281TS của thuyền trưởng Đặng Tằm ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, ngày 22/2 đã bị tàu chiến Trung Quốc đuổi theo, bắn vào tàu và sau đó bắt giữ.

Ông Nguyễn Thanh Nam, Bình Châu
 
25/02/2012
 
 
Các ngư dân Việt Nam bị lính Trung Quốc đánh đập, tước đoạt toàn bộ hải sản đã đánh bắt được cùng với các thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu rồi mới thả về.  Ông Nguyễn Thanh Nam, người phụ trách thông tin liên lạc với ngư dân ở Bình Châu cho RFI biết  :
Lúc 15 giờ chiều ngày 22 dương lịch, tàu của ông Đặng Tằm đánh bắt trong phạm vi của đảo Hoàng Sa thì tàu hải quân của Trung Quốc - đó là tàu chiến, tàu quân sự ở trong đảo Phú Lâm - nó ra, và bắt đầu nó dí. Tàu ông Đặng Tằm bỏ chạy, thì nó bắn bể ca-bin, hiện còn một, hai viên đạn còn găm dính trong ca-bin. Rồi nó kéo về ngay đảo Phú Lâm, cái đảo đó có cảng. Vô đó nó bịt mắt, rồi bắt đầu tịch thu tài sản - hải sản đánh được, trang thiết bị trên tàu, các loại máy thông tin liên lạc đều bị thu hết, chỉ còn cái ghe không thôi. Những cái nắp đậy hầm cá nó cũng xách nó lia hết. Rồi nước thì nó xối vô cho tiêu đá lạnh, cá thì nó xách nó lia xuống nước hết. Số nào nó lấy thì lấy, còn số nào lia xuống nước thì nó lia. Rồi nó bịt mắt, đánh đập anh em trên tàu, xong rồi nó đuổi về chứ không bắt.

Riêng ông Đặng Tằm này là năm 2011đã bị bắt như thế này rồi, năm nay lại bị bắt nữa. Thì lúc 15 giờ chiều ngày 22, sự cố xảy ra thì ông đưa tin về cho tôi là gần 16 giờ, tôi nhận được tin. Trên tàu đi có 9 lao động. Sau khi nắm được thông tin rồi, tôi có báo cáo cho ủy ban xã, rồi báo cáo cho huyện, các ban phòng chống lụt bão, văn phòng Bộ Tư lệnh, trinh sát Bộ chỉ huy biên phòng, các lực lượng liên quan nắm rõ.

Mãi đến bốn giờ sáng ngày 24, tức sáng hôm qua, thì ông ấy cập về tới cảng. Anh em đã mang máy tới phỏng vấn và quay phim, chụp ảnh…mãi đến chín, mười giờ ngày 24 mới xong công việc.

Dạ lúc đó là tàu đang ở vùng biển của Việt Nam phải không ?

Đúng rồi, biển đó là biển của Việt Nam. Lâu nay là bà con ngư dân Việt Nam mình, đặc biệt là dân Quảng Ngãi, vùng biển Hoàng Sa là cứ ra ngư trường đó đánh bắt. Bởi vì lâu nay vẫn nghe Hoàng Sa là của Việt Nam, cho nên bà con cứ đi ra đó đánh bắt thôi. Chứ giờ mà đánh bắt ở những ngư trường phía bờ của Việt Nam thì không có cá, cho nên phải vươn ra miết ngoài đảo đó để đánh. Những chuyến biển nào mà không bị bắt thì về cũng kiếm được gạo nuôi vợ nuôi con, còn những chuyến biển bị trục trặc, bắt bớ hoặc là gió bão, áp thấp nhiệt đới thì coi như phải chịu lỗ.

Khu vực đó cá nhiều. Vùng biển đánh bắt đó rộng, dễ làm. Từ con cá chuồn, cá mú, cá ngừ đại dương đều ở vùng biển đó hết, cho nên bà con ra đánh bắt dễ. 

Bị lấy hết cá đánh bắt được, rồi ngư cụ vân vân, thì thiệt hại chắc là nhiều ?

Cái sản lượng mất cả bảy, tám chục triệu. Còn nó thu máy thông tin liên lạc, máy tầm ngư, máy định vị - máy dò cá, máy để xác định hướng đi, đường đi, rồi máy quét, đủ thứ máy bị nó lấy, to của lắm chứ. Nhiều tiền lắm ! Một cái máy bữa nay mua là bốn mươi triệu rồi. Bây giờ về làm sao sống đây, không biết vay tiền nhà nước để sống được không nữa. Cũng khó !

Xin cảm ơn ông Nguyễn Thanh Nam ở Quảng Ngãi.

tags: Trung Quốc - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120225-gnh-puvra-gehat-dhbp-gna-pbat-gnh-qnau-pn-ivrg-anz
 

"Nhóm bạn Syria" kêu gọi chấm dứt bạo lực và tăng cường trừng phạt Damas

Bài đăng : Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 
 
Đại diện hơn 60 nước trong « Nhóm bạn Syria » họp lại hôm qua 24/02/2012 tại Tunis đã đưa ra lời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực, và đề nghị các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào chế độ Damas. Hôm nay 25/02/2012, đã có thêm 16 thường dân bị sát hại tại Syria.

Thành phố Homs tiếp tục bị oanh tạc, trong khi các cuộc thương lượng nhằm sơ tán những người bị thương đang được tiến hành. Hội nghị quốc tế về Syria tập hợp trên 60 nước đã kêu gọi Damas « Chấm dứt ngay tất cả các dạng bạo lực » để tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Các quốc gia trong « Nhóm bạn Syria » cũng « Cam kết sẽ có các biện pháp nhằm áp dụng và tăng cường việc trừng phạt chế độ Damas ».

Hội nghị « Ghi nhận thỉnh nguyện của Liên đoàn Ả Rập yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thành lập một lực lượng hỗn hợp để duy trì hòa bình », và nhấn mạnh đến « một giải pháp chính trị » cho cuộc khủng hoảng Syria. Các nước cũng đề nghị chính quyền Syria cho các tổ chức nhân đạo được tự do hoạt động tại các vùng bị trấn áp nặng nề nhất, đặc biệt là Homs, đã bị quân đội pháo kích từ suốt ba tuần qua.

Trong số các biện pháp trừng phạt được đề nghị, có việc « Cấm nhập cảnh các thành viên của chế độ, phong tỏa tài sản, ngưng mua dầu hỏa của Syria, thu hẹp các quan hệ ngoại giao với Damas ». Hội nghị cũng công nhận Hội đồng Quốc gia Syria là « Một đại diện hợp pháp của người dân Syria nhằm tìm kiếm một sự thay đổi trong hòa bình, dân chủ », khuyến khích hình thành một nhóm đại diện.

Là nước cùng với Nga tẩy chay hội nghị này, hôm nay Trung Quốc tỏ ra hoan hỉ khi « Nhóm bạn Syria » đã bác bỏ giải pháp can thiệp quân sự. Tân Hoa Xã tố cáo châu Âu và Hoa Kỳ có những « tham vọng hiếu chiến được che giấu ».

Tại Syria, quân chính phủ từ sáng sớm hôm nay đã tái pháo kích vào Homs, làm cho ít nhất bốn người chết, và tính trên toàn quốc, đã có 16 thường dân bị thiệt mạng chỉ trong ngày hôm nay.

