Tam nông. Nhà nước có quan tâm đến nông thôn không? Nói ngay, có. Ngay cả thời họ thực hiện mô hình hợp tác xã nông nghiệp từ thập niên 60 đến 80 phá gần nát kinh tế nông thôn, thì bộ mặt nông thôn vẫn có thay đổi, nhưng rất chậm.
Vài con đường liên xã trải đá, mấy hàng cột điện, sân gạch hợp tác, mái ngói trại chăn nuôi, cấy chăng dây thẳng hàng (ba cô đi cấy chăng dây, ba cánh áo gụ này, ba cây súng trường). Cào cải tiến sục bùn, cày 51 thay cày chìa vôi, giống lúa mới nông nghiệp 4, nông nghiệp 8, phun thuốc trừ sâu DDT, 666, Vofatoc, bèo hoa dâu, phong trào làm phân xanh (dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá).
Máy tuốt lúa đạp chân (sân kho máy tuốt lúa, mở miệng cười ầm ầm), trạm bơm nước, nhà trạm xá, hố xí 2 ngăn, trường học cấp 1 cấp 2, vài hộ lên được nhà mái bằng cốt tre, sáng trưa vang tiếng kẻng đi làm, tối đốt đèn măng xông ở sân hợp tác để chia thóc chia rơm…
Đó là hình ảnh đổi mới có thực của nông thôn mới ở miền Bắc. Sau này, nhà nước gộp thành 4 chữ, 4 tiêu chuẩn cơ bản: điện, đường, trường, trạm.
Đổi mới sinh động nhất chỉ trong văn thơ nhạc họa, do đám văn nghệ sĩ tưởng tượng vẽ lên. Kiểu như “dân có ruộng dập dìu hợp tác/lúa mượt đồng ấm áp làng quê”, “kìa dòng mương chảy, cầu đương bắc/lò gạch xây cao, đường thẳng tắp/bên này kho thóc nhà chăn nuôi”, “mái nhà ngói mới mái nhà thương/mái chợ xum xuê lại mái trường/ngói mới trăm nơi cùng cửa sổ/xây lên không khí những tòa gương”, “đều lộng hương thơm những cánh đồng hợp tác/chim cu gần, chim cu gáy xa xa/ruộng đoàn tụ nên người thôi chia cắt/đêm no ấm giọng chèo khuya khoan nhặt/lúa thêm mùa khi lúa chín về ta”… Nhiều lắm, ngâm đọc hát trên đài suốt ngày.
Ông anh tôi, ngày chưa đi bộ đội (năm 1969) đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 3 (lớp 10) ôn môn văn, đọc thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông… buột mồm, đèo mẹ, rặt lũ ăn tục nói phét. Lời buột miệng ấy phát ra trên thực tế nông thôn ngay chính làng tôi, xã tôi, huyện tôi kia, đang nghèo đói, vất vả, u buồn, rất ít sinh khí, đang được nhìn tận mắt, nghe tận tai kia, cần gì qua văn thơ.
Thời đó, bộ máy tuyên truyền của nhà nước (đâu nhiều như sau này), chỉ có mồm cán bộ tuyên giáo, báo Nhân dân, đài phát thanh luôn ca ngợi kiểu so sánh. Chẳng hạn nông thôn đã “ngói hóa” với bao nhiêu nhà ngói, tỉ lệ nhà ngói nhiêu phần trăm, các xã có điện chiếm bao nhiêu phần trăm… so với trước cách mạng tháng Tám. Cái gì thứ gì cũng so với trước năm 1945. Rất buồn cười.
Đừng thấy những “đầu tư” của nhà nước như thế cho nông thôn rồi khẳng định rằng nông thôn được ưu tiên chăm chút, được quan tâm đặc biệt. Xin thưa, những điện đường trường trạm ấy chỉ bằng phần rất nhỏ so với sự đầu tư cho đô thị, cho nơi nhà cao cửa rộng, nơi thành phố luôn sáng rực ánh đèn.
Ngay cả bây giờ cũng vậy, vẫn nhất bên trọng nhất bên khinh một cách đắc chí, ngạo nghễ, xem thường tam nông. Nhiều năm qua, có những ý kiến về sự chênh lệch đầu tư đường cao tốc ở miền Bắc và vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long. Xin thưa, nó cũng phần nào bắt nguồn từ cách đối xử với nông thôn, nông dân đã ăn vào não nhà cầm quyền.
Tôi nói thật, nếu không có những xé rào như rau xanh rau đỏ, khoán hộ, khoán chui, lén chia ruộng đất cho xã viên canh tác. Cứ kéo dài thêm “hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ” mươi năm nữa thì cái gọi là “nông thôn mới” được các văn nghệ sĩ đứng đầu là Tố Hữu ca ngợi sẽ chỉ còn làng quê tiêu điều xơ xác, giống như cái đêm tối như mực mà chị Dậu của cụ Ngô Tất Tố đã đâm đầu vào, thậm chí còn tệ hơn. Nhà nước, chính thể này cần phải cảm ơn nông dân bởi chính nông dân đã giúp họ mở mắt ra, chứ đừng tranh công đổi mới.
Còn nông dân, đối tượng thứ ba, và quan trọng nhất của “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) được đối xử ra sao? Xin coi kỳ sau.
(Còn tiếp)
NGUYỄN THÔNG 25.08.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.