Buổi sáng sau lễ khai mạc Olympic Paris 2024, bạn tôi - đang làm việc tại thư viện Jean-Pierre Melville khoe rằng bỗng rất nhiều độc giả tuổi teen tới mượn CD nhạc Pháp.
Bạn nói, đây là một hiệu ứng tích cực từ buổi lễ khai mạc vừa diễn ra. Cũng buổi sáng đó, khu chợ trời trong thành phố tôi sống râm ran hẳn lên, từ người mua đến người bán đều xôn xao bàn tán từng tiết mục.
Gia đình tôi buổi tối hôm khai mạc đã nín thở ngồi trước màn hình. Chúng tôi nín thở, trước hết vì sợ khủng bố, vì ngay trước đó đã có tin cảnh báo, sau nữa là vì thời tiết được dự báo mưa rất to. Nhưng suốt buổi lễ, điều khiến cả nhà tôi nín thở lại là những câu chuyện muôn màu muôn vẻ diễn ra trước mắt - khi đẹp đến nao lòng, lúc lại lố bịch, trào phúng, quá khích đậm chất Pháp.
Có lẽ cản trở lớn nhất đối với khán giả toàn cầu chính là những ẩn dụ đằng sau từng chi tiết nhỏ trong lễ khai mạc. Nhiều người cho rằng Thế vận hội Olympic là sự kiện chung của toàn nhân loại, nên không thể đòi hỏi khán giả phải có kiến thức hàn lâm để thẩm thấu chương trình. Điều này cũng nói lên phần nào sự kiêu hãnh của nước Pháp: hãy tìm hiểu về chúng tôi, yêu hay không tùy bạn.
Hình ảnh người phụ nữ ôm chiếc đầu của mình bên khung cửa sổ tòa nhà Conciergerie là Marie-Antoinette, hoàng hậu với lối sống xa hoa đã trở thành biểu tượng cho sự ngông cuồng không kiểm soát của tầng lớp quý tộc Pháp. Giây phút đó cũng vang lên giai điệu nổi tiếng của Cách mạng Pháp Ah! Ça Ira (Rồi sẽ tốt thôi!). Một màu hồng tỏa ra xung quanh tòa nhà Conciergerie, chính là nơi hoàng hậu bị giam giữ trước khi bị đưa ra chém đầu vào 16/10/1793. Vậy là không có thần chết nào cả. Hình ảnh biểu tượng về hoàng hậu Marie-Antoinette là một phần của câu chuyện Cách mạng Pháp, khởi đầu cho tuyên bố về giá trị tự do - bình đẳng - bác ái của quốc gia này.
Nếu để ý, khán giả sẽ thấy ca sĩ da màu xuất hiện khá nhiều, nổi bật nhất là màn biểu diễn của Aya Nakamura. Mấy tháng trước, khi có tin siêu sao R&B người Pháp gốc Mali Aya Nakamura sẽ biểu diễn tại Thế vận hội, một làn sóng phẫn nộ nổ ra, đặc biệt từ nhóm bài trừ người nhập cư. Họ cho rằng cô ấy "không đủ Pháp", thậm chí còn không biết nói tiếng Pháp đúng cách.
Nhưng ban tổ chức sắp xếp cho Aya biểu diễn ngay trước Viện Hàn lâm Pháp, nơi bảo vệ nhiệt thành "ngôn ngữ của Molière", cùng Lực lượng Vệ binh Cộng hòa, dàn nhạc của Hiến binh Quốc gia. Đây là một ý tưởng táo bạo. Trước Viện Hàn lâm Pháp, Aya đã hát một đoạn nhạc có lời thế này "Chắc tôi phải sửa lại ngôn từ của mình thì họ mới hài lòng, phải dùng ngôn ngữ Moliere cơ!". Màn biểu diễn chính là một tuyên ngôn về sự cởi mở, hiện đại ở nước Pháp đa văn hóa ngày nay.
Bên cạnh màn nhạc Pop rất "đời" của Aya, khán giả lại được thấy nghệ sĩ da màu Axelle Saint-Cirel đứng trên nóc Cung điện lớn ngân vang quốc ca Pháp La Marseillaise theo phong cách opera, trong y phục mang màu cờ nước Pháp do nhà mốt Dior thiết kế. Axelle là ca sĩ nhập cư, chưa có nhiều tiếng tăm ở Pháp. Sau buổi biểu diễn, nhiều tờ báo đăng tiêu đề: "Axelle Saint-Cirel, người đã hát quốc ca Pháp trong lễ khai mạc Olympic Paris 2024, là ai?"
Thế kỷ này, thế giới vẫn còn nói nhiều về bình đẳng giới, về nữ quyền. Để thể hiện sự ủng hộ bình đẳng giới, tại Olympic Paris, những bức tượng của phụ nữ Pháp từ nhiều thời đại đấu tranh cho nữ quyền đã xuất hiện, gồm tượng của Gisèle Halimi - luật sư đấu tranh cho phụ nữ; triết gia - nhà văn Simone de Beauvoir; nhà nữ quyền vô chính phủ Louise Michel; và Simone Veil, cựu bộ trưởng, nghị sĩ, người sống sót sau thảm họa diệt chủng, người đã chiến đấu quyết liệt chống lại đảng Bảo thủ để hợp pháp hóa việc phá thai vào năm 1975.