Thương lượng giữa Hội Hồng thập tự Quốc tế với chính quyền và phe đối lập Syria đã được tái lập hôm nay, nhằm cố gắng sơ tán những người bị thương trong khu phố Baba Amr, trong đó có hai phóng viên ngoại quốc, đưa xác hai nhà báo Pháp và Mỹ tử nạn hôm thứ Tư về nước.

Về phía Pháp, Bộ Ngoại giao khẳng định sẽ nỗ lực hơn bao giờ hết để sơ tán các phóng viên nước ngoài tại Homs đang bị kẹt tại Homs một cách an toàn và được hỗ trợ về y tế. Xin nhắc lại, nhà báo nữ Edith Bouvier của Pháp và phóng viên ảnh Paul Conroy của Anh đều bị thương ở chân hôm qua trong một đoạn video đã kêu gọi được sơ tán càng nhanh càng tốt. Còn xác của phóng viên ảnh Pháp Rémi Ochlik và nhà báo nữ Marie Colvin của Mỹ vẫn đang được quàn tại Baba Amr.

tags: Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120225-aubz-ona-flevn-xrh-tbv-punz-qhg-onb-yhp-in-gnat-phbat-gehat-cung-qnznf
 

Mỹ - Hàn tập trận : Bình Nhưỡng đe dọa "thánh chiến"

Bài đăng : Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 
 
Hôm nay 25/02/2012, chính quyền Bắc Triều Tiên đã đe dọa sẽ tiến hành một cuộc « thánh chiến ». Lời tuyên bố này được đưa ra khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc sắp bắt đầu cuộc tập trận chung từ thứ Hai tới, mà Bình Nhưỡng xem là một « tuyên bố chiến tranh được ngụy trang ».

Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên cho rằng cuộc tập trận này là dấu hiệu của « một sự cuồng chiến không thể tha thứ », và khẳng định, quân đội và nhân dân Bắc Triều Tiên sẽ chống lại bằng « một cuộc thánh chiến theo kiểu của chúng tôi ».

Cuộc tập trận Key Resolve sẽ bắt đầu từ ngày 27/2, tiếp theo là một loạt những cuộc thao diễn trên biển, trên đất liền và trên không được đặt tên là Foal Eagle từ ngày 1/3 đến 30/4. Theo thông báo của Ủy ban Quốc phòng Bắc Triều Tiên, thì đó là « một sự cuồng chiến do bọn côn đồ tiến hành để làm ô uế thời kỳ tang chế của chúng tôi, là sự vi phạm chủ quyền và phẩm giá không thể tha thứ được ».

Đây là lời cảnh cáo mới nhất dành cho Hàn Quốc, kể từ sau khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il qua đời ngày 17/12/2011 và con trai là Kim Jong Un lên thay thế. Vào cuối tuần trước, Bình Nhưỡng cũng đã hăm dọa sẽ trả đũa Seoul nếu các chiến hạm xâm phạm lãnh hải trong cuộc tập trận thứ Hai tới. Vùng biển phân chia hai nước Triều Tiên vốn là nơi xảy ra các cuộc hải chiến vào năm 1999, 2002, 2009 và 2010.

Những ngôn từ hiếu chiến của Bình Nhưỡng được đưa ra trong lúc tại Bắc Kinh tuần này đã diễn ra cuộc thương lượng về giải trừ vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên, giữa Washington và Bình Nhưỡng. Theo một viên chức ngoại giao Mỹ, thì cuộc thương thảo đầu tiên sau cái chết của ông Kim Jong Il nhằm tái lập đàm phán sáu bên về hồ sơ nguyên tử, đã có được đôi chút tiến bộ.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Hàn Quốc - Hoa Kỳ 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120225-ovau-auhbat-qr-qbn-gvra-unau-gunau-puvra-gehbp-phbp-gnc-gena-puhat-zl-una
 

Hy Lạp bắt đầu chiến dịch xóa nợ 107 tỉ euro

Bài đăng : Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 25 Tháng Hai 2012 
 
Bắt đầu từ hôm qua 24/02/2012 chính phủ Hy Lạp đã chính thức tung ra chiến dịch đổi nợ lấy trái phiếu nhằm xóa hơn phân nửa số nợ đang do khu vực tư nhân nắm giữ. Có 107 tỉ euro tiền nợ sẽ được xóa theo như kế hoạch cứu vãn được các nước khu vực đồng euro đề ra, số còn lại được lùi thời hạn thanh toán có thể lên đến 30 năm.

Đây là một hoạt động có quy mô chưa từng thấy trong lịch sử tài chính thế giới, mang tên PSI (Private Sector Involvement), nhằm làm giảm 53,5% số nợ của Hy Lạp đối với các chủ nợ tư nhân. Trong tổng nợ 350 tỉ euro của Hy Lạp, có 206 tỉ trái phiếu do khu vực tư nhân gồm các ngân hàng, tập đoàn bảo hiểm hay quỹ đầu tư nắm giữ.

Hy Lạp đề nghị các chủ nợ tư nhân đổi cứ một trái phiếu có giá trị ban đầu là 100, lấy 20 trái phiếu mới có tổng giá trị 46,5 gồm 31,5 là trái phiếu của Hy Lạp, 15 của Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (FESF), số còn lại được xóa. Các trái phiếu của FESF có thời hạn ngắn, cho phép người sở hữu nhanh chóng thu hồi lại tiền mặt, có thể trong vòng hai năm. Nhưng các trái phiếu Hy Lạp thì có thời hạn thanh toán kéo dài từ 11 đến 30 năm, và như vậy thiệt hại thực tế của khu vực tư nhân có thể lên đến 70% vì đồng tiền bị đóng băng không thể sinh lợi.

Bộ Tài chính và tổ chức phụ trách nợ Hy Lạp (Pdma) đã thành lập một trang web cho hoạt động PSI. Thể thức này vốn là một trong các biện pháp nằm trong kế hoạch cứu vãn Hy Lạp, đã được các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro đề ra trong cuộc hội nghị đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba tại Bruxelles. Theo Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos, thì nước này đã nỗ lực ngoài sức tưởng tượng để có thể tiến hành chiến dịch khổng lồ này từ cuối giờ chiều qua.

Tuy nhiên nếu số chủ nợ tư nhân đăng ký tham gia không đạt tỉ lệ 75% thì PSI sẽ không được tiến hành. Ông Charles Dallara, chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế (IIF) tập hợp các ngân hàng lớn và các định chế tài chính quốc tế cho biết, ông tin rằng hoạt động này sẽ thành công. Còn chính phủ Hy Lạp đặt hy vọng vào các ngân hàng trong nước, vốn đang nắm giữ đa số trái phiếu, trong khi các ngân hàng ngoại quốc đã bán tống bán tháo phần lớn trái phiếu Hy Lạp ngay từ đầu cuộc khủng hoảng vào năm 2010.

Chiến dịch PSI sẽ phải giúp kéo tỉ lệ nợ công của Hy Lạp từ 160% tổng sản phẩm nội địa hiện nay xuống còn 120,5% từ nay cho đến năm 2010. Athenes đang phải chạy đua với thời gian để tránh tai họa mất khả năng chi trả vào ngày 20/3 tới, là kỳ hạn phải hoàn trả số tiền 14,5 tỉ euro.

