vendredi 6 janvier 2012

ANZ bán lại cổ phần trong ngân hàng Sacombank Việt Nam

Bài đăng : Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012 
 
Ngân hàng ANZ của Úc và New Zealand trong một thông cáo hôm nay (6/1) cho biết, đã quyết định bán lại toàn bộ cổ phần trong ngân hàng Sacombank, tức Sài Gòn Thương Tín, để triển khai các hoạt động riêng tại Việt Nam.

Toàn bộ số cố phần của ANZ hiện chiếm 9,6% tổng vốn của ngân hàng Sacombank sẽ được nhượng lại cho Eximbank, một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Giá trị của việc chuyển nhượng này không được tiết lộ. Giám đốc ANZ tại Việt Nam, Tareq Muhmood cho AFP biết : « Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với ANZ, và chúng tôi sẽ đầu tư để khai triển nhiều hoạt động tại đây ».

Ngân hàng ANZ bắt đầu hợp tác với Sacombank từ năm 2005, vào lúc Việt Nam đang tăng trưởng rất nhanh, và từ đó đến nay đã mở thêm 10 chi nhánh ANZ trên toàn quốc. Ngân hàng này cho biết trong năm qua đã cho lãnh vực xuất khẩu ở Việt Nam vay 3,2 tỉ đồng, tương đương 160 triệu đô la, và hy vọng sẽ triển khai hoạt động trong lãnh vực thẻ tín dụng, vốn chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam.

Một chuyên gia không muốn nói tên nhận định, việc ANZ tách ra hoạt động riêng như trên là khó thể tránh khỏi, vì với thời gian, hai đối tác dần dần trở nên đối thủ cạnh tranh.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đang bị tràn ngập nợ xấu. Quy mô của lượng tín dụng xấu đã khiến chính quyền cuối cùng phải đưa ra các biện pháp cải cách, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, với mục tiêu tập trung cho một số ít ngân hàng lớn có thực lực. Các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, bên cạnh đó, cần phải tăng cường sự hiện diện của các ngân hàng ngoại quốc.

Hiện nay ở Việt Nam có hàng trăm ngân hàng gồm các ngân hàng quốc doanh, tư nhân, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên đa số tổ chức này có số vốn kinh doanh hạn chế, và một số ngân hàng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vốn nghiêm trọng.

tags: New Zealand - Ngân hàng - Tài chính - Úc - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120106-nam-ona-ynv-pb-cuna-gebat-atna-unat-fnpbzonax-ivrg-anz
 

Chồng của cựu Thủ tướng Timochenko tị nạn chính trị tại Cộng hòa Séc

Bài đăng : Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012 
 
Ông Alexandre Timochenko - chồng của cựu Thủ tướng Ukraina hiện đang bị giam giữ, bà Ioulia Timochenko – đã được tị nạn chính trị tại Cộng hòa Séc. Bộ trưởng Nội vụ Séc vào cuối giờ chiều nay (6/1) đã thông báo như trên.

Tuyên bố trước báo chí, Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Séc, ông Jan Kubice cho biết: "Ông Timochenko đã đưa đơn xin tị nạn chính trị từ nhiều tháng qua, và hôm nay yêu cầu này đã được chấp thuận". Trước đó thông tin ông Alexandre Timochenko xin tị nạn đã được nhật báo Pravo loan tải, nhưng Bộ Nội vụ Cộng hòa Séc từ chối xác nhận. Ngoại trưởng Séc Karel Schwarzenberg khi trả lời đài phát thanh Czech Radio đã khẳng định tin trên là đúng, và đến cuối giờ chiều thì Bộ Nội vụ, cơ quan phụ trách vấn đề tị nạn chính trị mới chính thức cho biết trong cuộc họp báo.

Bà Ioulia Timochenko đã bị kết án bảy năm tù vì tội lạm dụng quyền lực vào hồi tháng 10/2011, mà theo tòa án là do bà đã ký một hợp đồng khí đốt với Nga mang tính bất lợi cho Ukraina. Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đã tố cáo là vụ án này có động cơ chính trị. Theo trang web của đảng đối lập Batkivchtchina ( Tổ Quốc) thì chồng bà Timochenko phải đi đến quyết định này do chính quyền Kiev muốn gây áp lực lên bà bằng cách truy tố các thân nhân.

Thừa hưởng tinh thần của cố Tổng thống Vaclav Havel, qua đời hôm 18/12/2011, Praha luôn ủng hộ các phong trào đối lập tại các nước bị tố cáo là vi phạm nhân quyền. Năm ngoái Cộng hòa Séc đã chấp nhận cho Bohdan Danilichine - cựu Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ của bà Timochenko, cũng bị truy tố vì tội lạm dụng quyền lực - được tị nạn tại đây. Kiev đã trả đũa bằng cách trục xuất hai nhà ngoại giao của Cộng hòa Séc, với lý do họ là gián điệp. Praha sau đó đã phản ứng lại bằng biện pháp tương tự.

Ông Alexandre Timochenko, một doanh nhân 51 tuổi, luôn kín tiếng trong thời gian bà Ioulia Timochenko nắm quyền Thủ tướng. Reuters cho biết người cha của ông là một cán bộ đảng Cộng sản cũ, và ông Alexandre Timochenko hiện đang nắm cổ phần của một công ty đăng ký hoạt động tại Cộng hòa Séc. Còn AFP nói thêm, con gái duy nhất của hai ông bà là Evguenia Car, 31 tuổi, cũng là doanh nhân, hiện chưa có ý định xin tị nạn ở nước ngoài.

tags: Chính trị - Quốc tế - Ukraina 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120106-pubat-phn-phh-guh-ghbat-hxenvan-gvzbpuraxb-kva-gv-ana-puvau-gev-gnv-pbat-ubn-frp
 

Cựu Tổng thống Ai Cập Mubarak bị kêu án tử hình

Bài đăng : Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012

Hôm qua (5/1)Công tố viện Ai Cập đề nghị kết án tử hình cựu Tổng thống Hosni Mubarak, vì tội đã sát hại những người biểu tình trong phong trào phản kháng khởi đầu từ tháng 2/2011. Dư luận tại Ai Cập đã có những phản ứng khác nhau. Một số lo sợ phiên tòa sẽ kéo dài mà không có được hồi kết.

Công tố viên Moustafa Khater hôm qua đã đòi hỏi “hình phạt tối đa” cho người đã cai trị Ai Cập suốt ba thập kỷ, và nhắc nhở rằng luật pháp dành án tử cho các vụ giết người có dự mưu. Cựu Bộ trưởng Nội vụ và sáu nhân vật cao cấp trong ngành an ninh của chế độ Mubarak, cùng với hai con trai của cựu Tổng thống cũng bị kêu án tử hình.

Từ Cairo, thông tín viên RFI Alexandre Buccianti cho biết thêm chi tiết về các phản ứng tại đây:

« Có rất nhiều phản ứng, các phương tiện nghe nhìn, báo chí, các mạng xã hội đều bình luận về bản án trên. Có những người hoan nghênh bản luận tội của công tố viên, và nhất là lời tố cáo « chế độ bạo quyền » của cựu Tổng thống. 

Nhưng nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ. Họ trách cứ sự từ chối hợp tác của Bộ Nội vụ và cơ quan an ninh quốc gia, do chính công tố viên đã nhìn nhận. 