Nhưng cũng có những người đã bỏ qua những chi tiết đầy cởi mở và mang nhiều giá trị gắn kết sắc tộc, văn hóa này, chỉ để phản đối màn biểu diễn của những drag queens - nghệ sĩ thuộc cộng đồng LGBT. Tận ba, bốn ngày sau lễ khai mạc, người ta vẫn còn tranh cãi xem bức tranh nào đã được tái hiện...
Đối với chúng tôi, màn biểu diễn thể hiện một phong trào văn hóa mới. Tôi hỏi cô con gái 17 tuổi nghĩ thế nào về tiết mục drag queen, con bảo con không thích lắm, không phải gu của con nhưng con thấy không vấn đề gì, chương trình thêm phong phú đặc sắc thôi, lễ khai mạc đâu chỉ dành riêng cho con. Là một người mẹ, tôi thấy vui vì con có cái nhìn cởi mở, bao dung và tươi sáng.
Thế giới luôn chuyển động, công nghệ thay đổi, đời sống thay đổi, văn hóa cũng sẽ dịch chuyển. Có thể sự dịch chuyển văn hóa này chưa phù hợp với mỹ cảm một số thế hệ, nhưng không có nghĩa là nó không có đời sống riêng và không thể tiếp tục phát triển. Trên thực tế, drag queens không phải là hiện tượng mới lạ, mà đã có lịch sử lâu đời trong nhiều nền văn hóa dưới các hình thức khác nhau, từ các buổi diễn thời kỳ Elizabeth ở Anh, nơi đàn ông thường đóng vai nữ, cho đến Kabuki ở Nhật Bản hay Kinh kịch ở Trung Quốc.
Ngày nay, hoạt động văn hóa drag queen thể hiện tính đa dạng và bao dung của xã hội hiện đại. Chúng khuyến khích sự chấp nhận và tôn trọng những khác biệt về giới tính và bản dạng. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng, nơi mọi người đều được tôn trọng và có quyền thể hiện bản thân. Nghiên cứu từ Robert D. Putnam, giáo sư tại Đại học Harvard (2007) chỉ ra rằng những xã hội chấp nhận và khuyến khích đa dạng văn hóa thường có xu hướng hạnh phúc và sáng tạo hơn. UNESCO cũng đã công nhận nhiều nghệ sĩ drag như là những đại sứ văn hóa, giúp thúc đẩy sự đa dạng và bảo vệ các giá trị văn hóa.
Cuối cùng, màn thắp ngọn đuốc Olympic thực sự là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng, theo phong cách Jules Verne. Trước đây, ngọn lửa Olympic được thắp sáng bên trong sân vận động, nhưng người Pháp quyết định cho "ngọn lửa" bay lơ lửng trên Thành phố Ánh sáng, để tỏ lòng kính trọng với những người tiên phong trong ngành hàng không Pháp, anh em nhà Montgolfier, những người phát minh ra khinh khí cầu. Chuyến bay khinh khí cầu đầu tiên diễn ra vào năm 1783, tại Jardin des Tuileries, ở cùng địa điểm.
Lần này, công ty điện lực EDF của Pháp đã tạo ra ngọn lửa không cháy mà chiếu sáng, bằng nước và ánh sáng, thể hiện cam kết của Pháp đối với quá trình chuyển đổi xanh.
Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 có những hạt sạn, đã được báo chí chỉ ra, và Ban tổ chức cũng đã xin lỗi nếu ai đó cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng sẽ không công bằng nếu đó là tất cả những gì được nhớ đến về sự kiện này.
Trong một xã hội với tinh thần, tự do, bình đẳng, bác ái, không một ai, không một nghệ sĩ nào bị lãng quên, dù người đó già hay trẻ, hàn lâm hay đại chúng, béo hay gầy, da màu hay da trắng, giới tính thông thường hay giới tính đặc biệt. Theo các nhà tổ chức, mục đích của việc này là "truyền bá tinh thần Olympic, thấm nhuần tình hữu nghị và đoàn kết, mời gọi thế giới đến với nhau sau sự kiện này". Có lẽ chính vì thế, để kết thúc, Ban tổ chức đã chọn ca khúc Ca tụng tình yêu để cất lên bằng tiếng tiếng hát của Céline Dion.
Lễ khai mạc Olympic Paris là một dịp nhắc lại rằng, thế giới vẫn còn quá nhiều khác biệt, ngay cả khi người ta dường như nỗ lực làm gì đó để góp phần xóa mờ sự khác biệt.
Nhưng tôi nghĩ, thế giới còn lại gì nếu không còn tình yêu và sự sẻ chia, giữa người và người, với nghệ thuật, với những điều mới mẻ?
Tình yêu và sự sẻ chia sẽ giúp con người vượt lên những tị hiềm, khác biệt, để nhìn sâu hơn vào những thông điệp bao trùm, để gắn kết và yêu thương; thay vì chia rẽ bởi các chi tiết phân mảnh, thoạt tưởng như là cười cợt và báng bổ.
NGÔ THỊ PHƯƠNG LÊ (VnExpress 31.07.2024)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.