Cho đến nay, Achentina đang giữ kỷ lục về số nợ được xóa là 82 tỉ đô la, tương đương 73 tỉ euro, vào thời điểm bị vỡ nợ hồi tháng Giêng năm 2002.

tags: Hy Lạp - Kinh tế - Quốc tế 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120225-ul-ync-ong-qnh-puvra-qvpu-dhl-zb-aunz-kbn-ab-107-gv-rheb
 

vendredi 24 février 2012

Đấu đá quyết liệt giữa các quan chức chóp bu Trung Quốc


Ông Tập Cận Bình trong tiệc chiêu đãi tối 15/02/2012 tại Iowa, Hoa Kỳ.
(Le Nouvel Observateur) Việc ông Tập Cận Bình sẽ trở thành lãnh đạo số một Trung Quốc vào mùa thu tới chỉ còn là vấn đề thủ tục. Nhưng trong hậu trường, đấu đá giữa các phe phái đối địch vẫn đang quyết liệt. Phe các « hoàng tử đỏ » đấu với phe Đoàn Thanh niên Cộng sản, và có tin đồn là ông Bạc Hy Lai đã mưu toan đảo chính…

Người Hoa cho rằng năm Thìn hứa hẹn nhiều đảo lộn bất ngờ. Một ngạn ngữ Trung Hoa khẳng định, mọi rắc rối đều khởi đầu từ Tứ Xuyên ( « Thục đạo nan ư thượng thanh thiên » – Đường đến đất Thục còn khó hơn lên trời – ND). Thời sự chính trị chừng như đã cho thấy trí tuệ người xưa có vẻ đúng, khi chỉ còn vài tháng nữa là đến thời điểm chuyển giao quyền lực quan trọng ở thượng đỉnh lãnh đạo đảng Cộng sản. Một sự cố bất ngờ diễn ra tại thành phố Trùng Khánh vào đầu tháng 2 vừa gây nên một trận động đất kinh hồn, có thể làm chao đảo sự thăng bằng quyền lực trong nội bộ đảng.

Bối cảnh, trước hết, thuận lợi cho những cú sốc. Trong việc chuyển giao quyền lực diễn ra cứ mười năm một lần, bộ đôi nắm quyền hành cao nhất là Chủ tịch nước và Thủ tướng sẽ phải thay đổi, cũng như bảy người còn lại trong số chín ủy viên thường trực Bộ Chính trị, và 60% ủy viên trung ương đảng. Việc này dẫn đến một loạt các thay đổi nhân sự trong bộ máy lãnh đạo đất nước.

Trung Quốc muốn làm cho người ta tin rằng sự chuyển đổi này tuân theo các quy định đã được lập sẵn. Nhân vật số một tuơng lai là ông Tập Cận Bình, được đảng chọn lựa từ năm 2007, vừa hoàn tất chuyến công du mà điểm đến trước tiên là Hoa Kỳ, như ông Hồ Cẩm Đào đã thực hiện trước đó. Tương tự, Thủ tướng tương lai là ông Lý Khắc Cường, cũng đang hoàn tất tiến trình « khởi động » dưới sự giám sát của ông Ôn Gia Bảo. Như vậy, tất cả đang diễn ra một cách trật tự, trong ngôi nhà của các vị quan lại đỏ, và mùa thu tới, đảng sẽ trao ấn kiếm cho các tân lãnh đạo thuộc « thế hệ thứ năm ».

Tuy nhiên trong hậu trường, một sự ganh đua dữ dội giữa các phe nhóm đối địch đã nổ tung giữa thanh thiên bạch nhật, gây hoang mang thậm chí cả về khả năng lên ngôi của ông Tập Cận Bình.

Ông Vương Lập Quân tại một hội nghị của UBND Trùng Khánh.
Tất cả bắt đầu bằng sự kiện « quả bom » Vương Lập Quân, Phó thị trưởng Trùng Khánh và là chỉ huy cảnh sát chống mafia nổi tiếng, đã trốn vào lãnh sự quán Mỹ gần nhất ở Thành Đô để xin tị nạn chính trị. Vương Lập Quân muốn tự vệ trước chính ông chủ của mình là Bạc Hy Lai, Bí thư nổi tiếng của Trùng Khánh, mà trong suốt ba năm qua đã được Vương phục vụ qua chiến dịch Bàn tay sạch nhằm chống lại bọn mafia. Chiến dịch này đã đưa cặp Vương Lập Quân - Bạc Hy Lai lên đỉnh cao danh tiếng, và đặt ông Bạc Hy Lai vào một vị trí tốt đẹp để có thể giành được một ghế ủy viên thường vụ Bộ Chính trị vào mùa thu này.

Tại sao ê-kíp huyền thoại của hai « Mr Trong Sạch » này lại bị tan vỡ ? Tại sao Vương Lập Quân lại chạy đến với người Mỹ ? Ông ta đã tiết lộ những gì trong khoảng thời gian 24 tiếng đồng hồ ẩn náu trong lãnh sứ quán Mỹ, trước khi được các sứ giả từ Bắc Kinh đến giải thoát khỏi số tay chân của Bạc Hy Lai đang vây hãm trước lãnh sự quán ? Các câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Bí mật của sự cố trầm trọng này lại càng đè nặng thêm vào cuối tuần qua, sau khi có tin đồn về các thông tin mà Vương Lập Quân đã tiết lộ cho người Mỹ. Đó là Bạc Hy Lai đã mưu toan đảo chính, với sự trợ giúp của một trong số chín ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, mục đích là loại trừ nhân vật số một tương lai. Vụ này diễn ra ngay trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình.

Hiện thật khó kiểm chứng được thông tin này…Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ vụ Lâm Bưu mưu sát Mao Trạch Đông hơn bốn chục năm trước, tin đồn về vụ đào thoát và đảo chính đã khuấy động cả Trung Quốc.

Ông Bạc Hy Lai (trước) và ông Vương Lập Quân (sau, bên phải).
Cho dù có âm mưu tạo phản hay không, thì dù sao đi nữa tương lai của ông Bạc Hy Lai cũng không còn sáng sủa như trước. Điều này gây ảnh hưởng đến sự thăng bằng đầy tế nhị giữa các phe phái cạnh tranh đang chia đều quyền lực.

Đó là vì Bạc Hy Lai là ngôi sao sáng trong « đảng của các hoàng tử », một liên minh tập hợp con cái của các nhà cách mạng lão thành. Thế hệ thứ hai này - như một người trong số họ muốn giấu tên đã mô tả - « muốn là người canh gác cho sự nghiệp cộng sản, và cho rằng họ đương nhiên có quyền lãnh đạo đất nước ».

Bạc Hy Lai đã thu hút được cảm tình của phe mình qua việc lãnh đạo thành phố khổng lồ 30 triệu dân một cách quyết đoán, chú trọng phúc lợi của người dân như nhà ở xã hội, giáo dục, y tế…nhưng không hề nhượng bộ mảy may trước một xã hội công dân vừa được khai sinh. Điều làm các cán bộ kỳ cựu hài lòng nhất là cái cách ông Bạc Hy Lai lăng-xê việc hợp xướng các « bài hát cách mạng ». Một làn sóng hoài cổ mạnh mẽ đã tràn ngập đất nước, khiến cho nhóm « Tân Mao », một thiểu số cổ hũ nhất trong « đảng của các hoàng tử » có ấn tượng là thời hoàng kim đã trở lại.

Không phải tất cả các « hoàng tử » đều hoài cổ. Nhiều người trong số họ đã từng theo học tại các trường đại học danh tiếng nhất ở Mỹ, hiện đang lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất, và lợi dụng cái chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Hoa này để tích tụ quyền lực cũng như tài sản. Những người này nhận ra nhau trong một phe khác : nhóm Thượng Hải, băng đảng đã nắm quyền suốt mười năm dưới thời ông Giang Trạch Dân. Luôn dưới sự chỉ đạo của nhân vật một thời quyền lực này, phe Thượng Hải - những « hoàng tử », hay tựa như là thế - chủ trương dành ưu tiên cho các tầng lớp thượng lưu, cho các địa phương giàu có nhất.