Các chuyên gia tư pháp cho rằng công tố viên đã không thu thập được các chứng cứ vững chắc. Một số còn cho là sự cứng rắn của bản luận tội chỉ nhằm gây ấn tượng, dẫn dắt dư luận vào một truyện dài nhiều tập không có hồi kết. Về phần thân nhân của các nạn nhân, họ cho rằng tiến trình xét xử quá dài và không phù hợp. Những người này đòi hỏi một tòa án cách mạng để xét xử nhà cựu độc tài về mặt chính trị.

Theo họ, chỉ có một hình phạt là thích đáng, đó là án treo cổ. Trong trường hợp ngược lại, họ đe dọa sẽ xuống đường phản đối. Người cha của một nạn nhân cầm một sợi dây đã được thắt vòng, đứng trước tòa án, kêu gọi : « Chính các cuộc biểu tình trên đường phố đã lật đổ được ông ta, thì cũng chính đường phố sẽ treo cổ ông ta ». 

Dù sao thì những người ủng hộ tích cực nhất cho bản án tử hình kiểu này sẽ phải tỏ ra kiên nhẫn, vì phiên tòa chưa chấm dứt. Thứ Hai tới, các luật sư bên nguyên cáo dân sự sẽ lên tiếng, sau đó đến phần biện hộ của các luật sư bảo vệ cho cựu Tổng thống và mười bị cáo khác. Tiếp theo, các quan tòa sẽ nghiên cứu hồ sơ và nghị án. Như vậy còn phải đợi cả tháng nữa bản án mới được tuyên.

Nhưng đây chỉ là phần cuối của giai đoạn đầu mà thôi, các bị cáo có thể kháng án, và sau đó đưa lên Tòa phá án. Nếu các thủ tục này được tôn trọng thì còn phải chờ ít nhất một năm nữa. Và trong tiến trình này, còn phải kể đến quyền ân xá của người đứng đầu Nhà nước, hiện đang nằm trong nay Hội đồng Quân đội Tối cao. »

tags: Ai Cập - Chính trị - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Tư pháp
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120106-auvrh-cuna-hat-xunp-aunh-gehbp-ona-na-gh-uvau-qhbp-qr-atuv-pub-phh-gbat-gubat-nv-pn 

Tập đoàn IKEA thu hồi ghế dành cho trẻ em sản xuất tại Trung Quốc

Bài đăng : Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 06 Tháng Giêng 2012 
 
Tập đoàn Thụy Điển chuyên kinh doanh hàng nội thất IKEA đã cho thu hồi 169.000 chiếc ghế cao dành cho trẻ em tại thị trường Bắc Mỹ do Trung Quốc sản xuất, vì dây nịt an toàn không tốt. Ủy ban giám sát hàng tiêu dùng Mỹ và cơ quan y tế Canada tối qua (5/1) đã ra thông cáo chung cho biết như trên.

Đây là kiểu ghế mang tên Antilop sản xuất tại Trung Quốc, được bán sang Hoa Kỳ và Canada với giá khoảng 20 đô la, từ tháng 7/2006 đến tháng 1/2010. Thông cáo cho biết dây nịt an toàn của kiểu ghế này dễ bị sút ra, khiến cho em bé có thể bị rơi từ trên ghế cao xuống.

Đã có 8 trường hợp dây an toàn bị sút được ghi nhận tại Mỹ, Thụy Điển và Nhật Bản, khiến cho ba em bé bị té và bị thương nhẹ.

tags: Châu Á - Quốc tế - Thương mại - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120106-gnc-qbna-vxrn-guh-ubv-169000-tur-qnau-pub-ger-rz-fna-khng-gnv-gehat-dhbp
 

jeudi 5 janvier 2012

Obama : Châu Á là khu vực mấu chốt, được ưu tiên trong chiến lược quốc phòng


TT Obama đang giới thiệu chiến lược quốc phòng mới tại Lầu Năm Góc, Washington, ngày 05/01/2012.
(AFP 05/01/2012) Tổng thống Mỹ Barack Obama khi trình bày chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc hôm nay, đã nhấn mạnh ưu tiên sẽ được dành cho châu Á, « khu vực mấu chốt » mà tại đó Hoa Kỳ sẽ tăng cường lực lượng quân sự trong tương lai.

Năm con rồng, Trung Quốc đi tìm một làn gió mới

Bài đăng : Thứ năm 05 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 05 Tháng Giêng 2012 
 
Nhật báo cộng sản L’Humanité trong bài điều tra mang tựa đề « Năm con rồng, Trung Quốc đi tìm một làn gió mới » đã nhận xét, được trông cậy sẽ góp phần vào việc tái thúc đẩy nền kinh tế thế giới, Bắc Kinh vẫn rất thận trọng.

Tăng trưởng chậm lại, cộng với ảnh hưởng của khủng hoảng ở Hoa Kỳ và châu Âu, liệu Trung Quốc sẽ phải hạ cánh bất ngờ hay sẽ là đòn bẩy trong một đường hướng phát triển mới ?

Bài báo mở đầu bằng hình ảnh, với pháo hoa rực rỡ và tiếng pháo nổ tưng bừng, Trung Quốc sẽ bước vào năm con rồng vào ngày 23 tháng Giêng tới, với nhiều phụ nữ bụng bầu vì cố sinh một đứa con tuổi Thìn vốn được nhiều người ao ước. Nhưng các dấu hiệu vui tươi này không giấu được nỗi lo ngại, trước viễn cảnh không sáng sủa lắm của nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới.

Bắc Kinh đang phải cân nhắc các ưu điểm và khuyết điểm của chính mình. Đại hội Đảng CSTQ về vấn đề kinh tế và tiền tệ tổ chức hồi giữa tháng 12 đã nhìn nhận một cách bi quan là « môi trường thế giới hiện vô cùng tệ hại và phức tạp ».

Dấu hiệu đầu tiên là tỉ lệ tăng trưởng đã chững lại, đứng ở mức 9% trong năm 2011, hậu quả của tình trạng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu bị sụt giảm. Tổng sản phẩm nội địa chỉ tăng nhẹ, điều này không đáng ngại lắm nếu nhanh chóng được nhu cầu tiêu thụ trong nước kích thích. Nhưng bên cạnh đó còn có các vấn đề xã hội, những ưu tiên mới cần được đặt ra như cuộc đấu tranh chống bất công xã hội, tình trạng bất bình đẳng giữa các địa phương. Chính quyền cần có các biện pháp chống tham nhũng và nạn lạm dụng quyền lực, đầu tư cho các tỉnh nằm sâu trong nội địa, cũng như xây dựng một nền kinh tế thân thiện với môi trường.

Thị trường nội địa Trung Quốc hiện chưa thể thay chân được xuất khẩu để trở thành đầu tàu cho tăng trưởng, cho dù tiền lương tại các công ty lớn đã tăng lên ở mức độ 15 đến 20%/năm. Tỉ trọng của tiêu thụ nội địa chỉ mới có 39% tổng sản phẩm quốc nội, không hơn mức của năm 2009 bao nhiêu. Ngược với châu Âu, tỉ lệ đầu tư tại Trung Quốc cao hơn tỉ lệ tiêu thụ, và đất nước này vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Theo một nhà nghiên cứu, thì vài năm nữa Trung Quốc sẽ phải trở thành một nước nhập khẩu lớn.

