samedi 3 août 2024

Trần Thanh Cảnh - Nhân vật lịch sử Nguyễn Phú Trọng

Quốc tang đã kết thúc một tuần. Ông Nguyễn Phú Trọng đã được mồ yên mả đẹp. Từ giờ trở đi, ông đã là một nhân vật của lịch sử. Và cũng như mọi nhân vật lịch sử khác, ông sẽ phải chịu sự phán xét của...chính lịch sử!

Nhưng khi còn sống, ông có vị thế của một "đấng quân vương", quyền lực bao trùm không gian chính trị nước Việt. Nên để đánh giá đúng về ông, cần phải có một độ lùi nhất định về thời gian và không gian. Chỉ có thế, người ta mới nhận chân được những gì ông làm khi còn sống, lợi hay hại cho dân tộc, đất nước Việt Nam. Mọi đánh giá về ông, đặc biệt là những vấn đề "vĩ mô" ngay lúc này, rất dễ rơi vào sự vội vàng, thiển cận...

Tuy nhiên, với tư cách của một nhà văn viết truyện lịch sử. Và dưới góc nhìn khá bình tĩnh của một người quan sát, tôi có một số nhận định cá nhân ban đầu như sau, xin chia sẻ với mọi người:

1- Về mặt đạo đức cá nhân, ông Nguyễn Phú Trọng thực sự trong sạch, liêm khiết. Ông đúng là "cần kiệm liêm chính chí công vô tư". Một ông quan thanh liêm đúng nghĩa. Những đồn thổi về đời tư của ông rằng có "ăn" ở chỗ nọ, chỗ kia cho đến lúc này đã bị thực tế bác bỏ hết. Ông thực sự là một người trong sạch, gương mẫu theo đúng chuẩn mực của thế hệ những người cộng sản đầu tiên.

Về gia đình, có lẽ ông là một tấm gương sáng của sự "tề gia"! Vợ, con ông đều thể hiện sự giản dị và đúng mực theo phong cách của ông. Các con ông đều chỉ là những công chức bình thường, khác hẳn với tất cả mọi quan chức của chế độ từ cỡ trung trở lên: hễ lên chức là vun vén sắp đặt ghế ngồi cho con cháu, người thân! Có lẽ ông cũng là người duy nhất và cuối cùng thực hành: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ"!

2- Ông là một người cộng sản trong sáng theo lý tưởng cuối cùng còn sót lại, của một thế hệ đảng viên cộng sản thực lòng tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng, con đường mà mình chọn. Đúng hay sai không bàn ở đây. Ông cũng là nhà Lý luận cuối cùng của Đảng cộng sản Việt Nam. Sau đây, sẽ không thể xuất hiện một người nào như ông nữa. Lịch sử đã sang trang!

Nhưng, việc "kiên định chủ nghĩa Mac- Lênin" đến mức hầu như "bảo thủ" của ông, sẽ để lại những hệ lụy gì?

3- Với vai trò đứng đầu quốc gia hơn chục năm (2011- 2024), di sản đối ngoại với chiến lược ngoại giao cân bằng, mềm dẻo như "cây tre" do ông chủ trương đã mang lại nhiều thành tựu nổi bật. Mà nổi bật nhất là nâng cấp quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" với Hoa Kỳ. Trong đó việc: Hoa Kỳ công nhận tính chính danh của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong việc cầm quyền lãnh đạo đất nước, là một bước ngoặt căn bản. Và việc cân bằng quan hệ tay ba: Trung Quốc-Việt Nam-Hoa Kỳ, rất đáng ghi nhận. Trong một thế giới đầy bất ổn, chiến tranh xảy ra ngay tại cả lòng châu Âu, thì việc giữ gìn được môi trường hòa bình phát triển là một thành tựu to lớn.