Ông Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh, ngày 15/02/2012.
Hai nhóm đồng minh này có một đối thủ, đó là băng nhóm được mệnh danh là Liên đoàn Thanh niên Cộng sản, do Hồ Cẩm Đào cầm đầu. Hiện đang là phe mạnh nhất, liên minh này tập hợp các cán bộ xuất thân từ các gia đình bình dân, được những « người đỡ đầu » tuyển mộ và giám sát. Nhóm này còn được gọi là nhóm dân túy, vì họ nhạy cảm hơn với các vấn đề của khu vực nông thôn hay các vùng kém phát triển. Nhưng ngược với nhóm Tân Mao, họ không vin vào quá khứ, tỏ ra cảnh giác với các « hoàng tử » và thái độ ngạo mạn của nhóm này.

Mỗi phe phái đều có những người đỡ đầu và các ngôi sao đang lên. Bộ máy lãnh đạo hiện nay được phân bố một cách gần như là cân bằng giữa các « hoàng tử » và « liên đoàn ». Các nhà lãnh đạo sắp tới được chọn lựa sao cho duy trì sự thăng bằng đó. Thay đổi đình đám nhất liên quan đến nhân vật số một : Hồ Cẩm Đào, lãnh tụ của « liên đoàn », sẽ được thay thế bởi Tập Cận Bình, một vị « hoàng tử ».

Làm thế nào phe đoàn thanh niên lại có thể chấp nhận được sự chuyển đổi này ? Câu trả lời bất ngờ đến từ các bức điện mật ngoại giao được WikiLeaks tiết lộ. Những người đã thông tin cho các nhà ngoại giao Mỹ - bản thân họ cũng là những viên chức cao cấp trong chính quyền - giải thích rằng Tập Cận Bình không phải là ứng viên được ông Hồ Cẩm Đào đề nghị. Chủ tịch nước đã giới thiệu một trong số các khuôn mặt thuộc cánh mình. Nhưng năm 2007, trong hội nghị các nhà cách mạng lão thành - có nghĩa là những cán bộ về hưu và cao cấp - một cuộc thăm dò nhiều phe phái khác nhau đã cho ra kết quả là ông Tập Cận Bình được ủng hộ nhiều nhất, khiến Hồ Cẩm Đào đành phải nhượng bộ.

Ông Tập Cận Huân, cha của Tập Cận Bình.
Các chuyên gia mô tả chi tiết về nhân vật số một tương lai : Đó là một « hoàng tử », con của cố Phó thủ tướng Trung Quốc Tập Cận Huân, nhà cách mạng lão thành nổi tiếng của Thiểm Tây. Tuy nhiên sau khi ông Tập Cận Huân bị thất thế, ông Tập Cận Bình đã phải trải qua tuổi thiếu niên trong một làng quê, nơi ông được người dân quê đánh giá cao. Trong khi người cha vẫn đang bị tù, ông Tập Cận Bình đã làm đơn xin vào đảng cả chục lần, và sau đó leo dần lên các bậc thang quyền lực. Tại những nơi công tác, ông được tiếng là người làm việc hăng say, khiêm tốn, biết lắng nghe.

Tóm lại, Tập Cận Bình là viên ngọc quý - ông không chống đối ai cả, và có thể dàn xếp giữa các nhóm lợi ích khác biệt. Từ các nông dân vùng Sơn Tây cho đến chủ nhân các xí nghiệp vừa và nhỏ ở Chiết Giang, từ các tổ chức phi chính phủ đến các ngân hàng quốc doanh, từ các đảng viên lão thành đến các chuyên gia tài chính trẻ tuổi được đào tạo từ Havard…

Như vậy khuôn mặt Tập Cận Bình là thích hợp nhất để san lấp sự thù địch đang ngự trị giữa hai phe. Nhưng đó là còn quên tính đến tham vọng to lớn của Bạc Hy Lai. Ngay cả khi tin đồn về mưu toan đảo chính là sai lạc đi nữa, thì sự kiện cánh tay phải của ông Bạc Hy Lai phải trốn vào cơ quan ngoại giao Mỹ, cũng đủ để cho thấy cán bộ cao cấp cộng sản vẫn đối xử với nhau như chó sói. Số phần của các phe nhóm vẫn luôn đè nặng lên các « vị quan lại đỏ » của Trung Quốc.
Con tem kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai.

Sự gian truân của những người cha…

Cha của ông Tập Cận Bình là Tập Cận Huân, từng là Phó thủ tướng trước khi trở thành nạn nhân bị thanh trừng. Ông bị giam giữ suốt 16 năm, hầu hết là bị biệt giam. Năm 14 tuổi, Tập Cận Bình bị gởi đến một làng quê ở Sơn Tây, trong bảy năm trời ông đã chia sẻ cuộc sống đơn sơ của người dân quê.

Còn ông Bạc Hy Lai cũng đã phải chịu đựng nghịch cảnh khi cha ông là Bạc Nhất Ba - một trong « Bát đại nguyên lão » của Trung Quốc, và cũng là một Phó thủ tướng - bị thất thế. Nhưng với nhà họ Bạc thì khốn khổ hơn : các con ông Bạc Nhất Ba bị tống vào tù năm năm rồi năm năm tiếp theo đó bị cho đi cải tạo lao động. Người mẹ ông Bạc Hy Lai bị đánh đập cho đến chết, còn cha ông thì trải qua mười năm trong nhà tù, bị bọn Hồng vệ binh tra tấn dã man.

Đến khi được phục chức, cả hai ông Tập Cận Huân và Bạc Nhất Ba đều nâng đỡ hai người con lên nối nghiệp. Nhưng trong khi ông Tập Cận Bình được lòng nhiều người, thì ông Bạc Hy Lai lại bị nghi kỵ, thậm chí chối từ. Vì ông ngạo nghễ quá hay nhiều tham vọng quá ?

Các bức điện mật do WikiLeaks công bố đã tiết lộ rằng các cán bộ về hưu không quên văn bản mà ông Bạc Hy Lai công bố trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, tố cáo cha mình và từ luôn người cha. Ông Bạc Nhất Ba đã tha thứ cho con, với những nỗ lực sau khi được phục hồi danh dự để cho con trai mình được thăng tiến trên đường công danh. Nhưng các vị lão thành thì vẫn hoài nghi về nhân vật đầy tham vọng này, và vụ Vương Lập Quân chắc hẳn sẽ không làm cải thiện hình ảnh của ông Bạc Hy Lai chút nào cả.

Ông André Menras : Chúng tôi không đơn độc trong « cuộc chiến bị kiểm duyệt » tại Biển Đông

Bài đăng : Thứ sáu 24 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 24 Tháng Hai 2012 
 
Bộ phim tài liệu về ngư dân miền Trung Việt Nam mang tên « Hoàng Sa, nỗi đau mất mát » của ông André Menras tức Hồ Cương Quyết, người Pháp đồng thời cũng mang quốc tịch Việt Nam, trước đây khi trình chiếu tại Saigon đã từng bị chính quyền địa phương ngăn trở. Ông đã mang bộ phim sang Pháp và chiếu tại một số nơi. Nhưng vừa rồi tại Montpellier, ông André Menras cũng gặp một số trở ngại vì Montpellier vốn kết nghĩa với Thành Đô, Trung Quốc, nên chính quyền địa phương ngại đụng chạm. Đã có ba tờ báo địa phương lên tiếng về sự kiện này.