Tìm ra người tiêu thụ ở đâu ? Bắc Kinh trông cậy vào kế hoạch đô thị hóa khổng lồ, vì nhu cầu tiêu dùng ở các thành phố lớn hơn rất nhiều so với nông thôn. Nếu cách đây khoảng ba mươi năm, tỉ lệ dân thành thị mới chiếm khoảng 18%, thì năm 2010 đã lên đến 49,7%, và đến năm 2030 có thể lên 70%.

Môt trong những mục tiêu của kế hoạch năm năm mới đây còn là giảm bớt bất công xã hội, vốn là nguyên nhân của nhiều cuộc nổi dậy, mà Quảng Đông là điển hình. Một nhà văn Trung Quốc giấu tên nhận xét, thành quả của phát triển kinh tế đã bị lu mờ bởi quá nhiều bất bình đẳng, tham nhũng, kiểm duyệt, che giấu những gì đang diễn ra ở giới lãnh đạo thượng tầng. Sự phẫn nộ của người dân Ô Khảm, được phổ biến rộng rãi qua các mạng xã hội, cho thấy nhận định trong một bài xã luận của một tờ báo lớn ở Quảng Đông vẫn luôn thời sự. Tờ báo này cho là « Cùng với quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc phải đối phó với một sự chuyển đổi lớn, vì nhân dân ngày càng đòi hỏi thêm nhiều quyền công dân và chính trị ».

Tham vọng vũ trụ của Bắc Kinh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến việc « Bắc Kinh tái khẳng định tham vọng trên vũ trụ ». Trung Quốc luôn nêu cao ý định thám hiểm Mặt Trăng, và xây dựng một trạm không gian. Nhưng trước mắt Bắc Kinh tập trung cho việc cải thiện các hỏa tiễn và vệ tinh.

Từ khi trở thành quốc gia thứ ba đưa người vào không gian vào năm 2003, Trung Quốc tự cho là đã gia nhập được vào hàng ngũ các cường quốc không gian. Hiện nay Bắc Kinh đang chú trọng cho việc ứng dụng các thành tựu của khoa học vũ trụ vào việc phát triển kinh tế.

Các hỏa tiễn Trường Chinh, rất cần thiết để không bị lệ thuộc, ngày càng có khả năng đưa vào không gian các vệ tinh có trọng lượng cao hơn, được sản xuất theo nhiều model khác nhau cho phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Các vệ tinh của Trung Quốc cũng có nhiều tiến bộ, từ vệ tinh viễn thông cho các nước khác, đến hệ thống 35 vệ tinh phục vụ cho hệ thống định vị Bắc Đẩu của chính Trung Quốc trong tương lai. Một hệ thống quan sát trái đất thường trực 24/24 có thể phân biệt được các vật có kích thước từ 1 đến 20 m là tham vọng của Bắc Kinh hiện chưa bị các đối thủ chú ý đến nhiều.

Thám hiểm Mặt Trăng, xây dựng trạm không gian Thiên Cung 1 vào năm 2020 là những mục tiêu đã được vạch ra từ lâu. Còn đi xa hơn, đến tận Hỏa tinh ? Hiện chương trình này đang do quân đội đảm nhiệm, nhưng trước trọng trách khó khăn này, Trung Quốc sẽ phải ve vãn Hoa Kỳ và châu Âu.

Biên giới Bắc Triều Tiên – Trung Quốc không thực sự khép kín

Nhìn sang nước láng giềng cộng sản Triều Tiên, La Croix cho biết : « Đường biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn có nhiều khoảng hở ». Việc tuần tra của quân đội đã được tăng cường từ sau khi có ba người Bắc Triều Tiên bị bắn chết ở biên giới Trung Quốc. Nhưng theo tờ báo, thì đường biên mà phương Tây cứ ngỡ là khép kín, thật ra là nơi lưu chuyển hàng hóa, thậm chí buôn người.

Tuyến biên giới này nằm dọc theo hai con sông Áp Lục và Đồ Môn, chạy dài gần một ngàn cây số, trên thực tế không phải là "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Đặc biệt là từ khi nạn đói năm 1995 tại Bắc Triều Tiên làm cho trên một triệu người chết, và một lượng lớn người dân bỏ đi khỏi nước. Họ chỉ có thể đến được một nước duy nhất mà thôi, đó là Trung Quốc ở ngay bên cạnh. Có rất nhiều điểm thông quan chính thức như Sineuiju, Musan, Onseong, chưa kể vào mùa đông mặt sông đóng băng, có thể đi bộ qua được.

Theo La Croix, ba người Bắc Triều Tiên bị bắn chết ở gần Hyesan mới đây chưa chắc là có ý định vượt biên thực sự, vì động cơ chủ yếu của người Bắc Triều Tiên khi sang bên kia biên giới là nhằm tìm kiếm thực phẩm, thuốc men và quần áo. Nhiều mạng lưới buôn lậu đã được hình thành từ trận đói kinh hoàng năm 1995, với sự đồng lõa của lực lượng biên phòng của cả hai bên, gồm quân đội, công an, hải quan, nhờ bỏ túi tiền hối lộ.

Theo các tổ chức phi chính phủ, có khoảng 100.000 đến 200.000 người Bắc Triều Tiên là tị nạn thực sự. Sang đến Trung Quốc, họ phải sống lén lút, và trở thành mồi ngon cho bọn buôn người. Còn chính quyền địa phương Trung Quốc thì xem họ như một lực lượng lao động rẻ tiền, và khi không còn cần đến nữa thì tống họ trở lại Bắc Triều Tiên.

Một năm khó khăn đang chờ đợi châu Á

Trên lãnh vực kinh tế, nhật báo Le Figaro nhận định « Châu Á chuẩn bị cho một năm khó khăn ». Trung Quốc loan báo một kế hoạch tái thúc đẩy tiêu dùng, còn Singapore trước đe dọa của suy thoái, đã cắt giảm phân nửa tiền lương của các nhà lãnh đạo. Thị trường chứng khoán Hongkong thì đã bị mất giá đến 20% trong năm qua.

Sau khi điểm qua tình hình tại một số nền kinh tế lớn của châu lục, Le Figaro cho rằng châu Á nay không còn là bến bờ của thịnh vượng. Bằng chứng là các ngân hàng lớn trên thế giới như Nomura và Goldman Sachs đã chuẩn bị cắt giảm lương bổng và số lượng nhân viên trong khu vực này.

Thời sự trong nước : Tựa chính báo Pháp

Các nhật báo lớn ở Paris hôm nay đặt trọng tâm vào thời sự nước Pháp. Trước hết trong lãnh vực năng lượng, Le Monde quan tâm đến việc « Chính phủ và tập đoàn điện lực Pháp EDF cam kết tăng cường an toàn nguyên tử ». Cuộc tranh cãi lâu nay về vai trò của năng lượng hạt nhân, nay lại mang tính thời sự với bản báo cáo của Cơ quan An toàn Nguyên tử, cho biết cần phải đầu tư rất lớn để bảo đảm độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân Pháp.

Về tài chánh, nhật báo cộng sản L’Humanité chỉ trích biện pháp do Tổng thống Sarkozy đưa ra : « Thuế trị giá gia tăng vì lợi ích xã hội : Có đến 64% người Pháp phản đối ». Còn tờ báo cánh hữu Le Figaro thì đả kích chương trình tranh cử của ứng viên đảng Xã hội François Hollande : « Sau hưu bổng đến thuế khóa, kế hoạch của Hollande quá mơ hồ ». Nhìn sang thị trường chứng khoán, nhật báo kinh tế Les Echos tỏ ra lạc quan với việc « Cổ tức của các công ty hàng đầu Pháp vẫn trụ vững trước khủng hoảng ».