4- Kinh tế xã hội còn nhiều vấn đề. Nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, nền kinh tế đã có tiến bộ, tuy không được như kỳ vọng. Nhưng sự tiến bộ là có. Các chính sách đối nội mà ông chủ trương, càng cần có thời gian mới biết được tác dụng [hay hệ lụy] của nó đến đâu.

5- Công cuộc "đốt lò" và những hệ quả của nó nhiều hơn suy nghĩ, thậm chí có khi chính ông cũng không ngờ hết:

- Tầng lớp bình dân, dân nghèo ủng hộ và hân hoan: với việc trừng trị những quan chức cấp cao và những kẻ "tay to", người dân thường có cảm giác mình đang được bảo vệ.

- Lột trần bản chất tham nhũng của tầng lớp quan chức chế độ: Căn bệnh trầm kha không thuốc chữa.

- Sự thất bại của "đốt lò": Rõ ràng, nếu mục đích của "đốt lò" chỉ là chống tham nhũng, công cuộc ấy đã thất bại. Tham nhũng không giảm đi, mà còn phát triển, vụ sau càng lớn hơn vụ trước!

- Hệ thống trì trệ: do sợ vào lò, cả bộ máy hầu như ngưng đọng, không dám làm gì, quyết gì. Nhưng, vẫn hành dân và "ăn" như vẫn! Còn tệ hơn nữa kia: ăn, mà không làm!

- Và, một loạt những câu hỏi nữa nảy ra từ đây: Mục đích thực sự của "đốt lò," là gì: chống tham nhũng? Giáo dục cán bộ đảng viên? Thanh trừng phe phái? Hay còn mục đích sâu xa nào nữa phía sau...

6- Những điểm "mờ", cần phải có thời gian để sáng tỏ:

- Việc chọn người kế nhiệm: thất bại hay thành công?

- Định hướng chiến lược phát triển lâu dài cho đất nước: có hay không, đúng hay sai?

7- Tại sao Nguyễn Phú Trọng?

Điều gì đã đưa một "anh học trò mặt trắng", chưa từng thử lửa trong hai cuộc chiến chinh như hầu hết những người đồng thời, lại âm thầm vượt qua tất cả để chiếm lĩnh đỉnh cao nhất của vũ đài chính trị nước Việt? Và trở thành một vị Tổng bí thư có quyền lực nhất?

Để trả lời câu hỏi này, có lẽ sẽ phải cần những công trình nghiên cứu khoa học lịch sử, chính trị nghiêm túc dài hơi mới lý giải đầy đủ được...

Nếu ở một nước có nền báo chí tự do dân chủ, mọi thông tin về hoạt động của các nhà chính trị hầu như công khai hết, nên người ta có thể dễ dàng đưa ra nhận định về các nhân vật khi họ từ trần, hoặc thậm chí chỉ là kết thúc sự nghiệp. Nhưng với đặc điểm chính trị ở Việt Nam, báo chí không đóng được vai trò "thông tin sự thật khách quan", mà chỉ làm chức năng "tuyên truyền" định hướng là chính, nên mọi hoạt động của các chính khách hầu hết trong bức màn bí mật.

Vậy nên phải cần có thời gian để các tài liệu được giải mật, bức màn được vén lên. Khi đó bức chân dung hoàn chỉnh về các nhân vật lịch sử đương đại sẽ trở nên chân thực hơn. Và những sự đóng góp [hay ở chiều ngược lại] cho tiến bộ xã hội sẽ rõ ràng.

Nhưng dù thế nào, ông Nguyễn Phú Trọng đã là nhân vật ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử nước Việt những năm đầu thế kỷ 21. Còn như đã nói ở trên, tầm vóc và sự đóng góp của ông đến đâu cho sự phát triển của đất nước, cần phải có độ lùi [không gian & thời gian], mới có thể minh định được. Nên chúng ta yên tâm mà chờ thôi.

Bởi,

     Lịch sử luôn rất công bằng!

TRẦN THANH CẢNH 03.08.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.