RFI Việt ngữ đã liên lạc với ông André Menras để trao đổi thêm về vấn đề trên.

RFI : Kính chào ông André Menras. Ông đã gặp khó khăn khi giới thiệu bộ phim tại Montpellier ?


Ông André Menras - Pháp
 
24/02/2012
 
 
André Menras : Vâng, tôi đã gặp một số vấn đề tại Montpellier, cũng như đã gặp phải tại Saigon. Tại Montpellier thì ít thô bạo hơn, nhưng vẫn là điều không thể hiểu nổi, không thể chấp nhận được. Tòa Thị chính Montpellier ban đầu vào hôm 2/2 đã đồng ý cho chúng tôi sử dụng phòng quan hệ quốc tế để chiếu phim, và sau đó hội thảo về vấn đề này. Nhưng hôm thứ Sáu vừa rồi, tức là 10 ngày sau, vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là trình chiếu bộ phim, thì tôi được biết là phòng này không được phép sử dụng nữa. Sau đó họ chỉ định cho chúng tôi một phòng họp khác trong khu vực, do một hiệp hội quản lý.

Tôi đã phản ứng lại, vì cách xử sự chính quyền qua việc thay đổi địa điểm này là không thể chấp nhận được. Sự kiện này diễn ra vào lúc thành phố Montpellier tổ chức một diễn đàn lớn về rượu vang, và Trung Quốc là khách hàng quan trọng.

Lý do được chính quyền Montpellier đưa ra là – trước hết, Đó là bộ phim có quan điểm văn hóa, tạo ra tranh cãi, có thể ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa thành phố Montpellier và Trung Quốc, đặc biệt là với Thành Đô, thành phố kết nghĩa với Montpellier. Trong thông báo họ còn nói bộ phim là một sự khiêu khích.

Có nghĩa là những người có quyền quyết định ở Montpellier khi ngăn trở bộ phim đã hành xử theo mục đích chính trị. Không phải là ngẫu nhiên, mà đã có suy nghĩ tính toán, và đây là một sự phân biệt đối xử. Trước hết là với gia đình các ngư dân, và đối với những người đánh cá hàng ngày phải chịu đựng áp lực của phía Trung Quốc tại Biển Đông. Chính quyền Montpellier đã ngăn trở tiếng nói của ngư dân Việt, trong khi bộ phim là để nói lên tiếng nói của họ. Hơn nữa, đây còn là một sự xâm phạm đến quyền tự do thông tin của các công dân Pháp. Điều này không thể chấp nhận được, nhất là trong một đất nước hiện đang có chiến dịch tranh cử tổng thống, đang nói nhiều đến tự do, dân chủ và quyền thông tin.

Vì lẽ đó đương nhiên là chúng tôi phản đối biện pháp này. Chúng tôi sẽ thuê tại Montpellier một phòng chiếu phim tư nhân để cho các ngư dân Quảng Ngãi có thể nói lên tiếng nói của mình.

RFI : Tòa Thị chính Montpellier đã có trả lời cho ông bằng văn bản hay không? Có gì khác nhau giữa hai địa điểm chiếu phim này, thưa ông ?

André Menras : Tòa Thị chính đã gởi một thông báo vì phải trả lời cho ba bài báo của các tờ Marsellaise, L’Hérault du Jour, tờ Midi Libre. Ngày mai sẽ có một tờ báo khác - tôi nghĩ là của Montpellier, nhưng lần này là báo mạng. Họ đã trả lời với những lý lẽ mà tôi đã nói với quý vị ở trên. Có nghĩa là : « Chúng tôi muốn trung dung, đây là một sự khác biệt về văn hóa, và chúng tôi không muốn có sự khiêu khích ».

Chính quyền Montpellier chưa bao giờ đối thoại trực tiếp với tôi, họ nói với người bạn Việt Nam đứng ra tổ chức buổi chiếu phim. Đó là một người sinh sống tại Montpellier, thường làm việc với tòa Thị chính và cho đến nay chưa bao giờ gặp vấn đề gì trong việc xin sử dụng các phòng họp. Mỗi lần yêu cầu ông đều nhận được sự đồng ý. Ông nói với tôi, đây là lần đầu tiên gặp phải trắc trở như thế.

Phòng họp thứ hai được đề nghị là một phòng họp trong khu phố nằm cách xa hơn so với phòng kia, và người đến dự khó tập trung lại được.

RFI : Như vậy có lẽ đây là một sự kiện bất ngờ đối với ông, vì các ngư dân Việt Nam phải im tiếng hai lần, ở Việt Nam và lần này thì ở Pháp…

André Menras : Tôi thì tôi đã biết từ lâu, đồng tiền thực sự là quyền lực, và thường che khuất đi dân chủ. Ở Việt Nam thì lại là một vấn đề khác. Có thể là một số nhà lãnh đạo hay những giới nào đó ở Việt Nam cần phải làm ăn với Trung Quốc. Vì là nước láng giềng lớn ở ngay bên cạnh, nên một số người lo sợ hậu quả khi đưa những thông tin thực sự về ngư dân miền Trung Việt Nam. Họ sợ các phản ứng chính trị, nhất là sau đợt biểu tình diễn ra do vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2 và Viking 2 cách đây không lâu. Cho dù không thể nào chấp nhận được, nhưng tôi cũng hiểu hơn một chút về phản ứng của phía Việt Nam.

Nhưng tại Pháp, thì việc những người là đại biểu dân cử của Pháp lại quỵ lụy trước đồng nhân dân tệ Trung Quốc, là không thể chấp nhận được. Nước Pháp là một quốc gia độc lập, chúng ta có những bộ luật về quyền tự do thông tin, quyền công dân… Các đại biểu của công dân Pháp ngay trong thời điểm vận động tranh cử tổng thống mà lại tự cho phép hành động như thế ! Trong khi Pháp là một đất nước hào hiệp, thường sát cánh với những kẻ yếu bị bức hiếp, và là một đất nước pháp trị.

Vấn đề ở đây là quyền của các ngư dân Việt Nam và gia đình họ, được tự kiếm sống tại vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Chính cái quyền mưu sinh này đã bị nhạo báng. Nhạo báng bởi các đại biểu dân cử Pháp. Điều đó thật khó thể chấp nhận được.

Tại Montpellier ngay từ hôm đầu tiên, đã có phản ứng của tờ L’Hérault du Jour, La Marseillaise, và hôm sau tờ báo đó đã cho đăng bài báo của tôi. Đồng thời một tờ báo khác là tờ Midi Libre đã viết một bài dài. Những bài báo này tôi có gởi về Việt Nam và được dịch ra ngay, đăng toàn văn trên trang Bauxite Việt Nam.

Tôi nghĩ là vụ này sẽ còn gây tiếng vang. Tôi đã trả lời đài phát thanh địa phương, và cũng đã đề cập đến sự việc trên.

Tờ Midi Libre nói về sự kiệnTòa Thị chính Montpellier không tạo điều kiện cho việc chiếu bộ phim của ông André Menras. Ảnh chụp tại một kiosque bán báo.
RFI : Ông có dự định chiếu phim tại Paris ?