Trên lãnh vực khoa học xã hội, nhật báo cánh tả Libération vinh danh nhà xã hội học Pierre Bourdieu, mà mười năm sau khi ông qua đời, các tác phẩm đã trở thành kinh điển trên thế giới, trong khi người Pháp lại chưa ý thức đầy đủ tầm vóc của ông. Tờ báo chạy tựa trang nhất : « Bourdieu vẫn luôn hợp thời». Tờ báo công giáo La Croix quan tâm đến « Ly dị cấp tốc : Nguồn gốc xung đột », trước tình trạng cứ hai cặp vợ chồng ly dị theo thủ tục được đơn giản hóa, thì lại có một cặp sau đó tiếp tục quay lại để kiện cáo.

tags: Châu Á - Trung Quốc - Điểm báo 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120105-anz-pba-ebat-gehat-dhbp-qv-gvz-zbg-yna-tvb-zbv
 

mercredi 4 janvier 2012

Bình Nhưỡng : Một đi không trở lại !


(Libération) Một trí thức Hàn Quốc, ông Oh Kil Nam bị Bắc Triều Tiên chiêu dụ đưa gia đình sang sinh sống vào năm 1985. Một năm sau, ông đào thoát được, nhưng vợ con ông đến nay vẫn bị chế độ Bình Nhưỡng cầm tù.

Một chút hy vọng mong manh lại lóe lên với Oh Kil Nam sau cái chết của Kim Jong Il. Nhà kinh tế học Hàn Quốc 69 tuổi hy vọng nhân cơ hội Bình Nhưỡng có lãnh đạo mới để mong gióng lên được tiếng chuông báo động về số phận của những người mất tích và bị Bắc Triều Tiên (BTT) bắt cóc. Từ 26 năm qua, người đàn ông này cật lực tìm cách thu hút sự chú ý về tình trạng của vợ và hai con gái ông, bị BTT cầm tù từ năm 1986.

Hồi tháng Chín, sau mười năm trời không có tin tức gì về vợ là bà Shin Suk Ja, năm nay 69 tuổi, và hai con gái Gyuwon (32 tuổi), Hyewon (35 tuổi), ông được tin là họ vẫn còn sống. Choi Sung Yong, chủ tịch Hiệp hội các gia đình có thân nhân bị mất tích tại BTT cho nhật báo Chosun Ilbo biết, là ba phụ nữ trên đã được chuyển từ Yodok, một trong những trại tập trung tù chính trị khắc nghiệt nhất, sang một nhà tù ở ngoại ô Bình Nhưỡng.

Ông Oh Kil Nam trước cuộc mít tinh đòi trả tự do cho vợ con ông.
Thông tin chưa được kiểm chứng này đã làm chao đảo Oh Kil Nam, vẫn đi đi về về giữa Đức và Seoul, tạm ngụ ở căn hộ chật hẹp của người cháu gái ở đông nam thủ đô Hàn Quốc. Thú nhận rằng « mệt mỏi sau nhiều năm tranh đấu và thường cố uống rượu để quên », Oh Kil Nam chưa bao giờ tự tha thứ cho mình về việc đã bỏ rơi gia đình ở BTT.

Câu chuyện của ông minh họa cho số phận của 517 người Hàn Quốc bị bắt cóc từ năm 1953, đặc biệt là việc chế độ Bình Nhưỡng rù quến các trí thức cánh tả trong thập niên 70 – 80 ; trước khi chiếc bẫy đóng sập lại những ảo tưởng của họ.

Trong những năm tháng ấy, Oh Kil Nam là một giảng viên đại học Hàn Quốc, có bằng cấp về văn chương Đức và kinh tế học. Là đối lập cánh tả trước chế độ Park Chung Hee và Chun Doo Hwan (1961 -1988), ông được các đặc tình của BTT tại Đức chú ý. Lúc đó ông đang làm luận án tiến sĩ về kinh tế, và có giao du với các thành viên của SPD, đảng Dân chủ Xã hội Đức.

Bẫy rập

Các nhân viên tình báo BTT đề nghị đưa ông và gia đình sang Bình Nhưỡng sinh sống. Oh Kil Nam nhớ lại : « Họ nói với tôi rằng vợ tôi - là y tá và bị bệnh viêm gan - sẽ được chữa trị miễn phí. Còn tôi thì họ hứa hẹn sẽ giao cho một chức vụ kha khá của nhà nước để, theo họ, đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc mở cửa kinh tế của phía Bắc ».

Những người Hàn Quốc khác là cảm tình viên của BTT tị nạn ở Đức hoàn chỉnh thêm cho bức tranh về một tương lai hạnh phúc tại miền Bắc, nhưng bản thân họ không đi. Oh Kil Nam bị thuyết phục, và bỏ ngoài tai lời can gián của vợ - bà không muốn sống ở BTT.

Ngày 03/12/1985, chuyến bay đưa gia đình ông từ Matxcơva đáp xuống Bình Nhưỡng. Chiếc bẫy đã sập xuống. « Khi bước ra khỏi máy bay, vợ tôi trông thấy những bé gái gầy còm đứng đón chúng tôi, ăn mặc quần áo mùa hè phong phanh và chỉ mang vớ trong tiết trời giá lạnh. Bà ấy đã bật khóc nức nở, nói rằng : Đó là những gì đang chờ đợi các con gái của chúng ta đấy ».

Vợ và hai con gái ông Oh Kil Nam tại BTT.
Vừa mới đến nơi, cả gia đình bị nhốt vào một trại lính tận trên núi trong suốt ba tháng trời. Những người BTT đã quên mất lời hứa chữa bệnh viêm gan miễn phí cho Shin Suk Ja và chức vụ trong mơ cho Oh Kil Nam. Đến tháng 4/1986, hai vợ chồng được cho vào làm trong ê-kíp một đài phát thanh chuyên phát các chương trình tuyên truyền sang phương Nam. Rồi sau đó cơ quan tuyên huấn đề nghị Oh Kil Nam trở qua Đức để tìm cách kết nạp thêm các sinh viên Hàn Quốc.

Nhà kinh tế kể lại rất chi tiết : « Vợ tôi đã tặng cho tôi một cái tát khi được biết nhiệm vụ của tôi. Bà ấy nói : Anh không thể tiếp tục đi gài bẫy người khác. Anh đã trở thành một con vẹt lặp đi lặp lại các bài bản của nhà cầm quyền. Vậy thì anh đi đi, và đừng bao giờ trở lại nữa ! Vợ tôi bảo, kể từ nay coi như tôi đã chết rồi».

Con gái lớn Hyewon sinh 1976 tại Đức.
Con gái thứ Gyuwon sinh 1978 tại Đức.
Oh Kil Nam lên máy bay. Ngày 25/06/1986, khi đến quầy kiểm soát chiếu khán nhập cảnh ở Copenhague, ông đã để cho hai công an đi kèm qua trước. Lúc đến lượt mình, ông nói rằng hộ chiếu của ông là giả mạo, và muốn xin tị nạn chính trị.

Oh Kil Nam không bao giờ quay lại BTT nữa. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho ông biết, vợ và hai con gái ông đã bị nhốt vào trại tập trung số 15, Yodok. Đây là một trong sáu trại tù chính trị được gọi là Kwanliso. Trong mạng lưới các trại tập trung được dựng lên tại những thung lũng miền núi, có khoảng 200.000 người phải chịu đựng tình trạng đói kém, bị tra tấn và cưỡng bức lao động.