André Menras : Tôi sẽ đến Paris. Hiệp hội của chúng tôi đã được các đại diện nghiệp đoàn, các tổ chức nhân đạo cùng với tòa Thị chính mời trình bày ở Bobigny, tại Làng Tương trợ Quốc tế. Chúng tôi sẽ trình chiếu bộ phim tại gian hàng của mình trong vòng một, hai ngày. Tại Paris tôi đã từng giới thiệu bộ phim ngày 19/1, và tại Lyon ngày 5/2. Sau đó tôi đi Berlin, phim sẽ được chiếu ngày 24/3. Trước đó thì chiếu ở Toulouse ngày 2/3, tại Bézier ngày 13/3, tại Bobigny ngày 21 và 22/3, Berlin ngày 4/3, Cologne ngày 25/3, Praha ngày 27 hay 28/3, và tại Varsovie ngày 29 và 30/3.

Bắt đầu là như thế, tôi nghĩ rằng sẽ không dừng lại ở đây.

RFI : Có nhiều người đến tham dự các buổi chiếu phim không thưa ông ?

André Menras : Theo tôi thì không nhiều, nhưng vấn đề là chúng tôi phải tự làm hết mọi thứ, không có sự trợ giúp nào cả. Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp không hề làm gì để hỗ trợ chúng tôi. Hoàn toàn không ! Ngược lại, tôi còn nghe nói là họ gây áp lực trong cộng đồng người Việt để họ không đến tham gia hội thảo. Chúng tôi đang trong một cuộc chiến đấu mà tôi cảm thấy là hơi có phần cô đơn.

Nhưng những người đến tham gia là những người tốt bụng. Chúng tôi đã bắt đầu lập ra một quỹ liên đới với các ngư dân, nhờ đó có thể giúp đỡ họ về mặt vật chất. Giúp những người vợ góa, những trẻ em mồ côi để họ mua thuốc men, để có thể đến trường, trả được một phần nợ nần vì không mưu sinh được, do những kẻ gây hấn Trung Quốc tạo ra. Tôi nghĩ đây chỉ mới là khởi đầu, chúng tôi sẽ triển khai tiếp các hoạt động loại này. Càng bị cấm đoán thì chúng tôi càng thêm quyết tâm tiếp tục, họ chỉ quảng cáo cho công việc của chúng tôi thôi.

RFI : Những người đến xem phim là người Pháp hay người Việt ?

André Menras : Đại đa số là người Pháp. Tôi có nói rằng dường như đối với những người Việt thân cận với đại sứ quán, có một chỉ thị nào đó khiến họ tránh né tham gia, tôi tin là như vậy. Cũng có một số người Việt đến dự hội thảo nhưng không nhiều, để nhắc lại quá khứ và đả kích chế độ, mà điều đó tôi cũng không chấp nhận được. Mỗi người đều có quan niệm riêng, tôi tôn trọng, nhưng bộ phim nhằm giúp ngư dân Việt nói lên tiếng nói trong thời điểm này, chứ không phải bốn mươi năm về trước.

RFI : Ông có vẻ đơn độc trong cuộc chiến này ?

André Menras : Không, tôi không hề cảm thấy đơn độc, vì tôi biết có hàng trăm người bạn tại Việt Nam biết rõ những gì xảy ra. Họ cũng không muốn im lặng không muốn khoanh tay ngồi nhìn, trong đó có cả các nhà báo.

Tôi cũng nhận thấy có nhiều người bạn Pháp bắt đầu biết đến sự việc. Họ khám phá một vấn đề chưa bao giờ nói đến, một vấn đề phức tạp. Cuộc chiến tranh này tại Biển Đông là một cuộc chiến trong im lặng. Một cuộc chiến bị kiểm duyệt, bị cấm nói đến. Vì vậy họ mới bắt đầu phát hiện vấn đề, và đây chỉ mới là khởi đầu. Nhưng tôi không đơn độc, không hề !

Tôi cảm nhận được phản ứng của người xem, họ tức tối, muốn giúp đỡ, sẵn sàng tham gia vào một hoạt động tương trợ. Điều đó rất tốt, và tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn cả.

RFI : Xin phép được hỏi thêm, ông lấy tiền đâu ra để tài trợ cho những chuyến đi này ?

André Menras : Để đi đây đó giới thiệu bộ phim, tôi đã nói với những người bạn đã mời tôi là tôi không có phương tiện. Tôi chỉ là một giáo viên hưu trí, tôi không thể trả tiền vé xe tàu cũng như khách sạn. Những nơi tôi đến là do được mời, trả tiền tàu xe, được các gia đình cho tạm trú và mời ăn uống. Tôi không trọ tại khách sạn vì đắt đỏ.

Việc này làm tôi nhớ lại hồi mới ra tù vào năm 1973, tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới để nói về các nhà tù mà tôi đã trải qua. Tôi đã được mời đi nhiều nơi với cùng các điều kiện như vậy. Nhờ làm « đại sứ lưu động » cho ngư dân Việt Nam qua bộ phim này mà tôi cảm thấy như trẻ lại. Ở tuổi 60 tuổi, tôi như quay lại thời 20 tuổi.

RFI : Ông có các bạn bè trong giới báo chí giúp đỡ không?

André Menras : Báo chí ? Vâng, nhưng dư luận là chủ yếu. Các nhà báo góp phần vào việc nuôi dưỡng dư luận, nhưng nếu chỉ có 50 người đến xem phim thôi và cảm thấy thuyết phục, thì dần dần sẽ có nhiều người xung quanh họ quan tâm đến. Ta bắt đầu bằng số ít, và ta sẽ kết thúc với số đông.

Chính bộ phim tự nó nói lên tất cả, không cần phải giải thích gì nhiều. Đó là lời kể của các ngư dân, của những người vợ góa. Những trạng huống trong phim ngồn ngộn tư liệu, đó thật sự là một bộ phim tài liệu đích thực. Tôi không làm điện ảnh, một bộ phim tài liệu như vậy dễ thuyết phục hơn. Những người đã xem phim này rồi đều cảm thấy xúc động. Họ xúc động vì tình cảnh của ngư dân thật là kinh khủng.

RFI : Xin chân thành cảm ơn ông André Menras tức Hồ Cương Quyết, đã vui lòng nhận trả lời RFI Việt ngữ.

tags: Biển Đông - Pháp - Phỏng vấn - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120224-bat-naqer-zraenf-puhat-gbv-xubat-qba-qbp-gebat-=25P2=25NO-phbp-puvra-ov-xvrz-qhlrg-=25P2=25OO-gnv-ov
 

Trung Quốc: Hàng ngàn người về hưu biểu tình đòi tăng hưu bổng

Bài đăng : Thứ năm 23 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 23 Tháng Hai 2012 
 
Hãng tin Reuters trích nguồn tin từ Tân Hoa Xã ngày 22/02/2012 cho biết, hàng ngàn công nhân về hưu đã từng tham gia xây dựng đập Tam Hiệp tiếp tục cuộc biểu tình kéo dài suốt ba ngày qua tại Hồ Bắc, để phản đối những bất hợp lý trong chế độ lương hưu.

Người biểu tình đã tập trung lại sau khi đã diễu hành trên đường phố, phong tỏa một con đường chính của thành phố Nghi Xương, nơi đặt trụ sở tập đoàn Gezhouba (Cát Châu Bá). Tập đoàn này là nhà thầu chính của công trình đập Tam Hiệp, có số công nhân về hưu hiện lên đến trên 20.000 người. Các hình ảnh được đưa lên mạng cho thấy số lượng người biểu tình đông đảo đã làm giao thông bị rối loạn, công an phải thường xuyên trực chiến.

Theo báo chí Trung Quốc, thì những người biểu tình phản đối chế độ lương hưu bất công hiện nay của Gezhouba. Những công nhân nào về hưu trước năm 2006 chỉ được lãnh 1.500 nhân dân tệ mỗi tháng, còn những người về hưu sau thời điểm này được lãnh trên 3.000 nhân dân tệ. Họ cũng bất bình vì chính sách bảo hiểm y tế không hợp lý của tập đoàn này, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát.

Tân Hoa Xã cho biết, tập đoàn Gezhouba đã hứa hẹn sẽ xem xét các khiếu nại của công nhân và tăng lương hưu.

Từ cuối năm 2011, nạn lạm phát và kinh tế giảm sút đã gây ra nhiều cuộc đình công và xung đột tại Trung Quốc. Công nhân phẫn nộ vì bị trả lương thấp, phải tăng ca nhiều trong lúc quyền lợi không được bảo vệ. Thêm vào đó là hàng chục ngàn vụ biểu tình chống trưng thu đất đai và nạn tham nhũng.

Reuters cho biết theo một công trình của hai nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Nam Kinh năm 2011, thì trong năm 2009 tại Trung Quốc đã có đến 90.000 vụ nổi dậy, biểu tình, tập trung kiến nghị tập thể và các hành động phản đối chính quyền. Trong khi đó năm 2007 chỉ có 80.000 vụ phản kháng tập thể, và năm 2006 có 60.000 vụ.

tags: Châu Á - Trung Quốc - Xã hội 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120223-unat-atna-pbat-auna-gehat-dhbp-ovrh-gvau-qbv-gnat-yhbat-uhh
 

Taliban kêu gọi bắt và giết lính ngoại quốc

Bài đăng : Thứ năm 23 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 23 Tháng Hai 2012

Để trả đũa vụ đốt kinh thánh Hồi giáo Coran, ngày 23/02/2012 phe Taliban lên tiếng kêu gọi người Afghanistan tấn công và giết các quân nhân ngoại quốc, tuy phía Mỹ đã có lời xin lỗi. Cũng trong hôm nay, một người lính Afghanistan đã nổ súng vào binh lính NATO, sát hại hai quân nhân Mỹ. Thêm 3 người biểu tình bị thiệt mạng, nâng tổng số người biểu tình bị chết lên 12 người.

Đây là ngày thứ ba liên tiếp các cuộc bạo động chống Mỹ vẫn tiếp diễn, sau vụ đốt kinh Coran tại một căn cứ quân sự ở Bagram. Hôm nay Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một lá thư gởi đến Tổng thống Hamid Karzai đã ngỏ lời xin lỗi nhân dân Afghanistan về sự kiện trên.

Tuy nhiên nhân sự cố này phe Taliban đã cổ vũ người Afghanistan không dừng lại ở các cuộc biểu tình chống Mỹ, mà hãy tấn công và giết chết các binh lính ngoại quốc để trả đũa. Trong bản thông báo được gởi đến các cơ quan thông tấn, Taliban kêu gọi tấn công vào các căn cứ và các đoàn xe quân sự để « Giết chết, bắt giữ, đánh đập chúng và dạy cho chúng một bài học là đừng bao giờ phỉ báng kinh Coran ». 

Trong một thông cáo, NATO cho biết một người mặc quân phục Afghanistan đã bắn vào lực lượng quốc tế NATO làm cho hai quân nhân tử thương. Còn theo hãng tin tư nhân AIP của Afghanistan, thì có đến bốn quân nhân ngoại quốc bị sát hại tại Nangarhar. AIP cho biết, lực lượng Afghanistan triển khai tại một căn cứ của NATO tại đây bị người biểu tình tấn công, đã gia nhập đoàn biểu tình và quay súng bắn vào những người lính ngoại quốc.

Nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ đã nổ ra  tại nhiều nơi. Ở Laghman, gần 1.000 người đã tuần hành và hô khẩu hiệu đòi sát hại người Mỹ, tấn công vào một tòa nhà của NATO. Khoảng 400 người khác biểu tình ở Bagrami, và nhiều cuộc biểu tình khác ít bạo động hơn tại nhiều thành phố.

tags: Afghanistan - Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120223-qbg-xvau-gunau-pbena-gnyvona-xrh-tbv-ong-tvh-in-tvrg-yvau-atbnv-dhbp-gnv-nstunavfgna

Trung Quốc kêu gọi sử dụng đất hiếm nhiều hơn trong sản xuất nội địa

Bài đăng : Thứ năm 23 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 23 Tháng Hai 2012 

Bắc Kinh kêu gọi các ngành công nghiệp trong nước sử dụng đất hiếm nhiều hơn, trong nỗ lực hạn chế xuất khẩu nguồn tài nguyên quan trọng này. Hãng tin AFP trích nguồn tin từ trang web của Bộ Công nghiệp và Kỹ thuật Thông tin Trung Quốc chiều ngày 22/02/2012.

Trung Quốc hiện là nhà cung cấp lớn nhất thế giới về đất hiếm gồm 17 loại, là nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao, từ iPod cho đến hỏa tiễn. Bắc Kinh đã gây bất bình cho các đối tác, khi hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Theo các nước, thì Trung Quốc muốn làm áp lực để tăng giá và buộc các công ty nước ngoài phải dịch chuyển sản xuất để có được các loại nguyên liệu này. Nhưng Bắc Kinh biện minh là nhằm bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên, tránh xâm hại môi trường và đảm bảo nhu cầu trong nước.

Chính quyền Trung Quốc đang hướng đến phát triển sản xuất tại Bắc Kinh và tại Nội Mông, nơi có nguồn đất hiếm dồi dào. Các cơ sở sản xuất chủ yếu khác cũng sẽ được đặt tại Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến và Tứ Xuyên. Đây là những nơi cũng có nhiều mỏ đất hiếm.

Được biết quota xuất khẩu đất hiếm năm 2012 khoảng 30.000 tấn, tương đương năm ngoái, nhưng thật ra các nhà xuất khẩu chỉ sử dụng không đến phân nửa số lượng này trong năm 2011. Hồi đầu tháng, báo chí nhà nước cho biết Bắc Kinh đang được kêu gọi tạo điều kiện cho xuất khẩu đất hiếm, sau phán quyết năm ngoái của Tổ chức Thương mại Thế giới cho rằng việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu là vi phạm luật thương mại quốc tế.

tags: Châu Á - Công nghiệp - Theo dòng thời sự - Trung Quốc

http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120223-gehat-dhbp-xrh-tbv-fh-qhat-qng-uvrz-auvrh-uba-gebat-fna-khng-abv-qvn

Ngân hàng Thế giới : Tăng trưởng của Trung Quốc có nguy cơ sụt giảm

Bài đăng : Thứ năm 23 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 23 Tháng Hai 2012 
 
Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới,  "Trung Quốc 2030" cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ phải đối phó với khủng hoảng kinh tế nếu không tiến hành cải tổ trong hai thập niên tới. Ngày 27/02/2012 tại Bắc Kinh, chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, Robert Zoellick sẽ trình bày báo cáo nói trên với các lãnh đạo Trung Quốc.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới được Wall Street Journal tiết lộ những nét chính hôm nay 23/02/2012, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ bị sụt giảm nếu không giảm nhẹ khu vực quốc doanh và cải cách nền tài chính công.