Năm 1993, Oh Kil Nam viết một cuốn sách nhắn gởi đến lãnh tụ BTT Kim Jong Il : Hãy trả lại vợ con cho tôi. Không có lời đáp nào từ phương Bắc, và cũng không có sự ủng hộ nào của phương Nam.


Seoul thận trọng

Oh Kil Nam giới thiệu cuốn sách của ông trong buổi mít-tinh tại Tokyo tháng 8/2011.
Khác với Nhật Bản, vốn đưa hồ sơ các công dân bị bắt cóc lên hàng đầu trong những xung đột với Bình Nhưỡng, dù có nguy cơ làm tê liệt mọi hoạt động ngoại giao, Seoul lại giữ thái độ dè dặt.  Với chính sách Vầng thái dương từ 1998 đến 2008 đã giúp hâm nóng lại quan hệ giữa hai nước Triều Tiên, chính quyền thường tránh né các chủ đề làm phật ý người láng giềng phương Bắc.

Andrei Lankov, giáo sư trường đại học Kookmin ở Seoul cho biết: “ Miền Nam tin rằng miền Bắc sẽ không nhượng bộ bao nhiêu trên vấn đề này. Đặc biệt đây lại là một hồ sơ làm chia rẽ giới chính trị ở Hàn Quốc, trong đó một bộ phận trí thức cánh tả vẫn có cảm tình với BTT”.

Tuy vậy, Oh Kil Nam cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và hiệp hội bảo vệ nhân quyền tại Hàn Quốc và ở nước ngoài. Ông vui mừng, nhưng lo sợ: “Với tình trạng bệnh tật và bị giam cầm như thế, liệu vợ con tôi có còn sống sót hay không?”

Chính phủ Miến Điện tái khẳng định uy thế tuyệt đối của quân đội

Bài đăng : Thứ tư 04 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 04 Tháng Giêng 2012

Chính quyền Miến Điện hôm nay, 04/01/2012, đã biểu dương vai trò của quân đội trong các cải cách chính trị gần đây và tái khẳng định uy thế tuyệt đối của quân đội trong các vấn đề hệ trọng của quốc gia. Trong bài diễn văn tại Naypydaw, nhân kỷ niệm ngày đất nước độc lập, tổng thống Thein Sein đã vinh danh « Tatmadaw », tên gọi dành cho quân đội Miến Điện vốn đầy uy lực, đã điều hành nước này với bàn tay sắt từ nửa thế kỷ qua.

Bài diễn văn khẳng định : « Chính Tatmadaw đã điều hành quốc gia, nhằm xây dựng một đất nước hòa bình, hiện đại, phát triển và dân chủ ». Tổng thống Thein Sein nói thêm : « Quân đội đã từng bước tiến hành các phương thức để soạn thảo Hiến pháp nhằm thực hiện một nền dân chủ đa đảng », nêu bật « lộ trình hướng về một nền dân chủ có kỷ luật » được thiết lập năm 2003, dẫn đến cuộc bầu cử Quốc hội gây nhiều tranh cãi năm 2010.

Hãng tin AFP ghi nhận, theo truyền thống thì ngày lễ Quốc khánh là dịp để chính quyền Miến Điện tố cáo « chủ nghĩa thực dân tàn ác ».

Trước cử tọa 3000 người gồm các bộ trưởng và viên chức cao cấp, ông Thein Sein nhấn mạnh đến vai trò trung tâm mà quân đội vẫn đang duy trì, cho dù chính phủ vẫn tự xem là dân sự. Tổng thống Miến Điện nói : « Chúng ta cần có được một Tatmadaw theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ đất nước. Sự tham gia của toàn thể nhân dân là cần thiết để tạo dựng một Tatmadaw hùng mạnh, ái quốc và tinh nhuệ ».

Tổng thống Thein Sein cũng công nhận rằng những « biến động » trong cuộc cách mạng sinh viên năm 1988 trước đây - bị đàn áp khiến cho 3000 người chết - đã đưa đất nước đến bờ vực phá sản. Nhưng ông không nói một lời nào về việc quản lý kinh tế tồi tệ của tướng Ne Win vào thời đó (1962 – 1988).

Nhật báo chính thức New Light of Myanmar hôm qua đã hoan nghênh sự chấm dứt chế độ quân sự « độc đoán ». Hôm nay, tờ báo đăng toàn văn bài diễn văn trên đây, kèm theo lời bình khẳng định là chính phủ mới « không bao giờ » quay lại con đường cũ, không có gì xoay chuyển được quá trình chuyển đổi dân chủ.

Liên quan đến việc chính quyền Miến Điện ân xá tù nhân, phía Mỹ cho là vẫn chưa tương xứng với sự chờ đợi của Washington. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm qua tuyên bố : « Ngay cả khi chỉ còn có một người tù chính trị bị giam cầm thì cũng đã là quá nhiều ».

Xin nhắc lại, hôm thứ Hai, chính phủ Miến Điện loan báo việc phóng thích gần 1000 tù nhân vào dịp Quốc khánh nước này, nhưng không nhắc đến trường hợp của hàng trăm tù nhân chính trị. Trước đó vào ngày 12/10, đã có 6.300 tù nhân được trả tự do, trong đó có khoảng 200 tù chính trị.

tags: Châu Á - Miến Điện - Quân sự 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120104-puvau-cuh-zvra-qvra-gnv-xunat-qvau-hl-gur-ghlrg-qbv-phn-dhna-qbv

Trung Quốc: Các địa phương sử dụng trái phép hơn 64 tỉ euro nợ công

Bài đăng : Thứ tư 04 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 04 Tháng Giêng 2012 
 
Theo báo cáo của cơ quan Kiểm toán Nhà nước Trung Quốc được công bố vào hôm nay, 04/01/2012, thì có đến 530 tỉ nhân dân tệ, tương đương 64,5 tỉ euro tín dụng, do các chính quyền địa phương huy động trong năm 2010, đã bị sử dụng trái phép.

Bản báo cáo được đăng tải trên trang web chính quyền trung ương (www.gov.cn), cho thấy nỗi lo ngại của các nhà đầu tư phần nào có cơ sở. Nhiều người cho rằng, đến cuối năm 2010, số nợ nần chồng chất của các chính quyền địa phương Trung Quốc lên đến 10.700 tỉ nhân dân tệ, tương đương 1.300 tỉ euro, tức trên một phần tư tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc.

Chính quyền các tỉnh cũng như quận huyện không được phép huy động vốn trực tiếp, nhưng họ đã thành lập các tổ chức tài chính để vay vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, nhiều công trình không có hiệu quả kinh tế. Một số tín dụng huy động được đã bị đem đầu tư vào địa ốc, thị trường chứng khoán hay các dự án ma. Các tổ chức tài chính này cũng giả mạo giấy tờ bảo lãnh để vay được vốn.

Cụ thể, báo cáo cho biết, trong năm tài chính 2010, có khoảng 46,5 tỉ nhân dân tệ là « bảo lãnh tín dụng bất hợp lệ », 73,2 tỉ tín dụng vay được nhờ các quan hệ sai nguyên tắc, 35,5 tỉ được đem đầu tư vào chứng khoán, địa ốc và các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, 132 tỉ nhân dân tệ là các món chi sau thời hạn kết toán, 244,15 tỉ nhân dân tệ cho việc mua xe cộ.