Nền kinh tế Trung Quốc vốn có tỉ lệ tăng trưởng khoảng 10% một năm trong suốt ba thập kỷ qua, sẽ bị chậm lại đáng kể trong những năm tới, gây nhiều ảnh hưởng cho Trung Quốc và thế giới. Với tổng sản phẩm quốc nội tính trên đầu người năm ngoái đã vượt quá 5.000 đô la, các nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc có nguy cơ lọt vào « bẫy thu nhập trung bình » nếu không sáng tạo, giảm bớt lệ thuộc vào kỹ thuật nước ngoài.

Báo cáo trên khuyến cáo cần giảm bớt vai trò và quy mô của các công ty quốc doanh, vốn không ngừng tăng lên trong thập kỷ vừa qua. Các công ty này cần chia thêm cổ tức cho các cổ đông và Nhà nước để tài trợ cho các chương trình xã hội. Chính quyền các địa phương phải minh bạch hơn về thuế, và lấy ít thu nhập hơn từ việc bán đất cho các nhà đầu cơ địa ốc.

Bản báo cáo này mang tên « Trung Quốc năm 2030 : Xây dựng một xã hội hiện đại có thu nhập cao, hài hòa và sáng tạo », do các chuyên gia Ngân hàng Thế giới cùng với một tổ chức tư vấn cho các lãnh đạo Trung Quốc soạn thảo, sẽ được trình bày tại Bắc Kinh vào ngày 27/02/2012. Mục đích của công trình nghiên cứu này nhằm gây ảnh hưởng lên thế hệ lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ lên nắm quyền trong năm nay.

tags: Châu Á - Kinh tế - Ngân Hàng Thế Giới - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/xvau-gr/20120223-atna-unat-gur-tvbv-gnat-gehbat-phn-gehat-dhbp-pb-athl-pb-fhg-tvnz 
 

Người Việt tại Hy Lạp thắt lưng buộc bụng trong thời khủng hoảng

Thứ tư 22 Tháng Hai 2012 
 
Trong tình hình người dân Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng, cộng đồng người Việt khoảng 500 người sinh sống tại đây cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Đa số đều đã định cư tại từ ba chục năm qua nên đều xem Hy Lạp như quê hương thứ hai, và hầu hết làm việc trong ngành kinh doanh ăn uống. Có người cũng đã nghĩ đến chuyện đi sang một quốc gia khác lập nghiệp, nhưng nói chung đều cố bám trụ, hy vọng trong tương lai kinh tế sẽ sáng sủa trở lại.

Hôm qua 21/02/2012, châu Âu đã thông qua gói cứu trợ kỷ lục 237 tỉ euro cho Hy Lạp, sau 14 tiếng đồng hồ thương lượng căng thẳng cho đến bốn giờ sáng. Như vậy Athens đã thoát được trong đường tơ kẽ tóc tình trạng mất khả năng chi trả, trong lúc một phần nợ công Hy Lạp sẽ đáo hạn vào ngày 20/3 tới. Đây là món tín dụng kỷ lục so với Achentina trước đây.

Tuy nhiên để đổi lại, Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng nhiều hơn nữa và chịu sự giám sát chặt chẽ của các chủ nợ châu Âu. Còn đối với người dân, thì tương lai chưa bao giờ u ám như thế. Lương bị cắt giảm, không còn phúc lợi xã hội, thất nghiệp tăng cao…Nếu trước đây số người vô gia cư và ăn xin trên toàn quốc chỉ khoảng một ngàn người, thì nay được ước tính là từ 15 đến 20 ngàn người, trong đó không chỉ là những người Afghanistan và Ả Rập tị nạn, mà nay còn có cả người Hy Lạp.

Tại thủ đô Athenes, các nhà thờ Chính thống giáo phải cung cấp số bữa ăn từ thiện cho người nghèo cao gấp mười lần. Còn tổ chức Y sĩ Không biên giới thì bị quá tải trước lượng bệnh nhân tăng vọt. Nếu trước đây chỉ có những người tị nạn, người không giấy tờ tìm đến, thì nay nhiều người nghèo không có tiền mua thuốc cũng đến đây. Không ít người đã tìm đường ra nước khác sinh sống, nhiều người dân thủ đô Athenes bỏ về quê để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Người Việt định cư tại Hy Lạp có khoảng 500 người, trong đó hơn phân nửa sinh sống tại thủ đô Athenes, chủ yếu kinh doanh và làm việc trong các nhà hàng. Dân Hy Lạp đã như thế, thì tình cảnh những người Việt sinh sống tại đây như thế nào, phải xoay sở ra sao ? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với các ông Trần Thành Công và Nguyễn Trung Thành ở Athenes, là những người Việt đã định cư tại Hy Lạp từ ba chục năm qua.

 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120222-athbv-ivrg-gnv-ul-ync-phat-cunv-gung-yhat-ohbp-ohat
 

Chiến hạm Iran tiến vào Địa Trung Hải, Israel cảnh giác

Bài đăng : Thứ bảy 18 Tháng Hai 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 18 Tháng Hai 2012 
 
Hôm nay 18/02/2012 các chiến hạm của Iran đã tiến vào Địa Trung Hải, để « chứng tỏ sức mạnh » của nước cộng hòa Hồi giáo. Sự kiện này diễn ra trong lúc quan hệ giữa Iran và Israel đang hết sức căng thẳng, do hồ sơ nguyên tử Iran và các cuộc tấn công chống Israel tại Ấn Độ và Thái Lan mới đây. Chính quyền Israel đang theo dõi chặt chẽ xem các chiến hạm trên có tiến gần bờ biển Israel hay không.

Hãng thông tấn chính thức Irna của Iran trích lời Đô đốc Habibollah Sayyari, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Iran loan báo, các chiến hạm của nước này đã vượt qua kinh đào Suez và tiến vào Địa Trung Hải. Ông Sayyari không cho biết chi tiết về số lượng cũng như nhiệm vụ của các tàu chiến này, chỉ tuyên bố mục đích là « biểu thị sức mạnh của nước cộng hòa Hồi giáo Iran ».

Hãng tin AFP cho rằng các chiến hạm trên có thể là khu trục hạm Shahid Qandi và tàu tiếp liệu Kharg, theo như báo chí Iran tiết lộ vào đầu tháng này, đến neo đậu nhiều ngày ở cảng Jeddah của Ả Rập Xê Út tại Biển Đỏ.

Đây là lần thứ hai Teheran đưa chiến hạm đến vùng này, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Trước đó vào tháng 2/2011, hai chiến hạm Kharg và Alvand đã đến Syria, đi qua cảng Lattaquié trước khi về Biển Đỏ. Sự kiện lần đầu tiên các tàu chiến của Iran đi qua kinh đào Suez đã gây nên phản ứng dữ dội từ phía Israel. Chính quyền Israel cho rằng đây là hành động « khiêu khích », và đã đặt lực lượng hải quân trong tình trạng báo động. Còn Hoa Kỳ cảnh báo Iran cần « tuân thủ luật quốc tế và không tiến hành bất cứ hoạt động nào làm ảnh hưởng đến an ninh ».

Trên đại dương, Hải quân Iran sở hữu khoảng sáu chiến hạm nhỏ và ba tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất, từ hai năm nay đã triển khai nhiều hoạt động tại biển Oman và vịnh Aden, đặc biệt là để bảo vệ các tàu Iran trước hải tặc Somalia. Và từ mùa hè năm ngoái, lần đầu tiên Iran đã gởi một tàu ngầm Kilo tham gia tuần tra.

tags: Iran - Israel - Quân sự - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120218-puvra-unz-vena-gvra-inb-qvn-gehat-unv-vfenry-pnau-tvnp