Các địa phương đã được lệnh phải chỉnh đốn lại, và theo bản báo cáo trên thì gần phân nửa số trường hợp sử dụng vốn sai trái đã được « giải quyết », nhưng không cho biết có thu hồi lại được số tiền thất thoát hay không.

Hồi đầu mùa thu năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố sẽ kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tài chính. Mặt khác nhằm đa dạng hóa nguồn tiền của các địa phương hiện bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường địa ốc đang bắt đầu xuống dốc, chính phủ cũng cho phép hai tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang và hai thành phố Thượng Hải, Thâm Quyến thử nghiệm việc phát hành trái phiếu.

Các nhà đầu tư lo ngại nợ công của các chính quyền địa phương sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế Trung Quốc về lâu dài. Nếu các ngân hàng phải gánh chịu các thất thoát, thì năng lực tín dụng sẽ sụt giảm. Hồi tháng Bảy, cơ quan thẩm định tài chính Moody’s đã cho rằng nợ công thực sự của các địa phương Trung Quốc cao hơn con số được công bố rất nhiều, và cảnh báo là các chủ nợ có nguy cơ bị thiệt hại lớn.

tags: Châu Á - Kinh tế - Tài chính - Theo dòng thời sự - Trung Quốc 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120104-gehat-dhbp-pnp-qvn-cuhbat-fh-qhat-genv-curc-uba-64-gv-rheb-ab-pbat
 

Singapore cắt giảm lương của các lãnh đạo chính phủ

Bài đăng : Thứ tư 04 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 04 Tháng Giêng 2012 
 
Chính quyền Singapore hôm nay, 04/01/2012, thông báo kế hoạch nhằm cắt giảm có thể đến hơn phân nửa tiền lương của các nhà lãnh đạo nước này, cho đến nay vẫn thuộc loại hậu hĩnh trên thế giới.

Theo khuyến cáo của một ủy ban chính phủ phụ trách vấn đề này, và rất nhiều khả năng là sẽ được Quốc hội chấp thuận, thu nhập của thủ tướng Lý Hiển Long sẽ bị cắt giảm 36%. Tuy vậy lương của thủ tướng Singapore vẫn còn rất cao : 2,2 triệu đô la Singapore, tức 1,31 triệu euro một năm, gấp bốn lần tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ có 400.000 đô la/ năm (307.000 euro).

Còn tổng thống Singapore vốn chỉ có vai trò tượng trưng, thì tiền lương bị cắt giảm đến 51%, còn 1,54 triệu đô la Singapore/năm (920.000 euro). Và thật ra đây cũng chỉ là lương cơ bản, chưa kể các trợ cấp, phí ngoài lương, cũng như tiền thưởng hàng năm có thể tương đương ba tháng lương, nếu nước này đạt được các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế hay tạo công ăn việc làm.

Việc cắt giảm tiền lương sẽ được tính lui từ ngày 21/05/2011, là thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ của chính phủ hiện nay. Thủ tướng Lý Hiển Long khi nhậm chức đã hứa hẹn sẽ thực hiện việc này, do bị dư luận công kích, sau khi lương bổng các thành viên chính phủ được công khai hóa.

Singapore với năm triệu dân, là đất nước có tỉ lệ triệu phú cao nhất thế giới, nhưng hố ngăn cách giàu nghèo cũng thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Chính quyền Singapore biện minh cho việc trả lương cao là nhằm thu hút nhân tài, nếu không thì những người có năng lực sẽ tập trung vào khu vực tư nhân.

tags: Châu Á - Kinh tế - Singapore - Theo dòng thời sự - Xã hội 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120104-fvatncber-png-tvnz-yhbat-phn-pnp-ynau-qnb-puvau-cuh
 

Phe Taliban sẵn sàng mở văn phòng đại diện ở ngoài Afghanistan

Bài đăng : Thứ tư 04 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 04 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm qua, 03/01/2012, phe nổi dậy Taliban cho biết « sẵn sàng » mở văn phòng đại diện ở ngoài Afghanistan để thuận tiện cho việc thương lượng hòa bình. Đây là một bước tiến đầu tiên mang tính lịch sử của phe này, sau mười năm xung đột với chính phủ Kabul và các nước đồng minh thuộc khối NATO.

Trong một thông báo trên trang web « Tiếng gọi thánh chiến », một trong những kênh thông tin quen thuộc của Taliban, phe này loan báo đã đạt được một thỏa thuận sơ khởi với nhiều nước về việc lập văn phòng đại diện tại nước ngoài, trong đó có Qatar. Thông cáo viết : « Hiện diện khắp nơi trong nước, nay chúng tôi sẵn sàng lập văn phòng ở nước ngoài để tham gia các cuộc thương thảo ».

Đổi lại, Taliban cũng kêu gọi trả tự do cho các tù nhân Taliban bị giam giữ tại căn cứ Mỹ Guantanamo. Nhưng vậy, quả bóng đã được đẩy sang phần sân của Washington, hiện lãnh đạo lực lượng NATO ở Afghanistan và không ngừng kêu gọi thương lượng từ hơn một năm qua.

Một dấu hiệu tích cực khác là một phái đoàn của Hazb-i-Islami, lực lượng nổi dậy đứng thứ hai sau Taliban, hôm Chủ nhật vừa qua đã gặp gỡ tổng thống Karzai và các nhà ngoại giao Mỹ để thương lượng hòa bình. Được một nhân vật nổi tiếng là cựu thủ tướng Gulbuddin Hekmatyar lãnh đạo, lực lượng này tỏ ra ôn hòa hơn phe Taliban.

Cho đến nay, phía Taliban vẫn luôn chính thức bác bỏ việc thương thảo một khi quân NATO vẫn chưa rút khỏi Afghanistan. Theo một nguồn tin thân cận với phe này, thì đã có những cuộc tiếp xúc hồi mùa thu năm ngoái tại Doha (Qatar) giữa các nhà ngoại giao Mỹ và một phái đoàn Taliban. Nhưng trong bản thông cáo nói trên, phe Taliban đã phủ nhận thông tin đã có bắt đầu thương lượng với người Mỹ.

Từ mười năm qua, tuy đã truy quét được lực lượng Taliban chỉ trong vài tuần lễ vào cuối năm 2001, nhưng phương Tây vẫn không ngăn chặn nổi việc phe nổi dậy quay lại và dần lớn mạnh trên lãnh thổ Afghanistan. Để tránh bị sa lầy, phe đồng minh từ năm ngoái đã bắt đầu rút quân, với mục tiêu rút toàn bộ 130.000 quân NATO vào cuối năm 2014.

Nhằm ngăn ngừa một cuộc nội chiến, các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong hai năm qua tỏ ý muốn thương lượng hòa bình với Taliban. Về phía tổng thống Hamid Karzai, tuy ban đầu không chấp nhận sự hiện diện của các văn phòng Afghanistan khác ở ngoại quốc, nhưng cuối cùng đã thuận theo các đồng minh.

tags: Afghanistan - Châu Á - Taliban - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120104-cur-gnyvona-fna-fnat-zb-ina-cubat-qnv-qvra-b-atbnv-nstunavfgna
 

mardi 3 janvier 2012

Dầu lửa đổi hỏa tiễn: Trung Quốc được mùa bán vũ khí cho Iran

Hỏa tiễn Ghader của Iran trong cuộc tập trận Valayat-90 ngày 02/01/2012.
(Le Point 03/01/2012) Để phong tỏa eo biển Ormuz, Iran có cả một kho hỏa tiễn đủ loại do Bắc Kinh cung cấp. Mối đe dọa này là nghiêm trọng.

Những vụ bắn thử hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mới đây trong khuôn khổ cuộc tập trận Valayat-90 của lực lượng vũ trang Iran xung quanh eo biển Ormuz vừa chấm dứt hôm nay, thứ Ba, được chế độ Hồi giáo Iran tuyên truyền rầm rộ với hàng loạt thông cáo và hình ảnh. Các lãnh đạo quân đội khẳng định rằng tất cả các hỏa tiễn này đều được thử nghiệm « thành công », và không ngớt tán tụng các loại vũ khí được giới thiệu như là hiện đại nhất của họ.

Chiếc cà-vạt của ông Chirac và chính sách « ngoại giao hợp đồng » của Bắc Kinh

Tháng 2/2002 nhân chuyến viếng thăm Pháp của ông Giang Trạch Dân, Tổng thống Pháp lúc đó là Jacques Chirac đã hứa không đề cập đến vấn đề nhân quyền để tránh làm bẽ mặt Chủ tịch nước Trung Quốc. Tuy nhiên khi tiếp vị quốc khách, ông Chirac diện chiếc cà-vạt có in dòng chữ « Liberté, Egalité, Fraternité » (Tự do, Bình đẳng, Bác ái – biểu trưng của nước Pháp, có nguồn gốc từ cuộc cách mạng Pháp 1789).

Trong thời gian lưu lại Pháp, ông Giang Trạch Dân có đủ thời giờ để hỏi phiên dịch xem dòng chữ ấy có nghĩa là gì.

Trước hôm lên đường về Bắc Kinh, Giang Trạch Dân nói với ông Chirac :

« Thưa ngài Tổng thống, như ngài thấy đấy, chúng tôi đã đặt mua 24 chiếc máy bay Airbus. Lần sau đừng đeo chiếc cà-vạt này nữa, chúng tôi sẽ mua bốn chục chiếc ! ».

Khi kể lại câu chuyện trên đây, tác giả Roger Faligot trong cuốn sách « Les services secrets chinois de Mao aux JO » (Cơ quan tình báo Trung Quốc, từ thời Mao Trạch Đông cho đến Thế vận hội Bắc Kinh) ghi nhận, Trung Quốc sử dụng các hợp đồng lớn để « nhử » rất hiệu quả lãnh đạo các nước phương Tây. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn có những lá bài khác.

…Mùa xuân năm 2007, cuộc chạy đua vào điện Elysée đang sôi nổi, thì tại đại sứ quán Trung Quốc ở đại lộ George-V, thủ đô Paris cũng có những cuộc họp khẩn. Từ nhiều tháng trước, đại sứ đã nhận được lệnh phải theo dõi chặt cuộc song đấu giữa hai ứng cử viên Ségolène Royal và Nicolas Sarkozy. Bà Ségolène Royal, cũng như ứng viên cánh trung François Bayrou đều đã nói rõ quan điểm là sẽ tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Họ chịu ảnh hưởng của ông Jack Lang, qua chuyến đi Trung Quốc ông đã đánh hơi thấy những khía cạnh không mấy lành mạnh của Olympic này.

Bầu cử Tổng thống Pháp vừa xong, hai chuyên gia tình báo của đại sứ quán Trung Quốc tại Paris vẫn phải làm việc không ngơi nghỉ. Tân Tổng thống có thái độ thân hữu với Bắc Kinh như người tiền nhiệm hay không ? Có tin đồn là ông Nicolas Sarkozy ủng hộ Đài Loan độc lập ? Hồi đầu năm ông Sarkozy đã gặp gỡ một số nhà ly khai, qua trung gian của các nhà Trung Quốc học ở Paris ?

Và nhất là, việc ông Bernard Kouchner được giao chức Ngoại trưởng phải chăng là một dấu hiệu tiêu cực, đối với hồ sơ Tây Tạng, cũng như lệnh cấm vận vũ khí từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn ?

Tuy nhiên tại Bắc Kinh, có hai nhân vật chính đã giúp cho Hồ Cẩm Đào hiểu rằng, cho dù tân Tổng thống Pháp có nhiều điểm tương đồng với ông George Bush, vẫn có thể tin rằng một thời kỳ mới đã mở ra.

Người thứ nhất là Đới Bỉnh Quốc, Phó thủ tướng đồng thời là người đứng đầu nhóm lãnh đạo công tác Ngoại sự Trung ương, và nhóm An ninh Quốc gia của Trung ương Đảng. Ông ta luôn theo dõi rất chặt những cuộc thương lượng với tập đoàn EADS về việc mua máy bay Airbus, và biết rất rõ là có thể quyến rũ Tổng thống, bằng cách giúp vị nguyên thủ xênh xang về nước sau chuyến công du với một hợp đồng khổng lồ (Cho dù một phần của hợp đồng đó đã được hứa hẹn từ thời ông Chirac, có rất nhiều điều khoản phụ, và luôn không phải là cam kết đặt hàng chính thức).

Người thứ hai là Chu Vĩnh Khang, Bộ trưởng Bộ Công an, sau đó trở thành ủy viên chính thức Bộ Chính trị, đã có quen ông Sarkozy khi ông còn là Bộ trưởng Nội vụ Pháp. Tháng 7/2006, ông Chu Vĩnh Khang đã đến thăm Paris và đề nghị sẽ siết chặt đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và khủng bố « trong khuôn khổ công tác chuẩn bị cho Thế vận hội 2008 », đồng thời trấn áp nạn nhập cư lậu.

Xưa nay vấn nạn người Trung Quốc nhập cư lậu vào Pháp vẫn là vấn đề hết sức nhức nhối đối với Paris. Theo tình báo Pháp, thì Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng lá bài nhập cư. Họ có thể làm ngơ cho luồng người nhập cư lậu tràn ngập, còn đối với các quốc gia được xem là « bạn bè » thì họ sẽ trấn áp để giảm bớt gánh nặng cho các nước này.

Kết quả là theo lời khuyên của các cố vấn, trái với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ George Bush, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không tiếp Đạt Lai Lạt Ma. Ông công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc, và đặc biệt là ông sẽ hiện diện trong buổi lễ khai mạc Olympic ngày 08/08/2008. Đổi lại, Trung Nam Hải cũng để cho ông nói lên một số bất đồng như là việc tái định giá đồng nhân dân tệ chẳng hạn, bla bla… Ông Sarkozy ra về với các hợp đồng đầy hứa hẹn cho Airbus và Areva trong tay.

Sau « ngoại giao bóng bàn », « ngoại giao gấu trúc »… «ngoại giao hợp đồng » quả là một thế võ vô cùng lợi hại của Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh châu Âu, Hoa Kỳ đang chao đảo vì nợ công !



dimanche 1 janvier 2012

Hoàng hôn của những tên bạo chúa


Cuối năm, dân mạng (bên Tây) kháo nhau, « dưới ấy » năm nay chật chỗ quá nhỉ. Nào Ben Laden, rồi Kadhafi, rồi mới đây lại có Kim Jong Il xuống nhập bọn.

Đại diện xứng đáng nhất của chủ nghĩa khủng bố là Oussama Ben Laden đã ra đi hết sức bất ngờ, rất « Hollywood », vào tháng 5/2011, gây kinh ngạc cho toàn thế giới, khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ bỗng nhiên « từ trên trời rơi xuống » diệt gọn. Tháng 10/2011 đến lượt Mouammar Kadhafi, cũng không kém phần ly kỳ (*). Nhưng đình đám nhất là khuôn mặt (đen) từ châu Á, Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên, như chúng ta đã biết.

Du lịch theo dấu vết « Người tình » của Marguerite Duras tại Việt Nam

Bài đăng : Chủ nhật 01 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 01 Tháng Giêng 2012 

Những người yêu thích tác phẩm « Người tình » (L’Amant ) của Marguerite Duras có thể làm một chuyến du lịch đến thăm những địa điểm trong phim và truyện, đồng thời khám phá khung cảnh sông nước miền Tây, bằng một chuyến du lịch đường sông, trên con tàu cũng mang tên « L’Amant ».

Như chúng ta đã biết, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mang tính tự truyện « Người tình » (L’Amant) của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras, đã đoạt giải Goncourt và dịch ra 43 thứ tiếng, được đạo diễn Jean-Jacques Arnaud dựng thành phim. Bộ phim này quay tại Việt Nam, bắt đầu khởi quay từ năm 1986, đến năm 1990 mới hoàn thành.
Tác phẩm kể lại câu chuyện tình của một thiếu nữ Pháp 15 tuổi, với một thanh niên người Việt gốc Hoa giàu có, từ một cuộc gặp gỡ bất ngờ trên chuyến phà Vĩnh Long – Sa Đéc. Đây cũng là chuyện tình của tác giả với ông Huỳnh Thủy Lê, thuộc một gia đình đại điền chủ ở Sa Đéc.
Tàu du lịch "L'Amant" (DR).
Kể từ năm 2009 đến nay, những người yêu thích tác phẩm « Người tình » có thể làm một chuyến du lịch đến thăm những địa điểm trong phim và truyện, đồng thời khám phá khung cảnh sông nước miền Tây, bằng một chuyến du lịch đường sông. Công ty du lịch Long Giang ở Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các tour du lịch trọn gói ba hoặc năm ngày, trên con tàu cũng mang tên « L’Amant », thu hút nhiều khách du lịch từ các nước, đặc biệt là khách Pháp.
Anh Nguyễn Minh Hùng, nhân viên công ty Long Giang cho biết thêm chi tiết về tour du lịch này :
Ông Nguyễn Minh Hùng - Thành phố Hồ Chí Minh
 
01/01/2012
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 tags: Du lịch - Pháp - Phỏng vấn - Văn hóa - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120101-qh-yvpu-gurb-qnh-irg-=25P2=25NO-athbv-gvau-=25P2=25OO-y=25R2=2580=2599nznag-phn-ah-ina-fv-cunc-znethrevgr-qhenf-gn

samedi 31 décembre 2011

Hoàng hôn của những tên bạo chúa

Dân chủ và thị trường trước thử thách của năm 2012


Bài đăng : Thứ bảy 31 Tháng Mười Hai 2011 

Sau một năm 2011 nóng bỏng, các trang sử đang còn được viết dở dang như các cuộc cách mạng Ả Rập, và đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, cho thấy năm 2012 cũng sẽ một năm bão táp. Dân chủ và thị trường lại sẽ song hành khắp chốn, nhưng lại phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trước thềm năm mới, bài xã luận của Le Monde nhận định về « Dân chủ và thị trường trước thử thách của năm 2012 ». Tờ báo nhắc lại lý thuyết của hai nhà tư tưởng Mỹ vào cuối thế kỷ trước, cho rằng với việc toàn cầu hóa, dân chủ và thị trường sẽ song hành với nhau khắp nơi trên thế giới. Nhưng sau một năm 2011 nóng bỏng, các trang sử đang còn được viết dở dang như các cuộc cách mạng Ả Rập, và đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu, cho thấy năm 2012 cũng sẽ một năm bão táp. Dân chủ và thị trường lại sẽ song hành khắp chốn, nhưng lại phải đối mặt với nhiều thách thức.

vendredi 30 décembre 2011

Tàu Vinalines Queen chìm, 22 thủy thủ khó có cơ may sống sót

Bài đăng : Thứ sáu 30 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 30 Tháng Mười Hai 2011 
Chiếc tàu Vinalines Queen bị mất tích từ hôm 25/12, đến hôm nay được khẳng định là đã bị chìm tại vùng biển gần đảo Luzon của Philippines. Một thủy thủ được tàu Anh cứu sống, 22 thủy thủ còn lại có nhiều khả năng đã tử nạn. Hãng thông tấn AFP trích nguồn tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết như trên. RFI Việt ngữ phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Phương, trưởng phòng Phối hợp Cứu nạn của Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam.

Theo Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam, thì vào lúc 10 giờ 30 sáng nay 30/12 (giờ Việt Nam), tàu London Courage đang trên đường đi Singapore đã phát hiện được thủy thủ Đậu Ngọc Hùng của tàu Vinalines Queen đang trôi dạt trên biển. Sau khi được tàu Anh vớt lên, thủy thủ này cho biết tàu đang chạy thì bị nghiêng về bên trái và chìm luôn, chỉ một mình anh may mắn leo lên được phao cứu sinh, còn lại toàn bộ thủy thủ đoàn đã bị chìm theo tàu.

Bắc Triều Tiên: Không thay đổi, không đối thoại với Hàn Quốc

Bài đăng : Thứ sáu 30 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 30 Tháng Mười Hai 2011 
Hôm nay (30/12) Bình Nhưỡng đã lên tiếng cảnh báo trước thế giới là chính quyền của tân lãnh tụ Kim Jong Un sẽ không thay đổi chính sách, và cũng không có ý định đối thoại với chính quyền Seoul. 

Hãng thông tấn chính thức KCNA trích dẫn thông cáo của Hội đồng Quốc phòng, cơ quan quyền lực nhất Bắc Triều Tiên, nói rằng: « Chúng tôi long trọng và tự hào tuyên bố với các nhà lãnh đạo chính trị ngu xuẩn trên thế giới, kể cả chính quyền bù nhìn Hàn Quốc, đừng hòng chờ đợi một sự thay đổi dù nhỏ nhất từ phía chúng tôi ».

Trên 300.000 người Syria biểu tình chống chế độ

Bài đăng : Thứ sáu 30 Tháng Mười Hai 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 30 Tháng Mười Hai 2011 
Hôm nay (28/12) trên 250.000 người đã biểu tình chống chế độ tại tỉnh Idleb ở miền tây bắc Syria, và trên 60.000 người khác xuống đường tại Douma thuộc ngoại ô thủ đô Damas, theo con số của tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (ODSH). Các cuộc biểu tình diễn ra trong lúc các quan sát viên Liên đoàn Ả Rập đang được triển khai tại năm địa phương có phong trào phản kháng chống chính quyền Assad.

Tại tỉnh Idleb, những người chống chính phủ đã tập hợp lại sau buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu hàng tuần, ở 74 địa điểm khác nhau. Riêng tại hai thành phố Khan Cheikhoune và Saraqeb thuộc tỉnh này, trước tin các quan sát viên Ả Rập sắp đến giám sát, các xe tăng của quân đội Syria đã được lệnh rút lui và các xe chở lính được sơn lại màu khác.